Truyện ngắn
Lê Xuân Giác kỳ sĩ đất Sầm giang
15:25 | 19/01/2017

TRẦN BẢO ĐỊNH

“Bần gie lửa đóm sáng ngời
Rạch Gầm soi dấu muôn đời uy linh! ”
(Ca dao)

Lê Xuân Giác kỳ sĩ đất Sầm giang
Minh họa: Nhím

1.

- Bẩm, chủ tướng! Tháng giêng hai, mùa nầy(1) còn mạnh gió chướng và gió thường xoay chiều bất định. Nếu ta dùng hỏa công đối với Tây Sơn, hàn sĩ e “lành ít dữ nhiều!”

Lê Xuân Giác nói hết điều mình muốn nói với Châu Văn Tiếp.

Tiếp trầm ngâm tính toán, cái tính toán “bớt một thêm hai’’ của người từng “lái buôn ngựa’’ khắp vùng duyên hải giáp rừng núi Trường Sơn. Với, những người anh em Tây Sơn hảo hán, Tiếp còn lạ lẫm gì! Nếu chẳng phải cố nhân thì, cũng bạn thâm giao, như: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, Võ Văn Dõng, Trần Quang Diệu... Tiếp hiểu tính nết và biết sở trường, sở đoản từng người. Ngày đó, nếu Nhạc không bội ước ở Quy Nhơn thì, dễ đâu có ngọn cờ “Lương Sơn tá quốc’’ nơi núi Tà Lương. Và, hơn ai hết, Tiếp biết rất rõ sức mạnh đến thế nào khi bộ tứ tướng quân Huệ, Lữ, Lê Văn Hưng, Trương Văn Đa cùng hội quân, xuất trận vào Nam.

- Chắc Ngoại tả chưa quên chiến trận Thất Kỳ Giang ở Cần Giờ, tháng ba năm Nhâm Dần(2), Chúa ngậm đắng nuốt cay đành bôn tẩu ra Phú Quốc. Vì, đã lỡ coi nhẹ thiên văn, địa vật!

Lời ruột gan của Giác cũng có phần nào giúp Tiếp tĩnh tâm. Tiếp gõ mười ngón tay xuống mặt bàn như gõ phím đàn ngân xa mộ khúc!

*

Gió đột ngột đổi hướng, xoay chiều. Lửa không đốt giặc mà xoay qua thiêu rụi quân nhà. Tiếp hoàn toàn vỡ trận. Đó là, vào tháng hai năm Quý Mão(3). Chúa Nguyễn chạy trối chết về Ba Giồng, Giác cõng Tiếp đang bị thương chạy theo men sườn núi thượng đạo lần dò lên biên giới Cao Miên.

Trời khuya, sương đục màu trắng sữa vây quanh núi rừng. Khát, đói và lạnh... Tiếp run bần bật, Giác định nhóm lửa sưởi ấm nhưng sợ quân Tây Sơn phát hiện. Giác cởi áo trận khoác lên mình chủ tướng, lòng bùi ngùi thương cảm người chiến binh lúc thất thế sa cơ. Tiếp dựa lưng Giác chợp mắt, như cố xua đuổi cơn mỏi mệt.

Gà gáy rộ sáng ở xóm vắng xa. Tiếp thức giấc, mặt trời đỏ nhú bìa rừng xuyên nắng qua sương mai.

- Nầy, kỳ sĩ của ta! Ngươi có cái tâm soi được cơ trời. Nếu, ta tin điều ngươi nói thì, cớ sự chẳng như vầy!

Giác định nói lời an ủi chủ tướng, Tiếp ngăn.

Những vầng mây cuộn vào nhau trôi về nơi vô định, che khuất từng mảng trời xanh.

- Giờ, ta tin ngươi! Dưới mắt ta, ngươi quả là một kỳ sĩ của đất Gia Định.

Tiếp chẳng ngại khi nói huỵch toẹt ra kế hoạch cầu viện quân Xiêm La với Giác. Nghe xong, Giác toát mồ hôi, dù ngoài trời còn mù sương và rét lạnh.

