Truyện ngắn
W.a.t.e.r
09:49 | 15/01/2019

LÂM HẠ   

Tôi có một mối giao tình kỳ lạ với Karen.

W.a.t.e.r
Minh họa: Nhím

Tôi quen cô trên một trang mạng dành riêng cho mấy con mọt sách, và tình cờ vào một buổi chiều mưa bay bay, tôi lướt qua một tấm ảnh chụp mấy cuốn sách của nhà văn Kim Thúy, một nhà văn Canada gốc Việt. Tôi vào trang cá nhân của Karen, đọc thông tin biết cô là công dân Canada, có sở thích đọc sách khá giống tôi. Đắn đo cả buổi chiều, tôi quyết định kết bạn.

Tôi thường đắn đo trong việc kết bạn mới. Khi người ta trưởng thành, việc kết bạn dường như trở nên khó khăn. Nó không đơn giản như tình bạn thuở hàn vi, bạn hồi mẫu giáo, các cấp học phổ thông hay bạn bè vô tình gặp trong những cuộc phiêu du trên những miền đất mới. Kết bạn trên các kênh mạng xã hội lại càng khó hơn, vì thậm chí cả đời chúng ta chẳng biết gì về người đó, nhưng lại bị người đó chi phối đời sống của mình.

Vậy tại sao tôi kết bạn với Karen?

Tôi không rõ lắm, một phần vô thức thôi thúc tôi muốn có sự liên kết với con người này, một người xa lạ, ở một đất nước xa lạ. Chỉ vì cô ấy đọc sách của một nhà văn gốc Việt ư?

Cuộc truyện trò của chúng tôi, hẳn nhiên là bằng tiếng Anh, ngôn ngữ thông dụng nhất thế giới.

“Xin chào, cho tôi làm quen với bạn được không? Tôi là Yên Chi, tôi là người Việt Nam”.

“Ồ, hân hạnh được làm quen bạn, tôi vừa đọc xong hai tác phẩm của một nhà văn gốc Việt, và tôi rất thích”.

“Bạn thật may mắn, tôi chưa được đọc những tác phẩm đó, vì chúng chưa được dịch”.

“Thật sao? Tại sao quốc gia của bạn lại không dịch sách của nhà văn gốc Việt”.



Tôi thực sự không biết phải trả lời cho Karen thế nào, vì bản thân tôi cũng không lý giải được tại sao lại như vậy. Có thể ngành xuất bản chưa mua được bản quyền, hay vì một lý do nào khác, tôi hoàn toàn không biết.

Thấy tôi không trả lời, Karen chuyển chủ đề.

“À, tôi thích đọc văn học châu Á lắm, tôi cũng thích tìm hiểu về ngôn ngữ vùng đất ấy, và tôi cũng thích tiếng Việt nữa, sau khi đọc Mãn và Ru của Kim Thúy”.

“Vậy khi nào có thời gian bạn kể cho tôi nghe về hai cuốn sách ấy nhé”.

“Ok”.

Cuộc trò chuyện buổi ban đầu chỉ dừng lại ở đó, tôi có thể hỏi Karen về nội dung của hai cuốn sách ấy, sơ lược thôi, nhưng tôi đã phải kiềm chế niềm háo hức đó lại. Vì sao?

Vì xấu hổ, vì sự xấu hổ khi một người Việt lại hỏi người nước ngoài về nội dung những cuốn sách của một nhà văn gốc Việt. Nếu muốn tôi có thể đặt hàng trên các kênh trực tuyến mua về, nhưng tôi vẫn hy vọng chúng được dịch hơn, đọc ngôn ngữ mình tạo cho tôi có một cảm giác an toàn.

Vài ngày sau, tôi đọc được bài viết sơ lược về hai cuốn sách ấy, Karen dành khá nhiều tình cảm cho chúng, và muốn hiểu ý nghĩa của tên sách như chính ngôn ngữ ấy.

Tôi gọi video cho Karen, hỏi cô có muốn tôi phát âm bằng Tiếng Việt tên sách không, cô đồng ý.

“Ru, hiểu theo nghĩa thông thường nhất là hát ru, ở Việt Nam các bà mẹ thường hát nho nhỏ, những điệu hát dân ca ru trẻ con”.

