Truyện ngắn
Bếp lửa
15:58 | 08/03/2020

NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH   

1.
Khu vườn rộng bốn mùa rợp bóng lá khiến ngôi nhà cổ như lọt thỏm sâu hơn vào giữa. Những ngày mưa càng âm u và buồn bã hơn.

Bếp lửa
Minh họa: Nguyễn Thiện Đức

Mấy tháng trở lại đây, bà Thanh bị đau khớp chân, đi lại khó khăn nên phải nhờ bà con ở quê tìm một người lên giúp. Cũng chỉ vài việc vặt trong nhà, cần nhất là thường ở bên cạnh giúp đỡ bà, năm ấy chưa tới năm mươi nhưng trông già nua hơn tuổi thật. Con bé Gừng xuất hiện như góp thêm một điểm sáng di động tươi vui và mới mẻ trong mấy gian nhà thấp nhiều bóng tối. Hôm Gừng xách cái bị cói nắm tay bác Đông làm vườn đứng lóng ngóng ở bậc thềm, đôi mắt nó đã gợi sự chú ý của Hóa. Ánh mắt tinh nghịch trên khuôn mặt không mấy vui. Mái tóc xơ rối đỏ quạch. Vóc người nhỏ bé và chân tay quều quào. Nghe hỏi tuổi, nó đếm ngón tay nói còn mấy tháng nữa vị chi là nó được mười bảy. Gừng cắm đầu vào công việc, cứ như đây là nhà của nó. Quét nhà quét sân, chăm chút lau từng ô cửa phòng bà Thanh, nó vừa làm vừa rủ rỉ kể chuyện làng chuyện quê khiến bà chủ nhà quên bớt ốm đau. Có nó để nhà thêm tiếng nói cười, chứ không thì chỉ mỗi dịp cúng giỗ, chị Dương mới cùng chồng con về thăm nhà. Tiếng là lấy chồng gần nhưng bận con nhỏ và quán xuyến việc nhà bên chồng khiến chị chẳng mấy khi được thảnh thơi về thăm mẹ đẻ. Anh Đại và Hóa từ lúc đi học xa, mỗi năm cũng chỉ về nhà vào dịp Tết và nghỉ hè. Năm nay Hóa vào trường muộn nên Gừng mới gặp người con út cưng quý của bà chủ. Bà chỉ có điều không hài lòng vì “anh Hóa không chịu học để làm bác sĩ như anh Đại, theo chi cái thứ đàn địch ủy mị...”. Bên kia khu vườn rộng là nhà bà Trợ Liêm, cũng cổng ngõ đóng im ỉm suốt ngày. Thi thoảng bà sang chơi thăm hỏi bà Thanh. Hai bà bạn già ngồi chuyện trò một hồi, cũng chỉ loanh quanh chuyện bệnh tật thuốc men, chuyện chùa chiền lễ bái. Hôm nay chủ nhà gọi con Gừng mãi không nghe nó đem hũ mứt vào, bà Trợ đứng dậy xuống nhà dưới. Tiếng lục đục phía phòng tắm rất lâu chứng tỏ con Gừng vẫn còn trong đó. Chờ khi nó bước ra, đầu tóc còn ướt rượt, bà hỏi:

- Mai chừ mi làm chi trong nớ mà lâu rứa? Bà kêu mi đem mứt lên mà không nghe ư hử chi là răng?

Gừng cười tươi, không để ý đến nét cau có của bà Trợ:

- Dạ, con mắc soi gương.

- Mi lên đây! Lên mà nói cho bà mi nghe!

Gừng một tay ôm hũ mứt, tay kia xách thêm phích nước sôi bước vào phòng:

- Thưa bà, mai chừ con vừa vui sướng vừa thắc mắc.

Bà Thanh cúi xuống cái dĩa sứ vừa được bày thêm một ít mứt chanh, ngạc nhiên:

- Nhà ni có chuyện chi cho mi thắc mắc hả? Coi chừng mà nói năng vô phép nghe chưa?

- Dạ là ri nì... Con nghe hai bà thở than nhắc chuyện vô thường. Con thì mơi chừ dòm trong gương rất lâu mới nhận ra mình. Mới vài tháng mà con mau nậy dữ quá! Con mừng lắm, rứa là phải cám ơn vô thường phải không bà?

