VŨ THANH LỊCH
Giầu ầu ầu... ở đâuuuuuuu... đá á á... ở đâuuuuuu...
Để cau chín ín ín ín ín ínnnnnn... nẫu nầu nâu thế ế ế... này...
Khuya mưa. Tiếng hát như cật dang, khía cấu vào đêm, bửa vỡ mưa thành những mảnh hạt chói sắc.
Người ca kỹ già móm mém đôi môi khô cạu quết trầu. Hàm răng đen nhánh. Tóc xám bạc. Bờ mi nhăn chùng như tấm rèm cũ, che kín đôi mắt già nua. Không ai thấy được đôi mắt từng một thời thăm thẳm xanh của người ca kỹ nữa. Người ca kỹ cũng không nhìn đủ những vẻ người đang qua lại trước mắt mình. Bà chỉ biết hát. Hát. Và hát.
*
Người ca kỹ già bao nhiêu tuổi. Tám bảy. Chín ba. Một linh hai. Không có con số nào chính xác dù ai đưa ra cũng có lý của mình, nhưng tất cả đều chỉ là phỏng đoán, ước chừng.
Người ca kỹ già tên là gì. Giang Thị Sặt. Giang Thị Khuyên. Nguyễn Thị Mậm. Nguyễn Thị Ấm. Giang Thị Ấm. Không có cái tên nào chính xác. “Kệ mẹ bu... bu là đàn bà thì tên bu phải có chữ thị, các con muốn gọi bu bằng gì thì gọi, phải có chữ thị, không có là bu không hát...” “Vậy tên bu từ nay là Giang Thị Ấm nhá” “Ừ... được... miễn sao chúng bay đừng gọi bu là Cu là Cò...” - Người ca kỹ già nói, giơ tay với chén rượu uống ực một cái, lấy hai ngón tay quết quanh mép như quết vết trầu. Lâu rồi trầu không làm bà say nữa, bà chuyển sang uống rượu. Nuốt vài chén rượu, bà miên man: “Sao bây giờ các con mới cho bu biết rượu, rượu nó làm bu sướng quá, nó khiến bu mê mê, bu nghe thấy tiếng lão ấy đàn cho bu hát, cái tay đàn này, là tay lão ấy đàn, bu chỉ có hát thôi... lần sau đi diễn, các con phải nhớ cho bu rượu, có rượu là lão ấy về đàn cho bu, cái lão này tệ, vừa tệ vừa bạc... lão bỏ đi sung sướng một mình... chỉ khổ cái thân bu, trần ai mấy nỗi ai biết cho bu, đời người đằng đẵng, làm vợ mấy tuần trăng kể ra không hết một bàn tay, vậy mà lênh đênh suốt nỗi, lão đi thì đi cho dứt, còn để lại cái cây đàn này... đàn này có một dây thôi, là dây chàng buộc thiếp hết kiếp người đến kiếp ma... các con nhớ cho bu chén rượu nhá... có hơi rượu, lão lại về đàn cho bu hát... đấy, cái tay lão đấy, khỉ gió nhà lão, tay đàn dẻo đến thế kia mà không ôm người ta một cái, không thơm người ta một cái. Bỏ đi mấy mươi mấy chục cái năm nay rồi để người ta cô lạnh một mình, môi người ta khô khát, má người ta khô khát...”
- Rồi rồi rồi... ai lại ôm với chả hôn ở giữa đông người thế này chứ, bu Ấm cứ hát đi cái đã, rồi tối về tôi thưởng...
