Truyện ngắn
Họ đi qua vườn Luých-xăm-bua
08:49 | 04/05/2009
KHẢI NGUYÊN Pa-ri, mùa hạ năm 198...Vườn Bách thảo giữa thành phố kề sông Xen phía tả ngạn. Ông đến đây như một kẻ lánh đời, sợ nơi đông người. Thật ra, phần lớn đường phố Pa-ri trong giờ làm việc không ồn, không thừa thãi người đi nhong như ở Việt Nam. Em ông ở quê ra Hà Nội chơi đứng ngắm dòng người và xe nườm nượp qua lại cứ tự hỏi: những con người này đi đâu, về đâu mà tuôn mãi như là chẳng ai về nhà cả, như là cái "nghiệp" trời đày phải đi.
Họ đi qua vườn Luých-xăm-bua

Ở Pa-ri có nhiều nơi rất vắng, rất tĩnh, nhưng theo lời một Việt kiều mách ông đã đến đây. Ông đang đứng trước tượng Béc-na-đanh đơ Xanh Pi-e cạnh tượng Pôn và Viếc-gi-ni cùng con chó dưới tán những cây pla-tan- cây tiêu huyền như có người đã dịch, loại cây thường được trồng dọc các đường phố ở Pháp và những cây chuối.

- Tiếc rằng đây chẳng phải là đảo Mô-ri-xơ.

Ông quay nhìn. Một bà già Pháp nhỏ người đi qua thân thiện nói, muốn bắt chuyện. Những người già cả ở phương Tây thường sống cô độc nên mong có người để chuyện trò. Ông chẳng phải đang lúc hứng trò chuyện song phần vì phép lịch sự, phần cũng thấy không nên bỏ qua dịp tìm hiểu nơi đất khách. Giữa những người xa lạ lại chẳng cần phải giữ kẽ.

- Tôi sinh ra tại Sài Gòn, sống ở Việt Nam lâu, cả ở Trung Quốc. Tôi làm thầy thuốc. Việt Nam nóng, tôi cũng quen được. Tôi không thích Đà Lạt, đẹp đấy nhưng không có màu sắc Việt Nam. Tôi thích Nha Trang. Nghe nói thành phố này bị người Mỹ san bằng phải không? Không à, may quá! Ông thấy Pa-ri thế nào? Cảm ơn. Không, người Pháp chúng tôi chẳng ai nghĩ như vậy cả, chẳng một ai nói biết ơn Pê-tanh đã đầu hàng bọn Đức để giữ cho Pa-ri nguyên vẹn cả. Người Việt Nam các ông hỏi chúng tôi câu ấy thì quả là lạ. Các ông có chịu cúi đầu trước bọn Mỹ để giữ nguyên Hà Nội không? Hồ Chí Minh có nói một câu nổi tiếng về chuyện này mà. Tôi ngưỡng mộ ông Hồ. Chốn này vắng lắm, du khách ít ai đến đây. Ông đến vườn Luých-xăm-bua chưa?

Cái vườn trong những trang văn tuyệt đẹp của A-na-tôn Phơ-răng-xơ từng nằm trong trí tưởng tượng của mình suốt thời học trò. Mình bước vào cổng vườn hồi hộp cái cảm xúc của kẻ hành hương lần đầu đặt chân vào cổng thánh địa hằng mơ ước. Vườn kiểu Pháp, bãi cỏ kiểu Anh, nhiều pho tượng giữa các rặng cây, một cái hồ nhỏ chính giữa viền lối đi rải sỏi khá rộng. Đâu là con đường đi học của cậu bé của A-na-tôn Phơ-răng-xơ, hai tay đút túi, cặp sách đeo sau lưng, băng qua vườn nhảy nhót như con chim sẻ? Ở đâu những chiếc lá vàng run rẩy trên cây, và rụng từng chiếc từng chiếc trên vai trắng của các pho tượng? Tiếc rằng không phải mùa tựu học dưới "bầu trời xao xuyến mùa thu", không phải "những ngày tháng Mười đượm buồn mà đẹp hơn bao giờ hết".

