Truyện ngắn
Ngọn lửa Artek
16:03 | 26/06/2017

PHẠM DUY NGHĨA   

Chẳng gì thú bằng đón bão trên đại ngàn, thằng bé nhận ra điều đó từ ngày đem đàn dê lên núi cao.

Ngọn lửa Artek
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Trên đó bạt ngàn đá, trập trùng mây, và cây dại thì nhiều loài đến mức những con dê lì lợm treo mình như làm xiếc trên vách đá cả tháng trời tìm ăn cũng không xuể. Nơi ấy gió không còn bị nhốt trong những khoảng đồi hẹp, và có thể thổi bay người như thổi một chiếc lá trên cành. Thế giới hùng vĩ đó chỉ cách nhà nó một ngày đường - ngôi nhà bé như tổ chim khuất sau rặng bồ đề, dưới chân đồi, bên con đường đất đỏ.

Biết loài dê vốn là những nhà vô địch về leo trèo nên bố thằng bé đã quyết định làm chuồng cho chúng ở luôn trong núi. Được ăn nhiều thứ lá và tự do chạy nhảy như thú hoang, dê mới chắc thịt. Thêm nữa, thằng bé ở trên ấy có thể đào dúi bẫy chuột và kiếm rau dại thay cơm, đỡ tốn gạo nhà - bà mẹ nói thế. Giữa thời cả nước đều đói, bớt đi được một miệng ăn cũng là điều mừng.

Vậy là thằng bé ở một mình trên núi.

Nó cũng chẳng buồn. Đang kì nghỉ hè, được lên núi vẫn thích hơn là đến trường. Dê vốn là loài vật thông minh, sống với chúng lâu ngày nó đã hiểu được ngôn ngữ của chúng và dạy cho chúng nghe được tiếng người. Chăn dê cũng là công việc nhàn, có thể rảnh rang đọc những cuốn sách mà nó thích.

Những cơn giông thường đến bất chợt vào buổi chiều. Đứng trên đỉnh núi đá, nơi cao và trống trải nhất, trong sức gió khủng khiếp, thằng bé giơ tay vẫy chào những đám mây đen bùng nhùng, căng phồng, rách rưới bay vùn vụt về phía chân trời. Nó nhìn thấy đủ mọi hình thù trong những đám mây ấy. Đám này hình chó, đám kia hình lợn. Những tia chớp xanh lè phóng lên. Sấm nổ rền như đại bác. Bầu trời vỡ ra thành nước. Chó lợn thành nước. Thằng bé say đắm dầm mình dưới mưa.

Con dê lông xanh là một con vật quái đản. Mỗi lần bão đến nó cũng vui sướng chẳng kém gì chủ. Nó cắm đầu chạy mấy vòng quanh núi trong tiếng gió gào thét rồi nhảy nhót điên cuồng trên đá. Sấm càng lớn, gió càng to, nó càng nhảy khỏe. Nhìn vũ điệu tức cười của nó, thằng bé nghĩ đến con dê biết gõ trống của cô gái bohemian hoang dã trong cuốn truyện Nhà thờ Đức Bà.

Lúc ấy, đàn dê tự tìm nơi ẩn nấp trong hang đá nếu không kịp chạy về chuồng dưới thung lũng. Chúng đáp lại sấm sét bằng những tiếng be be sợ hãi. Thằng bé hét lên chào sấm trong khi con vật lông xanh tiếp tục diễn trò đối nghịch với đồng loại. Con quái thai kia, mày cứ việc lồng lộn dưới mưa miễn là đừng chết. Như thế mới đáng mặt dê thần.

Năm trước, trong đàn dê của thằng bé có một con rất sợ bão. Bão tố nổi lên là nó co rúm người lại.

“Việc gì mà mày phải sợ đến thế, hả loài bạc nhược kia?”, thằng bé hỏi con dê.

“Tôi không muốn thay đổi, tôi muốn yên ổn. Tôi sợ tiếng nổ to, tôi cũng sợ lạnh nữa”, đôi mắt dê nói thế.

“Ngữ mày chết đi thì hơn, đồ hèn”, thằng bé rủa.

