Truyện ngắn
Nguyện của cây
10:14 | 14/02/2017

ĐINH PHƯƠNG

Khi tôi mười ba tuổi. Lần đầu tiên tôi nói với mẹ “Đừng rơi về phía bóng tối”. Mẹ không hiểu tôi. Bà không biết tôi đang diễn tả điều gì. Mẹ nhìn tôi đầy ngờ vực và cười khẩy.

Nguyện của cây
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Một bà mẹ bốn mươi không thể hiểu được đứa trẻ mười ba. Điều đó là tất nhiên. Nhưng tất nhiên hơn nữa từ hôm đó tôi lùi dần vào phía bóng tối được bao phủ bởi những cơn mưa thị trấn. Cơn mưa này nối cơn mưa kia trên một đoạn đường hun hút vắng.

Tôi không biết diễn tả với mẹ sao điều tôi muốn nói. Về bóng tối, mưa và một khoảnh khắc nhận ra rằng mình sẽ rơi.

Tội nghiệp giấc mơ.

Mà giấc mơ chỉ có màu đen của cơn mưa. Người đi trong cơn mưa đó xuyên qua các ngôi nhà, xuyên qua cây và các tầng ký ức cũ. Người đi không có tên tuổi. Họ gạt mọi thứ gắn lấy xung quanh mình. Như thơ thẩn, cười. Và ngây dại. Không quen biết ai.

Mẹ tôi không tin những điều tôi viết ra trên đây, lúc này. Bởi bà đã già lắm rồi. Bà nắm giữ những đức tin của ngờ vực. Ngờ vực chính mình. Ngờ vực tôi. Ngờ vực nhiều người. Bà nắn nắn ngón chân cái cho đỡ mỏi và lẩm nhẩm nguyện cầu. Cho sống chết. Buồn bã. Bà ngồi ở cửa nhìn ra con đường mà ngày nào tôi cùng chúng bạn vẫn chơi và thấy lại chúng tôi, ở hình bóng. Lúc chỗ này, khi chỗ kia. Ngón chân cái mỏi nhừ bà muốn cắt phăng nó đi bằng con dao phay vẫn dùng chặt xương. Một nhát… Nhỡ mồm, bà để lọt ra hai từ đó lẫn vào bài nguyện. Bà sám hối. Coi như tội lỗi của ngôn ngữ không thuộc về bà mà thuộc về quỷ. Hay là một thử thách của đấng tối cao. Bà đã không vượt qua, nhưng niềm tin về sự vượt qua còn lớn hơn. Bà lẩm nhẩm, lẩm nhẩm. Ngón cái vân vê vết chai ở lòng bàn tay. Thở dài. Nhìn xa...

*

Tôi đã không vẽ được chính xác cái giây phút mẹ nhìn xa xăm ấy. Nó vụt mất. Khoảnh khắc giữa tội lỗi vô tình phạm phải và sám hối cho điều đó không bao giờ tôi có thể đạt tới.

Bởi tôi không tin đức tin của mẹ.

Tôi không tin mẹ.

Một ngày của mẹ bắt đầu bằng nguyện và kết thúc cũng bằng nguyện. Nguyện trong khi ăn. Nguyện khi ngủ. Nguyện khi nói chuyện với người khác. Nguyện khi nói điện thoại với tôi. Bà còn nguyện khi nhớ tôi nữa.

Thật khó chịu.

Tôi không dám nói thẳng điều ấy với bà. Tôi chỉ có một cách chống lại là chạy trốn thật xa khỏi thị trấn. Vậy mà thị trấn vẫn ám lấy. Khi đang ngồi trên xe bus từ chỗ làm về nhà trọ tôi bàng hoàng nhận ra hai bên đường vẫn là hàng bàng của thị trấn. Hàng bàng ngày ngày mẹ vẫn nhìn ra. Ngàn cánh tay xương xẩu che giấu nền trời xám xịt phía sau. Không mưa. Nhưng tôi khóc. Trời tháng hai vẫn còn lạnh. Người đàn bà ngồi cùng ngồi dịch ra ngoài, lịch sự hỏi: “Cô làm sao đấy?” Âm sắc lạnh lùng xoáy lấy. Nỗi chán chường bủa vây kính xe làm thành giọt chảy xuống. Bên ngoài chắc đang mưa. Ở thị trấn có mưa? Tôi trả lời cộc lốc: “Không sao”. Tôi không nghe thấy tiếng của chính mình. Tôi chỉ ngửi thấy mùi ngai ngái của thân thể mẹ. Mùi của giấc mơ mốc meo, lưu cữu.

