Truyện ngắn
Mẹ về trong gió heo may
08:52 | 05/09/2017

NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH     
       
    (Tặng mùa Vu Lan hiếu hạnh)

Mẹ về trong gió heo may
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

1.

Xóm Chùa những năm gần đây mọc lên nhiều nhà hơn, cái trệt, cái lầu, cái lúp xúp mấy tấm tôn chắp nối vá víu cạnh những tấm bạt cũ sờn. Nhà mẹ con thằng Lỏng dựa lưng vào vách ngoài chái bếp phụ của nhà chùa, phía bên kia ao sen, thành ra từ cổng chùa trông qua cứ tưởng như cái lều đựng cuốc xẻng phân tro của mấy điệu làm vườn. Chiều nào tan học, bọn trẻ trong xóm cũng tụ tập trước tam quan chùa chơi đủ thứ trò vui. Tiếng reo hò ầm ĩ chỉ thi thoảng im bặt khi thoáng thấy bóng sư cô đi qua trước hiên chánh điện. Nhưng khi thằng Lỏng kéo chiếc xe rù rù ngang qua để đi vào lều, cả bọn đều cười ồ. Một chiếc xe mà ai mới nhìn cũng thấy rất ngộ và đẹp. Là một chiếc xe đẩy của em bé đã cũ, mẹ nó nhặt từ bãi rác về. Nó tỉ mẩn dán những vụn giấy trang kim nhặt nhạnh đâu ở nhà làm vàng mã trong xóm, màu mè vui mắt. Một đứa xướng lên: “A, thằng Lỏng! Thằng Lỏng ngố!” Cả bọn đồng thanh: “Lỏng ngố!” Thằng Lỏng chẳng tỏ vẻ gì tức giận, còn cười khoái chí vung lưỡi gươm lên huơ ngang trán chào mừng. Cả bọn lại ôm nhau cười ngặt nghẽo, có đứa còn chạy theo níu ống quần nó kéo xuống. Lỏng vội giữ lưng quần. Không phải vì xấu hổ, mà nó sợ mấy thanh gươm nhựa vấn giấy trang kim lấp lánh giắt ở lưng quần rơi mất. Rồi cứ thế cun cút kéo xe chạy nhanh vào lều. Nhiều lần mẹ nó, chị Sửu, gánh đôi triêng gióng nhẹ tênh sau một ngày lam lũ về ngang qua, thấy tụi nhỏ trêu thằng Lỏng như vậy cũng không lạ lùng gì. Bọn trẻ chỉ trêu vậy, chứ cũng lành cả thôi. Chị biết từ khi chị dắt con về xin nương náu ở đây, không chỉ nhà chùa mà người trong xóm đều thương xót và giúp đỡ hai mẹ con.

Một ngày của chị Sửu bắt đầu từ sau hồi chuông sớm. Quét dọn quanh lều xong, chị sang quét sân chùa rồi về nhóm lửa nấu cơm. Để phần thằng Lỏng xong, chị ém theo cho mình một gói, quẳng vào đầu gióng, khép cửa lều và thoăn thoắt đi xuống con dốc. Cả ngày chị loanh quanh mấy ngõ hẻm, mua và nhặt ve chai, bao bì vỏ hộp... Tiếng rao cứ ngân dài, buồn bã và hiu quạnh như cuộc đời hai mẹ con. Những hôm lưng gióng hoặc chẳng kiếm được gì, chị ghé qua hàng cơm bác Lành phụ bưng bê rửa dọn. Cái vùng quê nghèo khổ xa xôi ngoài ấy cứ hiện ra trước mắt mỗi khi chị cố muốn quên...