Hai người phụ nữ đều quay lại nhìn nó. Thật ra chính bà Thanh cũng không để ý điều này. Ngày nào cũng thấy Gừng, bà chẳng để ý hay bận tâm. Giờ nghe nó nói, bà chợt nhìn kỹ và nhận ra nó khác hẳn cái con bé quê ngày mới lên đây. Được ăn uống đầy đủ, không phải lam lũ nắng mưa ngoài đồng, cùng với cái độ dậy thì vừa đang hé, nó phổng phao cao lớn hẳn lên. Mái tóc ướt mượt mới tắm gội chảy xuống bờ vai thiếu nữ, mặt mày tươi mươi hơn hớn xem ra còn đẹp hơn nhiều đứa con gái ngoài kia.

Bà Thanh cười:

- Mi giỏi thiệt đó Gừng! Bữa mô chị Dương về bà nhờ chị soạn cho mi mấy bộ đồ đẹp mà mặc hí!

Gừng thoăn thoắt xuống bếp, trả lại không gian đàm đạo những chuyện cao siêu xa vời cho hai bà. Nó thích gian bếp có khung cửa nhìn ra vườn sau. Mùa này hoa khế từng chùm đu đưa. Màu hoa tim tím có khi nhòa trong khói bếp trắng xám, nặng ướt mưa sương và đôi ba tiếng chim lạc bầy thảng thốt. Nó còn thích hơn khi từ khung cửa sổ, một khuôn mặt ló ra bất ngờ với đầu tóc bù xù, môi còn ngậm lệch điếu thuốc vòng vèo khói trắng. Cái anh Hóa này thật là khác người, nhưng mà nói chuyện rất vui, nó không phải ý tứ gì. Những chuyện trên trời dưới đất làm rổ rau nó nhặt chóng đầy, nồi măng tươi nó nấu mau mềm và nên gia vị thấm tháp vừa ý bà chủ...

Mùa mưa đi qua rất dài và nặng nề, cho người già bị chứng thấp khớp hành hạ, và cho người trẻ đang mong chờ những nụ cười còn ở tận nơi xa. Khu vườn ngập xác lá. Lác đác tiếng vỗ cánh của mấy chú dơi trong chiều muộn. Con Gừng buồn đến rơi nước mắt. Chỉ mỗi khi chiếc điện thoại để trên kệ bàn phía đầu giường bà Thanh reo lên là cả hai cùng mừng rỡ xao xuyến. Gừng muốn chạy đến nhấc máy lên biết bao, nhưng phải nén lại những hồi hộp, không lại bị la: “Cái con ni lanh chanh dữ!”...

Mãi rồi tháng Chạp ta cũng đến cùng với mấy cuộc gọi báo tin ngày về của anh Đại và anh Hóa. Gừng bận tíu tít cùng bao nhiêu mứt món bánh trái bên cạnh bà Thanh. Quê nó lâu nay chưa thấy ai có những của đẹp và sang để ăn Tết như thế này. Nó đứng lùi ra ngắm bà chủ. Người thon gầy, tóc bạc trắng và bộ áo lụa tơ màu vàng mỡ gà. Bàn tay thoăn thoắt biến hóa những mâm bánh mứt đủ màu sắc hình thù ngộ nghĩnh, trông bà như một bà tiên mà nó nghe mẹ kể những đêm xưa. Bà tiên này không bao lâu đã ban phép mầu cho nó: anh Hóa xuất hiện trước khung cửa, vẫn mái tóc bù xù và điếu thuốc vòng vèo khói trên môi. Hóa về sớm hơn một tuần, anh muốn dành cho cả nhà sự bất ngờ. Cả nhà lúc này chỉ mới có bà Thanh và Gừng. Và dĩ nhiên là bất ngờ. Riêng Gừng thú vị hơn, nhanh tay chuẩn bị cho mâm cơm có ba người. Tiếng đàn từ phòng anh Hóa lại rộn rã...

Bà Trợ Liêm sang chơi, thuận tay giúp Gừng gỡ những lát mứt sắp khô vừa đưa từ bếp lò xuống. Những tia nắng ấm tràn vào hiên, chói lên những hạt đường lấp lánh trên nong mứt đang phơi. Hai bà bạn già ngồi nhìn màu lộc đang chuyển từ đỏ hồng sang xanh non trong óng ả xuân thì của vườn cây. Gừng đặt khay trà ngát hương trên bàn xong vừa quay lưng đã nghe bà Trợ Liêm xuýt xoa:

- Bữa ni chị khá hơn nhiều rồi hí, da thịt đỏ đắn lắm!

