Truyện ngắn
Bản nhân
09:09 | 27/11/2019

PHẠM NGỌC TÚY

1.
Tám mươi bảy tuổi, bà rên rỉ, chép miệng suốt ngày. Giọng nói còn tốt, đầu óc chưa lú lẫn, nếu không có cô cháu gái một hôm ghé xuống nhà thăm phát hiện ra bà đau nằm một chỗ, thỉnh thoảng hay lên về bới xách không biết sẽ còn chuyện gì xảy ra nữa?

Bản nhân
Minh họa: Ngô Lan Hương

Không thể tưởng tượng bộ xương cong queo giữa đống quần áo và chăn màn ngổn ngang, còn có thể một ngày gượng dậy lên xuống nhà tắm rửa được, trừ những khi quá yếu không làm chủ được bộ máy tiêu hóa. Hàng ngày có khi bà tự xuống nhà bếp nấu cơm. Cơm của người thuê nhà bà không nuốt nổi. Bộ xương người di động trong căn nhà rộng lắm cột kèo. Từ ngày bà bị té ở nhà ngang tuy chưa đến nỗi nằm một chỗ nhưng không còn đủ sức lau chùi bàn thờ, quét dọn nhà cửa.

Căn nhà rường đẹp đẽ lắm cột kèo này vốn của ông bà ngoại Diệu. Đất vườn, nhà rường, nhà ngang cọng lại chừng ngàn mét vuông. Bà ngoại Diệu là cháu gái một ông hoàng, chồng làm quan triều Nguyễn. Ông ngoại qua đời sớm, kế đến là cậu thứ hai lớn lên Diệu không biết mặt. Cụ có bốn đứa con, hai trai hai gái. Trai trưởng sống ở Bắc (sau hiệp định Genève ông cậu ở luôn Hà Nội), Diệu chỉ biết qua những lá thư cậu gởi cho anh họ ở Đà Nẵng qua đường Bưu Điện Pháp. Mỗi lần cùng mẹ vào thăm anh chị Ân (là anh ruột của Diệu) ở kế nhà anh họ, họ lại được đọc thư cậu. Mẹ Diệu là con gái út. Mẹ hay kể chuyện thời thanh xuân với Diệu, cả chuyện hai ông cậu hay cho mẹ rượu sâm banh khi mẹ sanh con. Mẹ Diệu học trường Đồng Khánh đến hết lớp năm thì ông ngoại bảo ở nhà. Mẹ là đứa con gái út được cưng. Mẹ biết đàn tranh và thích nghe ca Huế. Những buổi dạ tiệc ở Tòa Khâm hai ông anh mang mẹ theo, yến tiệc trong Đại Nội ông ngoại mang mẹ theo. Những đêm rằm thưởng trăng trên sông Hương với người bạn và giọng ca của cô Minh Mẫn. Diệu nhớ như in hình bóng nhỏ bé của bà ngoại ngồi sập gụ ở nhà trên. Ngày Tết mấy anh chị em và cha mẹ về mừng tuổi bà, bà cho mỗi đứa một trái táo đen, một miếng hồng khô đã ướp rất ngon. Tuổi già của bà sống nhờ tình cảm của đứa cháu nội đích tôn là anh T, chồng chị Lê. Bà luôn có bên mình một âu đồng đựng cau trầu và một giỏ mây cạn đựng nho, táo. Tuy có mười một đứa cháu ngoại bà nhớ tên từng đứa, kêu luôn cả chữ lót không sót đứa nào. Ai ở dưới làng lên thăm bà khi về trời mưa bà bảo mụ Ấm (người em con bạn dì) ở với bà nấu cơm cho ăn, dặn họ chặt tàu lá chuối sứ đội về tránh mưa.

