Truyện ngắn
Lũ quét
09:58 | 17/06/2009
XUÂN ĐÀIChuyện thằng Thanh con cô Ngoan ở làng Đông cuối tháng này tổ chức đám cưới với con Thuý con cô Lâm ở làng Nổi, dân xã Vĩnh Sơn ai cũng tỏ tường. Cái đận cô Lâm có chửa, điều tiếng khắp làng, người ta đoán già đoán non về cha của đứa bé. Đoán vụng đoán trộm, thì thầm nhỏ to sau lưng, chứ thấy bóng cô đi ngang qua là họ im bặt. Nó mà nghe được nó tế cho! Nó vén mồm, vén váy, réo tên cúng cơm ba đời nhà mình ra mà chửi.
Lũ quét
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Con ấy đâu vừa! Vắng mặt cô Lâm người ta lại xầm xì chắc con của lão Ngộ lùn hay con của lão Thống rỗ trưởng xóm. Nghe những lời ong tiếng ve như thế, mụ Kinh Coòng ngồi bán tạp hoá ngoài cây đa đầu lang, bĩu môi: các ông các bà chẳng biết cái chi hết! Thấy lão Thống rỗ với thằng Ngộ lùn hay thậm thà thậm thụt ra vô nhà cô Lâm thì đổ vấy cho người ta, chứ "giống" ấy là của người quê mình tận Hà Nội hay tít trong Sài gòn chứ không quanh quẩn đây đâu. Con Lâm nó ngoa ngoắt nhưng nó không ngu. Mấy đận nó bảo xuống thị xã chơi với dì dượng, thực ra là nó đi thật xa để "kiếm" đứa con. Thử hỏi lão Thống với thằng Ngộ cùng người họ Bùi với nó, đâu dám trắng trợn loạn luân như vậy. Người quê ta, có chức có quyền, có học vị bằng cấp đang công tác khắp nước, thơm ngon mát bổ, ngu gì lại đi chung chạ với đứa chân lấm tay bùn, hàng tháng trời không tắm, hôi rình như khỉ...

Làng Vĩnh Sơn nằm dọc sông Vạn Phường có đến tám dòng họ. Họ Trần và họ Lê là hai họ lớn, gia phả họ Lê trên bốn mươi đời. Nhà thờ rộng và đẹp hơn cả chùa làng. Còn họ Bùi là dân ngụ cư. Cô Bùi thị Lâm là con ông Bùi Viết. Tính đến ông Viết mới có năm đời. Bố mẹ cô Lâm vừa buôn bán vừa làm ruộng. Từ lúc nhỏ, Lâm đã biết theo cha mẹ chạy chợ. Mùa nào thứ đó, chỉ có buôn trâu là chưa làm. Khi nhỏ Lâm đã đẹp, lớn lên càng đẹp. Người tầm thước, thon nhỏ, da trắng, ăn nói khéo léo, chả thế mà thanh niên trong làng nhiều anh "xin chết" nhưng anh nào cũng được Lâm tặng cho một chiếc guốc vào mông. Cô Lâm cùng lứa với cô Diệu, cô Ngoan, đều sinh giữa thập niên bốn mươi, cùng tốt nghiệp lớp mười một khoá. Chỉ có Diệu vào được đại học Bách khoa, còn Ngoan với Lâm ngày nào cũng lên uỷ ban lục hòm thư. Giấy báo đại học đâu chẳng thấy, chỉ lượm được toàn vỏ chuối...

Bấy giờ, thanh niên trai tráng nờm nợp đi bộ đội. Con gái rủ nhau đi thanh niên xung phong. Xã Vĩnh Sơn đợt đó có năm cô lên huyện khám tuyển, bốn cô trúng trong đó có Ngoạn, còn Lâm bị loại, quay về làng khóc như cha chết. Mụ Kinh - Coòng - tạp - hoá vừa nguýt vừa bảo con ấy khoẻ như voi, chắc là đỏng đảnh nên người ta mới đuổi về, liền bị cô Lâm đứng ngay trước ngõ, xắn quần, tốc áo, chửi cho một trận. Dẻo mồm dẻo mép như mụ Kinh Coòng cũng phải câm miệng hến, ngồi trong bếp dỏng tai lên nghe. Mụ sợ cô Lâm một thì sợ ông Viết mười. Ông Viết dám mang khâu liềm cào sập nhà mụ rồi cho một mồi lửa, chứ mụ Kinh đừng có cậy giàu mà gieo tiếng xấu cho con gái ông. Thời chiến mà trốn nơi hòn tên mũi đạn là đồ hèn. Người họ Bùi nghèo chứ không hèn.

Không đậu đại học, không trúng thanh niên xung phong, cô Lâm dựng lều ngoài đường cái quan mở hàng nước. Gọi là hàng nước thực ra cô bán đủ các loại thượng vàng hạ cám. Ai hỏi cô Lâm làm gì, ông Viết trả lời rất thời thượng: Cháu nó làm thương nghiệp! Các anh bộ đội hành quân qua quán thì vẫy tay: Chào em cô gái Lam Hồng xinh đẹp!