Người đàn bà xuống xe ở bến sau. Màu xanh dương của áo khoác đột nhiên cứa lấy. Rất mạnh. Mạnh hơn cả những hàng bàng chưa kịp đâm chồi, nảy lộc hai bên đường. Tôi thèm muốn được chết. Kinh khủng.

Như cây cỏ lô nhô.

Vào ngày 20 tháng 2. Khi hai ba tuổi, bốn ngày.

Tôi xuống xe ở bến sau nữa. Đứng nép vào trạm chờ xe. Chiếc xe vừa chở tôi đi xa dần, khuất sau đường rẽ về thị trấn khác. Từ thị trấn khác đó về thị trấn nơi tôi sinh ra phải qua hai thị trấn khác nữa. Cảnh vật cũng thế. Nhà cửa cũng thế. Có khác đi là một khái niệm nơi đây không phải nơi tôi sinh ra, thế thôi. Lần nào về nhà tôi cũng lơ mơ ngủ bỏ qua một trong ba thị trấn phải qua. Mẹ bảo tôi là con sâu ngủ. Ngủ cho hết một kiếp người thì có tội không mẹ? Mẹ không trả lời. Vội vã đi đâu đó với những người cùng đức tin. Một bà béo, một bà gầy, một bà tóc bạc ngắn rẽ ngôi giữa. Tôi chào cả ba bà. Tôi ngồi vào chiếc ghế mẹ vẫn ngồi nhìn ra con đường trước mặt. Nắng hiu hắt xám. Màu trong mắt tôi chỉ còn đen trắng. Tôi ghi nhớ tất cả. Cái cây, con chim, nóc nhà ngói nhô ra nham nhở, đứa trẻ con chạy vụt từ trong nhà ra đuổi theo quả bóng... Chậm chạp. Cảnh vật không tiến lên mà dừng lại. Tôi cũng dừng lại ở quãng nhìn đầu tiên.

Khoanh vùng. Gặm nhấm.

Tỉ mẩn tí một.

Cho đến khi mẹ về tôi đã hóa thành cảnh vật. Tôi không nghe thấy mẹ nói gì nữa. Lòa nhòa. Lòa nhòa. Tiếng nói trượt qua tai như gió. Tôi nhìn mẹ như nhìn một bóng mây di chuyển qua trời. Mẹ lay lay vai tôi. Tôi thành cây. Tay mẹ thành con chim sâu nhỏ gõ gõ mỏ. Chân tôi thành rễ đâm sâu xuống đất. Quấn quanh chiếc ghế nhựa mẹ vẫn ngồi. Người hóa thân cây. Da hóa vỏ. Tay thành cành vươn về hai hướng. Mẹ bàng hoàng cầu nguyện.

Đấng tối cao bỏ mẹ rồi.

Phải năm ngày sau tôi mới hóa lại thành người.

*

Trạm chờ có ba người. Tôi im lặng, sợ hai người kia bắt chuyện.

Chưa bao giờ tôi sợ tiếng người hơn lúc này.

Nhưng tôi chờ đợi điều gì ở trạm xe bus này? Chính bản thân tôi cũng không biết. Tôi sợ về thị trấn. Sợ gặp mẹ. Sợ hóa cỏ cây. Đồng thời, tôi cũng muốn về nơi đó hơn bất cứ đâu trên cõi úa này. Giá mà tôi và mẹ chung nhau một đức tin. Tôi đã từng tin, thật tâm, nhưng không còn tin nữa. Từ ngày mười tuổi. Từ ngày biết thế giới chia làm hai nửa bóng tối và ánh sáng. Con người thường ngả về phía bóng tối nhiều hơn.