Tôi vừa phát âm, vừa diễn tả hành động ôm một đứa trẻ, đưa qua đưa lại, nựng nịu.

“Ồ, thật thú vị”.

Tôi phát âm tiếng Anh từ “lullaby” và cảm giác như từ ấy cũng du dương như một điệu hát ru.

Câu chuyện của chúng tôi dần trở nên thân mật hơn, khi tôi phát hiện ra Karen có một kho sách mà tôi mơ ước, những cuốn sách tôi mong đợi mà mãi chẳng được dịch.

Một buổi sáng đẹp trời, cô đăng một tấm ảnh toàn bộ sách của nữ nhà văn Toni Morrison mà cô đã đọc, tôi sững người ngắm nhìn tài sản của cô ấy, cảm thấy vô cùng ghen tị.

“Tôi mới được đọc ‘Beloved’, ở tôi không dịch nhiều tác phẩm của bà lắm”.

“Thật vậy ư? Bà ấy có rất nhiều sách mà bạn mới chỉ đọc một cuốn ư?”

“Ừ”.

“Ôi trời, bạn thật tội nghiệp”.

Tôi không biết phản ứng của Karen là thương hại hay thương thật tôi. Tôi có tội nghiệp không khi không được đọc những cuốn sách đó? Có bao nhiêu người trên thế gian này cả cuộc đời không đọc sách, nhưng chắc gì họ đã tội nghiệp?

Hay tất cả chúng ta đều tội nghiệp, theo cách này hay cách khác, theo cái nhìn của người này người khác?

Bẵng đi một thời gian, tôi không trò chuyện với Karen nhiều nữa. Có lẽ vì cái thói ích kỷ và hay tự ái. Tôi có bệnh tự ái từ khi còn bé, hễ ai động đến mình hay nói bóng gió xa xôi gì là tôi cho rằng họ đang mỉa mai mình. Một thói tật xấu.

Tôi nhớ hồi cấp một, hôm đó là ngày nghỉ, cô giáo xuống nhà bảo tôi đi tập văn nghệ. Vào phòng tập tôi gặp lũ bạn đang chơi đùa, một đứa quay lại hỏi tôi.

“Sao Chi biết hôm nay tập văn nghệ mà tới vậy?”

Mặt tôi đỏ dần lên, hai tai lùng bùng. Trong đầu tôi lúc đó xoay mòng mòng hàng ngàn câu hỏi, tại sao tôi lại không có quyền được biết và đi tập văn nghệ? Chẳng lẽ chỉ có các bạn xinh đẹp giỏi giang con nhà khá giả có ba mẹ đưa đón đi học mỗi ngày mới được diễn văn nghệ ư?

Tôi không trả lời quay người đi thẳng về nhà.

Hôm sau, cô hiệu trưởng gọi riêng tôi lên văn phòng.

“Chi này, bạn hỏi vậy không phải vì bạn có ý gì với con, chỉ là bạn muốn biết tại sao con biết chuyện tập văn nghệ, thì con có thể trả lời bạn rất đơn giản là các cô đã xuống nhà chở con lên. Con hiểu không?”

Tôi ngồi im không trả lời, tôi biết cô giáo đã nhìn thấu cái tính tự ti của mình. Nhưng tôi là đứa bướng bỉnh, nên chỉ gật đầu ra chiều đã hiểu, và vẫn nhất quyết không tập văn nghệ nữa.

Khoảng một tháng sau, tôi lướt qua trang Karen thì thấy cô đang đọc và xem phim chuyển thể từ sách của Margaret Atwoot, một nhà văn gốc Canada. Chẳng lẽ tôi lại đi ghen tị cả cái gốc gác của Karen? Chúng ta đâu có quyền quyết định nơi chúng ta sinh ra cơ chứ.

“Bạn thật sung sướng, quốc gia của bạn có nhiều nhà văn tài giỏi quá”.

“Bạn cũng thích Margaret Atwoot hả?”

“Ừ, rất thích. Nhưng ở tôi dịch ít sách bà lắm, và chưa thấy cuốn thơ nào của bà được dịch”.

“Ồ thật sao, thơ bà rất tuyệt”.

Tôi dừng cuộc nói chuyện lại, vì sợ hai từ “tội nghiệp” lại được cô bạn thốt ra.

