Truyện ngắn
Người thầy đầu tiên
10:18 | 15/09/2014

ĐỖ KIM CUÔNG

(Kính viếng các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hi sinh giữ đảo Trường Sa)

Người thầy đầu tiên
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

1.

Tôi chỉ là một đứa trẻ nghèo ở một làng chài ven biển. Năm tôi mười một tuổi, cha tôi trong một chuyến đi đánh cá ngoài khơi xa bất ngờ gặp bão lớn cùng với bốn người đi trên thuyền không một ai trở về. Cuối năm ấy, má tôi trong một buổi sáng đi kéo lưới gỡ cá ở cửa sông Cái đạp phải dây kẽm gai Mỹ về nhà chân sưng tấy như bắp chuối hột, cảm sốt ít ngày. Bà con cô dì cáng được má tôi lên tới viện huyện chưa đầy nửa ngày bà cũng mất. Vi trùng sài uốn ván, ăn tới tim phổi má tôi không sao cứu kịp! Một bà dì ruột lúc thắt lên đầu tôi tấm khăn tang, bảo vậy. Ông nội tôi, một người thương binh từ ngày đánh Pháp, ông là du kích theo bộ đội trung đoàn Trung Dũng đánh núi Hiềm dưới chân đèo Cả, bị quân Pháp bắn. Dạo ấy, đang vào tiết xuân, qua được mấy ngày tết, nội tôi ốm có nửa ngày, tuổi nội đã ngoài bảy mươi thương con trai, con dâu, ổng cũng bỏ tôi mà đi.

Tôi trở thành một đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa, đang học dở lớp năm trường làng, tôi bỏ ngang. Sớm sớm, tôi ra ngoài biển, đợi thuyền về lượm cá cho các bà buôn chuyến; đi kéo lưới, đi khênh cá phụ giúp cho những chủ thuyền. Vườn soài và hơn chục cây dừa trong vườn cùng với tiền công mỗi ngày đủ giúp tôi sống xênh xang, không lo đói. Buổi sáng, sau những giờ lao động cực nhọc, dội qua vài gầu nước giếng, tôi ra ngoài quán nhâm nhi li cà phê đặc quánh thơm phức. Bà Xí béo chủ quán có một bí quyết pha cà phê mà chỉ ở làng vạn chài mới có cà phê phin pha đặc, chấm vào mỗi ly một đầu tăm nước mắm nhĩ. Hương vị cà phê ấy, ai đã một lần uống nhớ mãi không thôi. Uống riết thành quen, khách không thể bỏ quán mà đi. Buổi chiều quãng bốn giờ, mặt trời khuất sau những mỏm núi gập ghềnh của dãy Đại Sơn, những con thuyền lũ lượt nối đuôi nhau ra khơi, bỏ lại sau những căn nhà mái tôn, mái ngói lẹp xẹp ẩn hiện sau tán lá dừa và đám đàn bà con nít, tôi và những kẻ vô công rồi nghề kéo nhau ra quán ngồi chọc bi a và uống bia cỏ. Cũng có khi cao hứng chúng tôi rủ nhau đánh bài ăn tiền, sát phạt nhau cho tới khuya. Khi trong túi không còn lấy một đồng, mồm miệng sặc sụa mùi thuốc lá, rượu bia chúng tôi lướt khướt đi về nhà. Khuya. Bụng đói. Khát như cháy cổ. Ra ngoài lu tôi tu cả một gáo dừa nước lạnh cho đã khát. Còn chút cơm nguội trong nồi thì tốt. Có bận tôi ngồi nhai mỳ tôm sống. Cuộc sống bụi bặm, hoang dã của tôi cứ vậy trôi đi cho đến năm tôi 18 tuổi. Nếu không có một sự kiện xảy ra ở làng dẫn tới bước ngoặt làm thay đổi cuộc sống của tôi, chính tôi sẽ không mường tượng được đời tôi sẽ ra sao sau này.

Năm ấy, khô hạn nặng, lúa chết vàng đồng. Các giếng nước trong làng phải thả dây dài vài chục sải mới có được một gầu nước, đục lờ lờ như nước cua nhiễm phèn. Một đơn vị bộ đội của quân khu được trên đưa về khơi mương đắp đập dẫn nước từ trong khe núi xa cả hàng chục cây số về làng biển, cứu lúa. Buổi chiều sau giờ lao động, mấy anh lính trẻ lại rủ cánh thanh niên trong làng ra sân đình đánh bóng chuyền, chia phe ra ngoài bãi cát đá bóng. Cánh trai làng tỏ ra ghen tỵ với mấy anh bộ đội vì một lẽ đơn giản: đám con gái làng chài, kể cả các cô trong thị trấn cứ vây quanh để được các “chú” bộ đội dạy đàn hát. Bộ đội còn đưa đội chiếu phim về chiếu, tổ chức đêm văn nghệ “quân dân đoàn kết”. Các cô gái làng cặp với mấy anh bộ đội đi coi cải lương, hát bội, xem phim ở sân vận động của huyện. Trong con mắt của các cô gái, tụi tôi chỉ là một lũ nhóc vô công rồi nghề, rượu chè bết bác say xỉn, không đáng mặt đàn ông.