Bà Thanh đặt tách trà còn bốc hơi về phía bạn, cười sung sướng:

- Cám ơn chị, hôm nay ấm trời, dễ chịu hơn nên em cũng khoẻ ra.

- Chị nói phải lắm! Ấm trời, chim trong vườn cứ ríu ra ríu rít cả lên. Trông chúng cũng tưng bừng hoan lạc ghê!

Gừng cúi xuống nhặt chiếc khăn của bà Thanh vắt lên lưng ghế, láu táu:

- Thưa bà Trợ, con nghe bà nói tưng bừng hoan lạc mà con thấy lạ quá. Dạ bà ơi, khi con chim mổ được con sâu rồi hót vang sung sướng, là còn cả chục con sâu khác nép mình dưới lá run sợ hoảng hồn tội lắm. Sướng mình mà khổ người ta đó, thưa bà!

Cả hai người cùng nhìn Gừng không chớp mắt. Trong cái đầu nho nhỏ của con bé nhà quê này lại có nhiều cái hay đáo để. Giá mà nó được đi học thì cũng là đứa thông minh sáng láng lắm. Nhưng nó chỉ đến trường đâu được vài ba năm. May ra giờ được ở trong góc bếp nhà giàu cũng là ấm thân cho nó rồi...

Những ngày Tết qua nhanh vì Gừng bận không hở tay đã đành, nhưng vì một điều dễ hiểu hơn mà không ai biết, là nó muốn níu những ngày vui ở lại, sợ hết Tết rồi nhà sẽ vắng vẻ buồn hiu như cũ. Bà Thanh cho Gừng về quê hôm mồng bốn Tết và dặn nó lên sớm mồng năm để phụ bà làm mâm tiệc đãi hai anh đi học. Người chồng hiển đạt mất sớm, nhưng vốn liếng của nả để lại từ mấy đời được làm vốn cho mấy cửa tiệm trên phố khiến gia đình bà vẫn là một trong số rất ít còn được sung túc sau nhiều biến động của thời cuộc. Và bà Thanh vì vậy vẫn giữ được vẻ quyền quý đoan hạnh của một mệnh phụ. Hè này anh Đại sẽ tốt nghiệp, anh em bạn bè của ông Thanh đã thu xếp trước công việc cho Đại, cũng không khó khăn gì bởi vì chính anh cũng là một sinh viên giỏi. Niềm vui lấp lánh trong ánh mắt nụ cười người mẹ. Do đó, bà cũng hào phóng cho Gừng nghỉ hẳn một ngày dù giáp tết nó đã mang quà bánh và tiền tết về cho mấy em ở quê. Lần này Gừng mặc vừa vặn bộ quần áo của chị Dương hồi còn đi học. Nó ngắm mình hồi lâu trong gương, thấy mùa xuân sáng bừng trên vóc dáng dậy thì. Và nó mang mùa xuân đó theo những bước chân nhẹ tênh đi ra ngõ, lướt qua khóm trạng nguyên xòe những bàn tay đỏ vẫy chào, còn nghe vẳng tiếng đàn từ phía đông phòng dìu dặt... Mùa xuân đầu tiên Gừng vui như thế, cả nhà nó nhiều tiếng cười như thế. Đâu đó làng trên xóm dưới có vài câu dè bĩu, rằng là “cực mấy cũng không cho con đi ở”, rằng là “ở đợ thì hay ho chi”... Còn lại thì ai cũng khen Gừng mau trổ mã, ước ao được lên phố như nó, dẫu nhà bà Thanh chỉ ở phố huyện, cách “dinh” còn đến mấy giờ đi bộ. Một ngày ở làng không phải làm việc, mâm cỗ cúng đưa có nhiều món ngon và đẹp được mọi người khen, Gừng vui lắm nói cười luôn miệng. Nó đâu ngờ rằng đó là mùa xuân đẹp đẽ duy nhất của đời mình...

2.

