LÊ MINH PHONG
Có một kẻ hành khất già nua đi bán thơ dạo dừng lại trước cổng nhà tôi. Và tôi biết ông ấy đi ra từ một giấc mơ nào đấy của cha tôi. Cha tôi thường mơ tới những giấc mơ lạ kỳ. Những giấc mơ không giống bất kỳ một giấc mơ của ai khác.
Kẻ hành khất đứng lại ngay trước thềm. Ông ta lại tiếp tục đọc lên một bài thơ nữa, giọng ông trầm đục khiến tôi liên tưởng tới giọng nói của những vị thần xa xôi. “Hãy cho ta một miếng nước và ta sẽ đọc tặng cậu một bài thơ.” Kẻ hành khất nói. “Bài gì mới được chứ.” Tôi nói. “Bài thơ nói về câu chuyện của một kẻ hành khất đánh mất đôi mắt của mình ở tận trên thượng nguồn lau lách.” Ông ta nói. “Nghe chừng thú vị đấy.” Tôi nói rồi quay vào nhà lấy nước. Cha tôi vẫn đang ngủ, giấc ngủ trong một sáng mùa xuân yên bình đến kỳ lạ. Con Miên Ca, con chó nhỏ lông xù bước ra cùng tôi. Thấy kẻ già nua con Miên Ca nhà tôi gầm gừ. “Đừng vậy chứ, đừng gầm gừ với một kẻ đi bán thơ dạo chứ.” Kẻ già nua nhìn vào mắt con Miên Ca rồi nói. Tôi đưa nước cho kẻ hành khất và nói rằng bây giờ đến lượt ông ta đọc thơ cho tôi nghe. Sau khi uống sạch một ly nước kẻ già nua bắt đầu đọc thơ:
“Hãy đi theo bước chân của kẻ hành khất
Hãy bước vào thế giới im lìm của những giấc ngủ
bước qua những thảo nguyên và sa mạc
qua đêm tối và qua cả những ngày tàn
hãy đến tận nơi mà đôi mắt của kẻ hành khất đang lẩn trốn
ánh sáng ngủ ở đấy
nào hãy lên đường đi.”
Rồi chúng tôi mãi mê tán tụng bài thơ diễm tuyệt ấy cho tới khi kẻ hành khất già nua khát nước trở lại. Tôi và con Miên Ca đưa kẻ già nua vào nhà. Giữa gian nhà bừa bộn, cha tôi đã thức dậy và ông đang ngồi trước giá vẽ. Mỗi khi cha tôi ngồi vào giá vẽ thì dường như ông không bao giờ biết những gì đang xảy ra quanh ông. Tôi cảm giác rằng khi cha tôi cầm cọ lên là khi ông đang nhắm mắt để đu mình theo những giấc mơ ảo vọng. Những giấc mơ mang ông đi tới mọi bến bờ, tôi không biết những bến bờ ấy có tôi không, nhưng tôi biết những nơi ấy luôn có mẹ tôi.
“Cha ơi, có một kẻ đi bán thơ cha ạ.” Tôi nói.
“Thơ gì.” Cha tôi nói nhưng ông không quay lại.
“Thơ. Ông ta gói thơ trong những chiếc lá và rao bán chúng.” Tôi nói.
“Trời đất.” Cha tôi nói rồi quay lại ngước nhìn chúng tôi. Câu chuyện về một kẻ hành khất già nua gói thơ trong những chiếc lá rồi rao bán chúng đã lôi cha tôi ra khỏi thế giới mộng mị của ông.
“Cho tôi xem nào?” Cha tôi nói rồi bước tới phía kẻ già nua. Kẻ già nua mở túi ra cho cha tôi xem những bài thơ được gói gọn một cách cầu kỳ trong những chiếc lá nhỏ. “Hay, hay đấy.” Cha tôi nói rồi cười lên. Ông mở một bài thơ ra rồi định đọc nó nhưng kẻ già nua nói: “Nếu anh đọc bài thơ ấy thì anh phải trả tiền, anh có tiền không?”