Tiếp gợi lại cái chết đau thương của chúa Nguyễn Phúc Thuần, Nguyễn Phúc Dương bị Tây Sơn bắt và hành hình(4) tại chùa Kim Chương(5). Tiếp còn chỉ rõ đất đai nhà Nguyễn bị quân Tây Sơn soán đoạt và mỗi lần Tây Sơn đem quân vào Gia Định là mỗi lần ra tay chém giết, cướp phá mang của cải về Quy Nhơn... Ta không thể ngồi yên nhìn hạt máu cuối cùng của dòng tộc nhà Nguyễn bị Tây Sơn giập vùi trong vó ngựa.

Cuối tháng hai năm Giáp Thìn (1784), ruộng biên cương vừa xong mùa gặt. Đồng khô, nắng ấm dần lên!

Tiếp tự bạch:

- Người bạn thân cận nhất của ta là Lý Văn Bửu, từng khuyên ta dẹp nghề buôn ngựa theo về với Nguyễn Nhạc khi Tây Sơn dựng cờ: Dẹp loạn thần Trương Phúc Loan, phò hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương, cứu lê dân! Ta đã làm theo lời bạn nhưng, thật tiệt lòng Nhạc không phải vậy! Hắn đã bội ước ta.

Vết thương ở ngực Tiếp vẫn còn ri rỉ máu. Tiếp không lo cho mình mà, lo cho cái ngày mai của chúa Nguyễn Ánh chẳng có chi xán lạn. Thế cùng lực tận, Tiếp nói:

- Ta nhận hết cả những lời thị phi, không thù oán bia miệng người đời nầy hoặc đời sau nguyền rủa: “Châu Văn Tiếp, tên cõng rắn cắn gà nhà”. Ta bất cần!

Nói xong, đôi mắt đởm lược của Tiếp đỏ hoe. Có lẽ, Tiếp khóc!

*

Trời sáng quắc!

- Ngươi chuẩn bị cùng ta vượt biên giới Cao Miên sang Xiêm!

Lời Tiếp chẳng khác nào mệnh lệnh đối với Giác.

- Bẩm chủ tướng! Giác nầy… không thể theo chủ tướng sang Xiêm!

Giác bình thản trả lời dứt khoát.

Tiếp đứng lại, quắc mắt.

- Tại sao?

Giác ngó thẳng vào mặt chủ tướng.

- Tôi chẳng cam lòng vì chúa Nguyễn Ánh mà bó tay ngồi yên ngó quân ngoại bang giày xéo đất nước tôi, đồng bào tôi! Chủ tướng vì một người, một dòng tộc hay vì trăm họ, muôn dân? Thầy tôi từng dạy: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi…’’. Tôi khuyên chủ tướng, đừng… đến Xiêm La cầu viện!

Dường như cùng một lúc, có tiếng nghiến răng sắc lạnh chạm âm thanh rút gươm và tra gươm vào vỏ… Vó ngựa tung mù, phủ mờ hàng cây thốt nốt bên kia xứ người!

Giác chỉ kịp la lớn:

- Chủ tướng! Bảo trọng!

2.

Giữa dòng nước bạc sông Tiền, đất ngợp thở trồi lên và phù sa bồi lắng thành những cù lao màu mỡ. Trong số những cù lao màu mỡ đó, có cù lao Thới Sơn rộng lớn trĩu oằn cây trái và xanh mượt góc trời. Thới Sơn mở vòng tay bằng những bến nước, đón lưu dân đi ghe thuyền từ miền Trung vô Nam khẩn hoang, lập ấp. Họ Lê là một trong số những họ lưu dân ấy!

Tương truyền Lê Xuân Giác là con thứ tư của bà vợ thứ năm của Lê Công Giám. Người địa phương gọi Giác theo thứ trong gia đình là cậu Bốn.