Người đàn ông rít hơi thuốc dài trước khi vứt mẩu tàn đỏ rực xuống đất và dí mũi giày lên cho tắt hẳn. Anh xốc lại ba lô rảo bước theo đoàn khách đang bước xuống những bậc cấp dẫn xuống bản làng dưới thung lũng cùng anh chàng hướng dẫn viên người H’Mông. Những gian quán nhỏ hai bên đường bày bán các loại rễ cũ làm thuốc của người vùng cao, những tấm vải cùng áo khăn hàng thổ cẩm dệt tay, và nhiều loại vòng dây đeo, túi xách màu sắc sặc sỡ cứ nối tiếp hiện ra trước mắt anh. Những tiếng mời chào đuổi theo. Anh bỗng ngoái lại nhìn cô gái địu con vừa vẫy tay đứng cách mình chỉ mấy bước chân. Giọng nói với âm vực đậm pha lẫn chất miền trong, không như mấy cô gái vùng cao ở đây nói tiếng Kinh, khiến anh chú ý. Thấy anh dừng lại nhìn, cô lại đưa tay vẫy và mời thêm lần nữa. Anh tần ngần nhìn theo người khách cuối của đoàn đang khuất hẳn sau một chỗ rẽ dưới dốc rồi quyết định đứng lại. Đã nhiều lần đi qua các vùng núi Tây Bắc, những món hàng lưu niệm này chẳng xa lạ và hấp dẫn gì với anh, nhưng giọng nói và vẻ hồn nhiên trong trẻo ở cô gái thì có lực hút lạ kỳ. Gọi điện thoại cho người bạn trong đoàn xong, anh bước về phía hai mẹ con. Cô gái trong trang phục H’Mông nhưng nhìn không giống người miền núi. Thằng cu con chừng một tuổi vừa thức dậy, đưa mắt nhìn anh và những du khách đang lướt qua. Hai con mắt to đen với hàng mi dài, đậm. Là đôi mắt đẹp và buồn thường thấy của những em bé vùng cao trên khắp các miền đất nước.

Người mẹ trẻ vạch mớ khăn áo treo dăng trước hàng, đứng vào trong để chỗ cho khách. Nhưng anh không xem hàng hóa. Anh vừa nhìn thấy sợi dây bạc trên cổ đứa bé. Một sợi dây bạc rất bình thường. Lạ là mẩu kim loại đã xỉn màu nhưng còn khá lấp lánh đeo vào sợi dây đang bị che một phần bởi cái cổ áo. Anh chợt ngờ ngợ một điều gì. Một điều gì đó đã qua lâu, đã cũ, đã nhạt nhòa.

- Cháu bé ngoan quá! Lại đeo cả chuỗi dây đẹp nữa! - Anh đưa tay định cầm sợi dây lên nhìn thì thằng bé hoảng sợ khóc òa. Cô gái ôm con dỗ dành đi ra ngoài, ném lại một câu, như tia chớp nháy xuyên qua đầu óc anh mụ mị lùng bùng:

- Chỉ là cái cúc áo cũ thôi mà!

Đoàn khách đã lần lượt leo hết con dốc phía bên kia, không trở lại theo lối cũ. Vì vậy anh phải đi vội sang để theo xe về thị trấn trước khi trời tối. Anh dúi vội ít tiền vào túi áo thằng bé, hỏi người mẹ:

- Cháu tên gì? Chú sẽ ghé mua hàng sau!

- Cháu là Lan. Nhưng ở đây chỉ biết cháu là vợ Sủ. Chú nhớ trở lại, hỏi vợ Sủ nhé!

- Nhất định rồi! - Anh chạy nhanh về phía đoàn, bước chân nghe nằng nặng hơi rét của gió chiều thung lũng và ánh mắt trông theo từ phía sau.

Tối hôm đó, anh không theo nhóm đi Chợ Tình như đã định mà kéo người bạn cùng phòng ra ngôi quán nhỏ gần khách sạn. Đêm Sa Pa vào cuối đông giá rét đủ làm cho người ta cần vài ly rượu ấm, cần một ai đó nghe mình san sẻ những điều tưởng như đã thăm thẳm chìm sâu theo năm tháng. Thỉnh thoảng cùng Hóa trải nghiệm thực tế vài chuyến ở nông thôn và vùng cao, Long chưa bao giờ thấy bạn khác lạ như hôm nay. Hóa không ồn ào, ít chia sẻ. Nhóm bạn văn nghệ sĩ trong quận cho đó là điều bình thường ở một người đàn ông bình thường. Không chật vật lo cơm áo cho gia đình, không giật gấu vá vai đắp đổi như một vài anh em trong hội, vậy là ổn. Có lẽ luôn ở trong “ngưỡng an toàn” cho nên đến bây giờ, Hóa vẫn chưa có một tác phẩm nào gọi là đình đám. Nhiều người vẫn nghĩ vậy. Hóa cũng nghĩ vậy.

