Truyện ngắn
Ông thanh tra
16:04 | 03/06/2009
PHẠM THỊ XUÂNLGT: Ấn tượng của một nữ tác giả mới lần đầu tiên gửi tác phẩm đến cho TCSH thật khá đậm đà. Ấy là Phạm Thị Xuân, một phụ nữ ở độ tuổi đã qua thời thanh xuân, đang công tác tại một đơn vị y tế huyện Quảng Điền.
Ông thanh tra
Minh họa: Ngô Lan Hương

Đã từ lâu lắm, chúng tôi mới được đọc cả một loạt truyện gần như là đầu tay của một tác giả ở cơ sở như thế này. Văn của Phạm Thị Xuân bình dị, chỉnh đốn câu và chữ, viết như tuôn ra một cách lặng lẽ nhưng đọc thấy chiều sâu nhiều mặt cuộc sống bình thường đang diễn ra trước mặt. Ngay những nhan đề chị đặt cho truyện của mình cũng nói lên xu hướng ý tưởng đó của chị: Về hưu, Đôi kính, Đứa con rơi, Thoáng xưa...
Nghệ thuật truyện ngắn của Phạm Thị Xuân - dĩ nhiên - còn phải gia công rèn giũa nhiều, nhưng với sự chu đáo, không hề tô vẽ ồn ào và rất nữ tính, chị đã đặt được những bước đầu tiên khá vững chắc.
Do khuôn khổ tờ tạp chí, lần này chúng tôi xin vui mứng trân trọng giới thiệu truyện "Ông thanh tra" của chị. Các truyện khác, chúng tôi sẽ tiếp tục in trong các số tới.

TCSH


ÔNG THANH TRA

Ông lão lặng lẽ nhấm một hớp trà. Nước trà nóng với mùi thơm quen thuộc làm ông lão có vẻ tỉnh người ra đôi chút. Ông vẫn ngồi yên, không nói gì. Đầu ông hơi cúi xuống, trông vừa có vẻ mệt mỏi, vừa có vẻ cam chịu nhẫn nhục. Mắt ông nhìn vào chén trà không chớp. Có lẽ hôm nay ông có chuyện gì buồn chăng, tôi đoán thế nhưng không tiện hỏi ra. Ông lão vốn là người kín đáo. Chuyện gì ông đã muốn dấu thì có cạy miệng cũng không lấy được từ ông nửa lời.

Tôi là người bạn vong niên của ông lão, tuổi tôi chỉ đáng bậc con thứ của ông. Tôi quen ông từ lúc chuyển về làm ở cơ quan thanh tra tỉnh, khi ông còn là một nhân viên thanh tra năng nổ và tận tụy với công việc. Ngày ấy, có lẽ ông cũng xấp xỉ năm mươi tuổi rồi. Tôi không sao quên được ngày đầu tiên đến cơ quan mới làm việc, tôi đã gặp ông. Ông mặc một chiếc áo sơ -mi màu xanh đã bạc phếch, chiếc quần âu màu xám gối đã sờn. Dáng người ông gầy gò, khuôn mặt xương xẩu với chiếc cằm bạnh nhô ra. Chỉ duy có đôi mắt ông vẫn lấp lánh những tia sáng vui tươi và hồn hậu. Tôi có thiện cảm với ông cũng nhờ đôi mắt ấy. Ông đã đón tiếp tôi một cách thân mật. Sau một lúc chuyện trò, tôi ngớ người ra khi biết ông lão là "thủ trưởng" trực tiếp của mình, tức ông là tổ trưởng tổ ba người chúng tôi. Nhờ ông mà tôi nhanh chóng làm quen với công việc cũng như môi trường mới. Tôi lại được cơ quan phân cho một gian phòng bên cạnh nhà ông nên từ đó mối quan hệ của chúng tôi càng khăng khít hơn. Ông lão sống có một mình. Lúc đầu tôi cứ ngỡ ông là người độc thân và không khỏi ái ngại cho ông. Nhưng ở với ông lâu, tôi mới biết ông còn có một gia đình lớn. Ông có hai người con trai và một cô con gái. Tất cả đều đã lập gia đình. Cậu con thứ ở quê bị bệnh tim đã qua đời ở tuổi ba mươi, để lại cô con dâu và hai cô cháu gái. Vợ ông ở với cô con dâu này. Cậu con trai đầu là một kỹ sư thành đạt. Còn cô con gái út là một cô giáo cấp hai. Khi tôi hỏi sao ông không gọi bà lên ở chung để có người lo việc bếp núc cũng như thủ thỉ bên nhau sớm tối thì ông trả lời ông sống một mình đã quen rồi. Ngay từ hồi còn trẻ, ông bà cũng chẳng sống bên nhau được bao lâu. Sau ba năm cưới nhau, ông bà đã có hai mặt con. Rồi ông tham gia kháng chiến, thỉnh thoảng mới có dịp qua nhà. Đến khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ông được điều động ra Bắc. Lúc ấy bà đã có thai cô con gái út. Ông mang theo cậu con trai đầu lúc ấy mới bảy tuổi để mong giảm bớt gánh nặng cho vợ. Bởi vì vợ ông ngoài việc phải nuôi con còn phải chăm sóc bố mẹ chồng vốn rày ốm mai đau. Ra Bắc, con ông được gửi vào một trường nội trú dành cho con em học sinh miền nam. Ông cũng được yên tâm phần nào. Sau đó, ông quay lại chiến trường miền Nam nhưng chẳng bao lâu thì bị thương nặng ở chân nên lại được chuyển ra Bắc điều trị. Đợt đó ông tưởng đã mất một chân nhưng kỳ diệu làm sao, ông đã qua khỏi. Chỉ có điều từ đó ông có dáng đi khập khiễng và mỗi lần trở trời, chân ông lại bị đau nhức. Sau lần đó ông được chuyển sang ngành thanh tra và làm việc đó cho đến lúc về hưu. Cậu con trai lớn của ông được học hành đàng hoàng, tốt nghiệp loại khá một trường đại học ở Đức. Nhưng có lẽ phải xa bố mẹ từ bé nên xem chừng tình cảm của anh ta đối với ông thiếu phần mặn mà. Mặc dù vợ chồng anh ta sống khá sung túc nhưng ít khi tôi thấy họ biếu ông cái gì. Hơn nữa, đáng ra, họ phải đón ông lão về ở cùng. Mỗi lần tôi hỏi ông điều này, ông đều trả lời:
- Mình ở một mình cho nó tự do thoải mái. Với lại mình không muốn là gánh nặng của ai!