Đang là mùa hạ Pa-ri. Nắng chiều hôm ấy không rực rỡ, không oi, hơi nồng. Có nhiều người ngồi chơi hoặc đi dạo, đông khách du ngoại quốc. Dân Pa-ri, không chỉ dân Pa-ri, hè đến thường ra nhà nghỉ riêng của họ ở ngoại thành, ở các vùng quê, nếu không đi nghỉ mát nơi vùng núi hay bờ biển, chỉ những người bận công chuyện hay túi tiền eo hẹp mới ở lại.

Chân ông đang đặt bước trong vườn Luých-xăm-bua đích thực mà tâm trí ông lại về với một vườn Luých-xăm-bua khác.

Chàng từng "dạo trong vườn Luých-xăm-bua" mấy chục năm về trước cùng nàng trong vườn cây một trường trung học ở Việt Nam. Cả hai đều học giỏi, chàng thiên về toán, nàng thiên về văn. Cả hai đều thích A-na-tôn Phơ-răng-xơ, đều có thể đọc thuộc lòng đoạn văn nhớ ngày khai trường nguyên văn Pháp ngữ của ông. Vậy mà có lần họ đã giận nhau vì chính cái ông nhà văn này. Bữa nọ, nàng bảo: "Các thế hệ học sinh cảm ơn A-na-tôn Phơ-răng-xơ đã gợi cho họ mang những kỷ niệm hè kỳ diệu đến với ngày khai trường". Hẳn nàng muốn nói tới những trò nghỉ hè thú vị chẳng kém các trò cưỡi ngựa dạo núi miền Ô-véc-nhơ hoặc đi săn trong rừng E-glơ mà nhà văn Pháp đã nhắc đến. Chàng nói lững lờ: "Kỉ niệm hè của anh là lớp dạy tư". Chàng phải dạy tư trong hè để có tiền ăn học. Nàng cười, bảo rằng chàng nói vậy là ném đá vào trang văn tuyệt bút của A-na-tôn Phơ-răng-xơ. Chàng đáp lại: vâng, chỉ dân thượng lưu như nàng mới biết nâng niu chúng thôi. Phải hai tuần sau, nàng mới chịu gặp lại chàng. Nàng dịu dàng nhưng đôi khi cũng lý sự ra trò...

- Người ta bảo ai cũng có thể có Pôn hoặc Viếc-gi-ni của mình. Xưa, tôi từng có một Pôn, ông có Viếc-gi-ni của ông không?

Người ấy đúng là Viếc-gi-ni của mình, dẫu cảnh ngộ hai đứa không như trong truyện của Béc-na-đanh đơ Xanh Pi-e.

- Chúng tôi theo gia đình rời Việt Nam về Pháp chưa lâu, đại chiến thế giới nổ ra. "Pôn" của tôi theo du kích kháng chiến chống Đức và chính quyền tay sai Pê-tanh. Tôi kịp lánh sang Thụy Sĩ.

Bà này chủ động lánh đi, còn người ấy thì khác. Người ấy chẳng muốn theo gia đình "dinh tê".

Nhà nàng vốn phong lưu, cha công chức bậc cao thời Pháp, mẹ có cửa hàng to ở thành phố. Nàng nổi tiếng hoa khôi. Ngày nào em nổi tiếng hoa khôi / Môi chẳng thêm son đỏ thắm hoài / Chúc bạn đầu thu sa cánh bạt / Ngang mùa tựu học gọi chơi vơi. Nổi tiếng không chỉ ở trường. Một lần, giặc Pháp cho một toán quân đổ bộ lên mấy làng ven biển nơi cả nhà nàng tản cư về. Dân quân chỉ mới quấy rối tí chút, bộ đội chưa tới kịp, chúng đã rút. Chốn này thuộc vùng tự do của ta từ đầu kháng chiến nên người ta có phần chủ quan, canh gác trễ tràng, bố phòng lơi lỏng. Bọn giặc bất ngờ đổ quân, dân chỉ kịp chạy lấy người. Vậy mà sau khi giặc tháo lui, của nả các nhà gần như còn nguyên vẹn, trừ số gà, lợn; nhà cửa không bị đốt, đồ đạc không bị cướp phá. Trái hẳn với những nơi khác khi giặc mò đến. Trong nhà nàng ở, tấm ảnh phóng to của nàng, vốn treo tường, thấy dựng nghiêm chỉnh trên bàn, dưới chân là tấm ảnh nhỏ của một viên sĩ quan Pháp mang lon quan ba khá điển trai. Đằng sau tấm ảnh nàng có mấy dòng chữ Pháp, nét chữ cố ý tỏ ra tài hoa: "Anh đến, tiếc không được gặp em. Lần sau, em đừng lánh đi nữa nhé! Tạm biệt. Đại úy Rô-be L." Có những lời đồn đoán, hiểu là đùa vui hay châm chọc cũng được, rằng: Thằng quan ba chỉ huy mê cô gái trong ảnh nên ra nghiêm lệnh cho lính không được phá phách. Sau đó không lâu, cả nhà nàng lén xuống thuyền dong ra biển để "về thành". Nàng không muốn đi. Cha nạt, mẹ khóc...

