Truyện ngắn
Của đời để lại
15:38 | 24/03/2009
NGUYỄN VĂN ĐỆThuần ra bến thuyền vào lúc thuỷ triều đang lên. Lúc này là nửa đêm. Trăng hạ tuần trong như con cá mòi tháng bảy nhảy hất lên từ mặt biển treo mình giữa nền trời xanh ngát. Gió tây se lạnh, gió thổi từ đất liền ra giộng rừng phi lao reo lên cùng với tiếng vi vu, vi vút, gió thổi vào ngọn sóng làm hắt lên những tia sáng.
Của đời để lại

Bến cá làng Ngư Linh rậm rịch tiếng chân người, tiếng gọi nhau í ới nhổ neo. Con thuyền của Thuần cũng như con ngựa đang rậm chân chờ anh nhảy lên nắm lấy dây cương. Mấy người bạn thuyền, trong đó có hai anh công an xã và một đồng chí công an huyện đang ngồi xổm trên sạp thuyền chờ anh. Dạo này bọn tặc biển, những kẻ đánh bắt cá bằng mìn, bằng kích điện xuất hiện nên xã tổ chức công an theo thuyền anh để trấn áp chúng. Trong khi chờ anh họ đang súc miệng và đang hút thuốc lào. Anh chỉ lội ào qua ba lần sóng cuộn là con thuyền sẽ nhổ neo rời bến. Suốt từ tối sau cơn mưa rào sầm sập, Thuần như ngửi thấy mùi cá mòi ngai ngái thơm bay từ biển vào. Cá mòi đã nổi rồi đây, Thuần nghĩ bụng và định đêm nay sẽ cho thuyền chạy dọc theo lần nước mười một sải tay, sáng ra thế nào cũng đánh trúng tía cá. Tất cả đã định thế, mọi việc đang diễn ra trong đầu Thuần với với một chuyến đi khơi đầy hy vọng. Bất ngờ đúng lúc Thuần lội ra gần đụng be thuyền. Anh bỗng nghe tiếng chó sủa trên cát. Bóng con Xồm đang đứng ở mép sóng. Con Xồm nhà ông Ngư ra bến bờ làm gì vào lúc này để làm gì anh không biết, nhưng sự xuất hiện và tiếng sủa của nó làm Thuần sững lại “Lại có chuyện rồi đây?” Thuần chợt nghĩ và quay vào bờ.

- Mày tìm tao à Xồm?

Mở cái áo buộc khất trên đầu mặc vội vào mình cho đỡ lạnh, nhìn con Xồm đang dầm mình trong sóng với đôi mắt sáng của nó, anh hỏi tiếp.

- Có chuyện gì phải không?

Con Xồm hục hặc mấy tiếng như để trả lời anh. Thuần nhận ra ông Ngư có điều cần nhờ anh đêm nay. Ở cái làng Ngư Linh này, này ông Ngư và nhà Thuần không phải là họ hàng xa gần gì mà chỉ là người cùng làng có quen biết nhau. Trong một lần Thuần đi qua quán cây dừa đầu xóm Nam, anh bỗng gặp một chuyện bất bình xảy ra; Số là cậu Thăng con trai thứ ba của ông Ngư từ thành phố về, không hiểu sao đã moi năm chỉ vàng chôn dưới đầu giường bố, theo ông Ngư đó là tài sản để dành của ông, hầu như ông chỉ còn có thế. con Xồm dẫn ông Ngư đến quán vào đúng lúc cậu Thăng và cô bạn mắt xanh mỏ đỏ đang say sưa ăn uống. Thế là hai bố con ông Ngư cãi nhau quyết liệt. Ông Ngư tuyên bố từ Thăng, còn cậu Thăng văng tục ra cả với bố. Hôm đó
chai bia từ tay cậu Thăng không bay trúng mặt ông Ngư mà bay thẳng vào bả vai Thuần do anh kịp thời đứng chắn. Hôm sau con Xồm dẫn ông Ngư lên trạm xá thăm Thuần. Được cái Thuần rất khoẻ nên vỏ chai bia chỉ làm Thuần xoạc một miếng da. Từ đó họ quen nhau. Một lần thấy Thuần vác câu vương ra đi biển vào lúc chập tối. Ông Ngư bảo Thuần đêm nay đừng đi câu vương giữa con nước cá đuối ém đáy nên đi đánh lưới trích. Quả nhiên cả làng câu vương chiều biển đó về không. Từ buổi đó Thuần năng đi lại thăm ông Ngư nhiều hơn.

