Truyện ngắn
Mưa chiều thành nội
09:18 | 25/12/2019

NGUYỄN NGỌC LỢI   

Nửa chiều đó Huế mưa. Tiết cuối thu nắng nhẹ, đẹp suốt dọc đường, vậy mà đến Huế, xe vừa dừng bánh thì mưa đổ xuống. Mưa quất rào rào, gió thốc hơi nước lọt qua khe cửa buôn buốt lạnh. Lái phụ từ phía đầu xe gọi khách xuống.

Mưa chiều thành nội
Minh họa: Phan Thanh Bình

Tôi xách túi đứng dậy, ngập ngừng chỗ bậc lên xuống một chút rồi nhào xuống sà vào mái che của một sạp tạp hóa lúc này cũng đang có một người đàn bà cùng chiếc hon da đứng trú.

- Nhờ chị một lúc... Tôi nói.

Không lên tiếng, chủ sạp hàng xoay người cột tấm bạt che phía sau đang bị mưa tạt tứ tung.

Căng xong tấm bạt, chủ sạp hàng quay ra nhìn tôi, nói:

- Mưa chi mưa dữ hè… Chú đứng dịch vô, ướt hết chừ.

Trận mưa thật to. Mưa nổi bong bóng trên mặt đường, mới một lúc mà nước đã thành dòng lớn chảy ồ ồ dưới rãnh ngay chân tôi đứng.

- Cảm ơn chị. Chị cho hỏi, cửa Thượng ở đâu, có xa không?

- Cửa Thượng đó.

Chủ sạp hàng đưa tay chỉ dọc theo đoạn tường phía bên trái. “Gần mà chú…” Tôi nhìn theo. Có lẽ chỉ vài trăm mét. Qua cái cầu trên đoạn hào rộng, một ô cửa xây hình vòm mờ mờ xám trong mưa. Tôi có cảm giác người đàn bà bên cạnh như đang theo dõi câu chuyện của tôi.

Tôi không thể không nhìn người cùng trú đứng kia, các đường lượn thân thể mềm mại sau lớp vải của bộ quần áo hoa may khéo. Khuôn mặt nhẹ nhõm, thoáng trông như thiếu nữ, nhìn nghiêng độ khoảng bốn mươi, nét phấn son như còn vương trên gò má trông rất dễ ưa.

Mưa đã có phần nhẹ hạt, người đàn bà khoác áo mưa và kéo mũ che đầu, trước khi cầm tay lái chiếc hon da, chị ngoảnh sang tôi như muốn nói gì đó rồi lại thôi. Chào chủ sạp hàng xong, chị ngồi lên yên đạp nổ, ngập ngừng một lúc chiếc xe mới lăn bánh ra đường.

Mưa đã có phần nhẹ thêm, và người đàn bà đi hon da đã khuất sau dãy phố. Chủ sạp hàng nói:

- Ngớt mưa rồi, chú mau đi kẻo lại cơn khác đến…

Cùng lúc có chiếc xích lô ghé sát, trên chiếc yên cao lênh khênh là một ông già, áo mưa trùm kín mít chỉ hở khuôn mặt gầy guộc, tái nhợt.

- Chú vô cửa Thượng phải không? Lên tui chở, không lo ướt, không lo đắt rẻ mô.

Tôi thoáng ngạc nhiên nhìn bác xích lô, quay chào chị bán hàng rồi ái ngại bước lên xe ngồi xuống. Chủ xe bước xuống kéo khung che mưa qua đầu tôi, quay đầu chiếc xích lô rồi lên yên đạp chầm chậm.

- Vô đó chú đến mô?

- Em chưa biết, chỉ nghe dặn là qua hồ sen một đoạn… Cứ đến đó hỏi.

- Cầu Trường Tiền đó, phía trước là chợ Đông Ba, chắc chú lần đầu vô Huế. - Bác xích lô bắt chuyện. Dân xích lô ở đâu cũng cởi mở, biết nhiều chuyện.