Mẹ ở phía tối.

Tôi cũng thế.

Mẹ lầm rầm cầu nguyện. Con đường trước nhà đông vào buổi sáng và xế chiều. Khi người lớn đưa trẻ con đi học, đón chúng về. Thị trấn chỉ có một trường cấp hai duy nhất. Tôi cũng học trường đó, cũng cởi áo trắng bên ngoài buộc hờ vào cổ để chạy cho bay làm siêu nhân, cũng nặn những quả cầu bằng cát để mơ gặp Cô gái đại dương(*), cũng trèo tường ra ngoài để ăn vài cái bánh me, kem túi đậm phẩm màu vàng đỏ. Khi nhớ lại những gì đã qua tôi có cảm giác chúng không mất đi. Chúng vẫn còn đó, hiển hiện trong một khoảng thời gian của nỗi nhớ và ký ức. Từng khuôn mặt, từng cái cây, từng hạt cát nhỏ trôi chầm chậm từ góc nhỏ này sang góc nhỏ khác. Im lặng. Tôi ngắm nhìn chúng, ngắm nhìn chính tôi. Rồi tỉ mẩn đọc ra từng cái tên: Vân Anh, Hiển, Phương, Vinh, Hiếu, Thúy, Thắng, Hoa, Hưng, Loan... Đâu đó trong những cái tên mơ hồ có tên tôi. Tôi vơ đại lấy một cái tên và biết cái tên là Vân Anh. Cô bạn nhỏ gần nhà đã nhổ của tôi cây nhãn trồng được ba ngày trên đống cát ở cổng. “Mày không thể về khi chưa trồng lại nó. Cây tao trồng sắp đến ngày ăn quả mà mày dám nhổ hả?” Cây nhãn dài gang tay. Tôi bừng bừng tức giận. Mặt cô bé trắng bệch sợ hãi. Chính tôi giây phút nhớ lại cũng sợ hãi. Khi bé người ta có xu hướng đến gần với tội ác hơn để thể hiện mình. Cái tên Vân Anh trôi đi. Chỉ còn lại cây nhãn trong một đoạn phim chiếu rời để chuyển sang đoạn khác.

Đoạn khác với tên khác. Phương. Tôi nhớ Phương khi Phương thả con thuyền ở đầu kia cống và bảo tôi chờ ở đầu đối diện. Thế giới trong cống đen ngòm với vô vàn thứ mà chúng tôi không biết. Ánh sáng yếu ớt chiếu vào cũng chỉ được một phần ba. Đoạn ở giữa là một bí ẩn. Con thuyền mắc lại. Đợi mãi. Đợi mãi. Cuối cùng tôi chạy sang đầu kia lấy đá ném vào giữa. Con thuyền trôi ra, chầm chậm, rách nát, ngấm nước. Chúng tôi gấp một con thuyền khác, thả, lại đợi. Cho đến khi mắc cạn mãi thì chuyển sang trò chơi khác.

Tại sao chúng tôi không biết ngay từ đầu mình không thể thoát ra?

Có thoát ra cũng không còn nguyên vẹn, lành lặn nữa.

Thoát ra là chết.

Vậy mà vẫn cố bơi mãi. Chảy xuôi theo dòng chảy nhỏ, mắc kẹt, chịu trừng phạt, lờ đờ trôi ra.

Phương hóa tôi. Tôi hóa Phương. Đoạn ký ức dài giờ bị tước đi từng mảng. Đầu tiên là Phương. Rồi mấy ngôi nhà bên cạnh. Cây xoài. Chiếc xe đạp của bà bán kẹo kéo. Tảng trời xanh bên trên. Con đường trước mặt. Cống nước. Con thuyền. Màu của ánh sáng cũng bị tước đi. Chỉ còn nhờ nhờ tôi ngồi với hai bàn tay như đang gấp gì đó.

Sao tôi không bị tước đi?

