Truyện ngắn
Mảnh vườn cớm trắng
07:48 | 16/04/2009
PHẠM ĐÌNH TRỌNGChưa bao giờ Ngay có ý nghĩ rời Hà Nội đến sống ở vùng đất khác thế mà anh đã đột ngột đưa cái gia đình bé nhỏ không còn nguyên vẹn của anh đi vào thành phố phía Nam cách Hà Nội ngót hai ngàn cây số. Anh đi như chạy trốn để rồi càng ngày anh càng nhớ quay quắt nơi anh đã để lại cả một thời tuổi trẻ đẹp đẽ.

Nhớ từ hương vị lá rau, cọng hành. Nhớ màn sương bảng lảng trên phố khi chiều muộn. Nhớ đường cây mỗi mùa một màu sắc, một dáng vẻ, một tâm trạng. Nhớ cả cái nắng ngụt lửa mùa hè. Nhớ trận mưa phùn gió bấc tê tái mùa đông. Nhớ thế nhưng mỗi lần trở về Hà Nội, dù Hà Nội đã đổi thay nhanh chóng, mạnh mẽ đến không ngờ vẫn không xóa được nỗi buồn nhân thế trong Ngay. Và bây giờ Ngay đang trên chiếc xe máy chậm rãi trên đường phố Hà Nội, ngỡ ngàng nhận ra những thay đổi của Hà Nội và anh cũng nhận ra cả nỗi buồn đang âm thầm chế ngự trong lòng.

Lần trước Ngay ra Hà Nội cách đây mới hơn một năm, hãng phim cũ của anh vẫn thế. Vẫn hai cánh cổng sắt lớn đóng im ỉm và cánh cửa nhỏ ở bên nửa khép nửa mở. Vẫn bức tường cao bên trên giăng dây thép gai quây kín ba mặt phố. Buổi tối vẫn đìu hiu im lìm nghe rõ cả tiếng lá sấu rơi xào xạc. Phía sau bức tường kín mít vẫn những dãy nhà trệt khung sắt mái tôn chạy dài quây quanh mảnh sân rộng đổ bê tông nhựa. Vẫn còn cả cây lát hoa anh trồng sống lay lắt như chẳng lớn thêm được chút nào. Hai cây phượng vĩ già xơ xác vẫn sừng sững kẹp hai bên cây lát hoa. Trung tâm và là bộ mặt của hãng phim vẫn là tòa biệt thự hai tầng duy nhất vốn là nhà riêng của một sĩ quan cấp tá người Pháp thời Hà Nội còn bị Pháp tạm chiếm. Tòa nhà xinh xắn, duyên dáng và nền nã của một phong cách kiến trúc rất coi trọng thiên nhiên. Mảnh sân bê tông nhựa nóng bỏng những trưa hè và cả chỗ dãy nhà xe ôtô kia vốn trước là thảm cây xanh tạo nên không gian yên tĩnh và sâu hút cho tòa biệt thự. Tòa nhà đổi chủ, thảm cỏ và cây xanh chỉ còn lại một vạt nhỏ bên cửa sổ phòng họp ở tầng trệt tòa biệt thự với hai cây phượng vĩ già và một cây cọ còi cọc.

Về làm biên kịch của hãng phim, trong những đề tài được gợi ý, Ngay nhận đi viết về cuộc sống ở hòn đảo anh hùng trong chiến tranh chống Mỹ, đảo Cát Bền. Giữa biển bạc, hòn đảo là một rừng vàng với mật độ cao cây quý và thú hiếm. Rừng nguyên sinh đã trở thành vườn quốc gia. Rừng ngay sau nhà nhưng người dân không còn được vào rừng hạ lim, táu, lát hoa về đóng giường đóng tủ nữa. Mỗi nhà liền dành một vạt đất trong mảnh vườn rộng rãi của họ để tự trồng lấy lim, táu, nghiến, lát hoa. Từ Cát Bền trở về, Ngay mang về hai bầu đất mới nhú hai mầm lát hoa. Anh trồng một mầm trên mảnh vườn nhỏ xíu chật chội ở hãng phim giữa hai gốc phượng vĩ già cỗi. Hai gốc phượng vĩ già đã mục rỗng cả lõi chẳng còn đứng vững được bao lâu nữa sẽ phải nhường chỗ cho cây lát hoa non vươn lên. Một mầm lát hoa Ngay mang đến trồng trên mảnh đất trống sau nhà Đào Hà Nam ở ngoại thành. Lúc anh rời hãng phim, cây lát hoa đã cao ngang vai anh còn cây trồng sau nhà Đào Hà Nam đã cao vượt đầu anh.

Ngay đi vòng ba mặt phố, ngắm nhìn sự thay đổi nơi anh làm việc trước đây. Mặt phố phía cổng sừng sững tòa nhà kính nguy nga bề thế. Tấm biển đồng ghi tên hãng phim gắn trên trụ cổng ốp gạch men bóng loáng. Hai mặt phố còn lại là những căn hộ cao tầng san sát, nhà nào cũng mở hết tầng trệt để bày hàng hóa từ hè vào trong nhà hoặc lắp kính sáng lòa. Đoạn phố vắng như bừng thức dậy hối hả hoạt động sau những năm dài bị lãng quên trong giấc ngủ im lìm, mê mệt. Ngay để ý tìm nhưng không thấy một khuôn mặt quen thuộc nào trong những căn nhà kia. Ngay được biết đất hãng phim ở hai mặt phố này đã được phân chia thành nền nhà cấp cho người của hãng phim. Những ai được cấp đất ở đây nhỉ?