Con dê im thít. Và nó chết thật. Sau một cơn bão, nó bị viêm phổi và sa chân xuống vực thẳm, trong sẩm tối, một ngày thu.

“Mày phởn nó vừa vừa thôi, bão chưa đến được ngay đâu”, đôi khi thằng bé dập tắt cơn phấn khích thái quá của con dê lông xanh bằng việc nhắc nó như vậy. Bởi có những lần mây đen nhồi kín bầu trời rồi lại biến đi đâu hết. Những cơn bão hụt ấy làm con dê thất vọng. Bị chủ chế nhạo, nó bỏ ăn. Lá sung và những thứ lá loài dê thích nhất, nó cũng không ăn.

“Tôi biết chứ. Nhưng lúc này chưa đến, không có nghĩa là bão sẽ không đến”.

Con dê ý chừng nói thế. Rồi giận dỗi bỏ đi.

*

Con dê lông xanh được sinh ra trong một đêm mùa đông giá rét. Trước đó, đã có những sự khác thường. Loài dê chỉ chửa năm tháng là đẻ, nhưng nó nằm trong bụng mẹ chín tháng như người mới chịu ra. Dê đẻ lâu nhất chỉ bốn giờ, nhưng nó thì sáu tiếng đồng hồ nước ối mới vỡ. Đúng nửa đêm, rơi bịch xuống ổ rơm một cục thịt màu đen ướt át. Dê mẹ kêu lên thảm thiết và thè lưỡi liếm khắp mình con. Trong khi đứa em gái út của thằng bé dùng khăn lau nhớt ở mũi, miệng dê con, cái miệng ấy nhe ra mấy chiếc răng trắng nhởn, hềnh hệch cười.

Điều lạ ấy làm cả nhà sợ hãi. Sáng sớm, khi vạt nắng hiếm hoi của ngày đông hắt vào ổ rơm trong chuồng dê, bố thằng bé bưng chậu nước muối ra chuồng cho dê mẹ. Ông hét lên và đánh rơi cái chậu:

- Quái thai!

Nằm trong ổ rơm lóng lánh nắng tươi là chú dê con màu xanh biếc. Lông đã khô óng. Một màu lông tuyệt đẹp chưa từng xuất hiện trong các loài dê ở trên đời.

Thầy cúng trong vùng được mời tới. Sau khi vạch mắt dê con, xem đồng tử và gieo quẻ âm dương, ông nói:

- Phước lành trời ban xuống. Cứ nuôi nó, rồi nhà sẽ khấm khá lên.

Ngẫm ngợi một lúc, ông nói thêm:

- Số phận con dê này lạ. Nó sẽ rơi vào tuyệt lộ. Đó là kết cục của kẻ có bản lĩnh, chính kiến nhưng lạc loài.

Câu ấy, ông nhắc lại lần nữa bên mâm rượu. Đồ nhắm là một nửa cái nhau thai của dê mẹ. Nửa còn lại, nhà trân trọng biếu thầy cúng mang về.

Con dê lớn nhanh như thổi. Ai cũng gọi nó là dê thần. Bố mẹ thằng bé cưng nó hơn mọi con dê khác, thậm chí, coi nó hơn cả những đứa con trong nhà. Cũng phải thôi. Một con dê, cho dù là thứ dê xoàng xĩnh, cũng là cả đống tiền. Người thì vứt ra đường chẳng ai nhặt. Thời ấy giá trị con người rẻ như bèo.

Thằng bé đặt cho dê thần những cái tên hay nhất mà nó có thể nghĩ ra hoặc lấy từ văn học châu Âu. Con dê tỏ ra thích thú khi mỗi ngày có thêm một tên mới. Nó cũng vẽ nhiều tranh với cảnh chăn dê bằng những thỏi màu thơm hắc xin từ ông chú, và thứ màu tốn kém nhất bao giờ cũng là màu xanh lam. Dưới mỗi bức tranh, nó đề ba chữ trang trọng: “Dê và tôi”. Tất nhiên dê quý hơn người, nên phải đưa lên trước.

