Truyện ngắn
Bông hồng nhung và hai mươi ngọn nến
09:55 | 24/06/2009
NGUYỄN NGỌC LỢITôi diện bộ "téc gan" quân nhu, dắt súng vào người, dặn dò cậu lái xe rồi hoà vào dòng người đi ra sân bay. Được giao nhiệm vụ về nước sắm hàng, gặp một sự kiện quan trọng, tôi không muốn bỏ lỡ dịp được chứng kiến. Thị xã Lộc Ninh năm 1973 đã trở thành thủ đô của chính phủ cách mạng.
Bông hồng nhung và hai mươi ngọn nến
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Hôm nay là ngày chính quyền hai bên tổ chức trao trả tù binh. Thị xã mới được giải phóng, đường phố rực rỡ cờ hoa mừng hiệp định Pari vừa được ký kết... Không khí hoà bình bao trùm, niềm hân hoan hiện rõ trên từng khuôn mặt người dân. Chen trong hàng người đứng chờ đón người thân, tôi hồi hộp nhìn chiếc C130 đang lượn vòng. Mải mê dõi theo vòng lượn cuối cùng của chiếc máy bay, tôi giật mình vì một cái vỗ vai. Quay lại, tôi nhận ngay ra Linh Phương, Tôn Nữ Linh Phương. Vẫn dáng ngang tàng như hôm nào, nhưng chiếc quần ống chẽn màu sữa, chiếc áo phông màu trắng bó lấy khuôn người dong dỏng, mềm mại. Mạnh dạn cầm tay kéo tôi ra khỏi đám đông, ánh mắt nghịch ngợm, Linh Phương nói:

- Chà, hôm nay trông anh hiền lành quá ta, lại dễ thương nữa, chả bù cho... Hôm đó trên lãnh địa của anh nên bị anh bắt nạt, còn hôm nay...

Cô bỏ lửng câu nói, mắt nhìn tôi đăm đắm, rất lạ.

Hôm đó với hôm nay chưa xa. Đó là một ngày của năm 1971, cùng với một đơn vị Khơ Me đỏ, đơn vị tôi làm nhiệm vụ quân quản ở thị xã CraChê vừa được giải phóng. Cảnh buôn bán sầm uất diễn ra trên các đường phố. Tôi và cậu Thư đang tuần tra thì nghe tiếng huyên náo ở một phố bán hàng lưu niệm người Hoa. Vừa tới nơi, tôi thấy một phụ nữ từ trong quầy hàng nhào ra túm cái túi xách trên tay một cô gái. Lời qua lại của hai người cho tôi biết chủ hàng nghi cho cô gái lấy trộm đồ. Lục trong túi xách thấy không có gì, bà ta áp vào định soát người cô. Cô gái chùng chân, xoay người và bất ngờ tạt mạnh cạnh bàn tay phải vào mặt người đàn bà. Bà ta ngã ngửa ra trên sạp hàng, mũi chảy máu. Ông chồng thấy vậy nhảy ra tức thì. Cũng bằng thế võ đã dùng, người đàn ông bị cô đánh ngã nằm đè lên người vợ chưa kịp dậy. Cảnh tượng diễn ra trong nháy mắt. Cả đoạn phố huyên náo. Nghe tiếng chạy huỳnh huỵch từ xa của mấy người lính Khơ Me đỏ, tôi rúc còi. Cậu Thư cũng chĩa nòng khẩu AK lên trời, ra dáng sẵn sàng hành động. Tôi tiến đến trước mặt cô gái, nghiêm giọng: "Cô là người gây rối trật tự công cộng. Đề nghị cô đi theo chúng tôi". Thái độ của tôi rất kiên quyết. Thư nhanh trí tiến đến sau lưng cô gái ẩy nhẹ: "Đi, đi nhanh". Bằng linh cảm và kinh nghiệm nhiều năm hoạt động, tôi phán đoán rất nhanh. Đây là một cô gái tốt, không xử lý nhanh, để cô gái rơi vào tay lính Khơ Me đỏ thì không hiểu điều gì sẽ xảy ra. Khi chúng tôi đưa được cô gái vẫn đang hậm hực lên xe thì một tốp lính Khơ Me đỏ chạy tới. Chiếc xe Jép nhanh chóng ra khỏi thị xã. Tới một đoạn đường vắng, tôi cho xe dừng, quay lại nói với cô gái:

- Cô xuống đi, đã sang đây, muốn làm gì cũng phải cẩn thận.

Cô gái xuống xe với nét mặt ngỡ ngàng. Chắc đến lúc này cô mới hiểu mình đã được giải thoát. Nét ngang tàng, bướng bỉnh biến mất, cô đến bên buồng lái, miệng lí nhí cảm ơn. Vẫy một chiếc xe đò chạy hướng Tây Ninh, trước lúc lên xe cô còn ngoái nhìn tôi một lần nữa. Cậu Thư tủm tỉm:

- Chà, pha "đánh cướp cứu Kiều Nguyệt Nga của chàng Lục Vân Tiên" hôm nay thật là ngoạn mục. Hành động nghĩa hiệp của cậu thế nào rồi cũng được "nàng" đền đáp.

