TRẦN BẢO ĐỊNH
1.
Thấy sóng lắp liếm bờ chờ con nước nhảy, lão Bảy nói:
- Sớm mai, con ở nhà!
- Ở nhà chi, tía?
Không đợi tía trả lời, Hai Muộn giải bày:
- Má Năm biểu con mai phải qua sớm...
- Sớm để mần gì?
Cướp lời con gái, lão Bảy bực dọc.
- Dạ! Để gấp rút đươn cho xong chục nóp(1). Nghe đâu, má Năm gởi tặng cho “Ban trồng tỉa, số 10”(2), gì... gì đó!
Nghe con gái nói, lão Bảy trầm ngâm.
Tiếng nước tràn bờ trong cơn mưa chiều xối xả.
Lão Bảy ngồi xếp bằng, hút thuốc, nhìn cánh đồng bên kia kinh Lagrange (3) nhuộm màu trắng xóa. Hình như, lão tư lự trong cái suy nghĩ lung lắm, thì phải!
- Vậy, tía cho con qua hồi lại với má Năm.
“Hồi lại, cũng có nghĩa là sớm mai, con Hai nó ở nhà”.
Lão Bảy lầm bầm trong sự chọn lựa:
“Xay lúa hay đương nóp? Việc nào quan trọng hơn?”
Tự hỏi, rồi lão tự giải đáp:
“Muỗi cắn (chích) năm ba đêm, chẳng nhằm nhò gì; bất quá mất tí máu, sưng mình mẩy. Nhưng, thiếu cơm gạo sẽ đói mờ con mắt, khổ vắt xanh xương. Mấy tay tổ ngoài thành vô bưng, chịu đời sao thấu!”
- Thôi, bây đi qua hồi lại với má Năm!
Mưa tạnh, năm sắc cầu vòng in nền trời sặc sỡ.
Hai Muộn xách nón lá, dợm bước ra ngài ngõ.
Lão Bảy gọi giựt lại:
- Bây nhớ nói: “Ở nhà phụ tía xay lúa trước mùa nước nổi, đàng mình (4) mới có gạo mà ăn!”
Nhìn dáng con đi, lão bồi hồi và chạnh lòng nhớ vợ - người vợ không bao giờ cưới. Bởi, bạc tiền đâu lão cưới! Mà cũng phải thôi, hồi nẳm, lão “nghèo rớt mồng tơi, nghèo phơi da thay áo”; quanh năm mưa nắng, thân lão chỉ độc cái quần xà lỏn che chỗ cần che. Ở đợ người, như là một nghề chuyên nghiệp và lão đinh ninh, đời lão hiu quạnh trong cái quạnh hiu thiếu vắng mái ấm gia đình. Thời may, Tư Mọn, con gái một của má Chín để ý, thầm thương lão. Những đêm sáng trăng Đồng Tháp Mười thanh vắng, cô Tư hay mang vác bàng ra bến nước giặt giũ và có lẽ tức cảnh sinh tình, nương gió, cô cất giọng hò gởi tới lão:
Chẳng tham nhà ngói lung linh
Tham về một nỗi anh xinh miệng cười
Miệng cười anh đáng mấy mươi
Chưn đi đáng nén(5), miệng cười đáng trăm
(Ca dao)
Vậy là, cô Tư thương lão vì “anh xinh miệng cười” cho dù, bạc nén cũng không thể sánh. Và rồi, lời gởi thương của cô Tư đã khiến con tim lão từ bấy lâu ngủ yên, giờ thức giấc lòng nôn nao dậy sóng.
Nhiều đêm trằn trọc trong cái nóp buồn hiu quạnh, lão nghĩ thứ dễ mất nhất của đời người chính là tuổi xuân và tuổi xuân, hoàn toàn thuộc về hạn định thời gian. Dứt khoát, lão không để tuổi xuân trôi qua vì mặc cảm phận nghèo khó!
Tháng Hai, ruộng trơ gốc rạ, Đồng Tháp Mười vào mùa tát đìa. Và, mùa tát đìa năm đó, nơi bến sông quê, chiếc ghe tam bản neo đậu lắc lư theo nhịp sóng của con nước lé đé liếm mạn ghe, Tư Mọn trao thân cho lão mà bất cần thông qua lễ cưới.
Tư Mọn thì thầm:
“Mạnh dạn lên anh! Thà em vì người em thương mà cho tất cả, đừng vì em mà anh quên phận làm trai thời loạn để tiếng đời mai mỉa cười chê!”
Nói xong, cô Tư chảy nước mắt.
Lão ôm cô Tư vào lòng, an ủi:
“Thôi em, đừng khóc!”
Cô Tư cười hạnh phúc, nói tỉnh rụi:
“Chảy nước mắt có chắc gì đã khóc và đã khóc, thì có chắc gì chảy nước mắt đâu anh!?”