Mẹ của Bốn đẻ rớt cậu dưới thuyền trong đêm giông bão. Vì vậy, ba cậu bỏ thuyền lên bờ lập thân đồng thời, lập ấp Kim Sơn quy tụ dân về. Nhờ chí thú làm ăn, tính tình hào hiệp, thương người nên được dân chúng tôn lên ông Trùm và là, Trùm Cả. Khi ông mất, dân phong Phúc Thần và lập miếu thờ phụng.

- Bốn! Vô cơm nước đi con. Đi cho kịp con nước!

Tiếng mẹ giục gọi cắt đứt dòng suy nghĩ bâng quơ của Bốn. Từ ngày chia tay chủ tướng, Bốn trở lại quê nhà, sống né tránh người quen. Bốn dời chỗ ở liên tục bởi, quânTây Sơn hoặc quân của Ánh thảy đều có thể giết Bốn khi phát hiện hay chạm mặt.

Bốn bơ vơ trong nỗi cô đơn trên đất quê mình!

*

Sầm Giang có tên tục Rạch Gầm, nó xuất phát từ Long Tiên chảy quanh vùng đất Mỹ Phong, Bàn Long, Vĩnh Kim trước khi đổ ra song Tiền. Thời thơ ấu, cậu Bốn thường xuống xuồng theo mẹ đi chợ Giữa trao đổi hàng và mua bán lặt vặt các thứ “cây nhà lá vườn’’. Mẹ bảo: Gọi chợ Giữa vì, nó ở giữa khu dân cư, xung quanh là những làng mạc khác. Đất và người gắn liền nhau qua tên rạch: Ông Hổ, Cả Cấm, Bà Hào, Bà Nhan, Bà Lung, Bà Tét... Người phụ nữ Việt lưu dân, không những xây tổ ấm gia đình mà còn đứng mũi chịu sào nơi đầu sóng ngọn gió cho chồng rảnh tay đi chinh chiến.

Cậu Bốn vốn rắn mắc, thích giựt ngược đuôi trâu đực cổ khi cỡi để nghe tiếng trâu rống. Cậu thường trốn mẹ giao du với bọn mục đồng, rủ rê anh Hai(6) vật lộn và tắm rạch ông Hổ những trưa hè. Anh nhỏ con, mình mẩy chắc nụi, giỡn dai và, đôi khi đổ quạu. Tuổi thơ của cậu đầy ắp tiếng chim và nắng đẻ trứng trong vườn cây ăn trái.

Khi lớn lên một chút, chân nổi bắp chuối, mẹ đưa cậu vào học đạo ở chùa Cẩm Sơn(7) với sư Bảy. Thiệt lòng, cậu chỉ thích theo học võ với anh Hai cho có đôi có bạn. Và, chỗ anh Hai cũng có dây mơ rễ má họ hàng, nhưng mẹ nhất định không bằng lòng. Mẹ nói:

- Giàu sang, nghèo khó chẳng nhằm nhò gì, miễn học được đạo để làm người đàng hoàng là đủ.

*

Trùm Cả mất, cảnh nhà lần hồi sa sút. Bốn bỏ ngang sự học, theo mẹ về sống đậu nhờ ngoại ở Bình Đức. Xoài mọc chen bần thành rừng. Nhiều bữa thiếu gạo, ăn xoài thay cơm. Xoài rừng thịt ít, hột tru trú... muốn ăn phải mút. Bà con lưu dân gọi Xoài Mút, Xoài Hột và tên gọi đó, dính liền tên đất tên rạch. Thương mẹ tần tảo quanh năm, cậu chẳng thể nào yên nằm đọc sách. Cậu Bốn mang đục lủi thủi cùng mẹ bắt ốc, hái rau sống đắp đổi qua ngày. Những lúc ngồi nghỉ tay, mẹ con thường chuyện vãn. Bốn hỏi mẹ:

- Sao người ta gọi Rạch Gầm, hả mẹ?

