Truyện ngắn
Thế trận linh xà
15:42 | 09/12/2008
TRẦN HẠ THÁP1/ Trong một lần lên Tây nguyên đã lâu... Câu chuyện dọc đường vẫn làm tôi thao thức mãi. Đấy là lần xe hỏng. Lùi lại Quy Nhơn hoặc tiến tới thị xã Plây Ku đều phải mất nhiều tiếng đồng hồ. Bấy giờ, chỉ mới tắt mặt trời nhưng không hy vọng tiếp tục cuộc hành trình. Mọi hành khách đành phải qua đêm ở lưng chừng đèo An Khê...
Thế trận linh xà

Nơi đây gần như hoàn toàn hoang vắng. Chỉ thấy lau lách ngàn xanh, chập chùng núi dựng. Cảnh vật vừa âm u vừa hùng vĩ. Không phải bận bịu hàng hoá gì trong xe, tôi thong thả bước xuống giữa gió chiều lồng lộng. Ngày xưa... từng là chỗ bí mật luyện quân của người anh hùng áo vải đất Tây Sơn. Nguyễn Huệ. Ráng đỏ trời chiều tưởng như oai linh còn hiển hiện đến bây giờ.
Có tiếng động lạ lùng khó hiểu đâu đây. Thì ra, là tiếng... lạc bò. Một khoảnh đất rộng, khá bằng ẩn bên sườn đèo. Đàn bò chừng dăm, mười con đang bình thản tới lui gặm cỏ. Từng vỏ lon bia bị bóp méo một đầu, đeo ở đùi mỗi con. Bên trong thả cuội sỏi gì đó, khi lúc lắc loại lục lạc này vang lên âm thanh khô khan gây chú ý từ xa. Đây rồi... Một ông già đen điu rắn chắc ngồi lặng lẽ sườn non. Một cây roi quăn queo và chiếc nón rộng vành để ngửa...

Thấy tôi tìm cách lại gần, ông già gật gù:
 - Xe cậu ngoài kia. Xe hỏng?
 - Vâng. Chào cụ.
Tôi tìm tảng đá, ngồi gợi chuyện cho qua thời giờ. Ông cụ chừng bảy mươi rất mạnh và cô độc. Tôi nghĩ, một nơi thế nầy quá buồn. Ông cụ ít nói, có lẽ năm thì mười hoạ gặp người lạ chuyện trò nên thế. Đến khi vừa nghe tôi tự giới thiệu vài câu chiếu lệ, về công việc mình đang còn theo đuổi... ông cụ bỗng sáng mắt lên và lộ vẻ vui mừng rất đột ngột:
- Tôi rất mong gặp những người như cậu. Xin cậu... giúp tôi.
Chưa hiểu ông cụ muốn gì, tôi lại tần ngần nhìn quanh. Ông cụ lại nói ngay khiến tôi càng ngần ngại hơn vì sự thân mật sốt sắng này:
- Mời cậu về nhà tôi nghỉ lại hẵng hay. Bây giờ thì xe chưa thể chạy được đâu. Sáng mai liệu không để cậu trật chuyến là được. Cứ tin tôi đi. Không việc gì bất trắc cả. Nhà tôi ở... trạm nghỉ của nhân viên quản lý đường đèo An Khê này đó. Gần đây thôi. Mái lá kia kìa...

Thấy tôi vẫn im lặng, nét vui biến mất trên khuôn mặt ông cụ. Không hiểu sao, tôi lại nhận lời nhưng thật tình bày tỏ:
- Không phải lo gì, thưa cụ. Chỉ vì chuyện gì đó của cụ chưa biết rõ làm sao hứa giúp? Vả lại việc viết lách báo chí như cỡ cháu chỉ là hạng xoàng. Nhưng,thì thôi.Cũng đến cụ vậy. Cứ coi như được tá túc nhà cụ đêm nay. Xin cảm ơn cụ trước.
Trở lại xe báo cho mọi người đồng hành xong, tôi đeo xách tay nhẹ nhàng lên vai đi theo ông cụ chăn bò. Loong Koong... Loong Koong... Hướng thấp dần vào thung lũng ẩn khuất, cỏ lau xào xạc. Tiếng chân của người và thú bên nhau dồn dập đìu hiu. Núi vòi vọi vây quanh trùng điệp với lối mòn đất đỏ cheo leo. An Khê, nơi một thời ngoạ hổ tàng long.