Tiếng một người đàn ông giả giọng lão già long răng khiến người ca kỹ hấp háy đôi mí mắt dày, lúng liếng liếc ngang. Hai cô gái mặc áo nâu, váy đụp đỡ hai bên, dìu người ca kỹ ra giữa sân khấu. Sân khấu đang sáng choang bỗng tối đen lại, quầng sáng rọi vào tấm rèm nhung màu mận chín. Nơi nghệ nhân số một bắt đầu xuất hiện, quầng sáng di chuyển theo bước chân bà, đến chính giữa manh chiếu cải hoa thì dừng lại. Hai cô gái đỡ bà ngồi xuống chiếu, một cậu quần nâu áo vải quỳ chân bên cạnh, gài vào cổ áo bà cái micro bằng quả táo dại, rót thêm cho bà chén nước trong vắt. Cả ba cô cậu thao tác rất nhanh, rút đi cũng rất nhanh. Ánh đèn khẽ loang ra khắp chiếu rồi lại tụ lại nơi người ca kỹ già đang chống gối, chuẩn bị chạm tay vào phím tơ, đôi môi nhăn nhúm bắt đầu rung lên “Anh đi... ấy mấy anh đi là đi tán tía ía... lọng vàng/ Để em gối chiếciếciếc... lẻ sàng ấy mấy anh ơi...”
Chân khoanh chân chống, người ca kỹ già buông rơi tuổi mình, buông rơi mái đầu bạc cuộn tròn trong vành độn tóc màu bã trầu, bay lên trong men say... Đôi tay bà tung tẩy trên sợi dây đàn mảnh như tơ, từ bát nhị, luồng hơi ấm tràn tỏa, thổi vào cườm tay bà, lan dần đến vòm ngực, thấm vào da thịt, vào tận cùng trái tim người ca kỹ. Tiếng hát không còn là tiếng hát. Nó là hòa điệu của hơi thở yêu thương, của khát vọng, của dằn dỗi tủi hờn... nó loang ra rồi tụ lại thành lửa, vừa ấm áp, vừa mềm mại... nó âm ỉ ngún cháy tất cả những trái tim đang ngưng lắng trong nhà hát hiện đại bậc nhất quốc gia.
Tiếng hát dứt. Ánh đèn sâu khấu sáng choang và tiếng vỗ tay rung lên không nghỉ.
Bu đứng dậy, phủi đít quần, vừa cầm cây đàn nhị, vừa lẩm nhẩm nói một mình “tiên sư chợ, cả chợ đi nghe hát thì còn buôn bán gì, lấy tiền đâu mà đong gạo...”. Bất chợt người ca kỹ già đứng lên nghiêm ngắn, một tay cầm đàn, một tay xòe ra, cất giọng nỉ non “xin các bà con cô bác thương lấy thằng cháu Ấm nhà tôi, cho cháu đồng tiền bát gạo để sinh sống qua ngày...”. Tiếng vỗ tay vẫn rào rào vang lên không ngớt. Người ca kỹ già lụng bụng nói “Rõ cái đám vô duyên! Cho thì cho, không cho thì thôi, còn vỗ tay làm gì không biết, vỗ to thế này lại đếch cho cái mẹ gì rồi”. Tất nhiên, những lời này, bà nói khi cậu thanh niên phụ trách âm thanh đứng trong cánh gà đã điều khiển từ xa, tắt micro từ khi tiếng ngân cuối cùng chấm dứt. Không ai nghe thấy những lời ấy, dù bà vẫn đang đứng giữa quầng sáng rực rỡ, trên sân khấu rủ kín rèm nhung, thảm đỏ. Trong quầng ánh sáng rực rỡ ấy, đôi môi quánh vết trầu khô mấp máy vô tình làm tăng thêm vẻ duyên dáng, kiểu cách của người diễn viên già. Quầng sáng đi theo bà vào cánh gà và manh chiếu cũng nhanh chóng được cuộn vào. Tiếng vỗ tay vẫn không ngừng rung lên như muốn bung ra khỏi bức tường kiên cố của nhà hát. Bà ngập ngừng đứng lại trên sân khấu, tự nói với mình, “vỗ tay nhiều thế này là lại muốn mình hát nữa đây, nhưng sao không ai cho cái gì, sức đâu mà hát, cái thằng Ấm phàm ăn tục uống, nhà cháu đi hát suốt ngày suốt đêm cũng không đủ cơm đủ gạo cho nó... Ấy mấy con ơi, là con ơi, mẹ đà xế bóng chiều sương, ân sâu nghĩa nặng í i nhớ thương khôn cùng...”.