Người con trai thứ của ông, không được may mắn như người anh đầu. Anh chỉ học đến lớp năm rồi phải nghỉ ở nhà phụ công việc đồng áng với mẹ nuôi ông bà và cô em gái còn bé tí. Mấy năm sau, ông bà anh lần lượt qua đời, mẹ anh mới cho anh đi học nghề. Từ nhỏ thể chất anh đã yếu đuối nên bà chọn nghề may cho anh. Học nghề chẳng được bao lâu, anh phải nghỉ để trốn đi lính. Chẳng lẽ bố anh là quân giải phóng, anh lại đi cầm súng bắn lại bố mình. Lúc đó anh và mẹ anh chỉ nghĩ được đến thế chứ cũng chưa hề được giác ngộ cách mạng. Cũng may là chỉ ít lâu sau đó, miền nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất. Ông trở về bên vợ con với niềm vui của người chiến thắng. Cậu con trai lớn đang du học bên Đức chưa về. Sau cái phút gặp nhau mừng mừng tủi tủi đầu tiên, vợ ông phát hiện ra rằng ông trở về cũng chỉ có một chiếc ba-lô con cóc như hồi ông mới ra đi, chỉ có điều chiếc ba-lô đã bạc phếch theo thời gian. Sau gần hai mươi năm đợi chờ chung thủy, bà cảm thấy dường như hụt hẫng. Mặc dù ông không đi lấy vợ khác như một số người cùng quê, nhưng bà vẫn thấy ở ông thiếu một cái gì đó mà bà hằng mong đợi. Cụ thể cái đó là cái gì, bà không diễn tả được. Trong lòng bà không sao ngăn được sự thất vọng. Mặc dù bà không nói gì nhưng ông hiểu hết suy nghĩ của vợ. Nhưng thay vì giải thích cho bà hiểu và thông cảm, ông lại lặng im không nói gì. Trong thâm tâm, ông buồn lắm. Xa nhau hàng chục năm trời, ông đã ấp ủ bao nhiêu dự định, bao nhiêu ước mơ cho ngày gặp lại, bao nhiêu điều cần nói, bao nhiêu điều muốn nói. Nhưng sự lạnh lùng của vợ như gáo nước lạnh dội vào đầu ông, làm tiêu tan tất cả những suy nghĩ tốt đẹp của ông về cuộc sống mới. Thế là ông ở lại thành phố tiếp tục công tác tại sở thanh tra tỉnh, bà tiếp tục ở với người con trai thứ lúc này đã có vợ con. Mấy năm sau, anh con trai thứ qua đời, bà lại sống với cô con dâu và hai đứa cháu nội. Ông tâm sự với tôi rằng đời ông có hai điều ân hận lớn. Thứ nhất là mắc nợ vợ về những năm tháng cô đơn phải chèo chống một mình nuôi bố mẹ chồng. Thứ nhì là về cậu con trai thứ. Theo ông, nó là đứa con thiệt thòi nhất. Hai đứa kia ít nhiều cũng có một địa vị khá vững vàng trong xã hội. Chỉ có anh ta là không có một nghề nghiệp gì ổn định. Anh ta và vợ con lại rất quý ông, điều đó càng làm ông đau lòng thêm. Mỗi lần đến thăm ông, anh ta đều mang theo nải chuối, dăm ba lon đậu, ít cân nếp, những thứ anh ta có thể làm ra. Lúc đó, tình hình đất nước còn khó khăn, ai cũng còn vất vả lắm. Sự quan tâm của đứa con làm người cha vô cùng cảm động. Tôi đã từng chứng kiến cảnh ông lão dành dụm từng tí chút để mang về cho con. Thức ăn hàng ngày của ông ngoài tô cơm độn sắn chỉ có dĩa muối mè, dĩa rau muống hoặc rau khoai luộc. Thảng hoặc, khi vợ chồng người con thứ đến chơi, nhà ông mới có miếng thịt, con cá. Bao nhiêu tem phiếu thịt, đường, vải... được cơ quan phân phối ông đều để dành lại để cuối tuần mới mua và mang về quê cho người con thứ. Tôi ái ngại cho ông, nếu ông cứ sống kham khổ như thế thì sẽ tổn thọ thôi. Thỉnh thoảng tôi lại bảo vợ mang cho ông chén canh hoặc dĩa đồ xào, nhưng có khi nói mãi ông mới nhận. Ông bảo:
- Mình ăn uống vậy quen rồi. Vợ chồng cậu nào có dư dả gì, lại còn hai cháu nhỏ...    

 Rồi người con trai ra đi khi tuổi còn quá trẻ. Ông lại dồn tình thương cho cô con dâu và hai đứa cháu nội. Điều đó đã làm vợ chồng người anh cả không khỏi ghen tị. Thói đời vẫn thế, ông lão bỏ ngoài tai mọi lời ngọt nhạt của cô con dâu đầu:
- Bố coi trọng thím nó thế, sau này già chắc khỏi cần đến vợ chồng chúng con!

Nhưng cũng có lúc bực mình, ông trả lời:
- Anh chị khá giả rồi cần gì tôi, nó nghèo lại thiệt thòi đủ thứ mà anh chị còn ganh ghét.

Tức thì cô ta bù lu bù loa:
- Ông nói thế mà nghe được. Vợ chồng con cần là cần tình cảm kia. Nhà con phải sống một mình từ lúc bảy tám tuổi, phải tự lập... Vậy mà bây giờ mẹ thì ở với thím đó, ông thì lúc nào cũng con Cam con Quýt!

Ông gắt lên:
- Vậy bây giờ chị muốn tôi phải làm gì? Chồng chị nếu không có nhà nước nuôi thì có ngày nay không? Mà vì sao nhà nước phải nuôi nó nếu không có những cống hiến của tôi...

Cô con dâu không vừa:
- Bố lại định kể công rồi phải không?

Đến đây thì ông không chịu được nữa, ông hét:
- Cô là con dâu hay mẹ chồng tôi đấy?