2/ Con rể ông cụ là nhân viên trạm đèo vùng này. Là một trạm nghỉ tạm thì đúng hơn. Ông cụ cho biết thực ra nhà của họ dưới chân đèo chứ không phải ở đây. Công việc cụ được tập thể trạm giao cho là phát triển chăn nuôi. Loại kinh tế linh động, tận dụng môi trường đặc biệt vùng đèo. Dăm mười hôm cụ mới về thăm nhà một bận. Khi nghe tôi tỏ ý ái ngại về sức khoẻ người già như cụ lại phải lên xuống núi mỗi ngày - quả là công việc khó khăn... ông cụ bấy giờ rất vui, nói như đùa:
- Trẻ mỏ luyện... quyền. Già leo núi. Không đổ chút mồ hôi ăn cơm không biết ngon. Các cậu ngày nay - Ông cụ phá ra cười, bỏ lửng câu nói thật lâu. Hình như không tiện với kiểu nói ấy, ông cụ bỗng nghiêm nghị hơn - Tuy chăn bò tập thể trạm để làm vui, nhưng mà riêng tôi, còn thêm một ý nghĩa rất... thiêng liêng, vẫn canh cánh bên lòng. Thật đấy.

Trạm vắng người. Qua loa xong bữa tối đạm bạc thì trăng hiện ra đầy huyền ảo giữa núi đèo. Ông cụ bước tới gian giữa thắp nén nhang cắm vào liếp phên. Ba róng cây chắc nịch, gác ngang làm giàn treo bỏ đồ đạc. Bên trên có tấm vải điều đã quá cũ, bạc màu. Trịnh trọng vái xong mấy vái, ông cụ cẩn thận cất tấm vải đi. Hiện ra... Cái gì? Một phiến đá Thanh lớn nhưng đã... vỡ thành mấy mảnh. Tất cả chúng được đặt khớp vào nhau theo thứ tự nguyên hình. Phiến đá chừng sáu tấc dài, bốn tấc rộng, dày non tấc hơi mảnh mai theo hình khối hộp. Viền khung được tạc chung quanh. Ở ngay giữa lòng nổi lên ba chữ Hán chạm chân phương nét vô cùng sắc sảo. “Linh Xà Miếu”. Đây là loại biển chữ bằng đá Thanh xa xưa. Vua chúa vẫn thường cho chạm trổ gắn vào tiền đường các kiến trúc tôn quý. Tôi nhẩm mãi... Để chắc rằng mình vẫn chưa hề nghe, đọc thấy về một ngôi miếu như thế này bao giờ cả. Niên đại nào? Ở đâu?

- Thì ra, cậu cũng đọc được tên miếu.
- Cụ thu giữ vật này làm gì? Bây giờ thì miếu ở đâu? Thưa cụ, nói thực kiến thức cháu cạn hẹp - Tôi lờ mờ đoán hiểu ý muốn của ông cụ - ắt khiến cụ lại nhọc công. Cháu chưa từng nghe, biết đến miếu này.
- Ồ, không - Ông cụ lắc đầu xua đi - Làm sao cậu rành được chuyện bí ẩn dòng họ Bùi nhà tôi. Cậu chỉ nghe là... đủ. Là coi như giúp tôi. Còn tin hay không tuỳ cậu. Ngày xưa... Chừng vào thời Hậu Lê. Dòng họ Bùi nhà tôi vốn từ một tỉnh phía Bắc vào đây.

3/ Cụ tổ họ Bùi di cư vào nam sinh cơ lập nghiệp. Cụ chỉ ở quanh quẩn vùng đất ngày nay là Bình Định - Quy Nhơn. Đến cụ tổ đời thứ hai sinh toàn gái, sau mới có một út trai nối dòng. Đời thứ nhất đốt than quá vất vả. Cụ tổ đời thứ hai chuyển sang nghề buôn muối biển lên rừng, đổi lấy hàng hoá đem về. Thời bấy giờ không phải ai cũng làm được việc nầy vì không chỉ gian lao mà còn vô cùng nguy hiểm. Cọp dữ đã nhiều, giặc cướp còn nhiều hơn. Bà cụ tổ đời thứ hai là gái Bình Định, võ nghệ rất cao cường. Khi lấy chồng, bà chọn nghề buôn muối để mưu sinh.
Mỗi chuyến đi thường nửa tháng xa nhà. Khác với người ta, họ đem theo cậu út trai khi vừa lên chín tuổi. Cụ tổ Út, khi ấy đã tạm thông thạo vài thứ côn quyền nhập môn. Các cụ đem theo con để khỏi nhớ, đồng thời gọi là khỏi trễ nải việc truyền nghề bên lưng. Đoàn buôn muối cứ thế... Một thời chẳng biết sợ ai. Cuộc làm ăn ngày càng nên sự nghiệp.