Nhiều năm đói kém nối nhau đi qua, tuổi thơ của Sửu chỉ được những bữa vui khi ngày mùa cùng lũ trẻ ra đồng vợt châu chấu về xào lên. Ngày mưa lạnh, có hôm lặn lội đến bợt cả người còn chưa được nhúm cá vụn. Đó là những hôm đói đến cồn cào... Lớn lên đã không thấy bố, nhưng Sửu biết bố qua món nợ ông để lại mà cả hai mẹ con chắt chiu chằm vá mãi vẫn còn đầy. Còng lưng chịu đựng, nhưng chịu không nổi phải chết trẻ trong đói rét, mẹ Sửu gửi đứa con gái mười lăm tuổi cho người bạn thân lấy chồng xa đang dịp về thăm quê. Vào trong này theo bà bạn của mẹ, Sửu gọi là bác, vài năm sau cũng là mẹ chồng. Nhưng Tính, chồng Sửu, không thừa hưởng nết tốt gì ở người mẹ hiền lành, nhân đức ấy. Nhất là sau khi có thằng Lỏng, gặp buổi làm ăn khốn khó, mấy chuyến đi biển thất bại liên tiếp, hắn đâm ra bẳn gắt. Có hôm hai mẹ con no đòn. Trận đòn sau cùng, thằng Lỏng bị đá văng ra sân, đầu va vào thành vại nước, bất tỉnh hồi lâu. Dậy rồi bỗng đâm ra ngây ngây. Khi đến tuổi chuẩn bị vào trường, Lỏng vẫn ngớ ngẩn. Suốt ngày nắm áo bà nội hoặc tha thẩn trên bãi vắng, vốc mấy vỏ sò vỏ ốc mân mê ngắm nghía, nó không nói gì nhiều. Có chăng cũng chỉ là vài tiếng ngọng líu, ngắc ngứ mãi trong cổ họng... Vậy mà có hôm nó cầm tay mẹ khóc:

- Tên xấu... Họ nói tên Lỏng xấu.

Chị ôm con, vuốt mái tóc khô cứng của nó, bật cười:

- Là bố đặt cho con đó thôi!

Dạo chị sắp sinh con bỗng gặp đận khó khăn. Mẹ chồng đau ốm mãi, tiền không kiếm được lại chi ra cho thuốc thang, nhà chưa đứt bữa nhưng cũng có khi ăn cháo. Rồi cháo cũng không đều, bữa đặc bữa lỏng. Hôm chị chuyển dạ là hôm nhà ăn cháo lỏng, chị đói lắm nhưng do sức gái mười bảy, nên dù con so, thằng bé cũng chào đời may mắn. Tính đặt tên cho con trai là Lỏng... Thấy thằng Lỏng buồn bã lủi thủi suốt ngày, Sửu cũng muốn vay mượn chằm vá sao cho con đến trường, được chữ nào hay chữ đó, không được cũng không sao. Miễn là nó có bạn. Nhưng cái số nó thật đen đủi, chưa được đến trường thì đã xảy ra chuyện... Cũng bởi làm ăn không ra gì, Tính đâm nản và lân la theo đám dân phe, chạy mánh trong làng. Nhưng bọn nó chạy mánh gì không biết, chỉ thấy Tính la cà hết đám rượu này lại canh bạc khác. Hỏi tiền đâu ra để theo bọn đó, hắn chỉ lừ mắt và chửi thề, có khi bật lên ho sặc sụa và khạc nhổ, rồi bỏ đi. Cho đến một hôm hắn bảo Sửu đi theo “nói chuyện làm ăn”, đến ngồi cùng ba bốn tên bặm trợn. Mới uống hớp nước ngọt, chị đã ríu mắt buồn ngủ... Tỉnh ra thì đèn đuốc tắt đâu cả, tối thui. Điều chị nhận ra là nỗi hãi hùng khi cái thằng người nằm bên cạnh không phải chồng mình. Chị vùng vẫy kêu gào nhưng giọng nói ồm ồm sặc mùi rượu bên tai đã làm chị nhũn người ra như cái xác: “Có im không nào? Nó dẫn mày tới gán nợ cho bọn tao rồi đấy!”... Chị lết về chưa đến sân thì ngã vật xuống. Mẹ Tính nghe động vội chạy ra đỡ con dâu lúc này ống quần đã ướt đầm máu, chỉ kịp kêu cứu cho hai bên xóm giềng đưa giúp ra trạm xá. Sẩy thai và nằm nhà chưa đủ tháng, Sửu đã lần dậy làm việc nhà và ra bãi tìm việc để kiếm đồng ra đồng vào. Từ sau đêm đó, Tính chỉ về nhà vài ba lần. Nhưng mặc cho người mẹ khóc lóc rủa sả, hắn không nói gì, vội vã đi ngay. Rồi một đêm, khi gà mới gáy đầu, Sửu đã cõng thằng bé đang ngủ say, xách túi rón rén bước ra ngõ. Vừa xốc thằng Lõng trên lưng cho chắc, Sửu đã giật bắn người: tiếng nấc của mẹ chồng tức tưởi vang lên phía sau. Chị đứng chôn chân, lắp bắp:

- Mẹ... Mẹ đấy ư?

- Ối con ơi... Ối cháu ơi!

Cái túi rơi bịch xuống đất. Sửu chuyền con ra ẵm phía trước, bước lùi dựa vào vách nhà để không ngã dúi xuống theo cái túi xách. Bà mẹ chồng nói trong nước mắt:

- Mẹ biết rồi cũng đến nước này thôi, nhưng không ngờ lại sớm thế. Con đang còn yếu, đi đâu về đâu, mà làm gì để nuôi thằng Lỏng hở con?

Đưa tay áo quệt nước mắt, bà cố nói nhỏ, sợ hàng xóm nghe thấy:

- Mẹ không dạy được thằng Tính, để ra nông nỗi này. Thương con mà lại hại cả đời con, làm sao mai mốt về gặp bà ngoại thằng Lỏng hở con?

Bà hôn lên trán thằng Lỏng, vừa chậm nước mắt mình ướt nhòe trên mặt cháu. Bà đến lục trong cái hộp con trên kệ bếp, lấy ra con dao nhíp. Sửu tái mặt, chưa kịp nói đã thấy bà đưa tay lần thắt lưng hồi lâu, kề mũi dao gỡ ra một vật mà khi đặt vào lòng bàn tay Sửu, chị nhận ra là chiếc nhẫn.

- Con giữ nó, xem như là quà mẹ cho thằng Lỏng lấy vợ. Chứ thằng Tính đã không có đám cưới rồi. Mẹ mươi ngày ốm một ngày lành, chắc không đợi được đâu.

Lúc này thì Sửu nức nở, thương và đau cứ dằn xé trong lòng.

- Thôi, đã đi thì đi sớm kẻo người ta trông thấy! Mẹ cầu trời cho các con an lành! - Người mẹ chồng nhặt cái túi lên đưa cho chị.

Và Sửu cõng con rảo bước, băng qua xóm đêm còn mù hơi sương, để lại phía sau vài tiếng chó sủa ảm đạm...