Cuối đời - có lẽ giận con gái quá kĩ tính - bà ngoại lên ở với cha mẹ Diệu một thời gian dài, rồi như linh tính có sẵn, bà trở về nhà cổ của mình và rồi mất. Là người sạch sẽ, ăn uống điều độ, vô bệnh, bà qua đời vì tuổi già. Tuổi Diệu năm ấy mới mười tám. Anh họ của Diệu về lo đám bà nội. Các cỗ bàn đám ma trong mười ngày mẹ Diệu và chị Lê - người cháu dâu - thuê người nấu và sửa soạn. Bà dì - mà bà con vẫn gọi là Thơm chị, mẹ Diệu là Thơm em, không mó tay làm việc gì.

Từ thuở còn trẻ bà đã có máu làm tiền, không thích đọc sách, chưng diện và đi chơi như mẹ. Họ bán chiếc Mercedes và căn nhà nhỏ ngăn nắp sạch sẽ ở quận Phú Nhuận chuyển nhà ra Huế - theo lời kêu gọi của bà ngoại Diệu. Bà có một niềm đam mê duy nhất: vàng. Cái thứ hai là nữ trang. Cái thứ ba là nấu ăn. Sau này ký ức của Diệu vô cùng sống động khi nhớ đến dì. Ngày tết gói bánh chưng với tỉ lệ mười lon nếp ba lon đậu xanh, giây cột ngay ngắn từng múi lạt. Làm mứt gừng, nấu chè kê, nấu chè hạt sen hay làm bất cứ món ăn nào đều dùng lửa than. Chỉ có cơm là dùng lửa củi. Gạo thì thường là gạo de An Cựu; vùng đất đó đặc biệt trồng gạo de, thứ gạo nấu cho vua ăn, hạt gạo chín rồi còn nguyên không nát. Gạo nấu trong nồi đồng, thứ nồi một khi cơm vừa chín tới chỉ dùng đũa sế một lần, ăn với muối mè cũng ngon. Bà mua tôm về tự tay lột vỏ, ngâm tôm trong nước muối trước khi vớt ra, dùng khăn sạch vắt khô để quết chả. Nước vo gạo lóng lại nấu cơm cho gà. Cơm gà bà mua thứ gạo ruộng bán rẻ. Ngày Tết nấu bánh chưng bằng lá chuối khô. Không biết do cẩn thận hay quá kĩ tính, bà phơi khô: vỏ cam, vỏ quýt, vỏ thanh trà, xác chè tươi đổ trong bình tích ra để cho vào bếp nấu cơm. Từ bẹ chuối xắt cho gà, đến tàu lá chuối sứ chặt bó đi bán, lá ổi thì quét chụm… Ông dượng không sống thọ, ông qua đời vì chứng ung thư vòm họng hai năm sau. Khi chồng và mẹ già còn sống, ngôi nhà chưa đến nỗi hiu quạnh. Ngày hai người ấy mất, chỉ còn lại mình bà với bảy con mèo.

Thống nhất đất nước. Những người anh em con cậu Trưởng vào Huế ghé thăm hai bà cô (dì của Diệu và mẹ của Diệu). Cậu ruột ra đi ba chục năm nay trở về. Mẹ và Diệu vui mừng xuống thăm. Sau phút mừng tủi cậu nói: “Dì không cho tui được một nụ cười, sau ba mươi năm không thấy mặt”! (Ám chỉ dì của Diệu). Bà dì... đi bộ sang chợ An Cựu, chỗ người em họ làm chủ một tiệm xe đạp lớn, mua cho ông một chiếc xe đạp. Ông không chỉ vào Huế một lần, ông vào ra nhiều lần để bán căn biệt thự của mình bên kia đại lộ Nguyễn Huệ.

Chút sáng suốt còn lại trong những năm cuối đời khi còn mạnh khỏe, bà chia cho năm đứa cháu trai, hai đứa cháu gái (cháu gọi bằng cô ruột), mỗi đứa hai cây vàng, giao cho ông anh họ ở Sài Gòn đem vào. Bà cho con của ông anh thứ hai, người chết trẻ nhất trong hai người anh của mẹ Diệu được bà thương.

Trừ Diệu.