Lúc đó cô kia mới chịu im tiếng.
Cũng vì lẽ đó, quan hệ của ông với đứa con trai đầu vốn đã không mặn mà nay càng thêm sứt mẻ. Tôi biết ông buồn lắm. Con cái đứa nào ông lại không thương. Nhưng ông cảm nhận được đứa nào cần ông hơn thì ông giúp, thế thôi. Vậy mà con chẳng hiểu cho lòng ông. Hơn nữa, nó cũng đã lớn, cũng đã có con, vậy mà sao suy nghĩ của nó nông cạn thế. Thêm vào đó, vợ nó đanh đá quá làm ông không sao chịu nổi.

Cô con gái út cũng quý ông. Nhưng xem chừng cô quá bận rộn với công việc và gia đình riêng nên cũng ít đến thăm ông. Thế là ông lão vẫn vò võ một mình. Có những lúc tôi thấy ông ngồi thẫn thờ hút thuốc một mình. May mà ông còn biết hút thuốc để giải sầu. Nếu tôi là ông, không biết tôi sẽ sống như thế nào nữa. Có nhà, có vợ con mà vẫn phải thui thủi cô đơn. Tôi thương ông lắm! Bố tôi mất sớm, từ lâu tôi đã mong có một người bố như ông mà không có được. Ông thường sang tôi chơi, tôi cũng thường sang ông uống trà.

Mấy năm sau này, đất nước chuyển từ cơ chế bao cấp thành cơ chế thị trường, đã tạo ra nhiều thay đổi. Cuộc sống của chúng tôi nhờ đó cũng khá hơn trước. Ông vẫn là một nhân viên thanh tra thanh liêm, mẫu mực nhưng do đồng lương tăng, ông cũng dành dụm được một ít tiền. Hàng sáng, ông có thể ăn một gói xôi đậu hoặc một ổ mì kẹp thịt mà không thấy tiếc tiền. Cô cháu nội của ông tốt nghiệp phổ thông đã được ông đưa lên ở chung. Hiện cô đang học năm thứ hai trường cao đẳng tiểu học. Nhờ sự có mặt của cô mà không khí lạnh lẽo trong nhà ông được xua đi. Ông cũng đỡ phải làm công việc nội trợ bất đắc dĩ...

Thế mà không hiểu sao hôm nay ông lão lại buồn thế. Hay vì cơ quan đã thông báo danh sách về hưu đợt này có tên ông. Tôi nhìn ông với chút xót xa. Lần đầu tiên tôi thấy sự già nua bộc lộ rõ trên khuôn mặt ông. Tóc ông đã bạc hơn một nửa rồi. Cái lưng ông hình như cũng còng hơn mọi ngày. Ông lão lại nhấm thêm một ngụm trà nữa. Ông nhìn sang tôi, nói với vẻ trầm ngâm:
- Vợ mình bệnh nặng lắm! Con Cam đã đưa bà vào bệnh viện tỉnh rồi!
Tôi giật mình hỏi ông:
- Bà bị bệnh gì thế ông, bị đã lâu chưa?

Ông thở dài:
- Cũng mấy hôm rồi. Bà bị tai biến mạch máu não.

- Sao không nghe ông nói gì? Hèn chi cháu cứ thấy ông vắng vắng...

- Bây giờ bà đã tỉnh rồi. Bác sĩ nói đã qua cơn nguy hiểm nhưng sẽ để lại di chứng

- Di chứng gì hả ông?

Ông buồn bã trả lời:
- Có lẽ bà sẽ không đi lại được nữa. Bà bị liệt nửa người...

Tôi cũng buồn lây theo ông:
- Thế bây giờ tính sao hả ông?

- Mình định lúc nào xuất viện, mình sẽ đón bà về nhà chăm sóc. Cả cuộc đời mình, mình đã không mang lại hạnh phúc gì cho bà. Bây giờ, mình muốn bù đắp phần nào...

- Thế anh Hưng và chị Cam có đồng ý không?

Ông lắc đầu:
- Mình chưa hỏi ý kiến chúng nhưng mấy ngày nay mình đã suy nghĩ kỹ. Thằng Hưng chắc chẳng có ý kiến gì. Còn con Cam, không lý do gì mà bắt nó phải chịu khổ mãi. Chồng nó chết, một mình nuôi con bao nhiêu là vất vả...

 Nói đến đó, nước mắt ông rưng rưng. Tôi biết nỗi đau cũ của ông đã bị khơi gợi lại. Nhìn cái lưng còng của ông, tôi thấy thương ông quá. Tôi không biết nói sao, chỉ lẳng lặng thở dài. Tội nghiệp ông, suốt cả một cuộc đời vất vả. Đến tuổi về hưu, ông lại không được an hưởng tuổi già. Đáng ra, ông phải có người chăm sóc, đỡ đần. Nhưng bây giờ, ông phải phục vụ cho một người bán thân bất toại, dù rằng đó là vợ ông.

Khi vợ ông sắp được xuất viện, ông cho họp tất cả mọi thành viên trong gia đình lại. Tôi cũng được ông mời tham dự. Dù tôi dã cố thoái thác nhưng ông nài nỉ quá nên tôi không dám vắng mặt. Kể ra, sự hiện diện của tôi ít nhiều mang lại phiền phức cho người trong cuộc lúc ban đầu. Chị vợ anh Hưng nhìn tôi bằng ánh mắt soi mói không chút thiện cảm. Anh Hưng và cô Thảo-con gái út của ông-không nhìn về phía tôi, họ hình như không quan tâm đến tôi. Chỉ có mẹ con chị Cam chào và mời tôi ngồi trên chiếc ghế đẩu đặt gần cửa ra vào.

Ông lão chậm rãi pha trà rồi rót cho mỗi người một ly nhỏ. Ông cũng cầm một ly, đưa lên môi nhấp một ngụm nhỏ. Chị dâu cả nhìn ông với vẻ sốt ruột. Thấy ông vẫn chưa nói gì, chị đưa mắt ra hiệu cho chồng. Anh Hưng lên tiếng:
- Hôm nay bố cho gọi chúng con đến chắc có điều gì quan trọng, phải không bố?

Ông lão gật đầu:
- Ừ, bố muốn bàn với các con về chuyện mẹ con.

Chị Hưng thắc mắc:
- Có phải bố nói đến tiền viện phí của mẹ? Theo con nghĩ, mẹ có bảo hiểm y tế lo rồi đâu có tốn kém bao nhiêu mà phải...

Ông ngắt lời cô con dâu:
- Tôi không nói đến chuyện tiền nong. Tôi đã suy nghĩ kỹ rồi, sau khi bà ra viện, bà sẽ không ở với cô Cam nữa.