Một buổi sáng, đi khiêng cá ở ngoài bãi thuyền trở về, rủng rỉnh trong túi có tiền, tôi lặng lẽ mua 5 chai bia Vạn Lực rồi tìm đến nhà cậu Hai Tý. Cậu Hai Tý có họ hàng xa với má tôi, nhưng tôi ít khi nhờ vả ông, ngoại trừ ngày nội tôi mất tôi lên xã nhờ ông xác nhận đóng dấu để lên huyện nhận chút chế độ tang ma của thương binh. Năm chai bia Vạn Lực, tôi giấu kín trong chiếc bao bố. Tôi lại xách theo con cá đuối nặng hơn ký, mua rẻ của chủ thuyền.

Cậu Hai Tý đang cởi trần ngồi sửa chiếc xe Honda 67 không hiểu hỏng hóc gì mà ổng tháo tung cả nhông xích, hộp dĩa để ngổn ngang trên mặt sân láng xi măng. Con chó vàng lông xù ngồi chồm hổm nhìn ông chủ đầm đìa mồ hôi, tay chân dính đầy dầu mỡ. Thoạt thấy tôi, con chó nhỏng lên “gừ” một tiếng, nhận ra người quen, nó vẫy đuôi rồi lại ngồi nhìn chăm chú con cá đuối tôi cầm trên tay. “Mi rỗi việc hay sao lại tới đây?”. Cậu Hai Tý vẫn không dời chiếc cờ lê, nhướng mắt nhìn tôi hỏi. “Cháu thất nghiệp, nên mới phải tìm tới chính quyền - Tôi cười bả lả, giọng nịnh nọt… Hôm qua giỗ má cháu. Cậu bận không tới ăn cỗ, nên cháu mang chút lộc của má cháu đến biếu cậu mợ”. Điều này tôi nói dối cậu Hai Tý. Giỗ má tôi đã qua cả tháng rồi, được cái ông cậu quý hóa của tôi có trí nhớ tuyệt vời là không nhớ gì cả nhất là những ngày kỵ giỗ họ hàng. Nhưng ông lại có thể thức cả đêm bên can rượu ngồi kề vai áp đùi với mấy cô ả đào trong đoàn hát bội, tay gõ phách hát những câu vè cúng “Ông Voi”. Làng tôi vào đầu mùa cá bao giờ cũng mở hội mời thầy cúng và đoàn hát bội làm lễ tạ ơn thần biển. Đền thờ “Ông Voi” lập ngay ngoài bãi cát, cửa sông. Vài trăm năm trước, một Ông Voi đã bị sóng đánh trôi dạt vào bờ, ngài ngự ngay tại bãi cát làng tôi. Trải bao đời, dân làng góp công góp của xây miếu thờ. Ngày mở hội cúng Ông Voi cả làng cúng kỵ, ăn nhậu ròng rã 3 ngày 3 đêm mới tàn. Dân quanh vùng về dự tế lễ đông vui. Làng tôi được tiếng thơm là nhờ vậy. Lúc mở chiếc bao gai, thấy chai bia Vạn Lực, cậu Hai Tý mắt sáng lên như vớ được vàng. “Ôi! Ơn phước chị Tư cho em uống bia… Chị có thằng con khá lắm!”. Cậu tôi lau ngay hai bàn tay đầy dầu mỡ vào chiếc quần bò cũng dính lem dầu mỡ, cát bụi, ghé răng mở nắp chai bia và tu một hơi dài sung sướng. Khi nhìn thấy da mặt của cậu tôi dãn ra, ông rít những hơi dài điếu thuốc Vàm Cỏ hai má tóp lại rồi thở ra những đụn khói trắng đục sung sướng, tôi mới thẽ thọt: “Cháu đến xin cậu cho đi lính!”. Ông cậu tôi ớ ra, giọng nạt nộ. “Thằng này láo! Thời ta ai gọi là “đi lính”. Đi bộ đội. Đi nghĩa vụ quân sự chớ! Ngu rứa mà đòi đi bộ đội!”. “Dạ… Cháu ngu… Cháu xin cậu tha cho. Nhưng cậu phải cho cháu đi bộ đội. Không đi xấu hổ với mấy đứa con gái làng lắm! Chúng nó khinh rẻ cháu…”. Cậu Hai Tý như đã hiểu ra cái nguyên cớ tôi đến đây, không chỉ vì mấy chai bia và con cá đuối treo ngược trên dàn mướp mà còn vì lý do xin đi bộ đội. Lúc ấy cậu mới bảo tôi: “Cháu có biết quy định đi bộ đội bây giờ phải có trình độ văn hoá hết cấp II không? Mà mi, tao nhớ không lầm, học chưa qua lớp 6”. Tôi nói như cướp lời: “Vậy cháu mới nhờ cậu. Số 6 với số 9 chỉ cần vắt lộn ngược lên là xong như ngày xưa cậu cầm hai chân cháu bắt trồng cây chuối ăn hết củ khoai mới thưởng tiền. Chữ nghĩa, quyền pháp trong tay cậu, khó gì…!”.