Bà định ngồi bệt xuống tiếp tục đàn hát, nhưng hai cô gái đã uyển chuyển bước ra, đỡ hai bên cánh tay bà, dắt bà vào khuất hẳn sau rèm nhung. Một trong hai cô không quên thì thầm vào tai bà những câu nói quen thuộc “bu hát hay đàn giỏi như vầy, ông Chánh mê là phải, nằm sâu dưới ba thước đất vẫn mê, bu hát nuôi cả nhà mình chứ đâu phải mỗi anh cu Ấm... bu là giỏi nhất...”. Đôi mắt lại liếc ngang và đôi môi lại lúng liếng, người ca kỹ già không biết mình đã già, cười lỏn lẻn “Lão mê bu từ cái thuở bu mới mười ba đấy...”.
*
Cái hồi ấy, hồi người ca kỹ 13 tuổi còn là cô bé Giang Thị Sặt, tóc vàng khè, mặt mũi lem nhem. Lớn lên phải năm đói, cha mẹ dắt đi ăn xin khắp các chợ quê, từ Hải Hậu đến Thành Nam, Hoa Lư, Nông Cống... Đến cầu Tràng, chợ Vệ thì dừng lại. Vun đống rạ khô làm ổ, ngủ không trọn đêm. Chim lợn kêu không ngớt. Người chết la liệt từ ngoài đường đến trong chợ. Vậy mà vẫn có một gã đàn ông cứng tuổi, ngồi khoanh chân, kê đàn nhị lên đùi, réo rắt hát. Xung quanh gã, ba người đàn bà và một đứa trẻ con ngồi ngửa nón mũ ra đợi, đứa trẻ con mặt trắng bệch, ngồi ôm chân thu lu, ruồi bậu quanh mép không buồn đuổi. Đám người ngồi nghe xung quanh đa phần là những kẻ rách rưới, thành ra mấy cái mũ cứ ngửa trơ trơ.
Liền mấy ngày đi đường, bố Sặt thi thoảng kiếm được củ khoai, khúc mía đều nhường hết cho vợ con ăn. Lết đến chợ Vệ thì sức đã kiệt. Ba người kéo nhau đến chỗ đám hát ngồi. Cô bé Sặt thấy người ta hát thì căng mắt ra nhìn, mồm lẩm bẩm hát theo. Đang mê mải nghe thì cô bé thấy tiếng mẹ yếu ớt cất lên “Mình ơi, mình, mình đừng có bỏ mẹ con em...”, quay lại, đã thấy bố nằm sóng xoài dưới đất, mẹ lay thế nào cũng không dậy, xung quanh cũng vài người như bố, nằm còng queo dưới đường. Mẹ thở không ra hơi, lấy tay vuốt trên mặt bố một cái cho mắt nhắm khít lại rồi đứng lên, kéo thẳng chân bố, gác hai tay lên bụng, nước mắt mẹ lăn từng cục trên má. Đặt xong tay bố lên bụng thì mẹ cũng đổ xuống, gác đầu vào bụng bố. Cô bé nhìn quanh cầu cứu, nhưng xung quanh chỉ thấy lô nhô xác người, vài người còn cố ngồi cho thẳng lưng, nhưng chỉ vài giây là đổ kềnh xuống. Tiếng đàn hát của người đàn ông vẫn nỉ non ru vỗ cho những linh hồn vừa thoát xác bay lên. Cô bé cất tiếng nói rõ ràng từng chữ:
- Các bác các cô ơi, cứu cháu với!