Thương và hiểu tính nết con, má Chín chiều lòng Tư Mọn nên đành bấm bụng làm mâm cơm trình cúng gia tiên cho đôi trẻ nên vợ nên chồng.
Lão Bảy có tay nghề mần cối xay lúa và cũng nhờ có cối xay lúa, vùng tự do(6) có gạo ăn. Vì, Pháp ngăn không cho dân vùng tự do chở lúa ra vùng tạm chiếm(7) chà lúa bằng nhà máy xay xát. Nghề mần cối xay lúa chẳng những cực sức mà còn nhọc lòng. Bởi, vỏ cối phải được đươn như đươn cái cần xé bằng vật liệu từ cây tre hoặc cây trúc; đồng thời phải biết lựa đất sét thiệt tốt thiệt dẻo miệt Tân Hòa, Nhơn Ninh để trét và phải thạo trong việc chọn cây làm răng cối, thường là cây cà chất hoặc căm xe. Lão hay nói cà rỡn với vợ:
“Mần cối phải biết chẻ răng nếu không, xay lúa, gạo sẽ nát. Tui chẻ răng dở nên em sanh con hiếm muộn và may mà có đứa con gái, dù là con đầu. Thôi thì, vợ chồng mình cứ gọi đại nó thứ Hai tên Muộn cho gần gũi với tên Mọn của em!”
Những lúc nghe chồng nói vậy, Tư Mọn thương chồng quá chừng chừng, rồi liên tưởng tới hình tượng âm dương kết hợp cái thớt trên thớt dưới giống và chồng lên nhau, chỉ khác là khoét lỗ thớt trên để đổ lúa vào mỗi lần xay... Và, mỗi lần xay, thấy chồng lả mồ hôi lưng, Tư Mọn khẽ khàng khuyên:
“Ngưng đi mình!”
Lão khoái chí, cười:
“Mần cối xay lúa nuôi đàng mình chống Tây!”
Hóm hĩnh, lão nhại lại lời vợ nói trước lúc trao thân phận:
“... đừng vì em mà anh quên phận làm trai thời loạn để tiếng đời mai mỉa cười chê!”
Nhớ chuyện cũ, lão muốn kéo ngược thời gian quay về thuở người vợ hiền còn sống.
- Tía ơi! Má Năm qua phụ xay lúa với tía con mình!
Oang oang ngoài ngõ rào, tiếng Hai Muộn cắt đứt dòng hồi ức trôi chậm qua tâm trí của lão.
2.
Năm Mãnh phân bua với lão Bảy:
- Tui qua phụ anh xay lúa, xay xong lúa, anh sang giúp tui đươn gấp mấy chục nóp, nha!
- Thì, mình vẫn đổi công nhau vậy mà!
Lão Bảy mừng ra mặt.
Mượn gió, Năm Mãnh hì hục giê gạo lứt cho sạch vỏ lúa trước khi giã gạo trắng bằng cối và chày của cái cối giã gạo. Nghỉ mệt, Năm Mãnh kéo mí khăn rằn quấn tóc lau mồ hôi trán. Nhìn căn nhà trống hoác của tía con Muộn, chạnh lòng Năm Mãnh nhớ Tư Mọn - người bạn gái cùng trang lứa - tính khí nghĩ sao mần vậy và mần vậy, dám chịu dám mần.
- Dì Năm nó...!
Ngập ngừng, lão Bảy gọi.
- Gì, anh Bảy?
Có tiếng chim cu gáy trên vòm tre.
- Mời dì uống trà cho đỡ khát!
Không đợi Năm Mãnh lên tiếng, lão mồi ý thành tứ:
- Thời trẻ, dì có biệt tài tìm đất ổ mối và đất ổ mối, nhào nhuyễn dùng đắp phần mặt cối cho cả thớt trên thớt dười thì không có đất chi bằng.
- Thương tình chòm xóm, anh Bảy khen vậy! Cả làng nầy, ai nấy đều bái phục tài nghệ của anh chọn tre trúc bền chắc, dễ đươn vỏ cối.
- Dễ đươn, bền chắc sẽ chẳng ra gì nếu không có đất gò mối.
Nín thinh, Năm Mãnh ngó lên bàn thờ Tư Mọn.
- Dù đất trời có nóng lạnh, đất gò mối vẫn không bao giờ nứt nẻ!
Lão Bảy nói lời nhẹ êm và quyết đoán.
Tuổi quá nửa chừng xuân, Năm Mãnh chợt nghe lòng xao xuyến.
Trời ngã chiều!
Cố giấu cảm xúc xao xuyến, Năm Mãnh nói lãng sang chuyện khác.