Cha tôi gói bài thơ trở lại vào trong chiếc lá, mắt ông chùng xuống rồi đưa bài thơ cho kẻ già nua. Cha tôi không có tiền. Chúng tôi chẳng bao giờ có lấy một xu. Chúng tôi đói đã mấy ngày nay, con Miên Ca cũng đói. Việc chúng tôi không bao giờ có lấy một xu đã khiến tôi phải nghỉ học suốt hai tháng nay.
“Anh có thể đổi lấy thơ bằng thức ăn, tôi đang rất đói, tôi đã đi xa quê hương tôi cả một thập kỷ rồi và giờ đây, anh biết không, tôi đang rất đói.” Kẻ hành khất nói. “Tôi chẳng có gì cả, tôi chỉ có thơ.” Ông ta nói rồi trút hết tất cả thơ của ông ta ra trên bàn. “Đây là bài thơ “Mùa xuân vĩnh cửu” của tôi. Còn kia là bài về mùa thu tàn úa…”. Kẻ hành khất cứ huyên thuyên về những bài thơ ấy trong khi cha tôi thì đang mường tượng về một bức tranh mới. Có lẽ cha tôi sẽ vẽ một bức tranh của mùa xuân. Lâu, lâu lắm rồi tôi thấy trong tranh của cha tôi không có mùa xuân, mùa xuân đã không còn trong tranh cha tôi từ ngày mẹ tôi bỏ cha con tôi…
Cha tôi cứ ngồi trước giá vẽ nhưng ông không thể nào vẽ lấy được một họa tiết nhỏ về mùa xuân. Phải chăng, màu xanh trong cha tôi đã tàn úa. Trong khi ấy, kẻ hành khất cứ ngồi dựa lưng vào tường nhà mà kể cho tôi nghe về những vùng đất đầy huyền bí, những vùng đất xa xôi, những núi đồi hẻo lánh. Kể chuyện chán rồi kẻ hành khất lại đọc thơ. “Quý vị sắp nghe một bài thơ hay, một bài thơ ngợi ca đôi mắt sáng ẩn mình trong bóng tối.” Rồi ông ta trịnh trọng đọc to lên bài thơ ấy.
Tôi đang đói, mấy ngày nay tôi chỉ có mấy miếng cơm nguội lạnh ngắt. Từ lâu lắm rồi cha tôi không bán được tranh. Con Miên Ca cũng chẳng có lấy một mẩu thức ăn nào vào cái dạ dày khổng lồ của nó. “Ông hãy đọc một bài thơ nào đấy nói về màu xanh, hay cái gì đó đại loại về màu xanh đi xem nào.” Cha tôi nói với kẻ hành khất. Kẻ hành khất lại lục tìm trong cái túi vải rách nát của ông ta và lôi ra một bài thơ khác. “Sẵn lòng.” Người hành khất nói và bắt đầu đọc to bài thơ. Trong bài thơ ấy, tôi thấy có những khu rừng đầy màu xanh, trong bài thơ ấy, tôi thấy cha tôi đang men theo những đồng lúa ngút ngàn vô tận, trong bài thơ ấy, tôi thấy mẹ tôi đang đi dọc theo bờ sông, hai bên sông là hoa cải vàng lấp lánh như một chiếc cầu vồng khổng lồ vô tận.
