Chiều hôm trước, một cô gái tìm đến cơ quan tôi, đưa một lá thư mỏng trong lúc tôi dắt xe đạp ra ngòai cổng, chuẩn bị phóc lên về “ăn cơm” nhà, chứ không thèm “ăn phở” tôi thường nói vui với anh chị em trong cơ quan như vậy. Bạn tôi viết có mấy dòng, vừa thân mật vừa kính trọng quá mức mời tôi đến nhà chơi, có một việc anh nhờ tôi giúp đỡ, và nếu được tôi nhận lời, anh sẽ “Vô cùng hân hạnh và cám ơn!”. Tôi nhìn co bé đưa thư, ngờ ngợ: - Cháu là ai? Cô bé che mồm, tủm tỉm trả lời: - Chú không nhận ra cháu à? Cháu là Chiêm đây. Tôi tròn mắt: - À... à nhớ ra rồi. Cháu là “Chiêm he” đấy ư? Ôi chao lớn ngần này rồi cơ à? Thế ba mẹ cháu lâu nay khỏe không? Vẫn đi dạy đấy chứ? Cô bé rinh rích cười một cách thích thú, đôi má bừng đỏ: - Thưa vâng, cháu chính là con “Chiêm he” đây! Cảm ơn chú đã hỏi thăm, ba mẹ cháu vẫn là nhà giáo ở trường cũ. Năm rồi, ba cháu đi Pháp, mới về tháng trước. Ba cháu bảo thưa với chú, chừng nào chú có thể đến chơi nhà cháu ạ? Tôi ngần ngừ giây lát, trong đầu lướt qua rất nhanh vài ba câu hỏi - Cháu đợi chú một lát! Tôi kê đầu gối ghi luôn mấy chữ vào phong bì trả lời bạn, xin lỗi về sự thiếu lịch sự này vì đang vội, lại giữa đường, hẹn gặp vào sáng ngày kia. Cô bé đón chiếc phong bì, liếc đọc, mừng rỡ lễ phép chào, quay lưng. Chiếc Dream 2 sáng loáng, mới tinh của cô bé vừa khuất, tôi bỗng thấy mình đã hơi vội vàng nhận lời mời. Lâu nay trong xã hội, những cuộc gặp gỡ mời chào kiểu thế này thường diễn ra đây đó: đằng sau chén rượu là cả một câu chuyện khác, vấn đề khác, và tình nghĩa bạn bè trở nên một cái gì nhờ nhờ như nước gạo. Đó là điều chẳng vui vẻ gì, tôi thường gọi một cách hài hước pha chút chua chát là: “nỗi buồn thời đại”. Dĩ nhiên đó chẳng qua là ý nghĩ chốc lát, chả lấy gì làm đúng, có khi còn hơi cố chấp nữa! Thời buổi kinh tế thị trường mà! Chả ai chỉ sống bằng mơ mộng! Cũng chẳng có gì đáng trách lắm nếu như người ta thực tế một chút, tính toán một chút... Bạn tôi có thể cũng vậy thôi! Tôi chậc lưỡi, tự mắng thầm mình quả cả nghĩ. Tôi với bố mẹ cô bé Chiêm vốn quen biết nhau từ hồi còn trẻ. Mười mấy năm trước, chúng tôi còn là đồng nghiệp ở một trường cấp 3 của một huyện gần sát thành phố. Bây giờ cô bé Chiêm mới ba bốn tuổi gì đó, suốt ngày theo bọn trẻ con lội ruộng lội đìa, mái tóc ngắn cũn như đuôi chuột he he đỏ, khét lẹt mùi nắng gió ngoại ô... Thôi được rồi! Tôi sực nhớ, tôi cũng đang cần tìm người dịch hộ một bản tài liệu tiếng Pháp mà tôi chưa có bản gốc, có khi tủ sách của anh bạn nhà giáo ngoại ngữ này lại giúp tôi được việc! Vả lại, hừ... nghề của tôi, cái nghề múa bút bôi bẩn giấy này, ai mà nhờ vả, chấm mút được cái gì! Bạn tôi đón tôi từ ngoài đường cái. Đây là một xóm ngoại thành nằm dọc con đường rải cấp phối, cứ mỗi mùa mưa nước xói thoải mái, chẳng có cống rãnh thoát nước gì cả, để trơ ra đá lớn đá nhỏ lổn cổn, đi bộ còn khó, đừng nói chi đến xe máy, ô tô. Vậy mà lạ thay, giờ đây đoạn đường từ ngoài vào xóm đã rải nhựa, rộng rãi, phẳng