Truyện ngắn
Trang mới
09:27 | 05/03/2009
XUÂN ĐÀITôi làm đơn xin thôi việc, dù biết làm như vậy là phá vỡ hợp đồng đã ký kết với công ty. Tôi phải bồi hoàn. Là nhân viên kiểm toán, tôi không thể tiếp tục làm theo sự chỉ đạo của sếp, cộng tác với doanh nghiệp, đồng lõa với doanh nghiệp, sáng tác ra những con số ma để đối phó với thanh tra. Có tờ báo đã giễu cợt việc làm này là quân trộm cắp cộng tác với quân siêu trộm cắp, có lẽ nhà nước nên lập thêm công ty kiểm toán của kiểm toán.

Hôm trao quyết định cho tôi thôi việc, sếp không những không bắt bồi thường như hợp đồng hai bên đã ký kết mà còn tặng thêm một tháng lương. Đem chuyện lạ đời này về kể cho ba nghe, ba cười, bảo tôi còn quá đỗi ngây thơ. Sếp làm như vậy không phải xuất phát từ lòng tốt, thương người, ưu ái nhân viên trẻ, mà là sự tinh khôn của con cáo già bịt miệng con thỏ non. Con cáo già, từng trải thương trường, từng trải sự đời, sợ con thỏ non tố cáo với công luận thì hậu quả không biết đâu mà lường...
Ngồi ngẫm nghĩ những điều ba phân tích, tôi thấy cụ hoàn toàn có lý. Sếp ra chiêu đối phó chứ không có một chút lòng tốt nào ở đây cả. Hôm chào từ biệt các nhân viên trong phòng, có người nhìn tôi với con mắt thông cảm, đồng tình, nhưng cũng có những cái lắc đầu thương hại. Chỗ dựa duy nhất của tôi là ba. Ba đã về hưu. Ba bảo: xin thôi việc là con đã quyết định đúng đắn của một người có nhân cách. Ba không bao giờ bỏ mặc con, ba sẽ thu xếp thời gian, gặp những người bạn đang chức đang quyền, để tìm việc làm đúng nghề con đã học.

Hơn một tháng ròng, ngày nào ba cũng xách xe đi từ sáng sớm, tối về đều lắc đầu. Tôi thương ba, vì tôi mà ba đội nắng đội mưa, tất tả suốt ngày. Tôi đã đến một vài công ty nộp hồ sơ xin việc. Tôi có đủ bằng cấp như họ yêu cầu, kể cả kinh nghiệm hơn hai năm làm việc. Không lấy gì làm lạ, bất cứ ở công ty nào họ cũng hỏi tôi một điều vì sao không làm công ty cũ? Tôi đã thành thật nói lại sự việc và tôi phải trả giá: không công ty nào nhận tôi.
Tôi đã suy nghĩ nhiều về việc này trước khi đến công ty Bình Minh, nơi cần nhân viên kiểm toán để phỏng vấn xin việc. Phỏng vấn tôi hôm đó là một người đàn ông đứng tuổi nói năng lịch thiệp, vui vẻ. Nhìn vào khuôn mặt và những cái gật đầu của anh, tôi biết anh bằng lòng về khả năng chuyên môn nghiệp vụ, khả năng sử dụng tiếng Anh của tôi. Đến câu hỏi kết thúc, mà tôi thường gặp ở các công ty trước đó, một câu hỏi xưa như trái đất nhưng lại rất cần thiết cho công ty tuyển người: tại sao cô rời bỏ công ty cũ?
Ngập ngừng có đến vài chục giây, tôi cắn răng lại và quyết định nói dối: vì nhà em ở quá xa công ty, đường từ nhà đến sở hay kẹt xe. Vả lại sếp cũ - tôi hạ giọng, nói trong rươm rướm nước mắt: ông già ấy có tính trăng gió, không chỉ mình em mà nhiều nữ nhân viên không chịu nổi.
Người đàn ông phỏng vấn tôi từ nãy đến giờ ngồi yên gật đầu lắng nghe có vẻ xúc động. Anh bảo ở đây, cô yên tâm, mọi người đều đàng hoàng.