Đó là lúc Chúa Nguyễn ở Đàng Trong bị quyền thần Trương Phúc Loan làm hại. Dân tình ta thán. Giặc cướp như ong.
Một hôm, đoàn buôn muối qua đây - nay là đèo An Khê - thì phát sinh sự cố. Hai kẻ đón đường xuất hiện, đưa ra thách thức hết sức lạ lùng buộc các cụ phải bỏ đường buôn. Hễ bất kỳ ai, dùng vũ khí nào... họ vẫn tay không giao đấu. Miễn thắng được cứ ngang nhiên qua lại. Nếu không, cấm lai vãng từ đây! Cụ tổ họ Bùi rút đao nhảy ra nhưng chỉ chớp mắt bị kẻ ấy cướp lấy đao lập tức. Kinh hoàng, bà cụ tổ ra tài múa roi vùn vụt xông lên. Vẫn không hạ được con người ấy. Ngược lại, hắn không làm gì đoạt nổi ngọn roi gia truyền. Tưởng chỉ có vậy, bà ngừng tay cười bảo như chẳng có việc gì:
- Chưa thắng được nữ nhi, nam nhân cứ kể là... thua cuộc. Mau tránh đường ra, ai lo phận nấy. Đừng trái lời giao ước.
Tên chận đường này quay sang người đi theo nãy giờ vẫn còn đứng lặng lẽ bên đường. Hắn cung kính thưa:
- Thuộc hạ e phải rút kiếm ra thôi, không thì bọn họ chưa phục. Thế thì trái lời thực. Xin Nhị gia ra tay thu phục một phen.
- Đúng lắm. Việc nhỏ chưa phục, ắt đại sự ít người tin. Kẻ đi bán buôn còn giễu cợt tất anh kiệt phải khinh khi rồi đó. Lui ra mau. Còn chư vị - Người ấy quay sang đoàn thương buôn - Ta một lời nói ra không hề thay đổi. Ai là người chưa phục, cứ việc bước ra. Ta cùng chư vị cũng đều dân nước cả. Kẻ có thế không lộng hành vô đạo. Người vô lực, chớ vì thế mà hèn mọn, a dua. Nếu không, vị tất xứng gọi kẻ anh hùng. Xin chỉ giáo...

Người ấy mặt chữ điền, mắt sáng, mày xếch ngược như cánh đại bàng đang bay. Giọng nói âm vang lồng lộng. Chỉ chờ có thế, bà cụ tổ múa roi xông vào quyết một lần sinh tử. Thật kinh hồn. Không thấy người ấy dùng thế võ gì, chỉ đảo người vài vòng thì ngọn roi đổi chủ. Bà cụ tổ tay không! Thất vọng, đoàn buôn muối đành phải quay về. Trước khi ra đi các cụ hỏi rằng:
- Xin để lại một vài lời. Mong nói rõ nguồn gốc võ nghệ, ắt về sau tất có ngày tái ngộ? Chúng tôi chỉ hận mình học nghệ chưa tinh.
- Hay đấy. Nghe đây. Ta chẳng phải quan binh, cũng không hề là giặc cướp đón đường mãi lộ. Xét các ngươi đều là võ sĩ, không ngờ chỉ biết đem công phu tổ truyền ra mưu cầu hai chữ “lợi, an” riêng lấy nhà mình. Đâu rồi? Những lời thề lúc bái tổ nhập môn. Vì nước quên thân, anh hùng thượng võ... Các ngươi vốn là chỗ nương nhờ của dân. Nay lúc cần, quay lưng miễn an ổn gia cơ là xong đấy phỏng? Thế cũng còn biết đến câu sĩ diện dám hỏi tên ta? Lập tức quay về nói lại lời này. Bảo, nếu ai đã coi là hào kiệt trong đời cứ đến chân núi này. Để xem thử là chân tài hay chỉ là giả mạo.Tuy cùng một môn phái Tây Sơn, nhưng rất khác với ta đấy. Các ngươi có biết đang làm tổn hại oai danh của môn phái đến nhường nào..? Nguyễn Huệ là danh tánh của ta. Mong các ngươi nhớ lấy lời này... Cáo biệt.