Ông Ngư năm nay đã hơn tám mươi tuổi rồi, từ cái tuổi gần đất xa trời nhưng có lẽ suốt đời ông chém sóng trải gió nên nước da ông còn khá săn, dáng người ông cũng còn vạm vỡ với bộ râu trắng cứng như cước và đôi mắt tinh nhanh thời tuổi trẻ vẫn còn ánh lên sự khát vọng muốn được sống lâu dài hơn. Có điều mấy năm nay ông trở nên trầm tư, buồn rầu và đôi lúc tưởng như đã suy sụp hẳn. Trong số năm xã ven biển của huyện Hà này, có lẽ không ai không biết đến ông Ngư. Ngày xưa, thời trai trẻ ông thường dẫn dầu một đoàn thuyền lưới vây. Hồi đó những người đoàn trưởng đánh bắt cá ven biển thường được gọi là: Thợ cự. Sau này, khi đã trở thành xã viên hợp tác xã, cũng là công việc đứng đầu một đoàn thuyền đánh cá, người ta gọi ông là kỹ thuật trưởng. Cái chức ấy của ông thật là oai vệ. Cái oai vệ hơn là mỗi mùa cá đến, đoàn thuyền của ông luôn đánh bắt cá trúng tủ các bãi cá lớn. Những mẻ cá đích thân ông chỉ huy vây bắt đã một thời làm ông nức tiếng cả vùng, không chỉ gia đình ông, họ hàng ông mà cả hàng xóm cũng từng thơm lây.

Hồi xưa, những ai quen biết ông Ngư đều lấy ông ra làm niềm tự hào, thậm chí khi cần thiết, còn có cái cớ để hù dọa người khác: “tao là bạn thân của ông Ngư làng Ngư Linh đây nhá!”, “mày không biết thật à, ông Ngư là anh họ tao đấy”. Tiếng tăm và thực tài về nghề đánh bắt cá biển không chỉ làm cho ông vinh quang mà còn cho ông trở thành người giàu có. Sau nhiều năm làm “thợ cự” rồi làm “kỹ thuật trưởng” hợp tác Ngư Linh, ông xây được ngôi nhà to với nhiều tiện nghi mà nhiều người trong làng nằm mơ cũng không thấy. Năm ông chưa đầy bốn mươi tuổi, vợ ông, một người đàn bà thuỷ chung và rất mực đôn hậu bỗng phát bệnh và mất. Bà vợ thảo hiền để lại cho ông ba đứa con trai, bấy giờ đứa con trai lớn mới mười lăm tuổi và đứa nhỏ mới lên ba. Thương vợ nên ông quyết định nuôi con mà không đi bước nữa. Đối với ông Ngư cái nghiệp sát cá đã đem lại cho ông nhiều lợi ích và tiếng tăm và chính nó cũng làm cho ông mất đi những điều cho mãi đến bây giờ ông nuối tiếc không nguôi. Bao tháng ngày lênh đênh trên biển, trải dài những ngư trường này đến ngư trường khác đã không thể cho ông sự giáo dục con cái đến trọn vẹn.