Mấy ngày sau, không biết từ đâu cả đơn vị biết chuyện tôi cứu Linh Phương. Anh Ba Tri, thủ trưởng của tôi cho biết "nàng" là "ái nữ" của một cán bộ dân sự có cỡ ở R, ông tên là Tôn Thất Thời. Tôn Nữ Linh Phương được ông cho theo bác ruột vào Sài Gòn học trung học. Nghe đâu cô còn giấu ba theo một khoá Thái Cực Đạo và đã đạt " nhất đẳng huyền đai". Tài năng và sắc đẹp của cô làm bao chàng trai ở chốn đô thành điêu đứng. Cơ sở của người bác bị lộ, Linh Phương bỏ dở lớp tú tài, trở về tham gia trong bộ phận Kinh tài tỉnh. Một mình Linh Phương sang CraChê khảo sát thị trường. Hành động mang tính "anh hùng võ lâm" của cô đã náo động cả vùng và suýt phải trả giá.

- Chả trách gì em thấy cú đánh của cô ta hôm đó có vẻ thuần thục lắm. Con gái học võ thường bị ảnh hưởng của những cuốn sách võ hiệp. Hành động của Linh Phương hôm đó thật là...

- Còn cậu thì sao...? Ông nheo mắt nhìn tôi - Cậu cũng muốn trở thành hiệp sĩ đó thôi. Coi chừng nghe, con gái có võ là không vừa đâu, lại là "cục cưng" của Sáu Thời nữa. Nó "đá" ngã cậu không chừng đó.

Câu nói nửa đùa nửa thật của anh Tri vừa như nhắc nhở vừa như thách thức. Hình ảnh Linh Phương đứng giữa đám người Hoa mặt mày dữ tợn mà không hề nao núng như kích thích, như gợi tò mò trong tôi.

Chính quyền do Pôn Pốt cầm đầu ngày càng lộ vẻ phản phúc. Ngày ngày chúng tôi phải chứng kiến những cái chết thương tâm của bà con Việt kiều cũng như CămPuChia do lính Khơ Me đỏ giết hại. Anh em chúng tôi dù trong bụng sôi sục, muốn tìm cách trả thù nhưng ngoài mặt vẫn phải cười, nói và chào hỏi chúng. Một hôm, anh Ba Tri gọi tôi lên phòng riêng và nói. Anh cho tôi biết quan hệ giữa ta và Khơ Me đỏ ngày càng xấu đi nghiêm trọng... Sau một lúc vòng vo, anh hạ giọng nói tiếp. Sắp tới, bọn chúng sẽ mở một trường hạ sĩ quan ở Ché Lăng. Nơi đó có vợ và con trai của Sáu Thời. "Cậu hiểu rồi đấy, nếu để vợ con ở đấy khác chi sống giữa hang hùm...". Ông Sáu Thời muốn nhờ chúng tôi đưa vợ con ông ấy về CraChê. "Cho dù đây không phải vợ con của một cán bộ quan trọng thì nghĩa vụ của chúng ta cũng phải..."

- Thôi, thủ trưởng không phải nói nữa, em hiểu rồi.

- Cậu chọn thêm ba người, đến tài vụ nhận tiền, xuống cơ sở lấy hàng rồi đón mẹ con bà ấy luôn. Dọc đường liệu tuỳ cơ ứng biến, khẩn trương lên, chúc các cậu thành công.

Anh nắm chặt tay tôi trước lúc vội vã bước ra. Tôi cũng nhanh chóng trở về phòng riêng chuẩn bị, độ mười lăm phút sau chúng tôi lên đường. Cũng cần phải nói rằng qua nhiều năm chiến đấu và công tác đặc biệt, chúng tôi đã hình thành một thói quen khẩn trương, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Tổ công tác do tôi chỉ huy gồm cậu Thư, người luôn cặp kè bên tôi như hình với bóng, anh Chư, vốn là một trinh sát bộ binh, có tài xử lý các tình huống gay cấn và một cậu mới bổ sung nhưng đã trải qua thử thách. Tôi đặc biệt thích cậu này ở tài bắn AK và khả năng đi xe máy. Bốn chúng tôi, mỗi người một xe Hon Da 90, nai nịt gọn ghẽ, nổ máy lên đường. Chúng tôi ra khỏi thị xã cũng vừa lúc trời đổ mưa. Ánh điện đỏ quạch của những căn nhà ngoại ô soi rõ con đường loang loáng bóng nước. Trời mưa to càng thuận lợi, tôi động viên mọi người. Bốn chiếc xe lao đi như bão cuốn. Không hiểu sao lúc này tôi thấy phấn chấn và kích động lạ thường. Phải chăng vì người mà tôi và các đồng chí sắp sửa giải thoát khỏi chốn nguy hiểm là mẹ và em trai Linh Phương? Phải chăng hình ảnh Linh Phương, một thiếu nữ mảnh mai vẫn hiên ngang đứng giữa vòng nguy hiểm hôm nào đã kích thích tôi. Tôi vẫn luôn nhớ lời Trà My mỗi lần chúng tôi ngồi với nhau: "Em rất lo, anh là người bốc đồng, dễ bị kích động. Làm gì thì làm nhưng phải cẩn thận, nhớ giữ gìn để về với em".