Về sau cụ tổ Út truyền lại rằng, trong khi người lớn uất ức nát cả tâm can, cụ là thằng bé con chẳng ai để ý, lắng nghe hai kẻ chặn đường kia to nhỏ cùng nhau. Người trước nói với người sau:
- Cái cơ thu phục nhân tài của Nhị gia quả thực là diệu dụng khôn lường. Đừng nói thuộc hạ mà ngay Đại gia hay Tam gia... e rằng không dám đảm đương. Kế “Khích tướng” chỉ chừng ấy cũng đủ khiến đại sự của chúng ta sớm được cáo thành. Nay mai...
- Thầy ta từng dạy bảo, ít Đức thì vị tất người Trí đã theo về. Còn kém Tài sao thu phục kẻ Dũng? Kế An Dân ở đó! Chỉ tiếc rằng người sớm vân du như hạc nội mây ngàn. Bao giờ lại được nghe lời giáo huấn?
Cụ tổ Út nói, võ nghệ con người ấy cao thâm đến độ khôn lường. Mà đến việc cơ trí, mưu lược... cũng không ai đoán nổi. Người có một không hai trong thiên hạ bấy giờ.

4/ Ấm nước sôi sùng sục. Ông cụ chăn bò dừng lại chế một bình trà. Nhang đã gần tàn nén trên gian thờ. Ông cụ lại đốt, lại vái. Tôi tưởng như không còn nhớ đến chiếc xe lỡ chuyến trên đèo. Câu chuyện đi vào hồn tôi bao giờ như gió cứ uốn lượn ngoài kia, trên những rừng lau dậy sóng.
.......Trên đường về Quy Nhơn, đoàn buôn muối chán nản vô cùng.
Nỗi hận, nỗi buồn đeo nặng.Cụ tổ họ Bùi đời thứ hai dừng ngựa.Với trách vụ của người trưởng đoàn, của người chồng, người cha, người môn sinh võ phái, cụ nói lời tối hậu:
- Ai giúp ta xoá được mối nhục này? Chỉ còn lấy cái chết để tạ tội không tròn được đạo nghĩa với anh em. Ý ta đã quyết. Sau này con phải đứng trên cha. Đừng để nhục, phải ghi nhớ lấy hôm nay. Một lời, xin bái biệt...
Mọi người sững sờ cúi mặt nhưng không hề ngạc nhiên vì lời báo tử ấy. Đất võ Bình Định có câu “Mất mạng còn danh. Mất mặt vô dụng”. Lời khuyên trong lúc này là xúc phạm. Để đúng câu “Anh hùng mã thượng”, cụ tổ đời thứ hai vẫn ngồi trên mình ngựa. Khi cụ rút đao nâng lên thì trời cũng đã về chiều...

Cụ tổ Út, bấy giờ còn nhỏ chưa thông luật lệ khóc run bần bật. Người  cha nổi giận quát mắng:
- Im ngay. Ta phải tạ tội để giữ sạch võ phái. Chết vinh, sống nhục.
- Đáng phục. Lợi, thì chia với mọi người. Lỗi, nhận thay cho tất cả không cầu an sợ chết mới là người võ sĩ chân chính. Biết tự nhận nhìn ra lẽ phải ấy là kẻ Trí. Khó, nhưng sửa được mới đáng gọi người Dũng trên đời. Hà tất phải uổng đi mạng sống. Buông đao xuống!
Đột ngột lời nói vang lên như một lệnh truyền. Một tiên ông ư? Kẻ đang bước ra từ sườn núi. Không. Đấy là cụ già quắc thước tướng mạo phi phàm, râu bạc chùng trước ngực, người phục sức như nông dân. Một cây trượng trúc kỳ dị, ngoằn nghoèo - hệt như đường uốn ở giữa “Vòng tròn Thái Cực”. Lạ lùng hơn, thân trượng trúc như dát bạc lấp lánh màu kim tuyến sáng chói lên trong tia nắng trời chiều. Đấy là một con rắn nhỏ đang quấn quanh trượng trúc.