Thằng Thúc, con trai cả của ông chưa học hết phổ thông đã đòi cưới vợ và buộc ông chia cho nó một nửa tài sản. Đúng lúc cơ chế mới ra đời, hợp tác xã nghề cá của ông tan rã, cái hợp tác mà ông bao công sức làm nên những mùa màng thắng lợi cuối cùng chỉ có chủ nhiệm Tựa và thằng con trai cả của ông là mua lại được đôi tàu mà trước kia ông cầm lái. Đôi tàu vốn bị ngân hàng nhà nước thu nợ để giải tán hợp tác xã. Chủ nhiệm Tựa tiếp quản đôi tàu của ông chỉ đánh có ba vụ mùa đã phải bán tháo nó đi vì ba vụ mùa đều không đánh trúng một tía cá nổi. Còn thằng Thúc nhà ông, nó dùng mìn thay vào phương pháp kỹ thuật đánh bắt của ông. Bất ngờ vào một ngày trời nắng to, có cầm mìn châm lửa vào dây cháy chậm khi tía cá xuất hiện trước mũi tàu, ánh nắng làm cho nó loá mắt không nhìn rõ đầu dây cháy chậm đã bén lửa, mìn nổ ngay trên tay nó. Và thế là đôi mắt nó và một cánh tay đi tong. Bây giờ nó ân hận thì không kịp nữa rồi. Thằng Thính, đứa thứ hai cũng chỉ học hết lớp bảy rồi cũng theo lũ bạn đi buôn bán đường dài. Chả hiểu ai dạy nó cái câu “phi thương bất phú” mà trong đầu nó vẫn ám ảnh một lý lẽ phải làm giàu bằng con đường thương nghiệp. Nó lấy vợ làng, một lần nữa ông phải san sẻ gia tài cho nó để nó quy ra tiền dồn vào những chuyến hàng biên giới. Nục, vợ nó, là một người đàn bà nết na nhưng sau một thời gian làm ăn, nó chê Nục quê mùa, không ngó ngàng đến nữa, rồi nó lấy một người đàn bà thành phố, buôn bán giỏi giang, nó bán tuốt tuột cơ ngơi lên ở trên tỉnh, người đàn bà ấy đã sinh với nó được hai con còn Nục thì chưa có gì, hiện chị sống tạm với một người chị họ và thỉnh thoảng vẫn ở lại trông nom ông bố chồng già yếu. Ông Ngư mấy năm nay trở nên buồn rầu, ông thấy mình trở nên cô đơn. Ngay cả thằng Thăng, đứa con trai út của ông cũng học đòi ăn chơi. Nó kết bạn với những đứa lười học, phiêu bạt khắp nơi và mỗi lần nó về nhà, là một lần ông khốn khổ, sau khi nó đã moi sạch mấy chỉ vàng còn lại, thằng Thăng biến đi đâu mất hút. Vậy là cả ba đứa con trai đã tuột khỏi tay ông, cùng với những đống tiền suốt bao năm trời lao động dành dụm cũng theo chúng nó đội nón ra đi.

Một lần vào một ngày mùa đông năm ngoái, ông Ngư không còn gì ăn, ông đã nhịn mấy ngày liền mà không ai ngó ngàng gì đến ông. Đành lòng ông cầm gậy đứng lên lê từng bước. Ông định đến nhà thằng Thúc, nhưng rồi không hiểu sao, khi sắp đến ngõ, con Xồm chạy lên trước ngoạm mõm vào đầu gậy dẫn ông đi, nó dẫn đến túp lều của Thuần. Hôm đó Thuần nấu cơm cho ông ăn.

Nhưng rồi ông Ngư cứ thấy mình chơi vơi như con thuyền nhỏ trước mặt biển mênh mông sóng gió. Có lần ông đã buộc sợi dây thừng thòng lên kèo nhà rồi xếp hai chiếc ghế chồng lên nhau. Nhằm lúc con Xồm vắng nhà, ông đã trèo hẳn lên ghế, cho cổ chòng vòng dây thì Nục đến. Chị hoảng hốt đỡ ông xuống, khóc lóc van xin ông đừng chết.

- Ừ phải. Bố còn nợ con. Bố chưa thể chết, thằng Thính không coi mày là vợ thì mày là con gái bố, để tao tìm một thằng biết thương người gả cho rồi tao nhắm măt mới yên.

Từ buổi đó hôm nào Nục cũng đến chăm sóc ông, Thuần cũng năng đi lại với ông Ngư hơn.
Một hôm Thuần mang mấy con cá trích nướng mới đánh được đến cho ông Ngư. Lúc Thuần sắp về, ông Ngư ngần ngừ một lát rồi bỗng hỏi:

- Sao cháu không lấy vợ?
Thuần gãi đầu:
- Không phải cháu không lấy vợ, mà không ai lấy cháu.
- Tại sao?
Thuần buồn rầu đáp
- Vì cháu không có bố. Mẹ cháu đẻ cháu ra được mấy ngày rồi giao cho bà ngoại nuôi cháu và mẹ bỏ đi. Đi đâu không biết, người ta bảo cháu là đứa con hoang. Bao nhiêu năm rồi mà cháu chưa nhìn thấy mặt mẹ. Bà cháu cũng mất rồi, cháu chả có ai họ hàng thân thích, cũng chả có tài sản gì cả, bây giờ cháu chỉ đi câu cá ong ria bờ bằng chiếc xuồng thúng nứa...