Lứa Ngay có ba đứa về làm biên kịch hãng phim. Cả ba đều vừa tốt nghiệp một khóa đại học ngữ văn. Trước đó cả ba đều là lính trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Thực tế dữ dội và cảm hứng mạnh mẽ về cuộc chiến tranh đã thôi thúc họ cầm bút và họ đã có thơ, truyện, bút ký đăng báo, xuất bản sách từ ngày đó. Lê Thanh và Đào Hà Nam còn mấy lần đoạt giải cao trong những cuộc thi văn chương toàn quốc. Làm biên kịch phim tài liệu, tưởng rằng vốn sống, sự từng trải, vốn văn hóa và năng lực ngòi bút của họ sẽ là vốn quý giúp họ làm việc tốt. Nhưng không!

Ba đứa về hãng phim được các đạo diễn trẻ hồ hởi chào đón. Ngay vừa viết xong cái kịch bản đầu tiên về đảo Cát Bền, họ đã xin mượn đọc trước, đọc xong, ai cũng thích và muốn nhận kịch bản đi làm phim, Ngay yên tâm chuyển kịch bản cho đạo diễn Chí Phác, đội trưởng đội phim tài liệu của Ngay. Đạo diễn Chí Phác có nhiều phim được giải thưởng trong nước và quốc tế cũng có nhận xét tốt về kịch bản của Ngay. Nhưng trong buổi sinh hoạt kịch bản ấy, cả năm vị trong ban biên tập đều có chung một ý kiến là kịch bản thiếu ngôn ngữ điện ảnh, cần phải viết lại! Lạ thật, họ không nhận xét xem ý tứ kịch bản có được không, sự việc chi tiết có phù hợp không mà chỉ nhận xét rất chung chung hàm hồ về ngôn ngữ điện ảnh.

Về hãng phim, Ngay tìm hiểu và biết được vai trò quyết định của biên tập đối với biên kịch nên anh đã mượn đọc những kịch bản như khuôn vàng thước ngọc của các vị biên tập vốn đều là biên kịch. Anh kinh ngạc nhận thấy những kịch bản ấy chỉ là những bài xã luận khô khan về những đề tài mà họ đề cập! Không, kịch bản phim tài liệu không thể như thế! Kịch bản như thế mới chỉ xác định được đề tài chứ chưa nêu được cái ý tứ và cái mạch tư liệu khai thác đề tài! Nói tóm lại, kịch bản như thế chẳng giúp được gì cho đạo diễn cả! Điều đó là ngôn ngữ điện ảnh sao? Thay Ngay, kịch bản văn học phim tài liệu phải nêu được ý tứ của bộ phim, phải tạo được đường dây mạch phim gồm sự việc, nhân vật, chi tiết thể hiện ý tứ đó và phải thổi được cảm hứng của người viết vào kịch bản để truyền cảm hứng ấy cho đạo diễn. Ngay đã viết kịch bản về Cát Bền theo nhận thức đó. Không ai có ý kiến gì về ý tứ kịch bản! Nhân vật, sự việc, chi tiết cũng không phải sửa chữa, thay đổi gì! Thế thì viết lại cái gì? Ngay không viết lại và kịch bản của anh dừng lại ở đó!

Kịch bản đầu tiên của Lê Thanh và Đào Hà Nam cũng đều bị nhận xét là không có ngôn ngữ điện ảnh và đều phải viết lại! Đào Hà Nam phải viết lại đến lần thứ ba vẫn vui vẻ như không. Hắn bảo: Họ bắt bọn mình viết lại không phải vì kịch bản của mình mà chỉ vì quyền uy của họ, để họ dạy cho mình bài học đầu tiên về quyền uy của họ! Các cậu chưa biết gì về điện ảnh cả, còn phải được dạy dỗ chỉ bảo nhiều! Nghe họ phán, mình biết rằng họ có đọc kịch bản quái đâu! Đến lúc ngồi họp để họ phán về kịch bản, họ mới đọc nhảy cóc vài đoạn rồi dựa vào những đoạn lỗ mỗ đó mà phán kiểu thầy bói xem voi, hoặc phán chung chung là thiếu ngôn ngữ điện ảnh! Có viết lại họ cũng chẳng đọc, viết làm gì cho mệt! Chỉ cần chép lại, đảo lên đảo xuống vài đoạn cho có vẻ khác bản trước để họ thấy rằng mình có nghe lời họ là ổn! Quả nhiên, không thêm cũng chẳng bớt, Nam chép lại đến lần thứ ba thì được đánh giá là kịch bản tốt, được làm phim ngay!

Lê Thanh viết lại đến lần thứ hai đã càm ràm: Đúng là ngu như trâu, tên sao người vậy! Mấy chục năm làm phim đã làm được phim nào ra hồn để mọi người nhớ đâu! Sống lâu lên lão làng mà cũng mang ngôn ngữ điện ảnh ra dọa! Bọn mình có phải con nít đâu mà họ dọa!

