Truyện ngắn
Mặt Nạ
08:58 | 22/04/2009
HƯỚNG DƯƠNGTết đã gần đến rồi. Những ngày này mọi người chỉ nghĩ đến một việc là chơi gì trong ngày Tết? Trước đây, cuộc sống thiếu thốn thì Tết là dịp để ăn uống cho no say đầy đủ - Vậy mới gọi là ăn Tết. Còn giờ, mọi sự dinh dưỡng thừa mứa, đàn ông bụng phệ nhan nhản, đàn bà đi hút mỡ thường kỳ, bệnh béo phì của trẻ em gia tăng. Ăn uống là kẻ thù của con người. Vậy nên, Tết không còn là ăn Tết nữa mà là vui Tết, chơi tết.
Mặt Nạ

Nghĩ mãi chẳng biết làm gì, cơ quan anh tổ chức lễ hội hóa trang. Vừa độc đáo này, vừa vui vẻ này và vừa hội nhập với phương Tây nữa chứ. Giám đốc cho cả cơ quan nghỉ một tuần, không ở nhà mà đến cơ quan để làm mặt nạ. Thực ra, trước đó bên phòng tài vụ có ý định đi mua cho cơ quan rồi về phân phát nhưng mọi người cứ bàn bạc mãi, nào là mặt nạ ở ngoài toàn là hình khỉ, hình chó..., hai là mẫu mã thì không phong phú... và còn có cả ý kiến bên lề là khéo phòng tài vụ mua về thì cơ quan cũng hụt một khoản lớn. Xì xầm một hồi, đến tai giám đốc, ông thấy bây giờ cũng vơi việc, anh em chả biết làm gì, rảnh ngồi nói xấu nhau chỉ sinh chuyện. Thôi, tốt nhất là cùng làm.

Quyết định xong, giám đốc chi tiền đi mua các loại bìa, giấy màu, hồ, bột màu, bút lông..., phòng tài vụ chở đầy một xe tải, tha hồ mà chọn lựa. Bỗng nhiên, cơ quan nhộn nhịp sinh động hẳn lên. mọi người trở nên thân thiện và yêu thương nhau hơn trong công việc làm mặt nạ cho lễ hội hóa trang.

Anh là kẻ độc thân ra trường được hai năm, xin mãi mới được về cơ quan này. Mới làm việc được 5 tháng nay. Còn bỡ ngỡ. Anh chưa biết cách nên chỉ quan sát mọi người cùng gia đình và các đồng nghiệp làm việc. Chả là, năm nay cơ quan đạt doanh thu cao nên ông giám đốc muốn mời cả gia đình các cán bộ công nhân viên đến dự. Vì thế, tuỳ tình hình, mọi người điều động người thân đến phụ làm những lúc rảnh.

Để hoà đồng với mọi người, anh cũng thử làm nhưng thất bại. Đành phải ngồi xem vậy! Anh nghĩ những người đi mua mặt nạ có sẵn thì quả không biết việc làm đó khó khăn như thế nào. Cũng không phải cầu kỳ, đạt đến độ tinh xảo nhưng để có một cái như ý cũng phải thật khéo léo. Trước hết phải cắt một miếng bìa cứng làm nền rồi sau đó xé giấy màu da cho phù hợp bồi lên. Để cho khô hồ lần thứ nhất rồi bồi tiếp một lớp nữa. Nếu ai muốn nó sống động tạo ra mũi hẳn hoi thì phải bồi đến năm, bảy lớp và chờ. Đó mới là phần thô, công đoạn thứ nhất. Sang công đoạn thứ hai là phải chuẩn bị màu để tô, mỗi giác quan là một màu. Hơn thế, theo đề nghị của phòng tổ chức: để tạo ra cho buổi lễ hội phong phú nên cần có nhiều dạng vẻ, nhiều loại người khác nhau. Vậy nên, ngoài những vật dụng đã mua, mọi người trong cơ quan còn đi tìm những hình ảnh mình thích để làm cho thật giống. Tiền của thì sẵn, thời gian thì nhiều, dại gì không trau chuốt cho hoàn mỹ. Không ai bảo ai nhưng mọi người đều nghĩ như vậy.