Ông Ngư ngồi lặng đi, một lát ông nói:
- Ông hỏi vậy thôi. Ông cũng biết rồi. Hiện cháu vẫn sống độc thân vậy hả?
- Vâng
- Cháu bao nhiêu tuổi rồi?
- Hình như ba lăm, ba bảy gì đấy.
Ông Ngư gật gật:
- Bằng lứa con Nục nhà ông.

Ông Ngư nói bâng quơ như thế và Thuần cũng không hiểu câu nói của ông còn có ý nghĩa gì nữa. Nhưng rồi vào những ngày sau, vào những buổi chiều ông Ngư có gạo nấu cơm, ông liền ra hiệu cho con Xồm đến gọi Thuần cùng ăn. Có hôm ông Ngư còn mua được cả một cút rượu cho cả hai người:

- Con gái của ta kiếm được đấy. Nó đi phơi cá thuê cho người ta - Ông Ngư nói.
Thuần ngơ ngác nhìn ông Ngư. Thuần biết ông làm gì có con gái. Nhưng ông Ngư cũng kịp giải thích:
Thì cái Nục là con dâu chứ sao. Nhưng thằng chồng nó là đứa bất nhân bất nghĩa nên bỏ nó. Ta coi con Nục như con gái, rồi ta sẽ gả chồng cho nó...
Thuần gãi đầu:
- Hai người ra toà chưa ông?
Ông Ngư cười khẩy
- Cái thằng bất hiếu bất nhân ấy còn đểu với con gái tao nữa kia. Nó lấy vợ mới trên thành phố có hai mặt con mà đâu có chịu ra toà với con Nục. Nó sợ phải đền bù “giá trị”. Đền bù à, nó phải đền tội mới đúng...
Thuần lại gãi đầu:
- Thế cô Nục đành chịu ở vậy à ông?
Ông Ngư bỗng cáu:
- Đời nào bố con tao chịu thua cái thằng khốn nạn ấy. Con gái tao sẽ lấy chồng. Nó có quyền lấy chồng. Cả làng này ai cũng làm chứng cho nó. Có mấy người dòm ngó đến nó rồi đấy. Có cả trai tơ. Mà toàn trai tơ chứ đâu đùa. Con gái tao còn hương sắc lắm đó chứ, ai lấy được nó là phúc to. Kìa, nó đến kia kìa...

Nục đến từ lúc nào, chị đứng ở góc sân, cúi nhìn con Xồm đang quấn quýt quanh chân chị.

- Bố ơi, sáng mai con lên bệnh viện thăm đứa bạn con bị ốm, có khi phải ở chăm nó vài hôm. Con mang thêm cho bố cút rượu. A, có mấy củ khoai nữa đấy. Bố ăn tạm khoai một bữa nhé. Chào anh...

Ông Ngư lắc lắc cái đầu:
- Gì mà con phải cẩn thận thế. Bố đang định xin đi phụ câu với anh Thuần đây - Không hiểu sao ông Ngư buột miệng nói thê ë- cái xuồng nứa của anh cũng chở được tới ba người chứ đùa à?
- Chở được - Thuần bất ngờ tán thành.
Ông Ngư hứng lên:
- Thế thì hôm nay anh cho cả hai bố con tôi đi với nhá. Ngày xưa, tôi câu cá ong giỏi nhất đám. Mấy đứa cùng xóm, cùng đi câu mà vẫn phải ăn trộm cá câu của tôi kia. Này, Nục ơi, con đưa rượu đây cho bố với anh Thuần uống. Hết thì tính sau để dành làm gì. Anh Thuần đây là người xóm con biết chứ?

Tai Nục đỏ ửng lên:
- Dạ, con có biết- Nói rồi Nục đưa cút rượu cho ông Ngư
Ông Ngư càng hứng khởi:
- Anh Thuần cũng điển trai chứ lị. Có điều có hoàn cảnh. Mà anh Thuần cũng là một tay câu giỏi đấy. Con mua cá của anh Thuần bao giờ chưa?
- Chưa - Nục buột miệng - thôi con về đây. Tao về đây Xồm.
Nói rồi Nục vội quay đi, chị không nhìn Thuần mà chào khẽ:
- Anh ở đây uống rượu với bố em.
Nục chạy vù ra ngõ. Mặc cho con Xồm nhông nhông sau chân.