Rồi chuyến tàu chợ chen chúc người đứng kẻ ngồi, hoặc nằm la liệt trên sàn. Nóng nực, mùi mồ hôi và tiếng kêu réo lẫn trong tiếng bánh sắt rùng rùng trên đường ray khiến Sửu thiếp đi. Mãi đến khi thằng Lỏng khóc vì đói và khát nước gọi mẹ, Sửu choàng dậy đưa tay vào túi áo trong lấy tiền mới bủn rủn chân tay: “Ối trời ơi là trời!”... Chị tỉnh dậy nghe mắt mũi cay nồng vì mùi dầu ai đó đã đánh gió cho chị. Vài câu hỏi han ái ngại nhưng chị không đủ sức trả lời. Nước mắt chan hòa, chị không biết hai mẹ con sẽ sống ra sao khi chút tiền còm dành dụm được trong những ngày gắng sức vừa qua, và cả gia sản máu thịt mà người mẹ chồng từ tâm đã gồng mình qua bệnh tật, đói kém để giữ lại cho chị, giờ đã mất sạch. Một giọng đàn ông, đúng hơn là thanh niên, vang lên thật gần: “Chị và cháu ăn cái này lót dạ! Chắc chị đói lả đấy thôi!” Chị đón lấy gói xôi. Trong ánh đèn tù mù từ cuối toa tàu hắt tới lắt lay bởi những bóng người chen chúc, chị thoáng thấy ánh mắt chân thành của chàng trai trẻ. Sửu bỗng oà khóc. Hồi lâu, chị mới quay sang đút từng miếng xôi cho thằng Lỏng nãy giờ vẫn ngồi nép bên mẹ. Chừng thấy con no rồi, chị mới trệu trạo nuốt vài miếng, không còn cảm giác đói hay no... “Chị xuống ga nào?” Bấy giờ thì Sửu mới đâm hoảng. Thật ra chị chẳng biết mình đi đâu. Thôi thì đánh bạo nói thật về chuyện dắt con vào miền trong làm thuê kiếm sống, không may vừa bị móc túi, giờ chẳng biết đi đâu... Chàng trai đưa bi đông nước cho chị cùng với mẩu giấy vừa được xé ra từ cuốn sổ tay:

- Cũng may là chưa đi qua khỏi đây. Đến ga sắp tới này, chị xuống và hỏi người ta để tới địa chỉ tôi đã ghi. Chị đưa tờ giấy này cho sư cô Minh Nhật. Tôi đang đi công tác gấp nên chỉ giúp chị được thế này thôi...

Sửu đã trở thành cư dân xóm Chùa như thế.

Sau này, thỉnh thoảng sư cô đi qua lều cho thằng Lỏng ít lộc chùa, hay thuốc men khi mẹ con bị ốm, Sửu mới biết chàng trai đó đang là một nhà báo, cũng từng được sư cô cưu mang khi mới vài ba tuổi.

2.

Một buổi chiều muộn vào hôm nhà chùa có lễ cầu an, sau khi phụ các cô rửa dọn chén bát xong, Sửu xin được thưa chuyện với sư cô. Ngồi trên bậc tam cấp dưới mái hiên đầu hồi, nhìn trong đám lá cây ngọc lan xanh mướt sà xuống thấp thoáng mấy nụ hoa trắng ngà như những ngón tay xinh, chị ấp úng mãi. Sư cô đưa cho chị tách trà nóng:

- Uống đi con. Không vội đâu. Nếu con chưa sẵn sàng thì đợi lúc nào bình tâm hẳn nói con ạ!

Đã gần ba năm từ khi Sửu đến đây, nhà chùa và những người dân tốt bụng trong xóm sẵn lòng giúp đỡ mà không ai có ý hỏi gì về hai mẹ con. Chỉ thấy cũng đủ hiểu người phụ nữ ngơ ngác này đang chới với giữa dòng... Sửu nhìn nét mặt nhu hòa và nụ cười ấm áp của sư cô, chị bỗng thấy mạnh mẽ. Từng mảnh vỡ của cuộc đời người đàn bà không có thời con gái ấy được chắp lại, rõ ràng trong giọng kể thiết tha... Sư cô lắng nghe không ngắt lời Sửu, rồi nói chậm rãi, nhẹ nhàng:

- Cô không biết tường tận từng chi tiết, nhưng cũng không bất ngờ với những gì con vừa kể. Là duyên hay là nghiệp, thì cũng đều do phúc tu của mỗi người cả thôi.

Sửu lau nước mắt:

- Được nhà chùa cưu mang lâu nay, con thật không biết nói sao cho hết lòng biết ơn...

