NHỤY NGUYÊN
Đúng ra tôi chưa có ý định đi thăm thằng Xuân. Lần vừa rồi gọi điện vào cơ quan, nó réo: “Khổ quá. Đã bảo mày chỉ việc vào đây. Vào chơi chán rồi tao thuê riêng cho chiếc taxi chở về thấu cái am của mày”.
“Nhưng mà, vợ mày...”. “Sắp. Sắp.” - Thằng Xuân lua lên. Tôi cũng nổi hứng: “Sẽ vào. Tao sẽ vào trực với mày. Ta làm vài ly...”. Vậy nhưng tôi thất hứa. Ít ngày sau gọi lại, tôi hình dung đầu dây bên kia: Xuân tới chộp lấy ống nghe: “Xong!” Tôi thất kinh. “Xong. Thế là xong!” “Sao... nói đi”. “Từ giờ tao không thiết chi nữa hết. A ha. Cục vàng đã ra đời”. “Ôi chà... Con trai hả? Chúc mừng. Chúc mừng! Này, thế mày xem cái tai nó có giống tai tao không?” Giọng thằng Xuân cười như trẻ nít, nó hiểu tôi không thuộc hạng ấy.
*
Hạ đạp xe xuống chỗ tôi thiệt sớm. Vai đeo cái túi vải dài thõng, ở trong lúc nào cũng có màu và cọ.
Lâu lắm rồi tôi không gặp Hạ. Cũng dễ hiểu, vì Hạ chỉ quẩn quanh trong Hoàng thành, tôi cách xa những bảy cây số. Có lần xuống nhà tôi Hạ ước: “Giá trường gần đây em sẽ vác cọ tới vẽ”. Bẵng đi vài tháng, tôi tới thấy Hạ đang vẽ. Căn phòng đã nhỏ nay còn bừa bộn hơn bởi một đống tranh bột màu. Chẳng chào hỏi, tôi bắt đầu bới số tranh đó xem. Tháp Chàm, thầy cúng, lễ hội Apsara... lẫn lộn. Hạ bảo “Em vừa đi thực tế ở Ninh Thuận”. “Thế em ôm đống tranh này từ trong kia về à?” “Không. Vào đấy chỉ ký họa thôi. Mới vẽ lại đó”. Tôi bắt đầu xem tranh của Hạ thật chậm. Hạ ngồi bên giải thích từng chi tiết nhỏ trong ngày tết Ka Tê. “Năm ngoái nhà trường phái đi Lào Cai... lạnh lắm (Hạ nhấn mạnh hai chữ lạnh lắm kèm theo cái rùng mình) - cóng tay cóng chân chẳng vẽ được. Đợt này tới Ninh Thuận không những vẽ nhiều mà còn vui nữa. Tết mà. Hết tiền, không em còn ở lâu.” Tôi đang ngắm những thiếu nữ múa. “Đây là điệu múa Apsara, em xem được vào đêm tết do đoàn văn nghệ của tỉnh về giao lưu biểu diễn, giờ vẫn còn nhớ một số động tác”. Hạ đứng dậy, bấm ngón tay cái vào ngón giữa, khuỵu chân trái - nở háng, vừa múa vừa hát: Ngủ quên trong kiếp đá Apsara/ Bàn tay người vũ nữ hóa thành ngà/ Trăm năm là một thủa nổi trôi nung nấu ngàn đời... Hạ cứ thế hát chậm rãi và buồn như những giọt mưa bên khung trời khuya lạnh. Còn tôi liên tưởng ngay tới những cổ chân trần uyển chuyển, những đôi tay vũ nữ trắng nõn uốn lượn thành những nét vạch huyền diệu tục trần, ít nhiều gieo vào tâm hồn tôi những hạt giống sơ khai nguyên thủy nhất giữa cõi người.