Thế rồi mấy hôm sau, giữa trưa nắng ông Ngư ra bến, ông để mặc con Xồm chạy lăng xăng trên bãi cát rồi bơi ra xuồng nứa của Thuần, lúc ấy Thuần đang phơi câu trên sạp xuồng, ông Ngư kiểm tra vàng câu, giơ những lưỡi câu lên ngắm nghía, ông bảo:

- Trời, ai cắt lưỡi câu cho anh thế này. Lưỡi choác, mà đốc câu dài quá, trách gì câu anh không mấy khi bén cá phải không?
Thuần gật đầu:
- Dạ, thường là cháu phải lì lắm mới giật được một con, có khi nó lẻm mất mồi.
Ông Ngư mỉm cười:
- Đưa kìm đây cho tao, kiếm tao hòn đá mài, cả con dao nữa.

Hôm đó ông Ngư tỉ mẩn sửa câu cho Thuần. Ông sửa cẩn thận như ngày xưa mỗi lần sửa cho mình, ông còn cắt thêm cho Thuần mấy lưỡi mới để dự phòng. Hôm sau quả nhiên những lưỡi câu của Thuần rất bén cá. Thuần câu được nhiều cá hơn hôm trước. Một hôm ông thấy Thuần cắt nhỏ những con lẹp ra từng miếng làm mồi. Ông bảo Thuần:
- Cháu câu cá ong, cá câu bằng mồi cá lẹp thì không nhạy đâu. Phải câu bằng mồi giun đất. Mồi giun đất hấp dẫn với cá biển lắm đấy.
- Cháu không có lúc nào rỗi để đào giun đất. Cháu cứ phải xin cá lẹp ở các thuyền đi lưới vây về để làm mồi câu - Thuần đáp.
Không lo - ông Ngư vồn vã nói - Để ông bảo con Nục. Nó rỗi lắm. Có mấy khi người ta có cá cho nó phơi đâu. Ông bảo nó đi sắn giun cho anh.

Thuần gãi đầu, anh thấy nể bố con ông Ngư quá. Nhưng rồi Nục thỉnh thoảng đem lại cho Thuần hàng bát giun do chị sắn được. Ông Ngư nhiều hôm lội ra xuồng câu cùng Thuần. Ông mách Thuần cách giăng câu như thế nào mỗi khi nước chảy cho lưỡi câu không vướng vào nhau. Ông bổ sung những cách câu hay nhất, có hiệu quả nhất.

-Khi anh giật câu là phải biết lưỡi câu đã nằm trong miệng con cá. Chớ giật vội vàng mà hỏng ăn - ông nhắc Thuần.

Từ buổi đó Thuần câu được rất nhiều cá ong, đôi khi cá uốp, cá đục cũng bén câu của Thuần. Nhiều hôm Thuần mải câu, khuya mới cho xuồng cập bến, ông Ngư lại đi gọi con dâu đem cá chạy chợ bán giúp cho Thuần. Có hôm ông bảo Nục mua gạo về nhà ông nấu cơm cho cả ba người.

Một hôm Thuần không đi câu được, anh bị cảm cúm. Ông Ngư bảo Nục đi kiếm lá nấu cho Thuần một nồi nước xông. Thuần xông xong thấy nhẹ cả người. Ông Ngư lại bảo Nục:

- Con chèo xuồng của anh Thuần ra cửa lạch Trầm hớt mớ ruốc tươi. Trời này ruốc nổi như bèo. Con hớt lấy một bát về nấu cháo cho anh Thuần ăn.

Nục chèo xuồng ra cửa lạch. Hôm đó nước vừa mới sinh, trời mát, ruốt đầu mùa nổi như mưa phùn từ mặt sóng nổi lên. Nục hớt được một rá đầy. Chị mang về lều Thuần, nồi cháo ruốc tươi hôm đó làm Thuần khoẻ nhanh. Đêm sau anh đã lên xuồng đi câu được rồi. Mùa câu năm ấy, Thuần để ra được số tiền kha khá. Anh dỡ căn lều của mình rồi mua hẳn vật liệu xây dựng ngôi nhà ngói ba gian. Cả làng Ngư Linh đồn ầm lên là Thuần được thần biển cho ăn lộc nên mười chiều câu thắng lợi cả mười. Một hôm ông Ngư không được khoẻ nhưng biết cá ong áp lộng. Ông bảo Thuần muốn bội thu phải có phương thức câu mới: Phải giăng câu bằng mồi gium ướp thính gạo và nướng nóng. Giun ướp thính gạo mà nướng nóng thì cá ong, thậm chí các loại cá khác cũng tranh ăn. Ướp thính gạo thì Nục sẽ làm. Nhưng nướng nóng ngay khi thả câu thì phải làm thế nào? Thế là ông Ngư động viên Nục lên xuồng đi câu cùng Thuần.