Tôi không biết ông cậu quý hóa của tôi làm cách gì nhưng vào mùa tuyển nghĩa vụ năm ấy, tôi được xã kêu lên đi khám ở huyện. Mười tám tuổi, cao một mét bẩy, nặng hơn sáu chục kí lô, da đen như cột nhà cháy, tôi đủ sức vật voi, đi trầm cả ngày không cần ăn, huống hồ đi bộ đội. Chỉ vài tháng huấn luyện, những người chỉ huy đã phát hiện ra tôi là một tay bơi biển có hạng. Bốn tháng sau, tôi về làng ăn mặc bộ quần áo bộ đội, mũ vải hải quân, đeo lon binh nhì, oách ra phết. Tôi được nghỉ phép đúng mười ngày, làm cơm cúng tổ tiên, cha mẹ để chuẩn bị đi làm nhiệm vụ. Mấy sào vườn, nhà cửa tôi gởi lại cho hợp tác xã nhờ trông coi, chăm sóc. Các cô gái ở làng thấy tôi thay hình đổi dạng nửa tò mò kinh ngạc, thẹn thùng, nửa kiêu kỳ, khinh thị. Tôi là một kẻ nghèo kiết xác, phải rồi. Giờ lại xa nhà đi biệt xứ. Không sao! Đầu óc tôi chỉ quay cuồng, ý nghĩ - chờ một ngày xuống tàu ra đảo.

Tàu cập đảo vào đêm. Có lẽ đã quá nửa đêm. Biển động nhẹ. Đêm hạ tuần, không trăng nhưng mặt biển không tối, sáng mờ mờ nhờ những ánh lân tinh lấp lóa trên sóng. Sáu người lính tân binh được bổ sung cho đảo X ngồi trên một chiếc thuyền nhỏ cập vào “đảo”. Chỉ đến khi bước chân lên ngôi nhà sàn cắm chênh vênh trên những hàng cọc xi măng nổi trên mặt nước tôi mới hình dung ra đảo chìm ở Trường Sa. Thêm ba chuyến thuyền nữa chở lên “chốt” nào gạo, thực phẩm khô, nước uống, dầu hỏa, đạn dược, thuốc men… Hơn một giờ sau, chiếc tàu Hải quân mới hú một hồi còi dài chào tiễn biệt. Trong ánh sáng nhập nhòa của ngọn đèn bão, tôi không thể nào nhận rõ mặt hai người chỉ huy của đảo X. Họ lầm lì, ít nói. Còn chúng tôi sau lúc bỏ ba lô, súng đạn cũng nhanh tay cùng họ xếp từng bao gạo, bọc kín trong hai lớp ni nông để tránh ẩm ướt. Các bao gạo xếp dọc tường nhà thành dãy công sự, che chắn sóng gió. Mệt mỏi sau quãng đường dài vượt biển, chúng tôi lăn ra ngủ cho đến khi mặt trời đỏ rực xuyên qua ô cửa sổ chiếu vào giữa sàn mới tỉnh giấc.