- Vâng, em lần đầu vô đây…

Xích lô đã rẽ, qua một đoạn phố ngắn, qua đoạn cầu tới cái cổng tôi đã thấy lúc nãy. Tường thành thật dày, cổng vòm có hai cánh gỗ xám mốc và có vẻ nặng. Phía trước mặt là khoảng trống của những vuông cỏ, những hàng cây rũ rượi, đoạn phố nhỏ và thẳng, nhà cửa cao thấp lộn xộn, không như tôi hình dung.

- Bên ni là điện Thái Hòa, tê là cột cờ đại nội… - Vừa thong thả đạp xe bác xích lô vừa nói, tiếng bác lẫn trong tiếng mưa. Tôi ngó ra. Hồ lớn bàng bạc với những đám sen hết mùa.

Chiều nay mưa trên phố Huế. Kiếp giang hồ không bến đợi. Mà mưa sao vẫn rơi rơi hoài”. Tôi chợt hoang mang. Bài hát buồn tôi từng nghe hồi nào như trở lại bên tai. Bầu trời nặng mây đen, phố buồn hiu hắt… Bỗng đâu mình lại đi tìm một gia đình đã mười lăm năm xa tít tắp, có ai còn nhớ mình không?

Về quê sau tôi một năm, gặp cảnh vợ yếu con ốm không đi đâu được, nghe tôi nói có việc đi Huế, Căn nhắc đi nhắc lại chú phải đến thăm ba má nghe. Cứ hỏi cửa Thượng mà vô, dễ tìm mà. Căn có biết lúc này tôi đang hụt hẫng không.

Ngày ấy, đơn vị vào Vĩnh Linh, tôi gặp Căn. Căn với tôi cùng làng, cùng học. Rồi tôi vào bộ đội, Căn đi công nhân. Xa nhau đã mấy năm, gặp nhau ở thị trấn giới tuyến vừa ngưng bom đạn nên hễ ngơi việc hai đứa lại tìm đến nhau. Cơ quan Ty giao thông của Căn đóng ở Hồ Xá. Tôi là lính pháo binh đóng ở cao điểm 74 cách độ một giờ đi bộ. Căn khoe có ba mẹ nuôi, gia đình ở trong khu tập thể của Bệnh viện Khu vực. Ông bà là người Huế đi tập kết. Chủ nhật đó tôi theo Căn đến nhà ba mẹ nuôi. Căn hăm hở vì sắp được nhận quà miền Nam. Ba nuôi Căn vừa về thăm Huế, thế nào chẳng mang vải vóc, xe, đài ra. Nhà ba mẹ nuôi Căn trong dãy nhà của khu tập thể, chỉ một gian mặt tiền nhưng bên trong kéo dài ra phía sau theo kiểu nhà ống. Đúng như dự đoán của Căn. Gian ngoài, trên bàn nước có cái đài quay băng to chiếm hết một góc bàn. Và cạnh đó, chiếc hon da nữ màu xanh nõn chuối bóng nhoáng được kê cao ông vừa mang ra.

Ba nuôi Căn độ ngoài bốn mươi mặc áo cộc tay màu hạt dẻ có khuôn mặt phương phi nghiêm nghị. Ông đặt tờ báo xuống bàn rồi ngẩng lên khi chúng tôi bước vào. Nghe tiếng Căn, má nuôi Căn cũng bước ra. Bà nhìn tôi rồi quay qua Căn, thằng Lành đây phải không con?

Tôi thật vui khi nhìn khuôn mặt phúc hậu và nghe giọng nói của bà. Căn đã nói trước với tôi, ông bà dễ tính, thương người, có ba người con, một trai hai gái. Trai đầu tên Bằng, hai mốt, thua tôi và Căn hai ba tuổi, hai cô em là Diệu Thuần và Diệu Thúy. Diệu Thuần mười tám và Diệu Thúy mười bốn. Đang đầu buổi sáng, cả nhà đông đủ.