- Tôi ngụ bên hồ Giơ-ne-vơ, một cái hồ lớn tuyệt đẹp. Bình yên nơi đất khách, nghĩ về đồng bào mình đang đối đầu với quân giặc nước tự cảm thấy có tội. Đôi khi tôi cũng muốn về nước góp phần, cứ lần chần mãi. Thú thật với ông, tôi có ngại...

Cha mẹ nàng đưa nàng vào Sài Gòn, nàng trốn bay ra Hà Nội tính liên lạc với người của kháng chiến tìm cách về lại vùng tự do. Nhưng mẹ nàng có những người bạn, cánh tay họ rất dài... Cha nàng bảo cuộc chiến chẳng mấy nữa mà nguội, chớ xốc nổi, phiêu lưu.

- Nước Pháp được giải phóng, tôi nhắn tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng tìm Pôn của tôi. Bặt vô âm tín.

Cả nhà người ấy xuất ngoại mấy năm trước ngày miền Nam được giải phóng. Đi đâu? Không ai cho mình biết. Mình những muốn vào Sài Gòn ngay để dò tin, nhưng lại không muốn nhập vào cái dòng người kiểu đi hôi của, "miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng". Rồi một ngày mình nhận được một phong thư lạ...

- Bên cạnh nỗi đau mất người thương, tôi còn nỗi khổ tâm gần như là một sự mặc cảm, chắc ông không hiểu được đâu, trước những hi sinh của người trong nước. Cũng may, hình ảnh những người kháng chiến mất dần vẻ thần tượng, họ hoàn nguyên con người thường với những khuyết, nhược điểm thường tình, có khi họ tự đánh mất ánh hào quang. Tôi nguôi dần nỗi niềm về Pôn của tôi.

Phong thư xa như vang bóng mối tình xưa, như hương vương hình cũ, không gây đau, không gợi buồn, chỉ.... đưa chút ngậm ngùi, nhưng làm bải hoải thần trí, tản mạn tâm tư. Trong một thời gian, mình làm gì cũng đoảng.

- Chiều nay con sẽ dẫn cha đi xem nhà thờ Đức Bà và gặp anh ấy.

Từ hôm đến Pa-ri, ông thường đi thăm thú một mình. Với bản đồ du lịch thành phố trong tay đi đâu mà chả được. Ông thích thế mà cô con gái cũng bận học – đang kỳ ôn thi học phần.

Nhà thờ Đức Bà Pa-ri mà ông hình dung qua các trang sách của Vích-to Uy-gô hùng vĩ hơn nhiều với tường bao dày và cổng ngoài đồ sộ, không gian bí hiểm. Trước mắt là một nhà thờ khác chăng? "Xin lỗi, đây có phải là nhà thờ Đức Bà Pa-ri?", ông hỏi một người đàn ông đứng tuổi. "Phải, đây chính là nhà thờ Đức Bà Pa-ri", lời đáp có âm hưởng tự hào, nhấn mạnh de Paris. Ông muốn nhìn thấy cái lầu chuông nơi Qua-di-mô-đô giấu nàng Mi-ran-đa và cầu thang lên đó. Chẳng có cái cổng mà lũ ăn mày công phá. Từ quảng trường có thể bước thẳng vào cửa nhà thờ. Ông cố mường tượng cái hành lang trên cổng, chỗ thằng gù đứng ném các thanh gỗ và đổ nước hắc ín sôi xuống đám người tấn công. Tất nhiên, đó chỉ là hư cấu của nhà văn. Vả, sinh thời Uy-gô tường bao và cổng đã không còn.