Lập tức, chị Hưng liếc xéo cô em dâu:
- Lúc bà lành mạnh sao không bảo bà đi ở chỗ khác. Bây giờ bà mới bệnh thì đã...

Chị Cam bất ngờ vì quyết định của ông, chị càng bất ngờ hơn vì câu nói của bà chị dâu, chị lúng túng nói không nên lời. Ông nghiêm giọng:
- Đó là ý của tôi, không liên quan gì đến chị Cam.

- Thế ông bảo bà ở với ai? Cô Út còn ở với nhà chồng. Vợ chồng chúng con thì đi làm cả ngày, đâu có thời gian chăm sóc bà. Theo con, bà ở với thím Cam là hợp lẽ nhất. Nếu có thiếu thốn gì về tiền bạc, chúng con sẽ hỗ trợ thêm.

Chị Cam nước mắt lưng tròng, giọng chị nghẹn ngào:
- Thôi ông ạ, cứ để cho bà ở với con. Bà cháu ở với nhau quen rồi, vắng bà con cũng buồn lắm.

Ông lắc đầu:
- Bố đã nói rồi, bà không ở với con được.

Ông nhìn khắp lượt các con rồi tuyên bố:
-Bà sẽ ở với tôi!

Quyết định của ông gây cho mọi người một sự kinh ngạc không nhỏ. Trong một phút, không nghe ai nói gì. Có lẽ mỗi người đều đang có suy nghĩ riêng. Chị Cam vẫn rươm rướm nước mắt. Chị Hưng thở phào nhẹ nhõm. Anh Hưng cúi đầu trầm ngâm. Cuối cùng, cô Thảo lên tiếng:
- Sao bố lại nói thế? Bố gìa rồi, làm sao mà chăm sóc mẹ được?

- Con đừng lo! Bố còn khỏe lắm, với lại còn có con Hà, nó sẽ giúp bố!

- Còn công việc của bố?

- À, luôn tiện bố cũng báo cho các con biết, bố sắp về hưu rồi. Ít bữa nữa, bố sẽ bàn giao công việc cho người khác rồi nghỉ trước khi có quyết định chính thức.

Anh Hưng thở dài:
- Dù sao cũng sẽ rất vất vả. Con chỉ sợ bố không kham được... Hay là bố cứ đồng ý theo cách làm của nhà con, cứ để bà ở với thím Cam.

Chị Cam cũng khẩn khoản:
- Bố đồng ý thế, bố nhé!

Nhưng ông dứt khoát:
- Bố đã quyết định rồi. Hôm nay gọi các con đến chỉ để thông báo cho mọi người biết. Lúc trẻ, bố mẹ đã không được sống gần nhau. Giờ già cả rồi, phải bầu bạn với nhau cho bà đỡ tủi.

Nghe ông nói vậy, cô Thảo và chị Cam lại thút thít khóc. Chị Hưng có lẽ cũng hơi xúc động. Tôi thấy chị quay mặt đi. Anh Hưng lại thở dài:

-Thôi, bố đã quyết định thế thì chúng con cũng đành nghe theo. Từ giờ, chúng con sẽ tranh thủ dến thăm bố mẹ nhiều hơn.

 Thế là mấy ngày sau, ông đón bà về nhà. Chị Cam ở lại một tuần với ông bà để hướng dẫn cho ông và cháu Hà cách chăm sóc bà. Sau đó, chị phải về quê. Nhà còn có hai con heo nái đang chửa, mà chỉ có một mình bé Hảo ở nhà. Tội nghiệp con bé, không biết nó có nhờ cô Hai sang ở lại không? Chị đi đã gần tháng chứ có ít gì!

Còn vợ chồng anh chị Hưng và cô Thảo cũng hay đến thăm bố mẹ hơn. Nhưng công việc chăm sóc người ốm tựu trung lại cũng do hai ông cháu lo liệu. Ông dành hết những công việc nặng nhọc, chỉ để cho cô cháu gái làm những việc nhẹ nhàng. Không biết ông học ở đâu mà khi làm những công việc hộ lý cho người ốm, ông thao tác một cách thành thạo, nhanh nhẹn. Vợ tôi cứ khen ông mãi, thỉnh thoảng lại đưa ông ra làm gương.

Thời gian thấm thoát trôi qua. Mới đó mà đã hai năm ông đưa bà về chung sống. Ông vẫn tận tụy với người vợ tật nguyền của mình. Không thấy ông than vãn điều gì. Hình như ông lại có vẻ hài lòng hơn vì đã giải quyết được phần nào nỗi ám ảnh mang nợ với bà. Đôi khi tôi còn nghe ông hát khe khẽ một mình. Lúc đầu, bà chỉ nằm yên một chỗ, nếu không có ai nâng đỡ thì không thể ngồi dậy được. Nhưng bây giờ, bà đã tự ngồi dậy một mình. Tuy thế, từ sau khi bị bệnh, bà không còn nói được. Muốn thực hiện điều gì, bà chỉ có thể dùng tay lành để ra hiệu hoặc ú ớ những từ khó nghe mà chỉ có ông là hiểu được. Dù thế, tôi vẫn thấy ông trò chuyện với bà hàng tiếng đồng hồ. Tất nhiên đó là những cuộc độc thoại, chỉ một mình ông nói. Còn bà thì lặng lẽ lắng nghe. Không biết bà nghĩ gì nhưng có lúc thấy mắt bà sáng ngời niềm hạnh phúc, cũng có lúc mắt bà rưng rưng. Thỉnh thoảng ông đặt bà lên chiếc xe lăn anh con trai đầu mua cho mẹ khi bà đã ngồi được. Ông đẩy xe đưa bà đi vòng quanh chiếc sân bé nhỏ của khu tập thể để bà được hít thở khí trời. Những lúc đó trông họ thật hạnh phúc.                     

