Truyện ngắn
Chốn xưa
09:24 | 31/07/2017

ĐỨC BAN

Từ thành phố N. lên xứ Kẻ Xá đâu đấy, người ta bảo, có thể đi đường bộ bằng ô tô, hoặc đáp thuyền gắn máy ngược sông Duềnh. Võ My chọn đi đường sông.

Chốn xưa
Minh họa: Nhím

Mờ sáng một ngày đầu tháng bảy âm lịch, Võ My bước xuống thuyền, tìm cho mình một chỗ ngồi sau khoang lái. Con thuyền đúc bằng xi măng cốt thép, bên trong sơn nâu giả gỗ, chắc người chủ muốn cho nó giống thuyền sông nước ngọt. Trên hai dãy ghế sắt dọc hai bên mạn thuyền, người ngồi chen vai nhau. Số đông là phụ nữ dáng thấp đậm, chân đi dép nhựa, đầu đội khăn, vẻ mặt mệt mỏi.

Bấy giờ Võ My nhìn thấy một bà lão nhỏ bé ngồi đầu mũi thuyền, hai tay ôm chặt cái túi xách da đã nhàu. Bà mặc bộ áo quần màu nâu, ngang bụng thắt một dải lụa đỏ, múi thắt vặn vẹo một cách cẩu thả. Cái mũ vải tùm hụp xuống tận đường lông mày khiến khuôn mặt trắng nhợt của bà toát ra vẻ nghiêm nhặt, khắc khổ. Từ khi xuống thuyền cho suốt một đoạn sông dài, chỉ có vài lần bà ngoảnh đầu nói gì đấy với cô gái gầy gò ngồi kề cạnh, còn thì im lặng và hầu như không cử động. Những lúc thuyền chao lắc, Võ My cảm tưởng bà lão lửng lơ, ẩn đấy, hiện đấy trong làn hơi nước bồng bềnh cuộn từ sông lên.

Gương mặt, trang phục của những người ngồi cùng thuyền với giọng nói như tiếng chim hót của họ tạo nên trong lòng Võ My một cảm giác lạ và thích thú. Lâu lắm rồi, ngót hai chục năm, hắn mới lại ngồi với những người dân quê, nghe họ chuyện trò. Mẹ Võ My mất năm hắn lên mười tuổi. Bấy giờ cha Võ My là một quan chức cỡ bự của tỉnh, ông đưa hắn ra khỏi cái làng đầy tre và lúa lên thành phố. Rồi Võ My ra nước ngoài học đại học, nghiên cứu sinh. Về nước, hắn luẩn quẩn trong một Trung tâm nghiên cứu giống cây trồng…

- Bến Ngã ba Son - Ông lái thuyền nói.

Hành khách chen nhau đến đầu mũi thuyền, nơi có một tấm ván vừa mới được ông lái thuyền gác một đầu lên bờ sông.

Ông lái thuyền nhìn theo những người đàn bà gồng gánh bám lưng nhau trên tấm ván cầu dập dềnh, luôn mồm nhắc cẩn thận, cẩn thận. Khi người cuối cùng đặt được chân lên mặt đất, ông hất đầu về phía Võ My hỏi, anh không lên bến này à? Võ My nói, tôi đến Kẻ Xá. Nét mặt ông lái thuyền lộ vẻ ngơ ngác. Thấy vậy, Võ My hỏi, có chuyện gì à? Ông hướng về nơi nào đó phía xa nói, mấy năm qua lũ rừng đổ ra sông Duềnh, sông nó giận dữ, nó cuốn đi mất bao nhiêu là đất. Võ My hỏi, có đất Kẻ Xá không? Ông lái thuyền nói, không biết; rồi ngoảnh nhìn theo đoàn người gồng gánh leo dốc lên bờ sông, nói khổ quá, khổ quá và trút một tiếng thở dài.

- Người xứ nào mà phải vất vả vậy? - Võ My nói, cốt để tỏ sự thân thiện.

- Xứ nào chẳng thế. Người đẻ, đất thì không. Mà không đất là bị gậy - Ông lái thuyền nói.

Đó là một người đàn ông cao gầy, gương mặt khả ái. Ông ngồi trên cái ghế sau đuôi thuyền, một tay giữ chặt cần lái bằng gỗ, một tay đỡ tấm phên nứa treo hờ trên đầu đang không thôi lắc lay vì gió.