Thà như thế để nuôi một nỗi tuyệt vọng không nguồn gốc còn hơn bị sót lại gì đó mỏng mảnh để bám vào. Rồi xúc động. Như mình trở lại quãng thời gian đẹp nhất của đời người mà chẳng thứ gì có thể ngăn giữ. Mơ hồ. Mờ ảo. Ẩn sau mỗi lần trở về là một con quái vật mang tên tiếc nuối. Thức ăn của nó chính là nỗi sợ hãi và cảm giác hưng phấn của chính tôi khi thấy lại mình. Không có thức ăn nó không thể sống. Bám thật chặt. Nó lấp sau ngôi nhà nơi thị trấn, nơi có mẹ tôi ngày ngày ngồi nguyện. Mẹ không phải là thức ăn của nó. Mẹ không có ký ức, sợ hãi hay hưng phấn, mẹ chỉ có hiện tại với lời lẽ cao siêu cần cho cõi khác hơn cõi này. Con quái vật thích ăn chính tôi hơn. Nhưng tôi lại ít trở về kể từ ngày tôi phát hiện ra nó.

Năm mười ba tuổi. Tôi hỏi mẹ: “Ai ở phía bóng tối?” “Bóng tối nào con?” Mẹ hỏi lại. Tôi thở dài nhìn vào góc nhà. Góc nhà tối, đầy bụi bặm mỗi khi mẹ quét ra. Con quái vật trốn ở đó. Nhưng mẹ không nhìn thấy. Cũng như sau này mẹ không nhìn thấy tôi vì sợ mà chạy trốn và lần lữa mãi với mỗi lần trở về. Mẹ cầu nguyện để trốn con quái vật. Tôi thì không thế, tôi bỏ đi để trốn.

Con quái vật không bị lừa lâu.

Nó bỏ thị trấn để bám theo tôi.

*

Chỗ ở đầu tiên của tôi khi tới thành phố là ngõ nhỏ nằm sau trạm trung chuyển xe bus. Có sáu chuyến xe bus từ các thị trấn dừng ở đây để vào nội thành. Bốn chuyến từ thành phố qua. Có một chuyến lấy trạm là điểm đầu, cũng như điểm cuối, vòng tròn. Chỗ tôi làm đi hết một vòng thành phố. Công việc chính là trực điện thoại của một quán cơm rang, mì xào hải sản. Ghi tên người đặt hàng, số xuất, địa chỉ, số điện thoại, yêu cầu đặc biệt như nhiều hành hay không hành, đồ uống rồi chuyển xuống nhà bếp để làm, người giao hàng đưa đi. Khách hàng chính là nhân viên văn phòng, đơn đến chủ yếu vào buổi trưa, buổi tối cũng có nhưng ít hơn, chủ yếu thanh niên độc thân. Không có ai có ý định tán tỉnh tôi qua điện thoại. Chữ viết của tôi dễ đọc để không bị làm khó. Mức lương tạm đủ sống một mình ở gác xép tầng hai, sau cây hồng xiêm che xòa vào hiên hẹp, nhà vệ sinh chung với nhà chủ, trong con ngõ nhỏ mang số 39, bữa trưa và bữa tối ăn cơm hoặc mỳ tại quán. Buổi sáng thường ăn bánh mỳ hoặc xôi lạc ở mấy hàng đầu ngõ.

Vật dụng chính là ba lô đựng ba bộ quần áo dài, hai bộ quần áo ngủ, quần áo lót màu đen và hồng, mũ lưỡi trai màu xám, tất chân, vỉ thuốc cảm, lọ thuốc tiêu chảy, nửa gói băng vệ sinh dùng dở...

Ngày rời thị trấn tôi không biết mình cần mang theo gì?