Hạ thò tay vào khe phía dưới hai cánh cửa gần như mục nát, nâng chốt. Tôi vừa chui khỏi chiếc mùng cáu bẩn đã thấy Hạ đứng chắn, nhìn trân tráo. Đêm qua tôi say, ba bốn giờ sáng còn bật dậy ra vườn oẹ nôn làm chó hàng xóm sủa rầm. Hạ thả chiếc túi vải vào góc, cởi áo khoác dọn dẹp nhà cửa giùm. Đầu tiên Hạ cúi xuống bê chiếc thau hồi tối tôi mang vào để nôn. Hạ nhẫn nại - như hồi người anh họ của Hạ cùng tôi ở một phòng, không lần nào tới Hạ không phải lau dọn. Mỗi nửa buổi sáng, nghe tiếng Hạ, là Xuân thúc vào người tôi. Tôi hé mắt nhìn khuôn mặt có vẻ quạu cọ của Hạ, thích thú, rồi trùm chăn vờ như chưa hề tỉnh.
Dọn dẹp xong, Hạ vớ mấy bộ đồ hồi đêm tôi vắt chồng trên dây thép đi giặt. Tôi đánh răng rửa mặt rồi lại ngồi đờ đẫn nhìn ra, thắp thuốc. Tiếng bót đánh xàn xạt trên quần làm tôi mơ hồ tưởng một gia đình êm ấm khuất lấp đâu đó trong trí nhớ. Ngồi ở đấy, qua khe cửa sổ, tôi nhìn thấy Hạ vò đồ. Bàn tay nhỏ cố choãi ra vắt nước bẩn từ chiếc quần Jean dày cộp, vặn vẹo. Hạ không thể thấy mặt tôi. Hạ đứng dậy, tôi có chút ngượng ngùng, rời chỗ. Tôi cắm nước bằng lò so để pha trà, dẫu miệng còn đắng. Đương lúc đợi trà nở, tôi lại nhìn Hạ như lúc nãy. Lần này Hạ xổ cái áo tay dài vải thô. Hạ móc từ túi áo đó ra mấy ngàn tiền lẻ đặt lên viên đá tôi thường để xà phòng tắm.
- Anh này... - Đột nhiên Hạ hỏi - mai đi phố cổ Hội An với em.
- Hả?
Thật nhẹ, tôi ấp lòng bàn tay vào nắp cái ấm đất, cảm giác như hôm nào đó xa lắc tôi ấp lên má Hạ. Rót nước ra chén. Nước chưa xanh nên tôi trút trở lại ấm. Đợi. Băn khoăn: chẳng hay tôi có yêu Hạ? Hay tình cảm giữa tôi và Hạ do sự gần gụi và thân thiết quá đỗi trong quãng thời gian khá dài. Ngay cả lúc, tôi giành lấy sự thật từ Hạ... Không vồ vập. Không khờ dại.
- Sắp tới em làm tốt nghiệp về phố cổ Hội An, phải vô tham quan mới có chất liệu vẽ. Em đưa theo cả máy ảnh.
- Sao không ký họa như đợt em vô Ninh Thuận?
- Ký họa phải ở cả tháng trời chứ...
- À.
Tôi nhớ ngay tới người anh họ của Hạ - thằng Xuân. Từ chỗ cơ quan nó tới khu phố cổ không xa lắm.
*
Xuân đến với Danh vào cuối khóa đại học. Không đẹp lắm. Danh hiền thảo đến tội. Là bạn thân nhất trong lớp, tôi lui tới phòng Xuân thường xuyên, ngủ lại đó; đi ra đi vô vẫn thường gặp Danh - thuê trọ cùng một chủ nhà. Lần Xuân mang về cái đĩa nhạc, nói để tặng Danh, tôi đã không “ha” lên kinh ngạc. Trong chuyện tình cảm ai nói được. Tôi giả bộ cầm đĩa nhạc đọc tên các bài hát, khen hay. Xuân nở mặt, ngân giọng đoạn “Tình em ngọn nến đêm nao lạc bến; xót xa nỗi đau rụng đầy xanh úa...”.
Tôi ra về, có ngó vào trong phòng của Danh. Từ buổi đó tôi không một mình tới phòng Xuân nữa. Nhưng, tôi không tránh được. Xuân cũng không giấu giếm cái đêm quan trọng nhất. Rồi lâu lâu, tôi lại thấy đám bạn thân thường nhắc “con Danh” trân trọng. Lần đầu tiên biết Danh, tôi không có nhiều thiện cảm, nay thấy xấu hổ quá.