Thuyền hếch mũi lên, chòng chành rời bến Ngã ba Son. Lúc này trên thuyền chỉ còn Võ My và bà lão. Còn Võ My và bà lão là khách đến bến cuối, bến Sơn Lĩnh nào đấy.

- Phiền bác quá - Võ My nói - Hai khách mà vẫn phải ngược.

- Không sao, có chuyến chỉ mỗi bà ấy tôi vẫn lên - Ông lái thuyền nói và chỉ tay về phía bà lão nãy giờ vẫn ngồi yên lặng đầu mũi thuyền.

- Đây vẫn nhớ - Bà lão nói, rồi đứng dậy loạng quạng đi đến ngồi xuống chỗ ghế trống, cách chỗ Võ My một khoang. Từ người bà toát ra mùi ngưu hoàng nồng gắt.

Im lặng, một lúc. Bà lão ngoảnh về phía Võ My hỏi, anh bảo lên Kẻ Xá à? Võ My ngớ ra một thoáng, rồi nói là nghe tên Kẻ Xá, nhưng chưa biết nên đến xem. Bà lão chăm chăm nhìn Võ My, ánh mắt lạnh lùng. Võ My dè dặt hỏi, bà cũng đến Kẻ Xá à? Bà lão nói không, ta về chốn xưa. Võ My lại hỏi, chốn xưa là đâu thì bà mím môi, lắc lắc đầu tóc bạc một cách mệt mỏi như thể một người phải nghe nhiều lần những lời nói ngớ ngẩn. Võ My lén nhìn bà lão, bỗng thấy lòng thắc thỏm không yên.

- Gần đến chưa? - Võ My quay về phía ông lái thuyền, hỏi.

- Nửa giờ nữa đến bến Sơn Lĩnh - Ông ta nói - Hai người đi cùng đường đấy.

- Không phải, tôi về làng - Bà lão nói nhanh như để tránh né, để gạt bỏ một cái gì đó.

- Còn làng đâu nữa - Ông lái thuyền nói, giọng thoáng chút bùi ngùi - Dân bỏ làng đi…

- Không phải bỏ đi - Bà lão cãi, mặt sầm xuống.

- Ờ…ờ… Không phải - Ông lái thuyền lúng túng - Dân làng phải dời đi nơi khác để làng thành cái khác. Chuyện lâu rồi, bao nhiêu là năm rồi, tôi quên…

- Có thực là quên không? Mà sao lại quên được cơ chứ - Bà lão trách cứ.

- Tôi chẳng dính gì chuyện đi hay ở của làng - Ông lái thuyền nói, như giãi bày. Không còn khách qua đò đến chợ Vi hay lên rừng, tôi phải bỏ đò ngang chuyển sang đi đò dọc. Làng thành đất hoang, thuyền tôi không một lần ngược lên bến Sơn Lĩnh. Gần đây thì bà xuất hiện. Vào ngày Thanh minh bà ôm hương, hoa lên thuyền. Bà còn nhớ không? Khách xuống hết ở bến Ngã ba Son, chỉ còn mỗi bà. Mỗi mình bà đến bến Sơn Lĩnh. Thế nhưng tôi vẫn phải đưa mỗi mình bà ngược lên bảy, tám cây số, rồi chờ hàng tiếng đồng hồ để đón bà trở về.

- Tôi nhớ, tôi nhớ. Bà lão ngước nhìn ông lái thuyền nói. Bữa ấy, ông còn hỏi tôi trở lại làng để làm gì? Tôi nói, để thăm người thân. Ông không tin lại còn nói là còn người đâu trên ấy.

- Lúc đó bà nhắm mắt lại, mặt trắng bệch ra và bảo là còn nhiều người lắm.

- Ờ… Tôi có nói là còn nhiều người lắm.

Giọng bà lão run rẩy và có vẻ bí ẩn.

Im lặng một lúc.

- Lần này bà vẫn đến chốn ấy à? - Ông lái thuyền hỏi.

- Phải, bà lão nói dịu dàng như đang ở trong tâm trạng hoài nhớ nào đó.

