Truyện ngắn
Huế phải luôn sạch và đẹp
09:49 | 18/10/2016

HÀ KHÁNH LINH

Làn sóng người mỗi lúc một dày hơn, ai cũng lách mình cố tìm một vị trí thuận lợi hơn để thưởng thức các tiết mục quá hay quá đẹp…

Huế phải luôn sạch và đẹp
Ảnh: internet

Các đoàn nghệ thuật của nhiều nước trên thế giới đến dự Festival Huế, họ rời các sân khấu lớn ở Ngọ Môn, Cung An Định, Bia Quốc Học… để tràn ra các ngã tư, ngã năm, ngã sáu… tiếp tục biểu diễn. Hàn Quốc, Pháp, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Mê- hi-cô, Đức, Chi-lê, Ý, Tây Ban Nha, Phi-líp-pin… Tôi cũng cố tìm cho mình một chỗ trên lề đường ngã tư Lê Lợi - Hùng Vương chỗ chân cầu Trường Tiền.

- Em ơi, em ơi… sao em lại…?! Thói quen nói năng rồi sẽ sửa được thôi mà!...

Tôi bất ngờ thấy phu nhân của một đồng nghiệp thân thiết trước cũng ở Huế, từ ngày cả gia đình họ chuyển vô Sài Gòn ít có dịp gặp lại nhau. Giờ đây chị bất ngờ xuất hiện với vẻ mặt rạng rỡ vui mừng và với lời trách móc.

- Em chào chị. Chị nói gì em không hiểu.

Chị ân cần nắm lấy bàn tay tôi rồi bóp nhè nhẹ cả hai bàn tay của mình như không còn quan tâm gì đến những tiết mục biểu diễn nghệ thuật tuyệt vời trước mắt, chị nói:

- Anh chị nghe nói em không gả đứa cháu gái gọi mình bằng cô ruột cho chàng trai vốn hay nói tục…

Tôi bất ngờ mở to mắt nhìn chị rồi để nguyên tay mình trong tay chị cùng quay mặt hướng về phía các nghệ sĩ Mê-hi-cô đang biểu diễn. Câu hỏi bất ngờ của chị bạn, nói chính xác hơn là vợ của một anh bạn thân cao niên mà ngày còn ở Huế anh chị luôn coi tôi như em gái. Bất ngờ hơn, cũng một câu hỏi tương tự như vậy hôm đi xem trình diễn áo dài Việt Nam tại sân khấu Bia Quốc Học tình cờ gặp lại người bạn thời binh lửa - kháng chiến chống Mỹ cứu nước - gia đình anh đang ở Hạ Long dịp này về Huế dự Festival. Rất bất ngờ là một việc nhỏ, riêng tư của gia đình tôi lại lan tỏa rộng và nhanh đến thế! Cả hai người hỏi đều là chỗ thân quý với tôi một thời, lại hỏi vào lúc mới bắt đầu một hạng mục nghệ thuật của Festival Huế làm cho tôi không được tập trung để thưởng thức. Lần này cũng vậy, tôi trả lời chị bạn câu đã trả lời anh bạn tôi hôm trước:

- Thì em cũng chỉ đưa ra ý kiến như vậy, còn quyết định cuối cùng vẫn là ở cô cháu gái của em - Nguyễn Khoa Diệu Phương chứ em có quyết định gì đâu. Kể cả cha mẹ cũng không ngăn được con cái trong vấn đề hôn nhân một khi nó quyết.

Chị mở to đôi mắt đẹp nhìn tôi khẽ chớp chớp. Đôi môi hình tim sinh động - một thời làm cho anh bạn đồng nghiệp tôi chết mê chết mệt - mỉm cười.