Vài hôm sau tôi nhận giấy báo đến ký hợp đồng làm việc. Cả đêm ấy tôi trằn trọc, tôi thẩm vấn mình. Tôi lên án tôi rồi lại xoa dịu tôi. Tôi là tôi mà không phải là tôi. Công ty trước tôi xin thôi việc, là tôi thành thật với chính mình. Những công ty tiếp theo đã phỏng vấn tôi rồi không nhận, cũng là vì tôi nói thật để lương tâm yên ổn. Cô gái hai mươi sáu tuổi là tôi, còn trẻ lắm, đời còn dài lắm. Bây giờ công ty Bình Minh nhận tôi là vì họ tin vào những lời dối trá do tôi dựng lên? Rồi đây, nếu như công ty này, lặp lại những xảo thuật của công ty trước, liệu tôi có dám đấu tranh, hay lại xin nghỉ việc để trốn tránh, hoặc cắn răng cam chịu, để có việc làm bù đắp vào đồng lương hưu trí ít ỏi của ba và thu nhập thất thường của những lọ sữa chua bỏ mối, mà mẹ tôi vẫn tất bật đi về sớm tối. Dần dần tôi sẽ trở thành một con người khác. Bây giờ tôi mới thấm thía hai từ dằn vặt...

Sáng hôm sau, ngồi trước hai tô mì nóng hổi, nhìn vào đôi mắt mất ngủ của tôi, ba hỏi:
- Hình như con có điều gì không ổn phải không? Ba tưởng được công ty Bình Minh gọi đi làm con phấn khởi chứ, hóa ra không phải vậy! Con có thể chia sẻ với ba những băn khoăn của con không?
Tự nhiên hai dòng nước mắt lăn dài trên má, tôi kể cho ba nghe tất cả những gì trung thực và dối trá của đợt phỏng vấn vừa qua rồi nói lời quyết định cuối cùng: con không đi làm ở công ty Bình Minh. Con đợi lúc nào có một công ty kiểm toán lắng nghe con nói sự thật và họ hoan nghênh, chấp nhận những suy nghĩ và hành động của con, nhận con vào làm, lúc đó con sẽ hết lòng với họ.
Ba tôi khe khẽ thở dài, nói rành rẽ từng tiếng một:
- Ba biết, hiện nay sự dối trá đầy rẫy trong xã hội chúng ta, trở thành con bệnh trầm kha khó cứu chữa. Nhưng con của ba đã biết chống lại một cách quyết liệt trong đau đớn và con đã thắng chính bản thân mình. Có điều này ba còn hơi băn khoăn, là con chưa biết chắc chắn công ty Bình Minh có chỉ đạo nhân viên kiểm toán làm những việc như công ty trước của con hay không? Nếu họ không như vậy thì quyết định của con là hơi vội vàng, đa nghi, oan cho người ta.

Là một người từng trải, có bằng Đại học vậy mà gần bốn mươi năm công tác, ba tôi đã về hưu với đồng lương ít ỏi, mỗi tháng được lĩnh ba trăm hai mươi sáu nghìn. Có lần tôi hỏi ba về cái điều vô lý đó, ba chỉ cười đôn hậu. Còn mẹ, khi tôi đem thắc mắc đặt ra với bà, mẹ rủ rỉ: ba con là người có năng lực chuyên môn, có đạo đức, sống trong sạch, cương trực... Bất hạnh là ở chỗ cương trực, thẳng thắn đến mức sỗ sàng, nên không được cuộc đời chấp nhận. Thiệt thòi thì ba mẹ ráng chịu, nhưng con thấy đó, lúc nào ba cũng sống thanh thản, cái thanh thản của mẹ cũng do ba truyền sang...
Dù biết ba tôi phân tích có lý, nhưng tôi vẫn quyết định không quay lại công ty Bình Minh nhận việc, để lương tâm mình yên ổn...