lì, dẫn vào tận một tòa nhà lộng lẫy nơi ngã ba, đứng xa vẫn nhìn rõ mồn một. Lâu nay không gặp nhau, tôi thấy bạn dạo này khá hẳn. Vẫn là cái nhà năm nọ nhưng đã xây tường, cổng, sân láng, có giếng, ao... Cây cối trong mảnh vườn nhỏ nom cũng không đến nỗi khó chịu. Nhà bày biện đơn sơ, giản dị làm tôi thực sự kinh ngạc. Mới xuất ngoại, đi Tây mà thế này ư? Một bộ xa- lông gỗ, tủ, bàn ghế, giường nằm... đều là loại tầm tầm, chiếc ti vi 14 inches cũng là hàng nội địa. Duy chỉ có cái giá sách là đồ sộ, gần choán hết cả gian nhà trong. Bạn tôi kể vừa đi tu nghiệp ở Pháp về, nói thì người ta cho là giấu giếm hoặc là đạo đức giả chứ thật ra của cải mang về chủ yếu là sách. dĩ nhiên hơn hai năm ở bên đó, dành dụm, dè xẻn, cũng mua sắm được vài ba thứ đáng giá, tỉ như chiếc “Giấc mơ” cô bé Chiêm vừa đi kia... Nhìn quang cảnh nhà cửa và thái độ của vợ chồng bạn, tôi xiết bao thanh thản. Không thấy có nét, hợm của, hãnh tiến, khoe khoang mà tôi đã từng thấy ở một số người khác, tiếc thay trong số đó có vài ba người thân quen của chúng tôi thuở còn “hàn vi”! Loại trừ bọn tham nhũng, buôn lậu, lừa đảo... lâu nay tôi thấy nhiều cán bộ ăn đồng lương nhà nước giàu lên một cách lạ lùng, đáng thắc mắc. Vậy là bạn toio không thuộc các loại trên! Tôi thật sự bình yên khi ngồi bên mâm rượu phải nói là khá thịnh soạn do vợ bạn mang lên từ bếp. Cả nhà ngồi vào, rõ là bữa cơm gia đình thân tình, đằng sau nó không có cái gì khác. Có chăng là vấn đề do bạn tôi đặt ra: Hiện anh mua từ Pháp nhiều sách quí. Đã có ý định từ lâu, về nước, ngoài việc dạy ở trường đại học, anh sẽ tập dịch các tác phẩm văn học. Anh đề nghị tôi cùng cộng tác, sau khi anh làm xong bản dịch nghĩa, tôi sẽ rà soát lại, sửa sang câu cú văn chương, qua đó, anh sẽ am tường hơn về văn chương nghệ thuật, còn tôi sẽ được bồi bổ thêm vốn liếng ngoại ngữ của mình. Tôi tự thấy công việc quá sức mình nhưng từ chối lòng tin cậy của bạn thì không nỡ... Cơm nước xong, chúng tôi mang ghế ra ngồi ở giàn hoa giấy sau vườn, chuyện trò, hóng gió nồm từ bên kia sông thổi chéo sang. Tôi nhìn ngôi nhà to lớn. Nhà ba tầng, xây theo kiểu nửa tây nửa tàu, tầng thượng một nửa dùng làm sân trên cao, ở đó đặt có đến vài ba chục chậu cây kiểng, nửa khác là một căn phòng nhỏ trồi lên như chiếc chuồng cu, dám chắc là “lầu ngắm trăng” của riêng ông chủ bà chủ. Thoáng trông dáng vẻ của ngôi nhà, tôi bất giác thở dài. Loại nhà tương tự như thế này của các ông chủ “trưởng giả học làm sang” lâu nay trng ngoài thành phố mọc lên không thể nói là ít. Bạn tôi nhếch mép đầy ý nghĩa: - Thôi anh, chủ ú làm chi cho mệt. Họ “dày tiền” nhưng “thưa chữ”.! Tôi hỏi mà chưa hẳn đồng tình với sự “vơ đũa cả nắm” của anh bạn: - Nhà ai đó? - Một ông to! - Ông nào - Giám đốc một công ty lớn. - Giám đốc bây giờ nhiều, nói như các bà ở chợ Đông Ba, có thể lấy thúng mà đong, có chi mà to! Bạn tôi cười khà khà: - Nếu anh không muốn gọi thế thì gọi như người đời vẫn gọi: một vị có chức có