Làm nghề buôn bán trên đường cái, khách thập phương ghé đến, có anh lấy cớ uống nước chè, ăn kẹo lạc mà ngồi từ trưa cho đến khi chủ quán dẹp hàng. Tán tỉnh thế nào cô Lâm cũng chỉ che miệng cười, miễn là nước cứ uống sình bụng, kẹo cứ ăn cho mẻ răng và tiền cứ nộp đầy đủ là được. Nghe đâu dân làng đồn đại cô cũng có mối tình với anh lính trẻ trên huyện đội. Sâu đậm lắm, dám cả gan vô hiệu ảnh Thanh Bình, ôm vai ghé má "chơi" một kiểu làm kỷ niệm. Duyên vừa mới bén hơi, thề non hẹn biển, chung thuỷ một đời thì anh huyện đội được chuyển sang quân chủ lực rồi đi chiến trường vào Nam. Thằng Tuấn Sún, cháu gọi mụ Kinh Coòng bằng bà dì bảo đã được nhìn tận mắt tấm ảnh cô Lâm chụp chung với anh huyện đội, bị mụ Kinh cho một cái tát nổ đom đóm mắt, kèm theo một câu xỉ vả: Mi chỉ ăn nói ba láp ba xàm! Ngữ con Lâm chỉ có chụp ảnh chung với lợn, chứ bộ đội nào mà thèm áp má kề vai với nó. May cho mụ Kinh Coòng câu xỉ vả vô cớ của mụ được gió cuốn ra đồng, chứ đến tai cô Lâm thì chắc lần này ông Việt ông đốt nhà mụ thật.

Chuyện tình duyên của cô Lâm người đồn thế này người đồn thế nọ, chẳng biết thực hư ra sao, chứ đến năm ngoài ba mươi cô vẫn ế chồng. Bây giờ băm tư rồi mới sắp được làm mẹ. Cha đứa bé là ai chỉ một mình cô biết. Cha cô - ông Viết - có cạy mồm, cô cũng không nói. Chỉ có mụ Kinh Coòng đi đâu cũng hát nghêu ngao bằng giọng hát xẩm: Không chồng í - a mà chửa mới ngoan. Có chồng í - a mà chửa... thế gian í - a cũng nhiều... Dân xã Vĩnh Sơn chẳng ai đồng tình với cách hát hò độc miệng của mụ. Người ta thương cô Lâm đẹp nhất xã mà số phận hẩm hiu, quá lứa lỡ thì. Người ta thương dòng họ Bùi nghe đâu nguồn gốc tận tỉnh Hoà Bình, nghèo đói cơ cực mới dắt díu nhau vào tận miền Trung này làm dân ngụ cư.

Ông Đề, em bà con cô cậu với mụ Kinh Coòng, bất chấp máu mủ ruột rà, làm một bài vè dạy cho con nít hát, giễu cợt lại mụ Kinh lắm điều. Hát rằng: Mụ Kinh là mụ Kinh Coòng / chồng thời không có mà con cả bầy / mụ Kinh là mụ bầy hầy / con cái cả bầy chẳng thấy chồng đâu. Trẻ con cứ lượn qua lượn lại trước cổng nhà mụ Kinh hát nghêu ngao. Chồng mụå vác gậy chạy ra, trừng mắt: Rứa tau là gì hả? Đồ chó đẻ! Trẻ con xô nhau chạy, vừa chạy vừa la: Ông là nhôông chứ không phải chồng. Bà là gấy chứ không phải vợ (1)... Ông Kinh phì cười, chửi: Tổ cha bây! tổ cha bây! Đồ mất dạy...

Cô Lâm sinh đứa con gái bụ bẫm, cười có lúm đồng tiền, đặt tên như ca sĩ Bùi Diễm Thuý. Diễm Thuý ngoan và học giỏi. Càng lớn càng giống mẹ, may mắn hơn mẹ, diễm phúc hơn mẹ, thời của Diễm Thuý là thời bình yên. Diễm Thuý thi đại học lần đầu tiên đã đậu ngay hai trường. Thời còn học cấp I có lần nằm bên mẹ, bóp tay mẹ, sờ má mẹ, vuốt tóc mẹ, Thuý thủ thỉ: Cha con là ai hả mẹ? Mẹ ôm chặt Thuý vào lòng, khóc tức tưởi...

Hôm cầm giấy báo đậu hai trường đại học, Diễm Thuý vừa mừng vừa lo, nói với mẹ chỉ học một trường để mẹ đỡ vất vả. Mẹ cô cười trong tiếng khóc, khóc trong tiếng cười, chửi yêu con...

- Cha mi, mi có học đến... tỷ trường, tau cũng nuôi được. Học phí là thứ giẻ rách, đứa hèn mới không lo được cho con...

Nói đến đó mẹ Thuý thấy mình hơi quá lời liền dịu giọng hỏi: Chứ học phí mỗi trường một năm bao nhiêu con?

- Cứ bán hết cả lều hàng xén của mẹ, may ra mới nộp đủ một trường. Còn trường thứ hai thì phải bán cả nhà.

- Tổ cha mi, đừng dọa tau, làm chi có đắt như rứa!