Mẹ nói, người ta gọi Rạch Gầm cũng có nguyên cớ. Mẹ kể rằng:

- Chuyện thiên, hễ “Trời gầm thì sấm giựt’’. Chuyện đời, hễ “gầm thì có hét’’. Bà ngoại nói hồi nẳm, trong đêm mưa gió, bên kia sông Tiền là cù lao An Hóa hình như có tiếng đờn bà hét nghiêng trời; bên nầy sông, đột nhiên có tiếng đờn ông gầm lệch đất. Sáng ra, đất trời mát mẻ, vườn tược xanh tươi, lòng người phơi phới và quên những chuyện không vui ngày trước. Và, con rạch chảy qua Bình Đức được mọi người đồng thanh gọi rạch Ông Gầm. Lâu ngày dài tháng, chữ ông biến mất từ hồi nào chẳng ai còn nhớ, chỉ nhớ mỗi một chữ Gầm (!).

Mẹ kể, con cười vì nghe cũng ngộ!

3.

Làng xóm Bình Đức, Kim Sơn xơ xác bởi chiến tranh. Ngày Tây Sơn, đêm Nguyễn Ánh. Dân tình bị kẹp giữa hai thế lực, người mình nghi kỵ người mình, dân làng giết dân làng, chết chóc và ly tán, đau khổ biết dường nào? Ngày đó, đường qua Rạch Gầm ngược lên Vĩnh Kim ghé Long Hưng vắng lắm! Theo những người bạn chài thâm giao thời nhỏ, Bốn giấu mặt và kiếm sống bằng nghề hạ bạc trên sông nước Tiền Giang. Bạn chài đặt cho Bốn cái tên trìu mến: “con rái cá”! Bà con chòm xóm nghĩ tình xưa của Trùm Cả, sẵn sàng dang tay chở che Bốn khi có điều nguy hiểm.

Bây giờ đã lập đông, cái lạnh trong lòng Bốn còn hơn cả cái lạnh ngoài trời. Bốn nhớ anh Hai, không biết giờ đã trôi dạt phương nào cùng chúa Nguyễn. Tội anh Hai, chàng trai chưa tròn mười bảy tuổi đã thành thái giám làm nhiệm vụ cung quyền. Món quà cụ Toại đem đứa con trai đầu lòng tặng Nguyễn Ánh khi, chúa hụt chết nơi vàm Trà Lọt. Dân chúng mỗi ngày một xôn xao, nhốn nháo do tin tức dồn dập từ Kiên Giang, An Giang dội về. Năm vạn quân Xiêm chia hai ngả thủy bộ tràn vào nước ta với một thế dữ!

Người già, trẻ em sống khu vực Rạch Gầm, Xoài Mút... các cù lao Thới Sơn, An Hóa, Năm Thôn và ven sông Tiền từ bến đò Ngũ Hiệp tới Bình Đức chuẩn bị sơ tán. Bởi, họ biết chắc rằng giặc Xiêm sẽ xuôi dòng sông Tiền đánh chiếm Đại phố Mỹ Tho. Cậu Bốn đứng ngồi không yên!

Dân chạy giặc ở miệt Châu Đốc, An Giang, Trấn Giang... dồn xuống Mỹ Tho ngày một đông. Họ nói quân Xiêm hoành hành, tác oai tác quái những nơi chúng chiếm cứ và đi qua. Lòng người căm phẫn và cuồng nộ!

*

Buông chóp chài, Bốn chòng chành theo con sóng đớp be xuồng. Trời hừng đông, đất rựng sáng!

- Rái cá! Bữa nay nghỉ chài một bữa. Nhảy sang ghe qua uống trà!

Bốn kéo vội chài, từng giề lục bình bông tim tím nhấp nhô trôi về biển. Bầu trời xanh, đàn cò sang sông!

Chú Chín đẩy chén trà, mời Bốn.

- Ngữ nầy rồi, chẳng mần ăn gì được!

Bốn chưa cạn chén trà, năm bảy xuồng chài của những người anh em cùng nghề, bơi tắp xuồng ghe cặp ghe chú Chín.