- Anh Bảy! Hay là ngày mai, tui kêu mấy em ở “Ban trồng tỉa, số 10” tới giúp một tay giã gạo sàng gạo, nha!
- Việc kháng chiến bộn bề, rảnh đâu mà dì biểu kêu mấy em nó kêu tới giúp.
Hai Muộn dừng tay sàng gạo, xấn lời:
- Tía không biết đó thôi, mấy anh chị vừa công tác vừa mần mướn kiếm sống.
- Tía biết chớ chẳng không, nhưng...
- Nhưng, anh Bảy lo là lo mấy em không lấy tiền công, vì gạo mần ra để nuôi quân và dành phần ăn cho mấy em.
Hai Muộn biết má Năm nói trúng phóc tâm trạng của tía.
- Mỗi người ở “Ban trồng tỉa, số 10”, một năm vỏn vẹn chỉ được cung cấp một bộ quần áo bà ba vải đen và một cái nóp bàng để ngủ. Lương tháng một giạ lúa chưa giê sạch, nhưng mà tháng có tháng không. Do đó, mọi người trực tiếp vỡ đất khai hoang mần ruộng hoặc giúp dân để có thể tự túc cái ăn.
Năm Hạnh cắt nghĩa cặn kẽ.
- Mấy anh chị đó cực mà không khổ, lúc nào cũng vui trong tiếng cười tràn hy vọng!
Hai Muộn tỏ ra lém lĩnh và hiểu biết.
Thong thả, tía nói:
- Tuy phải sống trong nghiệt ngã của chiến tranh và lâm vào tình cảnh thiếu thốn của sự khốn cùng, nhưng mọi người không vì vậy mà “Điểm thạch hóa vi kim, nhân tâm do vị túc”.
Chồm tới, Hai Muộn hấp tấp hỏi tía:
- Nghĩa là sao, tía?
Năm Mãnh tài lanh hớt lời tía con Hai:
- Nghĩa là, biến đá hóa vàng, vẫn chưa thỏa mãn lòng tham con người.
Năm Mãnh khẳng định:
- Ở đây, dù có biến đá hóa vàng cũng chẳng lay động được lòng tham người trong làng.
Rồi, Năm Mãnh nói thêm:
- Bởi lẽ, ai ai cũng hiểu: “Tiếng người không cánh mà bay xa. Tình người không rễ mà bám chặt”.
Nghe má Năm nói, Hai Muộn nhớ lời má lúc còn sống: “Xưa nay, người làng mình đều giữ được điều cần giữ để làm người”. Tuy tuổi đời chưa là bấy, chỉ mới bén xuân thì; song Hai Muộn không phải là không biết “điều cần giữ để làm người” như một quy ước bất thành văn trong cái làng nghèo Nhơn Hòa Lập! Tự dưng cao hứng, Hai Muộn cất tiếng hò dưới bóng cây nắng râm màu đất mặt sân:
Tiền tài như phấn thổ
Nghĩa trọng tợ thiên kim
Con le le mấy thuở chết chìm
Người bạc tình bạc nghĩa kiếm tìm làm chi?
(Ca dao Nam Bộ)
- Hò vậy, mà bây có hiểu vậy không?
Lão Bảy chậm rãi hỏi con gái.
Hai Muộn cười giả lả, chưa biết phải trả lời sao với tía. Dì Năm đỡ lời:
- Mần mệt, con nhỏ nó hò cho khuây khỏa vậy mà, anh Bảy!
Nói thì nói vậy, câu hò Hai Muộn hò đã động lòng Năm Mãnh.
*
Thời con gái, Năm Mãnh đẹp nhất làng và vì đẹp nhất làng nên Năm Mãnh bị dập vùi trong cơn bão tố tình trường. Năm Mãnh từng thương một người và người đó, lấy đi đời con gái của Năm Mãnh trong cái đêm trăng sáng đình cúng Kỳ Yên. Rồi, người đó, lên tỉnh học và bỏ dì rơi tự do vào vũng lầy tuyệt vọng.
- Năm Mãnh! Mầy làm gì ngồi đây, y như người mất hồn vía?
Đang đội trên đầu, Tư Mọn liệng xuống đất, hỏi bạn.
Nhỏ lớn, Tư Mọn và Năm Mãnh là đôi bạn gái rất thân, thân đến đỗi như chị em ruột rà. Tư Mọn lớn hơn Năm Mãnh vài tuổi, song cả hai đều xưng hô “mầy - tau” đã thành thói quen.
Mắt ngân ngấn nước, Năm Mãnh thất thần, im lặng.
Nhìn bạn, Tư Mọn chột dạ và hình như, linh tính mách bảo sẽ có chuyện ghê gớm lắm sắp xảy ra.
- Sao mầy không nói gì với tau như tụi mình từng tía lia vui nói?