Tối hôm đó biển lặng, sóng lăn tăn lượn lờ vỗ nhẹ vào mạn xuồng ăm ắp. Bầu trời cao xanh không một gợn mây, những ngôi sao xa xôi trong lòng biển lóng lánh. Nục đặt bếp than trên sạp xuồng, Thuần châm lửa giúp Nục. Nục nướng giun như nướng cá ở nhà rồi đưa cho Thuần. Thuần mắc mồi rất nhanh rồi lần lượt giăng câu. Đúng như ông Ngư đoán. Cá ong hôm đó xuất hiện dày, cả cá đục, á uốp cũng tranh nhau ăn. Mồi gium ướp với thính gạo nướng nóng thơm phứác hấp dẫn chúng. Thuần kéo câu luôn tay. Nục nướng mồi đôi khi không kịp nữa. Lắm lúc Thuần phải vơ câu lên kéo lên hàng chùm cá như chùm sung. Đến đêm thì lòng xuồng đã chật cá. Đột nhiên trời đổ mưa. Mưa không to nhưng đều hạt. Xuồng Thuần không có mui. Thường thì những hôm đi câu, để đề phòng mưa, Thuần vẫn mang theo một tấm nilông vuông đủ che cho mình. Hôm đó không hiểu sao Thuần lại vô tâm đến thế. Một tấm nilông nhỏ mà lại cho hai người. Thuần mở áo mưa đưa cho Nục:

- Chị trùm lên đầu kẻo ướt dầm người thì rét đấy. Nếu biết trời đêm nay, tôi bảo chị đừng đi nữa - Thuần nói.
- Kệ tôi, anh cứ mặc vào người ấy, kẻo lại cảm.

Hay người đùn đẩy nhau mãi. Cuối cùng Thuần trùm cho cả hai. Lần đầâu tiên trong đời. Thuần ngồi sát một người đàn bà. Hơi ấm của Nục toả sang làm cho Thuần rạo rực. Bộ ngực căng tròn và đôi môi hồng thắm của người đàn bà đang hồi sức làm cho trái tim trong trắng và cô đơn của Thuần rạo rực. Cá ong rựt lia lịa trên dây câu. Nhưng thuần không kéo câu nữa. Không hiểu sao, anh cứ để chiếc xuồng của mình trôi dập dềnh trên sóng. Đôi tay thô ráp và vụng dại của Thuần chạm vào người Nục lúc nào không biết. Đêm đó, vào lúc gần sáng. Người ta thấy chiếc xuồng của Thuần chao đảo trên mặåt biển lặng ắng.

Mấy hôm sau Nục tránh mặt Thuần. Rồi sau đó chừng hơn một tháng. Nửa đêm Nục gõ cửa nhà Thuần:

- Anh tính sao đây? Em có thai rồi -Nục ngậåp ngừng nói. Chị oà khóc rồi chạy ra bãi cát.
Thuần ngẩn người giây lát rồi chạy theo Nục. Anh bắt được Nục dưới lùm phi lao thưa.
- Gay quá, anh cũng chả biết tính sao cả - Giọng Thuần run run - Anh chỉ sợ ông Ngư buồn, rồi ông mắng cho.
- Tại anh, anh hư lắm - Nục mắng.
- Ừ, tại anh. Nhưng mùa cá câu vừa rồi anh dành được kha khá. Lại được vay thêm tiền ngân hàng hỗ trợ việc làm. Anh đã cho đóng con thuyền đi khơi... Chiếc xuồng thúng nứa sau này sẽ thành kỉ niệm.
- Anh cứ để cho em bán cá cho anh nhá?
- Đúng. Nhưng chỉ sợ ông Ngư giận anh. Rồi ông sẽ không mách nước hay cho anh đánh được những tía cá lớn. Rồi anh sợ thất bại...
- Không việc gì phải sợ. Không có chuyện gì đáng sợ... anh vừa làm vừa học rồi sẽ khá lên. Anh cũng là loại liều, liều có khi mà hay...

Thuần bất giác bật cười.

