Truyện ngắn
Hồi Cung
08:43 | 24/04/2014

NGUYỄN QUANG TUYẾN

Phi trường Huế phải ngưng hoạt động sáu tháng để tu sửa. Đường băng được kéo dài theo chuẩn phi trường Quốc tế để máy bay lớn, lên xuống đón lượng du khách số đông đến du lịch Cố đô Huế.

Hồi Cung
Minh họa: Nhím

Trong thời gian tu sửa này, khách Sài Gòn hay nơi khác đến và đi khỏi Huế, đều phải ghé qua phi trường Đà Nẵng. Khách nơi khác đi Huế, hay từ Huế bay đi nơi khác đều có xe trung chuyển riêng của hãng Hàng Không.

Tôi là tài xế xe du lịch trung chuyển khách ở phi trường Đà Nẵng, sáng đưa, chiều đón khách đi về Đà Nẵng - Huế; và sáng nay tôi phải đón khách ở Huế vào Đà Nẵng cho kịp chuyến bay 11 giờ 30 và chuyến bay đầu giờ chiều.

Đó là cơ duyên tôi được đón và gặp bà Hồi Cung, ở khu vườn Kim Long. Tôi lái xe qua các khách sạn, nhà ở, đón khách theo từng địa chỉ, theo chỉ định của hãng Hàng Không. Cả tây lẫn ta gồm tám người, khách của hai chuyến bay lúc 11 giờ và 13 giờ 30. Hồi Cung là khách của chuyến bay 13 giờ 30. Tôi gọi điện thoại báo đến đón, bên kia đầu máy một giọng nói cao sang và đĩnh đạc của một bà:

- Cô Hồi Cung đang chờ, cháu đến ngay vườn cây cảnh Trúc Ty, hỏi ai cũng biết. Cô chờ.

Tôi chỉ được biết đi đón một khách nữ, bay chuyến 13 giờ 30 là Thân Thị Ngọc Hồi. Thân Thị Ngọc Hồi chính là cô Hồi Cung, ngụ tại khu vườn có tên là Trúc Ty, trên đường Vạn Xuân, khu Kim Long.

Qua cầu Kim Long rẽ vào đường Vạn Xuân, vườn cây xanh tiếp nối, tĩnh lặng và khép nép bên nhánh tẻ của sông Hương. Xe dừng từ ngoài lộ, nhìn hai hàng chè tàu thẳng tắp, tỉa tót, đi sâu vào trong cổng vườn Trúc Ty, hàng trúc xanh óng mượt bên cổng cao, vừa hé mở. Cả đoàn năm bảy người, rộn rã, cười nói, một chiếc váy xòe màu hoàng yến đi giữa, khăn lụa hồng cánh sen quàng quanh cổ người đàn bà thanh thanh, bước đi ung dung.

- O nì, đi xa mà gọn nhẹ và thong dong quá. Chỉ có từng ni thôi o?.

- Rứa là nhiều rồi. Có cần chi mô.

Cô cháu đi sau kéo va-li nhỏ gọn, một cô khác thì cầm chiếc dù nghiêng nghiêng che nắng sớm ban mai trong lành đang nhảy nhót trên hàng lá xanh. Nhìn mấy o, mấy cô son phấn nhẹ, líu ríu nói cười làm mình chợt nghĩ đến Hồng Lâu Mộng.

- Mời cô lên xe cho kịp chuyến bay chở khách bay 11 giờ 30. - Tôi cười mời chào - Dạ cô là cô Hồi bay chuyến 13 giờ 30?

Người đàn bà mặc váy hoàng yến, tóc bới cao, chiếc cổ trắng xanh ngẩng lên ngập ngừng nhìn tôi.

- Mô.. ô! Cô là Hồi Cung! Bà quay về mấy người bạn gái hay bà con đưa tiễn, với tiếng cười trong trẻo tự nhiên “Nì, thôi Ai da hồi - cung nhe các phi”.

Cả đám các bà ngoài ngũ tuần cười rộ lên.

- Cháu à, o không thể ngồi đằng sau được, o không quen mùi tạp, ngộp thở lắm. Một mình o ngồi phía trước cháu nha!

Bà muốn, bà khẳng định, bà giao hành lý cho tôi sắp xếp và bước đến cửa trước đứng chờ. Khuôn mặt thanh thanh, phấn nụ dưới tia nắng sớm mai chéo ngang làm nổi rõ những vết chân chim mà thời gian làm nhàu đi nước lụa đã một thời óng ả. Người này hẳn đã có một thời làm bao kẻ si tình chao đảo!