Cô cháu gái đã đi dạy ở một trường tiểu học vùng ven. Đó cũng là nhờ công ông lão chạy đi chạy lại, khi thì ở phòng giáo dục, khi thì ở ủy ban tỉnh. Người ta thương ông một đời liêm khiết, khi về hưu cũng chẳng có gì ngoài căn hộ tập thể cơ quan hóa giá. Hơn nữa, ông là chỗ quen biết cũ không tiện chối từ. Vì thế, cô cháu gái nhận công tác một cách khá thuận lợi. Sau đó, cô kết hôn với một bạn đồng nghiệp. Cô cháu đi rồi, nhà chỉ còn hai ông bà già ở với nhau. Nghe đâu chị Cam có đề nghị để bà về ở với chị nhưng ông nhất quyết chối từ. Chị Cam thì không thể bỏ nhà lên ở với ông bà được. Lên đây, chị biết làm gì để sống, chẳng lẽ lại ăn bám ông bà già. Hơn nữa, cô con gái út của chị năm nay cũng đang học lớp mười hai, chị phải dành cho nó nhiều thời giờ cho việc học tập.

Mấy năm sau này, do cơ quan đã hóa giá cho từng người nên mỗi căn hộ ở đây đều được sửa sang lại. Nhà tôi cũng đã được xây lại thành một căn nhà hai tầng xinh xắn. Hai bên nhà cũng đã có tường rào. Chỉ có nhà ông là vẫn như cũ, ông chỉ xây thêm một nhà vệ sinh ở khoảng đất trống sau nhà. Ông bảo hai vợ chồng ông già sống như thế là đầy đủ tiện nghi rồi, làm cho đẹp nữa sau này chưa chắc đã có ai ở. Thật ra, ông cũng chẳng có dư dả gì. Lương hưu cộng với lương thương binh vừa đủ cho hai vợ chồng ông. Còn tiền trợ cấp hàng tháng của bà, ông cho cô con út của chị Cam dùng để đóng học phí.

Thời gian sau này, ông ít sang nhà tôi chơi hơn trước. Có lẽ ông bận chăm sóc cho bà. Tuổi già làm ông chậm chạp hơn. Thêm vào đó, hình như độ này vết thương cũ hay tái phát hơn. Tối qua, sau khi ăn cơm xong, tôi ghé sang ông chơi. Bà đã đi ngủ sớm, chỉ có ông ngồi uống trà một mình. Tôi hỏi:
- Sao ông không qua nhà con chơi cho vui. Tụi nhỏ đi học thêm hết, chỉ có hai vợ chồng con ở nhà.

Ông cười:
- Bà nó ngủ rồi. Mình sợ bà thức giấc không có ai bên cạnh.

Tôi cũng cười theo:
- Ông cứ lo hão. Hai nhà ở cạnh nhau thế... Hay khi nào ông sang, con lại bảo vợ con sang trông bà cho ông.

- Thế thì phiền cho chị quá! Lúc nào chú rảnh sang mình là tiện nhất.  

Tôi rủ ông:
- Hai ông cháu làm chén rượu, chơi ván cờ ông nhé!

- Chơi cờ thì được, còn khoản rượu chú cho mình kiếu.

Tôi ngạc nhiên:
- Sao vậy ông? Lâu rồi ông cháu mình không lai rai, với lại cháu có chai rượu thuốc mới ngâm, làm một chén cho vui.

Ông vẫn lắc đầu. Tôi nhìn ông, trông ông có vẻ mệt mỏi hơn thường ngày. Gương mặt hốc hác, làn da nhợt nhạt. Tôi lo lắng nói với ông:
- Hay ông bệnh?

Ông xua tay:
- Bệnh gì đâu! Chỉ là trở trời, vết thương cũ nó hành.

Nói đến đó, bỗng dưng ông nhăn mặt lại, nhưng không nghe ông rên tiếng nào. Có lẽ ông đang đau. Tôi khẩn khoản:
- Ông lại đau phải không? Để con qua nhà lấy cho ông mấy viên thuốc giảm đau.

Không đợi ông đồng ý, tôi về nhà mang cho ông vỉ Aspirin mới mua hôm trước. Ông không khách sáo, lấy hai viên uống rồi trả thuốc còn lại cho tôi. Tôi nói sao ông cũng không chịu nhận. Ông nói:
- Có lẽ mai mình sẽ đi khám xem. Độ này, thỉnh thoảng mình lại thấy đau nhói trước ngực.

Tôi ngạc nhiên:
- Thế sao ông không đi khám? Lỡ bị bệnh tim thì sao?

Ông cười:
- Chắc không sao đâu. Đau vài phút rồi nó tự hết. Mình cũng chẳng dùng thuốc gì.

- Ông chủ quan thật đó. Ngày mai đi khám cho rồi. Chiều mai vợ cháu nghỉ, để con bảo cô ấy sang trông bà giúp ông nhé?

Ông cầm tay tôi:
- Chú tốt quá! Phải chi con trai tôi...

Ông bỏ lửng câu nói nửa chừng nhưng tôi hiểu ông muốn nói gì. Tôi thấy ông kín đáo thở dài. Tôi không biết nói sao để an ủi ông, chỉ đành lặng im. Thật tội nghiệp cho ông!   

Ông nói tiếp:
- Mình thì bây giờ sao cũng được. Chỉ lo cho bà. Nếu không có mình, không biết phải xoay xở thế nào.

Tôi an ủi:
- Ông còn chị Cam, còn vợ chồng anh Hưng... Ông đừng lo, khi hữu sự thì mọi người tất biết trách nhiệm của mình. Hơn nữa, ông hãy còn khỏe, bà chắc chắn phải đi trước ông rồi.

Chỉ thấy ông lắc đầu nhè nhẹ, không ra đồng ý cũng không ra phản đối. Sau cùng, ông chắc lưỡi:
- Cũng không biết sao mà nói trước được!

Mùa hè năm nay đến sớm. Cái nóng gay gắt của nó dường như chẳng chịu buông tha cho ai. Ở trong nhà cũng nóng, ra đường lại càng nóng hơn. Không thấy ông đưa bà ra sân kể cả khi có một vài làn gió hiếm hoi thổi đến. Vợ tôi bảo bà khó ở trong người. Ông có vẻ lo lắng lắm. Ông mời ông bạn già trước đây là một bác sĩ quân đội về thăm bệnh cho bà. Chỉ một tuần lễ mà trông ông gầy rộc hẳn đi.

Công đoàn cơ quan tôi tổ chức cho mọi thành viên và gia đình đi tham quan hè thành hai đợt. Chúng tôi được bố trí đi đợt đầu. Vợ và các con tôi rất phấn khởi. Cũng đã ba năm rồi, gia đình tôi không được cùng nhau làm một chuyến du lịch nhỏ. Do đó, ai cũng bận rộn với việc chuẩn bị dù chỉ đi trong một tuần. Tối nay, tôi qua chào ông lão để sáng mai còn đi sớm.

