Truyện ngắn
Về với chị
16:36 | 27/05/2009
XUÂN ĐÀI 1. Mỗi lần từ quê trở về Sài Gòn, sống bên chồng và hai đứa con, tôi không nguôi nhớ đến chị. Năm nay chị đã ngoài bốn mươi, không chồng, không con, lủi thủi ra vào trong ngôi nhà một gian hai chái. Ngôi nhà vừa được xây dựng cách đây gần ba năm bằng số tiền chị tằn tiện, chắt bóp mười mấy năm và tiền vợ chồng tôi phụ giúp chút đỉnh. Vài ba năm, vợ chồng con cái chúng tôi mới về thăm chị một lần. Chị mừng, chị vui, trò chuyện với các cháu suốt ngày. Chị quấn quýt lũ trẻ, lũ trẻ cũng quấn quýt chị.
Về với chị

Có lần bà Hai lối xóm, nói với tôi: Vợ chồng cô trở vào Sài Gòn, chị ấy lại buồn. Sao vợ chồng cô không đưa chị vào trong đó sống chung, có chị có em, tối lửa tắt đèn có nhau... Tôi gật đầu, đưa đẩy vài câu cho bà vui lòng. Là người ngoài cuộc, bà Hai đâu biết, tôi đã năn nỉ nhiều lần nhưng chị không chịu. Chị đưa ra vô vàn lý do để ở lại quê hương. Chị bảo nhà có hai chị em, nếu chị cũng bỏ xứ mà đi thì mồ mả ông bà, cha mẹ, ai chăm sóc. Có lần tôi bàn với chị nếu chị bằng lòng vào Sài Gòn sinh sống với vợ chồng chúng tôi, chị em mình sẽ cải táng mồ mả, thiêu hài cốt đưa vào chùa thờ phụng. Chị la tôi, quê ta không có phong tục như vậy, cải mả là đưa hài cốt vào tiểu sành rồi tìm miếng đất khác chôn cất và xây mộ. Đất cát mới cũng là đất cát ở trong làng. Em biết đó, quê mình có sông có núi. Dân làng mình, cải mả cho ai, bà con đều đưa sang núi, không tốn tiền mua đất, rồi xây lăng mộ. Tôi hỏi chị mỗi ngôi mộ xây hết bao nhiêu tiền? Chị bảo: chơi sang thì năm bảy triệu, ít tiền thì một hai triệu cũng xây được. Đá ở trên núi thiếu gì, khỏi phải mua gạch.

Hôm sau nằm bên chị, tôi lại rủ rỉ, chị không bằng lòng hoả táng đưa tro cốt lên chùa, thì vào Sài Gòn em sẽ mua đất ở ngoại ô rồi đưa hài cốt ông bà cha mẹ vào trong đó chôn cất, xây thật đẹp. Chị vào sinh sống với vợ chồng chúng em, thế là chị em mình được ở gần các cụ. Chị nằm lặng im một lúc, khe khẽ thở dài, tôi ngỡ chị đã xuôi theo ý kiến tôi. Đột nhiên chị đẩy tôi ra nằm sát vào tường, nói rành rọt từng tiếng một:

- Tao không đi đâu hết, dì dượng và các cháu cứ ở Sài Gòn, lâu lâu về thăm chị là tốt rồi. Chị có ốm đau, trái nắng trở trời đã có bà con lối xóm chăm sóc. Dân làng mình sống nhân ái, chẳng ai vô tình với những người sống cô đơn như chị đâu.

Tôi thua. Vợ chồng con cái lại kéo nhau vào Sài Gòn. Lần đó, phải thuyết phục mãi chị mới đồng ý để tôi mắc cho chị một cái điện thoại cho tiện việc chị em liên lạc với nhau.

2.
Mẹ tôi mất năm tôi lên bốn. Chị hơn tôi ba tuổi. Cha tôi gà trống nuôi con. Hai chị em tôi thương cha vất vả làm ruộng làm vườn, đội nắng đội mưa. Những ngày nông nhàn, tháng ba ngày tám, cha lại khăn gói ra thị xã kiếm việc làm thêm. Chị em tôi hỏi cha ra ngoài đó làm những gì, cha chỉ cười đôn hậu: các con biết làm chi cho nhọc óc, miễn sao, cha kiếm được tiền gởi về cho hai chị em ăn học. Các con học giỏi là cha vui, cha mừng, và dưới suối vàng vong linh mẹ các con cũng thanh thoát. Những chú bác, anh chị trong làng, giống cha tôi, kéo nhau ra thị xã làm thuê, cho hai chị em tôi biết ra ngoài đó cha tôi làm đủ việc. Ai thuê gì làm nấy. Khi thì cha làm công cho ông chủ người Tàu, đẩy xe đi thu gom phế liệu, nghề này phải có vốn mới tự làm được. Khi thì cha làm mướn cho sở công chính, nghe nói cũng phải thông qua các ông cò nhà thầu, chui xuống sâu dưới lòng thị xã móc cống... Vì hai đứa con gái mà cha vất vả. Chị em tôi thương cha, bảo ban nhau học hành, mỗi năm lên một lớp. Chị tôi học giỏi hơn tôi nhiều. Kỳ thi vào lớp mười, chị tôi là thủ khoa của huyện, đạt điểm số gần như tối đa các môn. Nhờ thành tích đó, huyện thưởng cho chị một cái xe đạp Trung Quốc. Tôi vừa được tiếng thơm vừa được đi ké xe đạp của chị.