Một ngày rét, mãi đọc sách, lúc thổi tù và gom đàn dê lại vào cuối chiều, thằng bé thấy mất con dê xanh. Khi ấy là mùa xuân, con dê mới được ba tháng tuổi, và đàn dê chưa được đưa vào núi mà chăn thả quanh mấy quả đồi sau nhà. Sau khi lùng sục mọi nơi, thằng bé lo lắng lùa đàn dê về chuồng vào lúc cả nhà đang sửa soạn ăn tối, và tự biết lỗi, nó không dám ngồi vào mâm cơm. Bên bếp lửa, bố lặng im, còn mẹ thì giận dữ.

- Nó lại cắm mặt vào sách nên không biết trời đất gì hết mà.

Ăn cơm xong, bố lẳng lặng đứng dậy. Tìm mấy cuốn sách trong hộc tủ, ném ra sân. Rơi trúng vào rãnh bẩn là một cuốn bìa cứng bọc vải của Nga. Một cuốn đã ố vàng có tên tác giả là Alphonse Daudet, ông vứt vào bếp lửa đang cháy. Những cuốn sách được ông chú làm ở thư viện tỉnh cho ấy, thằng bé nâng niu cất giữ như một gia tài.

Nó lao tới bếp lửa nhặt sách thì bị giáng cho một cái tát. Mẹ nói như xát muối vào ruột:

- Văn chương mài ra mà ăn được à?

Thằng bé lầm lụi ra đi. Tiếng tù và rúc lên buồn thảm trong sương mù. Đi hết mấy quả đồi thì nghe tiếng dê kêu yếu ớt. Con dê xanh được tìm thấy tại một nương ngô cạnh cửa rừng, một chân bị trói chặt vào khóm cây. Nó đã chén đẫy ngô non và bị trừng phạt. Có lẽ chủ nương ngô không giết nó vì tin nó là dê thần.

Cái chân đau khiến con dê chỉ tập tễnh được từng quãng ngắn. Đêm ấy, người và dê ở lại giữa đồi hoang.

Thằng bé nhặt lá khô lót ổ cho dê nằm, đốt một đống lửa và nhìn nó hồi lâu bằng cái nhìn buồn rầu.

- Mày phải nghe tao, từ nay đừng lạc loài như thế nữa. Dù tao biết đối với mày tao chẳng là gì cả. Mày là dê, tao chỉ là người.

Nó quỳ xuống, nắn bóp chân cho dê. Và lẩm bẩm:

- Con dê của ông Seguin vì thích tự do đã bỏ ông chạy lên núi và bị chó sói ăn thịt đấy. Ở đây không có chó sói, nhưng người ta có thể chém mày.

Về khuya trời càng lạnh, lửa tắt, sương mù dâng đầy trời. Dưới trăng, bộ lông của con dê ánh lên xanh biếc lạ lùng. Hình như nó muốn nói với chủ một điều gì đó nhưng ngày ấy thằng bé chưa hiểu được ngôn ngữ của nó. Nhìn về phía đồi xa, nơi có ngôi nhà nhỏ khuất sau rặng bồ đề, thằng bé đau đớn:

- Bây giờ thì cả ông Seguin và con dê của ông ấy chắc đã thành than trong bếp rồi...

Ngày hôm sau, ông bố uống hết một chai rượu mừng con dê thần thánh trở về. Cả nhà xúm xít quanh dê, chỉ có đứa em gái hỏi anh đêm qua ngủ đâu cho khỏi rét.

*

Trong những tháng hè, cứ hai tuần thằng bé lại được xuống núi một lần để xem chiếu bóng.

Đó là thú vui vĩ đại của một thời gian khó. Hễ nghe thông báo có đội chiếu bóng lưu động từ huyện về thì dù bận đến mấy nhà nào cũng nấu cơm ăn thật sớm, có khi từ lúc nắng chiều còn hoe vàng, đợi nhá nhem tối là náo nức đi bộ qua vài cây số đường đồi đến một bãi đất rộng. Màn ảnh là một tấm phông lớn được dựng lên tại đó từ chiều, hứa hẹn bao nhiêu kì thú, với đám đông nhốn nháo xô đẩy, bầy thiêu thân nhảy múa trong ánh đèn vàng vọt, tiếng máy phát điện xình xịch và tiếng loa gấp gáp gọi mời.