Lần này thì tôi suýt phải trả giá bởi hành động chủ quan của mình. Vì nóng ruột muốn tới ngay nhà của mẹ Linh Phương. Gia đình Linh Phương sang Cămpuchia từ bao giờ tôi không biết. Chỉ biết rằng ông Sáu Thời đã bí mật về nước hoạt động từ lâu. Linh Phương về Sài Gòn học nên ở bên này chỉ còn bà Sáu và cậu con trai út. Tôi phân công anh Chư và cậu kia mang bọc tiền đến cơ sở lấy hàng, còn tôi và Thư đến thẳng nhà bà Sáu. Nhà bà Sáu ở trong một hẻm, đường vào nhỏ hẹp, ngoắt ngoéo. Đến chỗ có bức tường, tôi bảo Thư tắt máy, đẩy xe vào bóng tối. Cả hai men theo bóng các ngôi nhà đi vào. Theo anh Ba Tri chỉ dẫn thì ngôi nhà có ánh đèn leo lét kia, cách chúng tôi mấy bước chân là nhà Linh Phương. Đang chuẩn bị vọt qua luồng ánh sáng phát ra từ một khe cửa thì tôi phát hiện ra nòng một khẩu AK sau bức tường. Thằng lính Pôn Pốt chỉ kịp hự lên một tiếng khi tôi nắm nòng súng kéo ra và lên một gối vào hạ bộ của hắn. Trong nhà có tiếng đàn ông Miên gắt gỏng, tiếng đàn bà ú ớ, rên rỉ. Chưa kịp có hành động tiếp theo thì tôi đã bị một cú đá tạt ngang mạng sườn nặng như vồ nện. Bị ngã dập xuống nền đường nhưng tôi cũng kịp vẩy một phát súng vào cái bóng to lù lù trước mặt. Hắn hộc lên một tiếng, buông rơi khẩu súng rồi đổ gục. Khi tôi đứng lên được thì Thư đã dắt mẹ con bà Sáu vọt ra ngoài. Sự việc xảy ra quá nhanh nên bọn lính quanh đó đã không kịp phản ứng. Khi xe tôi vọt ra được đường lớn thì mới có tiếng huyên náo phía sau. Chúng bắn theo ràn rạt. Xe Thư chở hai người đi trước, tôi bám theo. Một lúc sau thì có tiếng xe máy từ ngôi nhà bên đường rồi cùng một lúc lao ra bốn năm ánh đèn pha sáng quắc. Thấy xe Thư đi đã khá xa, tôi quyết định đi chậm để chặn địch. Vậy là tôi bị nạn đêm hôm đó. Vừa chạy vừa ngoái đầu bắn trả, xe tôi bị trúng đạn. Tôi bị văng vào một lùm bình bát ven sông. Thật may là không bị thương, tôi nhanh chóng bò xuống mép sông và nấp sau một ụ đất. Bốn thằng lính áo đen dừng xe. Chúng hô nhau tìm kiếm. Lấy hơi nín thở, tôi lặn ra giữa sông và nhắm bờ bên kia bơi tới. Bắn loạn xạ xuống mép sông một lúc, không tìm thấy tôi, chúng hậm hực lên xe về. Khỏi phải nói cuộc trở về của tôi gian nan ra sao. Có lúc tôi tưởng như không còn gặp lại được anh em, không còn được gặp Trà My nữa. Chả lẽ đã vượt qua biết bao gay cấn, nguy nan mà tôi lại bị chết vì một lý do vớ vẩn như thế này sao. Tôi bơi trong nỗi tuyệt vọng, trong bóng đêm đen kịt. Cho tới lúc tưởng chừng như kiệt sức thì chân tôi chạm được vào bờ. Tôi mừng hú và lịm đi trên bờ cát ven sông. Gần sáng, tôi được cha con một người Việt kiều vớt lên thuyền và cho ẩn trong khoang máy. Nằm dưới khoang nghe tiếng hoạnh hoẹ của bọn lính áo đen, tôi thầm cảm ơn số phận, cảm ơn cha con bác Việt kiều. Chiều hôm sau, khi cậu Thư mang xe đến đón tại bến sông thì tôi chỉ còn như một cái xác. Cho đến sáng hôm sau, khi tôi tỉnh dậy thì đã thấy Thư ngồi bên cạnh, miệng tủm tỉm:

- Đưa được mẹ con bà Sáu về tới nơi, quay lại chẳng thấy cậu đâu. Tưởng rằng cậu đã bị ngoẻo hoặc bị chúng tóm, ai ngờ... Nhưng thôi, cũng bõ cho công xông pha và suýt cả bỏ mạng... Hắn lấp lửng. Hai người rồi còn khổ với nhau nhiều đây. Cậu có biết ai đã ngồi nhìn cậu một cách mê mệt, đắm đuối suốt từ đầu hôm đến gần nửa đêm lúc cậu đang ngủ không? Không chờ được cậu, Linh Phương đã đi rồi. Thật tội nghiệp cho Trà My. Hắn trao cho tôi mảnh giấy. Chữ con gái mềm mại, bay bướm: "Xin chào người đã cứu mẹ và em trai. Nhìn anh ngủ thương lắm. Hẹn ngày đền đáp..." Thư nhìn tôi, nháy mắt cười.

Lúc đó tôi chỉ muốn thụi cho cậu ta một quả. Hắn học đâu được cái thói lấp lửng đáng ghét thế không biết. Nghĩ lại những điều Thư nói hôm nào thế mà linh nghiệm. Tôi gặp lại Linh Phương hôm nay có phải là tình cờ hay do số phận?

Cũng cần phải nói cho bạn đọc rõ, trước lúc gặp Linh Phương tôi đã yêu Trà My. Tôi đã yêu bằng tất cả niềm say mê, lãng mạn của trái tim tuổi trẻ. Trà My là y sỹ trạm phẫu của đơn vị. Cô là Việt kiều, từ Cam Pu Chia trốn về nước tham gia cách mạng. Nhiệm vụ của đơn vị đã đưa Trà My trở lại mảnh đất mà em đã lớn lên. Là một cô gái thuỳ mị, nết na và đầy nhạy cảm, tình cảm mà Trà My dành cho tôi đằm thắm như là tình cảm của một cô em gái hay hờn dỗi, có khi lại như là của người mẹ, người chị gái đầy bao dung. Hăng say với công việc được giao, hằng ngày được sống trong vòng tay yêu thương của Trà My, tôi chẳng mong gì hơn.

Làm nhiệm vụ đặc biệt, hằng ngày chúng tôi luôn tiếp xúc với những thứ dễ làm xiêu lòng những ai, nói như cách nói lúc này là "không có lập trường, quan điểm vững vàng". Đó là những hàng hoá cao cấp, những lượng tiền, vàng rất lớn, những cô gái đẹp có đầy rẫy trong những đại lý, trong các nhà hàng. "Ông bạn mới" sớm trở mặt, chúng tôi sống trong tình trạng căng thẳng, đầy bất trắc. Đã có nhiều trường hợp chiến sỹ của đơn vị bị thủ tiêu. Để thích ứng với tình hình, đơn vị tôi gồm toàn những người trẻ khoẻ, thông minh, đầy bản lĩnh công tác và chiến đấu. Mỗi một người đều có thể đảm nhiệm những công việc khác nhau. Ngoài nhiệm vụ chung tôi còn kiêm thêm chân trợ lý và bảo vệ cho anh Ba Tri. Thủ trưởng Ba Tri là một người đầy bản lĩnh và có nhiều kinh nghiệm. Gần anh, tôi được ảnh hưởng nhiều về khả năng xử lý, tính quyết đoán và nhạy bén trong các tình huống gay cấn. Trong quan hệ với bộ đội anh cũng là người rất tế nhị. Hàng ngày, sau những giờ phút căng thẳng, tôi được mấy phút gặp Trà My. Phải nói rằng hồi đó chúng tôi yêu nhau trong sáng, không một chút tính toán, vụ lợi. Tình yêu đã gắn kết số phận chúng tôi, chỉ tiếc rằng do hoàn cảnh mà chưa hẹn được ngày sống chung. Anh em bạn bè tôi, những "chiến binh dũng cảm" luôn đồng tình và cổ vũ cho mối tình của hai đứa. Mối tình của tôi với Trà My đang đẹp như trăng rằm thì không biết do ma xui, quỉ khiến mà để cho tôi phải gặp Linh Phương.

Linh Phương cầm tay kéo tôi tới một quán nhỏ cạnh đường. Trời miền đông nắng chói chang. Linh Phương gọi ra mấy chai bia, cô thành thạo bật nút chai, rót bia ra cốc, đẩy đến trước mặt tôi:

- Anh uống La ze đi. Sao hôm nay trông anh hiền thế... Anh sang đây tìm hàng, đúng không? Nếu sang tìm hàng thì anh nhầm chỗ rồi. Đã về đến đây thì phải nghe em chứ không phải như ở bên kia đâu - Linh Phương nhắc lại chuyện cũ một lần nữa - Em mang ơn anh. Bản thân thì được anh giải thoát, mẹ và em trai thì được anh cứu. Anh đã suýt bỏ mạng vì gia đình em. Hãy cho em có cơ hội được đền đáp. Ngày mai hãy về Lò Gò, chỗ đó sẽ có đủ hàng cho anh. Anh chỉ cần đi xe đến Tây Ninh, hai giờ chiều mai em sẽ tới đón. Hãy chờ em ở ngã tư trung tâm

