Truyện ngắn
Hai ông Kẻ Khoán hai làng giáp ranh
10:13 | 22/09/2016

VĨNH NGUYÊN

Cho đến bây giờ, người dân hai làng Vĩnh Tuy, Trung Trinh đều không biết hai ông Kẻ Khoán họ gì, tên gì? Chỉ biết rằng họ rất “nổi tiếng”. Nhân một mâu thuẫn về đất ruộng, hai ông cãi nhau, đánh nhau đến kiệt sức rồi chết cùng một lúc ngoài đồng. Họ thành nấm mộ chung, còn gọi Mả Ngài!

Hai ông Kẻ Khoán hai làng giáp ranh
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Mả Ngài linh thiêng lắm. Ai tới đây mà không cung kính còn giở thói ba trợn ba trạc là Ngài quở. Ngài bắt phải đau. Ngài bắt phải điên tàng tùy theo mức độ vô lễ, hỗn xược.

Chức phận hai ông lúc bấy giờ trong hương ước mỗi làng ghi thế nào không rõ. Còn người dân thì quen gọi họ là ông Kẻ Khoán.

Kẻ, nghĩa ở đây là kẻ đồng. Nếu kẻ theo nghĩa bề trên để quát nạt người khác, như ai để trâu bò ăn lúa, vô ý cuốc bờ để nước chảy khô ruộng vân vân… Còn gọi cả hai chữ Kẻ Khoán ở đây là, nói gọn: Kẻ coi đồng.

Hai ông Kẻ Khoán có thể không có chữ nào trong đầu? Không có chữ nhưng họ hiểu nghĩa. Phải hiểu nghĩa mới biết mình biết ta. Nghĩa trong mình càng chật thì tính cương trực càng cao càng quyết đoán mọi việc rõ ràng, sòng phẳng. Điều này cần bản lĩnh và nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp. Khi không chịu được sự bất công là phản công tới cùng để tìm ra chân lý.

Lý phải đi trước. Sự việc đi sau.

Đáng ra là phải như vậy. Nhưng chuyện hai ông Kẻ Khoán này, khởi đầu là do thiên tai gây ra. Hai ông Kẻ Khoán thiếu học. Lại đưa cái sự lên trước cái lý, rồi một chút chủ quan, lắc đầu cho qua chuyện “rồi sẽ có làng xử” dẫn đến uất khí đánh nhau đến chết là một điều đáng tiếc.

Đáng tiếc thật. Bởi làng quê ấy là có thật. Con người ấy là có thật. Đồng Cồn Vải là có thật. Mả Ngài là có thật. Ấy mà, không ai còn biết hai Ngài Kẻ Khoán họ tên gì? Để khi một ai đó kể lại chuyện thì, bởi thế này, “tương truyền” thế nọ, “giả sử” thế kia…

*

Làng Vĩnh Tuy sơ khởi mang tên Viễn Tuy. Rồi mới đến Phước Tuy. Chẳng rõ kỵ húy thế nào đổi ra Vĩnh Tuy cho đến bây giờ.

Viễn có nghĩa xa lắm. Xa dài dằng dặc. Xa sâu không ai thấy được. Có thể chuyện hai ông Kẻ Khoán rơi vào thời Viễn… nên người thời nay mới khó biết họ tên hai ông?

Chỉ nói riêng xã Vĩnh Ninh thuộc tổng Long Đại (cũ) có hai ngôi làng lớn là Văn La và Vĩnh Tuy. Hai làng này đất rộng, người đông, hoa trái trù phú và có quan triều đình nổi tiếng là phò mã Hoàng Kế Viêm và Thượng thư Hà Văn Quan.

Làng Trung Trinh đất hẹp, dân cư ít, vị trí không đắc địa về mặt thương mại, lại kẹp giữa hai làng lớn Văn La, Vĩnh Tuy. Nhưng, không hiểu sao trong tổng Long Đại, làng Trung Trinh được lập thị tứ trước(*)?

Làng Trung Trinh lập thị tứ trước nên người dân Trung Trinh khôn hơn người dân Vĩnh Tuy.

Một ví dụ: Hòa bình lập lại năm 1954. Người dân Vĩnh Tuy chưa biết buôn bán. Bà Hương Lộc, Trung Trinh đã cất gánh hàng rong sang “trụ bám” làng Vĩnh Tuy. Bà Hương Lộc khôn khéo chọn cây sanh quanh năm tỏa bóng xanh mát đặt gánh mà thành “Chợ”. Cây sanh nằm giữa ngã ba của trục đường chính chạy dọc giữa làng; có hai lối rẽ bao cây sanh để xuống giếng Cây Cừa, cách cây sanh chỉ ba mươi mét. Ngày xưa làng Vĩnh Tuy không ai đào giếng riêng, nên Cây Cừa là giếng làng. Giếng Cây Cừa trong mát. Bởi mạch nước giếng từ hai nguồn suối Đá Giăng, Biền Rôộng nên hạn hán vẫn không khô. Nước giếng Cây Cừa pha trà còn ngon thơm hơn nước mưa hứng ở cây cau.

Giếng Cây Cừa thành nơi tụ hội của dân làng. Người đi làm đồng về dù có trưa một chút, có vòng xa hơn một chút, vẫn ghé Cây Cừa uống gàu nước cho đã. Rửa mặt, chân tay cho mát, còn ghé bà hàng xén răng đen Hương Lộc mua cái kim, cuộn chỉ, bánh đường đọi… mới về nhà. Giếng Cây Cừa còn là “trụ sở” thông tin truyền thông: Một đứa trẻ ra đời. Một người mất. Một vụ bị làng phạt… Hàng ngày, ai ghé Cây Cừa là biết hết mọi chuyện.