Người đông chật ngôi nhà vòm cao và rộng thênh thang, khách du nhiều hơn dân đi lễ. Ông đi trước con vào sâu phía trong nơi trưng kho báu của nhà thờ, những đồ thờ và đồ lễ bằng vàng bạc, châu ngọc, cho khách tham quan chiêm ngưỡng. Một chàng trai tóc đen, da vàng đang hướng dẫn người xem. Vừa trông thấy cậu ta, ông như chạm phải một luồng điện nhẹ, rất nhẹ mà làm xao động tâm can phần sâu kín nhất. Chẳng phải vì vẻ đẹp trai và nét dễ thương ở chàng trai ấy. Một cái gì rất mơ hồ lướt qua như là tiềm thức toan trỗi dậy song đã lại chìm đi. Chàng trai ngửng lên, ông định cất tiếng thì cậu đã hỏi: "Việt Nam?" và khi thấy ông gật, cậu tiếp: "Bác mới đến xin định cư đấy à?" Bấy giờ cậu mới nhìn thấy cô gái. Cô nhún vai. "Con bé học điệu nhún vai rất đầm này bao giờ thế không biết. – Ông nghĩ thầm – Đến đây học cao học chưa đầy một năm mà điệu bộ của nó có nét còn đầm hơn cả đầm chính hiệu. Nó định nhẹm cái đuôi Việt cố hữu vào đâu?". Chẳng phải luồng suy nghĩ khắt khe của người cha mà là sự đánh giá của người thuộc thế hệ mang dép lốp trên các nẻo đường kháng chiến chưa được cuộc sống "văn minh" tẩy não. Chàng trai hẹn gặp lại sau nửa giờ bên cầu sông Xen gần đấy.

- Cháu ở Ca-na-đa sang đây tu nghiệp. Cháu làm thêm để thỉnh thoảng đi du lịch khỏi lạm vào ngân quĩ của gia đình. Cháu sống với mẹ. Cha cháu mất đã lâu.

Một câu hỏi lo le đầu miệng ông. Để rồi hỏi con bé. Hừm! bọn trẻ bây giờ chẳng cần "dò cho đến ngọn nguồn lạch sông", ưng nhau, hợp nhau là xong. Nó nói chỉ mới là bạn. Từ "bạn" cũng lôi thôi...

- Hồi bên nước còn chiến tranh, mẹ cháu hay kể cho cháu nghe về thời trẻ của bà, thời bà ở vùng kháng chiến, như kể chuyện cổ tích. Bà hay hát những bài trước năm 45, ca khúc lãng mạn lẫn ca khúc cách mạng. Cháu nhớ có bài Đàn chim Việt và bài gì: "Đêm nay thu sang cùng heo may. Đêm nay sương lam mờ chân mây"...

Bài Con thuyền không bến. Người ấy rất thích hát cho riêng mình nghe, nhất là vào những đêm trăng se lạnh. Câu trong thư vĩnh biệt: "E rằng bài hát ấy vận vào đời em..." có phải người ấy không?

- Bà thường kể về một bến sông, bờ dốc có bậc lên xuống ghép bằng đá xanh đẽo gọt sơ sài, mặt trên đã được các bàn chân trần mài nhẵn. Một cây phượng bên đầu dốc trùm bóng lá rợp cả bến. Nước sông trong xanh nhìn thấu cát sỏi dưới đáy, chảy xiết...