Khác với chị bạn, anh bạn Hạ Long cùng ngồi xem trình diễn áo dài đã nói nhỏ vào tai tôi một câu:

- Lịch sử lặp lại chăng? Ngày xưa mẹ của cô không chịu gả cô cho ông Chỉ huy trưởng chỉ vì ông đã có lần để cho bộ đội hy sinh mà bụng… đói (!). Ngày nay cô không chịu gả cháu của mình cho con trai ông Chỉ huy chỉ vì chàng trai có thói quen nói tục…

Xem ra chuyện xưa chuyện nay chẳng có gì liên quan với nhau, vậy mà một bộ phận cư dân Huế cứ râm ran bàn tán, rồi chuyện lan xa lan rộng đến nỗi anh bạn Hạ Long dùng cụm từ “lịch sử lặp lại” chứ chị bạn ở Sài Gòn thì không biết chi tiết này. Phải chăng chính cha của chàng trai có thói xấu nói tục đó - nguyên Chỉ huy trưởng đã thông tin đến anh bạn Hạ Long cũng như các cựu chiến binh khác? Anh bạn Hạ Long còn nói được câu “để cho bộ đội hy sinh mà bụng đói” còn ở Huế các bà các chị cứ ra rả nói “cái tội để cho bộ đội chết đói”.

Chúng tôi lớn lên lần lượt thoát ly gia đình tham gia kháng chiến hết, một mình mẹ tôi ở nhà, nuôi giấu cán bộ bộ đội và trông chờ các con. Sau giải phóng Huế tháng 3/1975 các con mẹ trở về nhưng ai cũng làm việc trên tỉnh nên đưa mẹ từ quê lên phố ở cùng. Một hôm tôi báo cho mẹ biết có anh bạn - một cán bộ trung đoàn tới thăm. Như những lần khác, nghe bạn của các con tới nhà bao giờ mẹ cũng tất bật sắm sửa một vài món nào đó để tiếp bạn của con. Lần này mẹ làm bánh bột lọc bọc nhân tôm thịt. Mẹ tự đi chọn mua vật liệu rồi tự nêm nếm xào rim món tôm cho vừa ý, tự nhồi bột và nặn những chiếc bánh xinh xắn hình quai vạc có viền riềm đăng ten, hình quả trám… Khi anh đến kính cẩn chào mẹ, mẹ hớn hở ngước lên chào rồi mời ngồi. Nhưng sau đó nét mặt mẹ bỗng đổi khác. Mẹ vừa bọc tôm thịt vô bột bánh vừa liếc xéo qua phòng khách. Một lát sau mẹ buông chỗ bột bánh, bước qua phòng khách nhìn chằm chặp vào mặt anh hỏi mấy câu, anh trả lời mẹ mấy câu. Tôi bưng khay trà nóng từ nhà bếp lên thấy mẹ với anh bạn tôi đang thăm hỏi và nhận ra nhau tôi mừng lắm. Tôi biết với riêng anh đây là giây phút trông đợi mãi bây giờ mới thực hiện được. Hẳn anh đang vui mừng hơn tôi rất nhiều. Tôi chưa kịp đặt tách trà mời mẹ, mời anh, thì mẹ tôi cao giọng:

- Anh đi đi! Anh ra khỏi nhà tôi ngay! Tôi không muốn ngó thấy mặt anh nữa! Tôi… tôi…

- Con… con xin lỗi mẹ! Xin lỗi bà con thôn Niêm, làng Ưu Điềm…

Anh bước giật lùi ra cửa, miệng vẫn lẩm nhẩm:

- … Xin lỗi bà con thôn Niêm, làng Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền…

Mẹ tôi mắng tát theo:

- Đồ bất nhân! Để cho con người ta chết… đói!...

Ở cuối câu giọng mẹ lạc đi. Đôi tay bám đầy bột trắng lốp của mẹ run run đưa lên gạt nước mắt.

Tôi bước theo anh ra đến cổng. Anh giục tôi:

- Em vào nhà ngay với mẹ đi! Không khéo mẹ giận quá có khi lại ảnh hưởng đến sức khỏe! Mẹ có lý của mẹ. Anh phải nghe mẹ mắng là rất đúng. Được mẹ mắng anh cảm thấy lòng thanh thản hơn…

- Nhưng đó là việc gì? Sao anh không nói ngay cho em biết?