Chú ra trước mũi nắm tay kéo từng người nhảy lên ghe. Tiếng cười lan khắp mặt sông.

- Rái cá! Ở đây, chú em người có học, có hiểu biết hơn bọn qua. Tình hình nầy, chả lẽ ngồi yên?

- Trốn hoài sao chú em, chịu sao thấu!

Mỗi người một lời hỏi, chiếc ghe lắc lư hứng từng cơn gió chướng từ biển Gò Công thổi về mát mẻ. Bốn bị động và bất ngờ. Cô bác và những người anh em bạn chài, họ muốn gì? Họ theo ai và đánh ai? Bốn im lặng, ngồi như con thần thừ.

Chú Chín ôn tồn, nói:

- Ông bà mình bỏ cố xứ vô Nam khẩn hoang là, những mong “an cư lạc nghiệp’’. Đời mình, đem sức bình sinh kiếm “miếng ăn cái ở’’ chớ chẳng xâm phạm hay cướp giựt của cải của thiên hạ. Nguyễn Ánh - Tây Sơn tranh cướp đánh nhau, dân tình khốn khổ, anh em chia lìa, dòng họ chẳng thèm ngó mặt, chòm xóm mất dần “tối lửa tắt đèn có nhau’’... Vì, người theo bên nầy, kẻ theo bên kia! Lâu dần, sự thiệt thà thay bằng dối trá...ai mà không đau? Chẳng qua, nhằm bảo vệ mình!

Tiếng gió đập lên mái ghe nghe nồm nộp. Một con vạc đi ăn đêm về tổ trễ, bay ngang sông kêu “quang quác’’.

Mọi ánh mắt dồn cả về phía Bốn, họ tin Bốn như tin mình, họ biết ruột gan Bốn thà sống trốn chui trốn nhủi vẫn hơn đồng hành cùng chủ tướng. Bốn là con kình ngư đang ẩn nhẫn chờ thời!

Sáu Chung chịu không nổi cái ngột ngạt của cuộc họp, bất ngờ nói lớn:

- Nước tới chân, không nhảy! Đợi bao giờ?!

Có tiếng ai đó ngồi dưới lườn ghe nói vọng lên:

- Nghe nói, bọn Xiêm đã chiếm Vĩnh Long, đang đóng quân ở Trà Lọt, Trà Tân. Trận Măng Thít, Châu Văn Tiếp bị giết(8).

- Cái gì? Châu Văn Tiếp bị giết?

Bốn nhổm đít, hỏi dội xuống. Không có ai đó trả lời. Thước phim cũ lăn qua trí nhớ của Bốn rất nhanh... rất nhanh. Một nỗi buồn xâm lấn tận đáy lòng, thương cái thương cho một con người tận trung với chủ nhưng, giận cái nỗi Tiếp cam tâm rước giặc Xiêm giày xéo quê nhà!

Lúc bấy giờ, trên sàn ghe không ai hiểu nội tâm của Bốn, trừ chú Chín.

*

Chiều tháng chạp, Sầm Giang khói sóng như mây. Bốn và chú Chín bơi xuồng đi thực địa điểm thủy đầu vàm rạch, nơi ngày xưa Trùm Cả tụ dân khẩn đất, lập ấp Kim Sơn. Nói đúng hơn, Kim Sơn là quê nội và Xoài Mút là quê ngoại của Bốn. Con người, địa hình địa vật, bờ sông mé rạch, lón nước dòng sông... tất tất Bốn nằm lòng... nằm lòng như tiếng nói đầu đời mẹ dạy.

Bốn và chú Chín cột xuồng ở gốc bần, lên miếu Trùm Cả thắp nhang khấn vái. Hàng hàng lớp lớp tổ chim dồng dộc đong đưa theo gió trên những cành bần, tiếng gọi đàn líu lo ríu rít.