- A Di Đà Phật! Nếu con hay bất kỳ ai gõ cửa thì nhà chùa sẽ mở...

Sửu lần túi áo lấy ra một gói giấy nhỏ, bên ngoài bọc túi ni lông và buộc dây thun cẩn thận:

- Con nhờ sư cô giữ giùm. Mấy năm qua con dành dụm được chút ít, để cho thằng bé. Khuya này con ra quê, đem đi sợ rồi đánh mất như lần trước... Con gửi thằng bé, nhờ nhà chùa ít hôm.

Sửu vụt đứng dậy thật nhanh, quay lưng bước như chạy về phía căn lều trong ráng chiều vụt lóe lên đỏ tía sau đồi, rồi thoáng cái, cả trời chiều vụt sẫm tím mênh mông...

Hôm sau, trời chưa sáng đã nghe nhốn nháo phía ao sen. Rồi tiếng chân người chạy sầm sập trước sân chùa:

- Thưa Sư cô, chị Sửu...

Phút chốc người trong xóm đã tụ tập trước tam quan chùa, bàn bạc phân công rất nhanh. Một cái rạp che vải màu vàng dựng ngay sau đó, trên bãi đất trống cạnh ngôi lều. Người phát hiện ra Sửu úp mặt xuống ao, nửa thân mình còn vắt trên tấm ván làm cái bến tạm thường ngày chị vẫn ngồi rửa rau lúc trời còn tối mờ là con bé Nai. Mỗi chiều nó lên chăm ông ở bệnh viện, hôm sau phải về sớm để chuẩn bị đi học. Đạp xe qua trước chùa thì xe bỗng trật xích, nó định xuống ao rửa tay mới thấy...

Thằng Lỏng hét lên:

- Mẹ ơi! Không được nằm trong cái tủ đó...!

Mặc cho mấy cánh tay lực lưỡng giữ chặt, nó cứ vùng vẫy xông vào. Đến khi nắp quan tài đóng lại, không thấy mẹ nữa, nó vụt chạy ra phía hiên chùa, trèo lên nhánh ngọc lan dày lá. Khóc no, nó ngủ quên. Mấy ni cô đi tìm mãi không thấy, cho đến khi nó ngã xuống, may sao đầu không va nhằm bậc cấp mà úp mặt xuống sân đất. Nó nằm ngay đơ. Nhưng khi được ẵm vào phòng thuốc nhà chùa thì Lỏng bỗng mở mắt ra. Người đầu tiên phát hiện vẻ tỉnh táo khôn ngoan trong ánh mắt nó là cô Minh Nhật.

Nó mặc áo xô đi dép cỏ đưa mẹ ra gò đất sau chùa. Lần đầu tiên nó khóc bằng những giọt nước mắt của một người khôn. Loáng thoáng bên tai nó những lời bàn tàn cố nói thật khẽ, rằng Sửu bị choáng mà ngã ao, rằng Sửu tự tử vì bị nan y mà không có tiền chạy chữa... Nó khóc vì biết mình mất mẹ, nhưng không thể nhớ ra khuôn mặt mẹ hôm qua và những ngày còn sống là thế nào. Di ảnh của mẹ cho nó thấy đó là một phụ nữ xinh đẹp. Chỉ có thế. Tất cả những điều nó biết về mẹ đều do sư cô kể lại. Nó sẽ nhớ về mẹ trong một bước ngoặt mới.

3.

Sư cô đưa nó sang một ngôi chùa khác cách đó hai quả đồi, nhưng theo đường cái thì phải nửa giờ đi bộ. Lỏng chẳng có gì đem theo, nhưng cuối cùng nó quyết định đem chiếc xe đặc biệt gắn bó lâu nay đi cùng. Ở với sư ông và mấy chú điệu, nó được học chữ và tên trong khai sinh của nó - bây giờ mới làm - đã bỏ đi một dấu thanh.