- Chuyện dài lắm! Để lúc khác anh sẽ nói… Em vào nhà ngay với mẹ kẻo mẹ giận…

Anh nói rồi lật đật bước vội về phía chiếc ô tô mang biển đỏ đang chực đón anh.

Tôi vừa bước vào nhà, mẹ đã túm lấy tôi và nói:

- Mẹ không thể quên cái mặt ông chỉ huy đó mô!...

Rồi như biết con gái đang rất muốn hiểu hết nguyên do sự việc, mẹ bắt đầu kể.

“Lần đó cán bộ xã đến gặp bà con thôn Niêm làng Ưu Điềm cho biết có đơn vị bộ đội chủ lực hành quân sẽ ghé nghỉ lại làng quê mình một buổi. Đề nghị bà con tạo điều kiện cho bộ đội nghỉ ngơi tốt, và lo cho bộ đội một bữa cơm. Nói rồi thông báo con số cụ thể để bà con tiện việc lo liệu. Các mẹ các chị nghĩ bộ đội địa phương bao lâu nay như con cái trong nhà, có thì dọn bữa tươm tất, không có thì ăn uống kham khổ một chút cũng chẳng sao. Nhưng bộ đội chủ lực trên phái về hành quân qua thôn làng mình chắc là tăng viện cho bộ đội địa phương đánh trận nào đây, phải lo bữa cơm cho thật tươm tất mới được! Vậy rồi mỗi người góp một ít. Bắt con heo làm thịt xong các mẹ các chị liền trổ tài nấu nướng. Đang nấu thì nghe bộ đội tới, mừng lắm! 11 giờ, hơn hai chục mâm cơm đã sắp đặt xong, còn hông thêm hơn trăm lon nếp làm xôi bới theo với thịt cốt- lết xốc hành tây bọc trong lá chuối sứ xanh mướt chằng buộc cẩn thận để bộ đội mang bên mình… 11 giờ 30 hai chục mâm cơm đã bắt đầu nguội lạnh. Các mẹ các chị sốt ruột quá bèn cử người đi gặp bộ đội. Ông cán bộ chỉ huy cảm ơn rối rít và bảo hãy chờ một lát sẽ cho bộ đội dùng bữa. 12 giờ rồi 12 giờ 30 vẫn không thấy bộ đội đến. Các mẹ các chị hết đứng lại ngồi, đi vô đi ra lo đậy đằn thức ăn đồ uống kẻo mất vệ sinh. 12 giờ 40 các mẹ lại đội nón đi gặp ông chỉ huy. Chỉ huy trưởng có cái răng khểnh bên khóe miệng cười rất duyên, vẫn tay bắt mặt mừng hết lời cảm ơn các mẹ các chị và hứa sẽ cho bộ đội ăn. Lần thứ ba, 13 giờ, chỉ một mình mẹ tôi đội nón tới gặp chỉ huy. Lần này cũng thế. Người chỉ huy vẫn nói lời như hai lần trước. Vẫn nụ cười ấy, khuôn mặt ấy - cái dáng vẻ mà lần thứ nhất đến gặp mẹ thầm khen ông chỉ huy này đẹp trai, phúc hậu, nói năng từ tốn, lễ độ… Cũng là những nhận xét mà tất cả các mẹ các chị trên đường về nói với nhau - nhưng lần này mẹ tôi thấy cái mặt ông ấy thật dễ ghét!

Các thức ăn đã nguội lạnh hết, nhất là các món ram, món chả chiên, món bánh phồng tôm xúc gỏi, món sườn nấu đậu ngự… nguội ngắt, thì còn gì là ngon? Uổng công các mẹ các chị chăm chút tỉa vẽ (!)… Vì sao chưa cho bộ đội ăn?!... Rời ông chỉ huy, bước đi vài bước, mẹ gặp mấy cô cậu du kích với trưởng thôn hớt hải chạy tới thông báo địch đang tấn công vào làng.

- Có địch thì sẵn bộ đội đó, sẽ đánh! Lo chi? - Mẹ nói.