Một buổi tối, Karen viết cảm xúc của mình về bộ phim “The Lady”, phim về cuộc đời nữ nhà văn Aung San Suu Kyi, một chính trị gia người Myanmar. Cô nói cô đã khóc khi xem đến đoạn bà ấy nghe tin chồng mình đã mất.

Tôi thấy lần này mình may mắn hơn, vì đã xem bộ phim đó, nên đủ tự tin nói chuyện với cô.

“Tôi cũng rất thích bộ phim đó, cảnh quay khi bà nhận được điện thoại báo chồng mình mất thật đẹp và cô độc, cả lúc bà cố gắng nghe qua radio về tin mình được nhận giải Nobel”.

“Đúng, nhưng đó là giải Nobel Hòa bình”.

“Ý bạn là sao?”

“Nếu là một nhà văn bạn muốn mình nhận Nobel Văn chương hay Nobel Hòa bình?”

Tôi giật mình, tôi chưa từng đặt ra câu hỏi đó khi xem phim cũng như tìm hiểu về cuộc đời của bà ấy hay khi đọc sách bà viết. Bà ấy là một nhà văn hay một chính trị gia? Một nhà văn có thể làm chính trị hay một nhà chính trị có thể làm nhà văn? Hay chẳng có bất cứ tên gọi chính xác nào cho một số phận phải gánh chịu sứ mệnh của lịch sử.

Nếu bà không trở lại quê hương nhận lấy trách nhiệm cho số phận mình thì bà có được ở bên cạnh chồng khi ông mất không?

Tôi bắt đầu sợ những lần trò chuyện cùng Karen, cô làm tôi có những cái nhìn thật khác lạ, khác hoàn toàn điểm nhìn của tôi trước ngày quen biết cô. Tôi tự hỏi đó là kết quả của quá trình giáo dục tại quốc gia cô, hay tự thân cô ấy có những suy nghĩ ấy? Tôi sợ mình trở nên ngốc nghếch, trở nên bé nhỏ, và luôn hoang mang sau những cuộc trò chuyện ấy.

Tôi bắt đầu nhìn nhận mọi việc qua đôi mắt của Karen.

Nếu đọc cuốn sách này cô ấy sẽ nghĩ gì? Nếu xem bộ phim này cô ấy sẽ có cảm nhận thế nào?

Tôi thú nhận điều đó với Karen.

“Dạo gần đây, tôi thường suy nghĩ giống như bạn, khi đọc sách hay xem phim, hoặc làm gì đó”.

“Ồ, vậy sao? Rồi bạn thấy thế nào?”

“Khá thú vị, không giống như tôi trước kia nữa”.

“Vậy bạn nói chuyện với tôi làm gì khi bạn giống tôi?”



Tôi câm lặng.

Tôi bắt đầu đi tìm chính bản thân mình.

Làm sao để sống giữa chốn lao xao, mình vẫn là mình, vẫn học được những điều thú vị từ người khác mà không giống họ?

Tôi lại nhớ về thói tật ngày bé của mình, tính tự ái vị kỷ. Sống với cái tôi quá lớn sẽ gây hiểu lầm và đôi khi làm tổn thương những người xung quanh, nhưng sống giống kẻ khác thì mình sẽ là ai, là ai?

Một ngày nắng lung linh, tôi thấy Karen chụp ảnh cùng Kate Tempes, là một nhà thơ người Anh, một nghệ sĩ âm nhạc, tiểu thuyết gia và nhà viết kịch. Tôi tìm hiểu về Kate Tempes và khá bất ngờ, cô ấy không phải là một nhà văn dịu dàng mà là một rapper cá tính.

“Ở nơi tôi, chẳng mấy nhà thơ nữ như thế đâu, người ta nghĩ nhà thơ thì nên dịu dàng”.

“Ồ, thật vậy sao? Tại sao lại nghĩ nhà thơ nên như vậy?”

Tôi cũng hoàn toàn không thể lý giải nổi, một nhà thơ thì nên thế nào.

Cả tuần, tôi không trò chuyện cùng Karen, mà đi tìm câu trả lời cho những suy nghĩ mông lung của mình. Nghĩ mãi rồi cuối cùng tôi cười chào thua, nhà thơ thì là nhà thơ thôi, vốn dĩ thế nào thì nên thế ấy.