Bà đứng yên bên cánh cửa, trong khi trên xe đã có một ông khách lớn tuổi đang ngồi. Bà thản nhiên đứng đợi, thản nhiên một cách tự tin chính đáng vào yêu cầu của mình. Tôi năn nỉ bà:

- Ghế trước có người rồi. Cô lên băng sau lẹ để cháu chạy cho kịp. Có nhiều khách bay chuyến mười-một giờ ba mươi.

O nhỏ nhẹ, nói chuyện với mấy người đàn bà tiễn đưa. Bà khách quay lại nhìn băng ghế bên tài xế, nói nhẹ nhàng khoan thai:

- O đã nói, o muốn ngồi một mình băng trước. O không chịu được cái mùi tạp của đám đông. Cháu giúp o mà.

Giọng Huế Thành Nội nhẹ và mượt mà, bà nói và bàn tay khoa lên, các ngón tay hất nhẹ, chiếc khăn lụa màu cánh sen bay phất phơ trong gió. Tôi không dám nói với người khách lớn tuổi đang ngồi trên xe, ông ta cười hiền tự mở cửa, xách cặp bước xuống ghế sau. Cả đám các bà thi nhau nói cám ơn, bà khách từ từ, yểu điệu, bước lên xe rồi quay xuống nói với mấy người bạn:

- Nè, tụi mi biết Hồi Cung xưa ni mong chi được nấy hỉ! Thôi Hồi Cung đi nha. Ai da đi nha!

Tôi vội lên xe ra khỏi khu Kim Long chạy về cầu Dã Viên, cây cầu mới xây cao và đẹp, che án cả cầu xe hỏa Bạch Hổ ngày nào. Bà Hồi Cung để xách tay xuống ghế, lấy chiếc gương nhỏ trong xắc ra, làm dáng chím môi, liếc qua lại, và bắt đầu “Câu chuyện của nàng” qua điện thoại di động. Bà bấm số, vì tuổi cao, tai lãng nên bà nói lớn và đầu kia, lời đáp lại cũng vang vang.

“Ơ! Ơ! Tịnh Tâm phải hôn? Qủy mô! Mi nhớ, nhớ chưa nào? Nghe giọng có nhớ ra chưa nì?” - “Ai rứa, ai rứa, tui chẳng nhớ ra, đã hơn sáu mươi rồi, nói lớn lên hè”. - “Ơ, ơ, tui đây mà, Tịnh Tâm không nhớ răng!” - “Cái con mắt híp hỉ! Cái con khi xưa đi học ở Hàm Nghi, mi giấu trái thị trong khăn tay cho thơm, bị cô Thà phạt cấm túc mà khóc sưng mắt!” - “Ơ mi không nhớ tau sao Tịnh Tâm?” - “Đồ quỷ, mấy mươi mụ già trong lớp, chừ tao biết nhớ mụ mô? - “Ừa, ừa, rứa có chán không hỉ?” - “Tau là Hồi, Thân- Thị-Hồi, người đẹp Hồi-Cung đây, răng mi không nhận ra, mi không sợ ai-da phạt sao hè?” - “Ồ, Ô! Mi, mi con Hồi, cái con Hồi chuyên làm điệu, làm dáng, đi thì nhún nhảy như cung tần, quý phi… Hử! Mi ở mô rứa, Hồi ơ?”

Cả xe im thin thít, nghe giọng nói lúc cao, lúc thấp, của bà Hồi Cung kể lễ vạn điều…

- Chao ôi tau nói mi nghe Hồi Cung đây nì! Chao ôi mấy mươi năm rồi. Tụi mình bi chừ là “mama lục thập” rồi chứ nì… Ờ Hồi Cung bi chừ ở Mỹ, ở với con gái… tau mi cùng tuổi, sáu bảy …ờ…ờ.

Cô Hồi vừa nói xong với người bạn Tịnh Tâm là quay qua Hải Đường, Hương Lan, Nguyệt Quế… khi nghe những tên gọi này là thấy ngay vẻ đẹp, thấy bóng dáng đài các của thời xa xưa, thuở mà tôi chưa ra đời. Thỉnh thoảng cô ngừng thở, ngừng nói, rồi lại trào lên những dòng dĩ vãng chảy mãi, chảy mãi… Cô quay sang tôi:

- Cháu ơi, đây là chỗ mô?