Tư Mọn thắc mắc lẫn trách móc bạn.
Ôm bạn, Năm Mãnh khóc và trút nỗi lòng...
- Mầy nói sao? Thằng đó, nó dám lấy đời con gái của mầy?
Trố mắt, tay chống nạnh, Tư Mọn tuông lời tức giận.
- Thôi mầy! Đừng nặng lời với người ta.
- Người ta! Người ta, cái con mẹ gì! Thứ đồ yêu quỷ!
- Mình cho, người ta mới lấy; nào phải người ta cướp giựt gì đâu.
- Vậy thì, mầy quên đi!
- Khỗ nỗi, càng cố quên lại càng nhớ!
Đắng lòng tâm trạng bạn, Tư Mọn chia sẻ và an ủi Năm Mãnh:
- Nếu, phải là của mầy thì sớm muộn gì rồi cái mất đi cũng sẽ quay về!
Thương và sợ bạn buồn quá, hóa điên dại tìm cái chết. Tư Mọn sang nhà tía má Năm Mãnh xin phép cho Năm Mãnh qua ngủ đêm, phụ gói bánh tét. Biết chuyện Năm Mãnh, má Chín khuyên nhủ: “Dù thất vọng hay bị tổn thương hoặc bị phản bội tình yêu, nếu trong lòng cháu vẫn còn giữ ngọn lửa tình yêu thì tình yêu sẽ đến!” Má Chín nhấn mạnh: “Bác đã trải qua và đã trải qua, bác mới có được đứa con gái là Tư Mọn đó!” Năm Mãnh nhẹ nhõm.
Đêm thâu khi trời khuya, hả dạ lúc cạn lòng!
Tư Mọn và Năm Mãnh khều than canh lửa nồi bánh tét. Bỏm bẻm, má Chín chợt nói thơ:
Tiền tài như phấn thổ
Nghĩa trọng tợ thiên kim
Con le le mấy thuở chết chìm
Người bạc tình bạc nghĩa kiếm tìm làm chi?
Rồi, má cắt nghĩa chuyện đời canh cơn buồn ngủ thức với thời gian.
- Người mình, xưa nay “Trọng nghĩa khinh tài”, dẫu rằng “Có tiền mua tiên cũng được”. Nhưng, tiên có bán đâu mà mua? Những thứ tiền mua được thì những thứ đó cũng chỉ là “bụi đất” khi “Tiền tài như phấn thổ”!
Têm thêm trầu vô ống ngoáy, má Chín nói chắc cứng:
- “Phấn thổ” là bụi đất và “Thiên kim” là ngàn vàng, nó đối lập giữa tầm thường và cao quý. Kẻ bỏ cao quý lấy tầm thường thì đâu đáng để cháu Hai kiếm tìm.
- Cháu đã... cho và thề nguyền: “Bướm ong bay lượn rộn ràng/ Em nguyền giữ tấm lòng vàng với anh” (Ca dao).
Năm Mãnh, rưng rức khóc.
Khen Năm Mãnh, trong nghịch cảnh vẫn biết giữ “tấm lòng vàng”, mặc cho ai đó “Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao” (Ca dao), má Chín trở giọng dỗ dành:
- Trong tình yêu, nếu thiếu vắng lòng chung thủy thì tình yêu kia cũng chỉ là sự háo hức nhứt thời ham muốn thân xác…
Lửa bén củi bếp nồng ấm dần theo lời dỗ dành của má Chín.
3.
Động tác đôi tay má Năm của con Hai kéo mạnh tràng quay cối sát thân mình rồi nhẹ nhàng đẩy ngược trở ra, lão Bảy tưởng đó là động tác đôi tay má đẻ con Hai, ngày trước. Và, hình như, lão nghe đâu đây có tiếng kêu “ù ù” phát ra từ cái thớt cối trên quay tròn đều đều lên thớt cối dưới do đôi tay thuần thục kéo đẩy của vợ.
Lão nhớ lại, buổi sáng: Buổi sáng cuối cùng...
- Lát nữa, mình đem con gởi dì Năm rồi hãy đi đắp cản!
Dặn vợ xong, Bảy Chờ vắt áo vai, bước vội ra ngõ.
Hồi nầy, phía sông Vàm Cỏ Tây vô Đồng Tháp Mười, dân trong vùng hợp sức đắp đất từng đoạn kinh Dương Văn Dương từ vàm Tuyên Nhơn tới chợ Kiến Bình nhằm cản tàu giặc Pháp. Do vậy, người tại chỗ thường gọi đi “đắp cản” chớ không gọi là đi “đắp cảng”. Không khí đắp cản náo nhiệt và sội động, bất kể cái chết có thể cận kề do máy bay của Pháp thỉnh thoảng bắn phá.