- Ban nãy mẹ mạnh mồm, bây giờ run rồi hả? Không tin mẹ đi hỏi thiên hạ, thiên hạ người ta biết "giá" của đại học cả đó.

Mới đó mà đã sáu năm, Diễm Thuý bây giờ đã kỹ sư chế tạo máy, làm việc ngay giữa thủ đô, sắp làm lễ cưới với cậu Thành, lập trình viên phần mềm, thua mình hai tuổi, con cô Ngoạn người họ Võ, cũng là dòng họ ngụ cư.

Thành và Thuý bén duyên nhau, bất chấp tuổi tác, bất chấp giàu nghèo. Cái mà hai trái tim đập cùng nhịp là họ đồng cảnh ngộ. Những năm học cấp II, Thuý và Thành vẫn xưng hô là chị chị em em. Khi lên cấp III, tuy hơn Thành hai tuổi nhưng Thuý chỉ học trước Thành một lớp. Thành là đứa thông minh. Từ năm Thuý học lớp mười một, Thành học lớp mười thì hai từ "chị em" tự dưng biến mất, thay vào đó là xưng tên. Đại để "Thuý đừng thức khuya nhiều mà ốm đấy", "Thuý có hai quả lê chia cho Thành một quả này". Đến giờ học, Thành ghé nhà chở Thuý đi bằng xe đạp đến trường. Thuý và Thành là đôi song ca hay nhất huyện. Không chỉ những ban học cùng trang lứa mà bàn dân thiên hạ đều biết Thuý Thành yêu nhau. Bạn học cùng trường, đứa nào cũng vun vào, chỉ có cô bé Lê Thị Na, người cùng xóm với Thuý, học sau Thành một lớp là mỗi lần gặp Thuý thì... ngó lơ. Thuý biết là Na ghen nhưng cứ tảng lờ như không biết gì, nên lúc nào gặp Na, Thuý cũng vồn vã. Có lần Thuý đưa cho Na một nắm kẹo. Na ngúng nguẩy "em không quen ăn của ngọt, thôi chị để dành cho anh Thành".

Từ sâu thẳm trong tâm hồn, Na biết mình vô lí. Từ nhỏ đến giờ anh Thành vẫn coi mình như em ruột. Tình yêu của mình là đơn phương. Đơn phương thì đau khổ, tức giận vô cớ với người con gái được người con trai mình yêu yêu thực lòng; chỉ có những người nhỏ nhen nếu không nói là đê tiện thì mới như vậy. Từ khi nhận ra điều phức tạp mà đơn giản ấy, Na dần dần thay đổi cách cư xử với Thuý. Hễ gặp Thuý là Na vồ vập trước, nhiều lần Na mời Thuý đi ăn kem. Dù đang rất bận, Thuý vẫn nhận lời. Thuý hiểu những day dứt, chua xót, cả sự cao thượng mới chớm nở trong lòng Na.

Có lần mụ Kinh Coòng ngồi rửa rau muống trên bến sông, Na đang tắm, bơi lượn trước mặt mụ. Mụ ngoắt Na vào. Na ngồi lên phiến đá bên cạnh. Mụ liền oang oang:

- Báu bổ chi cái thằng con hoang mà mi cứ đeo đuổi hắn. Con hoang nó yêu con hoang. Nó lấy nhau là phải đạo rồi. Mi là con nhà tử tế...

Không nói không rằng. Na hất tung rổ rau muống lên bờ, rồi xô mụ Kinh Coòng ngã nhào xuống nước. Bến sông sâu, may mà mụ Kinh Coòng biết bơi. Vừa lổm ngổm bò lên bờ, mụ vừa chửi Na là đồ con đĩ. Na đâu có vừa, dù em đang ở tuổi học trò. Hai tay xỉa xói vào mặt mụ:

- Tôi nể bà là người trong họ, không thì tôi đánh cho bà một trận. Bà không được xúc phạm mẹ con anh Thành, mẹ con chị Thuý. Lần sau bà còn gọi tôi là con đĩ, tôi nhất định cho mấy cái răng của bà đi... sơ tán!

- Tao thách mi đánh tao, đánh đi!

- Này đánh! Nói chưa dứt câu. Na đấm thẳng vào mặt. May mà mụ Kinh Coòng kịp giơ cái rổ lên che, Na dang cả hai tay khoẻ mạnh của tuổi mười bảy, một lần nữa xô mụ Kinh Coòng xuống sông.

- Ơi bà con làng nước ơi, nó giết tôi, nó giết tôi. Cứu tôi với! Con đĩ Na nó giết tôi, ới làng nước ơi...

Bà con đứng dọc bến sông, từ nãy đến giờ chứng kiến sự việc chỉ cười. Ông lão Tần, phơ phơ tóc bạc, cười móm mém: Mụ Kinh ơi, mụ có chết cả làng này cũng chẳng ai thương.

Na từ bến sông leo lên bờ, để nguyên quần áo ướt đi về nhà. Mụ Kinh Coòng lại buông theo lời xỉ vả: Con nhà tử tế, cha mẹ đàng hoàng, yêu người tử tế không yêu lại say như điếu đổ cái thằng con hoang mà không biết nhục! Con gái nhà họ Lê nhà choa không có thứ đó, đồ mất nết.