- Dạ vừa qua Truồi, sắp qua đèo Phú Gia.

“…Ờ, ờ… Mi còn nhớ Truồi không nì, nhớ bòn bon ngọt sớt, nhớ ổi sẻ. Xe tau chạy qua Truồi, chao ôi chi mà lạ! Chao ôi, về có hai tuần, mà nào bên nội, bên ngoại, bên chồng, bên họ… tau thèm gặp hết tụi mi, mà răng gặp được. Yến Phi ơi, tau qua chuyến ni rồi chẳng biết khi mô về thăm lại quê… Ờ, ờ…tau sẽ gọi cho con Hồng ăn-hàng, thăm nó… Răng nó không có chồng con chi à? Răng mi nói chi, tu tại gia à? Mi cho tau số điện thoại của con Hồng.”

Cô thẫn thờ tắt máy ngồi yên. Khi cô ngưng nói, cả xe bỗng im lặng. Xe chạy ngang qua Phú Lộc, cuối dãy sau, hai người Pháp khe khẽ nói và chụp hình Phá Tam Giang mênh mông nước, đìu hiu, mấy chú cò trắng soi bóng chờ tép tôm.

Cô sụt sùi lấy khăn lau mũi, chẳng biết cô nghĩ gì khi kéo khăn giải lụa, vuốt nhẹ cho nền lụa khép nép bên màu hoàng yến của chiếc váy có hoa văn đuôi phụng. Tôi ít khi thấy người đàn bà nào lớn tuổi hơn mẹ mình mà đẹp cao sang như vậy. Tôi khẽ hỏi:

- Cô ơi, cô là Việt Kiều? Cô về Huế lâu chưa cô?

- Ô, xưa kia cô ở Huế, sau Mậu Thân, cô vào Sài Gòn cùng gia đình; bây giờ cô ở Mỹ với con. Cháu à, hơn bốn mươi năm cô mới trở lại Huế. Chao ôi chỉ có mươi lăm ngày làm răng mà gói cho hết tháng ngày cũ, cháu ơi!

- Dạ, mười lăm ngày thì ít quá.

Cô đăm đăm nhìn những thùng phuy đặt trên bờ đất bốc khói dọc bên đường:

- Chi rứa cháu? Cô hỏi tôi.

- Đó là bà con đang chưng cất dầu tràm. Cô thấy mấy chai nước xanh xanh bên cạnh, là dầu tràm đó cô.

Những ông già, bà già, ném từng bó củi cành nhánh vào lò, khói ùn ùn lên bầu trời xám xịt vào những ngày chớm thu. Cô Hồi Cung lại lấy khăn giấy lau mắt, vẫn giọng Huế thanh và trong trẻo, tiếp tục điện đàm:

“Ơ Hồng phải không? Ôi chao, mệ còn nhớ tui không, cái mệ tổ ăn hàng ở lớp mười-A-chín (10A9) trường Hàm Nghi, năm sáu-tám hè. Không nhớ tau sao Hồng? Hồi Cung đây. Hồi điệu đây mà… A, mi nhớ ra rồi! Mi răng đó Hồng?”.

Giọng cô Hồi nhỏ dần, cô cúi xuống, ít tóc xoăn trước trán gió thổi thốc lên, để lộ lưa thưa chòm sói. Cô lí nhí nói:

“Chồng mi chết sớm hỉ! Nghe nói anh ấy dạy tiểu học, tính hiền khô mà. Rồi mi có mấy cháu? Tội nghiệp mi, con không có mà ở rứa hơn bốn mươi năm trời nuôi mẹ chồng. Chao ôi, tau nhớ… tau nhớ… Ờ, nhà mi bên kia Đập Đá, Vĩ Dạ, vô ngả An Viên, ờ, tau nhớ bốn đứa mình nghịch như quỷ, ngồi bên thúng bánh nậm o Chi mà vừa ăn vừa rít sìm sịp nước mắm ngọt cay. Ôi chu choa răng mà ngon nức nở mi hỉ! Mi hỏi răng? Ồ, Hồi Cung đi với ba mệ cùng lớp 11 xuống đường Chi Lăng vô quán mụ Đỏ, bọn tau thời hai mâm nào bánh bột lọc, bánh bèo, chả tôm, bánh nậm, bánh khoái… mỗi thứ vài cái mà mấy mệ đã đứt hơi! Ờ… ờ, mi nói đúng, bi chừ đâu có ngon như xưa. Cửa hàng to lớn, sạch sẽ, khang trang hơn, nhưng bánh nậm mụ Đỏ sao bằng cái thúng của mấy o bưng đi, áo dài phất phơ trong hẻm, tiếng rao như chim cu gáy hót cầm chừng trong buổi chiều tĩnh mịch “Ai… ai… nậm… hôn!”, “Ai… ai… lọc… hôn!” Rồi mi nhớ cái gáo xinh xinh bằng trái mù u bỏ trong hũ nước mắm ớt chua ngọt? Mi nhớ tụi mình tự múc, tự chan, húp sì sụp trong nắng trổ hoa cà dưới tán cây khế nhà mi… Ôi chao, mới đó mà Hồi Cung sắp vào viện dưỡng lão ở Mỹ…”.

Cô sùi sụt khóc nói như mếu:

“…mới đó mà đã hơn nửa đời người, mi thì bi chừ thui thủi giữ bình hương khói người chồng chết trẻ, thui thủi một mình tu tại gia, tau thì… Chao ôi răng khổ rứa Hồng? Ôi, chao ôi!”

Giọng cô Hồi lắng dần như tiếng nấc nhỏ… Tôi thấy cô cúi đầu và nghẹn giọng:

Qua bển rứa được hơn mười năm thì chồng tau lấy vợ khác, tau sống với con gái, nó có chồng người Canada làm kỹ sư, tau có thằng cháu ngoại đã hơn mười lăm, cả hai vợ chồng nó đi làm từ mờ sáng, tối mịt mới về. Chỉ có ngày thứ bảy là shopping, dọn nhà,… ngồi cơm chung một bữa. Bi chừ chúng nó đã nói xa, nói gần… khi tau già không còn tự lo được nữa thì chúng sẽ đưa tau vô dưỡng lão. Biết làm răng được, con nó thương mình mà nó làm chi được cho một bà già... Bên nớ phải rứa thôi Hồng ơi, họ thương mình mới bảo vệ cho những người già không tự lực được phải vô viện dưỡng lão. Họ thương mình lắm nên nhốt mình vô đó mi ơi!! Vô đó nằm chờ chết.

Giọng cô buồn vời vợi như bầu trời xám xịt trên khu Cầu Hai tiếp giáp Lăng Cô. Cô lấy khăn giấy thấm mắt, bớt sụt sùi, rồi lại lấy ví ra lục sổ điện thoại, lại bấm máy.

“Dạ… dạ thưa… Em hỏi thày Hải. Dạ… ồ, cháu cho cô gặp ông.”

Cô quay qua nói chuyện với tôi khi chờ máy:

- Cháu nè, đó là thày dạy cô hơn bốn mươi năm trước. Thày đã qua bảy mươi lăm tuổi rồi…

Dạ, dạ… Em chào thày.” Có tiếng lí nhí, o.. o.. ở trong máy… Cô Hồi lại la lớn: “Dạ… dạ… thày nghe rõ! Dạ em là Hồi Cung, học trò thày lớp 11A2 trường Hàm Nghi. Dạ, lúc thày về trường được một năm… Dạ… dạ chị Liên Trì cho em số điện thoại của thày. Dạ... dạ... Thày nhớ đúng rồi, em là Hồi Cung, dạ không có mô thày. Em nhớ thày dạy môn lý cực hay, thày hay vẽ, thày luôn luôn vẽ trên bảng đen, chỉ là định luật Newton về sức hút mà thày vẽ quả táo rơi như có ai ném từ cành cây xuống đất. Chao ôi, tụi em mê cái hình hí họa thầy vẽ cái ông già ngồi trên ghế gỗ nhìn táo rơi, em mê cái hình hơn cả định luật sức hút của trái đất đó thày ”.

Cô chợt im lặng, như cố nghe ông thày già thều thào nói như hết hơi bên kia đầu máy.