- Dù Trương Văn Đa lui binh, quân Tây Sơn ở Quy Nhơn chưa vào ứng cứu kịp thì, dân Sầm Giang và lân cận dọc sông Tiền hết thảy cùng đồng lòng đánh Xiêm. Đánh chúng tại khúc sông nầy, chớ không đánh nơi khác. Địch tối, ta sáng. Địch mù, ta tỏ. Lo chi Sầm Giang - Xoài Mút chẳng là, nắm mồ chôn quân xâm lược!

Tai Bổn dường như nghe ba mình nói lời chắc nụi hay đó là, lời hồn thiêng sông núi!

Canh hai, xuồng của Bốn về tới bến nước cù lao Thới Sơn, mọi việc chuẩn bị đều “thuận buồm xuôi gió’’. Hàng vạn trái dừa khô được các chủ vườn dừa Phú Túc, Ba Vác, Mõ Cày, Giồng Trôm... nhanh chóng hái bẻ, vẽ mặt người và âm thầm gom lại giúp cho trận đánh. Không ít người tò mò, thắc mắc về việc sử dụng trái dừa khô vẽ mặt người nhưng, tất cả tuyệt đối im lặng giữ bí mật.

Bốn, chú Chín, Sáu Chung cùng soi con nước sông Tiền khúc Sầm Giang - Xoài Mút theo con trăng, thời gian nước rong nước kém, thời khắc qua trăng mười bảy “nước nhảy khỏi bờ’’ tới trời tối ba mươi đón giao thừa. Bốn đoán giặc Xiêm sẽ dựa vào đại pháo trên các chiến thuyền to lớn, đánh úp Đại phố Mỹ Tho trong những ngày cận Tết. Rồi từ đó, đồng loạt tiến quân về tấn công Gia Định.

- Muốn ghe dừng, chi bằng hạ buồm, gác mái chèo hơn là dùng sức ngăn cản. Không đạn, hết đạn, đại pháo chỉ là đống sắt vô dụng. Bọn thủy binh sẽ hoảng loạn tinh thần, tranh nhau tìm đường sống trong con đường chết. Cuộc thủy chiến lúc ấy coi như kết thúc!

Bốn nói với chú Chín và mọi người như vậy, trong lúc trao đổi thực tập trận đánh trên sa bàn.

Có người gặng hỏi:

- Rái cá! Lấy cái gì làm cho đại pháo quân Xiêm không đạn, hết đạn?

4.

Kế thủy chiến đánh Xiêm của Bốn rất hợp ý Huệ và Huệ cải trang cùng Bốn đi trinh sát thực địa từ Bình Đức đến Kim Sơn. Dưới ánh trăng non đầu tháng chạp Sầm Giang, Long Nhượng tướng quân nép mình bên hàng bần đã vào mùa bông nở, hương thơm theo làn gió chướng cảm khái lòng chàng trai tuấn kiệt Tây Sơn mải mê chiến trận quên tuổi xuân. Và, chàng trai tuấn kiệt Tây Sơn ấy, đêm nay thuận ý với Bốn chọn khúc sông nầy làm bãi sa trường nhấn chìm lũ quân xâm lược.

Hơn ai hết, Huệ hiểu rằng: Tây Sơn phải đánh nhanh, thắng nhanh và giải quyết chiến trận với quân Xiêm nhanh. Bởi, Tây Sơn đương ở thế ‘’lưỡng đầu thọ địch’’, chẳng những liên quân Xiêm - Nguyễn ở Gia Định mà còn quân chúa Trịnh đang lập phòng tuyến thép ở Thuận Hóa. Muốn vậy, không gì bằng dụ địch rời nơi phòng bị mạnh nhất đến chỗ yếu nhất. Tập kích vào đại bản doanh quân Xiêm nơi Trà Tân sao bì được đánh quân Xiêm ở khúc sông quê của Bốn? Huệ nể Bốn ở kiến văn lẫn kiến võ, hiểu lẽ trời, biết thế cuộc Tây Sơn. Ngỡ chơi hóa thực, tưởng thực hóa chơi. Diệu kế mà ta chưa từng nghe nói, chưa từng gặp bao giờ.