Không ai đáp lại lời của cô bé. Không ai thay đổi tư thế của mình dù họ đang ở ngay sát cạnh cô bé. Họ chỉ còn thoi thóp thở. Người đàn ông kia vẫn kéo đàn hát liên hồi, lúc là bài ca từ biệt não nề, lúc là khúc bay bổng xôn xao chốn thiên đường “Trên ngàn gió cuốn rung cây/ Dưới khe cá lặn chim bay về ngàn/ Cảnh khuya nguyệt lặn sao tàn i i i/ Chiếc thoi bán nguyệt khoan khoan chèo vào/ Gập ghềnh quán thấp lầu cao i i i/ Khi ra núi đỏ khi vào ngàn xanh...”. Tiếng hát như thể giấu sẵn trong cổ họng, tiếng đàn giấu sẵn trong phím tay, người đàn ông cứ thản nhiên mà buông ra như mây bay gió thổi, xoa dịu cơn đói khát, đau đớn của những linh hồn vừa thoát xác bay lên. Một người đàn bà cầm mũ ngồi xoay lưng lại với lão đổ gục xuống, lão vẫn đàn hát như thể toàn thân đã hóa thành tượng đá, chỉ còn ngón tay và đôi môi nhích ra cho âm thanh bật thoát. Cô bé không tìm được bất kỳ trợ giúp nào, đành gắng hết sức, kéo mẹ đặt nằm cạnh bố, rồi cũng làm như mẹ vừa làm với bố, cô đặt hai bàn tay mẹ lên bụng rồi để yên tay mình ở đó, như thể mẹ vẫn đang cầm tay cô, rồi cô hát, tiếng hát như tiếng nấc, như tiếng gào gọi mẹ “Thuyền không bánh lái thuyền quày... Con không cha mẹ, ai bày con nên... Mẹ ơi... ơi ơi ơi đầm ấm mà chiếu chăn à... chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo nay mẹ nhường con, mẹ tính từng ngày mong cho con lớn con khôn...”. Tiếng hát khiến đám người đang rủ xuống như vườn hoa héo, chợt ngẩng đầu mở toang mí mắt, nhìn đăm đắm vào cô bé. Ngón đàn sững lại giây lát, người đàn ông thôi hát, ngón tay rung dây đàn, chạy theo giọng hát vừa cất lên, tụ thành gió, thành mây, thấu đến cao xanh.
Trời sáng dần, tia nắng yếu ớt xuyên thủng từng mảng sương mù dày đặc của ngày đông giá. Kẻ đàn cứ đàn, kẻ hát cứ hát, nhưng cả hai thứ âm thanh hòa vào nhau như thể hai linh hồn vừa chụm lại thành một bóng người.
Sau ngày ấy, người đàn ông dắt cô bé Sặt theo gánh hát của mình. Cô bé bấy giờ mới biết, ông Chánh Tương vốn là công tử nhà giàu, lại có tài cầm kì thi họa nên đàn bà con gái bám theo hàng đàn, đến lúc nhà ông sa cơ lỡ vận, họ bỏ đi hết, còn lại ba người với một đàn con nhỏ. Ông dắt díu vợ con, rời làng đi khắp đó đây, vừa hát vừa xin ăn. Lúc đi có ba bà vợ với tám đứa con. Đến chợ Vệ còn ba bà với bốn đứa con, giờ đổ xuống một bà, vậy là vai ông còn phải gánh hai bà với bốn đứa trẻ con. Thêm một đứa trẻ con là Sặt nữa thành năm... không biết còn ai tiếp tục rơi rụng. Cho con bé đi theo có thể nó chết hoặc nó sống, nhưng để nó ở lại, chắc chắn nó sẽ chết... vậy là ông cho nó theo... Dù sao, tiếng hát của nó mới cất lên đã làm ông thích, rồi cuốn tay đàn của ông theo. Một trong hai bà vợ nhìn Sặt ngao ngán, chép miệng, không nói không rằng, hoặc là không thể nói được nữa. Sặt nhìn bốn đứa trẻ con bé hơn mình, nhão nhượi như mớ giẻ, cô bé nhớ khuôn mặt trắng bệch của đứa em trai mình khi nó chết trên tay mẹ... khe khẽ rùng mình, nếu như một trong bốn đứa kia sẽ trắng bệch như em Sặt thì sao...
Gánh hát đi thêm được hai cái chợ huyện và một chợ tỉnh nữa thì hai bà vợ và bốn đứa trẻ con ông Chánh Tương cũng đổ hết. Còn lại ông và Sặt. Không biết do trời thương hay do số mệnh hai người chưa thoát khỏi trần ai.