Có một vài người vội vàng làm xong, đeo lên ai cũng chê và phải làm lại. Anh tự hỏi, sao lúc này tính kiên nhẫn lại đạt đến cao độ như vậy. Các phòng đầy những giấy và màu, rỗi việc anh đi quanh một vòng để nhờ ai đó làm cho mình. Đến phòng bảo vệ đầu tiên, dù gì anh này cũng còn trẻ, hơn anh vài tuổi nên cũng dễ gần. Chàng bảo vệ loay hoay trong mớ giấy đen, thấy anh vào ngước lên cười:

- Tớ định làm thêm cái mũ này? Cậu thấy sao?

Anh chưa nhìn kỹ là mũ gì, vội khen xã giao:
- Đẹp, hợp với anh lắm!

Chắc chỉ chờ có vậy, cậu ta liền bỏ đống giấy đang cầm ở tay đứng lên:
- Vào uống nước đã, bảo cho tớ làm với.

Anh luống cuống, vì bản thân anh có biết gì cái nghề thủ công này đâu.
Chàng bảo vệ rót nước, đẩy về phía anh, cười khề khà rồi bước tới góc nhà nhặt lên tấm ảnh. Anh nhìn vào: một đứa trẻ trong bộ đồ khoa cử mà quảng cáo AIA đã đến cơ quan phát tặng. Chàng thanh niên cầm tờ giấy chỉ trỏ và nói với anh:
- Tớ thích từ hồi nhỏ, vậy mà nghèo quá, vả lại tớ lười nên học hành chẳng tử tế. Cậu thấy cái mũ này đẹp không? Chà, tớ sẽ làm và đội vào cho cậu thấy!

Anh chỉ gật đầu cho qua chuyện. Định nhổm dậy bước đi thì bàn tay chắc nụi của người bảo vệ lại ấn anh xuống.
- Gượm đã nào, thử tính cho tớ chu vi đầu tớ bao nhiêu cho chính xác để tớ làm cái khung tre.

À, chàng này cũng thông minh gớm đấy. Anh thầm nghĩ và đồng ý:
- Ừ! Anh ngồi xuống tôi đo thử cho.
Anh lấy cây thước trên bàn, đo và hô: hai mươi lăm, hai mươi.
- Là sao?
- Là một chiều hai mươi lăm cen ti mét, một chiều hai mươi cen ti mét, cứ bẻ như vậy là có khung hình rồi.
- Ừ nhỉ!

Anh cười, uống nốt chén trà, cảm ơn rồi bước ra. Chàng bảo vệ lại ngồi xuống hý hoáy với chiếc mũ tiến sỹ.

Bước giữa sân, nhìn những dãy nhà dài, anh tự hỏi bây giờ vào phòng nào nhỉ? Có lẽ vào phòng công đoàn là hợp hơn cả. Phòng này lúc nào cũng vui vẻ và hiếu khách.

Ông chủ tịch và bà phó chủ tịch đang hợp tác làm việc nên chẳng để ý đến anh. Họ bàn luận thật sôi nổi. Bà phó chủ tịch cầm chiếc mặt nạ tay trái, còn tay phải đang cầm cây bút lông tô màu.

- Này, ông phải vẽ bộ ria nữa mới oách. Để tôi vẽ cho, thế nào cũng giống giám đốc.
À, thì ra cặp này đang làm mặt nạ giám đốc và phu nhân - Anh nghĩ.
Phát hiện ra sự có mặt của anh, họ cũng nhìn lên hỏi:
- Đẹp không? Giống không?
Anh gật đầu.

Bộ ria đã vẽ xong, bà phó chủ tịch trao cho ông chủ tịch, ông ta liền mang chiếc mặt nạ và ngồi vào chiếc ghế xoay, giả giọng ồ ồ:
- Cô kia! Sao không dẹp phòng xếp!
Bà phó chủ tịch cười rũ:
- Chả giống gì cả, nghiêm nghị hơn một chút!
Ông chủ tịch đứng lên tiến về phía anh:
- Cậu xem, tớ thế này đâu thua thằng chó nào? Oai chưa?
Vừa nói, ông vừa đi đi lại lại trong phòng. Bà phó chủ tịch dòm theo:
- Thôi đi cha, giám đốc bữa nay có bằng nọ bằng kia, cha chỉ học tại chức mà cũng đòi...
- Tôi đang nói phông độ kia mà! Chán bà thật, mất cả vui. Rồi ông nói tiếp: "Phần tôi xong rồi, bây giờ đến lượt bà mau mang ra để mọi người góp ý".