- Đàn bà có con còn nhỏ, ai cho mình đi đắp cản?
- Ăn thua mình thu xếp, năn nỉ chắc bà con cũng thuận tình thôi!
Tư Mọn lựa lời thuyết phục chồng:
- Cỡ như cụ Phan Văn Chương(8), mà còn lân lội tới đây để được ‘Chung lưng đấu cật’ với mọi người chống Tây. Em người tại chỗ, chẳng lẽ, chắp tay sau đít đứng nhìn!”
Đuối lý, Bảy Chờ hỏi vợ:
- Ý mình, muốn sao?
- Ý em, muốn tham gia cùng chị em đắp cản!
- Mình đi đắp cản, con của mình thì mình tính sao?
- Thì, em gởi con cho dì Năm trông coi giùm!
*
Nhơn Hòa Lập và vùng đất phía sau Nhơn Hòa Lập là Hậu Thạnh, trở thành căn cứ kháng chiến - Thủ đô bưng biền - một “Việt Bắc Nam Bộ”! Và, nơi đây, Bảy Chờ “nông dân trất” được thân quen, làm việc chung với những họa sĩ tài danh vẽ tiền, như Huỳnh Văn Gấm, Trần Ngọc, Lê Ba... thợ khắc Bùi Văn Trừng; thợ cơ khí Ba Gia, Lê Văn Xinh; thợ làm bản kẽm Dao Cẩm Thiếm; cùng nhóm thợ in offset như: Đinh Văn Quý, Lê Thân, Hoàng Ngọ, Nguyễn Văn Thông, Đinh Nhân Quý...(9).
Những lúc rảnh tay, trà dư tửu hậu, chú Sáu kể cho đám em cháu hậu sinh biết tại sao có đồng “tiền đắp nền”, và “giấy bạc Cụ Hồ”(10) ở Nam Bộ. Chậm rãi, chú nói theo từng hớp rượu lai rai:
- Tây chơi trò bày binh bố trận vây ráp và mong muốn đánh sập kinh tế vùng kháng chiến, bằng cách ngưng xài các loại giấy bạc Đông Dương có mệnh giá lớn do phát xít Nhật buộc Pháp phát hành trong thời kỳ Đông Dương bị phát xít Nhật chiếm đóng.
Ngưng chốc lát, chú Sáu nói tiếp:
- Tây nó quy định, sau ngày 10/2/1948, các loại giấy bạc do Đông Dương ngân hàng phát hành sẽ vô giá trị và phải đổi giấy bạc mới in từ nước Anh chuyển sang.
- Vậy, là đàng mình khổ rồi!
Tiếng ai đó tặc lưỡi, chêm lời.
- Mắc mớ gì đàng mình phải khổ?
Chú Sáu cười ngất:
- Y như rằng: “Cái khó nó ló cái khôn”!
- Khôn ra sao, chú Sáu?
Bảy Chờ hỏi cho ra lẽ cái khôn.
- Anh Ba(11) nêu ý kiến với Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam Bộ, là đóng dấu “Ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh” lên mặt các loại tờ giấy bạc Đông Dương mà Pháp cấm lưu hành!
Nhâm nhi hương rượu nếp, chú Sáu nói tiếp: “Để tiện cho người sử dụng đồng tiền, tờ giấy bạc được chính quyền tỉnh huyện tới làng xã đóng dấu và đôi khi có chữ ký của người đứng đầu ở địa phương, hoặc đóng thêm khẩu hiệu tuyên truyền. Một số nơi, như: Mỹ An, Thiên Hộ, Gãy Cờ Đen... lập bàn đóng dấu giấy bạc cho dân”.
- Thối tiền lẻ, mần sao thối, hả chú?
- Quán bao lần thối tiền lẻ cho tụi bây. Vậy mà, tụi bây còn hỏi đánh đố!
Bọn trẻ cười rôm rả.
Chú Sáu nói thêm:
- Nhắm chừng xé tiền thối, xài với nhau.
- Trời đất, hay hết biết!
Anh em nhao nhao kêu lên.
- Bà con đàng mình gọi đó là giấy bạc “tiền đắp nền”. Đó là phương cách Việt Nam hóa giấy bạc Đông Dương”(12).
Như thường lệ, Bảy Chờ ghé quán Tư Thục ăn lót dạ mấy củ khoai lang có khi là khoai mì loại chạy nước trồng ba tháng, uống tách trà, rồi mới vô “Ban trồng trọt, số 10” phụ việc chú Sáu Hộ. Nghe đâu, chú Sáu từng là thầy dạy khắc đá, chạm đồng nổi tiếng khắp Đông Dương đã bỏ trường Mỹ thuật Gia Định vô Đồng Tháp Mười tham gia kháng chiến. Bảy Chờ bái phục sát đất những con người có học đàng hoàng, có địa vị lẫn gia sản đồ sộ ở chốn thị thành và có khi, còn mang quốc tịch Tây... Vậy mà, những con người đó, tự nguyện liệng tất cả để quay về với đồng bào của mình.