Đoàn buôn muối giật mình nhìn nhau sửng sốt. Họ biết con rắn bạc ấy là một linh vật, tuy nhỏ bằng ngón út nhưng cực kỳ quý hiếm. Một loại Quốc bảo nước mà các vua Tàu từng ra sức chiếm đoạt...
Gọi là Kim Tuyến Linh xà hoặc Kim Tuyến xà hay ngắn gọn hơn là Linh xà cũng thế... Người đi núi nhiều năm cũng chỉ được nghe mà chưa tận mắt bao giờ. Sở dĩ gọi thế vì truyền thuyết bảo rằng, Linh xà không nọc độc. Ngược lại, còn có chất giải độc trong nước miếng rắn này. Bởi thế mọi nọc độc kinh hồn nhất đều trở thành vô dụng trước Kim Tuyến Linh xà. Chính nó là “Đại khắc tinh” của mọi loài độc vật chết người... Gặp nó, dù là Hổ mang Bành chúa cũng lập tức tránh xa. Từ ngàn xưa, ngườiTrung Hoa bắt dân Giao Chỉ cống nạp ngọc trai, sừng tê giác - đặc biệt nhất - Kim Tuyến Linh xà. Vì Giao Chỉ là nơi duy nhất trên thế gian linh vật này sản sinh và cư ngụ. Nó chỉ thích hợp thuỷ thổ của vùng rừng núi Trường Sơn đầy linh khí. Ai thu phục và nuôi dưỡng được Linh xà... Đấy phải là bậc kỳ nhân trong thiên hạ.
Vảy bạc của nó thay ra, làm bảo vật cứu mạng. Bất kỳ hổ mang, rắn rết cực độc nào cắn phải... chỉ cần đắp vảy vào đấy, vảy bạc hoá đen, lấy ra đem ngâm vào rượu tốt... vảy đen hoá... bạc như ban đầu. Kẻ đeo vảy trong mình ra vào hang động, tay không bắt hổ mang đều chẳng hề gì. Gọi là Linh xà Thần dược. Cứu mạng trăm người...

Các cụ tổ họ Bùi ngỡ ngàng nhìn người mới đến, biết là bậc kỳ nhân. Tất cả xuống ngựa thi lễ, cúi mình xin chỉ giáo. Cắm cây trượng trúc trước mặt mọi người - chỉ thẳng vào đấy - bậc kỳ nhân nói những lời chí cốt:
- Ngoằn ngoèo như thế kia, cũng là hình thể nước ta. Đấy là “Tượng” của Linh xà, tinh vi huyền diệu khôn lường. Nhờ vào đây, các anh hùng ngộ ra cách gìn giữ vững chắc sơn hà. Binh pháp đời Trần gọi là “Linh xà Trận pháp” hay “Thế trận Linh xà” cũng thế... Rất khác với “Trường xà trận” của binh pháp Trung Hoa (do Tôn Võ Tử sáng tạo ra, lừng lẫy thiên hạ từ thời Đông Chu ). Linh xà Trận pháp của nước ta rất uyển chuyển và vô cùng bí hiểm... Không hề bị phá vỡ vì lối dụng binh thần tốc, vũ bão của “Ưng trận” hay là Thế trận Chim Ưng, vốn là khắc tinh chuyên chế ngự Thế trận Trường xà, nhất là khi Trường xà biến hoá thành Trường xà Quyện địa.

Linh xà, tuy sống ở núi rừng nhưng sinh sản ở những miền cửa biển. Chính vì thế mà có đủ “Khí linh” của núi sông, thuỷ hoả... Nước Nam ta có hình thế như một “Đại Linh xà”, có Trường Sơn làm “Sống lưng”, lấy biển Đông mà vùng vẫy sinh hoá. Thế trận ấy trên đời không có chỗ thứ hai. Đó là hình thể hết sức đặc biệt. Uốn lượn linh động như “Lượn sóng nhấp nhô”. “Sức Nước chính là sức Dân” vậy.
Linh xà Trận pháp lấy núi để công, dựa nước mà thủ. Núi thì kiên cường, nhìn xa thấy rộng. Nước thì nhu hoà mà bền vững. Không ai phá nổi núi, vì núi tự bền.Chẳng thể ngăn xẻ nước, vì nước vốn tụ. Tổ tiên ta ngộ lấy Thế trận Linh xà có một không hai nầy mà bảo vệ đất nước đến bây giờ. Qua bao thăng trầm, bao tàn độc xâm lăng... của những kẻ thù cường bạo nhất... nước vẫn vượt lên mà trường cửu.