Hơi men bốc nồng làm ấm lại đêm vùng cao. Long chưa thấy người đàn ông khóc bao giờ. Hóa không khóc, nhưng đôi mắt như có nước, cứ lưng lửng chực rơi theo suốt câu chuyện kể...

... Ngày nghỉ Tết cuối cùng của mùa xuân năm ấy, sáng sớm Hóa đã chạy xe về phía xóm chợ có ý chờ Gừng từ quê lên. Anh muốn chở cô đi xem một vài nơi cũng tạm coi như là chơi xuân, trước khi cô ấy trở lại với công việc thường ngày trong căn nhà từ ngày mai lại vắng lặng, buồn hiu... Và rồi màu áo xanh của Gừng đã sớm xuất hiện cùng nụ cười rạng rỡ chưa từng thấy:

- Ủa, anh Hóa!

Niềm vui đến tự nhiên. Hơn cả ở nhà, vì con đường cứ chạy dài qua những ruộng lúa đang làm đòng thoảng mùi thơm ngọt ấm. Gừng níu tay vào yên xe phía sau, ngại ngùng giữ một khoảng cách với người ngồi trước. Nhưng có nhiều cú nảy xóc qua những ổ gà, cô đã phải ôm chặt lưng anh từ bao giờ. Không phải lần đầu chở phụ nữ ngồi sau, nhưng cảm giác dễ chịu và êm ái này thực sự làm Hóa thấy mới mẻ và ngây ngất. Anh không muốn quay về. Nhưng Gừng bỗng chúi vào anh, chiếc xe loạng choạng một đoạn dài. Hóa giật mình nhận ra lốp xe trước bị xẹp. Cả hai nhìn quanh, phải dắt xe qua khỏi cánh rừng bạc hà này mới thấy nhà cửa, may ra có quán sửa xe... Đứa nhỏ phụ sửa xe phóc lên chiếc xe đạp cũ vội vã chạy đi gọi chủ sau khi ném lại hai tiếng cộc lốc: “Đợi đã!”

Hóa nhìn đồng hồ tay, rồi lại xốc cổ áo vì mồ hôi bết dính cả lưng. Gừng cầm nón quạt cho cả hai. Phía sau gian quán là con đường dốc dẫn lên đồi, tiếp giáp với cánh rừng có những cây bạc hà xanh non đang cao lúp xúp. Ít nhất cũng phải chờ đến hơn nửa giờ đồng hồ. Anh nắm tay Gừng đi theo con đường dốc. Gió trên này mát quá. Cả hai quên đi nhanh chóng cái mệt vì đoạn đường dài dắt xe đi bộ lúc nãy. Gừng đi trước, từng món tóc thả dài thoảng mùi bồ kết có khi vướng qua mặt, qua vai Hóa. Anh thấy bước chân mình nhẹ hẫng, vấp vào chân Gừng đang cố nhoài lên con dốc khiến cả hai cùng ngã dúi. Một tay Gừng chụp vào gốc cây nhỏ, tay kia níu lấy vai Hóa. Đất trời xoay xoay. Cây rừng xao động và bỗng lùi xa, còn lại những hoảng hốt đớn đau mà mê đắm của một cõi nào chưa hề tới... Gừng mở mắt nhìn lên, bầu trời xanh xuyên qua đám lá trông như xa hơn. Cô quay sang Hóa:

- Trời có xanh mãi như ri không anh?

Hóa nắm vạt tóc Gừng xõa lên mặt mình, lim dim mắt::

- Nếu có mây che như thế này thì không.

Gừng cười thành tiếng và nghiêng người ra xa. Tiếng lá khô cựa dòn dưới lưng nhắc cô nhớ lại điều gì. Cô ngồi bật dậy, mở túi xách lấy lược chải lại đầu. Có vẻ như cô đang chú ý đến cái gì đó trong đám cỏ, ẩn dưới mấy chiếc lá khô...