Cuộc sống ngỡ như thuận buồm xuôi gió, hai chị em tôi cứ đà này sẽ có cơ hội vào đại học. Thế sự xoay vần không phải vậy. Một hôm trời chập tối, chú Thức người làng bên đến báo tin cha tôi sốt nặng, ngày đêm liên tục lên cơn ho. Anh em người làng ở cùng nhà trọ ngoài thị xã, thay phiên nhau chăm sóc, bệnh không thuyên giảm nên đã đưa cha tôi vào bệnh viện tỉnh. Chú Thức bảo hai chị em phải đến bệnh viện ngay. Dù lúc đó trời khuya, mưa rả rích từ chiều, hai chị em vẫn khăn gói chở nhau bằng xe đạp ra huyện, lên tỉnh. Lúc đến được bệnh viện, trời đã xế chiều ngày hôm sau.

Cha tôi nằm bệnh viện gần một tháng, thuốc men chạy chữa bằng tiền bán một mẫu ruộng, đồ đạc trong nhà, kể cả chiếc xe đạp phần thưởng của chị. Vậy mà vẫn không qua khỏi. Cha đã về với mẹ, bỏ lại hai đứa con côi cút bơ vơ giữa làng. Lúc đó, chị tôi đang học lớp mười một và tôi học lớp tám. Kinh tế gia đình kiệt quệ, chị đành bỏ học, thay cha tôi nuôi tôi. Lại giống cha, chị lo ruộng vườn, những tháng nông nhàn, chị ra thị xã kiếm việc làm thêm. Tôi không bao giờ quên được những kỷ niệm tuổi thơ của hai chị em. Một ngày cuối đông lạnh buốt, chị ôm tôi vào lòng, thủ thỉ:

- Em phải học giỏi để vào được đại học. Chị phải bỏ ngang giữa chừng là việc bất đắc dĩ. Vì ông bà tổ tiên, vì lòng hiếu học của cả dòng họ, vì cha vì mẹ, vì cả chị nữa, em phải học giỏi. Đừng sợ chị vất vả, chị không cần ai thương hại.

Đêm khuya thanh vắng, gian phòng tối đen không nhìn rõ mặt người, nghe giọng nói tôi hình dung chị như một bà già.

Trước đây, chị là hoa khôi của xã, nếu không nói là của tỉnh, nhiều chàng trai đeo đuổi chị, chỉ vì vướng đứa em gái là tôi mà chị từ chối hết, chấp nhận ở vậy nuôi em ăn học.

3.
Dù không nói ra, tôi biết anh Thanh, chồng tôi, cũng nghĩ ngợi, thương cảm, quý trọng, muốn cho người chị vợ mình có một cuộc sống yên ổn, hạnh phúc. Gia đình chồng tôi, hai cụ còn khoẻ mạnh, có năm anh chị em, hai trai ba gái, anh là con út. Thường thường, chủ nhật cuối tháng, hai vợ chồng lại đưa con cái về quê nội ở vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long.

Biết hoàn cảnh hai chị em tôi mồ côi, những người trong gia tộc bên nội vừa thương cảm vừa ái ngại. Chắc chồng tôi chuyện trò sao đó mà bố mẹ chồng và nhiều người bà con đều biết vì mồ mả ông bà, cha mẹ, mà chị tôi không chịu vào Sài Gòn ở với em gái.

Có lần trong lúc ngồi ăn cơm, tôi nửa thật nửa đùa, cũng là cách thăm dò, tôi hỏi:

- Nếu bây giờ vợ chồng chúng con chuyển về quê sinh sống, ba má có bằng lòng không?

Ba chồng tôi, cụng ly, uống hết rượu, cười khà khà:

- Ở đâu chẳng là đất nước mình, vợ chồng tụi bây muốn sinh sống ở đâu, ba má cũng giơ hai tay tán thành.

Má chồng tôi, suốt bữa ăn chỉ kể chuyện đồng áng, con cá con tôm, chứ không hề bắt vào chuyện mà tôi đề cập.