Mẹ không giúp tôi được trong việc chạy trốn. Lúc ấy bà còn ngủ. Nếu có thức chắc chắn bà sẽ không cho tôi đi. Rón rén mở cửa. Bước ra. Thị trấn tiễn tôi đi bằng mưa. Mưa phủ trần mù khơi ướt tóc. Sương mờ mờ giăng trắng. Đằng trước là nỗi nhớ hay tôi? Vết giày chạp nước mỏng lép bép kêu. Tiếng chó sủa vọng từ xa xa lan tới. Tim đập nhộn. Tôi ngoái lại phía sau. Căn nhà trơ trọi đứng nhìn ra con đường trước mặt. Con đường tôi đang bỏ trốn. Hay quay lại? Phía ánh sáng vọng lên yếu ớt, bị nuốt chửng bởi mưa và sương. Tôi không còn lựa chọn nào khác. Từ ngày bố lén bỏ đi giữa đêm tôi cũng biết mình phải bỏ đi. Bố ở phía bóng tối, bố đến với người đàn bà của bố không phải là mẹ. Tôi căm thù họ. Họ ở trong thị trấn. Mẹ cũng ở thị trấn. Tôi muốn trả thù cho mẹ. Còn mẹ? Mẹ nguyện cầu cho tội lỗi của họ. Tại sao lại thế? Tại sao phải làm thế? Tôi cố đào một chút đức tin của mẹ lên để sống tiếp mà không chịu đựng được. Tôi muốn mẹ là một người đàn bà bình thường chứ không phải một á thánh để thờ phượng.

Con quái vật tiếc nuối cũng muốn mẹ là người bình thường.

Trước ngày đi tôi tìm đến bố. Đúng bữa trưa. Mâm có canh cá, rau sống và tôm rang. Bố bảo tôi ăn cơm. Tôi không ăn. Người đàn bà quỷ dữ xới cơm cho bố, gật đầu chào tôi rồi dắt xe đi. Bà ta có cửa hàng bám đồ sơ sinh nằm cạnh đường quốc lộ xuyên ngang thị trấn. Màu vàng của tôm, xanh của rau sống gợi cuộc sống đang diễn ra bình thường. Nghĩ đến mẹ đang cầu nguyện, ăn chay ở nhà nỗi tủi nhục cuộn lên. Tôi đứng dậy.

“Con cần gì?”

Năm năm bố đi tôi nghĩ mình cần gì ở một người bố? Một chỗ dựa. Ước mơ hay nỗi nhớ. Cảm giác bằng bạn bằng bè. Đều không. Năm năm tôi quen dần việc nặn bóng mình trong bóng tối. Không khó lắm. Bóng trơn, keo, dính như đất sét. Lấy ra được từng tảng một, khi nặn chán tôi lại đắp vào như cũ. Chỉ cần thực sự tập trung dồn sức vào đôi tay là làm được. Vuốt vuốt, chỉnh sửa. Hình khối trước rồi đến tay chân, vạt áo, mắt mũi, các chi tiết nhỏ hơn. Đa phần tôi đều nặn tượng mẹ đang ngồi trước cửa nhìn ra con đường trước mặt. Chưa khi nào tôi nặn bố.

Một người chết có nhiều ký ức hơn. Là ký ức được tái tạo thông qua người sống mà cái chết làm bật lên. Cái chết thổi vào hình ảnh người chết một ý nghĩa mới.

Tôi không thể bịa đặt gì về bố khi bố còn sống. Bố bỏ mẹ con tôi đi theo người đàn bà khác. Ký ức đấy. Mẹ kiếp. Thế thì có gì đáng nói nữa chứ. Trong ngần ấy năm mẹ con tôi vẫn sống nhờ vào đức tin của mẹ và phần bóng tối trong tôi. Tha thứ. Con hãy tha thứ. Tại sao phải tha thứ khi trong lòng mẹ thực sự không muốn điều đó? Tại sao phải đến tận cùng đức tin? Tận cùng đức tin là gì?

Mẹ im lặng.

Như tôi im lặng lúc này trước câu hỏi cần gì ở bố.

*

Con quái vật thị trấn bắt gặp tôi ở trạm chờ xe. Nó lầm lũi tiến đến khi tôi đang đợi xe bus đến chỗ làm. Vội vã, sợ hãi, lên ngay chiếc xe đang mở cửa. Chiếc xe hướng ngược lại quán ăn.