Cái khuôn hình chưa xong, chỉ bồi được một lớp bìa, cái mặt nạ còn nhớp nhúa. Thấy thế, ông chủ tịch bảo:
- Lấy bìa bẻ hình tam giác làm mũi đi, phải dựng lên cho cao chứ cứ tịt như mũi bà thì còn khuya mới giống nhá!
- Vâng, tôi biết rồi. Ngữ tôi là đồ chạy chợ làm sao so với á hậu vợ sếp được. Giọng nói của bà phó chủ tịch thật dài như mỉa mai, như buồn tủi.
Ông chủ tịch vừa nói vừa lấy tay cắt bìa gập lại hình tam giác, lấy cái bấm bấm lại đặt vào giữa khuôn hình. Bà phó chủ tịch lấy cuộn băng keo dán vào cho chắc.
- Tuyệt thật! Cao chưa, khéo chưa, chỉ cần dán lớp giấy da nữa là y như thật.
- Ừ, ông khéo quá! Chắc ông tô mắt, kẻ môi đẹp hơn cả tôi ấy chứ.
Ông chủ tịch nhìn bà phó chủ tịch một giây rồi bảo:
-Khéo chửa! Đàn bà mà nói thế, không biết xấu hổ à?
Vốn thật thà, bà phó thừa nhận ngay:
- Xấu hổ gì mà xấu hổ, lam lũ quen rồi, tiền đâu mà trang điểm. Bác hộ em tí mà!

Lời ngọt ngào chân thật của bà phó làm ông chủ tịch lặng im. Họ cần mẫn làm việc khiến anh thấy mình bị thừa. Anh đi ra, sang phòng bên cạnh.
Các phòng tổ chức, tài vụ, giám đốc, phó giám đốc anh đều ghé vào nhưng khi có mặt anh mọi người lại ngừng tay. Bà phó phòng tổ chức còn đẩy anh ra và bảo:
-Cậu về phòng cậu làm đi chứ! Phải bí mật. Cậu đi các phòng biết tỏng tòng tong thì đến ngày lễ còn gì mà vui, mà bất ngờ nữa.

Anh vui vẻ cười và thanh minh là do mình không biết làm nên đi học tập thôi. Tuy vậy, anh vẫn phải về phòng. Bà phó phòng tổ chức nói đúng quá. Cái hay của lễ hội hóa trang là sự bất ngờ, không ai nhận ra ai. Anh đi, biết hết thì còn gì mà thú vị nữa. Mình quả là đồ ngốc mới đi dòm ngó tìm hiểu như vậy. Đợi đến ngày lễ. Tất nhiên mình tha hồ quan sát và thử đoán xem trí thông minh của mình ra sao. Vốn là người thích động não nên anh háo hức chờ đợi và tưởng tượng những gì sắp diễn ra. Anh không quan tâm đến việc làm mặt nạ nữa, mà hình như mọi người cũng quên sự có mặt của anh. Anh tranh thủ mua ít đồ Tết để vài hôm nữa nghỉ thì về luôn. Dù gì cũng là đứa đã đi làm, lương ít nhiều cũng phải mang quà về cho các cụ. Anh ra chợ Tết mua lung tung, quên cả ngày Tất niên của cơ quan mình. May sao hôm ra chợ gặp con bé kế toán nó nhắc, anh mới nhớ. Anh vội vàng mua cái mặt nạ hình Tôn Ngộ Không giá hai nghìn đồng. Ăn mặc tươm tất đến cơ quan.

Từ xa mấy dãy phố anh đã nghe tiếng nhạc vang dội. Chả là hai sáu Tết thì các quán hàng đã nghỉ bán ở phố mà chuyển lên Hội chợ. Dãy đường này mấy ngày nay vắng hoe, chỉ có cơ quan anh là hoạt động. Vả lại, cái đĩa nhạc tủ của cơ quan anh thì chạy đi đâu được. Tiếng nhạc như thúc giục anh đi mau hơn. Quãng năm mươi mét gần cơ quan anh đã chói lòa mắt vì đèn. Chao ôi! Anh đã nhiều lúc tự hào về nghề điện tay trái của mình mà hôm nay cũng phải bái phục. Thằng cha nào có đầu óc thật. Tuyệt! ánh sáng hài hòa, lộng lẫy hơn cả một sân khấu ca nhạc mà nhà nước tổ chức ấy chứ. Thế mới oách. Cơ quan đầu ngành mà. Chả gì chứ được ở cơ quan thế này là tự hào quá rồi. Anh thích nhất là chùm đèn nháy chạy dài uốn lượn như mái tóc của một thiếu nữ hiện
đại - đủ màu, lấp lóe, chỗ tối chỗ sáng.