quyền! Cố nhiên, chúng tôi rất tôn trọng cái chức quyền đúng đắn và cần thiết mà xã hội đặt ra. Miễn sao con người có chức quyền đó thủy chung vẫn là con người chân chính, phải không? Tôi gật đầu. Hỏi tiếp: - Giàu chứ? Mới phất hay đã lâu? - Bự, anh thấy đấy! Mới phất vài bốn năm nay thôi, chứ không phải của chìm của nổi của cha mẹ ông bà để lại. Này này, anh nhìn kìa...! Tôi nhìn theo tay chỉ của bạn. Từ trong ngôi nhà nọ, hai con chó bẹc- giê cao lớn tồng ngồng đi ra, mỗi con được buộc một cái xích sắt dài đến mức chúng có thể kéo lê loảng xoảng qua sân qua cổng. Chúng vừa đi vừa sủa ồng ồng, hách dịch, tiếng sủa như có hơi loa đồng. Trẻ con, rồi cả bọn nam nữ choai choai bỗng chốc từ đâu vây lại, nói cười, chỉ trỏ, bình phẩm về cái sự to cao béo tốt của hai con chó bẹc- giê. Thấy hay hay, tôi ra đường đến gần xem. Bây giờ tôi mới có dịp nhìn kỹ bạc- giê. Mầu lông của chúng vàng hung pha trắng, đen từng vạt lốm đốm như cái chăn dù thám báo Mỹ. Nom tướng mạo chúng rất dữ tợn, có lẽ dữ nhất là cái lưỡi to, dài, cứ lè vô lè ra, rung rinh như đang nhập đồng. Trước nay chỉ nhìn kỹ cái lưỡi của bẹc- giê, tôi nghĩ nó có đớp ngày mấy ký thịt cũng không phải là điều nghi ngờ. Vừa lúc đó một người đàn ông dong trâu vác cày đi tới. Anh ta còn trẻ lắm, khoảng dưới ba mươi, gầy gò, da mặt men mét tái, mặc bộ quần áo bộ đội xanh nâu đã cũ, đầu trần. Anh bước thong thả, có phần hơi lờ đờ. Dễ dàng nhận thấy đó là một anh bộ đội xuất ngũ. Khi còn cách tôi độ dăm bước, tôi nhác thấy một vết sẹo dài bằng ngón tay ở cổ bân trái chạy xiết lên má anh. Bỗng dưng, con trâu quay phắt lại, lồng kên, nhảy đại, tôi cả cái chạc mũi trong tay chủ, sềnh sệch kéo. Anh thương binh nhanh như cắt đặt cày xuống, tay trái vẫn không rời cái chạc, kìm giữ đầu chạc bây giờ đã căng hết cỡ. Đang lừ đừ như con mèo nhà, thoắt chốc biến thành con báo rừng, anh phóng tới. Vút cái, anh đã kịp chặn đầu con trâu lồng sắp nhảy bừa xuống mảnh ruộng lúa xuân đang ngận đòng bên đường. bằng một động tác cực kỳ khéo léo tôi chưa kịp nhận ra, anh bớp được một bên trán trâu, đè nhúi nó xuống. Con trâu chịu phép, dừng lại. Anh thương binh chẳng nói chẳng rằng, thản nhiên vỗ nhẹ vào mông trâu một cái, dắt trở lại nơi đặt cày. Tôi giãn ra nhường đường cho anh. Bọn thanh thiếu niên không biết tự khi nào, bỏ nhóm chó bẹc- giê đằng kia , bu lại đằng này. Con trâu không còn sợ nữa, ngoan ngoãn bước đi. Lúc ngang qua đám đông, nó còn ngước cái mặt non tơ mới vực của nó lên nhìn, tuồng như để nhận diện chúng tôi đang đứng đó là hạng người nào. Tôi lẳng lặng nhìn theo người thương binh trẻ. Dám chắc trước khi bị mảnh bom xiết vào nơi cổ má, anh là một thanh niên đẹp trai. Và nếu tôi đoán không nhầm thì anh hẳn là một thanh niên đẹp trai. Và nếu tôi đoán không nhầm thì anh hẳn là một chiến sĩ đặc công hoặc trinh sát tầm cỡ. Cái động tác bắt ghìm trâu kỳ lạ và dũng mảnh của anh diễn ra chớp nhoáng vừa rồi chỉ có thể có ở những người mà các cụ ta thường nói