Ngập ngừng, ngoái lại đằng sau. Nó không kịp lên chiếc xe tôi đã lên. Chính nó cũng đang ngơ ngác ở trạm chờ xe với các chuyến đi về các hướng. Nó xa lạ với nơi này. Xe cộ, nhà cửa, người ngợm. Nếu nó ở đây lâu nó cũng sẽ xa lạ với chính bản thân nó nữa.

Hôm ấy tôi đi làm muộn.

Trong thành phố có con quái vật đi lạc.

*

Khi tôi không còn nhớ nổi tuổi mình tôi nói với mẹ - mẹ nên nuôi một con chó, vừa giữ nhà, vừa vui, có bầu có bạn. Mẹ nhìn tôi ngỡ ngàng. Không để mẹ kịp phản đối, ngay sáng đó tôi ra chợ mua một con chó con màu xám với lông đen ở bốn chân, đốm lưỡi. Con chó liếm tay tôi, ươn ướt, nhột nhột. Tôi mua gan lợn nấu chín, thêm ít mắm, nhai, trộn cơm cho nó ăn. Nó nằm cạnh mẹ khi mẹ ngồi trên ghế gỗ nhìn ra đường.

Phải ghi nhớ một hình ảnh mới.

Tôi đã ghi nhớ hình ảnh mẹ ngồi cạnh con chó con nhìn xa xa. Con chó con chìm trong giấc ngủ của buổi chiều đang chìm hẫng xuống. Mặt trời bị mây phủ thành quầng vàng treo lơ lửng ở góc trái. Bọn trẻ con tan học chạy qua nói về siêu nhân, dị nhân. Nó ngẩng lên, không sủa, mắt chớp chớp rồi ngủ tiếp. Nó đã ăn no. Tiếng bọn trẻ con còn vẳng lại. Cây xoài im lìm thả lá xuống đặt trên khoảng đất trống trước mặt. Cây xoài duy nhất của thị trấn. Đất thị trấn chỉ hợp trồng bàng. Trồng các cây khác cũng được nhưng còi cọc, không ra quả. Chỉ cây xoài này vài năm có được vụ quả chín.

“Con đừng đi nữa”.

Tiếng mẹ thoảng như gió. Tôi từ từ hóa cây. Tôi sợ lần này là mãi mãi, không thể hóa lại thành người. Mẹ lầm rầm cầu nguyện. Mắt nhắm. Mặt nghiêm trang hơi ngẩng lên.

Mẹ nguyện cho cây.

Con chó nhỏ mới mua về vẫn ngủ. Dù sao đi nữa tôi cũng không thể nào thoát ra được các khung cảnh cũ, mới. Tôi biết điều đó. Chúng lẫn đâu đó chỉ chờ dịp tái hiện trong đầu. Cho đến tận lúc này tôi vẫn bị giam hãm mãi nơi thị trấn. Rễ cây của tôi đâm vào da thịt thị trấn để tìm cách bứt ra; để hận bố và người đàn bà bố sống cùng; để suy nghĩ cho mẹ; và cuối cùng nghĩ về cái chết của chính mình. Tôi là người của thị trấn. Cũng như mẹ là người của nguyện và đức tin mà mẹ cho là đúng. Đáng ra, tôi cần yêu, chăm lo cho mẹ nhiều hơn. Như tận thẳm sâu mẹ cũng yêu tôi nhiều như vậy.

Tôi là một phần ủ dột, ướt đầm của bóng tối.

*

Trạm chờ chỉ còn tôi.

Trên chiếc xe bus vừa qua tôi thấy con quái vật đi lạc của thị trấn. Tôi cần phải đi tìm nó. Ngay bây giờ. Để đưa nó về lại thị trấn.

NHƯ TÔI.

Ngày 23/9/2016
Đ.P
(TCSH335/01-2017)

--------------
(*) Cô gái đại dương: Phim khoa học viễn tưởng do Australia sản xuất, chiếu trên VTV3 năm 1999.






 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Đoản văn (08/02/2017)
Về nhà (05/01/2017)
Dị mộng (13/12/2016)
Bóng đêm (22/11/2016)