“Đồng bào chú ý, đã sắp đến giờ chiếu, xin mời bà con cô bác còn ở ngoài khẩn trương mua vé ổn định chỗ ngồi để buổi chiếu được bắt đầu...”.

Già trẻ gái trai ngồi bệt xuống cỏ. Điện tắt, chiếc máy chiếu cổ lỗ xè xè chạy, trên tấm phông màu trắng viền xanh đậm, một thế giới lộng lẫy, xa lạ, vô cùng tươi sáng và no đủ hiện ra. Những cỗ xe chở những con người đẹp như tiên qua rừng bạch dương vàng rượi mùa thu, những vườn táo quả sai tràn trề ánh nắng, những lâu đài long lanh tuyết trắng, những thung lũng đỏ rực hoa hồng...

Nghìn con mắt khát thèm dán lên màn ảnh. Bên ngoài cổng, đám người không có vé không chịu khuất phục, họ trèo lên cây cối hoặc mô đất, say mê thưởng thức hình ảnh mờ mờ ở mặt sau của phông. Có người kiên nhẫn chờ mở cổng tháo khoán khi phim sắp hết để vào xem, có kẻ liều lĩnh chui trộm qua lớp rào tre lúc người soát vé không để ý.

Mỗi buổi chiếu thường bắt đầu bằng phim tài liệu trước khi vào phim truyện. Chẳng mấy ai nhớ đến thứ phim phụ này, nhưng vào một đêm khi trời đột ngột đổ mưa và cả bãi cố ngồi xem đến hết không về, có một bộ phim đã làm xốn xang tâm hồn bọn trẻ. Đó là phim về trại hè Artek, khu trại dành cho thiếu niên Liên Xô và quốc tế, nằm trên bờ biển Đen.

Chao ôi là đẹp là vui. Những thiếu niên khỏe mạnh đội mũ ca lô xanh nhạt màu nước biển, rộn rã đốt lửa trại, chơi quần vợt, bơi thuyền. Gọi là biển Đen nhưng nước lại thẳm xanh, sóng bắn tung lên những chiếc lều màu trắng. Họ hăm hở hành quân lên núi Ayu-Dag. Mặt mũi cô cậu nào cũng hồng như táo chín, tươi rói trong biển khăn quàng đỏ và đồng phục trắng tinh.

Trên núi Ayu-Dag, lửa trại cháy suốt đêm, rừng rực đỏ.

Những màu đỏ ấy mê hoặc thằng bé. Nó ngồi chết lịm trên bãi, trong tấm ni lông rách của cô bạn gầy guộc cùng xóm cũng đang hướng lên màn ảnh như bị thôi miên. Mưa trên sân bãi càng to, ngọn lửa trong phim càng cháy dữ.

“Đời mình chẳng bao giờ được đặt chân đến cái thiên đường đó”, thằng bé cay đắng nghĩ. “Cũng một kiếp người sinh ra trên quả đất, mà mình mãi chỉ là thằng chăn dê cóc cáy tầm thường”.

Khi mùa hè đã hết, thằng bé phải đi học, đàn dê được đưa từ núi về chăn thả quanh đồi. Mỗi buổi chiều thu trèo lên cây cổ thụ lá đỏ phía sau nhà, gặp lại màu đỏ dâng tràn trong vòm lá mênh mông, nó lại nhớ cuốn phim giữa đêm hè trên bãi.

*

Cái cây ấy mọc ở lưng chừng dốc, cành vươn rì rào đón gió, bốn mùa lá đỏ tươi. Ở gốc cây có khoảng lõm sâu như ô cửa trổ ra, tạo thành một cái hốc kín.

Chẳng ai biết đó là cây gì.

Ông Nhân, bố thằng bé, suốt đời chịu ơn cái cây này. Ngày vợ chồng ông mới từ nơi khác dắt nhau đến đây lập nghiệp, một buổi chiều lên đồi cắt cỏ tranh, bất ngờ máy bay địch tới, hai người không kịp chạy về chiếc hầm tránh bom mới đào ở sau nhà. Khi bom dội xuống, cuống lên, chồng kéo vợ chui vào hốc cây lá đỏ.