Ôm bộ quần hoa sặc sỡ Na bước thẳng, không thèm ngoái lại. Về đến nhà, chui vào buồng thay quần áo rồi cô lăn ra giường, ôm gối khóc tức tưởi. May mà cả nhà đi vắng. Cơn tức giận nguôi dần, thôi khóc, Na lại nghĩ về Thành. Ngày nhỏ mọi người trong làng đều nói với lũ trẻ, bố Thành là bộ đội, chiến đấu ở mặt trận miền Tây Nam Bộ không biết thất lạc hay đã hy sinh đến nay vẫn không thấy có giấy báo tử... Mãi cho đến khi gần tuổi trăng tròn, Na mới biết về số phận của Thành. Không phải ai mà chính anh Thành kể cho Na nghe tường tận...

Ngày đi thanh niên xung phong cô Ngoạn mới mười chín tuổi, hết đội bom ở Bến Thuỷ, Đồng Lộc... rồi vào mở đường tận miền tây Quảng Bình. Năm cô xuất ngũ về làng đã ngoài ba mươi. Cha mẹ cô mong ngóng hai đứa con. Một thằng anh bộ đội, một đứa em thanh niên xung phong cứ biền biệt ở phương trời xa ngái. Không một lời nhắn về, không một lá thư. Đến khi nhận giấy báo tử người con trai, mẹ cô Ngoạn vật vã mấy ngày, nằm liệt giường cả tháng, khi đứng dậy đi lại được thì... hoá điên. Ngày ngày cầm một cành cây trên tay, hết ra chợ nhảy múa lại đi dọc bờ sông nói lẩm bẩm đúng hai câu "con Ngoạn sắp về lấy chồng, thằng anh nó cũng sắp về lấy vợ". Nghe vậy bà con làng nước thương quặn lòng. Có người nhìn bà, ái ngại: Anh ấy hy sinh rồi, thôi bà về nghỉ đi, con dắt bà về nào. Bà lão cãi: Hắn hy sinh chứ đã chết mô! Bà con đứng xung quanh không ai nỡ cười trước câu nói ngớ ngẩn của bà mẹ mất con. May mà cha cô Ngoạn biết nén cái đau cái thương vào lòng để khoẻ mạnh chăm sóc, cơm cháo cho bà lão. Hơn một năm sau bà lão về với đất để lại ông lão đơn côi. Chiều chiều ông ra bến sông nhìn về phương trời xa lắc, ngóng chờ đứa con gái. Trời thương, cuối năm bảy hai ông lão nhận được thư con từ tận đường 20 trong Quảng Bình gửi về kèm theo một tấm ảnh chụp chung với hai người bạn trai và ba người bạn gái. Đúng dịp cô Diệu kỹ sư nghỉ phép về làng, ông đưa cho Diệu xem thư và xem ảnh. Diệu tính tình xởi lởi pha chút láu cá, liền chỉ anh thanh niên đứng cạnh Ngoạn trong ảnh, cao ráo, khuôn mặt hốc hác nhưng hai mắt sáng, nụ cười tươi, dáng dấp đẹp trai, bình phẩm:

- Chắc anh này là người yêu của Ngoạn. Đứng sát với nhau thế này chụp ảnh, thường là những người yêu nhau, ông ạ. Vài hôm nữa ra Hà Nội, con viết thư cho Ngoạn nói Ngoạn gửi về cho ông một tấm ảnh chỉ hai người chụp với nhau.

Ông lão cười:

- Được rứa thì hay quá. Khi mô hoà bình con Ngoạn dắt anh ni về làng, ông tổ chức đám cưới linh đình rồi cho anh ở rể. Hai đứa mà thuận lòng thì sướng quá, con hè.

Ngoạn chưa kịp về để thực hiện điều tưởng tượng của Diệu, thì dịch sốt thương hàn đã đưa ông lão về với bà lão.

Mùa thu năm Bính Thìn (1976), Ngoạn khoác ba lô con cóc, đội mũ tai bèo về làng thì chỉ còn lại ngôi nhà lá đơn sơ và cái bàn thờ với ba tấm ảnh cha mẹ và anh trai, vây quanh tấm bằng tổ quốc ghi công. Điều cô ngạc nhiên là ba nén hương ai đó vừa mới thắp toả khói thơm khắp nhà.

Buổi đầu bà con làng nước, dòng họ, mỗi người một tay xúm lại sửa chữa ngôi nhà bao năm lạnh lẽo không có hơi người. Sự cảm động của Ngoạn rồi cũng mau chóng qua đi, chỉ còn lại nỗi cô đơn, sự mất mát người thân và đồng đội là còn mãi day dứt...

Mỗi lần bà Tám, cô ruột, bà Quỳnh, dì ruột nhắc đến chuyện chồng con, Ngoạn chỉ thở dài và buông một câu: Con già rồi biết lấy ai, ai lấy. Có ông nào vừa đôi phải lứa, cô với dì làm mối cho con.