Về Lộc Ninh lần này tôi có nhiệm vụ tìm mua một số mặt hàng cho đơn vị mà bên kia không có. Vậy mà Linh Phương nói đúng. Cô đi rồi, suốt buổi chiều một mình ra chợ, lượn khắp các đại lý, chẳng ở đâu có loại hàng tôi cần. Thủ đô của chính phủ cách mạng lâm thời bề bộn bao công việc. Ở đây hầu hết là các cơ quan mới chuyển từ R về nên việc buôn bán còn rất lèo tèo, hàng hoá còn khan hiếm. Sáng hôm sau tôi quyết định về Tây Ninh khi mặt trời chưa mọc. Tôi mới dến Tây Ninh một lần hồi thị xã mới giải phóng nên rất bỡ ngỡ. Đang lo chưa biết tìm Linh Phương ở đâu thì chiếc honda 90 đã phanh kít ở đầu xe. Trong trang phục du kích, quần áo bà ba đen, khăn rằn quấn cổ, mắt đeo kính mát, trông Linh Phương như một nhân vật trong tiểu thuyết hay một phim chuyện nào đó. Cô giơ tay làm hiệu rồi phóng vụt đi trước, xe tôi bám theo. Từ Tây Ninh về ngã ba Lò Gò đâu chừng hơn ba chục cây số. Gần bốn giờ chiều chúng tôi tới nơi. Đến một ngã ba, chỉ vào bóng một cây ngô đồng, Linh Phương bảo tôi dừng xe. Xem qua danh mục hàng tôi cần, cô bảo:

- Xe cứ chờ ở đây, còn anh đi theo em.

Đến đây thì tôi phải phục tùng Linh Phương. Ngồi sau cô trên chiếc honda, tôi khâm phục tài xử lý xe máy của Linh Phương. Qua mấy đại lý, tôi lại càng khâm phục Linh Phương ở khả năng xử lý quyết đoán trong giao tiếp, mua bán. Về phương diện này, tôi nghĩ tốt nhất cứ để cho Linh Phương giúp. Khoảng gần sáu giờ tối chúng tôi đã gom đủ hàng. Trở về nơi xe đậu, Linh Phương trao cho cậu lái xe sơ đồ đường đến các điểm và số hàng ở từng nơi. Cô bảo: "Anh tìm chỗ nào ăn tối, em đưa anh Bảo đi có chút việc, khoảng mười một giờ đêm trở lại". Tôi nghĩ chẳng đi đâu mà vội. Từ đây lên Tây Ninh rồi theo cửa khẩu Xa Mát trở về, quá lắm chiều tối mai chúng tôi sẽ có mặt đúng hẹn ở đơn vị. Tôi gật đầu với cậu lái xe rồi đi theo Linh Phương. Xe chay được một lúc, cô nói: "- Em đưa anh đi ăn, sau đó về ra mắt ông già. Ba em mong được gặp anh lắm". Tôi ngó lại bộ quân phục trên người, lo lắng. Đoán được suy nghĩ của tôi, Linh Phương bảo anh chẳng cần bận tâm gì đến vẻ bên ngoài cả, ba là người dễ thông cảm, hơn nữa anh là...

Nhà của Linh Phương nằm trong một khu vườn um tùm cây trái, cạnh con lộ về Sài Gòn. Một ngôi nhà lợp tôn to vừa phải nhưng lịch sự, thoáng mát. Nhà có một khoảng sân khá rộng được chắn bằng những tấm ghi sân bay, phía trên là một dàn hoa ti-gôn lấm tấm hoa. Khoảng sân đã được trang hoàng rất đẹp. Hai dãy bàn xếp dọc theo chiều dài sân phủ vải trắng muốt. Bàn nào cũng có một lọ pha lê hoa tươi. Những bông cẩm chướng đỏ nổi bật trên nền vải trắng trông thật trang nhã. Phía trên, chỗ gần cửa ra vào là một bàn lớn được phủ một tấm vải thêu rực rỡ. Một lọ hoa hồng trắng rất to đặt ở giữa. Ba bốn nam nữ thanh niên ăn vận lịch sự, nói cười nhỏ nhẹ chạy đi chạy lại ra dáng tất bật. Tôi phát hoảng, chưa kịp đoán xem sắp có sự kiện gì xảy ra ở đây thì một người đàn ông tầm thước, khoẻ mạnh trong bộ đồ ký giả màu cà phê đã ra tận ngõ đón. Đưa tôi vào phòng khách, ông bảo:

- Con ngồi đi, hãy coi đây như là nhà của con.