Hàng tháng trời ở căn cứ huấn luyện, tôi và những anh tân binh thường xuyên được gặp gỡ những người chỉ huy đã từng nhiều năm chốt giữ Trường Sa. Họ dạy cho chúng tôi đủ điều về cách sống của một người lính đảo. Từ việc dùng từng ca nước ngọt sao cho khỏi lãng phí, cho đến việc nấu ăn, rửa chén, trồng rau trong những thùng gỗ đến việc chốt gác, cách phát hiện tàu lạ trên vùng biển… Cho đến cả cách học chèo thuyền, bơi trên biển cứu người. Tôi là một anh dân chài, những gì dính dáng đến biển bài tập luôn đạt điểm ưu. Tỷ như việc câu cá, mò xuống hốc đá san hô bắt tôm hùm để cải thiện bữa ăn, tôi là số một. Lúc con nước ròng, trơ ra hàng cột giữ cho ngôi nhà sàn chênh vênh trên một dải cát xen lẫn với thảm san hô rộng chưa tới trăm mét, đấy là những lúc chúng tôi cảm thấy sung sướng nhất. Chân cẳng được thả bộ trên mặt cát ướt nước, lặn ngụp thỏa thuê dưới làn nước biển xanh mặn chát, luồn lách qua những rặng san hô muôn hình, nghìn tía lẫn trong đám rong rêu… Thỏa sức mò tôm, bắt ốc…

Bây giờ, tôi xin kể về hai vị đảo trưởng, đảo phó của tôi. Đảo trưởng tên Huệ, quê đâu ở một tỉnh phía Bắc. Anh là người có thâm niên đi bộ đội lâu nhất. Như lời anh kể, lứa lính đi năm 1974, tham gia đánh giải phóng Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn. Từng học năm thứ 3 Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau năm 1975, anh Huệ được chuyển đi học sĩ quan lục quân… Còn Khắc - đảo phó, trẻ hơn. Lính nghĩa vụ tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam, sau chuyển sang đặc công và được điều ra đảo. Nhưng tôi có cảm tình với anh Huệ hơn. Anh không chỉ hơn tôi có đến hơn một giáp. Tôi coi anh như bậc cha chú. Anh lại để râu quai nón, tóc dài trông tướng dữ tợn đầy chất giang hồ như trong phim kiếm hiệp, nửa lại như một nghệ sĩ tài tử, nhất là vào những buổi chiều tà, cơm nước xong anh cầm cây đàn ghi ta ra ngồi ở đầu sàn vừa gẩy đàn, vừa hát những bản tình ca mùi mẫn. Mấy đứa trong tổ chốt gọi đùa anh Huệ là “Rôbinsơn - đảo chủ”. Tôi chẳng hiểu cái gã “Rôbinsơn” là ai, nhưng nghe quen tai cũng thích, gọi theo. Nhưng thực ra đảo chủ của tôi lành, tốt bụng. Anh rất ghét một cậu nào đó trong chốt gọi anh bằng cái từ “thủ trưởng” cung kính. “Thủ cái con khec… Anh Huệ nhổ bãi nước bọt, bắn văng theo mẩu thuốc lá đã cháy gần hết - Đã là lính đảo, anh em một nhà, chia ngọt xẻ bùi, sống chết có nhau… Nhớ chưa!”. Vui chuyện anh kể cho chúng tôi nghe một anh cán bộ chính trị viên của đại đội anh ngày trước, trong chiến dịch đánh vào giải phóng Huế. Anh ta ở ngoài Bắc mới vào nói năng rành rẽ, khúc chiết, y sách. Vốn liếng có được chữ nào học được ở trường quân chính anh ta thao thao thuyết giảng cho đám lính chiến chỉ quen ăn bờ, ngủ bụi, đi chân đất, mặc quần đùi, ôm AK hút thuốc, uống rượu như ranh. Lần xuống đánh giặc ở đồng bằng, anh chính trị viên nọ quen như ở trên rừng. Đi qua trảng cát phá Tam Giang, mọi người phải cởi dép, đi chân đất để khỏi bị lộ. Anh chính trị viên nọ không nghe lệnh, cứ đeo sắc cốt, có chiếc dài bán dẫn, cắm tai nghe để nghe tin tức, chân đi dép. Tổ trinh sát là cánh lính biệt động địa phương Phong Quảng phát hiện được, một cậu quay lại mắng. “Mi ngu chi mà ngu rứa. Mi muốn tụi lính bảo an trong ấp bắn cho bề óc hử... Đi đêm ở đồng bằng mà còn mở radio, đi dép...”. Anh chính trị viên tự ái, tức giận quát anh lính địa phương vô tổ chức. “Tôi là thủ trưởng - chính trị viên...”. “Thủ cái cục cứt! Anh trinh sát địa phương cũng không vừa - Về đồng bằng đánh giặc thì có là ông tướng, ông tá cũng phải cởi dép, mặc quần đùi...”. Cho đến khi nổ súng đánh chống càn ở ấp Hiền Lương, anh chính trị viên cứ phơi phơi chạy bị máy bay trực thăng bắn, chết mất xác.