Chẳng lẽ là cái bến sông ấy. Cái bến sông, người ấy tiễn mình đi Việt Bắc. Hai đứa đứng dưới tán phượng rực đỏ. Người ấy đọc với vẻ đùa đùa, mà nghe ngùi ngùi: "Đưa người, ta không đưa qua sông / Sao có tiếng sóng ở trong lòng?" Mình đã lên đò, nghĩ thế nào người ấy chạy vội xuống đòi cùng qua sông. Mình can không được. Bên kia sông là bãi cát trắng mép lượn cong theo dáng sông. Bãi khá rộng; mùa hè, khách bộ hành chân trần phải mang sẵn cái quạt mo cau, đi chừng vài mươi bước phải đặt quạt trên mặt cát rồi đứng lên nghỉ cho bàn chân dịu bớt mới đi tiếp được. Cô lái đò, một cô gái đậm người, xinh dòn nhưng khá ngoa ngoắt, không chịu cho thuyền ghé sát mép nước. Mình định ghé lưng cõng nhưng người ấy không thuận, chịu ướt đôi ống quần. Tội nghiệp! trầy trật đôi guốc gỗ qua cát bỏng mãi mới tới bờ đê. Trên đê gió lộng bạt đi một ít oi nồng của trưa nắng hạ. Không là chiều tiễn biệt có hoàng hôn trong mắt của thơ Thâm Tâm, không là nắng vàng nhớ nhung của thơ Huy Cận, không là gió heo may hiu hắt của thơ Vũ Đình Liên. Mình cầm tay người ấy giục quay lại. Mắt rớm ướt, người ấy mỉm cười đọc nhẹ: "Rồi có khi nào ngắm bóng mây/ Chiều thu đưa lạnh gió heo may", khẽ rút tay ra, bảo: "Anh đi đi, kẻo nắng!". Người ấy cố ý không đọc hết khổ thơ bốn câu của Thế Lữ. Những tháng năm dài sau đó, không chỉ khi "dừng chân trên bến sông xa vắng" mình mới "chạnh nhớ tình em trong phút giây". – mà chẳng phải chỉ trong phút giây. Có điều là khó tỏ cùng ai, kể cả với bạn thân. Người ấy đang ở phía quân thù. Cứ ngỡ rồi cũng quên đi, quên hẳn. Công việc, thời gian và cuộc sống riêng tư... Lá thư không địa chỉ người gửi sau hơn hai mươi năm là vật rơi không chờ đợi xuống mặt hồ tâm linh của mình vốn chưa bao giờ thật sự lặng sóng. Một đời con người ta thường hay bị xao động bởi đủ loại sóng, sóng nổi và sóng chìm. Song, lần xao động ấy sóng có dạng rất riêng. Chàng trai này mang bóng dáng... Ờ, trong nhà thờ Đức Bà mình như bị "sốc" mà chưa hiểu do đâu.

- Tên mẹ cháu? – Ông buột hỏi.

Một cái tên được nói ra. Không phải tên người ấy. Mà mình thật là ngốc, thằng bé biết sao được tên thời con gái của mẹ trong hoàn cảnh của họ. Ánh mắt ông nhìn chàng trai khiến cậu nhớ lại lúc chạm mắt nhau tại nhà thờ. Tuổi trẻ hồn nhiên song cũng rất nhạy cảm.

- Cháu định mời mẹ cháu sang...
- Sáng nay, em gọi điện cho anh. Bạn trọ cùng nhà với anh bảo anh ra sân bay...
- Tha lỗi cho anh. Mẹ anh sang đây nhưng có công chuyện phải về gấp. Anh đã định để bà gặp em và bác.
- Anh chẳng phải xin lỗi...

Im lặng lâu. Họ đang đi dạo trong vườn Luých-xăm-bua. Gần tám giờ tối, trời còn sáng lắm, ánh sáng ban ngày. Không khí dịu mát. Bãi cỏ như tấm thảm xanh mời mọc khách du nằm thư giãn ngắm bầu trời lam nhạt dịu dàng. Nhưng chớ để xiêu lòng, ngay chỉ dẫm lên cỏ một chút cũng sẽ có tiếng còi ré lên ngay. Họ đang trên lối đi giữa các rặng cây. Chàng trai rất phân vân. Hai ngày nay, tâm thức của cậu không yên ổn.