Ca ngợi vẻ đẹp của làng, anh Hà Chứng có sáng tác bài hát, có câu: “Làng Vĩnh Tuy ta gần hai ngàn người… Có giếng nước trong là giếng Cây Cừa… Mát lòng thêm tươi… Mát lòng thêm ưa…”.

*

Chuyện hai ông Kẻ Khoán tưởng đã đi vào quên lãng thì, đến năm 1950 mới được “khui” ra nhờ một người điên.

Xưa nay vùng này chưa có ai điên. Nay bỗng dưng làng Vĩnh có một ông điên rất lạ. Hàng ngày, hết tốp trẻ này đến tốp trẻ khác cứ quấn lấy ông, chạy theo ông trêu chọc. Ông dọa. Ông giơ nắm tay dứ dứ nhưng không đánh vào ai bao giờ. Gặp được ông điên như vậy vui lắm. Nhiều đứa trẻ cũng giơ tay dứ dứ lại ông. Và ông cười.

Nhưng khi ông lên cơn thì thật khủng khiếp. Ông xé áo xé quần la hét. Đôi tay ông nắm lại như võ sĩ đấm bốc. Hai tay ông tự đấm vào mặt, vào đầu ông. Tai mắt mặt mũi tím bầm. Máu mũi chảy ra lòng thòng khắp nhà. Chị, em thương xót lấy khăn lau cho là ông đánh, xô ngã nên ai cũng sợ. Ai động đến ông, ông càng hung dữ. Đang trần truồng ông vẫn chạy ra đường. Thấy cây chuối nhà ai chìa ra đường là ông thích lắm. Ông nhắm nhe cây chuối một hồi rồi miệng khạc khạc, nhổ nước bọt. Mắt trợn tròng xông tới. Ông đấm vào cây chuối. Cây chuối rung rinh. Ông dang rộng vòng tay đấm cầu vồng. Cây chuối đổ gục. Rồi ông lại chạy. Ông chạy vào vườn bất kỳ một nhà ai đó. Gặp ngay cây mít đầu ngõ. Ông ôm lấy cây mít. Ông vặn người vật với cây mít. Cây mít không nhúc nhích. Ông tức. Ông đấm vào cây mít. Hai tay ông bật máu. Ông ngã lăn quay dưới gốc mít. Ông nằm thở. Mồ hôi mồ kê đầm đìa mày mặt, tóc tai. Hai mắt ông vẫn trợn trừng trừng.

Rồi ông điên vùng dậy. Ông vẫn trợn trừng trừng nhìn cây mít. Nó là đối thủ. Ông điên gừ gừ như con gấu. Thét một tiếng vang. Ông lao vào cây mít. Hai tay ông đấm cầu vồng như điên như cuồng vào thân mít…

Chuyện ông điên làng Vĩnh đánh với cây mít tướp tay, máu me vung vẩy đầy mình lan đến làng Lệ Kỳ, Văn La, Võ Xá và cả tổng Long Đại… Người ta mới phẩm bình: “Rứa là vùng đất ta cũng có người nổi tiếng. Nó chẳng khác chi cái ông chi bên Tây, ngày cũng như đêm, cứ đánh với cái cối xay gió ấy mà!”

Những gia đình biết ông điên đánh cây chuối, cây mít ngoài ngõ là chuyện như cơm bữa. Không còn ai để ý, can thiệp làm gì. Ông điên ấy mà! Cây chuối bị ông đánh gãy. Chốc nữa ra lấy vào thái cho heo. Ông điên nhiều khi vứt áo vứt quần ngoài vườn, ngoài ngõ, ngoài đường thì sau đó, người lớn hay trẻ em bắt gặp đều mang về cho mẹ ông để bà giặt giũ. Tội nghiệp! Sao gia đình ấy tốt thế. Con cái lại có học hành mà mang cái “đận” gì vào thân như vậy?

*

Ông điên sinh vào khoảng năm 1925, tên là Đỗ Ngộ. Ông là con ông Đỗ Bui. Nghe đồn từ nhỏ Ngộ học rất giỏi. Ngộ nói được tiếng Pháp. Nhưng Ngộ không đỗ ông Nghè ông Cống gì cả. Thời xưa không kiếm được cái tước gì thì chỉ ở nhà làm ông giáo làng.

Gia đình ông Đỗ Bui làm ruộng như mọi gia đình. Gia đình không giàu có, nhưng đủ ăn mới cho Đỗ Ngộ học chữ. Vì có chữ nên gia đình không cho Ngộ theo việc cày bừa hoặc làm thợ sơn tràng vác gỗ nổi tiếng như ông Hà Chóp cùng xóm, dẫu biết con mình cao to khỏe mạnh.

Đến năm 1950, quân Pháp cho xây lô cốt và đồn Vĩnh Tuy, thì Ngộ đã ở tuổi hai lăm. Một trang nam nhi cường tráng, đẹp mã. Lô cốt chỉ có quân lính người Việt đóng. Còn đồn Vĩnh Tuy có sĩ quan Pháp chỉ huy.