Chị thường trực hỏi lại:
- Thưa bác, ở đây có hai anh Tuấn, đều là tiến sĩ, cùng trùng họ trùng tên Nguyễn Văn Tuấn. Một anh du học ở Mỹ, một anh du học ở Nga. Bác hỏi Tuấn Mỹ hay Tuấn Nga ạ?
Ông già chậm rãi:
- Tôi muốn gặp anh Tuấn vừa rồi phỏng vấn tuyển nhân viên.
- Vậy là bác gặp anh Tuấn Mỹ rồi. Chiều nay anh Tuấn họp với ban giám đốc. Anh ấy dặn có ai hỏi gì thì hẹn ngày mai đến gặp.
- Công việc của tôi cần gấp để đến mai lỡ mất. Vả lại tôi già rồi, ở xa, mỗi lần đi lại khổ lắm cô ơi. Phiền cô phôn lên cho anh Tuấn.
Không hỏi thêm câu nào, cô gái nhấc máy. Liếc nhìn vào những ngón tay thoăn thoắt bấm trên máy điện thoại, ông biết cô gọi vào máy cầm tay. Cô gái nói mấy câu ngắn gọn, cúp máy, quay sang nói với ông già:
- Mời bác ngồi, anh Tuấn xuống ngay bây giờ.
Mở tủ lạnh, cô lấy chai nước ngọt rót vào cái ly để sẵn trên bàn. Rót xong, cô đẩy nhẹ ly nước về phía ông già kèm theo câu nói: cháu mời bác...

Vừa lúc anh Tuấn từ trên lầu gõ gót giày nhẹ nhàng đi xuống, dang rộng hai tay nắm chặt bàn tay phải ông già, lắc lắc.
Tuấn chưa kịp ngồi xuống, ông già đã tự giới thiệu:
Tôi là Trần Trọng Nghĩa, cán bộ hưu trí, thân sinh của cháu Trần Thu Hiền, người vừa được công ty các anh gọi đến nhận việc.
- Mấy hôm nay, công ty có ý chờ cô Hiền...
ông già nhấp một ngụm nước, nói giọng buồn buồn:
- Nó không đến là là vì mắc cỡ với công ty, mắc cỡ với anh.
Tuấn tủm tỉm cười:
- Chúng cháu biết điều cô ấy mắc cỡ là đã nói dối về lý do bỏ công ty cũ. Chính điều nói dối ngây ngô và thơ dại ấy làm chúng cháu quý mến và thông cảm với cô Hiền hơn.

Ông già trợn tròn mắt, ngạc nhiên. Tuấn kể liền một mạch về câu chuyện tại sao lại thông cảm và thương mến một người con gái buộc phải nói dối. Hiền đã bắt đầu mất lòng tin vào cuộc đời, vào thế hệ đi trước. Lý do Hiền xin thôi việc ở công ty cũ anh em trong nghề kiểm toán rất nhiều người biết. Có người khen Hiền về hành động đó, cũng có người trách cứ Hiền sao không đấu tranh với lãnh đạo, buộc lãnh đạo công ty làm ăn nghiêm chỉnh. Nếu Hiền mạnh dạn đấu tranh, cháu tin có người sẽ đứng về phía cô. Số người này có thể không đông bằng số người ngậm miệng ăn tiền, mũ ni che tai. Số lượng ít nhưng sức mạnh thì vô bờ, lẽ phải bao giờ cũng có sức công phá ghê gớm.

