Tôi và hắn lớn lên cùng nhau, hắn nhìn mặt trời trước tôi 2 ngày. Hai nhà cùng xóm nhỏ lèo tèo mấy mái nhà. Quanh quẩn chỉ có ăn, ngủ, mò cua bắt ốc để hai đứa lớn lên. Chỉ đêm về là đứa nào ở nhà đứa ấy, cách nhau hai cổng nhà bên cạnh. Sáng lại nhìn thấy nhau. Bao đêm như thế là đủ để hai đứa trưởng thành theo hai giới khác nhau. Một ngày khi 13 tuổi, tôi trở thành thiếu nữ. Sau một đêm như bao lần nhưng tôi thấy mình khác khi gặp hắn. Mặt trời vẫn hồng như mọi ngày, mặt tôi còn cháy đỏ hơn cái vừng đông báo hiệu thời gian hai đứa gặp nhau của một ngày. Vẫn cùng lớp, ngồi cùng bàn nhưng từ đó sau mỗi đêm nhìn thấy nhau thì lại thấy khác, tôi ngại ngùng thấy cơ thể mình lồi lõm mà hắn thì không. Hắn nhìn tôi xoi mói như từ lâu không còn là bạn. Đám học trò lớp 6, lớp 7 bảo “Hai đứa nó yêu nhau”. Yêu? Không hiểu gì cả nhưng bực mình vì hắn mà tôi bị trêu thế, không biết hắn có đổ lỗi tại tôi. Tôi giận hắn, trên đường về không chịu đi gần. Một tuần không cười nói gì, hắn vội vã đỡ tôi khi tôi mải đi trước vấp vào bậc thềm, lọ mực rớt đầy áo trắng của hắn. Hắn cười. Hết giận. Thân nhau hơn. Tôi hỏi hắn sao không giận tôi. Hắn nói “Tớ là con trai”. Nghe người lớn ghê. Tôi gật. Tôi là con gái. Đó là thời điểm mà tôi và hắn cùng ý thức được sự khác nhau ở hai con người. Sau này hắn nhiều lần nhắc lại câu ấy. Hắn ân cần, chăm sóc tôi đúng vai trò một đứa con trai. Hắn học giỏi, khoẻ mạnh ga-lăng. Những bài toán khó hắn làm xong trước vẫn nhường tôi.
Hắn ý thức mình là con trai, tôi biết mình là con gái. Như các cụ đã nói, tuy không ở cùng phòng nhưng giữa xóm nhỏ chỉ có hai đứa gặp nhau cả ngày thế là tôi và hắn yêu nhau khi tôi tròn 19 tuổi. Tình yêu, khái niệm mới nên vai trò mối quan hệ cũng mới. Hắn là con trai được làm anh. Anh - tôi gọi hắn thế.
Rồi tôi mang tình yêu hắn đi xa... Thư từ, điện thoại đều đặn. Đứa bạn mới quen bảo “Yêu sớm thế? Vào đại học, gặp nhiều người mới hối tiếc đó. Những kẻ lớn lên cùng nhau từ nhỏ rồi yêu nhau là mốt cũ rồi và có lẽ do họ không gặp ai khác nên mới yêu như sức hút của giống đực và cái”. Triết lí. Tôi cười bạn.
Cô bạn ấy nói đúng mà cũng không đúng. Tôi yêu anh, một tình yêu chân thành và say đắm. Vừa vào trường thì tôi cũng có khá nhiều chàng theo đuổi. Tôi không ý thức về sắc đẹp trước ngày gặp bạn. Nó bảo tôi đẹp. Soi mình vào gương, thấy tôi từ nhỏ vẫn không có gì đặc biệt. Anh chưa bao giờ nói thế nhưng chắc tôi đẹp thật. Nhưng không chàng trai nào khiến tôi nguôi nhớ Anh. Tôi yêu anh - trái tim tôi nói thế. Theo phía này thì con bạn tôi sai. Tôi chẳng thể chán Anh. Đàn ông theo khái niệm của tôi chỉ là Anh. Nhưng có vẻ con bạn tôi cũng đúng. Từ Hà Nội cho tôi thấy một dấu hiệu đổi thay ở Anh.