Bà Tám, bà Quỳnh thương cháu, nghĩ đến hạnh phúc của cháu thì nói vậy chứ cả cái xã này nồi tròn đã úp vung tròn, nồi méo đã úp vung méo, chỉ còn bọn choai choai mới lớn và ông Đông goá vợ, tối ngày ôm cái chai rượu đi ngất ngưởng khắp xóm, không thể gả cháu mình cho ông được.

Gần hai năm sống lủi thủi trong ngồi nhà rách nát, niềm vui duy nhất của Ngoạn là nhận được thư của bạn bè, đồng đội một thời, cư ngụ khắp các tỉnh. Thư từ theo năm tháng cứ thưa dần. Đầu năm bảy bảy, Ngoạn ba lô khăn gói ra ga lên tàu. Mọi người trong xã chỉ biết Ngoạn đi thăm bạn, theo như Ngoạn nói. Cuối năm đó Ngoạn bồng về làng một bé trai kháu khỉnh, còn đỏ hỏn. Đó là thằng Thành của ngày hôm nay, làm đám cưói với con Thuý. Khác với cô Lâm dạo nọ, dân xã Vĩnh Sơn cũng ít bàn tán về ai là cha của đứa bé. Cuộc chiến tranh để lại vô vàn những hố bom trong làng, những người trẻ tuổi ra đi không trở về... và bốn đứa trẻ không biết cha mình là ai. Cách nay đã hơn ba mươi năm, dạo cô Liên, chồng đi bộ đội chiến đấu ở chiến trường xa, bặt tin tức bỗng nhiên có chửa. Không biết ai dạy mà trẻ con chăn trâu trong xã cứ hát oang oang theo nhạc của bài "Đường cày đảm đang", một bài hát rất phổ biến của thời bấy giờ:

Từ ngày anh đi ở nhà em chửa hoang / đẻ đứa con trai nó giống cả làng...

Cô Liên xấc bấc xang bang một dạo, mất chức đội trưởng sản xuất, bị khai trừ Đảng. Theo như cách nói của nhiều người thời bấy giờ là rơi xuống hố phân, mất hết. Không có chuyện mất hết. Bố mẹ chồng nhất định không cho Liên ôm quần áo về nhà bố mẹ đẻ. Mẹ chồng cô bảo con là con dâu mẹ. Sinh con trai hay con gái thì cháu vẫn là cháu của ông bà. Mai mốt chồng con về, nó phải biết thông cảm và tha thứ cho con. Bằng không, mẹ sẽ lấy thêm vợ cho nó, làm nhà riêng cho nó ở thì con vẫn là vợ cả, đứa tê là vợ lẽ. Cả lẽ gì cũng là vợ cả.

Ba năm sau chồng Liên về thật, lành lặn khoẻ mạnh. Đi đâu anh cũng dắt thằng cu đi theo. Lúc thì ngồi sau yên xe đạp, lúc thì cõng chạy nhong nhong. Thằng bé cười nắc nẻ mỗi lần được bố cù (thọc lét). Từ đó ba năm đôi, mắn như gà. Bây giờ vợ chồng Liên đã có năm con, đứa con gái út mới vào đại học.

Trước cách đối xử cao thượng của người lính đã dẹp tan những lời ong tiếng ve của kẻ xấu miệng. Và trẻ con, không hiểu sao, cũng thôi không hát các bài lếu láo...

Theo "lệnh" hai bên gia đình, Thuý và Thành thức đến một giờ đêm liệt kê danh sách khách mời đám cưới dài mười tám trang sách học trò. Khách trong làng ngoài xã không bỏ sót ai đã đành. Khách là người làng, người trong họ, ngoài họ, những ai thân tình nhất đang công tác, làm ăn buôn bán khắp cả nước, phải gửi thiệp mời đến tận nơi. Sót là không được. Mình phải mời người ta, còn người ta có về hay không đó là việc của họ. Cái danh sách ngoài xã cũng dài dằng dặc đến hơn ba mươi người, mở đầu là ông Lê Mỹ Nhàng hiện đã nghỉ hưu đang ở trong Sài gòn. Ông Nhàng không những là ân nhân của dòng họ Lê mà còn là ân nhân của cả xã. Cái xã Vĩnh Sơn ở vùng quê heo hút này thời nào cũng có người làm lớn. Dưới triều Nguyễn có ông làm đến thượng thư. Không tính ông bộ trưởng đã nghỉ hưu, xã còn vài ông tướng, ông tá đương chức đương quyền, cỡ cán bộ cấp cục, cấp vụ, giáo sư tiến sĩ, bác sĩ... thì, theo cách nói mụ Kinh Coòng là đông như... lợn con. Dù vậy, làng trên xóm dưới vẫn quý nhất ông Lê Mỹ Nhàng. Ông đã xuất tiền xây bốn căn nhà tình nghĩa tình thương cho xã, trong đó có hai ngôi nhà, theo chỉ đạo của ông, xã dành cho mẹ con cô Ngoạn, mẹ con cô Lâm vì là mẹ goá con côi. Ngôi trường cấp II khang trang nằm ngay chính giữa xã, xây hết tám trăm triệu là tiền đóng góp của những người công tác trong ngành ông, lúc ông đang tại chức. "Một người làm quan cả họ được nhờ", câu nói của ngày xưa, bây giờ cũng... xưa rồi. "Một người làm quan, cả xứ... được nhờ". Thời hiện đại, phải nói thế mới... hợp nhãn!.