Quả bom cày đất trước cây vài mét khoét thành một hố lớn. Một mảnh bom cứa vào thân cây làm vỏ cây vỡ toác. Hốc cây như một lô cốt nhỏ đã cứu vợ chồng ông.

Mùa xuân, cây lá đỏ gọi về rất nhiều chim. Màu đỏ huy hoàng sáng cả góc đồi quyến rũ chúng. Đứng dưới cái cây đã trở thành kỉ niệm thiêng, ngửa mặt nhìn lên vòm trời xanh biếc, trong tiếng chim ríu rít, ông Nhân chắp tay thành kính, bùi ngùi.

Một hôm có người lạ đi qua vùng này, trang phục cổ xưa, lưng đeo gươm, đầu đội nón dấu. Không ai biết ông ta từ đâu tới, cũng không ai nhìn rõ mặt ông ta. Con người bí hiểm ấy vỗ vỗ vào thân cây và nhìn xuống cái hố sâu, nói:

- Cái cây này sẽ đổ.

Rồi nhằm hướng tây, đi mất.

Biết chuyện, ông Nhân tức lắm. “Khâu mồm nó lại. Đổ là đổ thế nào”.

Hòa bình lập lại, trong xóm mọc lên một ngôi trường. Có cô giáo trẻ, tính nết khác thường, một buổi chiều hè lên đồi sau nhà ông Nhân chặt nứa về đan vách. Ngước nhìn tán lá đỏ tươi rập rờn trong nắng, cười nhạt một câu:

- Cây này sớm muộn rồi cũng đổ.

- Vì sao lại đổ? - Ông Nhân hỏi.

- Trông đẹp thế thôi, chứ bên trong mục ruỗng hết cả rồi.

“Con điên. Ông cắt lưỡi mày”, ông Nhân lẩm bẩm.

Về sau cô giáo ấy chuyển trường rồi trôi dạt nơi nào không ai biết. Có người nói cô ta thích phanh phui sự thật, bị cấp trên trù dập, uất ức không chịu nổi và hóa rồ.

Nhiều năm trôi qua, cây cổ thụ vẫn chắc khỏe, kiên cường. Gió bão không làm gãy một chiếc cành của nó. Những chiếc lá đỏ tươi như miếng tiết luôn là món khoái khẩu của bầy dê.

Một ngày kia, trên cây xuất hiện loài sâu lạ. Chỉ sau vài ngày, chúng ngốn sạch lá tươi, biến cả vòm cây rậm rạp mênh mông thành bộ xương xơ xác. Con sâu nào cũng mập mạp và hung hãn, mình đầy gai góc, ruột nổi cuồn cuộn xanh lè.

Ông Nhân hốt hoảng tìm mọi cách cứu cây. Một trận bão thuốc sâu phun mù mịt góc đồi khiến sâu rụng xuống ào ạt như mưa rào. Cả đống xác sâu khổng lồ, ông hất xuống hố bom rồi đào đất lấp kín. Trên nấm mộ tập thể đó, như một chứng tích của tội ác, ông cắm một cây thập tự bằng tre.

Mùa xuân sang, cây cổ thụ nảy nở hồi sinh. Mùa thu, lá lại rơi đầy như vũng máu đỏ tươi quanh gốc. Cả đàn dê hí hửng sục mõm vào la liếm. Riêng con dê lông xanh, với bản tính lạc loài khó hiểu, dửng dưng trước thứ lá này.

*

Mùa đông năm ấy vùng núi phía bắc trải qua một trận rét chưa từng có. Chỉ sau một đêm, mở cửa ra đã thấy cả dãy đồi ướp trong màu trắng long lanh của sương muối. Cây cối đóng băng, xém lại như bị hơ lửa. Phía lưng chừng trời, mây khói mịt mù, những mỏm đá cũng bọc trong màu trắng toát. Tuyết đã về trên núi cao.

- Đàn dê đến chết vì đói mất - Ông Nhân lo lắng.

Thằng bé nhồi nhét lên mình mọi thứ giẻ rách gọi là áo quần, dận đôi ủng tã, bước lên đồi. Rét đến mức tưởng như máu trong người không chảy nữa. Đến những nương ngô nương đậu người ta đã thu hoạch, run rẩy rũ từng vạt sương trắng xóa, nó bòn mót những cây vàng vọt héo khô. Nghĩ đến màu đỏ tươi ròng trong những thước phim, nó thấy lòng mình ấm lại.