Viên sĩ quan Pháp cho tay chân vào làng thăm dò những người biết tiếng Pháp thì “mời” lên đồn. Đợt ấy lên đồn Tây sáu người. Trong sáu người ấy nghe nói Đỗ Ngộ nói được hơn cả. Năm người kia chỉ là nói “bồi”. Nhưng quan Tây chỉ chọn một trong năm “nói bồi” làm tay chân cẩn mật. Bốn người kia sau đó đi lính cho Pháp, nên dân làng gọi họ là “binh”. Như binh Bất, binh Cật, binh Bê…

Đỗ Ngộ nói tiếng Pháp chuẩn, nhưng không được chọn làm tay chân. Chắc Ngộ to con lực lưỡng, lại đứng cao hơn viên chỉ huy Pháp đến nửa cái đầu nên hắn mới ngại chăng?

Đỗ Ngộ không được làm thông ngôn, không được gọi đi lính. Ngộ vốn nông dân trở về với nông dân. Lâu lâu, người dân làng thấy Ngộ đi ra đồng. Ngộ đi lên đồng cạn. Ngộ đi xuống đồng sâu. Ngộ lên đập Điều Gà. Ngộ tới đình làng. Ngộ đến đồng Cồn Vải - Mả Ngài. Ngộ xuống sông tắm. Chạng vạng tối, Ngộ mới trở về. Qua cánh đồng làng, bóng Ngộ ra trần. Áo ướt vắt vai. Lực lưỡng như một đô vật.

Thấy Đỗ Ngộ đi từ xa, có người chế “thất sủng thông ngôn”. Biết người làng chê bai mình, Ngộ tức anh ách trong bụng nhưng lặng lẽ làm thinh!

Đận ấy, Ngộ lên cơn sốt cao. Cha mạ lấy lá rau tần, diếp cá giả nát ém rặt lên trán cho Ngộ hạ nhiệt. Ngộ gạt hất đi. Cha mạ tiếp giả ém rặt nắm lá khác. Ngộ khó chịu điên tiết nắm thuốc dẻo lệt sệt ném vào mặt cha, thét: Giết! Giết! Giết nó!

Ngộ nhảy khỏi giường, xé áo, xé quần, tồng ngồng chạy ra sân. Ông Bui chạy theo ra ôm lấy con. Ngộ hất tay một cái, cha Bui ngã lăn xuống đất.

Ôi làng xóm ôi! Bà Bui kêu chới với.

Người láng giềng đã đứng chật ngõ. Ngộ không chạy ra đường mà chạy vòng quanh vườn. Một vòng rồi nhiều vòng. Vừa chạy Ngộ vừa la vừa hét: Giết! Giết! Phải giết! Ngộ là đấng nam nhi. Nhiều gái làng xinh đẹp đã để ý. Ông bà Bui đã ướm mấy đám, nhưng Ngộ gạt phắt.

Ngộ chạy huỳnh huỵch. Hành tỏi bung bật bịt tới tấp. Lũ con gái ối ối ré ré chạy dạt ra. Cổng ngõ đã có khoảng trống. Ngộ chạy ra đường. Không ai dám vào ôm Ngộ. Ngộ khỏe. Thịt da Ngộ đỏ ong bóng nhẫy mồ hôi. Ai động tay vào Ngộ, Ngộ hất một cái là tuột.

Chẳng biết do thói quen hay Ngộ vẫn còn nhớ. Nhà bà Não trước xóm đồng có nuôi heo nái. Lúc nào cũng có cây chuối thái cho heo. Ngộ xông vào nhà bà Não vác khúc chuối chạy ra đồng: Giết! Giết! Giết nó! Ngộ hét. Ngộ đè khúc chuối xuống ruộng. Hai nắm tay đấm vào cây chuối tới tấp. Ngộ ôm khúc chuối lăn vòng trên đồng đất còn rạ chưa cày ải. Hai bàn tay Ngộ bóp mạnh vào thân chuối. Mười đầu ngón tay Ngộ bấm lút sâu vào khúc chuối. Mắt trợn trừng. Miệng kêu ặc ặc. Ngộ ngất lịm…

Dân làng Vĩnh Tuy đã chứng kiến những hành động điên của Đỗ Ngộ.

Một cụ già tóc bạc phơ, vuốt bộ râu cằm bạc phơ, nói: Đó là hình ảnh hai ông Kẻ Khoán đánh nhau đến chết ngày xưa!

Đúng. Nhóm người chạy theo Ngộ ra đồng. Nhóm đang vực ông Bui lên giường xoa bóp cũng đều công nhận như vậy. Ngộ bị Ngài quở mất rồi! Nhiều người nói: Ông bà lo sắm lễ ra Mả Ngài khấn vái để Ngài tha cho nó.

Đúng. Chị Bòng cạnh xóm nói thêm vào: Chiều tê đã gần tối. Tui còn cào cỏ ở đồng Cồn Vải. Tui chộ eng Ngộ có đi tới Mả Ngài mà ở trần. Tay lắc vòng cái áo rồi sau đó xuống sông tắm.

À, té ra rứa!...

Có người cấp báo đến ông Lý tin dữ ở gia đình Đỗ Bui. Lý trưởng lần tới. Thấy ông Lý, ông già râu tóc bạc phơ cúi người bẩm thưa: Thằng Ngộ con ông bà già bỗng dưng nổi cơn điên như rứa… như rứa…

Ông Lý vuốt vuốt bộ râu đã muối tiêu phân trần: Chuyện về Mả Ngài ở đồng Cồn Vải không ai thấu suốt bằng ông Văn Mẹo ở xóm một. Ông Văn Mẹo họ Nguyễn, vốn dòng con nhà Nho trải qua nhiều đời, thông minh sắc sảo, kim cổ đông tây. Chuyện làng chuyện nước xa xưa là phải qua ông ấy. Ông Văn Mẹo thọ đến trăm tuổi. Đoạn ông Văn Mẹo yếu mệt, sau đó mất. Tôi tới thăm ông. Tôi có hỏi về cái sự tích Mả Ngài xưa, ông Nguyễn Văn Mẹo kể lại rành rẽ như thế này:

“Ngày xưa… ở đồng Nhà Tràn có bụi Tre Một. Dưới bụi Tre Một có cái miếu thờ thần bằng cột gỗ lim. Đó là miếu thờ thần đồng thời là ranh giới đất ruộng giữa hai làng Viễn Tuy và Trung Trinh. Một năm nào đó lụt to, bão mạnh đã phá bờ, hất bay bụi Tre Một. Miếu thờ thần cũng biến mất tăm.