Ba tháng sau khi cái bụng của Nục đã lùm lùm, người ta đồn ầm lên rằng Nục đã chửa hoang. Đúng là Nục đã chửa được mấy tháng rồi. Nhưng chửa với ai, không ai biết. Dân Ngư Linh kiêng kị nhất là đám đàn bà con gái không chồng mà chửa với người khác. Một hôm Thính từ thành phố trở về, nó đột ngột bước vào nhà ông Ngư. Cái mặt vênh váo với đôi mắt lươn của nó nhìn ông Ngư xoi mói.

Con Nục nó ăn nằm với ai hẳn chỉ một mình ông biết? - Thính xẵng giọng hỏi ông Ngư.
Ông Ngư chỉ nhìn nó trừng trừng.
- Người ta chỉ bảo con Nục chỉ hay đi lại ngôi nhà này thôi. Đàn ông dao sắc cắt đầu gối máu không chảy mới không làm đàn bà chửa. Ông già rồi nhưng già không đều. Nhà này hỏng rồi. Thôi để tôi bán nhà, hay đốt nó đi.
Ông Ngư nhổm dậy vớ con dao lao thẳng về phía thằng Thính, cũng may nó tránh được rồi chuồn thẳng.

Mấy hôm sau nghe nói ông Ngư ốm. Thuần không dám lại thăm. Anh biết ông Ngư bị bệnh lao lực lao tâm và suy dinh dưỡng nên tự đi cắt thuốc bắc rồi gửi Nục đem về cắt cho ông uống. Hôm đó thuyền đi đánh lưới khơi, Thuần cho con cá mú to bỏ vào chậu nước gửi Nục đem về nấu cháo cho ông Ngư ăn. Cá mú tươi sống mà nấu cháo cho người ốm ăn thì nhanh khoẻ lắm. Nhưng đêm nay không hiểu có chuyện gì mà ông Ngư cho con Xồm ra bến gọi anh. Thuần thấy lo. “Không biết có chuyện gì sắp xảy ra. Có thể là chuyện về cái bụng chửa của cô Nục. Chắc chắn mình sẽ bị chửi. Có khi còn bị bắt đền. Đền thì đền, mình sẽ gánh tất. Sợ gì, cô ấy đáng yêu lắm chứ”. Thuần nghĩ thế. Nhưng rồi Thuần lại đoán có thể bệnh của ông Ngư nặng thêm “Mình sẽ nghỉ chiều biển để đi cắt thuốc cho ông. ỪÂ, phải chăm sóc ông già, ông cụ đã cho mình rất nhiều”.

Thuần nghĩ vậy rồi đánh bạo bước vào sân nhà ông Ngư. Con Xồm đã phóc đến chỗ ông Ngư nằm, nó thè lưỡi liếm vào chân ông Ngư. Dường như biết Thuần đến, ông Ngư trở mình. Ánh điện nê-
ông treo giữa nhà soi rõ khuôn mặt yếu ớt và nhợt nhạt của ông Ngư. Hầu như chòm râu trắng của ông đã rụng nhiều.

- Ông cho gọi con - Thuần lên tiếng.
- Lại gần đây đi - Giọng ông Ngư ấm áp - Con ngồi xuống. Ta mong con mấy hôm nay.
- Dạ, con có lỗi -Thuần nhỏ nhẹ. Mấy hôm nay bọn tặc biển phá cá ghê quá, xã huyện phải phái công an đi với chúng con, nên con không đến thăm ông được.
Ông Ngư chợt mỉm cười:
- Không lỗi gì cả. Con định đánh cá mòi nổi phải không?
- Dạ. Sao ông biết ạ? - Thuần ngạc nhiên.
Ông Ngư khẽ gật đầu:
- Có gì mà không biết. Biển trong lòng ta, trước mắt ta, trong tay ta. Đêm nay con đừng đi đánh cá mòi vội. Là vì sáng sớm mai triều cường, nước chảy mạnh, có vây được cá vào vòng lưới rồi nó cũng luồn ra hết, không ăn nhằm gì đâu. Muốn đánh được là phải đợi trưa nắng đứng bóng, thuỷ triều dịu hẳn đã. Vì vậy sáng con nhổ neo cũng không muộn gì. Con ở đây với ta một lúc, ta cần con có chút việc.