“Dạ… dạ, bị Alzeimer nhẹ có thể phục hồi được thày à. Thày nhớ tới cô Thanh Xuân dạy văn không, em kể thày nghe, tụi em mấy đứa các lớp Hàm Nghi ngày ấy, có vào viện dưỡng lão Kim Sen ở Seatlle thăm cô Xuân, tội nghiệp lắm thầy ơi! Ngày ấy cô Thanh Xuân đáng yêu là như vậy. Tụi em có bao giờ quên cái khăn quàng màu tím và đôi mắt thăm thẳm buồn của cô giáo dạy văn hay nhất trường ngày ấy. Bi chừ nhìn cô ngồi xe lăn, tóc bạc phơ, miệng móm, da nhăn… Thấy tụi em vào, cô gượng dướn người lên nhìn và nói như nói với khoảng không. “Các em à, sao lâu lắm con trai cô không vào thăm?” Cô không còn nhớ gì nhiều, cô chỉ có một ước mơ mong chờ cậu con trai vào thăm… Thầy ơi ngoài khung cửa dưỡng lão Kim Sen, rừng cây xanh và tuyết trắng, mắt cô hom hem nhìn vào khoảng không… Chắc cô cũng chẳng còn nhớ đến Huế đâu thày? Em…Em...

Cô nức nở thút thít khóc vá dán sát tai vào điện thoại nghe giọng thều thào của một ông già Alzeimer bên kia. Rồi cô chợt reo lên:

“Thầy nghỉ hưu ở Đà Nẵng? Dạ… dạ, em có nghe sau khi đi quân dịch, thày được chuyển về dạy ở Phan Chu Trinh - Đà Nẵng, rồi thày có gia đình và ở đó. Dạ… dạ.. em có ba giờ rảnh ở phi trường Đà Nẵng, chờ chuyến bay 13 giờ 30,… dạ… dạ… em sẽ ghé thăm thầy. Dạ… dạ... em đến Đà Nẵng em sẽ gọi báo tin thầy hay.”

Rồi cô tắt máy, cô lẩm bẩm khi cả xe nhìn cô trong im lặng. Cô như diễn viên Opéra, cúi chào và lẩm bẩm lời cám ơn… trong cảm xúc, sau giờ diễn còn đọng một giọt nước mắt bên khóe mi. Tự dưng tôi như đứa cháu thấy thương bà cô già lóng cóng lục lọi trong mớ sách vở cũ, gặp lại những trang giấy ố vàng với vài dòng chữ nhợt nhạt, vừa lẩm bẩm đọc, vừa khóc thương cho sự quái ác của thời gian.

Cô lại bấm máy điện thoại nói như thầm thì: “Nè, mi, Liên Trì ơi, tau mới điện thoại cho thày Hải. Ôi chao, tội nghiệp mi ơi! Thày bị Alzeimer nhẹ nên nói lắp bắp khó nghe. Thày nhớ đến tụi mình, nhớ đến tên mi, tên con Bùi Thị Phỉ Thúy… Mi biết không, tau xúc động biết bao khi thày nhắc đến cuộc pinic ở lăng Gia Long vào dịp hè khi tụi mình học lớp 11. Cả lớp đi, có mời thày và mấy cô giáo… Mi nhớ không, trời mưa giông bất ngờ, cả đám tụi mình cùng thày Hải núp mưa trong nhà bát giác bên hồ sen, tau nói khát nước quá vì buổi trưa ăn bánh nổ… hì, hì thày nhắc tau: “Em, Hồi, có nhớ thày mượn chiếc nón lá trắng mướt của em, chồm qua lan can nhà bát giác, hứng dòng nước mưa mát lạnh từ trên nóc nhà đổ xuống hồ sen. Thày đưa cho em bảo uống đi, thày nhớ em uống mà tóc em xòa trên vành nón trắng… nước trong veo, mắt em cười trong veo”. Chao ôi, mi ơi, ông già bẩy-mươi-lăm mà lập bập nói… còn nhớ mắt em trong veo. Chao ôi, mi ơi! Răng?… răng… mi nói bậy… tau đâu có mê thày”.

Xe qua đèo Hải Vân, trong bóng tối nhờ nhờ, tôi thấy cô Hồi Cung vẫn còn sụt sịt trong niềm vui của cô thiếu nữ mắt trong veo đang sống trong một bà già lụp chụp lần từng sợi tơ mong manh quá khứ, ngất ngây.

