LÊ ANH HOÀI
Hàm có mặt trong một đêm thơ của một câu lạc bộ mang tên “Vĩnh Cửu”. Bà cô của Dung làm chủ tịch câu lạc bộ này.
Bà - chủ hãng vàng, trang sức, đá quý; Bà - nhà từ thiện nổi tiếng; Bà - Chủ tịch câu lạc bộ thơ có nhiều hội viên nhất thành phố. Nghe nói, thị trưởng đã nhiều lần tiếp riêng bà và rất hoan nghênh hoạt động sáng tác, hoạt động xã hội “vì thành phố nghệ thuật” của bà. Quả thật, bà được tặng một tấm huy chương ghi đúng nội dung như thế. Thành phố có không biết bao nhiêu người được tặng chính tấm huy chương ấy. Nhưng với bà, nó long trọng khác thường, nó luôn được in trang trọng bên cạnh logo của hãng vàng - cũng mang tên “Vĩnh Cửu”. Và trong những đêm thơ của câu lạc bộ, dĩ nhiên không thể thiếu hình ảnh của nó trên phông nền sân khấu. Trong những buổi gặp gỡ, đọc thơ có mặt bà, không hội viên nào dám đeo tấm huy chương ấy.
Người ta từng kể một giai thoại rằng, có lần một nữ nhà thơ tài năng, nhưng quá nghèo, đến gặp bà. Nữ thi sĩ có một đứa con riêng, không chồng. Đứa nhỏ rất thông minh và nghịch ngợm. Thi sĩ muốn gặp để xin vay một món tiền, hoặc để xin hoãn một khoản vay. Thế nào, thì tóm gọn, đó là một hoạt động mà chủ tịch câu lạc bộ thường thích thú, mong muốn và luôn chụp ảnh đưa lên trang cá nhân và các phương tiện truyền thông khác. Không phải với chú thích về việc vay tiền - bà không bỉ ổi như thế, mà sẽ là chú thích về việc bà đang đàm đạo thơ ca với một nhà thơ khác. Và cả hai đều nổi tiếng.
Điều bất ngờ, mấu chốt của giai thoại này là ở chi tiết: Thằng bé nghịch ngợm đang đeo chính tấm huy chương “Vì thành phố nghệ thuật”! Khi đã dụ dỗ được nó đến gần, bà tóm lấy và ôm nó vào lòng. Thợ ảnh của riêng bà đã xuất hiện rất đúng lúc. Anh ta đang nâng máy ảnh lên, bà chủ tịch câu lạc bộ đã nở nụ cười thi sĩ - nhà từ thiện quen thuộc, mẹ thằng bé đang huy động các cơ mặt để tự làm tươi tỉnh lên và đang cố bảo con trật tự để chụp ảnh, thì bà chủ phát hiện ra tấm huy chương. Bàn tay bà đang thể hiện cú ôm nhà nghề, nó chạm vào một vật cứng. Bà nhìn xuống, ánh mắt bà chạm phải chiếc huy chương quen thuộc. Trong ánh đèn flash lóe lên, chiếc huy chương ngạo nghễ vàng chóe như đang nhe răng trêu chọc. Bà giật nảy mình, mặt tái mét, khóe miệng bà giật giật và bà hẩy thằng bé xuống, với cung cách như phủi một cái rác vô tình dính vào mình.
Giai thoại kể, bà chủ hãng vàng “Vĩnh Cửu” giàu có đã mắng người mẹ khốn khổ, và nhất quyết không cho vay.
Giờ đây, bà đang mỉm cười lịch thiệp, lách qua đám người hâm mộ bà, tiến về phía Hàm và Dung. “Không phải như thế, bà vẫn cho cô nhà thơ ấy vay, anh ạ. Dù sao, bà cũng làm thơ cơ mà”, Dung đoán được suy nghĩ của Hàm, cô ghé tai anh. “Tươi tỉnh lên tí, vì em một chút đi, trông anh như đang đi đưa đám ấy”. Hàm lập tức thay đổi nét mặt, chính anh cũng không biết Dung có sức ảnh hưởng tới bản thân lớn đến mức đó. Gần gũi lâu ngày, giao thoa thân xác, quá trình ấy tạo ra sự hòa hợp tự động. Hàm chợt nhớ, bà cô vẫn đều đặn tài trợ cho các nghiên cứu của Dung.