Ngay bất ngờ và thích thú về cách chuyển nghĩa tên trưởng ban biên tập Ngô Như Châu được Lê Thanh chuyển thành ngu như trâu. Ngay vừa cười vừa nhắc lại: Ngu như trâu, hay thật! Nhưng đến tai ông ấy là toi đấy! Đào Hà Nam vốn hiền lành thì nói: Dù sao ông ấy cũng ở tuổi đáng kính, gọi như thế thì ác quá, hỗn quá! Lê Thanh cãi: Lớn tuổi phải xử sự cho ra người lớn mới đáng được kính trọng.

Càm ràm thế nhưng ngay sau đấy Lê Thanh đi gặp trưởng ban biên tập Ngô Như Châu với vẻ cung kính và ngoan ngoãn, nhờ ông chỉ giáo cho về ngôn ngữ điện ảnh, về cách viết kịch bản rồi Lê Thanh đánh máy lại kịch bản, cũng chẳng sửa chữa thêm bớt gì. Kịch bản liền được đánh giá là khá!

Lại nói về ban biên tập. Đó là những người có mặt từ những ngày đầu thành lập hãng phim sau cuộc kháng chiến chống Pháp. Vốn liếng của họ là tuổi trẻ và chút văn hóa có được từ thời cắp sách đến trường trước cách mạng tháng Tám. Họ được tổ chức thành từng nhóm đi theo các đoàn làm phim của một hãng phim lớn đi trước, học điện ảnh theo kiểu truyền nghề, ai làm việc gì bám theo việc đó mà học. Rồi họ cũng thành quay phim, biên kịch, đạo diễn, biên tập, dựng phim... Nhưng họ mới học được phần công nghệ. Ngoài phần công nghệ có thể truyền nghề được, điện ảnh còn là nghệ thuật, là cái hồn cảm xúc và cái tầm khái quát mang dấu ấn của tài năng, của cá thể không thể học bằng truyền nghề được thì họ đều không có! Làm nghệ thuật cần có tâm hồn và tài năng, không có tâm hồn và tài năng người ta phải chiếm giữ lấy cái ghế quan chức và cố thủ ở đó bằng sự đố kị! ông trưởng ban biên tập Ngô Như Châu đang cố thủ bằng sự đố kị đó nhưng ông không đến nỗi ác ý, xấu chơi. Ác ý, xấu chơi là người khác.

Rồi Ngay cũng có kịch bản được thông qua trót lọt. Người ta cũng phải nhận ra cả lớp biên kịch tuy mới chân ướt chân ráo bước vào điện ảnh nhưng họ cũng không còn là lũ trẻ con để có thể mang con ngáo ộp "ngôn ngữ điện ảnh" ra dọa họ được mãi! Nhưng qua được nạn kịch bản lại đến nạn lời bình!

Khi đạo diễn thực hiện kịch bản của Ngay nói ý định mời phó giám đốc phụ trách nghệ thuật viết lời bình thì Ngay giãy nảy:
- Lời bình của ông ấy khô như ngói, sao các đạo diễn ở đây cứ thích mời ông ấy viết thế nhỉ?
Đạo diễn giải thích:
- Có ai thích kiểu viết lời bình khô khan, vô hồn của ông ấy đâu! Không thích nhưng ai cũng phải mời ông ấy viết vì ai cũng thích bộ phim của mình được suôn sẻ, không bị hành, không bị bắt bẻ những cái vớ vẩn, không phải sửa tới sửa lui vì những cái rất vô lí. Phim này càng cần có tên ông ấy ở giê nhê rích. Người ta đã không ưa ông rồi, không hành kịch bản của ông thì người ta sẽ hành phim! Lúc ấy người bị hành là tôi chứ không phải là ông nên ông phải thông cảm cho tôi, để tôi tìm lối thoát đỡ khốn khổ cho bộ phim của chúng ta.

Ngay chỉ còn biết vớt vát:
- Tôi viết kịch bản theo mạch cảm hứng nên trong kịch bản đã có phần lớn lời bình. Chỉ cần sắp xếp lại, bổ sung thêm theo hình ảnh bộ phim là có lời bình phù hợp với chất trữ tình của phim.
Ở phim này, lời bình khô khan, không có hồn là hỏng! Nhưng thôi, tùy ông!

Đạo diễn an ủi bạn:
- Tôi biết điều đó chứ. Nếu chỉ nhìn vào mối quan hệ của ông với các đấng bề trên ở đây thì cho kẹo tôi cũng không dám nhận kịch bản của ông. Vì quá thích kịch bản mà tôi nhận! Mời phó giám đốc phụ trách nghệ thuật viết lời bình phim này là tôi cũng muốn giúp ông cải thiện mối quan hệ của ông với một đấng bề trên trọng yếu. Muốn ở lại đây, ông phải cải thiện mối quan hệ đó đi! Còn về phim, ông cứ yên tâm. Tuy mời người khác viết lời bình nhưng tôi sẽ cố giữ được cái giọng điệu, cái hồn cảm xúc của ông. Được chưa?
Ngay cười gượng gạo như mếu, kéo anh bạn đạo diễn rời phòng dựng phim trên gác tòa biệt thự ra quán cơm bụi đầu phố ăn trưa.

Một tuần sau, đưa cho Ngay năm trang lời bình của phó giám đốc phụ trách nghệ thuật, đạo diễn lắc đầu:
- Không thể xài nổi! Ông viết lại đi! Cố lấy được đoạn nào ở đây thì lấy. Phải cố lấy cho ông ấy vài đoạn!