Cả xe im lặng, màu ánh sáng vàng đục nhờ nhờ của hầm xuyên qua đèo Hải Vân. Tiếng sụt sùi khe khẽ của cô Hồi Cung làm tôi xốn xang như khi nghe tiếng thở dài của người cung phi già trong Cung Oán ngày xưa, tĩnh mịch, rêu phong của khúc ngâm ai oán. Xe qua hầm, bỏ Huế lại sau lưng, âu sầu với mây trời đầy sắc xám từ phá Tam Giang, qua Cầu Hai đến tận Lăng Cô. Bây giờ trước mắt là gió và nắng hừng hực sức sống của đất trời xứ Quảng.

Tôi ái ngại hỏi khẽ cô Hồi:

- Cô hẹn thày ở đâu, cháu ghé qua cho cô đến tiện hơn là lên phi trường rồi lại quay về phố.

- Thày hẹn cô ở quán Thúy đường Tản Đà.

- Vậy là rất tiện, nơi ấy kế bên đường xe mình về phi trường Đà Nẵng.

- Không đâu, cháu cứ cho cô về phi trường để check-in xong rồi hẵng hay.

Cô Hồi Cung dứt khoát. Tôi im lặng đồng thuận. Tôi nghĩ sao cô không ghé quán Thúy thăm thày xong bắt taxi ra phi trường, bây giờ còn gần bốn giờ nữa cô ra phi trường làm gì.

- Cháu ơi, - cô hỏi - bây giờ đến 12 giờ trưa cháu làm gì?

- Cháu chở khách vào rồi chờ chuyến bay 13 giờ ở Sài Gòn ra, đón khách đưa về Huế như thường lệ.

- Vậy cháu chờ cô một tí, cô check-in xong, cháu chở cô về phố Tản Đà, Đà Nẵng được không?

- Dạ được cháu giúp cô, cô cho cháu thêm tí tiền xăng là được.

- Vậy chờ cô vào, ra ngay. Còn hơn giờ nữa cô mới gặp thăm thày.

Tôi đưa khách vào phi trường Đà- Nẵng. Cô Hồi Cung ung dung kéo va-li và túi du lịch đi vào trong, giải khăn lụa màu cánh sen phất phơ bay. Một mình cô vụng về kéo, mang, tự dưng tôi thấy ái ngại cho một người lớn tuổi lẻ loi về thăm quê hương.

Gần một giờ sau, cô Hồi Cung trở ra, đàn bà sao giống cỏ cây và trời đất, chỉ có một tí mưa xuân mà cỏ cây đã như bừng sức sống. Vẫn khăn quàng màu hồng cánh sen dịu dàng ôm cái cổ cao cao và nước da trắng xanh cốt cách, cô đã vén tóc lên để lộ thoáng một chút phấn hồng, chút son nhạt, tôi thấy cô khác hẳn lúc trước.

Tôi nhìn cô mỉm cười thân thiện:

- Sao lâu vậy cô? Trời, cô mới trang điểm, đã thấy trẻ đi mười tuổi.

- M..ô..ô. Năm ni o đã sáu mươi bảy rồi đó à. Cháu biết không, dù là bà lão già vẫn mong người ta khen mình trẻ đẹp như hồi bà lão còn là con gái! Cô phải sửa soạn chút mới gặp thày, cháu à. Khi nãy nếu cô nghe cháu ghé quán Thúy, thì đâu đã sửa soạn được chi, lại ngồi gần một giờ để chờ thày thì răng được cháu. Con gái khi mô cũng phải đến chậm hơn để người ta đợi mới hợp lẽ cháu à. Bi chừ thày đến đợi quá mươi phút là được, mà cô cũng chấm tí phấn hồng cho đỡ nhợt nhạt vì tuổi tác. Cháu vào với cô ăn chút chi đi nghe cháu?

- Thôi cô à, cô cứ vào, cháu chờ ngoài xe, nghe nhạc. Cô nhớ mình phải đến phi trường trước 12 giờ 30, để khỏi trễ chuyến bay cô ạ.

Cô vội vàng bước xuống xe, quán Thúy nằm dưới hàng cây phượng vĩ khép tán trên đoạn đường nhánh của bờ sông Bạch Đằng. Một ông cụ đĩnh đạc, áo sơ mi trắng bỏ trong quần tây sậm, đầu nón phớt sậm màu, mang kính mát chờ bên gốc cây. Tôi thoáng nhìn thấy hàng ria mép bạc màu, như mấp máy khi cô Hồi Cung vừa bước tới. Nhìn hai thày trò vào quán giữa tiếng ve râm ran tiếc nuối một hè muộn đã qua.