Anh Huệ có một trí nhớ tuyệt vời. Vào những lúc rảnh rỗi chúng tôi vây quanh nghe anh kể chuyện. Những câu chuyện về lính của anh thiên thu bất tận, kéo dài đêm này qua đêm khác. Suốt hai tháng đầu tiên ra đảo hầu như ngày nào chúng tôi cũng dành thời gian tập luyện theo các bài đã có sẵn giáo án. Bắn mục tiêu di động bằng các loại hỏa lực của chúng tôi được trang bị, tập chiến thuật chống địch tấn công... Tập bơi, tập cứu nạn trên biển. Anh Huệ là người hướng dẫn lý thuyết, còn Khắc là người hướng dẫn thực hành. Cho đến buổi học bắn cối 60, xác định tọa độ trên biển, qua bài học cách tính toán, xác định tầm xa điểm rơi của quả đạn, nhìn bài tập của tôi anh Huệ phì cười. Chữ tôi viết xấu như gà bới, cùng với những con số sai bét, anh Huệ như phát hiện ra được lực học thật của tôi. Buổi sáng cơm nước xong, anh Huệ kéo tôi đi xuống bãi cát. “Cậu nói cho tôi nghe thực lòng, cậu học lớp mấy?”. Nhìn ánh mắt của anh, tôi không thể là một kẻ dối trá. “Em học chưa qua lớp sáu, ba má em mất cả, nhà nghèo, em phải bỏ học... Tôi nói thêm - Em học không vô! Cái đầu em ngu lắm!”. Anh Huệ kéo tôi ngồi bệt xuống bãi cát. “Chẳng có ai ngu cả... Chẳng qua là em học chưa tới thôi...”. Tôi thật thà kể cho anh Huệ nghe tôi đã nhờ ông cậu chữa hồ sơ ra sao để đủ tiêu chuẩn đi bộ đội... Lúc đứng lên trở về chốt, anh bảo tôi: “Buổi tối, anh sẽ dạy cho em học”. Tôi không hiểu anh Huệ đã nói với Khắc những gì, nhưng bắt đầu từ thứ hai tuần kế tiếp, tối nào tôi cũng được dành ra hai giờ để bổ túc văn hóa. Lịch trực gác, lo nấu ăn trong đơn vị có bị đảo lộn vì việc học của tôi nhưng rồi mọi chuyện đều thu xếp ổn thỏa.

Dạo ấy, biển lặng sóng yên, lâu lâu mới có tàu lạ xuất hiện, lẩn quất một hồi và khi thấy tàu của ta xuất hiện chúng lặng lẽ chuồn ra ngoài hải phận. Anh Huệ quả là có một cái đầu vĩ đại. Trong đống sách báo xếp chật một góc giường của “chúa đảo” có nhiều loại. Bài học đầu tiên mà thầy Huệ dạy là bắt tôi đọc trọn vẹn một bài báo trên tờ báo “Phú Khánh”. Bài báo ấy có nhan đề “Gần lắm... Trường Sa”. Tôi phải đánh vật mất gần một giờ đồng hồ mới đi tới con chữ cuối cùng của bài tập đọc. Mồ hôi vã ra trên trán như tập trận giả. Thêm một tiếng nữa, tôi phải giải đủ 10 bài toán cộng trừ nhân chia số tự nhiên và cả chữ số thập phân. Thêm một bài toán đố con gà, con vịt. Thầy gạch bút đỏ nhòe nhoẹt. Kết quả điểm thầy cho 3/10. Nói tóm lại tôi là một anh trò dốt. Một can dầu hỏa 20 lít dành cho tổ chốt một mình tôi xài cả. Đêm nào, tôi cũng được thầy Huệ dành thời gian dạy đủ ba môn: Toán, Văn, Sử. Lần đầu tiên tôi phân biệt được thế nào là văn xuôi và thơ; văn miêu tả khác văn kể chuyện và văn nghị luận như thế nào. Tôi thuộc làu làu như cháo chảy các bài thơ trong tập “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ; thơ Tố Hữu, thơ Chế Lan Viên. Thuộc lòng đoạn dài bài “Đường chúng ta đi” của một ông nhà văn Nguyễn Trung Thành nào đó. Thầy Huệ dạy cho tôi phân biệt thế nào là thời Đinh Lê, Lý Trần... Bài “Nam Quốc Sơn Hà nam đế cư”, bài “Hịch tướng sĩ văn” của Trần Quốc Tuấn, bài “Cáo Bình Ngô” của cụ Nguyễn Trãi, tôi thuộc lòng như cháo. Tôi đọc to, đọc nhiều lần, đến nỗi cả tổ chốt đều thuộc. Vào những đêm trăng sáng trên đảo. Ngôi nhà chốt chơi vơi giữa sóng nước, những anh lính trẻ chúng tôi tổ chức đọc thơ chấm điểm. Thầy Huệ là chủ khảo. Đọc thơ không lấy thuộc mà lấy giọng đọc hay để trao giải. Phần thưởng là một điếu thuốc lá “Phú Khánh”, “Vàm cỏ” đắng nghét, nhưng ngày ấy quý hơn vàng. Nhưng chúng tôi luôn chờ đợi cái giây phút cuối cùng được nghe thầy Huệ ngồi bó gối giảng giải từng câu, từng chữ của câu thơ, văn tiền nhân gởi lại cho con cháu mai sau. Vui chuyện thầy kể những câu chuyện của tổ tiên ta làm cho giặc kinh hồn bạt vía trên sông Như Nguyệt, Bạch Đằng, Hàm Tử, Chi Lăng. Những địa danh ấy ở đâu tôi nào có biết. Thầy Huệ bảo “xa lắm”, xứ Bắc. Một đứa trẻ nghèo hèn như tôi có bao giờ đi ra khỏi cái làng chài núp dưới dãy Đại Sơn. Xa nhất là đi Giã, Tu Bông. Chỉ đến khi thành anh bộ đội mới biết con phố dọc ngang Nha Trang. Và bây giờ là ra đảo. Trình độ môn toán của tôi tiến bộ trông thấy. Tôi đã có thể giải ngon lành các bài toán tam thức bậc hai. Phân biệt thế nào là góc tù, góc nhọn, góc vuông. Áp dụng thành thạo các bài toán sử dụng định lý Pitago với a bình phương cộng b bình phương bằng c bình phương và nhiều công thức hình học khác. Tôi học một cách chăm chỉ, cần cù. Không hiểu thì hỏi thầy. Thầy Huệ ân cần chỉ bảo tận tình.