Chỉ hôm sau Ngay đưa lời bình anh viết cho đạo diễn. Lời bình được đạo diễn cho đọc trong phim đã không sử dụng được một ý, một đoạn, một câu nào trong năm trang lời bình của phó giám đốc, nhưng khi phim trình chiếu, trên giê nhê rích của phim ở mục lời bình vẫn có tên phó giám đốc phụ trách nghệ thuật và chỉ có mỗi tên ông mà thôi! Phim được hội đồng duyệt phim thông qua cái rụp! Khi xếp hạng nhuận bút, kịch bản và đạo diễn được xếp hạng hai, hạng trung bình, riêng lời bình được hạng ba, hạng khá!

Đạo diễn là người chu đáo. Phim nào anh cũng săn đón nhận nhuận bút cho cả đoàn phim. Anh mang toàn bộ nhuận bút lời bình lên phòng phó giám đốc phụ trách nghệ thuật. Phó giám đốc dụi mẩu thuốc đang hút vào cái gạt tài, đưa tay nhận tập tiền nhuận bút nhét vào túi áo ngực, cài cúc túi lại cẩn thận rồi hồn nhiên hỏi:

- Cậu thấy lời... lời... lời bình của... của.... của tớ cũng được... được... được đấy chứ?
Ông bị tật cà lăm nặng. Ông nói đã vất vả, người nghe còn vất vả hơn!

Trong những ngày công việc đã làm Ngay quá mệt mỏi, mất đi niềm tin vào cuộc sống và sự say mê với công việc thì vợ anh còn làm cho cuộc sống của anh thêm căng thẳng. Cô vợ liên tục lên cơ quan gặp lãnh đạo hãng phim, từ giám đốc, bí thư đảng ủy đến bí thư chi bộ, khóc lóc kể lể tội lỗi của Ngay mà cô tưởng tượng ra. Tội gì ư? Nguồn gốc của nó sâu xa lắm! Vừa kết thúc năm học cuối cùng ở trường phổ thông, Ngay cùng con trai cả lớp được lệnh đi khám sức khỏe làm nghĩa vụ quân sự và trong lần khám đầu tiên ấy, Ngay đã trúng tuyển. Một năm căng thẳng ở đơn vị huấn luyện Ngay vẫn hì hục viết tin, bài cho các báo trong quân đội từ báo quân khu, báo binh chủng đến báo Quân đội Nhân dân. Rồi Ngay có cả thơ, truyện được đăng. Kết thúc năm huấn luyện, Ngay được điều về làm báo ở Hà Nội. Hà Nội gắn bó với Ngay từ ngày đó. Hà Nội là tuổi trẻ háo hức học hỏi và say mê trong thế giới chữ nghĩa của Ngay. Hà Nội là tình yêu đầu đời khắc khoải của Ngay. Khá nhiều cô gái Hà Nội xinh đẹp làm cho Ngay phải bâng khuâng và một người đã ở lại khá lâu trong trái tim anh. Tuy chưa chính thức ngỏ lời rõ ràng, chưa có cả nụ hôn trao nhau nhưng có thể nói đã có một tình yêu chớm nở giữa Ngay với một cô gái ở tổng đài bưu điện tên là Bích.

Tình yêu chậm chạp và đích thực vừa nhú mầm tươi xanh thì Ngay được lệnh ra mặt trận. Tập trung rèn luyện hành quân và ăn bồi dưỡng trong một cánh rừng ở Lương Sơn, Hòa Bình chuẩn bị đi chiến trường thì Ngay nhận được lá thư dài của Bích. Bích dẫn giải xa gần để nói rằng Ngay không cần thiết phải ra mặt trận. Nếu anh đồng ý, bố Bích có những mối quan hệ với những cán bộ cao cấp bên quân đội, ông có thể nói họ để anh ở lại. Ở lại Hà Nội nhưng anh vẫn là người lính đang chiến đấu bên cạnh những đồng đội ngoài mặt trận, anh đâu phải là kẻ chạy trốn, kẻ hèn nhát! Bích đã hăm hai tuổi, với con gái đã là tuổi trễ của hôn nhân! Chiến tranh đang mở rộng, ngày càng khốc liệt, ngày kết thúc còn xa lắm, ngày anh trở về mờ mịt lắm! Nếu anh thực sự yêu Bích thì đợt này anh nên ở lại. Chiến tranh còn dài, sau này anh ra mặt trận cũng chưa muộn. Bức thư là sự xác nhận tình yêu mạnh mẽ của Bích dành cho Ngay nhưng cũng là sự chấm dứt của mối tình đó! Đêm cuối cùng ở rừng Lương Sơn, Hòa Bình, Ngay đọc đến thuộc lòng những điều Bích viết rồi đốt bức thư thả tàn tro xuống dòng suối rì rầm ở đầu lán. Sáng sớm hôm sau Ngay đeo ba lô con cóc căng tròn, nặng nề cất bước theo đội hình đi về phía Nam.