Thực ra hôm phỏng vấn, Tuấn cứ gật gù nghe Hiền nói, song trong lòng anh đã biết hết. Xem cái lý lịch trích ngang, có số nhà, đường phố, Tuấn áng chừng được khoảng cách của con đường từ nhà Hiền đến công ty cũ, khoảng cách không xa, đường thoáng, qua hai ngã tư, chưa bao giờ có tình cảnh kẹt xe. Khi Tuấn nghe Hiền nói ngập ngừng, đứt đoạn, Tuấn đã vừa gật đầu vừa tủm tỉm cười. Là cô gái mới bước vào đời, chưa nhiều từng trải, Hiền không nhận ra cái gật đầu và tủm tỉm cười tế nhị. Tuấn đã kể lại cho lãnh đạo công ty mọi chi tiết xảy ra hôm phỏng vấn tuyển chọn nhân viên và tất cả những người lãnh đạo công ty, nghĩa là một trăm phần trăm nhất trí nhận Trần Thu Hiền - người có khả năng chuyên môn và lòng tự trọng.

Từ nãy đến giờ ông Trần Trọng Nghĩa ngồi im lặng lắng nghe gật gù. Đột nhiên Tuấn đứng lên vui vẻ hỏi:
- Bác không nhận ra cháu à, cháu là thằng Tuấn còi ở nhà A8 với bác ngày xưa. Cháu là con ông Tư Bé ở lầu bốn, trên bác hai lầu. Dạo đó cháu còn quá nhỏ.
Ông già đột nhiên đứng dậy, dang hai tay ôm lấy Tuấn: thế ra thằng Tuấn còi nghịch ngợm nhất chung cư, bây giờ lớn thế này, già thế này rồi ư! Dạo đó bác nghe nói gia đình cháu chuyển về đường Trần Quang Khải. Gần ba mươi năm rồi còn gì, lại nghe nói nhờ học giỏi cháu được học bổng đi du học ở Mỹ. Trời xui đất khiến thế nào, bác cháu mình lại gặp nhau trong hoàn cảnh vừa vui vừa buồn như thế này.
Tuấn cười:
- Chỉ có vui chứ làm sao có buồn hả bác. Bác về kể lại với Hiền, chắc cô ấy ngạc nhiên lắm. Dạo gia đình cháu rời chung cư, cháu nhớ không nhầm, Hiền mới chập chững biết đi.
Ông Nghĩa và Tuấn còn rủ rỉ nhắc lại với nhau bao nhiêu câu chuyện bá láp ba xàm xảy ra hồi còn ở chung cư thời bao cấp và cười ra nước mắt.
Khi ông Nghĩa về đến nhà, Thành phố đã lên đèn từ lâu.

Từ ngày thôi việc, đi phỏng vấn ở mấy công ty không đâu nhận, cuối cùng công ty Bình Minh nhận như các bạn đã biết đấy, tôi mặc cảm với lời nói dối nên không đi làm. Tôi ở nhà, nằm dài đọc sách, chán đọc lại bật ti vi lên xem. Người tôi nhão ra vì buồn. Ba tôi đi lân la với các bác già hưu trí, một tuần hai lần, ba sinh hoạt với bọn trẻ con trong câu lạc bộ "ông cháu" mà ba làm chủ nhiệm. Mẹ tôi, từ mờ sáng đến tối mịt, tất bật với mấy hũ sữa chua bỏ mối. Tôi chỉ khuây khoả lúc vào bếp nấu ăn hai bữa. Nhà nghèo, ăn uống đơn giản, hết đậu hũ sốt cà chua lại đến đậu hũ kho mặn, đậu hũ luộc. Trường kỳ đậu hũ thay phiên nhau, chỉ khác cách chế biến. Và một bát canh. Thứ canh chỉ có rau, không tôm khô, không thịt băm, loại canh mà thời sinh viên, chúng tôi thường giễu cợt gọi là canh toàn dân.