Bà nhờ cô cháu viết thư sang Mỹ, dục ông cháu nội đích tôn về gặp, thư trả lời như sau: “Thưa cô, mọi việc ở nhà nhờ cô nói với em Diệu, Diệu sẽ viết thư cho chú Phác ở Sài Gòn, cháu chưa về được. Cô đưa cho Phác sáu cây để lo hậu sự. Vài hàng cháu kính thăm cô sức khỏe”. “Nói với thằng Phác? Thằng đó vô tâm lắm, biết chi chuyện thờ cúng”! Nói với Diệu ư? Làm di chúc ư?

Tuy vậy có lúc bà cũng động lòng vì sự bới xách của cô. “Bây giờ dì mới biết, khi già người ta cần có một người”. Còn ai lui tới, đút cho bà từng muỗng cháo trong cơn bạo liệt sau cú ngã ở cửa buồng tắm. Còn ai gần gũi ngoài cô ta, cô giặt cho bà từng cái áo cái quần, lau rửa mình mẩy cho bà trong tháng ấy. Có lần bà nói: “Mẹ con sướng hơn dì, mụ nớ ăn rồi đi chơi, không làm việc như dì”. Con mèo hóa ra ăn sướng và ăn ngon hơn chủ. Chủ nó chỉ nếm một tí rồi đổ cho mèo.

Trong bóng hoàng hôn nhập nhoạng, hình hài nằm đó, khô đét, quắt queo. Diệu nói: “Hay là dì đi khám bác sĩ, mỗi bữa ăn một chén cơm làm sao khỏe được”. “Buồn lắm cháu ơi, ai chở dì đi”. “Cháu gọi xích lô chở dì đi”. Bà không đi. Bị té ở ngưỡng cửa buồng tắm lần thứ nhất, bà gượng lại được, lần thứ hai, bà không gượng được nữa. Dù có thể gượng xuống nhà dưới tắm rửa, bà cũng phải nằm mất một tháng.

2.

Diệu nhớ rõ ngày cậu Trường vô Huế. Một người da nhăn, mũi thẳng, vầng trán rộng, tóc bạc, gầy, cao song không lụ khụ. Cậu là người viết cho mẹ hàng chục bức thư sau ngày thống nhất. Mẹ đọc đến lá thứ tư thì không đọc nữa. Bà không ném vào thùng rác mà đưa cho em gái Diệu. Diệu bận đi dạy tối ngày ở trường huyện, cô không đọc cũng thừa biết nội dung. Thư nào cũng tràng giang đại hải (vốn ông cậu có bằng Cử nhân Luật). Mẹ Diệu nói: “Mình thì lương hưu không có, bán đồ cũ để ăn, mà anh thì cứ nói chuyện trên trời”!

Mẹ và cậu Trường nhiều lần bàn chuyện với bà, nên gọi cô con riêng của chồng ngoài Bắc vào, của chồng công vợ, chị nên mua cho nó cái nhà. Thư đi tin lại, người trung gian vào ra là ông em bên chồng. Bà đưa thư cho Diệu đọc, sau vài lời khách sáo hỏi thăm là “...con giao hết tiền chợ cho mợ đi chợ, tiền của mợ cũng như của con...”. Bà dì vốn nổi tiếng sắc sảo “xì” một tiếng. “Lương chỉ có một trự sứt mà đòi giao tiền chợ! Hừ, sao nó khôn thế! Của mợ cũng như của con”! Chị Sáo vào, người tầm thước, hay cười. Người chồng vào sau, Dung xưng hô với họ là anh chị. Anh Sáo gốc người Nghệ, cùng quê với dượng Thơm. Chừng như bao nhiêu sức chịu đựng, tánh cần cù và nhẫn nại cùng trí thông minh tập trung vào con người ấy. Anh viết Giáo học pháp, dạy trường Sư phạm Vinh bây giờ được điều thẳng vô Huế. Làm việc đến 12 giờ khuya, sáng anh dậy đạp xe đi dạy cùng với chị, chị gốc giáo viên cấp 2 nay phụ trách công đoàn. Nói gì thì nói, anh con rể của bà dì là người còn để lại cho Diệu một hình ảnh đẹp. Cậu Trường là người nhiều lần bảo mẹ bán nhà vào Nam. “Cô nên đi đi. Đừng ở lại đây”. Anh trai Diệu cũng viết năm bảy lá thư bảo mẹ bán nhà vô Nam. Ngày mẹ bán nhà đi, mẹ Diệu gởi con gái lại cho dì mặc dù cô có tiêu chuẩn dạy học lương tạm đủ sống. Tuy ăn cơm chung không mấy khi bà dì tốt bụng để dành những món ngon, nóng sốt. Bà nói với cô: “Người ta nói, sẩy mẹ có dì. Tiền, chớ dì cháu chi”! Nó là cháu ngoại mà lại là cháu gái. Bà không ghét cô, không ưa cô vì cô là hình ảnh của mẹ.