Bão tan. Nước rút. Ông Kẻ Khoán làng ta cùng nhiều trai tráng đi lặn mò dưới bàu Nhà Tràn, mò tìm tận dưới Đuồi sâu nhất mà vẫn không thấy. Bên làng Trung Trinh cũng cho người đi tìm vẫn không được.

Có một ông ăn xin miệt làng dưới đói quá khổ quá. Mới tan lụt bão. Người người đang mệt, đang búi xùi xùi mà ông đã xách bị lên đây. Chưa xin thứ gì, ông đã hớn hở nói: Người làng Viễn các ông mò tìm cột miếu thờ Thần chứ gì? Làm gì còn ở Bàu mà mò. Cái cột to thế nặng thế mà nước nó xoáy xuống đến sông. May nhờ có gốc bần trụ vững níu lại. Trên cột trụ có giá đỡ bàn thiên. Cái giá đóng chắc lắm mới không buột khỏi gốc bần.

Răng mà ông biết? Người nhà hỏi.

Thì tui lội tắt qua bàu cho nhanh. Tui định đi dọc theo bờ sông lên làng Chợ Gỗ trước. Nước đã rút xuống nửa cây bần. Cột lim lộ ra. Cái cột mà người làng hay gọi Miếu Tre Một. Là kẻ đi ăn xin, tôi còn lạ gì. Giờ cái “tai” của nó đang móc vào thân cây bần.

Ông Kẻ Khoán mới tới đã rõ hết chuyện, nói với chủ nhà: Cho tui mượn ngảu lúa. Bà vợ chủ nhà bưng ngảu lúa ra. Kẻ Khoán đổ ngảu lúa vào bị ông ăn xin, nói: Đây là phần thưởng của làng biếu ông đã báo tin vui!

Đoạn ông Kẻ Khoán đốc thúc một vài trai tráng trong xóm đi lấy cột Miếu.

Cột Miếu đây rồi! Ngày trước ông mộc nào tra mộng mà chắc thế? Nếu nó lỏng, lung lay thì cái cột buột xuống đáy sông Nhật Lệ mất rồi. Ông ăn xin xứng đáng hưởng ngảu lúa.

Cột Miếu được các thanh niên khiêng về đồng Cồn Đắng thì tạm nghỉ. Ông Kẻ Khoán nói: Bờ đất Bụi Tre Một, nước xô lở đến mười lăm mét. Nước đang chảy xiết. Bây giờ các anh ở đây giữ cột miếu. Ba anh đi theo tôi. Tôi phân công: Một anh tới đứng bụi Tre Một làm “vè”. Anh thứ hai đứng mép đồng Cồn Vải (vè 2). Anh ba theo tôi vào cầu Nương Hai làm “liên lạc”. Khi nào tôi phất tay qua phải hay qua trái, thì liên lạc phất tiếp để nhóm vác cột miếu di chuyển thành một đường thẳng. Khi nào tôi phất cả hai tay xuống (có nghĩa thẳng rồi, đúng rồi), thì nhóm cột miếu giữ yên lấy nó. Chờ tôi.

Và, cột miếu được chuyển đến một vị trí trên đồng Cồn Vải.

Bên làng Trung Trinh hay tin Viễn Tuy đã tìm được cột miếu thì cho người đi báo với lý trưởng và ông Kẻ Khoán. Ông Kẻ Khoán làng Trung Trinh đang theo đám người bà con chết do bị sập nhà, nói: “Bên làng Viễn họ tìm được cột Miếu là tốt rồi. Có gặp ai bên nớ thì cứ nói tôi đang bận việc”.

Đáng lẽ, cái anh “tiêu” Cồn Vải phải chọn vị trí đứng trên bờ. Cái cột Miếu sẽ được chôn ở đó. Nhưng anh lại đứng dưới ruộng nên phải di cột một chút. “Sai một ly đi một dặm” đây! “Tiêu” bụi Tre Một nước xói nên đâu có chính xác, lại sai thêm một ly nữa? Vào Cầu Nương Hai đến hơn nghìn mét nhắm lại thì lâu quá. Trưa rồi. Tụi nó chắc đói lắm rồi. Tuổi chúng nó mà giờ này chưa có chi vào bụng là oải lắm. Nếu quyết định chôn cột ở vị trí này thì cột miếu sẽ chệch về phía đất làng Trung phải hơn một mét? Không có ông Trung Trinh mệt ghê! Thôi thì chôn tạm vậy đã. Chờ hai làng bàn tính, rồi đắp lại bờ. Cái cột miếu phải cố định ở bụi Tre Một mới chính xác được.

Ông Kẻ Khoán làng Viễn nghĩ thế, nhưng không hề nói với tốp thanh niên, rằng cột miếu bị chệch. Nghĩa là chưa chính xác về ranh giới.

Kẻ Khoán làng Viễn quyết định chôn tạm cột miếu. Mọi người cùng ra về.