Bậc kỳ nhân nói tiếp:
- Nay đất nước đang hồi quốc nạn, ngoại bang lợi dụng dòm ngó không yên. Biết sự an nguy trong phút giây nầy là trọng, nên ta vân du khắp cõi trời tìm người đủ tài đức để bí truyền Linh xà Trận pháp... Nhân qua đây, gặp cơ duyên nói đôi lời chí cốt... Chư vị vẫn còn chấp mê chưa tỉnh ngộ? Võ học của cha ông để lại nhằm giúp dân, chống giặc, hà cớ gì đem dùng vì mưu lợi cá nhân? Nếu những lời nói của người đã chặn đường trên núi kia là đúng, là... lấy làm nhục nhã thì liệu có rút đao tự xử... Thế cũng đã để lại tiếng xấu muôn đời. Sống hay chết đi liệu rằng sẽ thay đổi được gì không? Cái tiếng “khi sư, diệt tổ”...

Tất cả đoàn buôn muối không biết tự bao giờ, đều đã quỳ xuống trước cây trượng trúc. Cụ tổ họ Bùi tâm hồn sáng tỏ, bái lạy tạ ơn xin chỉ cho con đường chính đáng. Thì ra Linh xà Trận pháp đã được trao truyền cho con người siêu quần... Nguyễn Huệ. Sau đó không lâu, tất cả đều trở thành nghĩa quân Tây Sơn. Nghe nói lại rằng, Nguyễn Huệ lập tức đến nơi thầy xuất hiện. Bậc anh hùng xúc động bái vọng giữa không trung, nói cùng chư tướng sĩ:
- Tuy lánh mặt nhưng thầy vẫn sống giữa lòng dân. Người... âm thầm giám sát, giúp đỡ, thử thách ta. Đệ tử nguyện đến hơi thở cuối cùng không để mai một đi lời dạy của thầy. Vì nước quên thân. Vì dân phục vụ.

Về sau, Quang Trung Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh. Xã tắc lại an bình. Thêm lần nữa, “Ưng trận” bị Thế trận Linh xà chế ngự. Sau khi ca khúc khải hoàn, Hoàng Đế
lập tức truyền cho dựng lên Linh Xà Miếu ở ngay tại nơi đã từng có trượng trúc quấn Linh xà xuất hiện. Hằng năm, vua thân chiêm bái. Kỳ lạ thay, từ đó mười dặm chung quanh miếu không tìm ra hổ mang, rắn độc. Tự mọc đầy cây thuốc trừ rắn là Bách - Xà - Thiện - thảo. Loài cây lá như rau “Răm”, có những đoá hoa nhỏ như nút áo, màu vàng đậm xinh xinh.

5/ Ông cụ ngừng kể. Tấm vải điều lại được nâng lên lưng chừng.
Mắt ông cụ chú mục nhìn vào khoảng... xa vời. Tôi kính trọng hồi ức của con người ngồi trước mặt. Gió đỉnh đèo An Khê vút qua như ngựa sải trên lau lách về khuya. Một đám mây bay qua. Trăng chìm vào trong vùng tối.
......Cho tới khi Gia Long lên ngôi... Linh Xà Miếu bị đập phá tan tành, tiêu vong tông tích. Ai lai vãng nơi nầy thì bị tội. Cụ tổ đời thứ ba, còn gọi là cụ tổ Út nghĩ ra cách giả làm tiều phu. Cụ lén thu lượm được mấy mảnh đá Thanh nầy, đem chôn vào nơi kín đáo. Dặn rằng, sau phải hàn gắn cho nguyên lành mà thờ phụng trong nhà. Riêng nền miếu ấy nên lai vãng để trông chừng. Mấy đời sau... có cách gì thuận tiện thời thế, là lúc cố tu bổ lại mà thờ. Quan trọng hơn, vẫn là ý nghĩa của Linh Xà Miếu. Con cháu không được quên, phải nhắc nhở lưu truyền câu chuyện ấy... Lời dặn dò, hết một đời thì bảo lại đời sau. Cứ thế. Đời cụ nội của lão chăn bò này - Cụ ấy là chắt gọi cụ tổ Út bằng ông cố - thì rời đất Quy Nhơn, ngài về dưới chân đèo An Khê này cốt gần nền miếu hơn để trông chừng cho thuận lợi. Cho đến hôm nay, lão chăn bò nầy đã có thêm đời con và đời cháu. Như vậy dòng họ Bùi kể từ khi vào lập nghiệp đã đến mười đời. Đều... nghèo cả. Hoá cho nên chỉ làm được có thế. Thật đáng buồn. Đời tôi... Sức tôi... chẳng còn bao lâu nữa. Lòng dạ xốn xang.