- Nhưng bộ đội xuất quân lần này để đi đánh trận khác lớn hơn…

Lời của cán bộ thôn chưa dứt thì một loạt tiếng nổ, rồi nhiều loạt đạn. Thế này thì nguy lắm! Bọn địch tới thấy đồ ăn thức uống nhiều, lại còn xôi đùm, cơm nắm, nước bi đông… chúng biết là nấu cho bộ đội, chúng sẽ giết chết dân làng mất! Từ nhận định đó cán bộ thôn và du kích giúp các mẹ các chị đổ hết thức ăn vào các bao tải, cột túm miệng bao lại rồi lôi xềnh xệch ra bờ sông ném xuống. Cơm, xôi, với thức ăn nhiều quá, nặng quá!... Nước canh chân giò hầm măng, nước cari, nước thịt hon… chảy ròng rọc trên đường làng!... Những chiếc bao tải nặng trĩu vừa lăn xuống vực xong cán bộ thôn và anh em du kích cũng lặn xuống, cố bơi sang bờ bên kia tìm chỗ ẩn nấp. Mẹ vừa trở về nhà mình thì thấy địch lố nhố ở sân, ở vườn… Một số tên địch đang rượt đuổi bắn nhau với bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương…

16 giờ địch rút đi, mang theo nhiều xác chết đồng bọn. Một số chiến sĩ ta hy sinh đang được cán bộ và dân làng khâm liệm chôn cất. Số còn lại hành quân theo kế hoạch. Các mẹ ôm xác những chàng trai trẻ măng đẹp đẽ xinh tươi mà gào khóc. Các con ngủ giấc ngàn thu mà như nằm ngủ chơi chốc lát… Lòng các mẹ càng đau nhức tức tưởi hơn khi biết các con chưa kịp có cơm cháo gì!...

Nghe xong câu chuyện tôi cũng phẫn nộ uất ức lây cùng với mẹ. Hôm sau tôi chủ động đi tìm gặp anh để hỏi cho ra vấn đề. Anh nói:

- Lúc bấy giờ anh và các đồng chí trong Ban chỉ huy nhất trí đúng 14 giờ cho bộ đội dùng bữa. 15 giờ hành quân…

Thế là đã rõ! Mẹ tôi đã mất thiện cảm với anh như vậy, chắc chắn sự gắn bó mật thiết hơn nữa giữa tôi với anh là khó! Vả lại giữa anh với tôi cũng chưa từng nói lời chính thức… Không lâu sau đó tôi xây dựng gia đình và vì công tác nên mỗi người đều mải mê theo công việc của mình. Điều bất ngờ là về sau tôi nghe nói anh xây dựng gia đình rất muộn - theo lời đồng đội của anh - là không thể quên được người con gái đã làm cho trái tim anh khắc khoải… Anh có hai con gái. Lúc chuẩn bị về hưu mới sinh thêm một cậu con trai.

Về phần tôi, vì các con lớn lên đi học rồi đi làm việc xa nên tôi không muốn ở ngôi nhà quá rộng, tôi bán, và làm một ngôi nhà nhỏ ngay vị trí vườn hoa nhỏ xinh của mình, vậy nên vườn hoa được nâng lên thành vườn treo. Ranh giới giữa nhà cũ với nhà mới là một bức tường rào mong manh phủ đầy hoa lá. Người mua nhà bận công việc kinh doanh xa nên ngăn nhà thành nhiều phòng cho thuê. Khách trọ phần đông là sinh viên học sinh các tỉnh miền Trung đến Huế học các trường đại học, cao đẳng và trung học danh tiếng. Lớp người trẻ tuổi nầy phần đông là nữ, hầu hết đều xinh tươi mơn mởn, kể cả những nữ bác sĩ đi học chuyên khoa, tuy đã xây dựng gia đình làm mẹ của một vài em bé nhưng tất cả đều trẻ đẹp hồn nhiên phơi phới. Bạn bè của những người trẻ tuổi nầy cũng trẻ đẹp xinh tươi hồn nhiên như họ. Mỗi khi họ tụ tập vui đùa chuyện trò thì mọi tiếng động đều vọng qua chỗ tôi. Thỉnh thoảng khách bạn của tôi không giấu được cái nhíu mày khó chịu khi phải nghe những lời tiếng quá to từ các phòng bên dội qua lấn át hết câu chuyện của chúng tôi bên này. Cũng có lúc khách dướn cao đôi lông mày ngó qua phía to tiếng ấy và bật câu hỏi:

- Là những người có vấn đề về thính giác sao?