Ông Nhàng về hưu ở lại Sài gòn, một vợ một con gái, không biết làm ăn những gì mà giàu quá vậy? Đó là điều mà dân xã Vĩnh Sơn hay xầm xì bàn tán. Bàn tán cũng chỉ là bàn tán chứ chẳng ai biết đầu cua tai nheo ông Nhàng làm ăn những gì. Mãi cho tới khi có anh nhà báo, cũng là người họ Lê, con dân của làng, làm phóng viên một tờ báo ngoài Hà Nội, từng ngang dọc hết Tây, Tàu, Mỹ; hết Việt Bắc, Tây Bắc, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài gòn, miền Tây miền Đông Nam Bộ... biết tường tỏ mọi chuyện trên đời kể ra, mọi người mới vỡ nhẽ. Anh bảo ông Nhàng lúc từ Hà Nội vào Sài gòn đã được phân cái nhà mặt tiền trên con đường lớn ở quận nội thành. Đến khi ông được đề bạt lên cấp cao hơn, người ta lại điều cho gia đình ông chuyển sang cư ngụ trong một villa chỉ cách chợ Bến Thành không quá hai cây số. Lại vẫn theo lời kể của anh phóng viên, cuối thập kỷ 80 người ta hóa giá rẻ rề như là cho không. Cái này gọi là lộc nước, anh nhà báo bình luận. Ấy vậy mà có đứa lếu láo trong đám nhà báo, dám gọi lộc nước ra chữ khác, na ná như nước. Giấy hoá giá chưa ráo mực, chớp thời cơ, ông bán ngay già với giá gần một nghìn lượng vàng (giá hiện nay thì villa đó phải hơn hai nghìn lượng). Ông mua một ngôi nhà trong hẻm với giá sáu mươi bảy lượng năm chỉ (anh nhà báo nói chi tiết đến từng chỉ, gớm thật!). Hơn chín trăm cây vàng còn lại, ông ra ngoại thành mua đất, phân lô, bán lại cho mọi người. Giá đất tăng vòn vọt. Ban đầu giá mua một bán gấp hai gấp ba, đến những năm cuối thế kỉ đất ông mua một, bán gấp năm gấp bảy. Ngoài việc mua bán đất, ông còn xây nhà khắp các quận huyện để cho thuê. Kể đến đó, anh nhà báo hạ giọng: cho đến nay, đất của ông nằm rải rác nội thành, ngoại thành, còn chừng vài hécta chưa bán. Nói đi phải nói lại, cũng có người được lộc nước, bán, mua nhà khác nhỏ hơn để ở. Tiền dư ra gửi về quê xây nhà thờ họ, xây trường, lập quỹ khuyến học. Số người làm giàu sống sa đọa rồi đạo đức giả kiểu ông Nhàng không nhiều nhưng cũng chẳng ít.

- Số người thực lòng nghĩ đến quê hương bản quán nhiều hay ít hơn loại người như ông Nhàng?

Anh nhà báo:

- Bà con bắc thang lên hỏi trời, chớ tôi không biết...

Nghe anh nhà báo nhởn nha trò chuyện, chồng cô Liên, cái anh bộ đội coi con người như con mình, rít một hơi thuốc lào, nghểnh cổ nhả khói lên trời, hạ giọng:

- Ông Nhàng biết nghĩ đến dân làng như thế là quá tốt, kể ra ông cho chừng này tiền để xây dựng xã là còn quá ít, giá như ông cho mỗi thằng lính như tôi một cái nhà thì hay biết mấy.

Cô Liên nguýt chồng, vừa đi vào bếp vừa nói: cho tất cả các ông cựu chiến binh nhà anh mỗi người một cái nhà, có tiền là vỏ hến.

- Mẹ nó chẳng biết cái gì cả. Cựu chiến binh xã này, hồi mới hoà bình là hơn tám mươi người, gần ba mươi năm nay, chết dần chết mòn, bây giờ chỉ còn lại hai mươi ba mống. Mỗi cái nhà, cao nhất là tám triệu, tính ra tất cả, cũng chưa đến hai trăm triệu.

Chồng cô Liên buông điếu cày đứng lên nói với tất cả mọi người đang ngồi xung quanh:

- Ông Lê Mỹ Nhàng giàu nứt đố đổ vách như rứa là cũng nhờ xương máu của bọn lính tráng chúng tôi, đúng không anh nhà báo?