Hết học kì tôi vội về quê. Gặp Anh, không thấy ở anh vẻ hào hứng như tôi. “Để mình mang đồ cho” - hắn thay đổi cách xưng hô.Tôi mơ hồ nhận ra nét gì đó xa lạ sau 5 tháng đi xa. Bố mẹ Anh gọi tôi sang ăn cơm, gọi tôi là con như trước. Anh không nói gì, bỏ thức ăn đầy bát tôi “Gầy quá”.
2. Bạn. Đây là người ảnh hưởng lớn trong cuộc đời tôi. Có lẽ mãi sau này tôi khó quên họ, không biết vì thương nhớ một thời hay vì trong lòng còn giữ một vết sẹo không thể lành. Bạn quen tôi khi tôi lơ ngơ trước cổng trường đại học. Sau bài làm quen, chúng tôi ở cùng nhau. Tôi gọi nó là Bạn viết hoa như tôi đã gọi Bố, Chị và Anh, những người thân yêu quan trọng của tôi.
Bạn lôi tôi trước gương chỉ cho tôi ý thức về sắc đẹp của mình “Cậu thấy chưa, đẹp hơn tớ nhiều, đẹp nhất trong 50 đứa con gái lớp mình còn gì”. Câu nói ấy làm tôi chạnh lòng, nhưng bạn quen với cách thẳng thắn rồi. Bạn nhìn mặt trời sau tôi 4 tháng nhưng khi nào cũng là vai chị trong căn phòng trọ có hai đứa con gái.
Bạn tốt. Một đêm nó đi làm về lúc 2 giờ. Tôi chưa ngủ vì lẽ ra Bạn phải về trước đó 2 tiếng. Phố đêm lạnh, Bạn gọi điện nói ngủ đi dừng đợi. Không yên tâm, và thiếu nó tôi cũng khó ngủ. Khi tiếng cổng sắt ken két, tôi vội chạy ra, Bạn đang dìu theo một người. Dáng nặng nề, mềm nhũn. “Mau lấy nước nóng”. Tôi thoăn thoắt làm theo những gì nó yêu cầu, không hỏi gì vì tính bạn thế. Người đàn ông nôn oẹ một mùi chua nồng, mặt tái nhợt, tôi thấy phát hoảng. “Được rồi đó. Anh ta không sao đâu”. “Bạn của cậu à?”. Không, gặp ở trước ngõ về”
Khi người thanh niên tỉnh lại còn u ơ câu cảm ơn thì Bạn nói “Anh về được rồi, lần sau cẩn thận. Phòng có hai đứa con gái ở lại không tiện”. Anh ta liêu xiêu dắt xe ra, tôi ái ngại, Bạn khua tay “Không sao, nhà anh ta cách đây 200m thôi, lần sau anh tỉnh rồi sẽ quay lại”. “Bạn biết anh ta à?” Bạn cười “Nổi danh đất này, học thức đấy”
Hai hôm sau anh ta xuất hiện. Tôi không tham dự nhiều vào câu chuyện của họ. Anh cảm ơn rối rít. Tôi chỉ nhớ Bạn nói “ Em giúp anh là tình cờ thôi, cũng có lúc cần anh giúp lại mà”.
Sau đó hai người thân nhau như anh em. Anh xin cho Bạn vào làm ở shop hoa của chị gái. Tôi nhớ đó chính là nơi mà tôi và Bạn đã bị từ chối bởi hôm đó hai đứa tới muộn. Bạn thích hoa? “Có nhưng quan trọng hơn là ở đó có cái khác để tớ đến”
Bạn chăm sóc tôi như chăm đứa em nhỏ. Lí do là tôi gầy ốm quá so với Bạn. Một cuộc sống thiếu tình mẹ, một thời sinh viên xa nhà, tôi gặp Bạn là điều may mắn. Bạn khi nào cũng mạnh mẽ, chu đáo.