*
Hai cô gái đỡ người ca kĩ già ngồi xuống ghế, dúi vào tay bà cái túi tam tòng còn chưa kéo dây rút. Một tay bà túm dây, một tay đỡ đáy túi, vừa nâng vừa bóp, cho những đồng bạc cọ vào nhau kêu xào xạo, rồi bà cười, đôi môi giãn ra, lộ từng vệt trầu đỏ thẫm khía dọc khía ngang, “Hóa ra người ta cũng hào phóng gớm chứ, thế này thì cu ấm tha hồ mà ăn bánh dẻo nhá, nó thích bánh dẻo chợ Lồng lắm cơ”.
Tiếng người đàn ông long răng lại cất lên phều phào: “Cũng còn cho tôi điếu thuốc lào chứ, thèm lắm rồi”. Bà lại cười lúng liếng “Khỉ gió nhà ông, lại thuốc lào, hôi bỏ bố lên mà cứ rít ầm ầm ấy, dưng cơ mà hôi cũng thích”. Bà dắt túi tam tòng vào cạp váy, để thò một nửa buộc dây ra ngoài. Đôi cánh tay vòng quanh thân mình, như muốn ôm xiết đôi vai mình lại.
Ngoài kia, sân khấu vẫn xôn xao. Lúc lúc tiếng vỗ tay lại vang lên, không dài, không lâu như sau khi bà hát, nhưng bà không nghe thấy nữa, hai cô gái đã gỡ máy trợ thính trong lúc đỡ bà ngồi xuống ghế trong cánh gà. Bà không còn nghe thấy tiếng chồng thì thầm với mình nữa, thành ra cứ vừa nhấp rượu vừa lẩm nhẩm trách móc “người đâu mà vô tâm vô tính vô tình, ở với nhau bằng ấy năm mà cứ rít thuốc lào vào là nằm đơ ra, để người ta lạnh chết mẹ thế này... Tiên sư nhà lão, lão đi với các mụ vợ già của lão để em đơn chiếc thế này trần ai ai biết ai chờ ai thương...”.
Bà cứ lảm nhảm nói liên hồi như vậy trong khi các chàng trai cô gái vẫn thoăn thoắt phục vụ các màn diễn mới.
Sân khấu bừng sáng khi tiết mục cuối cùng kết thúc. Người ta xướng tên các giải thưởng. Trưởng đoàn bước ra sân khấu. Trong phút chốc, hoa tràn lên, trưởng đoàn ôm hoa đầy ngực, bằng khen nạm vàng, tên người ca kĩ khắc bằng kim cương, khuôn mặt trưởng đoàn lấp lánh trong ánh kim cương và đèn phờ-lát lóe lên chụp ảnh. Cả đoàn, từ diễn viên đến phục vụ, kéo tay nhau dàn hàng ngang trên sâu khấu đón nhận tiếng vỗ tay, hoa, quà. Hân hoan trong ánh sáng rực rỡ, ánh đèn phờ-lát máy ảnh lóe sáng liên tục khiến cả đoàn người lấp lánh hẳn lên.
Người ca kỹ già không có trong bức ảnh. Bà lẻn ra ngoài khi những cô cậu được phân công trông nom bà mải hóng ra sân khấu.