Mẹ để lại cho Diệu một số đồ đạc như tủ, giường. Soong, nồi của mẹ để cho Diệu, chị Sáo lấy dùng. Diệu đạp xe mỗi ngày mười mấy cây số về nhà mệt nhoài. Ngày chồng Diệu xuống chở đồ lên, chị đứng trong cửa vừa nói vừa cười: “Ừ, chở hết đi”!

Tuy nhiên anh Sáo là người tốt. Mẹ bảo vậy. Anh xin cho chồng Diệu về gần nhà. Chị Sáo càm ràm: “Ăn rồi cứ đạp xe cung cúc đi xin cho người ta”. Diệu nghĩ cô sẽ nhớ anh suốt đời, hình ảnh một con người nhũn nhặn, khiêm tốn, nhỏ nhẹ, đạp xe qua Đập Đá nộp đơn xin nghỉ dạy cho cô khi cô bị cúm nằm một chỗ. Ngày ấy chồng Diệu chưa cưới Diệu, chưa làm lễ hỏi và hai người dạy hai trường khác nhau. Thấy Diệu li bì nằm mãi anh tự động viết đơn rồi đi nạp cho ông hiệu trưởng, một người nổi tiếng là khó tính... và khó chịu bởi cái vẻ ngoài thong dong, tiểu thư của cô.

Cậu Trường một hôm về Huế bảo dì Diệu dọn lên nhà bà em - bây giờ nhà mẹ Diệu nhà của bà dì đứng tên. Ông nói: “Cô là con gái đã xuất giá, cô dọn lên nhà cô. Tôi con trai, tôi phải ở lại nhà thờ”. Bà tức anh ách. Vốn ghét sẵn bà em dâu, ăn rồi đi chơi, đi thăm bà con, ông anh đã bảy mươi còn đi chợ, nấu nướng, giặt giũ… (ủa, đàn ông cũng phải ăn chứ) mà với đàn ông Bắc, rất giỏi chuyện đời thường: xếp hàng mua gạo, mua thịt, nấu cơm, bới cho vợ đẻ ở nhà thương… Huống hồ ông là đàn ông Huế. Bà làm sao chịu nổi.