- Này, hè dẫn Anh của cậu vào chơi nhé?
- Ừ!
- Ở đời này mà có anh chàng tốt bụng nhỉ, kẻo hắn có bồ mi không biết.
- Không, Anh không như vậy đâu, tớ tin mà.
- Vậy thì giữ lấy!
Mùa hè, tôi không về quê nên Anh vào thăm. Bạn nhận làm hộ cả việc của tôi để hai chúng tôi đi chơi. Anh không nhận xét gì về Bạn, Bạn cũng thế. Tôi thấy mình thật hạnh phúc khi có những người yêu thương như Bạn và Anh.
Anh về. Bạn nói “Được!” “Đấy tớ nói rồi không phải ai cũng như cậu nghĩ mà”
Một lần, Bạn ốm. Tôi xin nghỉ làm để chăm sóc. Lúc này Bạn mới bỏ chiếc album cho tôi xem. Tất cả ảnh Bạn và bố mẹ. Một vài tấm mới, cảnh nước ngoài. Bạn nói “Thực ra bố mẹ ở Mỹ. Nếu muốn mình có thể sang đó, ông bà nhiều tiền lắm nhưng vì giận mà mình không muốn sang đó”. Tôi im lặng. Bạn khóc. Chưa bao giờ tôi thấy lạ như thế. Bạn ôm chặt tôi đến nghẹt thở “Chúng ta hãy là chị em tốt của nhau nhé, mình không muốn đi Mỹ”. Tất nhiên rồi, với tôi Bạn không cần nói câu ấy.
3. Tan nát. Tết tôi về thăm nhà. Anh không đón tôi như mọi lần. Trên đường về, tôi kéo Bạn về cùng đón Tết nhưng không được đồng ý. Bạn nói phải về thăm ngoại.
Anh đi Thái Bình. Đó là thông tin đầu tiên khi tôi tới nhà. Anh có bạn cùng học ở đó, cậu bạn ốm anh xuống thăm, mẹ anh nói lại.
Mùa tết đó, chúng tôi gặp nhau chỉ hai lần. Tôi đi vội vì gọi điện cho Bạn thì được biết Bạn đi rồi. Chắc Bạn buồn lắm! Tôi nói với Anh như thế rồi đi. Anh im lặng.
Bạn đón tôi buồn im lặng. Sau hai ngày Bạn vội vã cho hay Bạn đi Mỹ. “Tại sao?” “Bố mẹ cần gặp mình”. Thôi cuối cùng bạn cũng tha thứ cho họ. Gia đình sum họp dẫu một nơi xa thì vẫn hơn. Tôi buồn vì xa Bạn nhưng cũng vui cho bước ngoặt mới. Hai tháng nữa Bạn sẽ đi. Có lẽ chúng tôi thật khó mà gặp lại.
Bạn ít nói. Bạn lạ và thường vắng nhà khi tôi ở nhà. Bạn hay nhìn tôi trân trân. Khó hiểu. Bạn nói đi uống rượu nhé!
Không ngăn đựoc tâm trạng của Bạn tôi lặng lẽ để Bạn dựa vào vai mình. Bạn nói “Quên Anh đi!”. “Gì?” “Nói thật đó” Những lúc như vậy tôi nên im lặng. Bạn lại gặp bất trắc gì nên lại nghĩ sang chuyện của tôi.
“Không, tớ không đùa đâu.” “Tại sao?”. Bạn im lặng!
Giấy xét nghiệm sức khoẻ của Bạn làm tôi hoang mang. “Bạn có thai?”. một đứa ngốc như tôi nghe tin ấy thì rụng rời. Bạn gật. Trời, gật đầu dễ quá. “Của ai?”. “Anh”
Mọi thứ như vội vã nghiêng ngả chao đảo trên đầu tôi. “Anh nào?”, tôi vớt vát. “Anh của bạn”
Bây giờ thì hẳn tôi sẽ im lặng mãi trước họ. Muốn một cuộc điện thoại xác nhận nhưng không kịp, máy tôi reng trước. Anh gọi. Không phải tin về Bạn “Về ngay đi, bố ốm”.