- Hèn chi tên Lành, trông anh như con gái hí. - Từ phía sau, cô bé có nước da rám nắng, vẻ mặt sinh động tôi đoán là Diệu Thúy bước ra nhìn tôi nhí nhảnh nói. Rồi cô chị Diệu Thuần cũng bước ra. Cô chị múp míp chỉ gật đầu thay lời chào.

Ba nuôi ngó tôi, bảo, ngồi chơi cháu.

Bằng trắng trẻo mặc chiếc áo phông xanh mới tinh, quần âu xám cúi gập người ủi cái quần âu trên chiếc giường cạnh đó. Chiếc bàn là đồng dùng than đang bốc khói nghi ngút trên chiếc quần téc gan màu lông chuột. Bằng quay ra nhìn tôi gật đầu, “đợi em ủi quần cho ba đi công chuyện đã nghe”. Nói rồi Bằng lại cúi xuống mắm môi đẩy chiếc bàn là với vẻ kiên nhẫn rất dễ mến.

- Hai đứa ở chơi nghe, ba phải đi.

Ba nuôi Căn đứng dậy cầm cái quần Bằng vừa ủi vào nhà thay rồi đi ra xỏ dày, trước khi dắt chiếc hon da ra sân, ông quay sang bảo Căn, “có tấm vải quần cho mi, lát nói thằng Bằng đưa cho”.

- Anh Lành không có quà à ba? Diệu Thúy phụng phịu.

- Thằng Lành để lần sau. Rứa nghe.

Ba nuôi Căn, áo quần thẳng nếp, dày da bóng lộn lên xe đạp nổ rồi phóng ra đường. Nhìn ông sang trọng đĩnh đạc quá tôi cảm thấy ông xa lạ như ở thế giới khác, thuộc đẳng cấp khác. Gia đình này thuộc đẳng cấp khác.

Ba nuôi Căn tên là Tùng, Trịnh Tùng - Cán bộ Khu ủy. Và má nuôi tên là Mến, y sĩ của Bệnh viện Khu vực. Chỉ còn Diệu Thúy là đang học cấp 2, còn Bằng và Diệu Thuần đã đi làm. Bằng làm ở Nông trường bộ Bến Hải, Diệu Thuần là hộ lý cùng làm một chỗ với má.

Mới bữa đầu đến tôi đã có cảm giác ấm áp, thân tình với gia đình này ngoài chút e ngại với ông bố. Tôi cũng được má nuôi Căn gọi bằng con, cả Bằng, cả Diệu Thuần, Diệu Thúy gọi bằng anh. Thế là từ hôm đó tôi cũng theo Căn, gọi ông bà bằng ba, mẹ. Coi Bằng và Diệu Thuần, Diệu Thúy như em. Nhà ông bà trở thành chỗ đi về những hôm tôi được nghỉ. Có bận ông Tùng còn đánh cả com-măng-ca chở Diệu Thuần, Diệu Thúy lên thăm. Dạo đó đơn vị tôi tham gia làm đường tàu Thống Nhất đoạn Sa Lung - Tiên An, cách Hồ Xá hơn mười cây số. Tháng 6, nắng nóng Quảng Trị kinh khủng. Tinh mơ dậy, thể dục, vệ sinh ăn sáng bằng chiếc bánh mì to rồi kéo nhau ra hiện trường. Tuyến đường dài, cả ngàn con người mặt mũi đầm đìa, áo quần bết mồ hôi rải kín đoạn đường, hùng hục xúc cuốc đẩy, gánh đất dưới cái nắng như hắt lửa. Đứng xem chúng tôi làm, ba nuôi nói, thanh niên phải thế chứ. Còn Diệu Thúy thì nói, “tội anh Lành ba ha”…