Ngôi nhà của bố mẹ để lại bà đã tốn công sơn quét, sửa sang, đời nào bà chịu nhường. Bà không tin ông bán nhà này để mua một ngôi nhà thờ khác trong Nam. Ông đã xin vô hộ khẩu nên mặc nhiên coi mình là chủ nhà. Ông chiếm hữu hoa lợi trước đây thuộc về bà. Một cây khế, hai cây ổi tám tháng, ông nhờ cô em họ nghèo ở gần đó tới hái bán. Chiến tranh nhà thờ nổ ra. Họ xưng hô “mi, tau”. Bà nói: “Mi đi ba mươi năm chừ về đòi bán nhà thờ, đòi đổ lư hương bát nước của ông bà để lại. Mi phá hết để theo con nớ!” Ông quát: “Mi câm, tau ở nhà cha mẹ, đồ đạc của tau còn đó, nhà ni tau sửa hồi 42, bản vẽ tau thuê thợ vẽ. Ai chiếm của ai? Mi có nhà rồi tại sao mi không lên? Ai cho mi thờ ông bà gia, thờ chồng mi ở đây. Tau không cho phép mi lộng hành”. Hai hôm sau ông kêu cô con nuôi, lâu nay vẫn ở nhà của cha mẹ Diệu - bây giờ đã bán cho bà - xuống đem ba cái bàn thờ đi. Hai người nhìn nhau như hai kẻ thù. Ông đem ở Bắc vào giống hồng trứng, trồng hai cây hồng. Tạm thời giải quyết lương thực ông trồng rau ăn. Mỗi bữa ông hái mười ngọn rau non nấu với mì chính, tôm thì nhờ cô em vợ mua. Ông nấu ngoài hành lang, trải qua một mùa đông khắc nghiệt. Không những vấn đề nhà cửa mà còn vấn đề đồ đạc. Dù sao, không thể dứt tình máu mủ được, có bữa thấy ông ăn uống đạm bạc quá, bà chạy lên hỏi: “Anh ăn cá thu không”? Ông đáp: “Không”. Bà lại hỏi: “Anh ăn canh thịt bò không”? Ông vẫn một mực: “Không”. Ông tỏ thái độ rõ rệt: không ăn uống chung, không nói chuyện. Hai cô con gái sốt ruột viết thư bảo ông vào Nam, thôi tiếc chi một căn nhà ấy. Của cải bao nhiêu mà tiếc. Khi đi Bắc, ông còn để lại hai cái tủ, một cái giường. Bà nói cái tủ ấy bà có thuê thợ thay tấm ván mục phía sau. Không nói không rằng, ông lấy hết chén bát vứt ra ngoài, bỏ sách và tự điển của mình vào. Sau nhiều lần cãi cọ, để êm chuyện, bà cho ông anh hai cây vàng, nhắn cô con gái của ông ở Sài Gòn ra Huế đem ông vào. Lần này vào Nam không trở ra nữa, ông liên tục viết thư cho Diệu nhờ gọi người đến bán nhà. Ai dám đối đầu với bà. Lại cắt lá chuối bán, quét lá ổi chụm, phơi vỏ quýt, vỏ thanh trà đun bếp cùng lá chuối khô…

Bà nói với Diệu: “Ông anh thương em thì đã chết, ông anh đòi bán nhà thờ thì… còn sống”. Người chứng kiến từ đầu đến cuối cuộc chiến tranh nhà thờ giữa hai anh em là ông em họ ở cách một hàng rào chè tàu. Ông ta chứng kiến ngay cả lúc cô con nuôi cùng bà ra vườn chôn vàng. Khi cậu Trường mất ở Sài Gòn, ông qua đề nghị bà mở cửa nhà thờ để bà con làm lễ phát tang, bà nói: “Đừng hòng”!