Một lần nữa tôi không kịp, đám tang bố đã xong khi tôi xuống xe.Trong mùa mưa ảm đạm, ngõ nhà Anh rộn ràng hoa cưới và người chia vui. Anh lấy vợ. Không tin nổi. Cô dâu lại là Bạn. Họ sắp có con. Ngày xưa, Anh nói “Ngày cưới của anh cũng là của em, chúng ta sẽ cưới chung nhé!”. Bây giờ… Mà tôi nuối tiếc ngày xưa làm gì chứ. Ngày xưa, cụm từ mà chúng ta thường gặp ở cổ tích, vậy tôi còn vương vấn làm gì.
Chị nói “em nên sang đó một chút, tất cả trút bỏ đi cho họ thanh thản”. Tôi chỉ trút bỏ hai danh từ đẹp nhất mà thôi. Anh và Bạn, hai từ ấy như hai con người ấy vụt mất trong tôi. Đúng hơn là vụt bay trong niềm thương, còn ở phía bờ đối nghịch họ vẫn còn.
4. Người thầy tôi yêu quý biến tôi thành đàn bà. Tôi về trường với đôi chân lâng lâng, vô định. Phòng trọ xưa ấm áp, tràn ngập kỉ niệm, nay tôi phủ định nó bằng cách dọn đi nơi khác, bỏ đi tất cả những gì liên quan tới hai người vừa cưới.
Tôi đã nộp niên luận muộn hơn các bạn hai tuần. Tìm đến nhà thầy giáo, cô giúp việc cho hay “Ông giáo chuyển đến đường X, cô không biết chuyện gì à?”. Vậy tin thầy cô li dị là thật. Họ là cặp vợ chồng tiến sĩ. Ở trường chúng tôi gọi thế vì hai vợ chồng đều là tiến sĩ, đều nổi tiếng. Thầy dạy văn, đang hướng dẫn tôi làm niên luận về văn học phương Tây. Tiến sĩ bà lại là chuyên gia kinh tế. Hai gen tiến sĩ lại sinh ra một đứa con dị tật khi họ gần 40. Cuộc hôn nhân ngột ngạt không tình yêu, một đứa con dị tật. Chán chường mệt mỏi rồi ghẻ ghét nhau. “Thầy đẹp thế cơ mà sao có chuyện họ ghét nhau, bà ấy cũng đẹp nữa, lại giỏi...”. Càng giỏi họ càng coi thường nhau, càng đẹp càng kiêu”. Đó là một vài lời to nhỏ trong đám sinh viên.
Tôi may mắn là học trò cưng của ông bà, và thường qua lại vì tiến sĩ bà thường nhắc tới tôi trong câu chuyện của họ.
Theo lời cô giúp việc, tôi tìm thầy. Căn nhà rộng cửa không khoá. Tôi đẩy vào. Không thấy ai chỉ nghe mùi rượu. “Thầy ơi!”. “Ai thế?” “Em ạ”. Ông bước ra, thất thểu, da tái sạm. Thầy bị tim nên có bao giờ uống rượu. “Em đấy à, mọi việc ở nhà xong rồi chứ?” “Thầy đừng uống nữa”. “Hình như trên đời, thầy chỉ thấy mình thật là mình với em”. Ông nói vậy bởi trước dư luận, hai ông bà luôn đóng trong vai một đôi trí thức hạnh phúc. Nghe xưa rồi, có lần ông nói thế nhưng ông vẫn chấp nhận cái xưa ấy.