là “võ nghệ cao cường”. Anh nhìn đám thanh thiếu niên, đột ngột quát to một tràng: - Bọn bây vô công rồi nghề hử? Không xông vô giúp tau một tay trị con trâu lồng thì thôi, lại còn nhe răng ra cười! Bọn bây tụ tập làm chi ở đây? À à coi chó à? Ba con chó, chó tây chó ta gì cũng là chó, có chi mà coi, hả? Thôi, giải tán! Về ai làm việc ấy, không tau quất cho mỗi đứa một roi bây giờ! Bọn thanh thiếu niên ré lên cười, chạy tóe ra. Anh thương binh cũng cười xòa, dong trâu đi khuất. Má tôi tự nhiên bỏng rát như vừa bị một cái tát. Rõ ràng, anh thương binh nọ đâu có mắng tôi, và cũng rõ ràng anh đâu có ám chỉ ai, ám chỉ cái gì, nét mặt cười cười có phần âu yếm của anh khi quát bọn trẻ mà chác anh rất yêu chúng, bằng cái giọng vừa bực bội vừa độ lượng của người anh cả, đã nói lên điều đó... Tôi trở vào dưới cái dàn hoa giấy. Bạn tôi nãy giờ vào trong nhà làm gì đấy đã trở ra pha một phin cà phê, ngồi sẵn chờ tôi. Dường như những gì vừa xẩy ra, anh đều tỏ tường, kể cả những ý nghĩ trong đầu tôi. Anh cười hơi buồn: - Bọn mình là biết vậy, chả làm được cái trò gì đâu! - Ai? Anh bảo sao? - Thì đấy! Đối với các nhân vật anh vừa trực tiếp hoặc gián tiếp gặp đấy! - Anh ta làm gì, con cái nhà ai? - Ở bộ đội về đã mấy năm nay! Con trai của vị giám đốc nhà bự kia! Tôi suýt kêu to lên: - Ua! Chắc... chắc là... Sao không thấy anh ta vào nhà, lại đi ngược trở lại? Bạn tôi thong thả chuyển cà phê từ ly sang chén, đẩy đến trước mặt tôi một cốc đặc sánh những giọt dầu cùng lọ đường, nhấn nha: - Anh tự cho đường để hợp khẩu vị. Tôi vẫn còn nhớ cái cách uống cà phê của anh. Tôi cười, gật đầu cám ơn, rồi không giấu được vẻ tỏ mò nôn nóng: - Nào, anh kể đi! - Ờ thì kể. Chuyện dài và khá éo le. Hắn ta là học trò cũ của bà xã tôi, học rất giỏi nhưng thi rớt đại học, liền vào bộ đội, bốn năm sau mới xuất ngũ. Bị thương trong một trận chống phỉ ở Tây Nguyên. Bây giờ bố hắn đã phất, xây xong cái tòa nhà nọ. Nghe đâu còn nhiều vốn rải ra cho con cháu mở nhà hàng, công ty trách nhiệm hữu hạn vô hạn gì đó nữa. Ở nhà đâu được vài tuần, nghe bà con ở gần nói, bố con hắn cãi nhau ghê lắm. Một hôm hắn mang ba lô ra khỏi nhà, ở riêng. Tự làm lấy một túp lều ở gần bờ sông, chỗ đất của ông nội hắn để lại... Trong khi nhà bố hắn vắng tanh vắng lặng, thì giờ đây nhà hắn lúc nào cũng đầy người nom như một trang trại... - Bố con anh ta cãi nhau chuyện gì? - Thì cũng... chúng ta tự đoán được. Lương thiện hay ác hiểm, đúng đắn hay lừa đảo, chân chính hay phi pháp... đạo loại như vậy. Từ chối mọi sự cưu mang của bố hắn, hắn quyết chí tự mình xây dựng cho mình. Không lâu sau, từ hai bàn tay trắng, hắn đã tạo ra một cơ ngơi có thể gọi là giàu. Trồng cây vườn đồi, nuôi bò, nuôi cá, nuôi vịt... Kinh doanh VAC như người ta thường gọi. Nhà hắn bây giờ vừa giống như một nông trang vừa giống như một cơ xưởng... Tôi nghĩ bụng: “À, hắn đối thoại bằng cách ấy với bố hắn! Giỏi!”