Thời điểm đó tôi chưa quen Hạ. Hạ vào học ở Huế gần hai năm Xuân mới tình cờ ghé vào. Ấy là hôm hai thằng đi cắm chiếc xe đạp rồi đi bộ về. Mỏi chân, Xuân bảo ghé vào đây đã. “Đây đã” chính là cái phòng chật hẹp của Hạ. “Anh Xuân”. Hạ mừng rỡ thốt lên và hướng vào tôi: “Mời anh vào nhà.” Ngồi chơi một lúc Hạ nhất nhất giữ hai tôi ở lại dùng cơm. Xuân khoát tay: “Em cứ ra chợ kiếm chút mồi là được.” Hạ chui vào ri đô màu xanh thẫm chắn ở góc phòng, một chốc bước ra xách xe đi liền.
Tôi cho Hạ mừng quá nên làm gì cũng rất nhanh. Xẩm tối. Tôi ngồi giữa nền nhà vệt màu nham nhở nhấp rượu với Xuân. Hạ nấu nướng nhanh rồi ngồi cùng. Thằng Xuân giới thiệu tôi, bạn chí thân của anh; Hạ bảo đợi tí, rồi chạy qua phòng bên mượn về cây ghi ta dúi vào tay tôi. Tôi chỉ qua Xuân, biết ngay bài đầu tiên nó sẽ hát là “Anh đến thăm em đêm ba mươi...”. Hạ thắp nến. Tiếng đàn của tôi gieo sâu vào lòng người con gái lạ, những bức vẽ của Hạ cũng trở nên huyền ảo.
Khuôn hình Hạ khắc sâu cõi hồn tôi. Nhỏ nhắn. Tung tẩy theo những gam màu có vẻ “rợ”. Tôi không nghĩ Hạ sau này sẽ thành họa sĩ. Bởi nhiều lúc tôi tìm ra trên nét mặt Hạ sự u uẩn, yếu lã. Dường như Hạ đang gồng mình ký thác vào vải toan kia tất thảy khổ lụy trong đời. Mà tôi đâu có giúp được gì. Có điều tôi lại rất thích ngồi sau xem Hạ vẽ. Thường là mỗi sáng chủ nhật, tôi đạp xe qua Thành nội, ra quán cà phê gần đó mua hai ly. Ly của Hạ phải đắng hơn, đặt trên cái tráp bên giá vẽ. Hạ có trang điểm chút ít trước lúc cầm cọ. Vẫn những ngón tay thon trắng nõn, tôi nhìn chúng nhiều hơn bức vẽ. Hạ chỉ vẽ một phần nào đó rồi thả cọ. “Em thích vẽ bằng bay hơn”. Hạ nâng ly cà phê rịn mồ hôi. Ly cà phê đen, còn tay Hạ trắng toát - một sự phối màu đơn giản mà ấn tượng.
Những lần bên Hạ, tôi đều giấu biệt với Xuân. Có bận nó bảo, thỉnh thoảng qua thăm con Hạ với. Tức tôi biết Xuân có gặp Hạ, và Hạ cũng như tôi, không muốn Xuân hay chuyện gì.
Gần cuối khóa học trông Xuân gầy rạc. Mặt tái nhợt. Thế mà vẫn vạch với tôi kế hoạch làm đám hỏi sau khi nhận bằng tốt nghiệp, một hai “ai tao không biết nhưng mày phải có mặt”. Nhưng rồi, trận lụt trải dài dọc miền Trung đã khiến đám cưới nó chỉ một dúm người trong cơ quan... Mưa trút xuống ào ạt từ nền trời xám xịt. Trong căn phòng nhỏ, Hạ bó gối lặng nép bên tôi, bên những bức tranh dang dở suốt buổi chiều và cả... trắng đêm.
*
Tôi và Hạ bắt xe vào tới hầm Hải Vân thì trời đổ mưa. Khi xuống xe, mưa lớn. Tôi tạt đại vào quán nhờ gọi điện thoại, ướt sũng. Hạ kéo áo khoác, lộ thân hình mơn mởn... Ngôi nhà trọ của Xuân sát bờ biển. Đấy là hai gian tạm bợ lợp tồn của ông sếp cơ quan Xuân dựng lên để sau này nhận tiền đền bù chứ mục đích không phải ở. Giữa nhà đặt ba thau nước lớn, quạt điện quay vù vù vớt hơi mát.