Tôi cúi dọn mấy chai rượu ngổn ngang giữa nhà. Ông nói “Em về đi, về ngay đi, tài liệu ở trên tủ kia”. Mắt ông như có lửa. “Thầy đừng như thế, thầy nghỉ đi, có lẽ mấy hôm rồi thầy chưa ăn gì, em nấu thứ gì thầy ăn rồi em về” “Không, em về ngay đi”.
Ông đẩy tôi ra cửa, tôi quay nhìn ông, vẻ sợ sệt ngày trước tôi vẫn làm như thế ở nhà thầy như người thân. Ánh mắt ông không giận dữ mà trân trân nhìn tôi cầu khẩn. Ông bất chợt kéo tôi lại “Em ở lại đây với tôi nhé”. Thật nhanh tôi thấy thân mình bị xiết chặt. “Thầy!” “Chỉ có em là bình đẳng với tôi”. “Không thầy ạ, đừng như thế, không được”. Cơn say, rượu phả đầy lên người tôi. Tôi vùng vẫy nhưng không sao thoát nổi con người mà ngày thường tôi thường chọc “Thầy rớt như con gái.”
Mọi chuyện trong chớp mắt, tôi co lại, ông ôm đầu lầm nhầm câu xin lỗi. Đàn ông, hai từ đó chợt nghẹn đắng trong tôi với một nghĩa đáng sợ. Anh bỏ tôi đi với cô bạn thân nhất, thầy - người tôi kính trọng giúp tôi nhiều chỉ trong giây phút biến tôi thành đàn bà, thô thiển như một kẻ cưỡng dâm vô sỉ. Không nhớ lúc ấy như thế nào, khi tỉnh dậy tôi đang ở phòng mình. Cay đắng. Khóc. Nhưng chẳng có giọt nước mắt nào còn rơi ra đựơc.
5. Cuộc mưu sinh nước mắt. Tôi tìm gặp Tuấn, anh chàng đã theo tôi từ khi mới vào đại học. Cậu ta nhà giàu, bố kinh doanh vàng bạc. “Lời mời hôm trước còn giá trị chứ?”. Tôi hỏi thế. “Tất nhiên” Cậu ta vui đến tội nghiệp.
Tôi gia nhập vào thế giới của bố cậu từ đó. Tôi đến nhà thăm mẹ cậu. Bà đúng là người mẹ tốt, ánh mắt bà chan chứa tình yêu. Nhưng bố cậu lạnh lùng, họ nhìn nhau như đối thủ muốn ăn thịt nhau.
Tuấn thường dẫn tôi đi chơi ở công viên, ngoại ô, tách khỏi đám bạn nhảy. Cậu ta nói “Với người khác thì không nhưng với bạn tôi thật sự trân trọng”. Tôi lại đòi cậu ta dẫn tới chỗ bố làm ăn. Tôi muốn một cơ hội làm việc. Quen cậu ta tôi thấy những gì trước đây tôi biết về cậu không hoàn toàn đúng. Cậu ta hiền lành hơn vẻ ngoài nhiều. Với tài ngoại ngữ, chút nhan sắc, tôi nhanh chóng giúp bố cậu gặp gỡ mấy người bạn ngoại quốc, và ông cho tôi một chỗ làm trong cửa hàng.
Tôi tỏ ra tôn trọng ông và bạn ông dù với tôi, họ chẳng có được chút tình cảm nào. Tôi sẽ chẳng bao giờ tỏ ra mến ai nếu tôi không tôn trọng, tôi ghét cảnh phải giả bộ trước một người. Đó là trước kia. Bây giờ nhìn lại tôi thấy mình thật tài qua mặt mấy vị đó. Tất nhiên tôi được việc cho ông ta.
Tôi vẫn đến trường. Thầy xin nghỉ dạy. Ông tìm tôi, tôi không gặp. Ông để lại mảnh giấy trong nhà “Những gì ngày trước tôi nói với em là thật. Tôi mong em tha lỗi nhưng tôi rất muốn em đến. Tôi sẽ chờ em”. Ông từng nói gì nhỉ. Nhiều lắm. Tôi gắng nhớ lại những gì liên quan. Ông đã nói là rất mến tôi, ước gì ông gặp tôi sớm và không có khoảng cách tuổi tác như thế này. Ông nói tôi hãy ở lại với ông. Đúng ông nói thế, lúc đó tôi cười “Thầy lại đùa rồi. Em mách cô đấy”. Và ông bảo “Nhóc tin là thật sao?”