Tàn đêm. Những kiếm tìm xôn xao quanh khu nhà hát cũng rã rời. Tất cả lên xe về sau khi bàn giao việc tìm kiếm cho công an. Trời tối đen như mực, lay phay mưa phùn. Người đàn ông thường giả giọng lão già long răng ngồi tựa vào ghế sát ô cửa kính thở dài, mắt đăm đắm nhìn đêm, miệng lầm rầm hát bài kinh cầu nguyện trong khi cả đoàn mệt rã rời, đã ngủ thiếp trên xe từ lúc nào. Có tiếng hát từ xa vọng lại, ông căng tai nghe xem cất đến từ phía nào, biết đâu bà ấy ngay quanh đây... Tiếng động cơ ô tô lăn bánh đều đều xóa tan tất cả. Ông tự nhủ, có khi mình mệt thiếp đi nên mơ thấy tiếng bà ấy hát, bà ấy già như thế rồi mà tiếng hát vẫn trong veo vậy, vài chục năm nữa bằng tuổi bà ấy, không biết mình sẽ thế nào... Suốt một ngày ròng rã tập tập, diễn diễn, rồi lại đi tìm bà, ông cũng như anh chị em trong đoàn, không còn nhiều sức để nghĩ đến bà nữa. Ông lại nhắm mắt và thiếp đi, trong giấc chập chờn, ông thấy người ca kỹ già ôm đàn ngồi thu lu trong bóng trăng, tiếng hát cấu vào tim ông từng vệt dài nhưng không đau đớn, thi thoảng ông cất tiếng vỗ về bà, nhưng không phải tiếng lão già long răng thường khi mà là tiếng nói hàng ngày của ông...
Xe lầm lũi chở đoàn nghệ sĩ đi xuyên đêm.
*
Giời cao rụng xuống đất dày
Nghe như có tiếng... nghe như mà như có tiếng tháng ngày buông uông rơi ơi ơi...
Tiếng hát mỗi lúc lại khía sâu vào đêm. Lẩy bẩy như tiếng nấc, có khi lại ỉ ôi than trách thân phận, có lúc lại gằn giọng chua ngoa thách thức ông giời.
Giời cao rụng xuống đất dày/ Nghe như có tiếng tháng ngày buông rơi/ Bao giờ đá bở thành vôi/ Giầu tươi... giầu tươi bứt cuống... cau hôi bật mầm... Ấy ấy là giầu tươi mà bứt cuống là cau hôi ấy a cau hôi bật ơ mầm.../ Lão giời già lão tham thâm... / Giữ phần chi lắm... giữ phần chi lắm mà bầm dập cau...
Vừa hát, người ca kỹ già vừa bước đi trong bóng đêm, làn da khô và vòm miệng cũ kĩ không biết rét, không biết mưa. Đến gốc cây cổ thụ mọc chon von ven sông, chăng treo những chùm đèn xanh đỏ tím vàng lấp lóa, người ca kĩ già lấy tay gạt cỏ, ngồi xuống, tựa lưng vào gốc cây lẩm bẩm: “Ông cho tôi tựa lưng một tí nào, lâu quá rồi...”. Lâu quá, đúng là rất lâu, cái hồi ông phẩy tay rung phím đàn cho bà hát, xong mỗi điệu, bà lại ngồi tựa lưng vào lưng ông, tấm lưng gầy nhưng ấm. Bà ngồi để ông sưởi cho bà khỏi lạnh, và để bà vén áo lên, lôi đầu vú ra cho thằng Ấm bú. Nó nằm gọn trong lòng ông khi ông chơi đàn cho bà hát, nó biết bố mẹ nó hát để kiếm sống nên cứ ngủ im thin thít, khi nào mẹ dứt lời nó sẽ ọ ẹ kêu. Nắng gắt hay mưa giông, nóng bức hay rét mướt, cứ có nó trong lòng là tiếng đàn của ông ngân lên như gió thổi, và tiếng hát của bà cũng vậy, tan vào cung đàn như mây trôi theo gió.
Thằng Ấm, giờ nó ở đâu, có nghe thấy tiếng hát của bà, có nghe thấy tiếng lòng bà đang gọi. Bà xòe bàn tay bấu vào gốc cây, gốc cây cũng ram ráp như tay bà vậy, những ram ráp, xù xì chạm vào nhau, cọ vào nhau, làm ruột gan bà muốn tơi vỡ. Cũng là cái gốc cây, cũng là hồ nước, cũng là tiếng dế kêu đêm thảng thốt thế này... như ngày hôm qua của đời bà chứ mấy.