Mưa vẫn quất rào rào xuống mái che trên đầu. Tiếng bác xích lô lẫn trong tiếng mưa… “Ghé hỏi coi chú”. Xích lô dừng bánh, tôi bước xuống chạy tạt vào hiên ngôi nhà có tủ thuốc lá bên phải đường. Nghe hỏi nhà ông Tùng có con trai là Bằng, bà già ngồi sau tủ thuốc chỉ ngay sang nhà bên cạnh. Bà nói, “anh Bằng đang ở nhà đó chú”. Mừng quá, lúc đó tôi không kịp nghĩ tại sao lại chỉ mình Bằng ở nhà mà chỉ muốn mau chóng được gặp mặt. Tôi quay lại trả tiền xích lô rồi đi đến trước ngôi nhà bên cạnh. Ngôi nhà mặt phố có hai cánh cửa mộc, mặt tiền hẹp, tường xám mốc có một lầu nhỏ có mái uốn cong cong phía trên.

Tôi gõ cửa, một trung niên mặt mày hốc hác, quần lửng rộng, áo ba lỗ nhàu nhàu bước ra. Tôi nhận ngay ra Bằng. Bằng kêu lên, “anh… anh Lành, anh Căn mô…”. Tôi bảo, “chỉ mình anh thôi”. Bằng kéo tay tôi, “anh vô đi, vô đi, mưa dữ hè”.

Tôi bước vào. Gian nhà tỏa mùi ẩm mốc, áp tường chính diện có cái quạt điện cũ bám bụi. Cái bàn mộc thấp, hai ba cái ghế cũng thấp đặt sát bức tường phía Bắc có khuôn cửa sổ nhỏ nhìn ra khoảng sân hẹp có cây trứng cá tỏa cành lên mái bro-ximăng của một gian nhỏ. Sau lưng là một cầu thang hẹp, và cạnh đó là lối đi ra phía sau mờ mờ tối… Bằng bật công tắc, chiếc bóng tròn giữa nhà tỏa ánh sáng vàng vàng, gian nhà đã bớt phần âm u.

Tôi chợt rùng mình. Không hiểu sao lúc đó tôi lại rùng mình? Linh cảm về một sự đổ vỡ? Không khí này không như tôi tưởng tượng và hồi hộp chờ đón. Bằng ra sau một lúc rồi xách lên cái phích cáu bẩn. “Má mất rồi anh”. Bằng nói. “Mất lâu chưa”, tôi bàng hoàng. “Mà ba đâu, cả nhà đâu?” Bằng lẳng lặng ngồi xuống rót nước vào cốc nhựa nhỏ đẩy đến trước mặt tôi, giọng rầu rầu. “Bể hết rồi anh, nát hết rồi. Chuyện dài lắm…”. Lời Bằng tắc nghẹn. Trời đã sâm sẩm, mưa lúc rào rào lúc rắc rắc, lúc lúc lại ào đến một cơn. Bằng đứng dậy nói, anh lên thắp hương cho má… “Vừa làm giỗ đầu cho má tháng trước”.

Tôi đi theo Bằng. Cầu thang hẹp hơi dốc, lầu chỉ là một gian nhỏ. Bàn thờ chính là một bệ lớn, màu sơn đã nâu sạm, các mảng đã bong nứt nhưng được lau chùi sạch sẽ, phía trên đặt tượng Phật, mõ, chuỗi hạt lẫn với các bài vị. Ở giữa là hai tấm hình của hai cụ có lẽ được vẽ lại. Cụ bà chít khăn, áo dài đen. Cụ ông khăn đóng, áo the. Cả hai cụ trông rất xa vắng. Bàn thờ chưa đoạn tang của bà cạnh đó, sau tấm vải đỏ là cái bàn nhỏ và thấp hơn có hoa quả, bát cơm và quả trứng cùng bát hương dày khít chân nhang. Hình má nuôi áo dài, khăn chít, khuôn mặt buồn buồn mờ mờ sau bình hoa huệ.