. Cô bé Chiêm ăn cơm xong vừa đi đâu về. Theo sau là một thanh niên ăn mặc rất đúng mốt: quần Jean xám, áo sơ mi cộc tay kẻ ca- rô màu mận chín. Tôi ngớ người nhận ra anh thương binh ban nãy ngoài đường. Hai cô cậu tươi cười chào hỏi chúng tôi rồi xin phép vào nhà trong. Tôi hếch cằm hỏi bạn. Bạn tôi trầm ngâm hồi lâu, ý chừng khó nói hoặc không muốn nói. Sau rồi thì anh cũng thổ lộ, nhìn thái độ anh tôi cũng biết anh muốn trao đổi ý kiến cùng tôi. - Chúng nó yêu nhau! Thật hết biết thanh niên chúng nó bây giờ nghĩ ngợi như thế nào! - Chúng nó yêu nhau không được sao? Cậu thương binh trẻ ấy tốt quá đi chứ! Có gì ngăn trở chăng? - Ngăn trở thì không, nhưng trở ngại thì có. Tôi chính là trở ngại đó! - Sao? Sao? - Tôi làm sao mà đi thông gia với cái vị nuôi bẹc- giê ấy được! Mặt mũi nào, đó là chưa nói bạn bè đồng nghiệp tôi cười tôi thối óc đấy chứ! Mặc dù, thằng con vị ấy có thể khác, và khác thật! - Đấy đấy! Anh đã tự xóa được cái mà anh gọi là khó khăn trở ngại rồi đấy. Chúng nó lấy nhau chứ có phải anh đâu! - Cũng còn xem đã. Khổ thế, tôi không bằng lòng, không đồng ý, nhưng lại không thể cấm đoán con gái mình được. Và cũng không thể nói toạc móng heo với cậu con trai kia được! À theo anh thì sao? Chúng nó lấy nhau thật chứ? - Thế anh nghĩ chúng nó yêu nhau chơi thôi à? Là cái mốt của thời buổi bây giờ thôi à? - Thật lòng tôi mong như vậy. Tôi mong cái điều mà xưa nay tôi vốn phản đối sẽ xảy ra. - Vì sao? - Tôi tin thằng có thể là rể tương lai đó. Người như hắn không thể thay lòng đổi dạ. Nhưng lại chưa tin chính đứa con gái mình! Chị vợ bạn tôi bỗng trong nhà bước ra: - Còn tôi, tôi lại tin con gái tôi và chưa tin lắm cậu học trò cũ, Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Giờ thì tốt thế, biết đâu sau này lấy con mình xong, nó quay một trăm tám mươi độ...! - Cũng khá rắc rối đấy. Nhưng này anh chị ơi! Chuyện gì phải đến, ắt nó sẽ đến! Cứ kệ chúng nó. Chúng nó đã là người lớn, khắc biết thế nào phải trái, nên hay không nên. Tôi tạm biệt vợ chồng bạn bè ra về khi chiều đã sậm. vừa guồng đạp vừa ngẫm nghĩ chuyện đời. Cuộc sống cứ xoay vần, ái mà có thể biết được, lường được những gì sẽ diễn ra và diễn ra như thế nào. Nhưng chắc chắn những điều tốt đẹp- dù nhỏ bé vẫn cứ nảy sinh hàng ngày và rất cần được con người nâng niu coi trọng. Như những lá cỏ non dưới làn mưa bụi trên đường ngoại thành đây. Cốt là những gót giầy, những bánh xe... đừng có dẫm đạp lên chúng, dù là vô tình... Có tiếng còi xin đường đằng sau. Một chiếc xe máy vút lên. Ra là cô cậu! Anh con trai vừa lái xe vừa quay đầu chào tôi, còn cô gái thì ríu rít: - Chúng cháu xin lỗi chsu vì không dừng lại. Chúng cháu phải đến lớp ngoại ngữ cho kịp giờ. Hôm nào rỗi, chú lại đến chơi với ba mẹ cháu nhé! Gió thổi phất phơ tà áo của cô gái như cánh tay ai đang vẫy gọi. Hoàng hôn ngoại thành thật đẹp và thật lạ. Có một vẻ gì đó mơ hồ, giục giã, cứ buộc người ta vương vấn mãi không thôi với những đan cài của dự cảm bộn bề, nửa hồi hộp nửa bình yên .
HỒNG NHU (nguồn: TCSH số 146 - 04 - 2001) |