Và giờ đây thì cha tôi bắt đầu vẽ, những vệt màu xanh bắt đầu di chuyển trên toan trắng, những hình thể đầu tiên về một bức tranh mùa xuân đang hình thành. Từ lâu lắm rồi cha tôi mới có cái dáng vẽ hoạt bát đến như vậy, ông vừa huýt sáo vừa vẽ trong khi kẻ hành khất đang lắc lư theo những vần thơ ngọt ngào. Rồi kẻ hành khất không còn say sưa với những vần thơ được nữa. Ông ta đổ nhào xuống ngay bên cạnh giá vẽ của cha tôi. “Tôi đói quá…”. Ông ta thì thào. Cha tôi cũng đứng lên, ông nhìn quanh nhà nhưng thú thật nhà tôi bây giờ chẳng có thứ gì có thể bỏ vào bụng. “Hay là cậu ra ngồi ngoài phố bán giúp tôi mấy bài thơ này đi.” Kẻ hành khất nói. “Tôi ư?” Tôi nói. “Ý hay đấy, thử xem.” Cha tôi nói. “Biết đâu có cái gì đó ăn được thì tao lại vẽ nên được một kiệt tác về mùa xuân.” Cha tôi nói và cùng với kẻ hành khất gom hết những bài thơ còn lại để trên một tàu lá chuối nhỏ. “Nào, bây giờ mày hãy ra phố và rao bán những bài thơ này đi. Có tiền hãy mua thức ăn và về đây để cùng nhau xem bức tranh tuyệt diệu sắp hoàn thành nhé.” Cha tôi nói rồi gói những vần thơ trong tàu lá chuối đem cho tôi. Ông đẩy vào lưng tôi. “Nào chàng trai, lên đường đi.” Ông nói.
Bây giờ, đến lượt tôi lại trở thành một kẻ đi bán thơ dạo. Làm sao để tôi có thể bán được những vần thơ này chứ. Mùa xuân, người ta mua những cành đào, cành mai. Quanh tôi, người ta đang chào bán đủ loại bánh trái và áo quần. Nhìn vào những vần thơ trên tàu lá chuối của tôi người ta không hiểu tôi đang rao bán cái quái quỷ gì, mấy thằng nhỏ đứng trong những gian hàng lấp lánh vàng mả nhìn tôi chỉ trỏ. Nhưng tôi phải rao bán thôi. Nếu không bán được những vần thơ này cha con tôi và người hành khất đang ngụ trong nhà tôi chẳng thể sống qua đến ngày mai. “Ai mua thơ không, những bài thơ đến từ những vùng đất xa xôi đây, trong những bài thơ có cả những pho truyện về những điều kỳ lạ đây, thơ nào, ai mua thơ không…”. Tôi rao đến khản giọng nhưng chẳng ai mua lấy một bài thơ nào cả. Đổi lại người ta nhìn tôi và cười. Họ cười tôi như cười những điều quái gở nhất trên cõi đời này.
Tôi phải thay đổi cách thức nếu muốn bán được một bài thơ nào đấy. Tôi nghĩ vậy và ngay lập tức tôi thay đổi chiến lược của mình. Tôi ngồi xuống và giả vờ làm một đứa trẻ mù lòa. Tôi nhắm nghiền mắt lại, tôi để những bài thơ sang một bên và ngửa chiếc mũ lưỡi trai của tôi xuống nền đất. Rồi tôi nói. “Làm ơn… Mùa xuân đang rất đẹp, tất cả mọi người ai cũng nhìn thấy mùa xuân đang về, riêng tôi, chỉ có một mùa, mùa bóng tối trong đôi mắt mù lòa này đây.” Và giờ thì mọi người xúm lấy quanh tôi, họ cúi xuống và mở những bài thơ ra rồi đọc cho nhau nghe.
“Đất trời và mùa vui sẽ hiện về trong đôi mắt của bạn
Hãy mở lòng ra cho những con sông nhỏ tưới phù sa vào những tâm hồn cằn cỗi
Hãy chia cho mọi người những gì bạn có
Hãy chia, hãy chia hết thảy cho mọi người những gì bạn có.
Rồi mùa vui sẽ sưởi ấm con tim bạn
Rồi bạn sẽ lên đường, và sẽ đi rất xa…”
Bây giờ trong chiếc mũ lưỡi trai của tôi đầy những tiền là tiền. Tôi vui sướng như muốn hét lên. Tôi trở về nhà với bao bánh trái trên tay. Tôi dùng hết thảy số tiền tôi bán thơ được để mua bánh mì, bánh rán, xúc xích, trứng luộc, sữa hộp, táo và nho cùng với nhiều thứ lặt vặt khác.