Cử chỉ của người đàn ông mà tôi đoán là bác Sáu Thời, ba của Linh Phương rất ôn tồn, tình cảm. Ông làm tôi thấy tự tin". - Bác nghe tiếng con từ lâu..." ông nói. Giọng Nam Bộ trầm ấm, rủ rỉ đầy xúc động. Ông nói rằng gia đình mang ơn tôi, cái ơn rất lớn. Ông khen tôi là một chiến sỹ dũng cảm tuyệt vời, có quan điểm và tình thương giai cấp cao cả. Ông nói nhiều lắm. Ông nói nếu tôi đồng ý ông sẽ xin chuyển cho tôi về dân chính và gửi đi học một lớp đào tạo cán bộ cốt cán cấp huyện sắp được mở nay mai. "Nhưng dù sao bác cũng vẫn muốn coi đây như là nhà con". Tôi ngồi im, hai cốc la ve trên bàn chưa ai kịp uống. Những điều ông nói ra với tôi thật quá đột ngột, làm tôi ngỡ ngàng. Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn miền Bắc, dù đã học xong cấp ba nhưng cũng chỉ quen với cái cày cái cuốc. Tôi quen với bờ tre mái rạ, quen với hạt lúa củ khoai. Suốt hơn năm năm trời lăn lộn ở chiến trường Căm pu chia, tôi chưa một lần về quê thăm bố mẹ và các em. Ba năm trước, tôi nghe tin thằng em trai cũng đã vào bộ đội nhưng từ bấy đến nay chẳng nghe tin tức. Sức khoẻ bố mẹ tôi ra sao cũng không hề biết. Lần đầu được tiếp xúc với những người tuy là đồng chí nhưng lại ở một tầng lớp khác, tầng lớp thượng lưu. Tôi lo lắng:

- Dạ thưa bác, trước hết cháu xin cảm ơn bác vì những tình cảm mà bác đã dành cho. Những gì bác nói thật quá lớn đối với cháu. Bác cho cháu...

- Tất nhiên rồi, nhận lời hay không là tuỳ cháy. Cháu cứ suy nghĩ rồi trả lời sau cũng được. Thôi, chúng ta ra ngoài kẻo mọi người chờ.

Từ phòng khách bước ra, tôi loá mắt bởi ánh sáng của những ngọn đèn măng sông chiếu tới. Dưới ánh sáng xanh, tôi nhận ra khoảng hơn vài chục thanh niên nam nữ, ai cũng trẻ trung, xinh đẹp và khoẻ mạnh. Họ mặc những bộ đồ dân sự thật trang nhã, lịch sự. Đặc biệt, tôi chú ý một thanh niên dong dỏng, độ tuổi tôi, dáng trí thức. Anh ta xăng xái bày lại những lọ hoa, những chai bia trên các dãy bàn, bắt tay chào người này người nọ. Người này thỉnh thoảng sánh bước với Linh Phương. Cái bàn lớn phủ tấm vải thêu đầu hai dãy bàn đã chất đầy quà tạng. Đặc biệt, giữa hai dãy bàn mới xuất hiện một bàn tròn kê cao hơn. Phía trên có một chiếc bánh ga tô phủ kem rất lớn. Trên chiếc bánh có những ngọn nến mới được thắp sáng, ánh sáng lung linh làm cho không gian như ngưng đọng và trở nên huyền ảo. Ánh mắt đổ dồn tới khi ông Sáu dắt tay tôi xuất hiện nơi khuôn cửa. Tôi "đọc" được vẻ thảng thốt bất ngờ có phần ghen tỵ của đám người. Người như "chú Sáu" sẽ có biết bao kẻ muốn được gần gũi, cầu thân. Họ đang tìm kiếm cơ hội để được gần ông. Ngoài uy tín của ông sẽ có lợi cho những ai được ông để mắt tới, ông còn có cô con gái trẻ đẹp. Tôn Nữ Linh Phương sẽ là cái đích theo đuổi của rất nhiều chàng trai, trong đó có những trí thức trẻ Sài Gòn bỏ thành ra cứ hoạt động, những sĩ quan trẻ, những cán bộ dưới quyền "chú Sáu". Họ đang ngồi dưới kia, tôi đoán vậy. Ông kéo tôi ngồi xuống dãy ghế đã có mấy thanh niên trẻ tuổi ngồi. Mấy người đứng dậy chào ông. Cậu em Linh Phương cũng từ đâu ào tới. Ba Linh Phương ghé tai tôi nói nhỏ:

"Hôm nay là sinh nhật lần thứ hai mươi của Linh Phương, cháu cứ tự nhiên nhé".