Sáng hôm sau, Kẻ Khoán làng Trung đã đến trước đứng chờ Kẻ Khoán làng Viễn ở vị trí bụi Tre Một. Nước vẫn còn chảy xiết. Và, Kẻ Khoán làng Viễn cũng bước tới đó.

Kẻ Khoán làng Viễn lên tiếng: Nó bứt cả đoạn bờ dài nên không xác định đúng vị trí bụi Tre Một. Nước còn chảy thế ni. Chôn cột ở đây vất vả anh em quá.

Phải. Không mất cột miếu là mừng rồi. Còn chôn tạm thì chôn ở đâu cũng được. Ngừng một chút, Kẻ Khoán làng Trung thêm: Nhưng mà chôn “lệch”?

Cha chả! Thằng cha này ra sớm. Đã đứng trong cầu Nương Hai nhìn ra. Đứng ở cột Miếu mới nhắm vào và phán “lệch” là siêu. Nó chưa nói là lệch bao nhiêu, nhưng đã buông chữ “lệch” là siêu! Hôm qua, nhắm lại mình đã biết. Cũng định bảo anh em nhổ lên đào hố khác chôn lại. Nhưng trưa quá rồi. Cũng phải thương đám thanh niên này đang đói chớ!

Hai ông Kẻ Khoán cùng đi ra chỗ chôn cột miếu mới. Ông buông chữ “lệch” thì lặng lẽ đi. Ông “cha chả” là ý nghĩ trong bụng chưa bật ra. Dù công nhận là hắn siêu, nhưng chưa chi hắn đã độp một phát trước mặt ta mới ứa máu làm sao!

Sao? Nói lệch là lệch như thế nào?

Là lệch về đất làng Trung chứ thế nào nữa?

Lệch bao nhiêu?

Một mét.

Kẻ Khoán làng Viễn nổi cơn gàn: - Ngắm lại đi! Đo lại đi!

Không cần ngắm. Không cần đo.

Rứa răng hôm qua mày không ra mà ngắm mà đo?

Tau bận!

Bận bận, bận cái con c!...

Này, mày chửi tau đó à?

Rứa còn ai ở đây nữa? Làm thằng Kẻ Khoán mà lụt xói mất miếu thờ Thần mà không chịu đi tìm còn kêu bận bận. Mày bận cái l!...

Mày làm cái l. thì có. Đo đo ngắm ngắm là ngắm cái l… nên mới đo gian!

Mày bảo ai gian?

Thế là hai ông Kẻ Khoán huỵch nhau!

Không còn lịch thiệp ông - tôi. Không còn nhớ lời chôn tạm cột miếu ranh giới để chờ chức trách hai làng bàn bạc. Tau - mày một hồi thô thiển đến buông lời tục tĩu nhớp nhúa vả vào mặt nhau.

Hai Kẻ Khoán điên tiết húc vào nhau đâu phải đôi bò mờm béo tốt mà là đôi “bò già” khẳng khiu. Hai ông đều đứng tuổi năm mươi. Cái tuổi “tri thiên mệnh” đáng ra phải nói năng, cư xử cách khác. Cái tuổi biết cả việc Trời, và công việc khoán đồng ít nhất cũng đến hai mươi năm có dư, thừa kinh nghiệm sao lại còn làm trò trẻ nít?

Nhưng mà, biết làm sao được nữa. Hai Kẻ Khoán càng già thì chất kẻ đồng, kẻ chợ càng lộ rõ. Cú lao húc đầu tiên, chân hai ông đều vấp phải đất mới cày nên đều ngả ngửa. Họ lọ mọ đứng lên! Lần này không húc như kiểu trâu bò dài sừng. Hai Kẻ Khoán lao vào nhưng giữ khoảng cách để chơi tay bo. Đấm và thoi. Sợ vấp đất cày tự té là nguy với đối thủ nên không có cú đá nào. Họ chỉ có đấm và thoi. Bốp! Kẻ này bị trúng đòn thì xoay trở tìm cách cho đối thủ trúng đòn lại. Bốp rồi bốp. Bên nào cũng tới tấp bị trúng đòn. Mặt mày hai Kẻ Khoán thâm tím. Một Kẻ chảy máu miệng. Một Kẻ chảy máu mũi. Thế là huề. Không được. Phải vật. Phải lấm lưng trắng bụng mới biết tay nhau. Mới phân ai thắng ai? Họ lao vào ôm. Ủi và vặn. Bỗng một cú đánh hiểm. Một kẻ ngã xuống dưới. Nhưng kẻ ấy chống được chân hất ngược trở lại đè lại kẻ kia. Kẻ kia là kẻ có cú đánh hiểm cho đối phương ngã trước. Làm sao để chịu lấm lưng bèn nhanh như chớp đảo tay vòng kheo chân đối thủ lật lại. Không ai phải chịu nằm dưới, cho nên, từ đây hai Kẻ Khoán lăn vòng như kẻ điên lăn vòng cùng khúc cây chuối. Làm cho đám đất mới cày ải chưa tháo nước vào như có vồ đập tơi, bằng địa.

Tự nhiên, hai Kẻ Khoán thả lỏng tay lăn ra hai phía. Kẻ Khoán làng Trung chống tay đứng lên nói: Sáng ni tau ra sớm chưa ăn chi. Đói. Về ăn cơm đã.

Không! Mày không xứng Kẻ Khoán! Mày đòi về ăn là Kẻ hèn, Kẻ thua, Kẻ nhục! Tau cũng chưa ăn chi, cũng đói. Làm thằng Kẻ Khoán là phải dứt khoát. Đánh tiếp không?