Gió thổi ràn rạt bốn phía chung quanh. Hai bên hông thuyền, những xoáy nước xoay tròn, quẩn vào bờ, liên tiếp kéo từng mảng đất lẫn cây dại và cỏ tụt xuống sông. Tiếng ùm… ừm… kéo thành chuỗi nghe khắc khoải và màu nâu loang rộng một cách nhanh chóng phía trước mũi thuyền.

- Ngồi yên, ngồi yên. Ông lái thuyền nói. Rồi ông bẻ lái và con thuyền hướng mũi thẳng giữa dòng sông.

- Bến Sơn Lĩnh là cửa ngõ làng - Bà lão bỗng nói, giọng nghe xa xăm.

- Tôi biết rồi - Ông lái thuyền nói.

Máy nổ khặc khừ mấy giây rồi lặng, thuyền lừ đừ vào bờ.

- Lên đi, lên đi - Ông lái thuyền nói vội vã - Thuyền tôi neo ở đây đến đóng trưa. Anh đi đâu thì tôi không biết, còn bà nhớ xuống trước khi mặt trời chếch. Mặt trời chếch, nước ngược, không đi được.

Bến Sơn Lĩnh có ba bậc đá, rêu viền ba phía vật vờ trong làn nước xanh lờ nhờ. Võ My rời thuyền, đặt chân lên bậc đá thứ nhất, tính từ dưới sông lên. Một con dốc từ bậc đá thứ ba bẻ gập khủy tay vào một bãi cỏ, rồi mất hút trong những bụi cây lúp xúp.

Lên khỏi dốc, Võ My và bà lão ngồi xoài xuống bãi cỏ. Một vùng đất mấp mô, trồi trụt, đây đó nổi lên những lùm cây xanh thẫm, những gốc cây cổ thụ chơ vơ, những mô đất và những hồ nước. Nhìn kỹ, thấy vùng hoang địa kéo dài từ bến Sơn Lĩnh lên đường Q.L. 30 dưới chân rừng, một phía xuôi xuống sông, một phía trải rộng sang dãy núi đá lô xô giữa một cánh đồng lúa. Không một bóng người, không một tiếng chim hót.

Cách chỗ Võ My và bà lão ngồi vài chục mét có một cái giàn khoan, nhiều thanh sắt gỉ gãy gục. Chân giàn khoan chìm trong cỏ dại. Nãy giờ tâm trí bà lão không ra khỏi giàn khoan; vẫn ngoảnh đầu về phía giàn khoan, bà hỏi, cái cột sắt thép ấy để làm gì? Võ My nói, để khoan thăm dò địa chất. Bà hỏi với một sự quan tâm đặc biệt rằng, khoan xuống đất à? Võ My nói, khoan sâu xuống mười lăm, hai mươi mét cơ. Với vẻ lo lắng, bà lại hỏi, khoan chỗ nào cũng được à? Hỏi xong thì chăm chú nhìn vào mặt Võ My chờ câu trả lời. Võ My nói, chỉ khoan ở những điểm đã được quy định. Bà đưa hai bàn tay ôm đầu nói, thương lắm, thương lắm. Võ My cảm tưởng như bà đang chứng kiến mũi khoan sắt xoáy vào da thịt người nào đó. Võ My lặng lẽ nhìn gương mặt nhợt nhạt chằng chịt những đường nhăn và nghe tiếng thở hổn hển của bà lão, rồi bằng thứ giọng thân thiết có thể có được, hắn hỏi, bà bảo về chốn xưa, chốn xưa ấy ở đâu? Bà lão đứng nhanh dậy, không nói một lời, bỏ đi.