Nhưng tôi không bao giờ hiểu được điều này. Vì sao thầy Huệ giỏi giang như vậy, sau ngày giải phóng thầy không trở lại trường đại học. Tôi luôn nghĩ thầy là một bậc đại tài. Thầy Huệ ra đảo đã nhiều năm nhưng thầy chưa có ý định rời đảo, dù đã di chuyển đóng quân ở nhiều đảo quanh vùng. Cấp trên cũng có ý đưa thầy về đất liền, nhưng thầy tôi không chịu. Tôi cũng không bao giờ hiểu được vì sao đã cao tuổi thầy Huệ vẫn chưa lấy vợ. Vào những đêm khuya thanh vắng, tĩnh lặng thầy lặng lẽ ra đầu sàn, hai chân xếp bằng tròn, tay bấm huyệt, ngồi thiền. Thầy ngồi hàng giờ liền, đôi mắt nhắm nghiền hướng mặt ra biển, như thể thầy đang tự tình với dàn sao trời dày đặc như những hạt ngọc sáng lấp lánh giữa vòm trời đêm cao xanh vời vợi.

Đấy là một ngày tháng tư, theo phiên trực, tổ chốt của chúng tôi được cử một tổ ba người theo tàu đi tuần tra trên những vùng biển. Thầy Huệ phân công tôi và Lộc cùng thầy đi tuần biển. Mỗi chuyến đi theo tàu trên biển là một niềm hạnh phúc vô bờ của những anh lính giữ chốt. Chúng tôi không chỉ bị bó gối, chồn chân trong mười mấy mét vuông của căn nhà chòi, suốt ngày, được sống trên tàu cùng với những người lính hải quân ngắm trời nước mênh mông. Mỗi chuyến đi tuần kéo dài vài ba ngày. Ăn uống sướng đã đành, thỏa sức nói chuyện với cánh lái tàu, thủy thủ. Nhưng cái cảm giác con người nhỏ bé đang được làm chủ biển khơi luôn làm chúng tôi phấn khích. Con tàu nhỏ nhoi rẽ trên sóng nước đại dương luôn tạo trong tôi những cảm xúc mới mẻ, huyễn hoặc. Từng đàn cá thu, cá chích lao theo tàu, cá bay trên mặt nước. Chốc chốc lại gặp từng đàn chim biển sau mùa đông trú rét đang sải cánh bay về phương Bắc. Bằng mắt thường chúng tôi cũng nhận ra những giải san hô ngầm và những dải cát lập lờ trên mặt sóng. Vào lúc con nước ròng, dải cát hiện ra để rồi khi nước lên lại ẩn mình dưới những con sóng.

Đã có lần tôi hỏi thầy Huệ: “Đảo từ đâu ra?”.

Thầy đáp. “Đấy là sự biến thiên vĩ đại của mẹ đất. Trong đất có nước. Đất - nước và tinh khí của vũ trụ sinh ra cỏ cây, vạn vật. Trong đất nước có máu huyết, có linh hồn em ạ!”. Tôi ngu ngơ không thể hiểu hết ý thầy.