Hơn một giờ đồng hồ trôi qua, tôi lim dim nghe nhạc Trịnh, trong cái dịu mát của máy lạnh và không gian yên ắng bơ phờ của nắng miền Trung. Tôi định mười phút nữa sẽ vào gọi cô Hồi để đưa về phi trường, thì thấy cô đã ra khỏi quán với người thày già tóc đã bạc phơ.

- Dạ cám ơn thày đã cho em thăm thày, dạ… dạ, em chào thày.

- Nì, em Hồi cho thày gửi lời thăm Liên Trì và bạn cùng lớp. Thày chẳng biết bao giờ mới được gặp lại các em!

- Dạ, thày đi trước, em lên xe về phi trường.

Ông bịn rịn, rồi lấy khăn trong túi ra chấm mắt.

- Dạ… dạ… Thày ơi, em đi đây.

Cô Hồi lên xe, tôi đẩy cửa và cúi đầu chào ông già. Ông đang từng bước đi thật chậm, hơi xiêu xiêu, rồi ngừng chân quay lại, đôi mắt đỏ hoe nhìn lên xe.

Cô Hồi sụt sùi cúi xuống che dòng nước mắt, se sua chiếc điện thoại trên tay. Xe chạy một đoạn cô mới nhỏ nhẹ:

- Tội nghiệp thày của cô, ngày ấy thế mà nay… Cháu biết không, thày nhớ tên từng đứa học trò, nhớ cả chỗ ngồi của cô trong lớp, nhớ cả cái tật của cô Liên Trì là hay xốc mớ tóc dài lên bờm xờm như đuôi ngựa khi vào lớp, thày nhợ... thày nhợ... Nay thì thày thui thủi sống với người con trai út và mấy cháu; vợ thày đã mất mười năm rồi… Cứ sáng sáng thày khập khễnh đi bộ xuống bờ sông Hàn ngắm cây cầu quay mới xây cắt ngang tầm nhìn về hướng Huế…

- Tuổi già được sống bên con cháu, được chậm rãi đi trên lối mòn của ngày xưa thì còn gì bằng cô…

- Ồ... ồ, đúng đó cháu, ở bên ấy lắm khi con cháu cả nhà đi làm hết, cô ra vào ngó qua khung cửa, cô chỉ mơ giá như mình được đi chầm chậm bên bờ Thương Bạc, sông Hương mà ngắm một con đò… để nhớ những ngày vén áo dài đi qua đò ngang… nhớ… nhớ…

Cô lại bấm máy gọi “Liên Trì ơi, mệ đang mần chi rứa? Tau mới ghé thăm thày Hải, Ờ... ờ… Thày nói nhà của đứa con trai út ở sâu trong hẻm khó tìm, nên hẹn tau ngoài quán bún chả cá nhỏ ngoài lộ. Ơ… ơ... chẳng có chi, tau mời thày ăn bún, uống nước nói đủ thứ chuyện. Tội quá mi ơi! Tụi mình nhớ ngày thày mới về trường phong độ là vậy, giọng Huế thành-nội mượt mà là vậy. Mà nay tóc ria bạc phơ, bị tai biến nhẹ nên tau thấy bên trái miệng, mắt thày hơi lệch, khi nói thì mắt và môi giật giật nhẹ mi à. Tội quá mi ơi! Bàn tay ngày xưa hào hoa là vậy, mà bi chừ run run khi cầm chiếc muỗng đưa bún vào miệng. Thày hỏi mi:Nè em, có gặp Liên Trì không? Cô ấy hay dùng khăn tay cột xốc mái tóc như bờm ngựa!” Tội nghiệp quá mệ Trì ơi! Bi chừ mệ không chịu sửa soạn, con cháu một bầy vây quanh, vậy mà cũng còn có người xưa nhắc cô Liên Trì tóc đuôi ngựa. “Rứa… rứa... Em Hồi có còn làm thơ không? Thày nhớ bài thơ của em trên báo tường của lớp”. Chao ôi! Tội quá mi ơi!.

Cô Hồi ngồi yên, áp sát máy điện thoại vào tai, tay trái rút khăn giấy ra thấm mấy giọt nước mắt chực trào ra.