Sân bay Roát-xi (Roissy), phòng chờ. Lọt thỏm giữa đám người phần đông là da trắng, một thanh niên gốc Việt ngồi ngóng chuyến bay từ Ca-na-đa sang. Bắt mẹ đi xa thế này thì khi vất vả và tốn kém. Thôi cũng là dịp để bà đi du lịch vượt Đại-tây dương biết đâu chẳng là lần chót, tuổi tác của bà... Mẹ vẫn muốn có cầu nối với nước cũ. Nước cũ! cái từ nghe nhẫn tâm nhưng đúng với thực tại. Nếu được một cô con dâu từ "bên nhà", như một số người hay nói cho có vẻ thân tình, chắc bà sẽ vui. Cô ấy từ Việt Nam đi du học, không khó hợp như mình đã ngại. Cô có thể không về nước. Cô bảo cha cô để cho con gái tự quyết định lấy cuộc sống. Mẹ không ưng thì mình không nỡ để bà phải tủi lúc về già. Dẫu là sống trong xã hội phương Tây, nếu mình vuột khỏi cái tổ ấm của hai mẹ con thì bà sẽ đau lòng lắm. Tiếng cô phát thanh viên báo chuyến bay anh mong đợi đã đến. Dòng người tuôn ra cửa lúc nhặt, lúc thưa. Một bà già Á đông ăn mặc giản dị, bước chân nhẹ nhõm tuy lưng không được thẳng đi hơi chúi về phía trước. "Mẹ". "Con! Bạn gái của con đâu?". "Hôm nay cô ấy phải qua kiểm tra sơ bộ trước kỳ thi". "Con bảo cha cô ta cũng sang ở bên này rồi mà". "Bác ấy sang thăm con gái. Ở lại định cư hay không, con nghĩ còn là chuyện khác". "Tùy thuộc vào cô con gái?". "Không hẳn vậy đâu... Con chưa cho bác ấy biết mẹ sang đây. Bác ấy có gì kín đáo và ưu tư". Trong xe taxi, cậu con đưa cho mẹ xem tấm ảnh mới chụp chung dưới chân tháp Ép-phen: "Cô người Pháp này là mời ghép vào cho khỏi xui. Cô bạn con ngại chụp ba người. Dị đoan kiểu phương Đông". Bà già ngắm tấm ảnh rất lâu, dáng bất động mà mắt săm soi. "Ông ấy tên gì? " Giọng hỏi y hệt giọng cha cô gái hôm trước. Người con trai nói ra cái tên cậu biết. Người mẹ thả tay cầm ảnh xuống đùi, ngồi thẫn ra. "Mẹ! Mẹ làm sao vậy?". "Không có gì đâu, con". Bà ngả người nhắm mắt lâu, như ngủ. Xe chạy trên đại lộ Xanh Mi-sen ngang vườn Luých-xăm-bua. "Mẹ con ta vào đây nghỉ một chút. Về chỗ con đi bộ cũng được"...

- Anh sao đăm chiêu vậy?
- Có lúc anh không hiểu được mẹ mình. Xa Việt Nam, bà hay tìm đọc sách báo tiếng Việt, thường theo dõi tình hình chiến sự, hứng lên còn tường thuật cho anh nghe làm như anh còn là chú nhóc. Có lần anh hỏi: "Con là người nước nào?" Bà bảo: "Việt Nam, chứ nước nào". Anh hỏi tiếp: "Vậy sao không về thăm?" Bà nói: "Sẽ có lúc". Năm 1975, thay đổi lớn ở Việt Nam, mẹ anh hay giở những bộ trang phục dân tộc ra mặc, chỉ mặc vậy thôi, mặc ngồi xem truyền hình, dạo đàn hay đọc sách một lúc thôi. Lần lần, có cái gì đó đổi khác, nhất là những năm sau này bà dường như mãi lo chuyện làm ăn. Anh nhắc chuyện về thăm quê hương, bà lảng đi.
- Có lẽ bà mặc cảm chi đó.
- Trước đây thì có lẽ có. Dường như bà muốn níu giữ cái gì, song lại muốn tránh né cái gì đó nữa.