Đêm ấy, chúng tôi neo tàu ở một bãi cát dài giữa những dải san hô rộng hàng trăm thước. Trời đầy mây mù. Chớp lóe sáng ở chân trời phía đông... Càng về khuya, sương càng xuống dày. Tầm nhìn bị hạn chế. Từ chập tối, chỉ huy tàu đã nhắc nhở mọi người chú ý cảnh giác. Nhưng với kinh nghiệm sau gần cả năm trời sống ở biển, tôi biết với thời tiết như thế này rất khó quan sát. Nhiều tháng trước cấp trên đã thường xuyên cung cấp thông tin cho chúng tôi những hoạt động đáng ngờ của hải tặc. Một vài thuyền đánh cá của ngư dân đã bị chúng bắt bớ, đánh đập sát hại. Càng về sáng, sương càng phủ dày. Tất cả chúng tôi choàng tỉnh sau một loạt súng báo động. Lúc mọi người vào vị trí đã nhìn thấy thấp thoáng trong sương mù ẩn hiện bóng dáng những con tàu ma của lũ cướp biển. Súng nổ dữ dội. Những chớp lửa đỏ từ nòng súng 37 ly của tàu địch nã xối xả vào con tàu của chúng tôi và dải cát ngầm đang nổi dần trên mặt nước. Đạn giặc bắn cả vào dải cát, từng cột nước bốc cao bắn lên mặt tôi. Chúng tôi ra sức bắn trả. Từng loạt AK điểm xạ hai phát một. Khẩu đại liên trên tàu cũng kéo từng loạt đạn dài. Chớp lửa đỏ đầu nòng súng. Cuộc đấu súng diễn ra chỉ chưa tới mười phút, bất ngờ tàu giặc nã hỏa tiễn... Trong giây phút ấy, tôi chỉ kịp nhận ra một quầng lửa đỏ rực phủ kín con tàu, pháo đài duy nhất trên biển nơi chúng tôi đang chốt giữ. Tích tắc trong cơn mê mụ hoảng loạn, tôi còn kịp nhận ra những gương mặt dữ dằn giấu trong những chiếc mũ sắt. Lá cờ phất phới neo trên đỉnh cột buồm của một nước láng giềng. Thêm một tiếng nổ lớn nữa. Cột nước trắng cao hàng chục thước đổ ụp xuống... Tôi ngất đi không còn hay biết gì nữa.

Khi tôi tỉnh dậy, thấy mình đang chơi vơi giữa biển. Chiếc áo phao mặc trên người và một mảnh ván thuyền lớn là lá bùa hộ mệnh cho tôi thoát chết. Tôi không biết bằng cách nào và bao giờ mà tay tôi lại bám cứng ngắc vào mảnh ván gỗ dài tới bảy thước như vậy. Vừa mệt, vừa đói nhưng tôi cũng còn tìm thấy chiếc xanh tuya rông có hai băng đạn AK, túi thuốc cứu thương mà trong đó tôi cất hai phong lương khô... Ơn trời! Ba ngày trời tôi lúc bơi, lúc nằm kê đầu lên tấm ván gỗ nghỉ lấy sức, nhằm hướng tây mà tiến. Ngày thứ tư, lúc đã gần cạn kiệt niềm hy vọng, một chiếc tàu đánh cá của ngư dân Quảng Nam đã lượm được tôi ngoài biển.

2.

Trong khóa thi tuyển sinh vào trường Cao đẳng sư phạm tỉnh K năm 1989, tôi chú ý tới một thí sinh đặc biệt. Anh ta khác hẳn với những em học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông trung học. Anh thí sinh gầy, đen, khổ người cao to, tóc húi cua, mang số báo danh CĐC 1988, mặc quần áo bộ đội, vai áo sờn cũ. Anh chàng này có tên vần Y, nên bị xếp ngồi cuối lớp, một mình anh một bàn. Anh bộ đội đi thi ngoài tờ giấy báo danh, tấm chứng minh thư quân nhân, cây bút bi còn chẳng có gì cả. Tờ giấy nháp cũng không. Tôi là giám thị coi thi của phòng không khỏi ái ngại cho người thí sinh lớn tuổi, có đôi mắt nâu, đờ đẫn khi cô giám thị đọc đề thi và chép lên bảng. Anh bộ đội chép từng chữ chậm chạp. Chữ xấu. Thỉnh thoảng lại thiếu chữ “g” cuối câu khi đi với vần “ien”. Đã quá nửa giờ, tôi ngó vào bài thi của anh bộ đội, tôi thấy anh chỉ viết được chưa quá 5 dòng. Thật đáng lo cho anh giữa đám gà chọi của các lò luyện thi Nha Trang, Tuy Hòa, Bình Định vốn ham học, coi cái chữ hàng đầu. Đến gần lúc có kẻng thu bài, anh bộ đội cũng chỉ trải kín được bốn mặt tờ giấy. Tôi liếc qua, thấy anh có một sai sót nhỏ. Chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ vào ngày 7/5/1954, có lẽ anh bộ đội quên, ghi nhầm ngày 30/4/1975. Tôi ý nhị chỉ cho anh chỗ sai sót. Anh bộ đội giật mình, nhìn tôi, miệng lắp bắp “cám ơn” và vội vàng rút cây bút bi sửa lại.