Hóa thả Gừng xuống gần xóm chợ, rồi một mình chạy xe về đến nhà đã thấy bà Thanh ngồi trước hiên vẻ bực tức. Giờ anh mới thấy lo cho Gừng. Bà Thanh không nhìn anh, cũng chẳng hỏi anh đi đâu cả buổi sáng, hết đứng dậy lại ngồi xuống. Chợt nhìn thấy cái túi xách móc trước xe con trai, bà giật mình bước tới giằng lấy. Dễ dàng nhận ra bởi đây là túi xách của chị Dương mà bà đã cho Gừng, thay cái bị cói để về quê ngày Tết. Hóa cũng giật mình, không ngờ lúc Gừng xuống xe, cả hai lại vội vàng đến đểnh đoảng như vậy. Nhưng anh không còn kịp tự trách mình nữa. Cái túi đã rung lên theo cơn giận của người mẹ. Mặt bà tái đi vì tức giận, cũng có thể vì một nỗi sợ le lói nào đó đang ập đến:

- Có cả chuyện này nữa hả? Hắn mô rồi? Nhà ni loạn hết rồi!

Vừa lúc Gừng bước vào cổng. Nghe hết chừng đó, chân cô như đeo đá tảng, dính chặt ở sân. Bà Thanh quay lại và Hóa cảm thấy nguy hiểm đang tới sát bên Gừng. Ánh mắt người phụ nữ dịu dàng đài các đó giờ như có lửa dội xuống người cô:

- Bà nấu nướng đầy đủ các món rồi, mi không phải vô bếp làm chi nữa. Mi giỏi lắm! Đũa mốc mà chòi mâm son à?

- Bà ơi, dạ...

Người chủ ném cái túi về phía đứa giúp việc mắc tội lớn:

- Đi! Đi đi! Để lại mi trong nhà e mà mang hậu họa!

Hóa chưa bao giờ thấy mẹ mình hung dữ và nặng lời với ai như thế. Anh bước tới phía Gừng định giải thích thì cô đã chạy nhanh vào nhà. Thoắt cái trở ra với cái bị cói trên tay, và bộ quần áo quê mùa ngày nào đã ngắn cũn. Cô vòng tay, ánh mắt lạnh như băng nhìn bà Thanh:

- Con xin lỗi đã làm bà giận! Nhưng con thề là con không mơ tưởng bất cứ cái chi của nhà này cả! Con tới đây răng thì con ra khỏi đây cũng rứa.

Và Gừng bước thẳng ra ngõ, không thèm liếc sang Hóa đang đứng chôn chân bên thềm, không kịp chào vợ chồng chị Dương đang tay dắt tay bồng mấy đứa nhỏ ríu rít từ cổng ngõ đi vào...