Thật lòng tôi đã rất ngưỡng mộ ông. Tôi trở thành người thân trong gia đình ông là điều đặc biệt, rất ít người tới nhà ông. Ngôi nhà lúc nào cũng vắng. Hai vợ chồng ông, cô giúp việc luôn muốn tôi đến và mỗi lần như thế cả nhà rộn lên tiếng cười. Tôi cũng thật sự hạnh phúc. Tôi không trả lời những gì ông nói. Không đủ để mắng mỏ coi thường ông, chỉ thấy một sự thương thương, thảm hại.
Tôi quan tâm nhiều hơn đến cửa hàng của Tuấn.
Bố Tuấn gọi tôi lên và nói “Ngày mai cháu đến sớm, bác cần cháu đi cùng, gặp một vị khách”. “Dạ vâng”. “Cháu nhớ Bob không? Cậu ta là khách của chúng ta ngày mai”
Tôi không quên anh chàng đã bị tôi đổ rượu vào áo. Tôi chủ định làm thế thì sao quên. Từ khi đó, bố Tuấn mới ưu ái tôi. Tôi có cả tiền dư để gửi cho Chị.
Hôm sau tôi đến sớm. Buổi gặp gỡ thực chất là buổi đi chơi dã ngoại. Có ông, Bob, một cô bạn của Bob và tôi. Vui vẻ, thoải mái. Cuối ngày tôi và ông cùng về, ông nói cần lên văn phòng nhờ tôi soạn lại văn bản cho kì họp chiều hôm sau. “Bác xin lỗi bắt cháu làm thêm thế này”. “Dạ không”. Tôi cười báo hiệu không có gì lo lắng. Tôi vẫn không mấy thiện cảm với ông vì nhiều lúc nghĩ ông chỉ coi lợi nhuận là hạnh phúc. Nhưng đã 3 tháng làm ở đây, ông luôn ân cần với tôi, thưởng cho tôi rất nhiều, mấy chị bạn làm lâu cũng ca ngợi ông chủ. Có lẽ tôi đã thành kiến. Tôi vội vào bàn làm giúp ông. Ông đặt lên bàn cốc nước “Giá như bác có đứa con gái như cháu. Uống cho khỏi mệt, cháu làm giúp bác nhé, mấy đứa khác không tin được. Bác về qua nhà rồi sẽ đón cháu. Hay bác bảo Tuấn đến đưa cháu về”. “Dạ cháu tự về được, bác nghỉ đi, cả ngày bác mệt rồi” Lần đầu tôi nói với ông câu thật lòng. Tôi vui vẻ làm rồi gục xuống khi nào không rõ.
Tỉnh dậy, tôi hoang mang cả thân lạnh toát, tôi nằm dưới sàn. Áo quần tuột khỏi người. Tôi vội ngồi dậy. Trên đống quần áo, một tập tiền, một mảnh giấy “Cô đi đi. Rất cảm ơn cô. Tôi biết cô rất cần tiền. Số này đủ cho cô tiêu đến khi ra trường, ở đây không cần cô nữa”. Bỉ ổi. Nhục nhã. Tôi lê sang phòng làm việc của ông. “Trả cho ông đấy!” “Đừng ngốc thế cô bé. Không phải chị cô đang chữa bệnh à. Mà tôi không ngờ cô cũng đã là đàn bà rồi còn gì”. “Khốn nạn”. Tôi bước ra. “Mà tôi nói luôn, thằng Tuấn là con của mẹ nó thôi, tôi chúa ghét nó. Xi mê cô ta mà tôi cưới khi cô ta có thai. Đàn bà các người thật đểu giả. Nó cũng mê cô nhỉ. Tại nó đấy”. Lão ta cười trong phòng lạnh như kẻ điên.