Chỉ tiếc, sau này Diệu mới nhận ra - đáng lẽ dì không nên bán ngôi nhà của mẹ, ngôi nhà ba mặt giáp đường, hàng rào chè tàu xanh ngắt chứ không xây tường như kiểu nhà hiện đại sau này... Nó là ngôi nhà đẹp nhất con đường ấy. Vậy mà dì giận chị Sáo bán nhà đi. “Dì chết con Sáo chiếm cái nhà đó”. Diệu không dám nhắc lại, mẹ là người khuyên dì nên mua cho chị Sáo cái nhà đó ư? Hơn một lần khi nghe Diệu nói điều này, bà dì chửi Diệu: “Mi về phe con Sáo”. Tuy vậy, hai mợ cháu có một thời kì tốt đẹp. Anh Sáo ở Bắc vào 3, 4 giờ sáng gọi chị Sáo dậy đỡ giùm cái ba lô. Ba lô chứa đầy khoai tây, cà chua, là món ăn chính hàng ngày của họ. Anh Sáo có phiếu lương thực loại C Diệu không hề thấy anh ăn độn hạt bobo hay khoai sắn, hay bột mì thời bao cấp. Anh chị nấu dầu hỏa và chị mua thịt bò ăn thường xuyên. Từ khi mẹ bán nhà, Diệu hóa ra là người ở trọ ngay trên chính ngôi nhà của mình. Cô đi học khóa văn Sử Triết Mác Lê theo yêu cầu của Phòng Giáo dục huyện, trở về nhà mình, nấu cơm với lá chuối khô. Hai cái kệ đựng thuốc ở phòng bác sĩ anh ruột cô, dì mang chẻ chụm. Cô nghe chị Sáo nói lại, vẫn cái giọng đãi đưa vừa nói vừa cười: “Bà bảo, nó không trả tiền điện, tiền nước, củi mô mà chụm?” Sự thật cô ở Đông Hà bảy tháng, chỉ trở về nhà mình - hay nhà của dì - cuối tuần. Anh Sáo thức 12 giờ khuya soạn Giáo học Pháp. Anh chị là người xài điện nước nhiều nhất, không phải cô. Vậy mà dì, không biết ma đưa lối quỷ dẫn đường nào, nghe lời ông em chồng ở Bắc vào, hay nghe chị Sáo giỏi nịnh, một sáng đẹp trời đi bộ lên đuổi cô ra khỏi nhà sau khi đã mắng như tát nước về tội “ở choán nhà”. Căn phòng cô ở khi ba mẹ chưa bán nhà đi là căn phòng của ba mẹ. Nhà chính thức giao lại cho dì ruột, bà bảo cô dọn ra ngoài, tức là cái phòng nhỏ chỗ khách đến khám bịnh ngồi đợi. Nằm lọt sau hàng mãng cầu dai, sau cái phòng mạch rộng chỗ anh cô thường khám bịnh nó chỉ nóng vào buổi trưa.

Bán ngôi nhà của mẹ xong dì đau chứng bệnh gì không rõ. Một tháng sau Diệu xuống thăm. Dì ngồi thừ trên giường không nói không rằng.

- Dì đau à? - Chồng Diệu hỏi.

- Bán nhà rồi buồn không muốn ăn, vàng không muốn đếm.

- Dạ?

- Khi tê có con Sáo lên về, chừ hắn ra ở riêng, mua nhà riêng... nghĩ lại cũng buồn.

- ?!

- Nhưng... dì đã cho chị ấy hai lần tiền.

- Trước và sau hắn lấy của dì tám cây, bán nhà ông chủ cho hắn ba cây.

- Anh Sáo là người tốt, dì ạ!

- Hứ, là người tốt chơ răng?!

3.

Ai ngờ con người làm chủ hai cái nhà - một cái nhà rường cổ rất rộng và đẹp của ông bà ngoại Diệu để lại, hay nói đúng ra cậu Trường để lại vì đã chết trước khi cuộc tranh chấp ngã ngũ, một căn nhà khác còn đẹp hơn là nhà của ba mẹ Diệu trước khi vào Nam bán lại cho dì. Mẹ nói bán cho chị khi về Huế có chị có em. Một người làm chủ một trăm cây vàng, bỏ trong ruột tượng đi ra cửa Đông Ba năm Mậu Thân không ai biết. Con người ấy chỉ còn là một nạm xương khô trong ngôi nhà tối tăm, vắng lặng như môt hoang mạc. Người duy nhất có mặt phút cuối là chị Bấc chị cả của anh Phác từ Hà Nội vào. Người thứ nhì là mẹ. Linh tính và tình cảm chị em ruột thịt khiến mẹ lật đật vội vã trở về, như nhiều năm trước mẹ và cậu Trường mua được hai vé máy bay trở về - hai vé duy nhất bán ưu tiên cho ông cụ hưu trí. Khi mẹ nghe tin chị ruột bị ăn trộm khoét cửa vào nhà, bóp cổ mà dì vùng dậy được, thoát chết. Mẹ và cậu cùng đi Huế dụ dì trở vào Nam sống với mẹ, dì không đi.

Mẹ không còn nước mắt để khóc. Chị Bấc lăng xăng đút bánh nậm cho dì. Không phải tự nhiên chị vào. Ông cậu con bà o của mẹ nói: “Gọi điện mãi nó không vào, tui phải nạt nó mới vào”.