Ngồi trong vườn Luých-xăm-bua, bà mẹ thăm dò chuyện con. Chưa có gì sâu sắc, thằng bé biết tạm dừng lại ở mức tình cảm mà lí trí còn có cơ tham dự định đoạt. "Cô ta chắc là không thể hoặc không muốn sang Ca-na-đa. Mẹ con ta cũng không có ý định về Việt Nam sống. Con có thể thuyết phục cô ta hoặc cô ta có thể lôi kéo con. Chưa có gì sâu nặng để làm vậy, phải không con?". Chàng trai nghĩ thầm: Mẹ mà tiếp xúc với cô ấy và người cha, một người hiểu biết và sống nội tâm... "Mai mẹ về sẽ theo chuyến bay đầu tiên trong ngày". Người con bàng hoàng nhưng đủ thông minh và tế nhị để không gặng hỏi lí do. "Đã sang đây, ít ra mẹ cũng làm một cuộc du lịch ngắn chứ?". "Cách đây mấy năm, nhân sang Tây Âu có công chuyện, mẹ đã đi thăm thú nhiều chốn rồi. Kìa! Họ đóng cửa vườn đấy. Con hãy ra nài người phụ trách cho nán lại dăm phút. Con cứ ngồi gần cổng chờ mẹ ra cùng về". Một mình bà già giữa khu vườn trống vắng. Nghe mơ hồ tiếng lá xào xạc, tiếng chim xao xác. Tiếng ồn ào đường phố thoảng đến, xa xôi. Bà đứng lặng dõi theo bóng dáng vô hình nào. Một lát, bà chầm chậm bước men theo hàng cây, lối cỏ. Bà dừng bước, nhắm mắt thở một hơi sâu, mở mắt ra bơ thờ nhìn quanh, rồi quay gót bước nhanh về phía cổng. Cái nhìn thấy bằng mắt hiện tại không giống những gì bà thấy trong tâm tưởng. Bởi, cái "vườn Luých-xăm-bua" xưa của bà không là cái vườn này.

Vẻ như bâng quơ, người con trai hỏi cô gái:
- Em đưa bác thăm vườn này chưa?
- Vừa đến Pa-ri, cụ đã tự tìm đến đây, và...

Sau khi hỏi chuyện cậu bạn trai của con bên nhà thờ Đức Bà, ông kéo con gái thăm lại vườn Luých-xăm-bua. Cho đến hết buổi, ông ít nói, nghe chuyện con một cách lơ đãng. Sáng nay, ông ngồi trầm ngâm lâu rồi một mình đi dạo. Ông lên xe buýt làm một chuyến vòng quanh nội thành Pa-ri bắt đầu từ cửa I-ta-li, qua hơn hai mươi cửa có tên gọi theo các cửa ô xưa, hết một giờ ba mươi phút. Cuối cùng, ông lại tìm đến vườn Luých-xăm-bua. Trong bữa cơm, cô con thỉnh thoảng lại nghi ngại nhìn cha, một câu hỏi trong ánh mắt. Người cha bỗng cười khà kể: "Cha đang đi trên hè phố thì một thằng Tây ngồi trong xe con của nó vẫy cha lại hỏi thăm đường ra sân bay. Cha lắc đầu. Nó tự giới thiệu là ở Mĩ qua đây du lịch rồi hỏi quốc tịch của cha. Nó nói nó rất tôn trọng Việt Nam, muốn tặng cha hai chiếc áo lông đang để trong xe chỉ xin 1500 phơ-răng để mua vé máy bay. Cha cảm ơn và từ chối nhận áo. Nó xuống giá: Thôi thì 600 phơ-răng cũng được. Thằng này thì phải gọi bọn đại bịp ở Việt Nam bằng cụ". Hai cha con cùng cười đến chảy nước mắt. Cười xong, mắt người cha vẫn không xóa hết nét đăm chiêu, và dấu hỏi vẫn còn vương trong mắt con.

- Anh có điều muốn nghe cha em. Anh định chủ nhật tới mời bác và em, ba người chúng ta đi pic-nic.
- Thứ bảy này cụ về nước rồi.
- Vậy sao? – Hai tiếng thốt lên không chỉ là câu hỏi – Bác không lưu lại mấy ngày chờ xem người Pháp mừng 200 năm ngày Quốc Khánh của họ ư?
- Cụ đã định vậy, hôm nay cụ đột ngột đổi ý.