Đột nhiên, Huệ xiết chặt bàn tay Bốn. Bên kia sông, đèn mù u nhà ai còn leo lét!

- Trời giúp Huệ! Lê Xuân Giác - kỳ sĩ đất Sầm Giang!

*

Chưa trọn mười ngày sau cái đêm thị sát thực địa của Huệ, trận thủy chiến mở màn với hàng vạn trái dừa khô vẽ mặt người theo gió chướng từ Biển Đông thổi về, cỡi lưng sóng nhấp nhô, khác chi hàng vạn đầu người đang hụp lặn bơi vào thuyền giặc. Trăng mồng chín rạng mồng mười tháng chạp, năm Giáp Thìn không đủ tỏ(9), quân Xiêm lạc vào không gian hư hư thực thực… Tưởng quân Tây Sơn tấn công, tất cả đại pháo của gần ba trăm chiến thuyền hạ nòng đồng loạt nhả đạn.

Khi quân Xiêm phát hiện ra trái dừa khô thì trời tảng sáng và các đại pháo trên thuyền không còn một viên đạn pháo bắn cá sông Tiền. Lúc nầy, các đại pháo do Hà Lan, Anh sản xuất đặt dọc bờ sông Tiền được quân pháo binh Tây Sơn khai hỏa. Đạn pháo rớt trên những chiến thuyền quân Xiêm như rải trấu. Mất tinh thần và hoảng loạn, quân Xiêm tranh đạp nhau nhảy sông tìm đường sống sót. Dứt tiếng pháo, thủy binh Tây Sơn hợp đồng cùng dân binh địa phương dùng xuồng, ghe tam bản lao ra mặt sông nơi địch đang lóp ngóp mặt nước. Trận đánh kết thúc lúc trời chưa đứng bóng trong ngày.

Nguyễn Ánh đang lưu trú Long Hồ, tàn quân chạy về báo tin thất trận, Ánh run khan! Mạc Tử Sanh thấy vậy, vội la lắp bắp:

- Bẩm chúa, hạy...C...h...ạ...y...thôi!

5.

Thân nổi trôi đất khách quê người, chúa Nguyễn và đoàn tùy tùng sống tạm bợ ngoại vi thành Vọng Các ở Kỳ Long(10). Chúa tôi cùng lao động tự túc, tự cung, tự cấp... mơ ngày về cố quốc! Một hôm Ánh theo Mạc Tử Sanh và Thái giám Duyệt ra ruộng cấy lúa, lúc nghỉ cơm trưa, đột ngột Ánh hỏi Duyệt:

- Hắn, kẻ bày Huệ chơi trò quỷ kế: Trái dừa khô mang mặt người cỡi lưng sóng! Có phải, người đó từng là bạn mi thời nhỏ?

Ánh hỏi, Duyệt có cảm giác ớn lạnh xương sống. Con người nầy không dễ gì buông tha kẻ trái ý, phật lòng. Duyệt còn do dự, Mạc Tử Sanh chen vô:

- Hắn, tên Lê Xuân Giác, trước là bộ tướng của Đại đô đốc Châu Văn Tiếp. Phản đối chủ tướng sang Xiêm cầu viện, hắn bỏ ngũ quay về xứ sau khi tiễn chủ tướng một dặm đường qua biên giới Cao Miên.

Ánh bực tức, lời nói hậm hực:

- Ta nghe hắn giờ đã là, hàng tướng theo bọn giặc Huệ!?

Duyệt đứng dậy lấy cớ đi hái thêm ớt, vì chúa thích ăn cay…

*

Duyệt bồi hồi nhớ lại:

Ốc bươu vườn, chuột coi món ăn khoái khẩu. Chuột, vật linh và tinh khôn (?) Nếu không, ai để chúng đứng đầu mười hai con giáp? Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, ốc cũng chẳng vừa gì. Nó đợi tháng ba, mùa trái mù u khô cuống rụng xuống rạch, con nước ròng mang theo trùng trùng trái mù u khô trôi ra sông. Nó khởi hành: Trái mù u trôi phía trước, ốc bám giề cỏ trôi sau. Chuột ngó trái mù u tưởng ốc, nhào xuống chụp ăn... nhiều chuột chết chưa kịp nhăn răng, chưa kịp ngớp! Bốn chơi kiểu nầy với bọn Xiêm hẳn là, cầu mong ta đừng biết?