Đó là những ngày vui nhất và đau nhất trong cuộc đời bà. Hai vợ chồng được mời vào sân đình hát cho quan ngoại quốc nghe. Quan ngoại quốc cao to lừng lững, bà đầm váy tím hoa dâu, lộng lẫy như công chúa trong truyện cổ tích, lại còn bao nhiêu binh lính theo hầu, rồi quan ta áo dài khăn xếp quây kín xung quanh. Mảnh chiếu cho hai vợ chồng bà còn thơm mùi cói, nó là lá chiếu cải hoa đẹp nhất bà từng thấy. Người ta choàng cho hai vợ chồng tấm áo gấm thêu rồng phượng, chạm vào tay cứ mềm mượt như chạm vào nước. Thằng cu Ấm sắp bốn tuổi rồi, cũng được mặc một cái áo gấm đẹp như vậy, trông nó mới ngộ nghĩnh đáng yêu làm sao. Bà tự trách mình không biết kiếm tiền mà mua cho nó cái áo đẹp, nó mặc đẹp, mình nhìn mình sướng chứ nó đã biết gì... Chắc ông cũng nghĩ vậy nên hân hoan lắm. Thế là hát, thế là đàn. Sân đình thôi hết xôn xao, chỉ còn lại những âm thanh trong như suối, mềm như gió, sắc như ánh mặt trời. Các quan ngài say sưa nghe từ trưa sang chiều, từ chiều sang đêm, trăng thanh gió mát tiếng đàn ca càng lúc càng mê hoặc. Quan tây thưởng, quan ta khen, gia đình ca kỹ châng lâng trong hạnh phúc tận cùng.
Tàn đêm hôm ấy, bà lau những đầu ngón tay rớm máu cho ông. Ông nằm sóng xoài trong lều chợ, cố nâng bàn tay mình, đặt lên môi bà, vuốt nhẹ xuống cổ bà, khe khẽ nói: “Cái cổ họng này, không phải là cổ người, là thần thánh mới phát ra những âm thanh như vậy, đời này, ta gặp may rồi”. Vậy là ông buông tay, buông cả hơi thở, buông cả mẹ con bà.
Đắp mộ cho ông bên bờ sông Vạc, ngay gần gốc cây nơi ông bà gặp nhau, người ca kỹ lại ngày ngày ôm con ra đầu chợ hát xin bánh dẻo, bánh rán cho thằng cu Ấm, đêm đêm lại gối đầu lên mộ ông mà ngủ. Thằng Ấm nằm trên bụng mẹ, cuộn tròn như con mèo con ngủ ngon lành. Vậy mà bà mới chỉ thiếp đi một giây ngủ sâu, thằng Ấm đã biến mất, có ai đó đã bế nó đi, còn trùm lên đầu bà một cái bao tải tẩm đầy hóa chất. Bà lang thang khắp nơi tìm nó, vừa đi vừa hát, những bài hát mà nó nghe từ lúc còn trong bụng mẹ... nghe nhiều như vậy, nó không thể quên đâu...
Bà tựa hẳn lưng vào gốc cây, gốc cây lành lạnh rồi ấm dần, ấm như lưng ông Chánh vậy. Trăng vẫn buông từng chùm sáng ma mị xuống dòng sông, Sợi rễ cây to nhất vươn dài ra sông, thõng mình xuống uống trăng, nhưng bà không nhìn thấy nữa, đôi mí mắt đã sụp xuống, chùm kín tròng mắt của bà rồi. Côn trùng cũng thôi không kêu vì tiếng hát của bà khiến chúng không thể cất lời. Dòng sông cũng thôi không chảy nữa.
Sáng hôm sau, khi những tia bình minh đầu tiên của ngày mới chiếu xuống mặt sông phẳng mịn như gương, không một tia sáng nào hắt ngược trở lại mặt đất. Chúng dồn tụ lại thành một quầng lửa màu hồng ngọc, quầng lửa mang hình dáng hài nhi cuộn tròn trong lòng mẹ, nằm sâu dưới đáy sông, nơi sợi rễ cây to nhất đâm xuống nước.
Đó không phải là dòng sông nơi người ca kỹ gặp ông Chánh Tương gần một thiên kỷ trước, nhưng là con sông cái, mang nước về khắp các dòng sông nhỏ trên dải đất này.
V.T.L
(SH322/12-15)