Ba năm sau, miền Nam được giải phóng, Ngay trở về Hà Nội thì Bích đã lấy chồng. Các cô gái khác mà Ngay có cảm tình thì cũng đều đã an phận chồng con. Ba năm sau nữa Ngay lấy vợ như chỉ để thỏa mãn nỗi mong mỏi cháy bóng của người mẹ góa bụa. Vợ anh bằng tuổi với Bích, năm ấy đã hăm tám tuổi, anh biết cô do một sự mối manh tận tình, chu đáo. Những điều vợ anh thể hiện trong thời gian quen biết cho anh tin rằng đó là một người tốt. Chưa hiểu, chưa yêu nhưng có được người vợ tốt, rồi tình yêu sẽ đến-Ngay nghĩ như thế và đồng ý để mẹ làm thủ tục ăn hỏi. Ngày mẹ mang lễ đi hỏi vợ cho Ngay, Ngay ở Hà Nội chẳng vướng bận gì nhưng anh viện cớ đang đi công tác xa không thể về nhà được. Đến lúc ấy anh mới chợt nhận ra mình như vừa đánh mất một cái gì quý giá. Anh ngơ ngẩn đạp xe đi lang thang giữa phố phường Hà Nội đang hun hút mưa phùn gió bấc làm cho người ta càng thèm khát không khí gia đình đầm ấm. Sau này, càng ngày anh càng thất vọng về cái gia đình anh đã có. Điều tốt đẹp anh tưởng có ở người vợ thì anh không tìm thấy mà anh phải nhận ra những điều không mong đợi. Đến lúc ấy anh mới nhận ra rằng nề nếp gia đình và giáo dục gia đình quan trọng như thế nào đối với người con gái khi về nhà chồng. Thế mà điều đó lại không có ở vợ anh! Điều anh chờ đợi ở tình yêu sẽ có với vợ thì càng ngày càng xa vời.

Tình yêu đã không có, dù sống với nhau có chu đáo, có trách nhiệm đến đâu cũng vẫn hời hợt, vô tình. Phụ nữ lại quá nhạy cảm về điều đó. Sự hờ hững, gượng ép của Ngay trong tình cảm, trong quan hệ vợ chồng làm cho vợ Ngay càng ngày càng đau khổ tin chắc rằng Ngay đã dành tình cảm cho người khác. Nỗi đau khổ ấy khi ngấm ngầm chịu đựng, khi bùng nổ thành những cơn cuồng nộ, thành những trận đòn kinh hoàng trút xuống đứa con trai, thành những cuộc gây sự ầm ĩ với bà mẹ chồng vốn lặng lẽ kín tiếng. Ôi chao, tưởng rằng lấy vợ để mẹ có thêm niềm vui, để mẹ có người chia sẻ nỗi niềm lúc tuổi già, chẳng ngờ lại rước thêm nỗi buồn cho mẹ!

Không khí gia đình nặng nề u ám kéo dài cho đến sau đợt Ngay vào dải đất miền Trung hơn một tháng lấy tư liệu cho cái kịch bản mới. Ngay đi vắng, Bích mang quà mừng sinh nhật Ngay đến hãng phim. Không gặp Ngay, Bích gửi lại quà và cả lá thư cho một người ở hãng phim. Không hiểu sao quà và thư lập tức đến tay vợ Ngay. Bằng chứng rành rành đây rồi! Cả gan ngang nhiên đi lại dan díu với nhau ở ngay cơ quan mà cơ quan vẫn đồng tình, làm ngơ thì lạ thật! Vừa mới rời nhau đã phải thư, với từ! Tình cảm thế còn cần gì đến vợ nữa! Bày trò sinh nhật để rúc rích với nhau chứ gì! Được, để xem còn rúc rích được nữa không? Vợ Ngay lập tức lồng đến hãng phim, khóc lóc vật vã đòi cơ quan phải xem xét đạo đức của Ngay, phải giáo dục Ngay chấm dứt những quan hệ bất chính! Có một thời cuộc sống cá nhân không được nhìn nhận đầy đủ, ý thức về cá nhân chưa hình thành ở nhiều người, cánh cửa nhiều gia đình chưa được khép lại với gia đình mà cứ mở toang ra! Ngay đã rầu lòng về gia đình, anh lại càng cay đắng về việc người vợ đã mở toang cánh cửa riêng của gia đình ra trước thiên hạ. Sau phút ngỡ ngàng về cảnh tượng hiếm có ở hãng phim, mọi người hỏi nhau về người đàn bà gào khóc thảm thiết ở cơ quan. Vợ cậu Ngay đấy, gớm, khiếp quá! Họ lắc đầu. Khi Ngay về cơ quan liền nhận được nhiều ánh mắt nhìn anh ái ngại!

Sau một chặng đường rong ruổi hàng nghìn cây số, quần áo thay ra còn nhét cả trong ba lô, người phờ phạc, hốc hác như sau trận sốt rét thế mà gia đình lại rối tung lên vì một chuyện không đâu! Ngay về nhà thấy mẹ anh phải đến ở với đứa em gái và em rể. Vẻ mặt âm thầm rầu rĩ của mẹ làm cho Ngay đau đớn xót xa hơn mọi sự bất hạnh mà anh phải chịu đựng. Cô em gái Ngay cho biết có một người đàn ông trạc tuổi Ngay, mặt xạm đen, lông mày rậm, mắt sâu và chân râu đen xì nửa mặt làm cho bộ mặt càng tối xầm lại đã đến nhà gặp vợ Ngay vào một chiều chủ nhật. Lông mày rậm, mắt sâu và chân râu đen xì nửa mặt, Ngay nhận ra đó là ai và anh thấy ghê sợ sao người ta lại có thể làm được những việc thấp hèn như vậy! Đến lúc ấy Ngay nhận ra rõ ràng rằng cái gia đình nặng nề luôn chứa chất sự bất ổn đã đến lúc không thể kéo dài thêm được nữa! Cả công việc ở hãng phim cũng không thể tiếp tục! Hãng phim sắp có đợt giảm biên chế ráo riết. Dường như sự thẳng thắn đến ngang bướng của Ngay là đối tượng hàng đầu họ phải loại bỏ. Và cái thằng chân râu đen xì nửa mặt đã nhận ra điều này nên lập tức đón cơ hội lập công với quyền lực bằng cách tạo thêm sự cố cho Ngay, tạo thêm cớ cho việc loại bỏ đó!