Danh không có nhà. Xuân bảo vợ con về ngoại…
Vào nhà, Hạ vớ khăn bước vô phòng tắm. Xuân gọi:
- Này Hạ ơi em đừng tắm kẻo cảm lạnh. Còn nếu tắm để anh nấu nước cho.
- Anh nấu đi.
Tôi thành thật với Xuân:
- Lẽ ra tao chưa vào chơi đợt này đâu. Nhưng cái Hạ xuống gọi đi phố cổ. Nó làm tốt nghiệp về Hội An.
- Ờ, mai đi. Xong rồi có muốn tham quan Thánh địa Mỹ Sơn hay Bảo tàng Chăm thì tao dẫn.
Tiếng Hạ vọng ra:
- Chiều nay em đi luôn.
Hạ mở cửa phòng tắm bước ra với bộ đồ tinh tươm.
- Ơ, sao em không đợi nước nóng? - Tôi hỏi.
- Tắm gì. Em chọc anh Xuân đó. Anh Xuân, mai anh chở em về thăm thằng cu và chị Danh với.
Tôi nháy Hạ.
Xuân khóa cửa, ghé tai tôi: “Ra đây tao chỉ cho coi bồ tao.” Tôi thoáng cười, chợt thần ra. Hạ đứng đầu kia; tôi như nghe thấy Hạ đang trách: “Chuyện đó hay lắm sao mà anh cười?”
Xuân chở ba trên chiếc Mazetty, vòng vèo trong đường hẻm, tới quán bán cà phê và bia. Hạ đã bước vào, Xuân kéo áo tôi, lại thầm thì: “Nhớ nghe, con chủ quán là bồ tao”. Vào, theo cách gọi và cử chỉ của Xuân đối với con bé chạy bàn, tôi biết, Xuân là vị khách đặc biệt.
Hạ chưa hay gì, ngồi khép chân, co lại, chẳng giống dân nghệ thuật tí nào.
- Em lạnh à?
- Không!
Tôi lại hỏi:
- Đói bụng chưa?
Hạ móc cái máy ảnh ra xem xét, chắc sợ thấm nước mưa: “Thì hai anh cứ uống đi.”
Hình như Hạ chuẩn bị chụp hai chúng tôi.
Từ trên lầu hai, cô chủ của Xuân bước xuống. Có Hạ bên, tôi tiếc là không trố mắt được thôi. Một thiếu phụ quyến rũ.
Cụng, nâng ly bia lên, Xuân nháy tôi; mắt nó sáng rực muốn nói trăm điều về bồ, nhưng ngại. Hạ uống ngụm bia nhỏ, nhìn ra góc phố đang quy hoạch bề bộn những ngôi nhà đập dở.
Trời đã ngớt mưa. Hạ đứng dậy cuốc bộ dọc vỉa hè…
Lần thứ hai xuất hiện, cô chủ khoác thêm chiếc áo trắng muốt, tóc bối quý phái. Cái đẹp được tôn vinh bởi sự giàu sang... Có tiếng xe. Xuân cầm ngay chai bia rót, miệng hỏi Hạ đủ điều bâng quơ. Người đàn ông cưỡi chiếc Nouvo tiến thẳng vào sân, rút chìa khóa xâu vào ngón trỏ quay quay. Hắn nhìn khách nhậu với con mắt khinh mạn. Chỉ có tôi mới rõ, rằng Xuân, sáng nào cũng tới uống cà phê như bao người, song là vị khách đặc biệt của vợ hắn.
- Nói chung lịch đi làm của thằng chồng nó tao nắm trong tay; con bé chạy bàn giờ cũng thuộc phe mình; đứa con nó thì lúc nào cũng “chú Xuân”. Nhưng mà... cũng tim nằm ngoài lồng ngực mấy lần. Chắc là... đợi một đêm mưa thật lớn chở nó về nhà...
- Nhưng mà Xuân ạ... cũng phải nghĩ đến gia đình.
- Tao biết, - Xuân phì khói thuốc chưa riết khỏi miệng - càng đi sâu càng thấy thương vợ. Con Danh cứ nhằn sao trông anh xơ xác... Thương vợ lắm. Giờ cái chi cũng chia ra hết!
Tôi im lặng. Xuân cúi xuống bàn rượu, chống mu bàn tay lên trán.