- Không phải. Thính giác các chị ấy rất bình thường. Chỉ vì họ là những người theo chủ nghĩa hoài nghi…

-?

- Vì các chị ấy không tin tưởng công nghệ chuyển tải âm thanh của bất kỳ hãng viễn thông nào (!) nên họ phải cố gắng bắt thanh đới của mình hoạt động cao độ mỗi khi sử dụng điện thoại…

- Vậy chúng ta thì sao?

Một anh bạn khác cướp lời:

- Vì chúng ta không phải là những người theo chủ nghĩa hoài nghi, nên chúng ta tin tưởng các hãng viễn thông lắm lắm!...

Chuyện ở phòng khách tôi nhiều khi kết thúc bằng tếu táo vui đùa như vậy. Nhưng nhiều lúc không tếu được, mà cả khách với chủ ngượng chín mặt khi anh bạn trai của cô nữ sinh trung học ở phòng sát bên cạnh đến chơi, ăn, và nói. Âm lượng của những lời nói thô tục khá lớn. Đặc biệt từ “mẹ” được chàng trai sử dụng rất nhiều lần với rất nhiều chức năng trong các câu chửi thề, những câu tỉ thí… Khi thì “mẹ” làm danh từ, làm bổ ngữ, khi làm động từ, khi làm trạng từ… Cũng có khi không rõ “mẹ” làm chức năng gì trong câu, chỉ nghe thốt lên một tiếng “mẹ” thật to cùng với âm thanh của con bài quất xuống mặt bàn, hoặc tiếng xoảng của chiếc chảo gang hoặc nắp soong nhôm tạt vào chân tường. Ở bên này những lần phải chịu nghe loại ngôn ngữ âm thanh như vậy tôi nghĩ mà thương mà tội nghiệp cho người mẹ nào đó đã sinh ra chàng trai ấy! Mẹ - tiếng gọi thiêng liêng nhất của loài người (có lẽ cả với loài vật?) sao chàng trai đó cứ đem ra mà “thí” hàng chục hàng trăm lần mỗi khi tụ tập? Càng lạ lùng hơn nam thanh niên mà nói những lời dơ dáy tục tĩu trước mặt bạn gái, và nữ sinh thời nay nghe bạn trai thốt lên những ngôn ngữ bẩn thỉu khủng khiếp như vậy mà… nghe được?! Thỉnh thoảng thấy họ dắt díu nhau đi qua mặt nhà tôi nên tôi đưa mắt nhìn. Chàng trai mặt mày sáng sủa. Áo xống và xe cộ giày dép thuộc loại đắt tiền. Con nhà khá giả? Con cán bộ hay thường dân?

Tháng ngày qua các phòng trọ liên tục thay người đổi chủ. Người láng giềng bất dắc dĩ tôi gần như thích nghi dần với các loại âm thanh ngôn ngữ dội về phía mình…

Đẹp trai, chưa vợ, có bằng cao đẳng, việc làm chưa ổn định, gia đình khá giả, là con trai của một cán bộ có vai vế… Cậu ruột giới thiệu cho cô cháu gái của mình ngoài 30 tuổi đang tu nghiệp nước ngoài. Chàng trai chỉ lớn hơn cô gái một tuổi. Thời đại công nghệ thông tin phát triển. Đôi trai gái tìm hiểu nhau dễ dàng. Riêng tôi cũng mừng vì cô cháu gái thông minh xinh đẹp chỉ biết học với học rồi làm việc, rồi học… Nay cháu đã vâng lời cậu ruột của mình mai mối, mẹ của cháu càng mừng hơn, ba của cháu - anh trai tôi càng mừng hơn nữa. Vậy rồi khi cháu vừa về nước vài hôm nhà trai đã rộn ràng mang sính lễ đến… Chàng trai muốn hỏi cưới cháu gọi tôi bằng cô ruột là con của anh ấy - “ông chỉ huy” ngày xưa để cho bộ đội hy sinh mà bụng đói (!) càng bất ngờ hơn khi tôi đã lỡ nghe lời ăn tiếng nói của chàng trẻ tuổi nầy mấy năm về trước…

Chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật ở giao lộ Lê Lợi - Hùng Vương chưa kết thúc, nhưng tôi đã kéo chị bạn đến khu ẩm thực Festival. Nhiều thức ăn đồ uống của các vùng miền trong nước, ngoài nước trưng bày la liệt. Các đầu bếp cũng như các chủ gian hàng tươm tất lịch sự trong trang phục sạch đẹp vừa thao tác nấu nướng những món đặc sản ngon lành của quê hương mình, vừa nở nụ cười tươi gọi mời du khách. Ở chỗ những gian hàng thức ăn Huế rất đông người đang xúm xít chen chúc, các phóng viên cầm máy ảnh, máy quay phim tất bật tác nghiệp, cả những thực khách cũng buông đũa đứng dậy cầm lấy điện thoại của mình…

- Việc gì vậy?

- Ngài Đại sứ Mỹ đang làm bánh khoái với làm bún bò Huế…

Tuy cũng tò mò không kém những thực khách kia, nhưng biết mình sẽ chen chân không lọt để được tận mắt nhìn thấy những thao tác của ngài Đại sứ, tôi chọn bàn và gọi bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc, bánh khoái với bún bò. Chị bạn cầm đũa tươi cười nói:

- Giá như chúng mình được thưởng thức đúng chiếc bánh khoái và tô bún mà ngài Đại sứ đang làm kia…

Chị cười hồn hậu rồi vẫn không quên câu chuyện đang nói dở ở chỗ các đoàn nghệ thuật biểu diễn đường phố.

- Anh nhà chị và các bạn của anh biết chuyện ngày xưa ông Chỉ huy trưởng để cho bộ đội chống càn mà bụng đói, bộ đội hy sinh - mẹ cô thương bộ đội quá mà trút giận lên anh, nhất quyết không gả cô cho anh… thì còn được, chứ cái sự bọn trẻ ngày nay nói năng thô tục… thì sẽ sửa chữa là được thôi mà em?! Nghe nói ông chỉ huy vì mãi không quên được cô nên lấy vợ khá muộn, sinh đầu lòng liên tiếp hai con gái, mãi đến lúc sắp về hưu mới sinh được cậu quý tử này…

Tôi trả lời chị:

- Ngày xưa anh ấy và Ban chỉ huy định cho bộ đội ăn cơm lúc 14 giờ rồi hành quân đi đánh đồn địch theo kế hoạch - nhưng địch bất ngờ càn vào chỗ bộ đội ém quân… Những hy sinh mất mát kiểu đó là bình thường trong thời chiến. Xương máu của bao thế hệ người Việt Nam ngã xuống để bảo vệ đất nước, bảo vệ Huế thân yêu của chúng ta, để rồi một bộ phận lớp trẻ Huế hôm nay chỉ biết ăn chơi hưởng thụ và nói tục thôi sao?! Nói tục cũng làm nhớp Huế! Bẩn Huế! Bởi vì con người ta khi nói lời nào, làm việc gì - thì hết thảy đều lưu lại trong trường thời gian và trường không gian. Vì vật lý học hiện đại đã nhìn nhận rằng âm thanh, ngôn ngữ, và hành động cũng là vật chất…

H.K.L
(TCSH332/10-2016)




 

Các bài mới
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Các bài đã đăng
Gió xanh (30/09/2016)
Cột đá thiêng (22/08/2016)
Mê cung (12/08/2016)