Mắt cha tôi sáng rực lên khi trông thấy thức ăn. Mũi của kẻ hành khất như nở phồng lên khi ngửi thấy mùi bánh rán. Họ ngợi ca tôi hơn tất thảy những bài thơ diễm tuyệt trên cõi đời này. Kẻ hành khất vừa ăn vừa hứa với tôi là ông ta sẽ làm hẳn một bài thơ về tôi, một bài thơ về một cậu bé dũng cảm đi bán thơ dạo. Con Miên Ca ngốn hết mọi thứ còn lại với cái bụng căng phồng của nó.
Cha tôi lại ngồi vào giá vẽ một cách đỉnh đạc đường hoàng. Lòng ông phơi phới mùa xuân tràn về. Kẻ hành khất đang gom những bài thơ còn lại. “Cậu đã bán đi rất nhiều rồi. Chỉ còn bốn bài thơ ngắn nữa thôi.” Ông ta nói. Bây giờ tôi đang rất hào hứng, tôi đọc to lên bốn bài thơ còn lại, người hành khất phân tích những ẩn ý hay ho trong những bài thơ, cha tôi thì miệt mài với những sắc xuân trong bức tranh của ông, một bức tranh vĩ đại. Vĩ đại như lời ông nói.
Rồi vào một buổi sáng mùa xuân, lúc cha tôi đang đu mình theo những nốt nhạc du dương bên ấm trà nóng, người hành khất thức dậy và nói với chúng tôi rằng ông phải ra đi. Chúng tôi buồn lắm, cha tôi không nói, có lẽ ông đã biết rằng kẻ hành khất kia là người đi ra từ chính giấc mơ của cha tôi. “Trở về đi.” Cha tôi nói với kẻ hành khất. “Nhưng hãy giúp chúng tôi có được một vài bài thơ nữa, chúng tôi sẽ bán những bài thơ ấy để sống trong những ngày tiếp theo.” Cha tôi nói.
Và cả ngày hôm ấy, kẻ hành khất loay hoay đi tìm ý tưởng cho những bài thơ mới. Cha tôi thì bận bịu với những họa tiết trong bức tranh mùa xuân của ông. Cuối cùng, ba bài thơ mới đã ra đời, trong đó có một bài thơ kẻ hành khất viết riêng về tôi, cậu bé đã dũng cảm đi bán thơ dạo ngoài đường. Đó là một hành động đáng nể. Và tôi sẽ giữ bài thơ này lại, tôi không bán, đó là vốn liếng của đời tôi.
Đó là vào buổi chiều ba mươi tết. Chúng tôi đã cố gắng để kẻ hành khất ở lại nhưng ông ta nói rằng có những vùng đất cằn cổi khác đang chờ đợi ông ta. Đâu đó, trên những cung đường, đang có người chờ đợi ông ta, chờ đợi một kẻ hành khất đi bán thơ dạo như chờ đợi một niềm hy vọng lớn lao.
Cha tôi đã ôm rất chặt kẻ hành khất để tạm biệt. Nhìn cha tôi phải rời xa kẻ đã đến từ giấc mơ của ông, tôi cũng nảy ra được một tứ thơ. Tôi sẽ làm bài thơ này vào đêm nay, vào phút giây thiêng liêng của đêm giao thừa ấm cúng. Trong bài thơ này tôi sẽ nói về những giấc mơ của mẹ tôi, những giấc mơ ấy đã sinh hạ vô số thiên thần nhỏ, tôi cũng sẽ nói về những niềm hy vọng đã sinh ra từ những giấc mơ của cha tôi và của cả tôi nữa.
Còn bây giờ thì tạm biệt nhé, tạm biệt kẻ hành khất đến từ giấc mơ. Tạm biệt những nỗi muộn phiền của năm cũ.
L.M.P
(TCSH360/02-2019)