- Artek... Ayu-Dag... - Nó lẩm bẩm một mình.

Những cây ngô cây đậu giành giật từ băng giá không đủ nuôi sống bầy dê. Chúng phải ăn cả rơm lót sàn chuồng vì đói. Giữa lúc đợi nắng từng ngày và bắt đầu quẫn trí, nhìn lên ngọn đồi phía sau nhà, ông Nhân chợt nhớ đến cây lá đỏ.

Liền trùm chiếc mũ dạ, chạy lên đồi.

Thật lạ kì là cây này không bị héo một lá nào. Trong khi cả trái đồi xơ xác úa vàng, nó vẫn ngời ngời như núi tuyết, hiên ngang. Gạt lớp sương muối bám trên mặt lá trắng tinh, vẫn hiện ra một màu đỏ thắm. Ông Nhân hú gọi thằng bé, mừng như trúng một mỏ vàng.

Cây lá đỏ đã cứu đàn dê khỏi chết trong những ngày khắc nghiệt nhất. Chúng gần như nuốt chửng từng chiếc lá thả vào máng ăn. Chỉ cần ăn vài lá, mỗi con dê có thể khoan khoái nằm yên cả ngày và bỏm bẻm nhai lại như nhai trầu. Không ai giải thích được điều bí ẩn ấy.

Chỉ có con dê lông xanh vẫn cự tuyệt thứ lá này. Nằm riêng ở một góc chuồng, nó trệu trạo nhai những thân ngô khô xác. Lũ dê quen thói cơ hội, xu thời nhìn nó như nhìn một gã ngốc, trong khi nó tỏ ra khinh khỉnh, không thèm thỏa hiệp với bầy đàn.

Một buổi sáng ông Nhân đánh thức cả nhà dậy. Con dê xanh đã biến mất khỏi chuồng. Không biết nó đào tẩu bằng cách nào khi cửa chuồng vẫn cài then, từ mặt đất đến sàn chuồng khá cao và khoảng cách giữa các nan chuồng rất hẹp. Vài sợi lông xanh còn dính ở thanh gỗ trên vách. Thằng bé được giao nhiệm vụ, từ sớm đến trưa ngày hôm đó, phải tìm ra bằng được tên tù trốn trại này.

Những dấu chân dê theo hướng từ chuồng lên đỉnh đồi nhanh chóng bị xóa bởi sương dày. Trên lối mòn chạy qua rừng, sương mù xám ngoét vón lại thành từng đống. Thằng bé cứ giẫm lên thứ sương vón cục ấy mà đi, vừa đi vừa thổi tù và, cho đến khi gặp cái rét kinh hoàng từ trên núi thốc xuống. Trong âm u tiếng gió có tiếng dê kêu mơ hồ. Dê xanh ơi, đã lên núi rồi ư, sao bắt chước con dê của ông Seguin mà trốn đi giữa những ngày buốt giá. Trên đó có tự do thật đấy, nhưng trước khi màn đêm ập xuống, cái rét sẽ đốn gục mày.

Tù và rúc lên lần cuối cùng.

Về đến nhà, thằng bé thấy mọi người ngồi quanh bếp lửa, buồn phiền. Em gái đang chảy máu cam vì rét, còn mẹ lùa bàn tay tê cóng vào lớp tro.

- Không tìm ra được nó sao?

- Con đã đến tận chân núi.

- Sao không đi lên núi?

- Mẹ muốn con chết vùi dưới tuyết chăng?

- Nó trốn mất cũng là do mày đấy. Tao biết từ lâu nó đã nhiễm cái tính dở hơi lập dị của mày.

“Đợi hết sương muối, tao sẽ đi tìm”, ông Nhân nói. Nhìn lên đỉnh núi xanh thẳm phủ tuyết, vẻ mặt đau khổ, ông hi vọng một ngày kia con dê sẽ còn sống trở về.