Bến Sơn Lĩnh dẫn vào vùng đất hoang là một con đường lát đá, hai bên thấy rõ những mảnh vườn bị đào xới ngổn ngang gò, ụ, ao chuôm, những nền nhà trơ mốc, những mảng tường đổ… Nhưng sau khoảng ba, bốn trăm mét, con đường lát đá nối vào một con đường đất đỏ, rộng và khá bằng phẳng. Được một khoảng ngắn con đường đất đỏ biến mất, thay vào đó là những đống gạch màu tiết đông, những bãi cỏ úa vàng. Võ My nghĩ, chắc ngày trước cha hắn cho làm con đường này để chuẩn bị triển khai dự án, nhưng việc còn lở dở thì ông đã mất. Con đường thành đường cụt, cụt ngay chỗ hắn đang phải đứng sững lại. Nếu còn sống, không biết ông còn làm thêm những gì. Võ My nhớ, ông cao, béo, lông mày rậm rất gần mí mắt, gặp cái nhìn của ông kẻ yếu bóng vía không thể không gai người. Trước khi Võ My ra nước ngoài, ông dạy hắn bằng roi mây. Lúc Võ My về nước, ông dạy hắn bằng thứ lý lẽ gãy gọn ông thu gom, lọc lựa trong năm tháng làm quan chức. Ông bảo: “Bọn trẻ chúng mày nói lý tưởng, tao nói tham vọng; giống nhau tuốt. Có nghị lực, có tham vọng cần thứ gì có thứ ấy.” Võ My khẽ nói, tham vọng làm con người nhàu nát ra mà con thì không muốn thế, con cần thanh thản”. Ông nhìn như khoan, như xoáy vào mặt Võ My, nói: “Phải giành giật, giành giật với người sống và với cả người chết.”. Ông kéo dài giọng, rồi cười khẩy. Võ My nhớ mình đã run lên, đã lạnh buốt người như thế nào khi nghe câu nói ấy. Trước khi chết, ông nắm chặt cái đồng hồ ý mạ vàng, rồi thì thào qua hai hàm răng nghiến chặt rằng, dưới cõi âm ông vẫn nghe tiếng tích tắc, tích tắc… để biết con trai làm ăn nhanh, chậm thế nào trên trần gian. Võ My chưa làm gì. Gần mười năm có lẻ, hắn chưa làm gì. Chuyến đi này cũng chưa hẳn Võ My làm được gì.

Mà rốt cuộc Kẻ Xá ở đâu? Trong văn bản cha để lại có một vùng đất chỉ rõ mỗi giới hạn phía tây là đường Q.L 30 còn đông, nam, bắc được vẽ bằng những nét kẻ chì chỗ đậm, chỗ nhạt với một ô chữ: “Thửa 13”.

- Thửa 13 là Kẻ Xá? Kẻ Xá là Thửa 13? Nó ở đâu? - Võ My hỏi, bâng quơ.

Không câu trả lời.

Bà lão chẳng để ý tới Võ My đang nhấp nhổm bên mình, bà ngước nhìn lên trời, cúi nhìn xuống đất, đi tới, đi lui một lúc rồi đứng lại, không hề động cựa chừng hai phút. Sau đó, bà ngồi xuống, run run mở miệng cái túi xách lấy ra một bó hương, phẩm oản, một xếp tiền, vàng mã, một hươu rượu, năm quả cam, một nải chuối, một quả cau, một ngọn trầu không, ba cái chén, một bao diêm và rất nhiều nến… Bà đặt các thứ ấy lên một mảnh vải đỏ trải trên mấy viên gạch xếp khít vào nhau. Xong, bà qùy xuống.

- Đốt ba nén nhang. Bà lão nói.

Võ My vội vã đốt nhang.

- Thắp nến. Bà nói.

Võ My châm nến. Những ngọn lửa nến bệch bạc, lắc lay một cách bền bỉ trước gió.

Chậm chạp và với vẻ thành kính, bà lão cẩm ba nén nhang trong những ngón tay gầy, vái lia lịa bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Rồi bà lẩm bẩm:

- Con xin cúi lạy ngài kim niên dương cai thái tuế chí đức tôn thần ngài bản cảnh thần hoàng chư vị đại vương ngài đông trù tư mệnh táo phủ thần quân ngài bản gia thổ địa long mạch tôn thần các ngài ngũ phương ngũ thổ phúc đức chính thần các vị tôn thần cai quản đất Hòa Nghĩa…

Kéo dài chừng nửa giờ. Chừng nửa giờ bà lẩm bẩm thứ ngôn ngữ mà Võ My hiểu ra là lời một bài khấn Thần Thổ công và các vị thần, trong tập “Văn cúng gia tiên” bày bán khắp nơi trong thành phố.

Những nén nhang cháy gần đến chân, bà cắm xuống kẻ hở giữa các viên gạch, rồi ngồi nhìn đăm đăm theo làn khói hương sà xuống mặt đất.