Hôm chấm môn văn, lúc cầm tập bài đã rọc phách, từ tay thầy chủ tịch Hội đồng chấm thi, ngay ở bài thi đầu tiên nhìn nét chữ của người viết tôi biết ngay đây chính là bài luận của anh bộ đội - mang số báo danh CĐC 1988. Đọc từng câu trong bài luận tôi tưởng tượng ra ngay gương mặt hốc hác, xạm đen, mồ hôi ướt đẫm lưng áo của anh ta đang chăm chút cho từng câu văn. Bài luận của anh bộ đội có chất lượng trung bình yếu. Văn viết không hoạt, nhưng chắc chắn. Một vài dẫn chứng về các câu thơ trích đoạn bài “Đất nước” trong Trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm lộn sang câu thơ trong bài “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi. Bài luận của thí sinh mang mã số CĐC 1988, thay cho đoạn kết, tôi sững sờ khi đọc những dòng này. “Thưa quý thầy cô, em là đứa trẻ nghèo thất học. Nhờ ơn của thầy giáo Huệ mà em nên người. Thầy em là lính giữ đảo X. Thầy giáo và đồng đội của em đã chết rồi trong một lần giữ đảo. Còn sống được ngày nào, em muốn trả ơn thầy!”.

Thưa các thầy, cô giáo, bạn bè đồng nghiệp và bạn đọc kính mến! Tôi đã không thể giấu được dòng chữ ấy của anh bộ đội trước mặt người chấm thi thứ hai và các thầy cô giáo chấm bài môn văn. Ai đọc xong bài văn và câu kết đều không cầm được nước mắt. Thầy Lê Phương, Chủ tịch Hội đồng chấm thi khi đọc những lời gửi gắm của anh thí sinh bộ đội cũng lặng lẽ rút khăn lau nước mắt. Những năm tháng sau giải phóng, giáo viên tiểu học, trung học ở nam trung bộ thiếu lắm. Lương thấp cuộc sống vất vả, nhiều thầy cô giáo bỏ nghề đi kiếm việc khác. Một số theo gia đình, bạn bè vượt biên, đi vô Sài Gòn, lên Tây Nguyên kiếm sống. Vài ba ngàn thí sinh thi vào đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm ba môn chỉ cần bảy, tám điểm đã đỗ. Các thầy cô giáo viên cấp I phải dạy hai ca, giáo viên cấp II dạy kiêm nhiệm hai ba môn là chuyện thường. Bài luận văn của anh bộ đội dự thi đã lần lượt đi qua nhiều tay thầy cô giáo chấm môn văn. Biết là sai với quy chế thi cử, nhưng chúng tôi không một ai nỡ để cho người thí sinh có số báo danh CĐC 1988 bị trượt.

Ba năm sau đó, tôi lặng lẽ theo dõi sự học của Y. Y chăm chỉ, chuyên cần, nhưng không bao giờ là một học sinh xuất sắc. Đi chặt nứa, đi trồng sắn chặt mía, kéo đường ở suối Dầu, Y là số một. Không cúp cua, trốn học về nhà đi chơi như nhiều sinh viên con nhà giàu có. Lâu lâu, cậu ta về làng mang biếu thầy chồng bánh tráng, “để thầy nhúng nước ăn đỡ buổi sáng”. Lúc thì chục soài đầu mùa. Và Y lặng lẽ ra trường, đi về một làng quê nào đó của xứ miền Trung nghèo khó. Bao năm rồi, tôi chưa một lần gặp lại. Nhưng tôi tin rằng, Y vẫn còn đi dạy học, trả ơn thầy, dạy cho học trò con chữ, biết yêu và gìn giữ từng thước đất của cha ông để lại.

Đ.K.C
(SH307/09-14)





 

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Mimosa đang ngủ (04/09/2014)
Xóm rau muống (05/06/2014)