Thì đánh! Phen ni tau quyết đè bẹp mày!

Kẻ Khoán làng Viễn ra đòn lao vào. Đám đất dưới chân họ vụn nát như trước cầu môn bóng đá bị dẫm đạp những dấu giày. Lợi thế ấy, Kẻ Khoán làng Trung ra đòn đá quét. Á chà! Mày muốn tau ngã trước hả? Mày muốn tau ngã để mày đè hả? Thì đá này! Thì đá này! Kẻ Khoán làng Viễn vừa hét vừa đá quét lại. Đá nhau một hồi không ra môn, ra khoai gì, Kẻ Khoán làng Viễn lao thẳng vào đấm rất hung. Tay đấm tay phòng thủ. Rồi lại đổi tay đấm.

Kẻ Khoán làng Viễn thế mạnh ở những cú đấm thẳng. Bị mấy đòn vào mặt, vào mũi rồi. Nước mũi chảy ra nong nóng chắc là máu. Nghĩ nhanh, Kẻ Khoán làng Trung vờ xuống tấn tránh đòn rồi lao vào ôm eo lưng. Thế mạnh Kẻ Khoán làng Trung là vật.

A! Một tiếng “a” khủng khiếp. Kẻ Khoán làng Viễn vít cổ đối thủ rồi cắn phập một nhát vào đó. Hai Kẻ Khoán ôm cứng lấy nhau và cùng ngã. Bị cắn cổ đột ngột, Kẻ Khoán làng Trung cố đẩy đầu địch thủ ra nhưng không được nữa. Vội vòng hai tay bóp lấy cổ đối phương. Hai ngón tay cái cố ấn sâu vào lõm yết hầu đối thủ. Bên cắn cứ cắn không nhả. Bên bóp cứ bóp không rời. Đôi chân của họ đã bện vào nhau như là bốn con rắn. Hai tay Kẻ Khoán làng Viễn riết chặt cổ đối thủ để hàm răng không còn rời ra. Đôi tay Kẻ Khoán làng Trung như hai gọng kìm bấm vào chỗ lõm yết hầu. Dưới lưng họ nằm đẫm một vũng máu. Kẻ Khoán làng Trung đã đứt động mạch cổ.

Hai ông Kẻ Khoán từ tay đến chân đã cứng đơ như tháp đóng đinh. Tim hai ông đập yếu ớt một chặp rồi cùng im lặng. Họ đã về thế giới bên kia!”

*

Đầu giờ Mùi, dân làng Trung ra đồng. Thấy cái cột mới chôn lạ thì kéo nhau tới. Chao ôi! Ai nấy đều giật mình: Hai ông Kẻ Khoán nằm chết queo cạnh cái cột. Trời đất ơi! Răng đến nỗi ni! Mấy người chạy về làng loan báo. Một người chạy về phía làng Viễn. Gặp người làng Viễn, lại thông báo việc hai ông Kẻ Khoán chết ngoài đồng Cồn Vải. Thế là rùng rùng người chạy báo chuyện dữ từ làng trên, xóm dưới...

Mọi người tới nơi đều thấy lạ. Sao hai ông lại cắn cổ, bóp cổ nhau mà chết? Hai ông ngừng thở lâu lắm rồi. Chân tay họ dính cứng vào nhau lạnh ngắt. Một vũng máu dưới đất đã bết chặt quần áo hai ông như keo dán. Miệng Kẻ Khoán làng Viễn vẫn cắn chặt cổ Kẻ Khoán làng Trung. Đôi tay Kẻ Khoán làng Trung vẫn bóp cổ Kẻ Khoán làng Viễn. Thân người hai ông đã cứng như đá.

Dân hai làng kéo đến vây kín đồng Cồn Vải. Họ chứng kiến một sự chết lạ lùng xưa nay chưa từng có. Vợ, con hai ông hay tin chồng, cha chết thì khóc sướt mướt từ nhà. Nhưng ra đến đây thấy vậy thì nước mắt bỗng ráo hoảnh.

Lý trưởng hai làng bảo bà con về nhà lấy rượu ra phun để gỡ hai ông ra.

Đoạn hai vò rượu được bưng ra.

Mấy người to, khỏe húp rượu căng mồm rồi phun vào tay chân hai ông. Có người lấy cả bát múc tưới cho đẫm. Vừa phun bằng mồm, vừa tưới bằng bát. Người thử rung tay. Người kéo tách chân, nhưng tay chân hai ông cứng ngắc như đinh đóng. Họ đã cứng như đá. Vũng máu dưới đất đã khô. Nay rượu tưới xuống nhão ướt loang ra mới khiếp. Người lấy khăn thấm rượu lau máu trên mặt cho hai ông. Máu khô và dày quá. Tội nghiệp quá!

Thưa hai ông Lý: Rượu cả bàu xối xuống cũng chịu thôi. Tay chân hai ông đã khô, giòn như củi. Nếu kéo mạnh là gãy. Chỉ còn cách dùng dao tháo khớp.

Bậy nào! Làm thế tội chết!

Hai ông Lý mời hai gia đình tới chỗ cột miếu bàn việc.

Bầy chim chiền chiện bỗng đâu bay tới lượn mấy vòng trên đầu mọi người rồi cùng hót chiếc… chiếc… chiêu… chiêu… chiếc… hết sức thảm thiết. Chim chiền chiện còn được gọi là chim sơn ca của ruộng đồng thường hót sáng, chiếp… chiếp… chiếp… nhiêu nhiêu… mừng ngày mới. Và thường hót vào tầm chiều, châu… châu… châu… chầu … chầu… trước khi về tổ ấm. Đang giữa giờ Mùi. Nắng chang chang mà chiền chiện bay tới hót thảm chiếc… chiếc… là chuyện hệ trọng lắm rồi đây!