Anh dựng xe và đến gần hơn chiêm ngưỡng. Quả là người tổ chức đầy kinh nghiệm. Dưới một quả cầu phát sáng nhấp nhóa là một dãy bàn trên đó là một ổ bánh kem năm tầng, một mâm to đặt con heo quay đang ngóc đầu ngóc đuôi thật đáng sợ và cả một mâm bánh mỳ, một mâm rau... Thế mà anh tưởng không ăn gì. Bên ngoài tám mâm lớn ấy được bao bọc bởi các thứ nước uống từ rượu đến bia, đến các loại nước ngọt - Nhìn mà thích mắt.

Loay hoay, chiêm ngưỡng, gật gù, anh bị người bảo vệ kêu:
- Giúp tớ một tý, cậu đến sớm thế?
Anh cười:
- Ừ, làm gì nào? Mà sao cậu chưa thay trang phục?
- Tý nữa, để mình làm cho xong phận sự rồi thay, còn mang đồ hóa trang ra dựng ghế thì bọn nó biết tỏng còn gì.

Anh gật gù, ngắm bộ trang phục của anh và chiếc mặt nạ cầm ở tay, người bảo vệ vừa đi vừa nói:
- Giúp tớ xếp nốt chỗ bàn ghế ở vòng ngoài, để giữa một khoảng trống mà nhảy. Và anh ta tiếp: “À sao cậu lại đeo mặt nạ Tôn Ngộ Không?”
Chẳng lẽ nói mình vụng, hay quên, anh chống chế:
- Tớ thích!
- Thích à? Thế sao quần áo lại là sơ mi hở?
Phải mặc cho đồng bộ chứ! Như cậu thì hóa trang làm gì-Nhìn cái biết liền.
- Ừ, mình chưa có kinh nghiệm.

Anh giúp người bảo vệ dọn dẹp xong xuôi cũng gần đến lúc khai mạc, thấy mình cọc cạch quá, anh chọn một chỗ khuất để tham gia buổi lễ Tất niên này. Anh lục soát điều có ai đã từng nói là niềm hạnh phúc lớn nhất là được thấy niềm hạnh phúc của người khác, và anh thấy vui khi được tận hưởng niềm vui có một không hai này.

Tiếng nhạc, ánh đèn, hơi men làm tất cả phấn khích. Sau lời khai cuộc của ông giám đốc, Lễ hội bắt đầu. Hình như mọi người chỉ chờ có thế. Đèn nhấp nhem, mọi người kẻ thì đi thay đồ, kẻ đã mặc đồ sẵn thì đeo mặt nạ hay mũ, hay bất cứ cái gì mà họ đã chuẩn bị... Đèn chiếu sáng đã bị tắt, chỉ còn đèn mờ. Đẹp huyền diệu
đến liêu trai, tiếng nhạc đưa từng bước chân dìu nhau ngây ngất.

Phải đến mười phút anh mới hết cảm xúc bâng khuâng để nhớ niềm vui của mình.

Dĩ nhiên, người đầu tiên mà anh nhìn là anh chàng gác cổng. Nếu không biết trước thì chắc chắn anh không thể nhận ra nổi. Cái áo choàng phủ từ đầu đến chân trông vừa vặn làm sao. Cái mặt nạ nữa chứ. Ai vẽ mà khéo thế, nhìn thật trí tuệ, thật uyên bác, lại còn một cặp kính và chiếc mũ trên đầu nữa kìa, sợi dây tua ngúng ngẩy thật là đáng yêu! Anh vừa nhìn vừa thán phục. Con người! Quả là con người kỳ diệu nhất trong các loài động vật kỳ diệu!