Khi tôi bước vào sân đã ngửi thấy mùi thuốc bắc thơm phưng phức. Tôi bước chân vào nhà, thấy ông đang loay hoay bên siêu thuốc nghi ngút khói. Tôi thắc mắc hỏi ông:
- Ông bệnh gì mà uống thuốc bắc thế?

Ông cười, nét mặt rạng rỡ:
- Có mấy thang thuốc mua trên chùa Diệu Đế. Nghe nói nhiều người bệnh như bà, uống chỉ mười thang là giảm. Tôi cũng cho bà uống thử xem có hiệu nghiệm không?

- Thế ông có đi khám bệnh không? Bác sĩ bảo thế nào?

- Tôi khỏe rồi, không thấy đau nữa. Hôm trước đến khám tại phòng khám cán bộ, người ta cũng chỉ cho một số thuốc giảm đau,tôi còn cất trong tủ.

-Thế bác sĩ không bảo ông bệnh gì à?

- Chỉ nghi đau ngực cơ năng gì đó. Họ có dặn không đỡ thì đến khám lại. Nhưng mấy ngày nay tôi lại đỡ đau hẳn.

Mùi thuốc bốc lên thật dễ chịu. Nó làm cho không khí trong nhà hình như ấm cúng thêm lên. Bà lão vẫn còn thức, bà nằm trên chiếc ghế bố, nhìn hai ông cháu nói chuyện. Thỉnh thoảng thấy bà cười một mình. Ông phấn khởi khoe với tôi:
- Bà mới uống thuốc hai ngày mà thấy người khỏe được vài phần rồi.

- Được thế thì tốt quá ông nhỉ?

Ông gật gật đầu rồi nói thêm:
- Ngửi mùi không đã thấy dễ chịu rồi. Chú có thấy thế không?

-Vâng!

Hai chúng tôi ngồi trò chuyện cho đến khi chén thuốc sắc xong. Ông cẩn thận đổ thuốc vào một chiếc chén. Sau đó, ông thổi cho thuốc nguội bớt và đưa đến bên bà. Ông cẩn thận múc từng thìa một bón cho bà như chăm bẵm cho một em bé. Cái cảnh hai ông bà già dựa vào nhau mà sống làm lòng tôi thấy cảm động quá!

Trước khi về, tôi nhờ ông lão trông giúp nhà trong những ngày gia đình tôi đi vắng. Ông sốt sắng nhận lời. Ông nói với tôi lúc tôi đứng lên:
- Chú cứ đi chơi thoải mái. Nhà cửa để tôi trông hộ. Một tuần chứ một tháng tôi cũng chẳng ngại gì đâu.

Cuối cùng cũng đến ngày trở về. Các con tôi tỏ ra tiếc rẻ, phải chi được ở lại nghỉ lâu hơn. Trong buổi ăn chiều tại nhà khách công đoàn, vợ tôi chép miệng:
- Tội nghiệp ông Trung! Phải chi ông được đi với mình thì vui biết mấy! Không biết nên mua gì làm quà cho ông đây?

Tôi suy nghĩ một chút rồi bảo:
- Mua cho ông ít mực khô để ông uống rượu cũng được.

- Độ này ông có uống rượu đâu!

- Thì ăn cho vui cũng thế! Mua thêm ít kẹo mạch nha cho bà!

- Vâng!

Tối đó, tôi cứ thấy trong người bồn chồn khó chịu. Một linh cảm mơ hồ nào đó làm tôi thấp thỏm không yên, cứ mong sao cho trời mau sáng. Tôi nhìn sang bên cạnh, vợ con tôi đều đã ngủ ngon lành sau một ngày đùa vui với sóng biển.

Đến gần tám giờ rưỡi, đoàn chúng tôi đã về đến Huế. Khi xe đi ngang qua khu tập thể của chúng tôi, một số gia đình xuống xe về nhà, tất nhiên trong đó có chúng tôi. Tôi vội vã đi như chạy vào cổng, mặc cho vợ tôi gọi í ới vì những giỏ đồ nặng trĩu. Tôi nhìn vào cửa nhà ông và một cảnh tượng đập vào mắt tôi. Chị Cam, người con dâu thứ của ông với nét mặt hớt hải đang đập cửa. Thấy tôi, chị mừng rỡ chạy lại:
- Anh Hùng, anh có biết ông bà đi đâu không? Em đập cửa mấy phút rồi không thấy ai trả lời.

Thấy chị có vẻ lo lắng, tôi vội trấn an, dù lòng tôi cũng rối bời những linh cảm không lành:
- Chị đừng lo, có lẽ ông đi đâu đó. Để tôi xem xem...

Tôi lại gần cửa chính. Cửa đóng kín, nhưng được khóa từ bên trong, điều đó chứng tỏ... ông hãy còn ở trong nhà. Đã tám giờ rưỡi rồi, chẳng lẽ ông ngủ quên. Thông thường, ông dậy từ lúc năm giờ sáng để tham gia tập thể dục với những người cao tuổi ở đây. Tôi bắt đầu lo lắng thật sự. Lúc đó,vợ và các con tôi cũng vừa đến nơi. Cô ấy định nói điều gì đó nhưng nhìn thấy bộ mặt khẩn trương của tôi và sự lo lắng của chị Cam, cô ấy lại thôi. Tôi bảo vợ:
- Em vào nhà lấy cho anh cái xà beng!

- Vâng!

Vợ tôi trả lời rồi nhanh chóng qua nhà, mở cửa tìm xà beng, để lại mấy giỏ hàng trên sân nhà ông lão. Chị Cam hồi hộp:
- Liệu có sao không anh?

Tôi lắc đầu, chuẩn bị cho mình những tình huống xấu nhất. Vợ tôi đã trở lại với một cái xà beng, một cái búa và cái kềm. Đang lo lắng, tôi không khỏi mỉm cười vì tính cẩn thận của vợ. Tôi bảo cô ấy:
 - Thôi, em đem đồ về đi!

Cô ấy lắc đầu:
- Nói mấy đứa mang về cũng được. Em hồi hộp quá, em phải ở lại xem sao...