Ngay ngồi viết kịch bản cho bộ phim đặt hàng của quân đoàn Trường Sơn ở miền Trung trong khi chờ tòa án dân sự gọi lên giải quyết việc li hôn của vợ chồng anh. Không ngờ kịch bản được ban biên tập thông qua nhanh chóng rồi chuyển lên phó giám đốc phụ trách nghệ thuật, người đại diện hãng phim vào miền Trung ký hợp đồng làm phim. Phó giám đốc làm thủ tục xác nhận kịch bản đã được hãng phim chấp nhận và gửi kịch bản cho đơn vị đặt làm phim để xin ý kiến của họ.

Tòa án đã gọi Ngay lên hòa giải đến lần thứ hai nhưng nơi đặt làm phim vẫn chưa cho biết ý kiến về kịch bản. Ba tháng đã qua. Sao họ ngâm kịch bản lâu thế nhỉ? Họ không hài lòng về kịch bản chăng? Trong thời gian chờ đợi kéo dài không bình thường đó lại có thêm một chuyện buồn đến với Ngay.

Để tỏ ra dân chủ, minh bạch trong đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho đợt giảm biên chế sắp tới, lãnh đạo hãng phim tổ chức họp với từng bộ phận để nhìn nhận năng lực làm việc và tư cách đạo đức từng người. Ở xưởng phim tài liệu, không khí cuộc họp trở nên ngột ngạt, nặng nề khi đánh giá về Ngay. Sau ý kiến cho rằng kết quả làm việc của Ngay không cao, Lê Thanh liền đứng lên gay gắt:

- Làm việc kém như thế nhưng anh Ngay lại coi tất cả chúng ta đều không biết làm phim, đều ngu dốt nên không nhận ra tài năng của anh ấy. Trưởng ban biên tập Ngô Như Châu mà anh Ngay còn gọi là ngu như trâu!

Nhìn Đào Hà Nam đứng lên bỏ ra ngoài phòng họp, Lê Thanh hơi sững lại nhưng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, nói tiếp:

- Có đúng là chúng ta chưa thấy hết tài năng của anh Ngay? Tài năng của anh Ngay thế nào xin cứ nhìn vào cái kịch bản quân đoàn Trường Sơn thì biết. Ban biên tập đã quá dễ dãi, nể nang nên đã chấp nhận kịch bản của anh Ngay. Chúng ta dễ dãi nhưng người ta bỏ đồng tiền bát gạo ra làm phim, phải mất hàng trăm triệu đồng mới có được bộ phim về truyền thống đơn vị thì họ không thể dễ dãi để phải nhận về thứ sản phẩm dỏm, sản phẩm loại ba. Vì thế kịch bản của anh Ngay đã nằm chết ở quân đoàn hơn ba tháng nay! Hay là ở đó họ cũng không thấy được tài năng của anh Ngay? Ở anh Ngay đúng là có vấn đề tài năng nhưng là một tài năng trống vắng lại không biết mình nên anh Ngay đã hợm hĩnh đến lố bịch! Trưởãng ban biên tập mà anh Ngay còn bảo ngu như trâu thì lũ biên kịch, đạo diễn tầm tầm như chúng tôi chỉ là lũ dòi bọ à? Anh Ngay còn là người sống không lành mạnh, quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ, thiếu trách nhiệm với gia đình vợ con. Nhìn vợ anh Ngay lên cơ quan chúng ta khóc lóc vật vã, tôi vừa ái ngại cho chị ấy, vừa xấu hổ cho cơ quan ta. Theo tôi, một năng lực, một tư cách như anh Ngay không thể có chỗ đứng ở một đơn vị làm nghệ thuật đồng thời cũng là một đơn vị văn hóa!

Ngay khẽ rùng mình khi nhìn bộ mặt đen xì những chân râu cùng đôi mắt sâu dưới hàng lông mày rậm của Lê Thanh và anh thấy chẳng cần phải nói lại điều gì!

Đến lúc nhận được thư của người bạn cùng đơn vị chiến đấu cũ nay là trưởng ban tuyên huấn quân đoàn Trường Sơn và là người đã liên hệ với Ngay đặt vấn đề làm phim về quân đoàn, Ngay mới hiểu vì sao quân đoàn lại im lặng quá lâu. Cùng lúc quân đoàn nhận được hai kịch bản từ hãng phim gửi đến trong một bì thư, kịch bản của Ngay và kịch bản của phó giám đốc phụ trách nghệ thuật cùng bức thư của phó giám đốc. Thư viết rằng bằng kinh nghiệm gần ba mươi năm làm phim, phó giám đốc phụ trách nghệ thuật thấy kịch bản của Ngay dàn trải quá, thiếu tập trung, thiếu ngôn ngữ điện ảnh, nó giống một bài bút ký hơn là một kịch bản phim tài liệu! Chờ tác giả kịch bản khắc phục thì lâu, không bảo đảm được kế hoạch thời gian vì thế ông phải viết một kịch bản khác, tập trung nêu bật truyền thống của quân đoàn.