Mắt anh tìm tiếp cặp ông bà chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn trong vai giám đốc và phu nhân. Chà! Tiến bộ thật! So với hôm thử thì hôm nay khác xa. Phông độ hơn nhiều, tự tin hơn nhiều, còn bà phó đúng là một á hậu chính hiệu. Cái váy hở cổ thật gợi tình, một sợi dây chuyền sáng quắc giữa đêm tối và đôi bàn tay thô thiển của bà được bọc bởi hai găng tay da cách điệu. Sành quá! Nhưng đẹp nhất là khuôn mặt, thật sống động, quyến rũ và gợi cảm. Anh nhủ thầm: nếu thật sự ở ngoài đời có những người như thế thì anh sẽ yêu ngay! Ba người anh biết nên nhận ra liền, còn nhiều người anh chưa biết, anh cần có thời gian quan sát kỹ hơn. Do đèn không sáng lắm, vả lại mọi người từ đầu đến chân đều bịt bùng trong trang phục, đã thế họ cứ quay cuồng theo điệu nhạc nên anh chẳng thể khám phá ai là ai.

Bỗng có tiếng kêu “ối!” vang lên, có tiếng cười hòa theo. Chắc ai giẫm phải chân ai đó. Mắt anh hướng về phía phát ra tiếng kêu, chất giọng anh chưa nhận ra, nhưng anh chợt nhận ra người trong bộ hóa trang “thiên thần” là cô y tá trong cơ quan. Chả là mười hôm trước anh ghé xin thuốc, anh biết cô nấu nước sôi và bị bỏng phải băng chân lại. Giờ cô mặc cái váy trắng, lớp dưới hơi mỏng nên có thể nhìn xuyên qua được thấy có cái chân bên trong đang băng bó. Anh nhìn xuống đôi giày trắng cô mang. Không biết nên tội nghiệp cô hay tội nghiệp đôi giày vì thịt cứ ứ ra, đôi giày như muốn đứt. Anh cười và nói một mình - Đúng là ăn chơi chịu đựng! Anh thử nhìn mặt nạ của cô xem sao. Qủa thật rất dễ thương. Một thiên thần đáng yêu và trên môi một nụ cười khả ái. Cô gái loay hoay không yên khiến anh để ý. Hóa ra là có một bàn tay đang ôm lấy eo cô. Chắc bực mình thì khiếm nhã nên cô cựa quậy để bàn tay kia buông ra. Ánh sáng từ chiếc nhẫn phát quang làm anh nhận ra đó là ông giám đốc. Anh để ý cái nhẫn trên tay ông ngay từ hôm mới đến xin việc. Ngồi trước bàn giấy, đôi tay ông cầm hồ sơ của anh và chiếc nhẫn ấy như chọc vào con ngươi của anh vậy. Hôm sau đó, anh tò mò hỏi, mấy người bạn bảo: “Hột xoàn đấy!”. Anh nhìn trang phục của người có chiếc nhẫn hột xoàn, nhìn mãi mà chẳng thể nhận ra là gì. Vải cũng không phải mà giấy cũng không phải, kiểu cách
này anh chưa từng biết trong các lễ hội mà anh đã từng xem ở tivi.

Giật mình vì có một bàn tay đặt lên vai, anh quay lại. Tiếng cười khúc khích vang lên. Chắc chắn là một cô gái. Anh nhìn: Cô gái ấy trong trang phục phù thủy, tay cầm cái chổi, bàn tay có những ngón dài thon nhỏ. À, cô thư ký. Anh hơi ngạc nhiên vì chỗ của cô không phải là đây mà ở bên giám đốc, nên anh đùa:

- Sao bỏ sếp một mình thế kia?
Biết là anh đã đoán ra, cô bỏ cây chổi và chiếc mặt nạ, ngồi xuống cạnh anh. Không biết vì ánh đèn hay vì không khí của bữa tiệc, hay vì được nhìn thật gần mà anh thấy cô bé hôm nay xinh quá. Anh buột miệng:
- Cầu trời trên thế gian này có nhiều phù thủy như cô!