Ý nghĩ ấy sớm lụi tàn khi ít ngày sau có người ở trên núi xuống kể rằng, đi qua sườn núi anh ta bắt gặp một tảng băng giống hệt hình con dê. Dùng đá đập vỡ băng, thấy lộ ra những mảng màu xanh lam óng ánh. Khi lớp băng vỡ hết anh ta thấy một con dê lông xanh chết đứng, hai mắt vẫn mở, liền sụp xuống lạy vì nghĩ là dê thần.

Câu chuyện con dê chết cóng và bị đóng băng trên núi ám ảnh cả nhà suốt mấy ngày. Đứa em rơi nước mắt. Ông Nhân thì tiếc của hơn là thương dê.

Khi trời trở ấm, nắng dát vàng lên khắp núi đồi cũng là lúc bầy dê bắt đầu đau ốm gầy mòn. Vừa được phóng thích khỏi chuồng, hơn chục con trong đàn lăn ra chết. Con nào cũng cứng bụng, nhe răng, máu trào ra mép. Ông Nhân gần hóa điên.

Một bác sĩ thú y ở huyện, vốn là chỗ quen biết, đến nhà tìm nguyên nhân cái chết của bầy dê. Sau khi quệt ngón tay vào lớp máu đọng ở mồm dê, đưa lên mũi ngửi và soi đi soi lại bằng một loại kính lạ, ông phán một câu khiến cả nhà ngơ ngác:

- Đây không phải là máu. Mà là nhựa đỏ một loài cây.

*

Cái tin đàn dê nhà ông Nhân chết vì ăn quá nhiều lá của cây cổ thụ khiến cả vùng xôn xao. Mọi nhà cấm trẻ con bén mảng đến cái cây ấy. Họ tin rằng trong cây chứa một loại độc tố, không gây chết người ngay lập tức mà hủy hoại cơ thể dần dần.

Mất đàn dê, tay trắng, ông Nhân uống rượu qua ngày để giải sầu. Mọi nỗi muộn phiền ông trút lên đầu con cái. Những năm tháng này thằng bé thường sống với những cảnh đời tươi sáng, mà nó tin là thực, trong phim và sách vở để quên đi đói nghèo tủi cực hàng ngày. Cuốn phim được xem duy nhất một lần đã ám ảnh nó suốt thời niên thiếu, và như ngọn lửa âm ỉ cháy, màu đỏ Artek đã sưởi ấm tâm hồn nó qua những ngày giá lạnh mùa đông.

Học hết phổ thông, thằng bé trở thành anh chàng thất nghiệp và nhân một cơ hội được đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài. Nó đã đến đất nước, trại hè Artek. Trong bóng tối nó lật giở những trang sự thật mà thuở ấu thơ không bao giờ biết tới. Vài triệu người ở đó đã chết đói, nạn đói mà loài người ghi lại bằng một danh từ ghép: Holodomor...

Lần đầu tiên nó khóc vì vỡ mộng. Thì ra lịch sử không chỉ là những thước phim tươi đẹp, với vườn táo, hoa hồng và những thảm lúa mì.

Nhiều năm sau, trở về quê nhà, nó đến thăm lại vùng đồi nơi mình đã sống ngày nhỏ. Bố mẹ nó khi đó đã chuyển lên thị trấn, xây nhà mới nhờ những món tiền chiu chắt anh gửi về từ nước ngoài. Lời phán của ông thầy cúng năm nào, khi gieo quẻ về con dê lông xanh, ngẫm đúng.

Quả đồi sau nhà trống tênh, lộng gió. Người chủ mới đã chặt hết cây cối để trồng đậu tương. Nơi từng có cây cổ thụ lá đỏ, giờ không còn một dấu vết gì. Nó đã đổ trong một đêm mùa hè yên tĩnh. Không gió bão, cũng chẳng ai động nhát dao nào vào nó. Có người nói nó bị trốc rễ. Có người nói nó đổ bởi một loài sâu đục thân.

Hà Nội, tháng 12/2016
P.D.N  
(TCSH340/06-2017)




 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Mùa vàng (29/05/2017)
Sa ngã (22/05/2017)
Cái tủ thờ (12/05/2017)
Hồ Xuân (04/05/2017)
Tiếng thở dài (25/04/2017)
Giả lập (14/04/2017)
Bức ảnh (07/04/2017)
Má đào (30/03/2017)