Tôi không nói gì, bắt đầu nạy cửa. Vợ tôi giục hai đứa con đưa đồ về nhà rồi phụ một tay với tôi. Lúc ấy, có vài người hàng xóm tò mò cũng đến chung quanh chúng tôi. Họ xì xào bàn tán, không biết có chuyện gì xảy ra sau cánh cửa im lìm đóng kín kia...

Cuối cùng cánh cửa cũng được mở ra. Tôi và chị Cam cùng bước vào trong. Những người khác vẫn đứng ngoài cửa, kể cả vợ tôi. Có lẽ cô ấy sợ có điều không lành xảy ra đúng như dự cảm trước đây của chúng tôi. Tôi vén bức màn ngăn cách giữa phòng khách với phòng ngủ và một cảnh tượng đau lòng đập vào mắt tôi mà mãi cho đến sau này, tôi không thể nào quên. Tôi đến bên giường để nhìn cho rõ hơn. Ông lão đang nằm bất động trên giường, một tay ôm lấy ngực, còn tay kia đang cầm kỹ một vật gì đó. Chị Cam sững sờ đứng chết lặng, chị không thốt lên một tiếng nào cả. Tôi đến bên ông, đưa tay đặt lên người ông và hốt hoảng nhận ra toàn thân ông đã lạnh ngắt. Phải mất mấy giây sau, tôi mới trấn tĩnh trở lại. Đưa tay lên mũi ông, tôi không còn thấy một hơi thở nào, dù là rất nhẹ. Tôi sờ tay lên ngực ông và không còn thấy tim ông đập dưới tay mình. Ông đã đi thật rồi!    

Tôi lặng lẽ cúi đầu, buông thõng hai tay. Tôi nói với chị Cam:
- Ông đi rồi. Chị sang báo với vợ chồng anh Hưng để lo hậu sự cho ông!

Chị Cam lắp bắp:
- Trăm sự nhờ anh. Tôi rối trí quá! Còn bà nữa...

Nghe nhắc tới bà, tôi như chợt tỉnh. Tôi quay sang giường đối diện. Bà Trung đang ở tư thế nửa nằm nửa ngồi. Bà ú ớ những tiếng nho nhỏ nghe không rõ, nước mắt chảy dài trên đôi mắt đỏ hoe. Tôi vội bế bà lên chiếc xe lăn rồi đẩy ra giao cho vợ tôi chăm sóc hộ. Sau đó, tôi đến bên giường đặt ông nằm ngay ngắn lại. Tôi gỡ tay ông ra và phát hiện ông đang cầm một chiếc nắp của lọ dầu gió ông vẫn dùng. Tôi nhìn quanh và thấy lọ dầu rơi dưới đất, gần giường ông nằm. Có lẽ trong lúc đau, ông đã tìm dầu để xoa rồi làm rơi mà không nhặt lên được. Xem xét kỹ thì có lẽ ông vừa mất trong tối qua. Trên bàn, một mâm cơm ăn dở được đậy cẩn thận, thức ăn hãy còn mới, có lẽ ông mệt nên chưa kịp rửa chén bát. Tôi cảm thấy ân hận quá, phải chi tôi về sớm hơn một ngày thì đâu đến nỗi...

Chị Cam vẫn còn sững sờ với mọi việc vừa xảy ra. Sáng nay, chị định lên thăm ông bà, luôn tiện hỏi ông xem chuyện chạp họ nên tính thế nào. Ai ngờ, đến thì phát hiện ra chuyện này. Không biết nếu chị không lên và tôi chưa về, thì đến lúc nào mới phát hiện ra cái chết đau lòng của ông và bà sẽ ra sao khi không tự xê dịch được từ chỗ nằm của mình. Tôi lắc đầu, xua đi mọi ý nghĩ buồn bã. Tôi lập tức gọi điện cho vợ chồng anh Hưng và cô Thảo để báo tin cho mọi người biết. Không đầy nửa giờ sau, mọi người đã có mặt đầy đủ. Ai nấy đều vẫn còn bàng hoàng vì sự việc xảy ra quá đột ngột. Cô Thảo ôm lấy chị Cam, khóc nức nở. Anh Hưng trầm ngâm, nét mặt đầy vẻ đau khổ. Chị Hưng cũng không còn khắt khe như mọi khi, trông chị có vẻ thẫn thờ. Không ai nói ra, nhưng trong thâm tâm mọi người ít nhiều đều có những sự ân hận riêng. Những giọt nước mắt muộn màng có làm nhẹ đi lòng người sống nhưng liệu có an ủi được gì cho người đã khuất không,tôi không thể biết được.

Năm ngày sau, đám tang của ông được cử hành. Khi sống thế nào, thì khi chết thế ấy, đám tang của ông đơn giản, lặng lẽ. Những người đến tiễn ông đa số là bạn bè cũ, người thân của ông. Tôi cũng tiễn ông đến tận nơi an nghỉ cuối cùng ở nghĩa trang quê ông. Bốc nắm đất rải trên linh cữu ông, tôi cảm thấy đau xót trong lòng. Ông đã lặng lẽ ra đi, không để lại một lời trăn trối, không để lại một bức thư cuối cùng. Chúng tôi đã tìm khắp nơi, ngay cả trong sổ sách ghi chép của ông, cũng không có dòng nào chuẩn bị cho sự ra đi đột ngột của ông. Ông cứ thế mà ra đi, xem chừng nhẹ tênh. Mà với một người như ông, liệu có phải là nhẹ tênh thật không? Thật ra, có lẽ ít nhiều ông cũng có nghĩ đến một ngày nào đó, ông sẽ từ giã cuộc đời. Cách đây mấy tháng, ông đã viết sẵn một tờ di chúc gửi đến cho cơ quan thanh tra trước đây ông từng làm việc. Trong đó, ông để ngôi nhà đang ở cho chị Cam. Còn toàn bộ số tiền tiết kiệm được trong mấy chục năm làm việc cật lực và tăìn tiện dành dụm, ông để lại cho người sẽ thay ông chăm sóc bà cho tới cuối đời. Thế là dù sao, ông cũng đã làm được những điều cần thiết. Có thể nhờ thế, ông có thể thanh thản ra đi, bỏ qua hết mọi ưu phiền trong cuộc sống.