- Ba theo người khác, má nghỉ việc, em cũng mất việc, bé Thúy bỏ học đi bụi...

Bằng đốt ba que hương trao tôi... “Anh ra rồi, bốn tháng sau ba bốc cả nhà về”… Bằng kể lộn xộn, giọng ngắc ngứ.

Cầm ba que hương Bằng trao, tiếng Bằng nghe loáng thoáng, không dứt… Tôi nhớ hôm xuống nhà chào gia đình để theo đơn vị quay ra, má nuôi nói, “ở chơi lâu lâu. Mai mốt cả nhà về Huế rồi...”. Nghe lời bà, tôi ở lại ăn cơm trưa. Ăn xong Diệu Thuần, Diệu Thúy theo chân tôi ra đường về đơn vị. Trao cho tôi gói quà có cây thuốc lá, cái nón và gói mè xửng quà Huế chẳng biết hai đứa chuẩn bị lúc nào, hai chị em khóc nói, biết khi mô mới gặp lại anh…

- Nhà ni có từ đời cụ kị, lâu lắm rồi. Con cháu về, có mấy chỉ vàng nội bỏ ra sửa sang xong thì mất… - Giọng Bằng vẫn lào thào bên tai tôi. Tôi ngước nhìn ảnh má nuôi, lòng trào dâng nỗi xót thương. Tôi cắm hương chắp tay… “Má ơi, con và Căn ở xa quá, hôm nay vô mới biết. Má tha tội cho chúng con…”. Trước mặt tôi khói hương luẩn quẩn như u uất điều gì. Trước khi đi tôi đâu nghĩ đến cảnh này. Về quê sau tôi, Căn kể rằng còn kịp theo ông bà vào Huế. Gia đình vui vẻ, sum vầy… Đã mười lăm năm rồi, trong tâm tưởng tôi vẫn là hình ảnh về một gia đình nền nếp có ba có má có các em, ấm áp, thân tình. Mười lăm năm khó khăn thiếu thốn, cuộc sống cuốn phăng chúng tôi vào vòng xoáy áo cơm, không có điều kiện đi lại, thăm nom… Xót xa cho ba má nuôi, xót xa cho một tổ ấm. Ba nuôi, người đàn ông thần tượng trong tôi, nếu như đúng như lời Bằng, đã sụp đổ, và gia đình này nữa, một thời tràn ngập tiếng cười của sự viên mãn vui vầy...

Nhìn ra ngoài, trời đã sập tối. Mâm cơm sơ sài mà vợ Bằng, do gánh chè bán ế về muộn nấu đã được dọn trên tấm chiếu trải giữa nhà. Tôi và Bằng một bên, bên kia là vợ Bằng và thằng con trai năm tuổi chẳng biết chơi đâu mới về ngó qua tôi rồi sà ngay xuống, đầu tóc còn ướt rượt nước mưa. Trong bữa cơm chỉ mời nhau mà chưa ai cầm đũa, câu chuyện tôi nghe kể như sau: Mấy tháng đầu mới về rất ổn. Cán bộ cách mạng, lại làm ở cơ quan lãnh đạo cao, ba đi đâu cũng được trọng vọng đưa đón thưa gửi. Má vẫn làm ở bệnh viện thành phố. Bằng làm tổ trưởng bảo vệ ở Ủy ban Thành. Diệu Thuần được đi học Y sĩ và Diệu Thúy vô lớp 10 trường Đồng Khánh. Thế rồi tình hình xục rục do nạn thiếu gạo, thiếu nhu yếu phẩm nên sinh ra chợ trời, sinh nạn lừa đảo cướp giật trộm cắp đĩ điếm. Nhiều gia đình, nhiều người lén lút di tản. Dạo đó ba vắng nhà suốt, nhiều đêm không về. Hàng phố xì xào ba bắt bồ với một cô chết chồng, còn rất trẻ. Ban đầu, khi má hỏi thì ba chối. Nhưng rồi… Cô Xuân, vợ Bằng đưa mắt sang chồng nói rụt rè. Để anh Lành ăn đã anh, toàn chuyện buồn. Nói rồi cô gắp vào bát tôi miếng thịt lợn ba chỉ kèm miếng vả thái mỏng nói, anh ăn đi. Em về làm dâu lúc nào cũng nghe má nhắc đến anh Căn và anh. Má nhắc nhiều làm em tưởng như đã gặp các anh rồi.