“Ơ… ờ... tao kể cho thày nghe chuyện tụi tau thăm cô Thanh Xuân tại nhà dưỡng lão Kim Sen ở Seattle, mi ơi, thày nghẹn lời. Người già vậy mà dễ khóc! Tau nói với thày: “Như thày, như các bạn già em gặp, ở bên ni ri mà sướng có con, có cháu, có cỏ cây, đường sá quen thuộc… giọng nói quen, tiếng rao đầu ngõ cũng quen… Còn thày ơi bên nớ buồn không chịu nổi mô. Thày ơi, em về thăm quê chuyến này, rồi về lại với con gái và thằng rể Canada, rồi vài ba năm nữa, chúng nó sẽ đưa em vào viện dưỡng lão Santa ở San José. Chúng có thương cha mẹ đứt ruột cũng phải đưa vào đó thôi. Em không lo cho mình thì ai lo cho em? Vào dưỡng lão có tất cả mọi thứ thày ạ, y-tế, chăm sóc, ăn mặc, giải trí… Nhưng lòng mình buồn khổ lắm thày ơi. Đành rằng ai cũng chết, nhưng vào đó không phải sống mà mình thấy rõ là mình nằm chờ chết. Ngồi xe lăn nhìn chung quanh, nhìn ra cửa sổ… Ôi thày ơi. Mình như con chim sơn ca bị vặt hết lông nằm trong lồng quên tiếng hót… không quá khứ, không tương lai, không có chút gì nối liền với cõi đời, trừ sự cùng cực của cô đơn! Rồi em cũng sẽ phải khổ như cô Xuân rứa thày ơi!”. Ôi tội nghiệp quá mi ơi! Khi tau cúi xuống, chầm chậm ăn và nói với thày tau đâu có để ý mô! Khi tau ngước lên, thày ngừng ăn khi nào, hai giòng nước mắt nhập nhòe bên khóe mắt chân chim, thày lập cập: “Thôi em, thôi Hồi, đừng nói nữa em”. Có một điều tau đau lòng nhất là chi mi biết không Liên Trì?”

Tôi ngừng xe mua phiếu qua trạm vào phi trường. Xe chầm chậm lăn bánh. Cô Hồi tiếp tục:

Thày lập cập tay múc từng muỗng bún ăn chầm chậm. Một cọng bún ngắn nằm vắt trên ria mép thày, phía bên trái bên bị tê liệt nhẹ, tau mấy lần định nói mà không dám. Thày chậm rãi nói nhiều từ thều thào nghe không rõ; mắt tao vẫn trân trân nhìn cọng bún trên ria mép thày. Ôi! Tội quá mi ơi! Tau muốn đưa khăn lau cho thày, muốn múc bún chăm sóc cho thày ăn như tụi mình giúp cha già ngày trở bệnh. Rồi khi chào thày lên xe, ông thày già tội nghiệp đứng đó nhìn theo, chân tay lập cập vì Alzeimer, bước theo cô học trò gần nửa thế kỷ trước, và Liên Trì ơi, tội quá mi ơi! Tau vẫn thấy cọng bún ngắn trên ria thày mà không dám nói! Mi thấy không, tội nghiệp quá mi ơi! Liên Trì ơi, tau thấy răng mà người Huế mình quặn đau lòng dạ với dĩ vãng quá mi ơi! Ôi cái nghiệp chi mà khổ!” Rồi cô thút thít khóc.

Tôi mở cửa xe, đỡ cô Hồi Cung bước xuống. Cô như muốn quỵ xuống, khi tì sát vào tay tôi, dù điện thoại đã tắt máy mà cô vẫn lẩm bẩm như trong mơ: “Tội nghiệp… tội nghiệp quá mi ơi!!”.

Bây giờ tôi không còn thấy người đàn bà cao sang, với tấm khăn lụa màu cánh sen phất phơ trong hẻm giữa hai hàng chè tàu cắt tỉa vườn Kim Long lúc sáng nữa. Giờ đây, chỉ còn một bà già xứ Huế cột chặt quá khứ vào tuổi tác và cô đơn.

- “Cháu ơi, Ôi chao cái nghiệp chi mà khổ”

Cô Hồi Cung vẫn thút thít khóc khi chầm chậm bước vào lối kiểm soát an ninh phi trường.

N.Q.T
(SH302/04-14)







 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Đêm rừng lạnh (21/04/2014)
Trăng đỏ (18/04/2014)
Một ngày xứ em (03/04/2014)
Chuyện tình (27/03/2014)
Ảo ảnh (21/03/2014)
Trăng thu (11/03/2014)