Sau này, mỗi lần về quê nội, tôi không bao giờ gợi tới chuyện này nữa, chắc chồng tôi cũng nghĩ đó là chuyện tầm phào. Tôi đã lầm. Đêm đó, cách ngày tôi thăm dò mọi người có dễ hơn một năm, khuya lắm rồi, anh lay lay vào vai tôi:

- Hoà này, anh muốn nói chuyện này với em. Anh đã tính kỹ rồi, cũng đã liên hệ ra ngoài đó, sở giao thông công chính quê em, đồng ý nhận cả hai vợ chồng mình.

Tôi như không tin vào tai mình, gặng lại:

- Anh nói thật đấy à?

- Nói thiệt chứ đâu giỡn chơi.

- Việc này anh đã bàn kỹ với ba má và các anh chị chưa?

- Việc đại sự, anh đâu dám quyết định một mình. Ba má lúc đầu cũng băn khoăn, nhưng rồi thấy các anh các chị xúm vào phân tích, lời hơn lẽ thiệt là để vợ chồng mình ra quê em là hợp đạo lý. Ba má còn những bốn đứa con bao quanh cơ mà.

Lòng tôi vui vui song giả đò trách cứ anh:

- Việc quan trọng như vậy, anh tự ý làm một mình, sao không bàn bạc với em từ đầu.

Anh ngồi dậy, bật đèn, cười phá lên:

- Bộ em cho anh là đứa cù lần, không đọc được ý nghĩ của em mấy năm qua sao?

Anh bật lửa châm thuốc, rít từng hơi dài, nhả khói lên trần nhà. Tôi ngồi lặng im, ôm gối, dựa vào thành giường. Xưa nay tôi cứ ngỡ mình đã hiểu biết về chồng, bây giờ tôi mới biết mình là người nông cạn, không biết hết những suy nghĩ sâu thẳm trong anh. Anh thương tôi, thương hoàn cảnh xa cách của chị em tôi, sẵn sàng xa quê hương, cha mẹ, anh chị em ruột thịt, chấp nhận chuyển đến vùng quê miền Trung xa lắc...

Chưa đầy một tháng, chúng tôi đi lại như con thoi giữa quê tôi và Sài Gòn, lo thủ tục chuyển công tác, lo chuyển trường cho hai cháu, lo sắp xếp chỗ ở và lo thủ tục bán nhà, ngôi nhà mà hai vợ chồng dành dụm trong nhiều năm mới mua được.

Chị ơi, người chị thân ái ở quê nhà xa ngái, chúng em sắp về với chị, chị có bất ngờ không?

4.
Tôi gặp vợ chồng cô Hoà ở thị xã. Cô người cùng làng với tôi. Tôi là thế hệ đàn anh, lớn lên lang bạt kiếm ăn ở Thái Nguyên, Lạng Sơn, gần chục năm nay định cư ở Hà Nội. Cô bay nhảy trong Nam, cuộc sống tưởng đã ổn định, đâu ngờ...

Cô cười:

- Chắc anh cho em là đứa dở hơi...

- Dở hơi thì không, nhưng làm như cô thì hơi... bị hiếm.

- Cả làng mình, hoàn cảnh như hai chị em chúng em chỉ có một. Giả dụ, có trường hợp giống như vậy, cũng có thể họ tính toán như em, cũng có thể bà chị theo cô em vào Sài Gòn. Tính nết con người có ai giống ai đâu, phải không anh?

 Chúng tôi ngồi với nhau trong quán giải khát có dễ vài tiếng đồng hồ. Anh Thanh, chồng Hoà chỉ cười, lắng nghe hai người cùng quê trò chuyện tầm phào với nhau bằng cái giọng miền Trung nặng trịch. Trước lúc chia tay, Hoà đưa ra một thông tin quan trọng.

- Chị em sắp lấy chồng đó anh!

- Người làm mai, chắc là cô. Giỏi quá.

Anh Thanh đỡ lời vợ:

- Bà mai số dách đó anh. Chồng chị em người cùng quê với em. Anh ấy là nông dân, goá vợ, có một con gái năm nay mười bảy, cũng là dân cày như ba.

- Lấy xong chắc chị cô Hoà theo chồng vào Nam. Và cô chú lại trở vào Sài Gòn?

- Nếu vậy, chị Hai đâu có chịu, Hoà cũng đâu có chịu. Anh ấy sẽ về quê vợ. Dân miệt vườn mà anh, ở đâu thì cũng con trâu cái cày... Quê mình vui quá anh ơi. Quê mình, phát ra từ miệng anh Thanh, tôi hiểu là quê cô Hoà, quê của cả tôi nữa đó...

X.Đ
(174/08-03)

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Chuyện của anh (08/05/2009)
Bát cháo hành (07/05/2009)
Cồn cát (28/04/2009)