Như hiểu hàm ý của lời khen hay ánh mắt si tình của anh mà cô bé bĩu môi và nguýt anh một cái rõ dài. Thấy thân thiện, anh mới dám hỏi:
- Vậy, ông sếp của em mặc bộ đồ gì vậy?
Cô bé xoay lại nhìn anh, tiếng thì thào như đầy bí mật.
- Đó là hàng độc đấy, hai vé nhé!
- Cô nói gì tôi chưa hiểu - Anh trả lời rất thật.
Chắc nghe thấy cái giọng rất dại đời của anh, cô giải thích:
- Môđen mới hóa trang chính khách đấy. Đặt ở Sing, hai trăm đô đấy!
- Thật á! Anh ngạc nhiên trố mắt, cô gái cuống cuồng lấy tay bịt miệng anh lại:
- Im, khẽ nào! Đúng là đồ ngốc xì!

Anh im vì bị chê là ngốc và cũng chẳng biết nói gì. Trong óc chỉ có mỗi một sự so sánh cái mặt nạ của mình hai ngàn mà bộ hóa trang kia hai trăm đô. Quả là người nào của ấy!

Thấy anh trầm ngâm, cô bé sợ mình lỡ lời nên tìm cách làm anh khuây khỏa. Cô chỉ cho anh những người mà cô biết. Có lẽ cô khoái nhất là bà thủ quỹ nên giọng cô say sưa lạ kỳ:

- Anh thấy không, bà ấy bữa nay “nghèo” hết biết-Như gái hai mươi- Cười tươi thật-Đứa nào tìm cho bà ấy cái mặt nạ hợp với người đấy chứ-Mấy người quắt queo thì dáng chẳng già, cứ mãi như con gái- Giá như ông chồng bà ấy tử tế một chút thì bà ấy chẳng đến nỗi nào-Nhờ có lễ hội này mà dễ đến chục năm nay em mới thấy trên cổ bà ta là một nụ cười. Anh thấy chưa, vợ chồng ông tài nữa...

Cô cứ nói liến thoắng, anh thấy đầu đầy ắp nên chẳng biết chứa thêm gì. Anh chỉ hiểu một điều: nhờ có lễ hội này mà con người ta được thỏa nguyện -Dù thật là bi kịch. Mọi người còn say trong tiếng nhạc. Anh ra về và thấy mình đơn lẻ. Trước thềm năm mới rồi, hạnh phúc biết bao khi được nương náu dưới mái nhà.

Sau gần một tuần nghỉ Tết, người đẫy ra, anh đến cơ quan. Dắt xe vào, người gác cổng giữ anh lại hỏi giấy tờ. Anh ngạc nhiên và nói mãi để cho người gác cổng hiểu rằng anh là nhân viên cơ quan. Anh đi vào nhà để xe. Rồi ra nhìn lại người gác cổng mới. Đó là một thương binh, đứng tuổi, mặc bộ quân phục cũ. Có lẽ ngãng tai nên ban nãy anh nói mãi mà bác ta chẳng hiểu gì. Đầu năm thật xui xẻo! Anh nghĩ và bước vội về hội trường. Bao giờ ngày đầu tiên đi làm cũng là ngày cơ quan họp mặt - Trưởng phòng của anh đã nói thế. Tiếng cười nói, tiếng hát vang ra từ căn phòng họp. Anh chậm rãi khẽ mở cánh cửa. Sững sờ, trước mắt anh là những người trong cơ quan đang mang những mặt nạ của lễ hội hôm trước.

Anh lấy tay giụi mắt. Không! Anh nhận ra rằng- Họ rất thích những trang phục ấy. Anh chạy vội ra cổng. Chỉ còn một người anh có thể hỏi là bác gác cổng. Anh thều thào như gặp ma:

- Bác ơi, cho tôi hỏi, anh gác cổng cũ đâu rồi?
- Anh ấy lên làm trợ lý giám đốc. Người gác cổng trả lời bình thường.
- Còn bác? Anh hỏi người gác cổng vội vàng.
- Tôi là bộ đội phục viên được nhận về làm bảo vệ.
- Thế còn...Thế còn...ông giám đốc?
- Ông ấy đã được điều lên Bộ!

Anh ngớ người, chả biết nói gì. Bất giác nhìn xuống. Trong tay anh là cái mặt nạ Tôn Ngộ Không anh mua trước Tết.

H.D
(202/12-05)

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Hương Bát Nhã (13/04/2009)
Mạ chồng tôi (13/04/2009)
Bà phó giám (13/04/2009)