Xuân người dưới An Cựu, độ ba lăm ba sáu, vẻ tần tảo lam lũ. Ấy là tôi cảm nhận thế. Con gái Huế dịu dàng, chịu khó làm ăn nhưng nhìn cảnh này tôi thấy ái ngại quá. Gánh chè có cái nồi còn ế quá nửa, mấy cái cốc và cái ghế nhựa dẹp góc nhà trong. Đầu tóc Xuân bơ phờ, sự vất vả thiếu thốn không thể giấu trên khuôn mặt âu lo của người đàn bà chưa đến tuổi bốn mươi.

Thằng con Bằng ăn hết bát cơm thì đặt bát đứng dậy. Cu cậu nói lí nhí xin má rồi đi xuống tìm bát múc chè thừa bưng lên ra cửa vừa ngó trời mưa vừa xúc ăn. Tôi cũng chỉ ăn chiếu lệ. Chuyện Bằng kể làm sao tôi ăn nổi.

- Em cứ để anh nói. Bằng nhìn sang vợ. Anh Lành cũng là người nhà. Em kể đến mô rồi anh Lành? Chú đang nói về ba. À, ừ… Rứa rồi chuyện của ba tóe loe. Ông bị cơ quan kiểm điểm và kỷ luật, mất hết, bị khai trừ… Diệu Thuần có bằng y sĩ, được nhận vô thay chân má. Diệu Thúy thì tệ, nói mãi vẫn bỏ học theo một người ở Hội An, giỗ đầu má vừa rồi cũng về, nghe mô đang ở Tam Kỳ. Má ốm lên ốm xuống rồi xin thôi việc, chạy chợ một dạo rồi cũng nghỉ. Sáng trưa, chiều, tận đêm khuya. Nghe tiếng cốc cốc, tiếng đọc kinh của má từ lầu vọng xuống cũng đủ bủn rủn rồi... “Rứa chú bây giờ làm chi?” “Có chi mà làm, sửa xe đạp, bán vé số. Em đang định kiếm cái xích lô…”.

Có tiếng ở cổng lạch xạch bên kia, Bằng nói nhỏ, “Thuần về đó anh”. Tôi nhìn qua khuông cửa sổ. Trời đã tối hẳn, ánh đèn hắt ra thấy các hạt nước nhỏ bay xiên xiên vào bóng người choàng ni lông đi trên khoảng sân nhỏ… “Thuần mới lấy chồng khác, chồng trước nghiện bỏ. Chồng ni… Mà anh đừng hỏi chi về chuyện chồng con hắn nghe”.

- Diệu Thuần ơi, sang coi ai nì. - Bằng đứng dậy ra cửa nách gọi.

- Ai rứa? - Đúng giọng Diệu Thuần.

- Thì vô coi ai…

Bằng né người. Tiếng lột áo mưa loạt xoạt rồi với chiếc làn nhựa nơi tay, Thuần bước vào, vẫn dáng thấp đậm, chắc nịch và khuôn mặt tròn. Thuần tròn xoe mắt: “Anh Lành! - Thuần kêu như reo - Lâu quá rồi hí, dễ mười mấy năm rồi…”.