Nghiệm lại, Bảy Chờ thấy vợ nói quá đúng: “Kẻ phương xa còn lặn lội tới xứ mình chống Tây, em người tại chỗ, chẳng lẻ, chắp tay sau đít, đứng nhìn”!
Miên man suy nghĩ, Bảy Chờ không để ý chú Sáu Hộ đứng trước quán Tư Thục. Chú Sáu nói trỏng vô:
- Chú em! Qua quán bà Ba, ăn cháo cá rau đắng đất.
Hớp vội tách trà, Bảy Chờ cầm củ khoai mì đang ăn dở, lật đật chạy ra cửa.
- Bữa nay, dì Ba đãi cháo cá rau đắng đất để mấy anh em làm luôn ca đêm.
Vừa đi, chú Sáu vừa nói.
Bảy Chờ nghĩ: “Có lẽ, người làng làm theo lời dạy của ông bà: Tiền giữ sắc, tình giữ tâm. Thời gian bào mòn sắc, vun đắp tâm. Hiểu vậy, nên người làng sống chung tình với nhau dù phải ra sức in tiền, chống lại sự bao vây kinh tế của đối phương”. Bảy Chờ vững tin: “Người làng chọn tình giữ tâm, thì có khác chi ‘Ba năm quân tử trồng tre/Mười năm uốn gậy đánh què tiểu nhân’!” Quán dì Ba, quán ven đường, và không ai không thuộc lòng câu thiệu ghi rành rành trước cổng quán:
Ai đi công tác đường xa
Dừng chân ghé quán dì Ba đỡ lòng
Chú Sáu thường nói với anh em:
Đói cơm hơn kẻ no rau
Khó mà quân tử, hơn giàu tiểu nhân
(Ca dao)
Lời lẽ vậy, cho nên anh em trong “Xưởng in tiền” dù “Gần tiền mà chẳng hôi tanh mùi tiền”!
Bưng chén cháo cá húp dở dang, bỗng dưng Bảy Chờ nao nao chột dạ. Dì Ba hỏi:
- Sao vậy, Bảy!
- Dạ! Sáng nay, con thấy trong bụng hơi buồn buồn, đâm ra lo lo...
*
- Trưa, mầy chắt nước cơm cho con nhỏ uống thay sữa giùm tau!
Tư Mọn nhắc chừng Năm Mãnh.
- Thì, cũng như mọi lần có gì khác, sao lần nầy mầy phải dặn?
Tay dắt cháu Hai Muộn đi lẫm chẫm, Năm Mãnh cười cười, nhắc khéo chị Tư Mọn:
- Chị em mình, tuổi như bóng nắng sắp ngã bờ mương mà cứ gọi “mầy mầy - tau tau” hoài, nghe mắc cỡ chết!
- Biết vậy, nhưng quen miệng rồi, dì Năm con Hai nó ơi!
Tư Mọn bẻn lẻn, nói chống chế:
Ngoài đường cái, anh chị em dân công mang vác cuốc, xẻng, len...; nói chuyện râm ran, đang nườm nượp đi xuống ngã ba Tuyên Nhơn đắp cản kinh Dương Văn Dương.
Lận lại búi tóc, Tư Mọn quàng cái khăn rằn rách vạt qua cổ.
- Tía con Hai, rầy rà chị miết về lời ăn tiếng nói bổ bả, thô kệt đó!
Tư Mọn nói như tự trách:
- Chị Tư sửa mà chưa được đó, dì Năm!
Rồi, Tư Mọn quả quyết:
- Nhứt định, lần nầy, chị sửa được!
Năm Mãnh nắm tay chị Tư:
- Bổ bả mà thẳng thắn, thô kệt mà chơn tình, thì lời hoa mỹ sao bì kịp!
Cúi xuống ôm con vào lòng, Tư Mọn hôn lấy hôn để. Nựng con, Tư Mọn nói:
- Má đi, rồi má về! Ở nhà ngoan với dì, đừng nhỏng nhẻo, khóc, nha con!
Mắt rưng rưng, Tư Mọn buông con ra, hấp tấp bước nhanh qua ngạch cửa, giấu nỗi xúc động.
- Dì Năm nó! Chị có bề gì, thì em thay chị...
Gió sớm giựt mái lá, Năm Mãnh nghe tiếng đặng tiếng được của chị Tư Mọn.
4.
Mười năm trôi qua...