- Con lạy các vị tôn thần đã nghe lời thỉnh cầu. Bà lão thì thào.

Trời ngưng gió, hơi nóng bốc lên khắp nơi loa lóa, nóng hầm hập. Võ My thấy người bỗng dưng bải hoải.

- Kẻ Xá ở đâu? Võ My lại hỏi.

Lần này, bà lão không những lặng thinh còn ném vào mặt Võ My một cái nhìn giận dữ.

Võ My thoáng nghĩ là không hỏi nữa, không ở lại với bà lão nữa, sẽ bỏ đi, tránh xa ánh mắt kia… Võ My định xốc quai túi xách, thì giọng nói run run của bà lão níu chân hắn lại. Bà nói, nhà cụ Hòa Nghĩa, ông nội của ta ở sau cây đa, cây duối, cây vú sữa kia. Thấy không? Cụ là hậu duệ đời thứ hai mươi ba của ông tổ Lê Hòa Quang làm quan thời nhà Lê. Cụ mất, dân lấy tên cụ đặt tên làng: Làng Hòa Nghĩa. Rừng ở sau lưng, sông chảy trước mặt, thế làng vượng lắm, đẹp lắm. Đền, chùa, miếu mạo đủ cả. Lễ, tiết tháng nào cũng có. Đất lành chim đậu; càng ngày làng càng nhiều nhà, nhiều người, nhiều đường, nhiều cây..

Gương mặt bà bỗng sáng lên, giọng nói trở nên thanh thoát. Một lúc sau, bà nói rằng, Kẻ Xá mà Võ My hỏi ấy thì bà không biết. Thửa 13, 15 nào đó, bà lại càng mù tịt.

Võ My nhìn quanh quất. Không một bóng người, không chút bóng dáng của cái làng Hòa Nghĩa mà bà lão nói. Trong bản đồ vùng này mà hắn từng xem cũng không thấy có tên Hòa Nghĩa. Võ My băn khoăn. Hắn định hỏi bà lão điều ấy, nhưng vừa mấp máy môi thì bà đã huơ huơ tay lên khoảng không trong một cơn xung động đột ngột nào đó.

- Bị quên đi, bị xóa đi - Bà lão nói - Trên đời này có nhiều thứ bị xóa đi, bị quên đi. Tất cả bởi cái tâm con người ta nó mỏng nên cứ hư hỏng, cứ tham lam, cứ không thấy nhau, không cần nhau. Đấy, thì anh cũng đang thấy không cần ta, định bỏ ta ở lại đây một mình đó thôi.

Bà lão nhìn thẳng vào mặt Võ My. Ánh mắt dò xét, trách móc và những lời bà nói xoáy lộn trong đầu Võ My. Võ My muốn nói về cha mình với cái dự án của ông nhưng một cái gì đó như mặc cảm tội lỗi nhói lên trong tâm thức khiến hắn im thít.

Lần nữa, trong tâm trạng bất an, Võ My nói, sắp hết buổi sáng rồi, hắn phải đi theo công việc.

- Chưa đi được đâu - Bà lão nói, giọng dứt khoát - Còn cái việc đất Kẻ Xá, ta chưa hỏi được…

- Sẽ hỏi được à? - Võ My hỏi, bỗng thấy hồi hộp.

- Sắp rồi. Hãy đi theo ta. Bà lão nói và liêu xiêu bước về phía trước, được dăm mét thì đứng lại.

- Thấy gì không? - Bà hỏi.

- Thấy gì ở đâu ạ? - Võ My bỗng cảm tưởng có điều gì đó bí ẩn đang luẩn quẩn quanh bà lão.

- Ở dưới đất - Bà lão nói - Dưới ấy có nhiều thứ. Ta từng tưởng họ đã về làng mới rồi, hóa ra không phải. Hóa ra ta đã sai. Cụ Hòa Nghĩa về, bảo họ Lê chỉ còn ta là người biết chữ thánh hiền, ta phải đi tìm, gọi những người còn ở chốn xưa về. Ta nói, mộ phần nơi nghĩa địa và cả ngoài nghĩa địa đã làm lễ Cải cát, di dời hết rồi thì cụ bảo rằng, cái làng Hòa Nghĩa trải trăm năm dâu bể, bao nhiêu là người không còn xác trong đất làng, nói chi đến mộ phần; và rằng, làng dời, có vong theo được, có vong còn lang thang. Nói xong, cụ theo gió đêm biến mất. Ta ngẫm thật đúng. Chỉ tính mỗi đời ta mà đã trải hai cuộc đánh nhau, ba trận hạn hán, năm trận bão lụt, cuộc nào, trận nào cũng thấy có người chết không còn phần xác. Năm vài lần ta lên đây làm lễ cầu siêu cho họ…

Bà lão thở dài, kéo vạt áo lên chấm mắt. Lát sau, bà đi về phía những cây cổ thụ cụt ngọn, cành lá lưa thưa.