Những hôm nghỉ học và không bận làm vườn với mấy điệu, Lỏng đi qua đồi viếng mộ mẹ rồi vào chùa thắp hương và thăm các sư nữ. Một lần, Lỏng sang chùa vừa lúc mới xong lễ cầu an của một đạo hữu. Chiếc xe lăn đưa người phụ nữ ra chưa tới cổng chùa bỗng dừng lại. Người con gái đi theo đẩy xe cứ loay hoay chỉ trỏ về phía sau mãi, rồi chiếc xe vẫn đứng yên. Tưởng xe bị làm sao, Lỏng bước vội ra định giúp, nhưng vừa nắm lấy thành xe thì một bàn tay bỗng đặt lên tay nó. Như có luồng điện chạm vào, Lỏng giật mình nhìn lên. Nhưng có vẻ như ánh mắt người phụ nữ đang nhìn vào đâu rất xa. Cô gái gật đầu nhìn Lỏng:

- Cám ơn em! Chẳng hiểu sao mẹ chị không chịu đi. Bà nhìn mọi người nhưng không nhận ra ai đâu em ạ!

Lỏng buông tay cho cô gái đẩy xe ra khỏi cổng. Chiếc ô tô đỗ bên kia đường đã mở cửa và có người đứng chờ. Lỏng trở vào gặp lúc sư cô đang đứng nhìn theo chiếc xe từ từ lăn bánh. Qua vài lời nói chuyện của cô Minh Nhật với mấy điệu, Lỏng hiểu đôi chút về người đàn bà sang trọng kia. Sau tai nạn phải mất đi đứa con trai và bản thân cũng bị thương tật, bà trở nên trầm cảm, thường xuyên bỏ cả ăn uống. Cô con gái đã rất vất vả trong việc chăm sóc mẹ.

Lỏng sẽ quên chuyện này nếu nó không tình cờ gặp lại bà ấy nhân một buổi sớm trước rằm tháng bảy, khi đem buồng chuối sang chùa cho mấy ni cô dâng cúng Phật. Đang ngồi với sư cô, thoạt trông thấy nó, bà liền đưa tay ra hiệu vẫy nó lại gần. Hai cánh tay bất chợt ôm choàng quanh cổ Lỏng, bà vuốt má nó rồi bỗng nói rành rọt - điều mà gần hai năm nay chưa ai thấy:

- Con đi đâu mà lâu nay không về hả Lỏng?

Bà cứ thế giữ nó trong vòng tay. Cô con gái phải giữ chiếc xe lăn để không chao nghiêng khi thằng Lỏng cố thoát ra khỏi cánh tay ôm chặt nó. Nó đúng là Lỏng, nhưng dường như bà đang gọi ai đó. Cô gái nhìn nó nói nhỏ:

- Em không sao chứ? Mẹ chị lại nhớ em trai Ngọc Long của chị rồi. Năm ấy nó mười ba, chắc cũng hơn em vài tuổi.

Lỏng không biết phải làm sao, nhưng trong lòng đứa bé lên mười bỗng thấy thương cảm. Nó thôi không vùng vằng, để yên bàn tay bà trên má và bỗng nghe ấm áp...

Sau đó, mỗi lần Lỏng sang viếng mộ mẹ và vào thăm chùa, sư cô đều gọi cho người đàn bà đó. Nó đem theo chiếc xe lấp lánh giấy trang kim, phụ với cô con gái để bà ngồi vào. Bà nhẹ hều như đứa trẻ. Trước đây nó kéo chiếc xe đi không quanh xóm, mời ai cũng chẳng ai ngố như nó mà ngồi vào. Bọn trẻ thường trêu: “Lỏng ơi, chở mẫu hậu đi mua ve chai nhé!” Nhưng chị Sửu chưa rảnh một giờ nào để ngồi vào xe, cho dù người chị có bé nhỏ đến đâu... Nghe nói mỗi lần đến chùa và được Lỏng kéo xe đi chơi, về đến nhà là người đàn bà đó đã vui vẻ, nói nhiều hơn và chịu ăn uống. Bà vẫn gọi nó là con trai.