Mụ Kinh Coòng từ nãy giờ chỉ há hốc mồm ngồi nghe, lúc nãy nhổ quệt trầu vào góc nhà, to tiếng:

-Xưa nay tôi cứ nghĩ ông Nhàng rộng lòng, cho xã như thế là nhiều. Bây giờ mới biết của nả nhiều như rứa, số tiền xuất ra cho xã từ trước đến nay chỉ mới bằng một nắm thóc trong kho thóc. Khi mô ông Nhàng về đây, tôi đề nghị uỷ ban xin tiền ông xây thêm cái trạm xá với mấy ngôi nhà cho các gia đình liệt sĩ. Xã ta có bao nhiêu liệt sĩ? Chưa ai kịp trả lời, mụ đã quay sang hỏi anh nhà báo: thế chú có biết vợ ông Nhàng làm chi không, chẳng lẽ chỉ ăn rồi chơi à. Anh nhà báo chẳng thèm nhìn vào mặt mụ Kinh Coòng, đáp: Bà ấy gốc gác con nhà nông, ngồi chơi, chịu sao nổi. Bà cũng chạy ngược chạy xuôi buôn bán bằng nước bọt, rồi chơi hụi, quê ta gọi là chơi họ. Thắng cũng nhiều, bể hụi cũng lắm. Hồi mới vào Sài gòn bà xấp xỉ bốn mươi, nghe nói chịu khó đi đền đi chùa, xin một thằng con cầu tự. Trời phật cũng thương tình, đâm nụ kết hoa cho một cái bầu. Thời đó chưa có siêu âm, bà đi thầy lang bắt mạch bốc thuốc, nghe nói con trai. Mừng hơn bắt được vàng. Đến tháng thứ bảy vô ý vô tứ, xuống cầu thang trượt ngã. Thế là sẩy thai. Mụ Kinh Coòng suýt xoa: Tội nghiệp hè, rứa là vẫn không có thằng chống gậy. Mụ lại ngoảnh sang anh nhà báo: Lâu nay chú có gặp ông bà ấy không? Anh nhà báo: Ông vẫn tráng kiện, da dẻ hồng hào, chỉ tóc là trắng như cước. Còn bà Nhàng, mới ngoài sáu mươi, ăn uống muốn gì có nấy, ấy vậy mà gầy còm như cây sậy, hệt bà lão "cổ lai hy", chẳng bù cho cô giúp việc béo phây phây. Còn cô con gái, du học bên Liên Xô. Hồi Liên Xô tan rã, sẵn đô la trong tay, cô dông tuốt sang Mỹ. Học hành bằng cấp thế nào không ai hay, chỉ biết là cô lấy một ông chồng Mỹ nghe nói cũng nghèo, thất nghiệp. Ông bà Nhàng có đưa cho tôi coi ảnh cháu ngoại. Một đứa cháu gái bụ bẫm, tóc vàng mũi tẹt, vừa giống búp bê vừa giống vượn.

Mụ Kinh Coòng từ nãy đến giờ lắng nghe, đột nhiên thở dài: Tội nghiệp hai ông bà già, con trai không có, con gái lại làm me Mỹ. Ông trời chi mà ác rứa hè!

Dân xã Vĩnh Sơn chuẩn bị lễ cưới cho Thuý và Thành nhiệt tình hết chỗ chê. Trang trí hội trường lộng lẫy, hai chữ Hỷ đỏ chói, cắt từ hai khổ giấy to hơn hai cái nia. Lời chúc hạnh phúc cho đôi trẻ bằng tiếng Việt, tiếng Tàu, tiếng Anh... đủ cả. Hai cái rạp dựng ở nhà cô Ngoạn, cô Lâm cao vút trời, rộng mênh mông, bàn ghế để tiếp bà con phải huy động gần như là khắp xã, kê san sát với nhau. Ai cũng nhiệt tình giúp đỡ cô dâu chú rể. Xăng xái nhất, ngoài Lê Thị Na ra, là mụ Kinh Coòng. Mụ Kinh là người khẩu xà tâm phật, cả làng ai cũng biết nên không ai giận mụ. Hai ngày hôm nay, dẹp gánh hàng xén đầu làng, mụ chạy ngược chạy xuôi, hò hét đám thanh niên trang hoàng hội trường, đốc thúc bọn trai trẻ dựng rạp, khiêng bàn khiêng ghế, rửa bát rửa nồi...

Họ hàng thân thuộc của cô dâu chú rể từ ngoài Bắc kéo về, từ trong Nam dồn ra, đã hơn hai chục. Duy có một người, cô Ngoạn và cô Lâm và bà con hai họ trông ngóng là ông Nhàng thì chưa thấy tăm hơi đâu cả.

Ngày tốt, giờ tốt đã được thầy coi. Đúng đầu giờ Thìn, họ nhà trai đến rước dâu. Bong bóng nổ đùng đoàng thay pháo. Vui quá trời. Hai họ cười nói, trò chuyện, ăn uống, vài người say bét nhè. Cuối giờ Ngọ mọi người lục tục kéo nhau lên hội trường để đại biểu chính quyền đoàn thể, họ nhà trai nhà gái... kính thưa và hát hò.

Ông chủ tịch xã vừa bước lên micrô vừa gõ thì nghe tiếng ô tô. Ngoài nhìn ra cánh đồng thấy chiếc xe màu phớt trắng đang từ từ bò vào làng. Không ai bảo ai, mọi người reo ầm lên: Cụ Nhàng, cụ Lê Mỹ Nhàng về đúng lúc quá!