- Chỗ kia - Bà lão nói.

Một uy lực bí ẩn nào đó đẩy Võ My bước theo bà tới một mô đất có rất nhiều cỏ len lách trong các kẽ nứt. Bà đứng, hai tay chắp trước bụng, mắt hướng vào một chỗ nào đó. Võ My căng mắt nhìn. Sau những cây cổ thụ hiện ra hai cái cột trụ cụt đầu, có mấy chữ Hán nét đậm, nét nhạt, không đọc ra chữ gì. Rồi Võ My thấy thêm bức tường đổ kéo dài hun hút về phía một hồ nước…

Bà lão cầm ba nén nhang đưa lên cao. Những nén nhang bốc lửa rực đỏ trên đầu bà. Cùng với tiếng gió u u trên mặt đất lổn nhổn đất đá, gạch ngói là giọng nói buồn rượi của bà lão:

- Án, pha pạ bà phạ, truật đà ta phạ, đạt mạ ta phạ, bà phạ truật độ hám… Nguyện thử diệu hương vân biến mãn thập phương giới… phiền não đoạn diệt, nghiệp chướng tiêu trừ, tốc xả mê đồ, tiêu sinh tịnh độ, ngưỡng kỳ chư Phật từ bi phóng quang tiếp độ hương linh vãng sanh Cực lạc quốc…

Lời Kinh cầu siêu chìm xuống, như hơi thở nhẹ.

Lúc này, đâu đó trong bụi mờ vang lên tiếng lạo xạo như tiếng bước chân người giẫm trên sỏi đá. Người nhẹ bẫng, Võ My nhìn thấy rất nhiều người, bóng dáng trắng nhợt và méo mó, đang chuyển động trong một không gian loang loáng nắng và nồng nàn mùi đất, rồi họ bám vào nhau ríu rít đi quanh bà lão, từng vòng, từng vòng, như vô cùng. Đâu đây có tiếng người lảnh lói như hát và tiếng tích tắc, tích tắc, tích tắc… nghẹn nấc.

Võ My dụi mắt. Những hình người vẫn đi vòng quanh, nối nhau, từng vòng rộng dần, rộng dần. Võ My dịch sát vào người bà lão. Lấy hai đầu gối làm điểm tựa, bà nhẹ nhàng xoay tròn tấm thân nhỏ bé, bà lầm rầm gì đấy, lâu lắm và đôi mắt nhòe nước của bà bỗng trở nên long lanh. Cùng lúc Võ My thấy những bóng người mỏng dần, nhòe ra rồi biến mất theo những cơn gió mang theo mùi ngưu hoàng, thổi từ dưới sông lên u u. Và Võ My lờ mờ thấy ra một cuộc gặp gỡ giữa bà lão và những vong hồn.

- Bà nói gì với các vong và các vong nói gì với bà vậy? - Võ My dè dặt hỏi, cảm giác bất an nhói lên trong lòng.

- Nhiều chuyện, xưa, nay - Bà lão nói - Nhưng anh không nghe được, chưa nghe để biết được đâu.

- Khi nào thì tôi nghe để biết được? - Võ My hỏi.

- Khi nào ư? Ta không rõ. Họ không nói với ta. Ta nghĩ là họ vẫn còn sợ sự giành giật của người sống, sợ bị xa lánh, bị ruồng bỏ. Khi nào họ không sợ thứ ấy thì anh nghe biết.

Võ My cảm thấy có một đảo lộn sâu sắc trong tâm trí. Một cái gì đó đã rời khỏi và một cái gì đó vừa nhập vào cơ thể hắn. Đầu đau nhức, những cơn run chạy khắp người, Võ My nhìn bà lão như bị thôi miên.