Ông Lý làng Viễn nhìn bầy chim và nghe chúng hót một hồi não nùng… rồi nói với hai gia đình và bà con quyến thuộc:

- Ai rồi cũng về với tổ tiên ông bà. Hai ông Kẻ Khoán về cùng một lúc thì lạ lắm. Đã bao năm rồi hai ông đã làm tốt công việc làng giao. Chưa để sơ sẩy điều gì. Hai ông cũng chưa hề có chuyện hiềm khích gì nhau. Nay bỗng xẩy ra chuyện như vậy âu ông Trời đã định số cho hai ông. Giờ hai ông dính vào nhau làm một không thể gỡ ra được âu cũng do Trời định đoạt. Vậy hai làng xây cho hai ông Kẻ Khoán một mấm mộ chung. Đây là đám tang đặc biệt. Dân hai làng cùng đứng ra lo liệu. Phải làm đám thật to cho xứng với công lao của hai ông. Ai có ý kiến gì chăng?

Mọi người im lặng.

Ông Lý làng Trung tiếp lời: Tôi cũng đã trao đổi với ông Lý làng Viễn. Thay mặt dân làng Trung, chúng tôi đồng lòng làm lễ hạ huyệt hai ông Kẻ Khoán cùng một mộ. Ngay bây giờ có mấy việc phải làm gấp:

Một là: Bà con về chặt tre, đan tranh, dựng rạp che nắng cho hai ông.

Hai là: Thợ mộc hai làng đóng áo quan thật rộng.

Ba là: Cho người chạy mau về Đồng Hải (tên Đồng Hới xưa) tìm các thương lái mua cho được mười hai thước vải (màu gì cũng được) để về “mặc” cho hai ông.

Bốn là: Hai ông Kẻ Khoán đã chọn đất đồng Cồn Vải làng Viễn, thì huyệt mộ Hai Ngài phải táng nơi đây.

Năm là: Lễ hạ huyệt vào giữa giờ Dậu.

Mọi người mau về làm gấp cho kịp.

Lời ông Lý làng Trung là hiệu lệnh. Mọi người tỏa về các ngả theo việc.

Trên thi thể hai Ngài Kẻ Khoán, những chiếc nón được kết bằng tay để tạm che nắng cho hai Ngài là những bà con thân thích cùng một số dân làng.

Hai ông Lý làng Viễn, làng Trung làm luôn việc thầy địa. Họ ngắm núi, ngắm sông rồi lấy que cắm chừng. Mấy thanh niên trai tráng bắt đầu đào huyệt.

Trước giờ Dậu mọi việc đã hoàn tất.

Lán rạp đã dựng cột. Mái lán lợp rạ. Đội nhạc lễ hai làng kết hợp, chọn một góc rạp đã tấu lên khúc nhạc buồn tiễn đưa “ọ… i…. e… tùng… tùng… tùng… xoảng… xoảng… xoảng… ọ… ọ… thương tiếc não nề!...

Ban thờ hướng lên phía núi Đầu Mâu. Ban thờ kết ba tầng: tầng thượng, tầng trung, tầng hạ. Tầng nào cũng đặt hương đèn, hoa quả, vàng mã tươm tất. Tầng hạ có bài vị hai Ngài Kẻ Khoán. Hai đọi cơm trắng. Hai quả trứng trắng xóc đũa cùng rượu, thịt, cơm cá, tôm cua, rau dưa… tươm tất.

Người ta đưa vào cạnh tầng hạ một chiếc chõng tre rộng mới đóng. Họ đưa thi thể hai ông Kẻ Khoán lên chõng có lót chiếu hoa ở dưới. Những tiếng khóc rộ lên: anh ơi, cha ơi, bác ơi, chú ơi… cùng khúc nhạc buồn thê thiết quá chừng!...

Người ta dùng kéo xẻo dần quần áo hai ông cho vào rổ để sau đó cùng hóa với vàng mã. Hai ông Kẻ Khoán được tắm bằng rượu. Những người quen việc ma chay, đôi tay của họ khéo léo thanh thoát. Khăn tẩm rượu lau từ đầu tóc mặt mũi lau xuống. Hành, tỏi hai ông cũng được tẩm rượu thật đẫm để lau, rửa kỹ càng.

Thi thể hai ông như hai cành cây khô. Nếu dựng đứng thì thành bức phù điêu tạo hình nghệ thuật: Hai ông đang ôm nhau múa. Bốn chân rắn quấn trụ vững như đang xoay vòng trên sân băng. Cái miệng ông này cúi xuống cổ ông kia như là biểu hiện tình cảm âu yếm sau vũ điệu mãn nguyện!

Người ta nhẹ nhàng nâng “nhành cây nghệ thật tạo hình” lên để người khác luồn cuộn vải vào bên dưới lưng.

Người ta đội mũ lúp, lồng tất tay, tất chân cho hai ông. Cuộn vải rộng và dài được quấn vòng lên ngang cổ rồi quấn xuống phủ hết tất chân thì buộc chặt lại.

Kèn, trống, thanh la, não bạt tấu lên rộn rã.