Từ buổi sớm mai Tư Mọn cùng một số dân công bị máy bay Pháp bắn chết trên bờ đất đắp cản kinh Dương Văn Dương, và dì Năm đã làm mẹ đúng nghĩa đối với Hai Muộn, chỉ trừ không thể thay chị Tư...
Mười năm bom đạn và đình chiến!
Chiều nào, không vắng chiều nào mà lão Bảy không dắt con gái ra bến sông xưa, nơi ngày cũ, người vợ chưa bao giờ cưới đã cho lão nếm vị ngọt tình yêu đầu đời.
Mười năm, mười lần ngày giỗ Tư Muộn, cũng là ngần đó thời gian dì Năm thay người chị em bạn nuôi con bạn như con đẻ. Hai Muộn, coi dì Năm là mẹ và gọi dì bằng tiếng gọi má Năm! Lão Bảy, chịu ơn sâu nghĩa nặng dì Năm Mãnh, song ân tình của dì Năm thì lão mang vác trên vai chớ không dám gìn giữ nơi trái tim mồ côi vợ; dù rằng, năm dài tháng rộng lão gần gũi và hiểu tính nết dì Năm, như “Gần nước biết tính cá, gần núi hiểu tiếng chim”(13).
Bâng khuâng, nhiều lúc Bảy Chờ bâng khuâng nhìn xuống tờ giấy tiền đắp nền và chợt nhớ lời chú Sáu có lần nói: “…Tiền đắp nền là sự thể hiện niềm tin của đồng bào đối với kháng chiến, và niềm tin của đồng bào đặt lên đồng tiền chính là sự bảo đảm lớn nhứt cho các loại đồng tiền lưu thông, giá trị của đồng tiền càng vững chắc khi niềm tin của đồng bào vào đồng tiền càng lớn…”.
Thiệt ra, làm sao Bảy Chờ không hiểu được tình yêu của Năm Mãnh; song mỗi lần đối diện với Năm Mãnh, lòng Bảy Chờ lâng lâng và chập chờn bóng dáng người vợ hiền như đang lẩn khuất cận kề bên. Từ sâu thẳm tâm hồn, tình thầm lặng của Năm Mãnh dành cho Bảy Chờ mãnh liệt bao nhiêu, thì nỗi nhớ nhung của Bảy Chờ đối với Tư Mọn càng mãnh liệt gấp bội lần và nó cũng giống như, mỗi lần đóng thêm con dấu lên tờ giấy bạc là thể hiện thêm tình của đồng bào dành cho tiền đắp nền. Việc đó, chẳng gì Năm Mãnh “đắp thêm nền” cho Bảy Chờ yêu thương và nhớ Tư Mọn khôn nguôi.
“Gà trống nuôi con” khiến ai nấy ở Nhơn Hòa Lập đều mủi lòng và thương cảm tình cảnh Bảy Chờ.
- Bảy! Hay là, chú em bồng con theo “Xưởng in tiền” về rừng U Minh, miền Tây Nam Bộ(14).
Chú Sáu mấy lần thúc giục Bảy Chờ.
Đầu mùa khô, Kỷ Sửu (1949), quân viễn chinh Pháp dốc toàn lực xe bọc thép lội nước, lực lượng nhảy dù thọc sâu đánh phá trung tâm đầu não kháng chiến Nam Bộ ở Đồng Tháp Mười. Sau trận giặc càn, “Thủ đô bưng biền”(15) dời cứ xuống U Minh. Đêm chia tay, chú Sáu ghé thăm Bảy Chờ.
- Bảy! Hay là, ...
Ngập ngừng, chú Sáu bỏ lững lời.
Có tiếng ai nói lối bên kia bờ kinh:
Bèo hợp rồi tan
Trăng tròn lại khuyết...
Đêm mênh mông, buồn!
- Hay là, chú em “Tình đắp nền” với Năm Mãnh!
Im lặng. Bảy Chờ dán mắt vào bóng tối.
- Bông hiếm và đẹp chỉ trổ muộn, nghịch mùa. Năm Mãnh là loại bông đó!
Thiệt lòng, chẳng phải Bảy Chờ không biết hay không muốn điều mà chú Sáu nói. Nhưng, khốn khổ là cái chết thương tâm của người vợ xuất phát từ tấm lòng yêu xứ sở đã chạm tới mức đau thấu tâm can của người chồng. Bảy Chờ không thể nào quên Tư Mọn! Và, cũng vì vậy, Bảy Chờ không thể đem cái tình đắp thành nền hạnh phúc cho Năm Mãnh. Thôi thì, thà để yên cho nhau và quý trọng nhau!