Đời là vậy? Thật phản trắc. Lúc tôi thấy ở ông ta tình thương một người chủ, một người cha thì là lúc tôi hiểu nhất con thú trong ông. Cũng như tôi đã từng thất vọng về những người tôi yêu quý trước đây.
Mỉa mai cho thói đời!
Tôi lại lên giảng đường. Hai tháng nữa tôi tốt nghiệp. Tuấn tìm nhưng tôi tránh mặt. Tôi không thương gì cậu ta lắm chỉ nhờ cậu để kiếm tiền. Khi biết cậu ta thật lòng tôi lại sợ cậu tổn thương. Tôi cảm động trước sự quan tâm của mẹ cậu. Tôi hiểu cậu hơn. Nhưng chưa bao giờ tôi có ý định yêu cậu.
Cuộc đời với tôi thật đáng ghê sợ!
Nhưng tôi phải tốt nghiệp, phải có việc làm ổn định, tôi sẽ trả thù những con người xô đẩy, phũ phàng với mình. Nhất định!
6. Trả thù và đứa con. Tôi tốt nghiệp loại giỏi. Tuyệt vời ngoài mong muốn. Đợi tôi ở cổng trưòng là thầy. Ông đi Mỹ về. Từ bỏ nghề dạy, ông theo nghiệp viết của mình. Ông xuất hiện trong vẻ ngoài luộm thuộm, râu tóc nghệ sĩ. “Hãy cho tôi cơ hội xin lỗi!”. Tôi cười, hình như thế.
Thầy lại ra đi, tôi không nói gì. Tôi lao vào kiếm việc.Tôi sẽ trả thù.
Chiều lạnh, sân ga vắng hơn mọi ngày. Tôi tranh thủ bán nước sớm để kiếm tiền. Chẳng có ai trên đời này đủ làm tôi tin nữa. Sớm nay mưa dầm, khách vào nhà đợi hết. Tôi lặng ra về. Nghỉ một ngày cho khỏi mệt. Bóng tối chập chờn. Gió thổi. Văng vẳng như tiếng trẻ khóc. Chắc tôi sợ ma. Không rõ ràng là có tiếng khóc. Tôi lắng nghe. Đứa bé trong nôi nhỏ bên vệ sông. Lại người mẹ nhẫn tâm bỏ con đây. Đời bạc quá! Tôi bồng nó lên, nhỏ quá, trông nó tím lạnh nhưng khá dễ thương. Tôi ôm lấy, nước mắt mặn khoé môi. Tôi vẫn ao ước mình có một đứa con. Con gấu bông Anh mua cho tôi, tôi đã đặt tên nó theo tên mình và Anh gọi nó là con. Tôi không bao giờ có thể làm mẹ như mọi người. Tôi phải cắt bỏ buồng trứng để tránh cơn đau. Chỉ thầy giáo biết. Tôi không cho Chị biết sợ chị tủi. Còn những người khác không đáng để tôi nói. Lần vào viện ấy thầy nói “Đừng buồn, tôi sẽ luôn bên em.” Ước mơ làm mẹ thôi thúc trong tôi ôm chặt đứa nhỏ lại. Nhưng tôi lấy gì nuôi nó đây? Tôi khóc. Tội nghiệp.
Ngày mai tôi trả thù, con tôi tội nghiệp lắm. Làm sao tôi nuôi nó để nó không phải như tôi? “Con” - tôi hạnh phúc biết bao khi nghe mình thốt ra tiếng đó, con tôi thật, không phải là chú gấu bông ngày trứơc.
Tôi gọi cho thầy. Thầy vui vẻ “Em tha lỗi cho tôi rồi à? Tôi sẽ về” Không tôi không định nói thế. Nhìn đứa bé, tôi muốn nói với thầy “Chúng ta có con thầy ạ”. N.B (241/03-09) |