Ông cụ nói đến đây, đưa cánh tay xương xẩu quệt ngang khuôn mặt răn reo đầy những vết chân chim. Tôi xúc động không biết nói gì hơn:
 - Thì ra các cụ đều chịu... sống nơi đây vì lời di chúc của tổ tiên để lại. Đến từng ấy thế hệ vẫn không vì nghèo mà bỏ đi xứ khác.
- Cậu thấy rồi. Một công hai việc. Tôi xin chăn nuôi bò của tập thể Trạm đèo nầy để làm... vui. Để nhẹ đi phần nào gánh nặng con cái phải lo toan... Ngày nào hay ngày ấy. Ngoài ra, cái chính là để sớm hôm còn lai vãng với nền miếu ngày xưa... Những mảnh đá Thanh kia được cụ nội tôi quật lên, đem về nhà hương khói. Tôi mang theo để tạm nơi đây, tiện bề tưởng niệm. Mai chiều... Hết đời tôi thì giao cho thằng con cung thỉnh về nhà. Đấy... Cái nền Linh Xà Miếu chính là chỗ cậu với tôi gặp gỡ lúc ban chiều... Một khoảnh đất bằng cheo leo bên sườn đèo An Khê. Nơi ấy vẫn có thể tìm ra nhiều gạch đá xưa bị đập vỡ và vùi chôn bên dưới.

Bàng hoàng... Tôi nào ngờ, nhờ vào tiếng... lạc bò mà chân đã từng đặt lên nền Linh Xà Miếu. Trước mặt tôi là hậu duệ đời thứ tám của dòng họ Bùi. Cụ không làm người chăn nuôi theo nghĩa thông thường. Cụ đang chăm coi và lưu giữ linh thiêng. “Cảm ơn cụ” - Tôi thầm nói trong lòng. Dù văn hoá vật thể, có khi theo định luật thời gian mà tàn lụi nơi nào... Thì cứ vẫn còn những giá trị “phi vật thể” để bảo lưu, bổ khuyết. Miễn sao, còn những người như cụ. Những người thật đơn giản, vô danh thoạt tưởng như chẳng có gì... để nói, để bỏ chút thì giờ đồng cảm, lắng nghe...
- Cậu nghe xong câu chuyện dòng họ Bùi nhà tôi rồi đấy. Không có cơ hội nói ra, lòng tôi vẫn khắc khoải chưa yên. Dù sao, thì cậu cũng là người lấy chữ nghĩa viết lách làm trọng. Từng đã có vài người biết rõ câu chuyện này. Kết quả, họ đều cười tôi không giữ cái đáng tiền. Họ lấy làm bực mình, phiền toái khi đã phải tốn công sức ngồi nghe một người chăn bò... ngớ ngẩn như tôi.
- Nhưng đấy là ai? Họ có... ý kiến nào không. Thưa cụ?
- Có lẽ những kẻ chuyên bán buôn đồ cổ. Hoặc là người chỉ muốn tìm cơ hội cầu may. Nhìn thấy từng mảnh đá Thanh đã vỡ ra... họ vừa ý bảo nếu không, chẳng biết bên trong còn có bí mật nào? Họ chỉ mơ vàng bạc, hay gì đó miễn đem bán mua đắt giá. Họ không cần ý nghĩa cha ông.
Tôi chia sẻ nỗi lòng bằng một câu hỏi chẳng lấy làm hy vọng:
- Có khi chức trách, nơi thẩm quyền này nọ... sẽ giúp đỡ cụ không chừng. Nếu chịu khó đi... một vài nơi đâu đó?
- Chẳng ai tin những việc mà sách sử đến bây giờ không tìm ra căn cứ. Sẽ không có thời gian và... tốn kém cho các việc này. Đi lại nhiều nơi chỉ tổ phiền hà lắm khi... tai tiếng. Tôi muốn hương linh được yên nghỉ hơn là để các ngài bị xúc phạm vì thiếu sót đời sau. Nếu có sai lầm, tội lỗi ấy thuộc về ai... Các ngài hay chính của chúng ta? Thôi thế...