- Ngồi đây nhậu mày thấy khoái không? Hai thằng lai rai chờ đến lúc cầu Sông Hàn quay là vừa.
- Ngang đó thôi Xuân ạ.
- Uống nữa chứ! - Xuân ngẩng mặt.
- Không. Tao đang nói chuyện của mày. Đó chỉ là cuộc chơi...
*
Tôi lao theo quyết định nhận việc làm như bò điên. Tôi đã phủi sạch mọi ưu phiền ở cái nơi tôi dùi mài kinh sử trong bốn năm rồi. Hạ cũng đã đi...
“Em có ông cậu ở Sài Gòn. Ông bảo em vào ngụ tại gian mặt tiền của ông mà vẽ”. Trước đây tôi từng nghe Hạ nói, đã sống ở Sài Gòn bốn tháng, có xin vào tiệm chép tranh làm thử, bán được. Vào Sài Gòn lập nghiệp là chủ đích của Hạ từ lúc bước qua cổng trường đại học Mỹ thuật. Hẳn, không ai cho Hạ cái quyền đòi hỏi gì ở tôi? Tôi sừng sững bên Hạ như người anh trai - như Xuân chẳng hạn - và Hạ, không có quyền đòi hỏi (!). Hạ nương vào những nét vẽ quặt quẹo để vun lòng tự trọng, không vay mượn tình cảm ở tôi. Còn tôi thì im lặng. Sự im lặng đến hèn hạ. Rất có thể tôi sẽ thuộc về Hạ mãi mãi, nếu... Hạ bỏ lại cho tôi địa chỉ nhà ông cậu, kèm dòng chữ: “Dẫu em không ở trong nhà cậu, anh đến đây cũng sẽ tìm được em... Tạm biệt anh!” Tôi nằm trên giường mà như ngồi trên chuyến tàu “xình xịch” đưa Hạ xa dần. Uống thật say để ngủ. Ngủ mà mơ. Tôi thấy Hạ, trong nhà mình, gào lên: “Anh - đồ tồi! Thằng đểu...” Rồi ấm ứ khóc, nước mắt ròng, Hạ vơ cái túi vải đựng màu và cọ khoác lên vai. Tôi chưa hết kinh sợ bởi tiếng thét... rợn óc. Tôi không chạy theo níu Hạ lại. Đúng. Tôi hèn nhát. Hèn nhát tới mức không dám ló mặt ra để hàng xóm trông thấy bộ mặt “tồi”, “đểu” thông qua tiếng thét của Hạ.
*
Vợ tôi hiền thục, đảm đang nhưng ít học. Mẹ tôi thương cô ta đứt ruột, có lần đã chạm vào tự ái của tôi: “Mi đừng tưởng học được đôi ba chữ rồi coi ai không ra gì”. Lạ chưa. Tôi đâu có coi ai không ra gì... Cha tôi quá đỗi già, chỉ nằm trên giường nhìn tôi, ý trách móc. Rồi nhìn mơ hồ về bên kia thế giới. Tôi ẵm con trong lòng, mắt cay cay, thật muốn nói với nó: “Có cắt da xẻ thịt bố cũng không bao giờ muốn tệ bạc với mẹ con”.
Sáng sớm. Mẹ tôi nghe con dâu trả lời lí nhí, bỏ việc tới bên, cúi nhìn. Vợ tôi dí mắt vào đầu gối, tay vẫn nhặt rau. Tôi trong nhà, thấy mẹ hằm hằm bước vô, bèn quay người soạn sách trên bàn. “Mi đừng tưởng...” Tôi lơ, lại bên giường cha: “Ngày kia con đi cùng cơ quan vào Sài Gòn”. Cha tôi - vẫn há hốc cái miệng từ mấy năm nay, thanh thản gật đầu. Vợ tôi còn ngồi ngoài kia thái rau heo. Thương quá!
Đêm, tôi nằm thượt. “Anh đi lo về sớm, cha yếu lắm...”. Tôi “ừm”, nhắm mắt cố ngủ. Vợ tôi quay vào vách, ôm con.