Lãnh đạo quân đoàn đã đọc và thảo luận cả hai kịch bản. Tất cả đều thống nhất rằng kịch bản của phó giám đốc hãng phim chỉ rút ra tư liệu của kịch bản kia, nhiều chỗ còn chép lại nguyên văn từng đoạn của kịch bản kia. Mạch dẫn trong kịch bản của phó giám đốc chỉ là những lời tán dương chung chung, áp đặt, thiếu sức thuyết phục. Còn kịch bản của Ngay có một tứ thơ đẹp xuyên suốt, mạch dẫn của kịch bản là cảm xúc chân thực, có nhiều tư liệu quý, nhiều sự kiện, nhân vật xác thực, nét son quân đoàn được thể hiện chân thực, bình dị bằng những sự kiện và con người có thật đó chứ không phải bằng những lời tán dương sáo mòn, khoa trương, áp đặt, vì thế kịch bản có sức cuốn hút và sức lay động tình cảm.

Lãnh đạo quân đoàn đều biết vì sự tế nhị trong mối quan hệ với hãng phim và để thuận lợi trong việc triển khai thực hiện bộ phim cần chọn kịch bản của phó giám đốc. Nhưng toàn bộ phim ấy sẽ không tránh khỏi khô khan, nhạt nhẽo! Hơn nữa trưởng ban tuyên huấn còn trình ra văn bản có chữ ký của phó giám đốc phụ trách nghệ thuật hãng phim xác nhận kịch bản của Ngay đã được ban biên tập và hội đồng nghệ thuật đưa ra sinh hoạt, được đánh giá đạt yêu cầu làm phim! điều đó chứng tỏ ý kiến của phó giám đốc nêu trong thư gửi lãnh đạo quân đoàn chỉ là ý kiến cá nhân và nó cũng chứng tỏ rằng nội bộ hãng phim có vấn đề! Vì là vấn đề nội bộ hãng phim, quân đoàn bỏ kịch bản của phó giám đốc phụ trách nghệ thuật quả không tiện, không dễ nói chút nào! Thế là họ đành im lặng. Họ biết phó giám đốc đã năm mươi chín tuổi, thôi đành chờ ông ta về hưu rồi mới triển khai làm phim. Họ không biết rằng người được cho nghỉ làm việc trước là Ngay bốn mươi nhăm tuổi, chứ không phải là phó giám đốc năm mươi chín tuổi!

Ngay viết thư cho người bạn tuyên huấn quân đoàn nêu ý kiến rằng để bộ phim của quân đoàn được thực hiện đúng kế hoạch thời gian, Ngay sẽ mời một đạo diễn điện ảnh có tên tuổi của quốc gia vào trao đổi với quân đoàn về bộ phim. Qua trao đổi nếu quân đoàn thấy có thể tin cậy ở đạo diễn này thì giao cho ông thực hiện bộ phim. Đề xuất của Ngay mở ra cho quân đoàn một lối thoát thỏa đáng liền được quân đoàn chấp nhận và Ngay được đề nghị cùng đạo diễn thực hiện bộ phim.

Hồi đó đang có phong trào làm phim về truyền thống các đơn vị. Bộ phim hoàn thành được đưa đi chiếu rộng rãi, nhiều đơn vị. Nhiều địa phương liên tiếp mời Ngay làm phim về đơn vị họ. Thế là giải quyết xong việc gia đình ở tòa án, Ngay gồng gánh cái gia đình không còn nguyên vẹn của anh đi về phía Nam.

Ngay móc túi lấy máy điện thoại gọi cho Đào Hà Nam đang làm việc trong hãng phim. Nam hấp tấp ra chỗ Ngay đợi vẫn với nụ cười cứ chúm miệng lại. Nam định kéo Ngay vào quán cà phê nhưng Ngay đòi về nhà Nam.

Vốn là nông dân, Nam rất ham đất đai. Vừa ổn định công việc ở hãng phim, Nam liền mua được mảnh vườn rộng ở ngoại thành từ hồi giá vài trăm mét vuông đất còn rẻ hơn giá chiếc xe máy loại xoàng. Mảnh vườn rộng rãi sau căn nhà tranh của Nam chính là nơi Ngay trồng cây lát hoa. Bây giờ ngôi nhà ba tầng lừng lững đã thay căn nhà tranh cũ. Đất đai lên giá, Nam cắt đất bán lấy tiền xây nhà và mua sắm tiện nghi. Nhìn nhà cửa và tiện nghi ấy thì cuộc sống gia đình Nam chẳng thua kém ai. Mới xế chiều, vợ con Nam đều chưa về. Nam dẫn Ngay vào từng phòng thăm ngôi nhà. Đất bán rồi, cây lát hoa được Nam đưa vào chậu đặt trên sân thượng vẫn chỉ cao như ngày nào. Nam cho biết tòa biệt thự cũ và mảnh vườn nhỏ ở hãng phim vẫn còn được giữ lại. Cây lát hoa Ngay trồng ở đó vẫn sống lay lắt giữa hai cây phượng vĩ già nua.