Sang trọng, nổi bật, hoàn toàn phù hợp với vai trò và bối cảnh, bà chủ đêm thơ đã lướt đến trước mặt Hàm. Liếc nhanh đứa cháu gái như xong một lời chào kiểu người nhà, bà lập tức mở chuyện rất thân thiện với Hàm. “Từ đêm thơ này, chúng tôi sẽ tuyển để đăng một trang thơ của “hội” trên tờ Văn Nghệ thành phố. “Hội” của chúng ta đang khởi sắc, anh thấy đấy” - bà ngọt ngào. “Nếu anh viết cho vài dòng giới thiệu thì tốt quá”. Mọi khi Hàm lập tức thoái thác nhưng lần này anh im lặng, kiểu im lặng dễ được hiểu là đồng thuận. Bà chủ tiếp tục tỏ ra thân gần với anh “Tôi biết thị trưởng rất quý và tin anh. Ông quả thật có con mắt xanh, biết trọng dụng người tài. Và trẻ tuổi. Ôi, tuổi trẻ, năng lượng! Lần đó, khi được thị trưởng tiếp, tôi đã để ý đến anh. Chắc anh không nhớ đâu, nhưng tôi rất nhớ, vì tôi luôn yêu quý những người trẻ tuổi tài năng…”.
Mặt Hàm hơi đanh lại, Dung lo sợ kín đáo liếc anh. Bà cô khoe tiếp đã có giấy phép in một tập thơ nhưng chưa thuê được họa sĩ. “Nghe nói anh rất thân với họa sĩ P, cũng một người trẻ và tài, hôm nào xin mời hai anh đến uống trà, mà không, uống rượu với tôi. Với các nghệ sĩ đích thực của thành phố, tôi sẽ mời rượu…”. Đúng lúc này, thợ ảnh riêng của bà chủ hãng vàng xuất hiện như từ trời rơi xuống, đúng vào góc chụp đẹp nhất.
Giữa lúc ánh đèn chụp lóe lên. Hàm có vẻ mặt cay đắng và hài hước, nhưng đây lại là vẻ mặt thật anh nhất. Nó sẽ cực phù hợp với chú thích của bà chủ, rất kín đáo nhưng đủ để hiểu, anh - một nhà văn nổi tiếng, thân cận với thị trưởng, đang gặp gỡ bà trong một sự kiện nghệ thuật, với tư cách người nhà.
Bà không biết anh đang nghĩ chắc chắn bà đã bịa đặt cuộc gặp với thị trưởng. Bởi chính anh cũng chưa bao giờ gặp mặt thị trưởng, và có lẽ không ai thực sự được gặp mặt ông ta. Tất cả đều thực hiện các lệnh của ông nhân danh, qua các văn bản phát ra từ văn phòng của ông. Những người khoe khoang từng gặp thị trưởng, như bà “Vĩnh Cửu”, không bao giờ có ảnh chụp chung với ông ta cả.
*
Thành phố quá nhiều nhà thơ. Rất nhiều câu lạc bộ thơ mọc lên, mang những cái tên vĩ cuồng, huênh hoang khoác lác. Nhưng “Vĩnh Cửu” là câu lạc bộ thơ lớn nhất thành phố. Nó còn có tham vọng vươn ra toàn quốc, và thực tế, nó đã có khá nhiều hội viên không chỉ ở thành phố. Thậm chí, nó có cả hội viên ở nước ngoài. Ông chủ tịch hội nhà thơ thành phố rất căm ghét những câu lạc bộ này. Ông ta lôi kéo nhiều chủ tịch các hội khác, vận động để thành phố ra một thông báo. Theo đó thành phố ủng hộ tất cả các câu lạc bộ, nhóm thơ, ca, nhạc, họa, múa, xiếc, kịch, phim… nhưng tuyệt đối không được gắn với chữ “hội”. Các tờ báo thực hiện điều này, nhưng chính các câu lạc bộ, trong các hoạt động nội bộ, vẫn tự phát ngôn như thể họ cũng là một “hội”. “Chúng tôi có các hội viên. Hội viên nhé, không ai lại gọi là ‘câu lạc bộ viên’ cả”, một chủ tịch câu lạc bộ thơ phát biểu đầy khiêu khích. Ông tiếp tục, tự vỗ bồm bộp vào ngực “Và tôi, tôi cũng là chủ tịch!” Lý lẽ của ông ta sắc sảo, dựa trên cái gọi là “bằng chứng ngôn ngữ học”.
Trên sân khấu của đêm thơ Vĩnh Cửu vẫn liên hoàn những màn đọc thơ, ngâm thơ, hát thơ. Đa số là những khuôn mặt già nua, những cần cổ rướn lên lấy hơi, càng lộ những dây chằng và yết hầu rệu rã. Số lượng nhà thơ, tăng lên theo cấp số nhân nên quảng trường thành phố cũng không thể chứa hết các hội thơ. Ngày thơ của hội, và cả các ngày hội thơ cấp câu lạc bộ luôn kín đặc những gương mặt hau háu tự mãn. Nhìn từ trên xuống, quang cảnh giống một khoảnh sân rộng đầy những chiếc bát cùng cỡ vừa tráng men đang chuẩn bị xếp hàng vào lò. Chiếc lò thì ọp ẹp cơ chừng sắp vỡ ra vì quá tải.