*
Dễ cũng đến bảy năm tôi không liên lạc với Xuân. Nó có trách? Tôi, không hiểu tự bao giờ đã mất đi niềm vui được ngồi nhậu với nó. Có lẽ do cái thành phố đã ruồng rẫy tôi, đuổi tôi về với thôn quê nghèo khó, kéo xa tôi với Sài Gòn thêm một quãng. Hay là... Hạ. Vắng Hạ, con tim tôi cằn cỗi như một gam màu bầm dập trước thời gian.
Danh đón tôi không mấy niềm nở. Nhà vắng hoe. Đứa trẻ nhỏ chút lọt thỏm trong vòng tay, dáng Danh ỉu xìu trong một thế chờ chồng cổ điển nhất. Nhìn Danh, tôi nhớ lại cuộc nhậu với Xuân dưới cầu Sông Hàn ngày nao, nó kể chuyện bồ bịch; sao tôi không tát vào mặt nó, cắt đứt bạn bè với nó nếu không quay về với Danh... Tôi có lỗi với Danh. Tôi không xứng là khách quý của gia đình Danh. Tôi sẽ gặp Xuân nói chuyện sau. Chào Danh.
Tôi đi.
Đến Sài Gòn trong tâm trạng có lỗi với Danh, và với giấc mơ bị vỡ tung bởi tiếng thét của Hạ - chính tôi.
Một gallery, bề ngang nhỏ hơn căn phòng Hạ sống thời sinh viên, sâu hút. Tôi biết mình đã đến đúng địa chỉ. Nét vẽ trên những bức tranh kia là của Hạ. Không đếm hết tháp Chàm, phố cổ và Apsara. Những vũ nữ, được Hạ vẽ theo kiểu “khỏa thân trên ghế” của Picasso. Tôi liên tưởng tới cái mạng nhện hay lưới tình giăng trước mặt.
Hạ ngồi vẽ trong góc phòng. Ôi! Hạ của tôi thật nhỏ bé... Bóng tôi thấp thoáng trên giá vẽ... Hạ, đứng dậy, sững sờ...
Tôi đến bên Hạ với tâm trạng có lỗi với Danh, và...
- Nhà em cách đây sáu cây. Thằng chồng em...
Đó là câu đầu tiên Hạ tiết lộ về mình. Vậy, có thể là đủ - tôi không muốn nghe gì thêm lúc đó. Hạ bảo tôi ngồi yên, lúc trở lại toàn thân thơm nồng rực rỡ.
- Ta đi ăn tối.
Tôi ôm riết Hạ giữa Sài Gòn muôn màu lộng lẫy.
- Anh không đi đâu hết!
Hạ lỏng thân gục vào vai tôi. Nước mắt dầm dề.
- Em nói đi.
- Hắn...
- Hắn đánh em chứ gì?
- Không. Hắn đúng... Đêm tân hôn...
“Trời ơi Hạ ơi...”.
Tôi nhão ra bên Hạ.
- Chúng mình không có lỗi anh ạ. Em yêu anh. Chỉ tại em...
- Tại anh.
- Không tại ai cả!
Tiếng di động rùng trên bàn. Hạ nhìn loáng qua mặt điện thoại rồi buông ra.
- Hắn gọi. Em muốn hắn nghe tiếng chúng mình lắm!
Thành phố lùi vào đêm. Tôi như tan biến vào Hạ. Mặc cho số máy đáng ghét kia đã hiện lên màn hình di động lần thứ ba.
- Em muốn vẽ chân dung anh lúc này, xơ xác, mất hồn...
Tôi cười không nổi, ngồi theo lời Hạ và giữ nguyên khuôn mặt xơ xác, mất hồn...
Tiếng “rù... rù”.
Tôi chán nản đứng dậy.
- Cứ mặc hắn, anh.
- Em phải nói sao đó với hắn.
Tôi cầm chiếc di động của Hạ. Một tin nhắn: “Mi về gấp!”
Màn hình di động phản lên mặt - Hạ - xanh - lẹt. Hạ thả cọ đứng dậy. Tôi bước tới đặt tay lên vai Hạ. Hạ lạnh lùng gỡ ra, khoác thêm chiếc áo gió.
- Em về thật à?
Hạ muốn khóc.
- Em phải về. Em có cách...
Tôi phủ phục xuống bên bức chân dung tôi - chưa rõ lắm nét xơ xác, mất hồn... trên voan trắng.
N.N
(TCSH357/11-2018)