- Không đâu, thưa cụ. Lỗi ấy thuộc về cả một triều đại nối theo sau nhà Tây Sơn. Triều Nguyễn. Khi mà người viết sử làm quan. Họ có nhiệm vụ hiểu “chính đáng thay vì là chính xác”. “Chính” đồng nghĩa với đương triều. Còn “đáng” mà lắm khi chưa “xác”. Việc thực, vẫn rất có thể không “đáng” ghi vào, đôi khi còn cần nêu phủ nhận. Thế nhưng “đáng hay là xác” chỉ mới riêng quan niệm ở một Nguyễn triều kia. Bởi “lịch” thì luôn phải tiếp tục “trải qua” để xét soi, phê phán do nhiều thời đại khác về sau. Sử đúng nghĩa - ngoài chính sử từ các sử quan ấy - còn song hành phần “ngoại sử”, phần “truyện” để bổ khuyết gẫm suy và nhận định. Chính sử là chính đáng, song ngoại sử chẳng kém phần quan trọng với đời sau... Thưa cụ những lời kể và chứng tích đang có này... Nền miếu, đá Thanh kia. Kể cả cụ lẫn kẻ đang lỡ độ đường này... Đủ để làm nên nơi đây một thiên ngoại sử về ngôi Linh Xà Miếu. Vâng, thưa cụ. Dẫu chính sử đối với cụ không là chỗ còn trông mong gì nữa... Vẫn còn đây phần ngoại sử ngay trong con tim, khối óc. Nơi ấy không giấy tờ, không chữ nghĩa... Không cả đắn đo gì mà những kẻ viết chính sử kia thường canh cánh bên lòng... Phải thông cảm cho các sử quan cụ ạ. Đấy là những con người khốn khổ. Không như chúng ta, chỉ bận trí “công hay tội của triều đại” mà thôi. Họ đồng thời phải tự trả lời câu hỏi “công hay tội cho ngay chính bản thân mình”? Một câu hỏi không thể né tránh trước triều đại đang sống. Khác với câu hỏi từ phía lịch sử đơn thuần. Câu hỏi trước triều đại - dù chưa mang tính vĩnh cửu bao giờ - luôn khắc nghiệt vì không đợi kẻ viết sử nằm dưới nấm mộ sâu mới ban hành phán quyết về chức năng một con người từng cầm bút... Lẽ ấy, mọi ngành đều không thiếu vỹ nhân. Duy sử gia thì thưa cụ, thử hỏi có bao nhiêu Tư Mã Thiên ở dưới gầm trời...?

Ông cụ gật gù, trên mặt đã có lộ sắc vui. Tôi không dám coi thường những người như cụ. Không dám bỏ ngang lời tâm tư kia, hoặc bắt buộc lòng mình nói theo cách... để một người chăn bò thu nhận. Không. Vì ít ra chính tôi cũng đang tự nhắc nhủ bản thân mình. Rằng, mớ chữ nghĩa quá nhỏ bé mà tôi viết ra - chưa bao giờ ngờ nổi - vẫn còn được một người như cụ thật sự mong chờ và trân trọng. Một món nợ nặng trĩu không biết mấy linh hồn... Là tiếng kêu nghẹn tắt của chín, mười thế hệ. Hoàn toàn không đơn giản như hai bữa cơm rau để tôi cứ ung dung... rồi quên lãng.

6/ Kiếu biệt vào sáng hôm sau, tôi trở về xe đang khởi động trên đèo để ra đi. Ông cụ dậy sớm hơn. Bếp lửa bập bùng. Một bóng lặng lẽ ngồi bên ấm trà bốc khói. Đôi ba trái bắp nướng lót lòng. Hạt cứng to, hồng tím như màu “ba zan” muôn thuở nơi đây. Bên lối mòn lau lách xào xạc, đàn bò đứng đợi sẵn bao giờ lưng đẫm ướt sương đêm.
Cho đến khi yên vị chỗ ngồi, tôi vẫn thấy rõ hình ảnh cây roi toe tua ông cụ còn huơ huơ trong màn sương mây vây bủa. Xe chạy vào eo núi khác che khuất... Từ đó đến nay có một thứ tiếng mãi theo tôi, còn đeo đẳng bên lòng... Loong Koong... Loong Koong... Mười năm đã qua đi. Tôi chưa hề trở lại đất An Khê. Mười năm tôi lận đận theo đời. Vẫn dặn mình đừng để mất chút niềm tin nơi những người như cụ. Tự nơi lòng tôi còn món nợ qua đèo. Xin cụ cứ an tâm về ước vọng cao quý của đời mình.
Thưa cụ, nếu cụ còn sống - Tôi tin thế - khi đọc thấy những dòng này chắc cụ có chút ít vui lòng. Cảm ơn cụ đã tin tôi. Niềm tin mà tổ tiên cũng đã từng trao cho cụ.
 T.H.T

(nguồn: TCSH số 208 - 06 - 2006)

 

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Anh hùng di hận (09/12/2008)
Biếm họa (19/11/2008)