Thuần thở phào “suýt nữa mình cho thuyền ra khơi bủa lưới vội, hỏng ăn” Thuần nghĩ. Anh nhớ lại có một buổi tối. Anh và ông Ngư ngồi trên bãi cát ngắm biển đêm. Mấy hôm trước anh cho thuyền khơi của mình ra khắp ngư trường mà không có cá. Đột nhiên ông Ngư ngẩng đầu nhìn mây, mũi ông hít hít hơi sóng rồi bảo anh:

- Chiều mai cá nhụ nổi dày đấy. Chuẩn bị lưới chài mà đi mai phục. Đậu thuyền ở lần mười sải nước là vừa, chiều chạng vạng thế nào cá cũng nổi.

Quả nhiên hôm đó Thuần nghe theo lời ông Ngư mà đã đánh thắng chiều biển. Anh vây được một tía cá nhụ to, trả nợ được gần hết số tiền vừa vay đóng thuyền khơi. Thuần hỏi ông Ngư:

- Ông thấy trong người thế nào ạ?
Ông Ngư nhỏ nhẹ:
- Người ta bảo chữa được bệnh mà không chữa được mệnh. Ta biết ta sắp đi rồi. Có một số việc, ta muốn dặn lại con...
Giọng Thuần run run:
- Dạ, con nghe.
- Nục đâu - Ông Ngư bất chợt gọi - Chiều qua bố nhờ con mua sách bút, con có mua không?
- Có ạ, có ạ - Nục đứng nấp sau cửa bây giờ mới lên tiếng - Cô với cuốn vở và cây bút trên bàn đưa ra.
Ông Ngư âu yếm nhìn Thuần.
- Người ta bảo: Phải chọn mặt gửi vàng. Ta muốn trao một số tài sản cho con. Con nghe ta, sau khi ta mất, con sẽ thành người giàu có, nhất định thế...
Thuần ngơ ngác:
- Ông dạy con điều gì ạ?
Ông Ngư.
- Con viết đi, Thuần cầm bút lên.
Ông Ngư:

- Đánh các loại cá nổi nhằm những ngày biển lặng, những lúc thuỷ triều dịu. Nhất là cá gùng, cá trích, cá mòi, cá bẹ, cá nhụ, cá dớp, cá ngừ... Đánh các loại cá đáy nhằm những ngày biển chớm động, hoặc sau hôm động biển. Vì các loại cá đáy thường ngâm mình dưới bùn, trong lỗ. Như cá bơn, cá dưa, cá chai. Biển động, sóng cồn làm cá phải chui ra khỏi lỗ. Đấy là thời cơ để đánh bắt con nhớ lấy.

Thuần vội vã ghi chép. Ông Ngư nói về những điều kiện để cá nổi. Ông nói về nguyên nhân cá biến mất. Ông dặn Thuần đánh cá chú ý cách thả lưới, cách quan sát cá chuyển hướng, biến đổi. Ông còn dặn Thuần về vị trí các bãi bùn, những dạn đá nằm sâu trong lòng biển mà cả đời đi đánh cá ông đã gặp phải. Tất cả những bí quyết này, ta chỉ trao cho mình con, nó là tài sản lớn, là của đời để lại đấy con ạ.

- Con ghi cả rồi đây ạ- Thuần xúc động nói.

Ông Ngư nắm lấy tay Thuần:
- Nhưng theo ông con phải nhớ một điều: Các tía cá đang tìm hom vụng để đẻ con nên tránh. Một con cá mẹ có hàng mấy trăm trứng. Đánh nó thì mùa sau sẽ còn gì mà đánh. Càng không được nghĩ cách huỷ diệt. Thần biển có đấy, ngài nhìn thấy hết. Thằng Thúc là một tấm gương tày liếp. Cá bụng to đang đẻ thì chớ nên bắt, nhưng con Nục nhà ông bụng to mày tính sao? Có bắt không?

Thuần rưng rưng đôi mắt. Anh quay sang Nục. Bất chợt anh ôm chầm lấy cô. Con Xồm cũng nhảy lên quấn quýt bên chân hai người.
Tiếng ông Ngư nhỏ nhẹ thì thào:
- Vậy là ta có thể yên tâm nhắm mắt được rồi.
Ông Ngư thiếp đi. Đêm hôm đó tiếng sóng biển ngân vang như một lời hát.

N.V.Đ
(198/08-05)

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Fóc kiêu ngạo (19/03/2009)
Khan (13/03/2009)
Trang mới (05/03/2009)
Ân tình (24/02/2009)