Lễ thành phục bắt đầu:

Đứng hàng trước gần quan tài là những cậu con trai đích tôn của họ, đầu quấn mũ rơm, tay chống gậy. Hàng sau là vợ, con gái, chú, bác, cô, cậu… họ mang áo xơ gai trắng. “Bức nghệ thuật tạo hình” quấn vải nâu được đặt nhẹ nhàng chu đáo vào hòm. Hai ông ôm nhau khi rớt xuống nằm nghiêng thì nay họ vẫn nằm nghiêng. Chờ đậy nắp thiên. Mọi người lần lượt đi tới nhìn mặt hai Ngài Kẻ Khoán lần cuối: Ông bị cắn cổ thì đầu bên dưới nên chỉ nhìn được một phần khuôn mặt ngước lên. Ông được cắn thì đầu nhô cao hơn nên chỉ thấy phần gáy và má.

Bà con làng Viễn đổ lúa, đổ bắp vào hòm.

Bà con làng Trung đổ lúa, đổ bắp vào hòm.

Có người bảo thôi, vừa rồi. Nhưng bà con vẫn cứ đổ. Còn nói: “Để hai Ngài ăn cho thỏa thuê!”

Kèn, trống, thanh la, não bạt tấu lên rộn ràng:

Giờ đậy nắp thiên!

Lễ hạ huyệt hai Ngài Kẻ Khoán Viễn Tuy, Trung Trinh đúng giữa giờ Dậu.

*

Kể từ đó, đồng Cồn Vải làng Viễn Tuy còn gọi là đồng Mả Ngài!

*

Chuyện hai ông Kẻ Khoán đánh nhau. Chiêu cuối cùng là cắn cổ và bóp cổ nhau cho đến kỳ chết, nó chỉ xảy ra vài tiếng đồng hồ.

Nhưng, chuyện Đỗ Ngộ bị điên có phải do hai Ngài Kẻ Khoán “phạt” chăng thì đố ai biết được? Chỉ hiểu sơ qua những hành động khùng điên của Ngộ là những hình ảnh được diễn lại, kể lại từ vụ tỉ thí để cùng chết của hai Ngài Kẻ Khoán hai làng giáp ranh năm xưa…

Có điều lạ: Hai ông Kẻ Khoán về chầu trời vừa lên tuổi tri thiên mệnh. Đỗ Ngộ điên trên hai mươi năm, và khi về thế giới bên kia thì cũng lên tuổi năm mươi. Bởi Ngộ điên lâu nên dân hai làng Vĩnh Tuy và Trung Trinh cũng lâu quên…

*

Chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ xảy ra. Ác liệt nhất là năm sáu tám.

Hai làng Vĩnh Tuy, Trung Trinh tiếp giáp hai bến phà Quán Hàu, Trúc Ly (Bến phà 2) nằm trong tọa độ bom ác liệt. Ngày đêm chúng thả bom bi, bom nổ chậm, bom từ trường. Không biết nó nổ lúc nào nên người dân cày cấy rất sợ. Và, anh Hà Văn Cách đã phá đến 49 quả bom nổ chậm, trở thành Anh hùng!

Mả Ngài Kẻ Khoán ở Cồn Vải bị một quả bom tấn khoét giếng bay mất.

Ban ngày, dưới tầm bom đạn ác liệt, bà con hai làng Vĩnh Tuy, Trung Trinh vẫn mang hương ra thắp dưới giếng bom. Họ khấn lạy, cầu mong Hai Ngài linh thiêng hiển lộ dù chỉ một cái răng, một mẩu xương vụn!

Mọi sự cuốc xới bới tìm đến bảy ngày liền đều vô hiệu. Không có một chút gì khác ngoài đất vụn xốp tơi…

Trưởng hai làng Vĩnh Tuy và Trung Trinh cùng nhân dân nhất trí: Hốt những bảy nắm đất dưới các chân hương cho vào hai cái tiểu sành. Đó là hồn cốt Ngài Kẻ Khoán của làng. Kể từ nay mỗi làng sẽ có mộ Ngài Kẻ Khoán riêng. Không còn “chung chạ” nữa!

Giờ… đêm… tháng… năm 1968, nhân dân hai làng Vĩnh Tuy, Trung Trinh làm lễ hạ huyệt cho Ngài Kẻ Khoán làng mình hết sức long trọng. Trống, kèn, thanh la, xập xoảng… rộ lên từng hồi theo từng bước lễ nghi kính cẩn cho Hai Vị Thánh, làm át đi cả tiếng máy bay, tiếng súng đang ì ùng đâu đó xa xa…

Mộ Ngài Kẻ Khoán làng Trung Trinh hiện là hòn đá lớn trên gò đồi có năm cây bạch đàn bao quanh trước đường mương nước nhà ông Đặng Văn Hải, chính là con trai của bà Hương Lộc răng đen gánh hàng xén ngày xưa…

Mộ Ngài Kẻ Khoán làng Vĩnh Tuy là cái miếu thờ (đã bị bom hủy năm 1969), sau vườn nhà ông Hà Xuân Ái, đương kim Trưởng làng Vĩnh Tuy bây giờ…

Vĩnh Tuy- Huế, tháng 12/2015
V.N  
(TCSH331/09-2016)


---------------
(*) Sách Lịch sử Quảng Bình ấn hành năm 2014 do tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thái chấp bút.






 

Các bài mới
Lão Cao (15/03/2024)
Cái đó (20/02/2024)
Hồ cá (30/01/2024)
Cu Lai Quăn (18/01/2024)
Các bài đã đăng
Cột đá thiêng (22/08/2016)
Mê cung (12/08/2016)
Mắt nàng Daphne (24/05/2016)