Duyệt nghĩ thầm:

- Bốn, người anh em bạn thời nhỏ ở quê nhà. Ta không hiểu bạn thì ai hiểu bạn ta! Khi được hung tin quân Xiêm chưa đánh đã vỡ trận vì trái dừa khô, ta biết ngay đó là mưu kế của Bốn. Và, ta tin bạn ta không là hàng tướng của Tây Sơn. Đó chẳng qua là mượn và hợp tác cùng quân Tây Sơn đánh quân xâm lược Xiêm, giữ bờ cõi. Lê Xuân Giác một con người vì dân, vì đất nước. Tuyệt nhiên, không phải vì vua chúa, vì hoàng tộc!

6.

Huệ đứng ngồi chẳng yên, bụng dạ cứ thắc tha thắc thỏm ngóng tin Phò mã Trương Văn Đa đang tìm kiếm người kỳ sĩ đất Sầm Giang. Sau chiến thắng, vùng Rạch Gầm - Xoài Mút còn un mùi tanh máu, xác quân Xiêm trôi về biển qua năm cửa sông Tiền thì, Bốn bóng chim tăm cá!

Việc quân gấp, Huệ không đủ thời gian ở Mỹ Tho đợi tin.

- Bằng tất cả phương tiện có thể, phải tìm cho được Lê Xuân Giác và thuyết phục người kỳ sĩ nầy về với Tây Sơn. Nếu không được, đành..., dứt khoát không để sẩy, tạo cơ hội cho Ánh thêm vây thêm cánh!

Huệ đắn đo, thận trọng căn dặn Đa.

T.B.Đ
(SHSDB23/12-2016)

 
-----------------------
(1) Tháng hai, năm Quý Mão (1783).  
(2) Tháng 3 năm Nhâm Dần (1782).  
(3) Đêm 19 rạng 20, tháng 1 năm 1785.  
(4) Tháng 9, tháng 10 năm 1777, Tây Sơn xử tử Tân Chánh Vương,  Nguyễn Phúc Dương, Thái Thượng Vương, Nguyễn Phúc Thuần tại chùa Kim Chương.
(5) Năm Ất Hợi (1755), đời vua Thế Tông thứ 18 (Nguyễn Phúc  Khoát) có thầy Tăng ở Quy Nhơn là Đạt Bản hòa thượng đến lập chùa ở đây, được vua ban cho tấm biển đề “Kim Chương tự’’ (Theo Giác Ngộ). Địa điểm chùa, nay có lẽ ở khoảng ngã tư Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh. Khi Đại đồn Chí Hòa thất thủ, Tăng chúng nhanh chóng tháo dỡ chùa đem về làng Mỹ Thiện, Cái Bè xây cất lại với cái tên mới là chùa Hội Thọ.
(6) Tả quân Lê Văn Duyệt  
(7) Chùa Giác Lâm, do cư sĩ Lý Thụy Long (người Minh Hương) xây  dựng vào đầu mùa xuân 1744 trên gò Cẩm Sơn. Hiện nay, số 565. Lạc Long Quân, Phường 10, Quận Tân Bình, Tp.HCM.
(8)  Trận Mang Thít, 30/11/1784 (tức ngày 18 tháng 10 năm Giáp  Thìn) Châu Văn Tiếp bị quân Tây Sơn dưới quyền chỉ huy của Trương Văn Đa giết.
(9) Tức đêm19 rạng 20/1/1785.  
(10) Còn gọi Đồng Khoai.   







 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Về nhà (05/01/2017)
Dị mộng (13/12/2016)
Bóng đêm (22/11/2016)
Mê cung (31/10/2016)
Hấp hối (24/10/2016)