Hóa ra Thuần vui vẻ và cứng cỏi hơn tôi tưởng. Ngó mâm cơm như còn nguyên, Thuần nói có khách mà chỉ thế ni à? Nói rồi Thuần ngồi sụp xuống lôi từ làn nhựa ra gói giấy báo thấm mỡ và một bịch bún. Thôi, ăn đây luôn. Để em kêu chồng em sang..

Có Thuần, không khí gian nhà khác hẳn. Hồi đó Thuần đâu như thế này. Thuần ít nói, khép kín kiểu sống nội tâm, cuộc sống đổi thay, biến cố gia đình đã thay đổi Thuần… Vừa thái miếng thịt quay mồm miệng Thuần thia lia… “Anh và anh Căn gần nhau không? Vợ con nhà cửa các anh răng?” Hỏi chỉ để hỏi, đặt đĩa thịt xuống mâm, Thuần sang bên kia một lúc rồi kéo theo người đàn ông… “Ông xã em đây. Sang đây ăn cho vui. Nỏ mấy khi anh Lành vô”. Thuần cầm cái nạng dựng vào tường rồi dìu chồng đến mâm cơm. Vợ Bằng đứng dậy đỡ một bên, nói chú ngồi đi.

Chồng Thuần cụt bàn chân phải, trạc tuổi tôi, vẻ mặt yếm thế đầy mặc cảm, lí nhí chào rồi gập cái chân lành ngồi xuống. Ngó qua mâm lần nữa, như sực nhớ điều gì, Thuần đi ra một lúc rồi cầm vào chai rượu và ba ly nhỏ.

Chồng Thuần rót rượu rồi bưng một chén cho Bằng, mời anh hai. Anh ta cũng bưng cho tôi, miệng nói em mời anh… Thuần ngồi cạnh chỉ tôi, nói với chồng, “đây là anh Lành, con nuôi ba má”. Dạ, dạ..

Chỉ ba đàn ông chúng tôi nâng ly. Thuần nói, các anh vừa uống vừa ăn nghe. Thôi, ăn đi chị. Thuần nói với vợ Bằng. Ăn để lát nữa em đưa anh Lành đi sang chỗ ba.

Tôi thầm cảm ơn Thuần. Em đã mang lại cho tôi chút phần chấn trong chuyến thăm này. Nếu không, chỉ với vợ chồng Bằng, chỉ với không khí tang tóc của căn nhà này thì có lẽ…

Ăn xong, nhờ chị dâu dọn dẹp rồi Thuần kéo tôi ra đường. Lúc này mưa chỉ còn lắc rắc. Nép dưới những tán cây, những hiên nhà, hai anh em đi ngược trở ra trên đoạn đường loang loáng nước dưới ánh đèn vàng. Thuần nói, “có lẽ anh Bằng đã kể anh nghe. Chồng em thương phế binh Sài Gòn. Tội nghiệp lắm anh. Không nhà cửa, không ba mẹ, lại bị hắt hủi, em xin anh Bằng đưa về dựng nơi ở tạm trong vườn. Lát nữa về, anh em có nói chuyện anh đừng hỏi chi nhiều nghe…”. “Anh hiểu mà. Vậy em làm chi để sống?” “Em có lương, ngoài ra buôn bán nhì nhằng… - Thuần nói tỉnh queo - Hoàn cảnh mô theo hoàn cảnh nớ anh à”. “Còn ba thì sao?” “Chuyện dài lắm anh, ban đầu chúng em cũng giận ba lắm. Vì ba mà gia đình tan nát. Tội má, tội con Thúy. Thế ba sống với người đàn bà kia ra sao? Có một con chung. Dì nớ cũng tốt với ba lắm. Những ngày má ốm rồi mất dì nớ chạy đôn chạy đáo săn sóc và lo hết chuyện ma chay… Nghĩ cũng tội ba. Ba mặc cảm, ba xấu hổ chẳng dám gặp ai, gặp con cũng chẳng dám nói chi. Về bên đó sống với dì Lộc ba cũng chỉ tay không...”.