Cô Minh Nhật đã dặn dò:

- Con làm cho bà ấy vui lên để mau lành bệnh là một việc tốt. Mẹ con trên trời cũng vui vì con đã làm điều hay. Những điều chưa làm được khi còn sống, có thể bây giờ mẹ con sẽ tiếp tục làm...

Và rồi người mẹ thứ hai của Lỏng đã xin đưa Lỏng về nhà. Bà đã khỏe lên nhiều. Ngoại trừ đôi chân, còn lại mọi thứ đã hồi sinh trong cái hình hài mà trước đây những nỗ lực chạy chữa xem ra đều vô hiệu.

Buổi chiều chuẩn bị theo mẹ nuôi về phố, Lỏng đứng bên hiên phía đầu hồi nhìn lên. Mấy nụ ngọc lan cuối mùa vẫn xòe những ngón tay xinh trong nách lá xanh non. Nó chợt nghe giọng cô Minh Nhật từ gian trong vẳng ra thật khẽ:

- Trong gói này là chiếc nhẫn và số tiền chị Sửu dành dụm trước khi mất. Nhà chùa xin gửi lại, con giữ giùm cho nó. Sau này biết đâu mẹ con tỉnh táo, biết nó không phải là con trai mình...

- Thưa Sư cô, mới đây mẹ con đã biết Lỏng không phải là Ngọc Long rồi. Chính vì vậy mẹ con mới xin em ấy về. Gia đình con sẽ xem em ấy như ruột thịt.

Lỏng nhìn di vật của mẹ để lại cho mình, trầm lặng, rồi lắc đầu, nói với sư cô:

- Con xin cúng dường vào chùa, mong có chút phước để mẹ con dắt lưng đi đường đói khát…

Rồi Lỏng vùng chạy ra đồi. Ngồi thụp xuống bên mộ mẹ khóc tức tưởi:

- Mẹ ơi, con phải làm sao đây?… Con không về phố bỏ mặc mẹ lại đây đâu mẹ ơi...

Một bàn tay đặt khẽ lên vai đứa bé:

- Thôi nào! Ai bảo con bỏ mặc mẹ nào?

Sư cô đỡ Lỏng dậy, tay nó còm bíu chặt nắm cỏ bám đầy đất bụi.

- Lỏng có đến hai mẹ, cũng là duyên lành đó thôi! Nghỉ học, con lại lên đây với mẹ. Thế con định bỏ chùa luôn sao? Không nhớ mọi người ở đây sao? Còn mẹ con, lúc nào chẳng ở bên con, lúc nào chẳng muốn con được chóng lớn và học hành tử tế?

Lỏng thôi không khóc, nhìn lên vầng mây đỏ rực phía mặt trời sắp tắt. Những buổi chiều cuối thu thường có ráng trời lộng lẫy như thế. Nhưng chiều lại buông nhanh. Trong chốc lát, bóng núi trùm lên khu nghĩa địa. Một hoàng hôn tím đang phả quanh đồi những hơi thở run run của ngọn gió heo may. Những bông cỏ tranh gần chỗ hai người đang khua nhẹ lấp lánh chút ánh sáng đang tàn, hắt hiu theo chiều gió. Sư cô Minh Nhật đưa bàn tay lên ấp trên má Lỏng. Nó cảm nghe như chút gió heo may đang dừng lại ở đó, vỗ về thiết tha.

N.T.D.S  
(TCSH343/09-2017)




 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Mê cung (18/08/2017)
Chốn xưa (31/07/2017)
Ngài đội Cóc (07/07/2017)
Trí nhớ biển (30/06/2017)
Ngọn lửa Artek (26/06/2017)
Mùa vàng (29/05/2017)