Đôi khi tôi thấy mình hơi vu vơ.

Cách đây vài hôm, Karen khoe với tôi là đã đọc xong những tác phẩm của David Foster Wallace và đang xem phim về ông, bộ phim “The end of the tour” (Những ngày cuối của chuyến lưu diễn), kể về ít ngày cuối cùng của chuyến lưu diễn giới thiệu cuốn sách Infinite Jest (Trò đùa vô tận) của Wallace năm 1996, khi nhà báo của tờ Rolling Stone là David Lipsky (bút danh của Jesse Eisenberg) theo sát gót để viết tiểu sử sơ lược về nhà văn này.

“Tôi thích ông ấy lắm”.

“Rất tiếc, tôi chưa biết gì về ông ấy cả”.

“Ôi, vậy bạn phải tìm hiểu về ông ấy đi, ông ấy thú vị lắm đấy”.

“Hình như sách ông ấy chưa được dịch ở nơi tôi”.

“Buồn quá, vậy bạn xem phim cũng được, hoặc đọc bài diễn văn của ông ấy trước vậy”.

Tôi tìm kiếm trên các trang mạng và đọc được bài diễn từ của David Foster Wallace tại buổi lễ tốt nghiệp ở trường Kenyon College, Gambier, Ohio, Mĩ, vào ngày 21/5/2005. Bài diễn từ ấy bắt đầu với một hình ảnh rất thân quen nhưng lại vô cùng kỳ lạ:

There are these two young fish swimming along, and they happen to meet an older fish swimming the other way, who nods at them and says, “Morning, boys, how’s the water?” And the two young fish swim on for a bit, and then eventually one of them looks over at the other and goes, “What the hell is water?”

(Có hai con cá con đang bơi cùng nhau, và chúng nó tình cờ gặp một con cá già hơn đang bơi theo hướng khác, con cá này gật đầu chào tụi nó và nói, “Chào buổi sáng các chàng trai, nước thế nào rồi?” Và hai chàng cá bơi tiếp một đoạn, sau đó rốt cuộc một con nhìn con kia rồi nói, “Nước là cái quái gì nhỉ?”)


Tôi tự hỏi nếu mỗi sớm tôi thức dậy, gặp một người già người ấy sẽ hỏi tôi điều gì?

Hôm nay không khí thế nào cháu? Hôm nay đất thế nào cháu? Hôm nay gió mây thế nào cháu?

Chưa người lớn nào hỏi tôi như vậy. Tôi chỉ nhận được những câu hỏi rất thông thường như: Sao chưa lấy chồng cháu? Công việc ổn định không cháu? Hàng tháng thu nhập bao nhiêu cháu?

Thú thực là chưa ai hỏi tôi những câu hỏi đơn giản đến khó trả lời nhường kia, tôi giật mình vì chính bản thân cũng chưa bao giờ tự hỏi mình những câu hỏi ấy.

“Karen này, bạn có thấy tôi và bạn giống hai con cá đó không?”

“À, có thể, giá mà chúng ta được ngồi nghe ông ấy đọc bài diễn từ đó. Nhưng tôi biết ‘Water’, ngôn ngữ của bạn đọc nó là gì?”

“Nước”, tôi viết rõ tiếng Việt.

“Bạn đọc nó lên đi”.

Tôi đánh vần và đọc lên, Karen trên màn hình mỉm cười, phát âm theo.

“Hay quá, tiếng Việt thật hay”.

Từ buổi ấy, mỗi sớm ngủ dậy, tôi bắt đầu ngày mới bằng cách đánh vần từ “Nước”.

N-Ư-Ớ-C: nó có chứa vần “ước”, đọc gần như “ướt”.

Và bây giờ, tôi nghĩ mình sẽ xem bộ phim mà Karen đã giới thiệu, vừa xem phim tôi vừa đi tìm câu trả lời cho bài diễn từ của David Foster Wallace.

“Nước là gì?”

L.H  
(SHSDB31/12-2018)





 

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Gam màu lạnh (13/12/2018)
Biển (07/12/2018)
Tình yêu (29/11/2018)
Chiếc thẻ bài (09/11/2018)
Con chim cu cườm (26/10/2018)