Với đêm thơ của Vĩnh Cửu, quang cảnh cũng na ná. Ở đây, thi nhân các cấp cũng đọc thơ, ngâm thơ, diễn thơ; nhưng tuyệt đối không được thả thơ. Việc đó là một đặc ân với những người có câu thơ được tuyển chọn. Và nghi lễ này chỉ được thực hiện trong Hội Thơ của thành phố, tại quảng trường lớn. Trong cái ngày đầy bon chen ấy, không phải ai muốn là đều được lên đọc thơ ở quảng trường. Tất cả đều phải qua tuyển chọn gắt gao nhưng dư luận vẫn luôn ì xèo chế giễu. Vì tựu trung, trong giới, có ai thực sự phục ai bao giờ.
Chợt Hàm nhận thấy, sân khấu tắt ngấm đèn nến, lặng ngắt mọi âm thanh. Đám người lộn xộn bên dưới lặng lẽ nhưng quyết liệt dịch chuyển theo cách đàn cá mòi vận động dưới đại dương. Hình như có một con cá to đang xuất hiện, và đám cá mòi, rất nhẹ nhàng, uyển chuyển và nhanh nhẹn, đang lao đến một cái miệng đang ngoác ra.
Ở lâu trong môi trường nghệ thuật thành phố, từng thấy rất nhiều những biến chuyển động trời ghê gớm, Hàm không còn lạ lẫm trước những thay đổi của đám đông. Nhưng trong sự vần vũ của đám thi nhân cá mòi Vĩnh Cửu, Hàm nhận thấy sắp diễn ra điều mà anh chưa từng biết. Bản năng khiến anh theo dòng.
Tất cả các ngọn đèn cùng lúc bật lên khiến Hàm lóa mắt. Và điều anh kinh ngạc không thể tưởng tượng được bỗng hiện ra. Trên sân khấu sừng sững một cái lò được tạo hình giống lư hương trang trí đầu rồng, sơn nhũ vàng chóe toàn bộ. Bà Vĩnh Cửu uy nghi nhưng không kém phần duyên dáng, tay cầm ngọn đuốc rực cháy xuất hiện như một nữ thần. Phần cán đuốc cũng trang trí đầu rồng nhũ vàng. Một giọng trầm âm u cất lên, như từ địa ngục “Nghi lễ hóa thơ dâng Thánh. Bắt đầu!” Bà Vĩnh Cửu châm đuốc vào lò. Lửa bốc lên ngùn ngụt. Tất cả đèn đột ngột tắt lịm. Đám đông rùng mình, cùng cộng hưởng một âm tần số thấp.
Ánh lửa bập bùng mờ tỏ từng khuôn mặt thành kính lần lượt theo hàng. Cúi đầu. Lẩm nhẩm khấn (hay đọc thơ?). Hai bàn tay chắp lại, ở giữa kẹp một tờ giấy chép thơ. Có người mang theo cả tập. Thành kính thả vào lò. Ngọn lửa nháng lên trong giây lát soi rõ một mặt người tê dại, mê cuồng, thống khoái.
*
Không rõ kéo dài bao lâu. Không rõ bao nhiêu người đã thực hiện xong nghi lễ hóa thơ dâng Thánh. Ánh lửa chập chờn hất lên tường những bóng người lừ lừ di chuyển vòng quanh như một chiếc đèn kéo quân khổng lồ.
Hàm thấy ngực như bị một tảng đá vô hình ép chặt. Nhìn sang Dung cầu cứu, anh thấy trong mắt cô ngọn lửa nhảy múa. Mắt cô không chớp. Miệng cô há ra vô thức. Chợt ngọn lửa trong mắt cô mờ dần. Dung chớp mắt. Đèn bỗng bật sáng lòa. Hàm thở ra.
Bà Vĩnh Cửu lại một lần nữa hiện ra trên sân khấu. Lúc này, bà đã kịp thay bộ váy áo khác màu xanh. Chiếc khăn choàng bằng voan mỏng cũng màu xanh khiến bà như thể hiện thân của đấng tạo hóa giống cái.
Nhưng tất cả những con mắt đang tập trung vào bà bỗng bị hướng sang một mục tiêu di động vừa xuất hiện. Người mẹ trẻ, ăn mặc xoàng xĩnh nhưng sạch sẽ, dắt tay đứa bé. Thằng bé không có gì lạ lẫm, sợ sệt. Nó tò mò nhìn quanh, có lúc còn định giật tay ra để chạy đến chỗ cái lò trước mẹ. Người phụ nữ nắm chặt tay con, mắt chị nhìn thẳng bà Vĩnh Cửu, trên môi thoáng nở một nụ cười.
Và hai mẹ con đã tiến thẳng lên sân khấu, đến trước cái lò hóa thơ. Bà chủ tự nhiên thu mình lại trông thảm hại.
Người mẹ cúi xuống nhìn con. Đứa bé nhoẻn cười tinh nghịch. Nó thò tay lên ngực, giật phắt ra một vật gì vàng chóe.
Vật đó giãy giụa trong tay thằng bé như một con cua tuyệt vọng.
Tàn tro leo lét bùng lên lần cuối khi thằng bé vung tay.
Hà Nội 8/4/2019
L.A.H
(TCSH369/11-2019)