Bạn tôi, Minh Hoà, tốt nghiệp Bách Khoa bốn năm nay vẫn chưa xin được việc làm, bàn với tôi hùn vốn, sáng sáng đến các toà soạn mua báo về ra đường ngồi bán. Bàn xong là làm liền. Nghề bán báo vỉa hè thu nhập cũng khá, chỉ vất vả là phải dậy từ bốn giờ sáng, chân co chân duỗi kỳ cạch chiếc xe đạp cà tàng đến các báo. Toà báo này đến toà báo khác đâu có gần. Những thanh niên trong hẻm gặp tôi và Minh Hoà vẫy tay "chào hai trí thức vỉa hè". Họ nghịch ngợm, nói vui, thân nhau từ thuở nhỏ nên hai đứa chỉ cười.
Một buổi tối, tôi đang nằm đọc sách trong buồng, ngoài phòng khách ba đang tiếp ai đó. Ba tôi và người khách, lúc thì rì rầm, lúc lại phá lên cười thú vị. Tôi nghe câu được câu mất nhưng nhận biết người khách là thế hệ con cháu ba tôi. Tôi loáng thoáng nghe hai người nhắc đến tên mình không chỉ một lần. Tôi buông sách, đi lại phía cửa ra vào, áp tai vào tường lắng nghe... Lát sau, ba tôi nói vọng vào:
- Con ra phòng khách có chút chuyện...
Mở cửa bước ra, tôi không dám tin vào mắt mình, khách của ba là anh Nguyễn Văn Tuấn - người của công ty Bình Minh đã phỏng vấn tôi hôm nọ. Anh Tuấn chủ động đứng lên và nói ngay:
- Tôi đến đây là để thăm hai bác và gia đình. Quan hệ thế nào giữa gia đình tôi và gia đình Hiền rồi bác trai sẽ kể tỉ mỉ cho Hiền nghe sau. Trước là thăm gia đình sau nữa là mời Hiền ngay ngày mai đến công ty nhận việc.
Tôi đứng ngây người ra. Ba tôi chỉ vào ghế bảo tôi ngồi. Tôi chưa ngồi xuống, chưa kịp nói câu nào, anh Tuấn đã đứng lên:
- Thưa bác, bây giờ cũng khuya rồi, cháu xin phép về. Bác lựa lời khuyên bảo Hiền để sáng mai em đến công ty - anh Tuấn ngoảnh sang tôi: mọi chuyện rồi ba em sẽ nói lại với em đầu đuôi xuôi ngược, em sẽ hiểu. Trước lúc về anh chỉ nói với em một câu ngắn gọn: không phải ông giám đốc nào cũng giống như ông giám đốc cũ của em đâu, người tốt xung quanh ta còn nhiều lắm, em mà không chịu đến công ty anh làm việc, anh giận thật sự đấy.

Đêm ấy hai cha con tôi trò chuyện với nhau cho tới khuya. Thực ra là ba tôi kể lại những diễn biến cuộc tiếp xúc giữa ông và anh Tuấn ở công ty mấy hôm trước. Hoá ra anh Tuấn biết tường tận mọi việc ở công ty cũ của tôi. Anh lại là hàng xóm của tôi thời thơ dại. Ba tôi khen hết lời, anh là con nhà nghèo, nề nếp, chăm học, học giỏi, nghịch ngợm nhưng rất biết điều ngay từ thời thơ ấu.
Sáng hôm sau, một ngày mới, một trang mới của đời tôi. Dọc đường đến công ty Bình Minh vừa đạp xe vừa lẩm bẩm hát, chắp nối bài này sang bài kia.
Đường phố ngập tiếng còi xe, bụi, nắng và gió. Trong gió, thoáng nghe lời của ai đó, tôi đọc đã lâu:
- Hãy yêu cuộc đời và cảnh giác...

Vui và buồn, tin yêu và nghi ngờ lẫn lộn. Tôi còn trẻ lắm, cũng cần kiểm toán ngay cả mình.
Toàn xã hội cũng cần kiểm toán liên tục cho bớt nhiễu nhương. Bạn có tủm tỉm cười cợt trước suy nghĩ ngớ ngẩn của tôi không?
Tôi bước vào một chặng đường mới, những gì sắp xảy ra với tôi đây, ứng xử sao cho hợp đạo lý làm người.
X.Đ
(nguồn: TCSH số 195 - 05 - 2005)

 

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Ân tình (24/02/2009)
Quê nhà xa ngái (05/02/2009)
Về Cội (05/02/2009)