Hai người lẳng lặng ngồi xuống một chiếc ghế đá. Họ tránh nói ra điều họ đang nghĩ. Chàng trai chợt lên tiếng nói với riêng mình:

- Thời các cụ chuyện tình cảm vậy mà không đơn giản. Dường như giữ một miền thương đau sâu kín trong tâm khảm cũng là một thứ hạnh phúc.

Cô gái định bảo: Nói triết lí không hợp với anh nhưng chợt nhận ra chính mình cũng đang muốn tìm đến một câu triết lí, đại loại như: "Cõi tâm linh là không biên giới mà nhiều khi chính tâm linh con người tự tạo ra biên giới tâm linh".

Truyền rằng: Ngày xưa...

Nàng và chàng cùng học một trường Cao đẳng tiểu học. Họ yêu nhau, rồi cùng học lên trung học – gọi là ban tú tài. Ngày ấy, con gái học như vậy có thể đếm trên đầu ngón tay. Họ không lấy được nhau. Cha mẹ nàng không chịu gả, hoặc vì nhà nàng có vai vế xã hội và tiền tài, mà nhà chàng lại loàng xoàng, hoặc vì chàng có tư tưởng bài Pháp. Cách mạng và chiến tranh đẩy dần hai người ngày càng xa nhau. Nàng phiêu bạt. Chàng ruổi rong. Một ngày, chẳng rõ là đẹp trời hay trời u ám, sau cái mốc 30-4-1975 chưa lâu, chàng – bây giờ nên gọi bằng ông – ông nhận được một phong thư mang con tem lạ, dấu bưu điện càng lạ từ một phương trời trái nẻo tâm tưởng ông. Ông mân mê cái bì thư cố đoán mà chịu không hiểu vì sao nó tìm đến tay mình. Ông về phòng riêng, một phòng con con trong khu tập thể cơ quan dành cho những người xa gia đình. Chậm rãi mà nôn nóng, ông bóc phong thư. Một tờ giấy mỏng phơn phớt xanh, loại giấy thư của ngày nào đã lâu lắm ông không còn nghĩ tới nữa. Nét chữ chân phương mềm mà già dặn làm thức dậy trong ông một cái gì vừa thân thương vừa quá xa xôi. Vỏn vẹn một bài thơ Đường luật:

Trái duyên chi nỡ phụ phàng nhau
Li loạn chia phôi trắng mái đầu
Nương gió tây nồng treo hẹn ước
Lạc trời thu lạnh nín thương đau
Quê nhà khói lấp vườn trường cũ
Đất khách ai về giấc mộng thâu
Thơ một lần trao chiều lỡ bước
Thiên đường xa khuất bóng trăng xao.


Sao tôi lại nhớ chuyện kia vào lúc này và ở đây? Chuyện trái duyên ấy! Lời thơ ấy! Chẳng có gì đặc biệt, chẳng hay ho gì mấy, mà sao vẫn vương chút gì u uẩn. Tôi ghé Pa-ri một buổi chớm đông đầy tâm sự. Tôi ngồi trong phòng trọ nhìn qua lớp kính cửa sổ nghĩ lan man lạc nẻo tâm tư, trộn dĩ vãng vào hiện tại. Ngoài trời lạnh giá. Phía vườn Luých-xăm-bua những cây trụi lá chĩa cành và nhánh đen thui lên trời. Đó đây điểm xuyết những cây họ thông vẫn giữ nguyên màu xanh như những nốt nhạc vui lạc lõng trên cái nền thê lương.

Câu chuyện tình ấy quả là ngộ! Vừa nên thơ, vừa cố chấp, vừa giống hư cấu trong tiểu thuyết. "Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng". Hình như không phải vậy, hoặc không phải chỉ có vậy.

Tình yêu thời xưa hay thật! Thời xưa ư? Ừ, đã là thời xưa. Thời nay người ta không yêu như thế nữa. Phải vậy không?

Hải Phòng, 3-1999
K.N
(167/01-03)

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Cồn cát (28/04/2009)
Mặt Nạ (22/04/2009)
Hương Bát Nhã (13/04/2009)
Mạ chồng tôi (13/04/2009)
Bà phó giám (13/04/2009)