Bây giờ đám tang dì đã xong. Anh Phác sau lễ tang đốt áo, Diệu hốt hoảng: “Kìa anh, đợi hết tang đã chứ”! Anh Phác cười lạnh lùng: “ Với dì anh hết rồi”!!

Hai mươi năm sau, Diệu nhận được thư anh ruột ở Cali cho biết: “Nhà thờ bán, anh Lê và phía bên nhánh kia quyết định rồi”. Diệu không còn gì để nói. Vườn mộng đã bán. Chiến tranh nhà thờ hết. Ba mẹ, dì cậu, thậm chí anh Sáo... mất khi về Bắc. Tội nghiệp con người đó, có phước không có phần.

Anh Phác điện cho Diệu nói chuyện bán nhà. Người ta trả mười tỉ đồng. Diệu nói, giá đó có rẻ, nhưng thôi, cô nghĩ lại, cái gì rồi cũng hết, cũng qua. Giữ lại làm gì ngôi nhà rường hoang phế. Hoang phế điêu tàn hơn tận diệt. Hoang phế tạo cho người nhìn cảm giác ngậm ngùi đau đớn... không nói ra được. Anh chị nào ở bên kia về ghé thăm nhà thờ cũng chảy nước mắt. Còn đâu ngồi nhà rường cổ kính lộng lẫy nhất con đường đó? Hình ảnh bà ngoại ngồi trên sập gụ chia cho từng đứa cháu mỗi đứa một trái táo đen, một miếng hồng sen; anh Lê - cháu kêu mẹ bằng cô ruột - lên nhà ngày mồng một Tết phát cho mười một đứa em họ mỗi người mỗi phong bì lì xì. Ngày giỗ kỵ hình ảnh bà Nghè ngồi quết chả tôm, chị Lê cao lớn trắng trẻo vào bếp nấu nướng. Thường chị đi chợ ở Đà Nẵng rồi chở xe nhà ra Huế. Đám kỵ xong mấy chị em, qua nhà ông mè xửng bên cạnh mua mè xửng rẻo về ăn. Bao nhiêu kỉ niệm nơi căn nhà đó Diệu không dám nghĩ đến. Chị Lê đã qua đời vì bịnh tim. Cuối đời chị thật buồn nơi xứ lạ quê người. Con gái anh Lê qua đời ở Sài Gòn vì bị đột quỵ ở tuổi sáu mươi hai... Chồng cô tình cờ đọc báo mới biết.

Ôi, vật đổi sao dời, mình cũng bị xô đẩy từ nơi này đến chỗ kia.

Diệu đứng nhìn mảnh đất trống hoác. Người ta đã phá đổ ngôi nhà sau khi anh Phác cho người dở ngôi nhà rường đưa vào Nam, đưa luôn mộ của ông bà ngoại và cậu - cha anh Phác - vào nghĩa trang Bình Dương mấy tháng sau.

Anh chia cho Diệu là người có tên trong sổ đỏ một phần ba số tiền bán được. Cho người ở chái trên một trăm rưỡi triệu để anh ta dọn đi.

Thở dài, Diệu đạp xe trở về. Chốn nào cũng là chốn lưu đày, bây giờ Diệu không còn sợ mang tiếng ở nhà chồng (người chị chồng nổi tiếng là Chanh... chì chiết “mi về đó mà hưởng”). Số tiền bán đất nhà thừa kế của ông bà ngoại (mà anh Phác có nhã ý giành cho cô) - cô chia đều cho các anh chị em. Phần tiền còn chồng cô thuê người sửa lại căn nhà dưới tránh lụt hàng năm và xây cho vợ mình một thư viện. Ít nhất thì bây giờ... cô đã có một chỗ riêng để trở về và bằng lòng nhận phận.

P.N.T  
(TCSH368/10-2019)




 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Hôm nay có phải (28/10/2019)
Dạ đề (11/10/2019)
Ga hoang (07/10/2019)