Chiếc xe vừa bò vào sân hội trường mọi người đã xúm đông xúm đỏ vây quanh. Chú tài xế bước ra khỏi xe, không còn cách nào dẹp được bà con, mở cửa cho ông chủ. Trong xe, ông chủ Nhàng ăn mặc xềng xoàng, ngoài sự tưởng tượng của bà con. Mãi khi anh tài xế dẹp được đám đông, mở cửa để ông chủ bước ra thì mọi người kinh ngạc khi thấy mặt ông Nhàng tái mét như đít nhái, mồ hôi vã ra như người mới tung chăn khỏi nồi nước xông. Bước xuống xe, loạng choạng, hình như ông cố gượng đứng lên thật vững. Không kịp bước vào hội trường, ông rướn người đưa hai tay lên trời, không phải nói mà kêu, mà hét thật to: Trời ơi! con Thuý, thằng Thành, cả hai đứa đều là con tôi, đều là người họ Lê.

Chỉ nói được vậy, rồi ông ngã nhào ra sân.

Mụ Kinh Coòng hét lên: Cấp cứu, cấp cứu mau lên chú lái xe ơi.

Dân xã Vĩnh Sơn không ai hốt hoảng, có lẽ họ đã linh cảm điều này từ lâu, chỉ có bọn choai choai mới lớn là thảng thốt, ngơ ngác.

Ông chủ tịch xã leo lên ghế trước ô tô. Hai anh thanh niên trèo lên ghế sau, đỡ ông Nhàng nằm gối đầu, gác chân lên người họ. Chiếc xe trực chỉ hướng về bệnh viện huyện

Mụ Kinh Coòng lặng lẽ nhìn theo, thở dài...

Trước thềm hội trường, cô Ngoạn cô Lâm đứng cứng đờ, vô cảm như hai cái cột điện.

Hơn hai mươi năm trước các cô đi "kiếm" một đứa con mong ấm cửa ấm nhà, lúc tuổi già có nơi nương tựa, láng giềng làng nước ai cũng thương mến và cảm thông. Các cô cứ ngỡ tìm đến ông Nhàng là "giống" tốt của một dòng họ bề thế, có bề dày lịch sử mà quên rằng họ Lê hay bất cứ họ nào cũng có người anh hùng và thằng đốn mạt. Bất hạnh đã ập đến và hạnh phúc không mỉm cười. Nhờ cuộc chiến tranh đẫm máu, ông Nhàng hoạt động ở những vùng hậu phương xa ngái, nơi hòn tên mũi đạn không lao tới mà mau chóng thăng quan tiến chức. Khi cuộc chiến tranh kết thúc, ông lại sống ở thành phố giàu đẹp, hưởng nhiều bổng lộc, sống thừa mứa để... luôn dâm dật chân tay. Ngoài đứa con gái chính thống, ông cũng không tài nào biết hết những đứa con vương vãi của mình đang sống cù bơ cù bất ở khắp mọi miền đất nước và bầy con đói khát mà mẹ chúng một thời là các chiến sĩ anh dũng ngoài mặt trận, nay đang cư ngụ tại "làng không chồng" cách xã Vĩnh Sơn không bao xa.

Mụ Kinh Coòng ngồi thụp xuống đất, tấm tức khóc và nói như nói riêng với chính mình: Khổ cho thằng Thành với con Thuý. Con Thuý có chửa ba bốn tháng rồi, nhìn vào cái ngực, cái cổ nó là tôi biết. Mụ bỗng la lên: Làm răng bây giờ trời ơi, chức quyền tiền bạc mà làm chi để hại đời hai người đàn bà, hại cả dòng họ Lê nhà tui.

Cụ Hiền mấy hôm nay vui vẻ đi khắp làng xởi lởi thăm hỏi mọi người, bây giờ trầm ngâm chắp tay sau lưng đi đi lại lại, bỗng cụ ngẩng lên nói như quát:

- Cấp cứu mà làm gì. Hạng người đó chết đi cho sạch xã, sạch nước!

Dứt lời cụ quay gót đi thẳng. Nhiều người nhìn theo cụ. Cụ cũng là người họ Lê, vai chú Lê Mỹ Nhàng. Cụ là tiến sĩ ngữ văn, dạy học trong Sài gòn, cũng đã nghỉ hưu.

- Thằng Thành, con Thuý chạy đi đâu rồi? Vẫn là câu hỏi thảng thốt của mụ Kinh Coòng.

Mấy hôm nay trời đã mưa rả rích suốt ngày đêm, báo hiệu sắp có lụt lớn. Xe cấp cứu ông Nhàng vừa chuyển bánh được một lát, trời bỗng vặn mình nổi cơn bão, mưa như ném đá vào các nóc nhà, cây cối... Con sông Vạn Phường chảy dọc làng gầm réo, gạch đá, rác rưởi... tuôn ào ào. Lũ quét đã về... Tiếng loa kêu gọi chống lũ oang oang. Sẽ ra sao sau cơn lũ này, làng xóm của tôi?

X.Đ
(177/11-03)

----------------
(1) Tiếng địa phương vợ chồng gọi là "gấy - nhôông"

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Về hưu (08/06/2009)
Ông thanh tra (03/06/2009)
Bà cụ Tuần (02/06/2009)
Về với chị (27/05/2009)
Chuyện của anh (08/05/2009)