Từ nãy, tôi cũng đã đoán như vậy khi đếm thấy hai mươi ngọn nến trên chiếc bánh. Tôi lúng túng và thầm trách Linh Phương không cho biết để chuẩn bị một chút quá mừng. Xin thú thật, trong đời tôi chưa bao giờ được chứng kiến một lễ sinh nhật sang trọng như vậy. Người dẫn chương trình là một cô gái xinh đẹp. Cô nhanh nhẹn đứng dậy và nở một nụ cười quyến rũ. Người đẹp, lại duyên dáng và lịch sự, lời cô nói sao mà bay bướm, cuốn hút. Từ đâu đó phát ra một bản nhạc êm dịu, vui tươi. Bản nhạc vừa dứt thì Linh Phương xuất hiện. Trong bộ áo dài trắng kiểu nữ sinh, trông nàng như một bông huệ đầy vẻ trong trắng, kiêu sa. Tôi không dám nhìn nàng và hoang mang nghĩ rằng có phải mình vừa ăn cùng nàng, được ngồi sau xe nàng suốt cả chiều nay? Tuy có cảm giác đang lạc vào giữa chốn "thượng lưu" nhưng không hiểu sao lúc đó tôi không hề mặc cảm với bộ quân phục đang mang trên người. Linh Phương bước tới chiếc bàn, nơi đặt tấm bánh sinh nhật. Nàng chụm miệng lần lượt thổi tắt các ngọn nến. Chưa mời mọi người ăn bánh, rút ra một bông hồng nhung được giấu từ đâu đó, Linh Phương bước đến dãy bàn đầu tiên. Sang bàn thứ hai, tôi chưa thấy nàng trao bông hoa cho ai. Chàng thanh niên mà tôi chú ý từ đầu buổi ngồi ở đầu bàn thứ ba. Tôi nghĩ nàng sẽ trao bông hoa cho anh ta. Mà quả thực, tất cả những đàn ông đang có mặt đều xứng đáng được nàng tặng hoa, trừ ba người, đó là tôi, ba và em trai nàng. Tôi nghĩ. Tôi lơ đãng nhìn các dãy bàn. Lúc này chẳng ai để ý đến việc ăn kẹo, uống bia, những thứ đang ê hề trước mặt. Linh Phương đã đi qua chàng trai đó, qua tiếp hai người nữa. Người nào cũng được nàng tặng một nụ cười khả ái và trìu mến. Bất ngờ Linh Phương dừng trước mặt tôi. Nàng nghiêng mình, hay tay nâng bông hồng:

- Xin tặng anh, chàng "hiệp sĩ" của lòng em... Đôi gò má ửng đỏ, đôi môi phớt hồng chúm chím, cặp mắt long lanh của nàng nhìn tôi đăm đăm, chan chứa bao điều... Hình như không khí buổi lễ ắng đi một lúc. Có tiếng vỗ tay đốp đốp. Tôi run rẩy đứng dậy như người lên cơn sốt. Sự việc diễn ra quá bất ngờ. Từng rơi vào những tình huống gay cấn, nguy hiểm nhưng lần này, gặp tình huống này thì tôi chết lặng. Tôi giơ tay đỡ lấy bông hoa trong niềm ngây ngất khỏ tả. Nàng trao hoa cho tôi, bàn tay với những ngón thuôn dài nuột nà như vô tình chạm nhẹ vào tay tôi. Một cảm giác mát rượi, êm ái ngập tràn trong tôi.

Sau đó tôi không nhớ gì nữa hết. Hình như lúc buổi lễ gần xong, khi mọi người đang vỗ tay cùng hát bài "Tự nguyện" thì nàng kéo tôi đi. Nàng chở tôi đi bằng chiếc xe mà cả buổi chiều chúng tôi đã đi. Chúng tôi ngồi với nhau trên một tảng đá ven sông. Mặt sông đen thẫm, bầu trời đen thăm thẳm, vài vì sao xa lắc. Đêm ở vùng giải phóng sao mà bình yên và êm ả đến dịu dàng. Ở đây tưởng chừng chưa hề có bom đạn. Trước mặt, dòng nước lặng lẽ trôi. Những dề lục bình cũng đang trôi lặng lẽ. Trong bờ cỏ, tiếng cá quẫy lóc bóc, tiếng côn trùng rỉ rả. Xa xa, bên kia sông hình như đang có tiếng những cặp chim tìm nhau trong bóng đêm... Nàng đang ngồi rất gần, tà áo dài, những sợi tóc bay bay, mơn man trên má, trên miệng tôi. Quanh tôi phảng phất hương thơm, mùi của da thịt ngây ngất, mùi của một thứ nước hoa sang trọng. Đã từng có những giây phút bên cạnh Trà My nhưng tôi chưa từng gặp thứ hương thơm giống như hôm nay. Không khí yêu đương tràn ngập. Nàng xoay người, hướng khuôn mặt xinh đẹp đang tràn trề hạnh phúc sang tôi: " - Sao anh yên lặng vậy, ba đã nói gì với anh?". Thấy tôi không nói gì, nàng hỏi. Nàng đâu biết trong tôi đang diễn ra sự đấu tranh, giằng xé. Tôi hiểu những điều ba Linh Phương nói, nếu chấp thuận ông, tôi sẽ có tất cả. Tôi sẽ có vợ đẹp, có tiền đồ và điều quan trọng nữa là hàng ngày không còn phải đối mặt với hiểm nguy. Nhận lời ông tương lai tôi sẽ được đảm bảo. Còn với Trà My...? Suy nghĩ của tôi trở nên mong manh. Khuôn mặt Trà My hiển hiện. Trời ơi, phải nói rằng nếu đem so sánh, về dung nhan thì Trà My của tôi kém xa nàng. Linh Phương có một cốt cách cao sang. Cổ nàng cao, trắng muốt, khuôn mặt trái xoan có vầng trán trắng mịn, chiếc mũi thẳng nhỏ nhắn, đôi mắt to, đen thăm thẳm. Chẳng còn đâu hình ảnh một Linh Phương ngang tàng, dữ dội ngày nào. Nàng đã trở về với một tiểu thư đài các đầy mộng ước. Tự nhiên tôi thấy nhớ và thương Trà My đến thắt ruột. Tôi và Trà My đã có với nhau những năm tháng gắn bó gian truân, những kỷ niệm đau thương và dịu ngọt. Giờ đây chắc em đang mong ngóng tôi về. Cũng có thể em đang vất vả, chăm sóc một thương binh nào đó. Tôi đã từng được em chăm sóc, đã mang trong mình dòng máu của em. Trà My đã tiếp máu khi tôi trúng đạn của bọn Lon Non. Trà My đã trở thành máu thịt của tôi... Nhưng chẳng lẽ tôi lại nói những lời chối từ trong một không khí như thế này sao, có phũ phàng và tàn nhẫn quá không? Nhưng tôi kịp nghĩ rằng có lẽ Linh Phương sinh ra không phải để dành cho tôi. Số phận của tôi đã được an bài, dù rằng mối tình với Trà My chưa đi đến qui ước...:

- Linh Phương ơi, anh xin cảm ơn những gì em và ba đã dành cho anh. Đó là những điều anh không dám nghĩ tới. Anh xa nhà đã lâu, bấy nay chỉ quen phục tùng mệnh lệnh, giờ đây con người anh cũng không còn là của riêng anh nữa. Làm người chiến sỹ, anh phải phục tùng mệnh lệnh, chiến đấu vì nước, vì dân... Chắc em không muốn anh là người hám danh, cầu lợi, là kẻ phản bội... Người hiệp sỹ trong câu chuyện của em cũng ghét áp bức, ghét cả những kẻ phụ nghĩa, bạc tình...

- Thôi, em hiểu anh muốn nói gì rồi, anh có người yêu rồi phải không?

- Linh Phương ạ, em là một cô gái tuyệt vời. Nếu nói rằng không yêu em là anh tự dối lòng. Nhưng em có vội vàng khi chọn anh không? Anh sợ rằng mình không đáp ứng được những gì mà ba và em kỳ vọng. Có bao nhiêu người xứng đáng với em hơn... Tôi nói như một cái máy, không kịp hiểu có phải đó là tiếng nói của lòng mình hay chỉ theo suy nghĩ thoáng qua...

Toàn thân Linh Phương rung lên. Lúc này thì cô đã xoay mặt hướng ra sông. Trăng hạ tuần mọc muộn trên sông Vàm Cỏ. Ánh trăng quét lên mặt nước một lớp vàng lóng lánh, nhấp nhô theo từng con sóng nhỏ. Khuôn mặt Linh Phương cũng rờ rỡ ánh trăng nhưng đã đầm đìa. Nhìn từng giọt nước mắt tròn lăn trên đôi gò má diễm lệ, có lúc tưởng chừng tôi không cầm lòng được. Bên kia sông, tiếng bìm bịp nghe thật não nề. Hình như đó là tiếng gọi của những cặp trống mái. Bất ngờ Linh Phương quay sang tôi:

- Anh có nghe tiếng bìm bịp gọi nhau không? Cô hỏi trong tiếng nấc.

- Nó đang báo thời gian, sắp sáng rồi Linh Phương ạ. Linh Phương thở dài: "- Vậy thì về thôi anh. Em nghe tiếng còi xe bạn anh gọi rồi đấy". Linh Phương cả quyết đứng dậy. Tôi tranh Linh Phương cầm lái nhưng cô không chịu. Trở lại vẻ rắn rỏi thường ngày, cô cho xe chạy như bay. Trước lúc tôi lên xe, Linh phương trao tôi một hộp các tông" - Tặng anh chiếc Ra đi ô, mỗi lần nghe hãy nhớ đến em. Chúc anh mạnh giỏi, hạnh phúc". Linh Phương quay xe một cách dứt khoát, không kịp cho tôi có một lời từ biệt. Chiếc xe lao đi một cách dữ dội trong ánh bình minh.

Mùa hạ năm 2003
N.N.L
(178/12-03)

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Vẽ ác (23/06/2009)
Cảm hứng (18/06/2009)
Lũ quét (17/06/2009)
Về hưu (08/06/2009)
Ông thanh tra (03/06/2009)
Bà cụ Tuần (02/06/2009)
Về với chị (27/05/2009)