Cái chết của ông đã thức tỉnh những tình cảm nguội lạnh trong lòng con cháu ông. Mọi người không còn tỏ ra hằn học, ghen tị nhau nữa, ít ra là cũng trong thời gian lo chuyện hậu sự cho ông. Theo di chúc của ông, căn nhà ông đang ở sẽ thuộc quyền sở hữu của chị Cam nhưng chị nhất mực từ chối. Chị cho rằng chị đã có một ngôi nhà ở quê, dù không phải to lớn nhưng cũng đủ cho mẹ con chị ở. Hơn nữa, con chị đều là con gái, sau này chúng đi lấy chồng, một mình chị làm sao quán xuyến cả hai căn nhà. Vấn đề nhức nhối nhất trong hiện tại là việc ai sẽ chăm sóc bà, chị Hưng lo nhất điều đó và chị thở phào nhẹ nhõm khi chị Cam lại nhận về phần mình. Chị nói:
- Thôi thì để bà ở với em. Em và bà bao năm sống với nhau đã quen rồi. Bác Hưng còn nhiều công việc, sợ không có thời gian chăm sóc cho bà. Em nói tình thiệt, xin anh chị vui lòng chấp thuận.

Sự chân thành và tốt bụng của cô dâu thứ làm vợ chồng anh Hưng và cả cô Thảo cũng cảm thấy hổ thẹn. Nhất là tiếp đó, chị Cam đưa ra đề nghị:
- Còn số tiền ông để lại thì sau này sẽ xây cho ông cái lăng cho đàng hoàng. Em cũng không muốn nhận số tiền ấy. Lâu nay, ông đã giúp đỡ mẹ con em nhiều rồi. Bây giờ, cháu Hà đã ổn định, cháu Hảo cũng đang chuẩn bị tốt nghiệp phổ thông, em có thể nuôi bà.

Anh Hưng không chịu:
- Trong mấy anh em, thím vẫn là người khó khăn nhất. Thím nhận nuôi mẹ là chúng tôi biết ơn quá rồi. Đáng lý, vợ chồng tôi phải cáng đáng việc đó...

Anh Hưng thở dài. Chị Cam không muốn làm người anh chồng phải áy náy:
- Bố mẹ là bố mẹ chung, em thuận tiện hơn thì em nhận chăm sóc mẹ, em chỉ sợ anh chị không đồng ý.

Chị Hưng lắc đầu:
- Thím nói vậy, vợ chồng tôi xin cám ơn. Nhưng xin thím cứ nhận tiền cho vợ chồng tôi đỡ áy náy. Mà thật ra, cũng đâu có nhiều nhặn gì, sợ không đủ mà lo cho bà. Rồi thỉnh thoảng, chúng tôi sẽ chu cấp thêm.

Cô Thảo nói thêm:
-Nếu chị không đồng ý nhận tiền thì anh em chúng em cũng không dám phiền chị lo cho mẹ.

Cô Thảo nói như thế, cực chẳng đã, chị Cam phải nhận. Còn về cái nhà, sau khi suy nghĩ, chị Cam đồng ý để cháu Hảo ở nếu cháu thi đậu. Còn sau này, có gì sẽ tính sau chứ thật tình chị không muốn nhận ngôi nhà. Chị nghĩ, con cái ông có đến ba người, không lẽ chị dành tất cả cho mình. Dù hoàn cảnh chị khó khăn thật nhưng ông bà đã dạy “giấy rách phải giữ lấy lề", chị không muốn để người đời gièm pha, chê cười. Bổn phận chị là con dâu, chị phải chăm sóc mẹ chồng là điều đương nhiên. Chị là người ít học, nhưng tốt bụng. Hơn nữa, bao năm qua, ông đã giúp đỡ mẹ con chị nhiều. Âu cũng là một việc chị nên làm để đền đáp ơn ông.

Thế là mọi việc được quyết định chóng vánh. Có lẽ mọi người đều hài lòng. Chỉ có tôi, không phải là con cháu họ hàng gì của ông lại vẫn thấy lòng bức bối đến khó chịu. Có một cái gì đó như giận dữ, như tức tối cứ kêu gào trong tôi.

Chị Cam đưa bà về quê trong một buổi chiều gắt nắng. Chị gửi tôi chiếc chìa khóa nhà để lúc rỗi rãi, nhờ tôi thắp hộ cây hương cho hương hồn ông được ấm cúng. Tôi nhìn người đàn bà quê mùa, mộc mạc và cảm thấy chạnh lòng. Chị làm tôi nhớ đến mẹ tôi. Mẹ tôi cũng là một phụ nữ hay lam hay làm, chịu thương chịu khó như chị.

Chị Cam đi rồi, chỉ còn một mình tôi cầm chiếc chìa khóa đứng trước cửa nhà ông. Căn nhà ngày xưa ấm cúng là thế sao giờ đây có vẻ tiêu điều đến vậy. Vắng ông rồi, mọi vật dường như trở nên lạnh lẽo hơn. Cả tôi cũng thế, tôi cảm thấy lòng mình như hẫng hụt, như thiếu thốn một điều gì rất đỗi thiêng liêng. Ông đã thật sự đi vào cõi vĩnh hằng. Rồi đây, trong những tối ngồi uống nước trà một mình, tôi sẽ nhớ ông thật nhiều. Tôi biết mình sẽ chẳng có cơ hội nào gặp lại ông nữa. Tôi nhớ mãi nụ cười của ông trong lần gặp ông cuối cùng, cái dáng lom khom khi bưng chén thuốc nóng còn bốc khói đưa đến bên giường bà.

Tôi nhìn ra ngoài trời. Ráng chiều đã phủ một màu tím lên cảnh vật. Trong mắt tôi dường như bây giờ cái gì cũng trở nên tang tóc. Tôi mở cửa ngôi nhà, bật đèn lên và thắp cho ông một nén hương. Trong ảnh, ông nhìn tôi bằng ánh mắt khoan dung, dịu hiền của một người cha. Ánh mắt ấy làm lòng tôi ấm lại. Tôi tần ngần ngồi xuống bàn, chế một ấm trà rồi rót ra hai chén nhỏ như ngày trước tôi vẫn hay làm lúc ông còn sống. Trong phút chốc, tôi cứ ngỡ ông vẫn còn hiện diện đâu đó trong căn nhà này, rất gần ở bên tôi...

Viết xong ngày 2 tháng 6 năm 2002
   P.T.X
(175/09-03)

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Bà cụ Tuần (02/06/2009)
Về với chị (27/05/2009)
Chuyện của anh (08/05/2009)
Bát cháo hành (07/05/2009)