Chuyện cảnh rồi chuyện người. Ông phó giám đốc nói cà lăm đã nghỉ hưu nhưng ở hãng phim vẫn chưa hết xì xào về ông. Một hãng phim truyền hình nước ngoài đến hỏi mua phim tư liệu chiến tranh của hãng phim. Ông phó giám đốc được cử tiếp khách và ngồi với khách xem chiếu phim cho khách chọn mua, ông đã để cho khách đặt máy ghi hình trộm toàn bộ hàng ngàn mét phim chiếu chào hàng nên sau đó khách chỉ mua hơn chục mét phim như chỉ để trả công đón tiếp của hãng phim! Riêng phó giám đốc được khách mời sang nước họ chơi để họ đãi đằng cảm ơn. Khi về nước ông xây ngôi nhà to vật vã rồi ung dung về hưu! Còn những ai được cấp đất ở hãng phim à? Nam lại chúm miệng cười: Lê Thanh được cấp đất ở đó, cậu có kinh ngạc không? Chả có gì kinh ngạc cả vì còn nhiều điều phải kinh ngạc hơn. Nhu cầu về nhà ở thì ai cũng như ai. Thế là tiêu chuẩn xét cấp đất chỉ còn là năm tháng làm việc đóng góp cho hãng phim. Còn vì sao nhiều người làm việc ở hãng phim trước Lê Thanh rất lâu nhưng không được cấp đất mà Lê Thanh lại được suất đất ngon lành thì phải nhìn vào mối quan hệ của Lê Thanh với lãnh đạo hãng phim và mối quan hệ của vợ Lê Thanh với một quan chức cấp trên. Mối quan hệ của Lê Thanh với lãnh đạo hãng thì cậu đã quá rõ. Biết lãnh đạo hãng phim muốn loại cậu, Lê Thanh liền làm cái việc không ai có thể làm là tạo dựng tội và lớn tiếng vu tội cho cậu! Trước đó, quan hệ của cậu với Lê Thanh khá tốt đẹp. Cậu còn viết bài khen tập thơ của Thanh nữa! Thế mà thoắt một cái Thanh trở mặt với cậu chỉ để lấy điểm với quyền lực! Kinh quá! Từ sau cuộc họp Lê Thanh vu tội cậu, mọi người đều phải dè chừng với hắn. Khi người ta sống không còn giới hạn thì việc gì cũng có thể làm được kể cả việc chấp nhận để vợ quan hệ thân thiết đến mức không bình thường với người đàn ông sống xa vợ con! Thân thiết đến mức những đợt Lê Thanh đi công tác vắng, buổi trưa vợ Thanh đều về phòng ông kia ăn uống, nghỉ ngơi. Ông kia lại có vị trí quan yếu trong hội đồng cấp nhà cấp đất! Những mối quan hệ đó ở hãng phim ai cũng biết nên ai cũng hiểu cái giá suất đất của Lê Thanh. Ở Trung Đông người ta nói đổi đất lấy hòa bình còn ở hãng phim mình người ta nói nhỏ với nhau đổi vợ lấy đất! Có được mẩu đất phải trả giá đắt như thế nên chẳng còn ai thắc mắc. Nhưng thôi, những chuyện rầu lòng đó chẳng bao giờ hết, nói nhiều thêm mệt! Xuống dưới nhà kiếm cái nhậu!

Xuống phòng khách ở tầng trệt, Ngay bảo bạn:
- Mình muốn đi viếng anh Chí Phác. Cậu đi với mình rồi về ta ngồi với nhau cả tối nay.

Đạo diễn Chí Phác cũng giống như nhiều người có mặt ở hãng phim từ ngày đầu, không qua một trường lớp điện ảnh nào nhưng ông khác nhiều người ở khả năng rung động trước cuộc sống, ở sự lặng lẽ học trong công việc và mê mải làm phim. Cả đời làm phim, ông chỉ làm đến đội trưởng một đội làm phim trong xưởng phim tài liệu nhưng ông đã làm nhiều bộ phim được ghi trong lịch sử điện ảnh nước nhà. Những người như trưởng ban biên tập đầy quyền uy, phó giám đốc phụ trách nghệ thuật có tên trong hầu hết các bộ phim của hãng, nhắc đến họ, Ngay chỉ nhớ đến chức vụ của họ chứ anh không nhớ được họ đã làm những bộ phim nào! Nhắc đến đạo diễn Chí Phác, Ngay không nhớ đến chức đội trưởng của ông, anh chỉ nhớ đến những bộ phim hay ông đã làm. Mỗi khi ra Hà Nội, Ngay đều đến nhà thăm khi ông còn sống và đến mộ viếng khi ông đã mất.

Sau khi chứng kiến những đổi thay ở hãng phim, những nhốn nháo ở cuộc đời, Ngay tìm đến thăm đạo diễn Chí Phác như đến với cái yên tĩnh, cái bất biến của cuộc đơi, đến với giá trị đích thực của cuộc sống.

P.Đ.T
(201/11-05)

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Hương Bát Nhã (13/04/2009)
Mạ chồng tôi (13/04/2009)
Bà phó giám (13/04/2009)