- Anh đi được rồi đấy - Bà lão nói nhỏ.

Võ My không nhúc nhích.

- Anh đi đi - Bà lão giục, giọng dịu dàng nhưng lộ vẻ thách đố.

Võ My vẫn đứng yên lặng. Lần này nữa, Võ My lại muốn nói với bà lão về cái dự án của cha. Hay bà đã biết hết? Cha Võ My để lại cho hắn tất cả tài sản ông tích gom được trong suốt bốn chục năm làm quan chức cấp tỉnh. Ngoài nhà cửa, tiền bạc trong ngân hàng còn hàng chục ha đất chốn này. Võ My không hiểu nổi vì sao ông làm được cái việc tày đình ấy. Và còn bao điều Võ My không hiểu về ông? Ông đã bươn bả, tranh đấu, giành giật, nhưng rốt cuộc là gì? Bao nhiêu điều trên đời, lúc sống ông đã không được biết. Nếu không vì cái thông báo của cơ quan chức năng là sẽ thu hồi đất vì không triển khai dự án, thì Võ My không có chuyến đi này, và hắn lại sẽ như cha, có bao nhiêu điều trên đời không được biết.

Võ My nhìn những mái rừng đằng xa và thấy mình đang bước đi, từng bước trên mặt đất lồi lõm, nóng hôi hổi. Đột ngột hiện lên trước mặt Võ My một khoảng không hun hút, cuồn cuộn sương khói nhợt nhạt. Trong vòng vài tích tắc, đất đá và hồ nước, cây cối và cỏ… biến dần vào khoảng không kia. Thoáng cái, cả một vùng đất mênh mông đã biến mất và không có vẻ gì sẽ hiện lại. Võ My cảm thấy sự hụt hẫng dưới hai lòng bàn chân. Đầu quay cuồng. Một phản xạ, hắn bật người về phía sau.

- Tịnh tâm, tịnh tâm - Bà lão thầm thì. Rồi bà đặt bàn tay đẫm mồ hôi lên vai Võ My nói tiếp là thấy đấy nhưng đến đấy còn đi mỏi. Nói xong thì cất tiếng cười nhẹ tênh. Võ My ngơ ngác nhìn những mái rừng xanh và con đường Q.L.30 lờ mờ đằng xa. Tâm trí hắn nguôi dịu dần.

Lúc ấy, bà lão ôm túi, chống tay vào đầu gối đứng dậy, chậm chạp đi về phía sông Duềnh. Cả một đoạn đường dài bà không hề ngoái đầu lại.

Bà đến bến Sơn Lĩnh đúng lúc bóng tròn. Ông lái thuyền ngồi dưới tấm phên nứa nhìn lên bờ, như thể tự bao giờ ông đã gắn chặt vào sạp thuyền và tự bao giờ đã yên lặng nhìn lên bờ.

- Gặp được không? - Ông lái thuyền hỏi.

- Gặp được cả. Và đông đủ lắm. - Bà lão đáp.

- Bà chỉ cầu cho các vong siêu thoát mà không mời họ về cùng à? - Ông hỏi, giọng run run.

- Thì rồi cũng đành bỏ chốn cũ mà đi thôi. - Bà lão nói, giọng buồn như trút vợi một nỗi niềm. Rằm tháng bảy sắp đến rồi. Bữa ấy tôi lại phiền ông cho lên.

Ông lái thuyền khẽ gật đầu, nói việc nhân tôi sẵn lòng. Rồi nhìn quanh một lúc và với vẻ lo lắng hỏi, còn anh thanh niên đi tìm Kẻ Xá đâu rồi?

Bà lão nghiêng nghiêng đầu lắng nghe, rồi như nghe ra nói, anh ấy về theo đường bộ. Chắc không lạc đâu. Ta cho thuyền xuôi thôi.

Đ.B  
(TCSH341/07-2017)





 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Ngài đội Cóc (07/07/2017)
Trí nhớ biển (30/06/2017)
Ngọn lửa Artek (26/06/2017)
Mùa vàng (29/05/2017)
Sa ngã (22/05/2017)
Cái tủ thờ (12/05/2017)
Hồ Xuân (04/05/2017)
Tiếng thở dài (25/04/2017)