Đến ngang hồ sen, chúng tôi rẽ vào một hẻm. Ngôi nhà nhỏ giữa một vườn cây có ánh đèn xanh dịu hắt ra mảng sân nhỏ. Nghe tiếng Diệu Thuần gọi, một phụ nữ dáng thanh mảnh trong bộ đồ hoa sáng màu đi ra mở cổng. Thuần vào trước nói, con đưa anh đây đến thăm ba. Nhìn người đàn bà tôi thấy quen quen. Ra khỏi bóng cây vú sữa, tôi nhận ra đây là người hồi chiều cùng trú mưa. Khuôn mặt chị nhẹ nhõm thanh thoát và phúc hậu, người thế này hèn chi Diệu Thuần khen…

- Anh ơi, có Thuần mang khách đến thăm. - Giọng Huế của chị nghe thật dịu thật êm. Nói rồi chị đi lại góc nhà lấy nước. Ông Tùng từ phòng trong bước ra già xọm trong bộ pijama. Có lẽ chưa tới sáu chục mà tóc ông đã bạc quá nửa và lưa thưa từ trán lên tận đỉnh. Ông đưa cặp mắt mệt mỏi nhìn tôi rồi nhìn sang con gái? Tôi đứng dậy, “con chào ba”.

Ánh mắt ông vẫn không thay đổi.

- Ba không nhận ra ai à? Diệu Thuần hỏi.

Vẻ mặt ấy, ánh mắt thế kia hẳn là ông đã quên tôi.

- Anh Lành chỗ với anh Căn hồi đó mà, ba quên à?

- Lành à? Lành…

Ông ngó tôi lần nữa, ánh mắt vẫn không đổi. Rồi ông cất lời, “thằng Căn khỏe không?”

- Ông không được khỏe, dạo ni ăn ít lắm. - Chủ nhà vừa rót nước vừa nói. Nhận chén nước phảng phất mùi nước hoa, mùi da thịt từ người đàn bà, bất giác tôi nhìn sang ông Tùng. Người đàn bà đã quay sang đứng cạnh chồng, thực sự lúc này tôi chẳng biết nên xưng hô thế nào. Chị nhìn tôi rụt rè nói, “hồi chiều tui mô nghĩ anh vô đây…”. “Có sao đâu ạ. Hóa ra xích lô là do…”. “Dạ, tui kêu”.

Tôi chẳng biết nói thêm điều gì. Trong ngôi nhà đang chìm đắm trong tĩnh mịch này tôi là người xa lạ. Người mà tôi gọi là “ba” đã lặng lặng rút vào phòng trong, tôi trở nên bẽ bàng giữa căn phòng mới đặt chân vào ngồi chưa ấm chỗ. Chẳng còn gì để có thể ngồi thêm, tôi khều tay Diệu Thuần rồi đứng dậy nói.

- Thôi để ông nghỉ, tôi xin phép về.

- Anh và Thuần thông cảm nghe. - Theo chân tôi và Thuần ra cổng, người đàn bà nói vừa đủ nghe… “Ông dạo ni rứa đó, tui đang lo…”.

Anh hiểu cho ba… Ra khỏi cổng ngôi nhà, Diệu Thuần nói trong sự ngượng ngùng:

- Từ lúc mạ mất ba đổi tính, nhiều lúc ông như trầm cảm…

Tôi lẳng lặng bước, Thuần cũng im rồi gập ô lặng lẽ bước bên tôi. Tôi ngước nhìn trời qua tán cây. Chắc gì đã hết mưa khi mây đen còn nặng thế kia.

Tháng 10 năm 2019
N.N.L  
(TCSH370/12-2019)



 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Dị mộng (16/12/2019)
Bản nhân (27/11/2019)
Hôm nay có phải (28/10/2019)
Dạ đề (11/10/2019)
Ga hoang (07/10/2019)