Bảy Chờ tâm sự, chú Sáu ngộ ra nhiều điều mà với tuổi đời của chú, từ lâu, chú cứ ngỡ đã hiểu thấu mọi ngóc ngách ở đời. Chú liên tưởng tới “Tiền đắp nền”, hẳn là, sự thể hiện niềm tin của đồng bào đối với kháng chiến và đồng bào, sẵn sàng đem niềm tin làm nền cho đồng tiền kháng chiến lưu thông chống lại quân Pháp xâm lược. Rõ là, kháng chiến không bỏ dân thì dân không bỏ kháng chiến!
- Không đâu! Không đâu, má Năm là má Tư của con...
Ngủ mớ, Hai Muộn nhừa nhựa lời như sương dùng dằng lúc nửa đêm về sáng.
Bến sông, ánh đuốc loang loáng mặt nước, đoàn quân chuẩn bị cuộc lui ghe qua xứ khác.
Bịn rịn, Bảy Chờ tiễn chú Sáu một đoạn đường quê.
- “Tình đắp nền”, nếu tình không xuất phát từ trái tim chân thành thì nền kia, chỉ là nỗi cô đơn và khổ lụy nhau!
Bảy Chờ, nói với chú Sáu như vậy lúc chia tay.
Trời khuya, tiếng mõ sang canh cuối của đêm.
5.
- Dì Năm nó! Nán lại, ăn cơm với con Hai.
- Thôi anh Bảy, tui dìa! Kẻo trời tối, người ta dị nghị.
Năm Mãnh lấy khăn rằn lau mồ hôi mặt, sau khi sàng xong mẽ gạo chót giúp tía con Hai Muộn.
- Tía! Con qua nhà má Năm, sớm mai con dìa!
- Ý! Hổng được đâu con. Đừng bỏ tía con một mình!
Lão Bảy cười, hối con Hai:
- Đi đi con! Đi với má Năm, cho vui.
Hàng cau già lả ngọn. Tần ngần, lão nhìn dáng hai má con khuất dạng trong bóng chiều vàng vọt nắng.
Rùng mình, bất giác lão cảm nhận hình như Tư Mọn thì thầm:
“Tình đắp nền, đó mình!”
T.B.Đ
(TCSH367/09-2019)
--------------
(1) Nóp được đương từ cọng bàng thành cái bao đệm may kín, chừa miệng theo chiều dài áng chừng hai mét; là vật dụng để chun vô ngủ tránh muỗi.
(2) Mật danh của “Ban ấn loát đặc biệt” (Cơ sở in tiền kháng chiến Nam Bộ), do Kỹ sư Ngô Tấn Nhơn, Bộ trưởng Bộ Canh nông, phái viên Chính phủ cử vô Nam làm Trưởng ban.
(3) Sau đổi tên là kinh Dương Văn Dương (Dương Văn Dương 1900 - 1946, thủ lĩnh lực lượng Bình Xuyên kháng chiến chống Pháp 1945 - 1946. Tại ấp Hồ Sen, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre; ông bị máy bay Spitfire của Pháp bắn chết ngày 20/2/1946, nhằm ngày 19 tháng 1 năm Bính Tuất và cũng có tài lệu cho rằng, ông tử trận vào mùng 6 Tết Bính Tuất, tức ngày 7/2/1946).
(4) Cách gọi của dân đối với những người kháng chiến.
(5) Tương đương 378 gr (đơn vị đo khối lượng ngày trước). Một nén bằng 10 lạng, 1 lạng bằng 10 đồng.
(6) Vùng do lực lượng kháng chiến kiểm soát.
(7) Vùng do quân viễn chinh Pháp chiếm đóng.
(8) Đốc phủ sứ Phan Văn Chương, Đô trưởng Sài Gòn - Chợ Lớn.
(9) Theo lời kể của cụ Trang Sĩ Liêm, zGiám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước CHXHCN VN tại TP.HCM.
(10) Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký sắc lệnh SL 102, ngày 1/11/1947, chuẩn y cho Nam Bộ in và phát hành giấy bạc Cụ Hồ.
(11) LS Nguyễn Thành Vĩnh, Ủy viên UBKCHC Nam Bộ.
(12) Tiền đắp nền được lưu hành trong vùng kháng chiến khoảng 4 năm (1948 - 1952).
(13) “Cận thủy tri ngư tính, cận sơn thức điểu âm”, Tăng Quảng Hiền Văn.
(14) Sông ngòi, kinh rạch chằng chịt như mạng nhện. Rừng U Minh Thượng - Hạ, dọc từ An Biên, Rạch Giá tới sông Bảy Háp (thế liên hoàn từ Bạc Liêu qua Rạch Giá). Địa hình hiểm trở, với những lõm rừng tràm trầm thủy, bùn lấp, lội sụp chân tới ngực. Rừng tràm dày đặc, các loại dây dớn, dây choại... lấp phủ mặt đất.
(15) “Thủ đô bưng biền” Đồng Tháp Mười (1946 - 1949).