Chiều hôm đó, Hóa một mình phóng xe tìm đường về quê nhưng không thấy Gừng. Trở lại trường với những ngày học không ra học, nhưng rồi anh cũng ra trường. Anh tìm về quê Gừng lần nữa, lân la ở quán nước đầu xóm mới hay Gừng vẫn biệt tăm, người mẹ quê khốn khổ và nhục nhã vì chuyện con gái mình bị đuổi bỏ nhà đi, ốm liệt rồi chết trong nghèo khó... Chẳng biết may hay rủi khi anh được về làm việc ở cơ quan của người mà sau này là cha vợ. Trong gia đình, mọi thứ đều do vợ Hóa sắp xếp. Cũng phải vậy thôi, người làm chủ tài chính là người có tiếng nói giá trị nhất. Anh đi về như một cái bóng, nhiều hơn chăng thì cũng được xếp ngang với hai đứa con trai, cả ba đều do người đàn bà gia trưởng đặt đâu ngồi đấy. Chúng từ bao giờ đã không cần đến ý kiến và quyết định của anh. Vợ anh có tài xếp đặt không chỉ việc nhà mà còn có quan hệ ngoại giao rất tốt với những ai và những gì chị ta cần đến. Có chỗ dựa từ những người thân đương chức ở cấp bộ, chị nhanh chóng xin chuyển ra Hà Nội, tuy cách trung tâm thành phố mấy chục cây số nhưng theo chị như thế mới thuận lợi. “Bố chúng mày làm việc gần mặt trời, có mà cháy ra tro cho sớm!” Chị bảo thế khi có đứa hỏi mẹ sao không về khu phố gần chỗ bà bác họ. Cuộc sống của mỗi thành viên trong gia đình cứ rơi từng ngày đều đặn như những tờ lịch, không vội vã nhưng cũng đủ cho Hóa thấy bỗng chốc mình đã già đi rất nhanh. Anh không có năng lực, sống bằng đồng lương khiêm tốn đã đành. Anh thấy mình cũng không cần thiết cho các con, điều này hiểu cách nào cũng đúng. Và cả chị ta. Chồng vắng nhà vì công việc, hoặc không có lý do, chị cũng chẳng bận tâm. Chị cứ trẻ đẹp, cứ chưng diện, và cứ làm ra tiền. “Cái ngữ ấy - là chị nói chồng mình - thì thả đi đâu về cũng còn nguyên!” Mà đúng vậy, quanh Hóa không thiếu phụ nữ, lại là người đẹp và rất tình, nhưng anh cứ lừ đừ, trông chán chết được. Ai cũng nói thế. Nhiều đêm anh ngồi ôm đàn nhớ về ngôi nhà xưa, nhớ vườn cây ướt lá đầu mùa mưa ấm làn khói bếp, nơi anh đã bỏ đi rất lâu vì nhiều nỗi giằng xé không nguôi. Một lần về gặp bà Thanh trong những giây phút cuối đời, anh thấy đôi mắt mẹ rưng rưng một nỗi sợ hãi và hoài nghi. “Me mơ thấy ba con. Ông giận me lắm, nói me sai rồi. Me làm sai điều chi hả con? Gặp ba rồi me phải hỏi cho ra mới được.” Chẳng biết hơn mười năm nay bà đã hỏi được chưa. Ngôi nhà vẫn là nơi thờ tự, anh Đại thuê người cháu họ của bác Đông dăm bảy hôm đến quét nhà lau bụi một lần và nhang khói cho ấm áp. Những ngày giỗ chạp thì có chị Dương, nhưng vợ con anh Đại ở mãi trong Sài Gòn, có nhiều năm không đầy đủ cháu con về cúng giỗ, chị Dương lại gọi điện rầu rĩ trách cứ. Cách đây không lâu, vợ Hóa tuyên bố thẳng thừng là giỗ chạp trong này giao hẳn cho anh, chị chi tiền đầy đủ, các con đứa nào muốn vào thì đi cùng bố. Nhưng chẳng đứa nào muốn vào. “Nhà bà nội buồn quá! Cái xứ gì nắng lắm mưa nhiều, chẳng biết đi đâu, cuồng chân lắm!”

- Có lẽ mình sẽ xin chuyển vào hẳn trong đó. - Hóa kết thúc câu chuyện, dốc hết rượu trong chai và uống một hơi cạn ly.

Hôm sau thức dậy, Long không thấy bạn. Trên giường còn lại mảnh giấy ghi vắn tắt: “Ông theo đoàn về đi! Tôi còn bận việc.” Ra xe gọi điện mãi vẫn không liên lạc được, Long tặc lưỡi bảo cậu hướng dẫn viên:

- Đi thôi! Bác ấy sẽ tự túc xe về!

3.

Nhà dựa lưng vào vách một mô đất lớn. Mùa rét, những luống cỏ ống vẫn còn lưa thưa. Chàng trai H’Mông mở cửa ra có vẻ như chuẩn bị đi đâu. Anh ta nhìn trời đang âm u và sương mù bắt đầu dày đặc, quay mặt nói vọng vào:

- Mình ơi, nhớ cho con uống thuốc đấy! Anh đi đây!

Chàng trai gặp ngay người đàn ông đang đứng ở cổng nhìn vào. Ông ta đặt chiếc ba lô to xuống đất, hỏi:

- Chào cháu trai! Phải nhà Lan, vợ Sủ ở đây không?

- Phải rồi, phải rồi! Cháu là Sủ đây! Nhưng cháu phải đi ngay không thì trễ mất.

Sủ đưa tay lên đầu chặn chiếc mũ len, bước vội như chạy, thoắt cái đã hút mất chỗ khúc quanh đầu bản. Hóa đưa tay lên gõ cửa:

- Cháu Lan ơi, là chú hôm qua đến thăm nhà ta đây!

Cánh cửa mở hé đủ cho anh lách người bước vào rồi đóng ngay lại. Bếp lửa giữa nhà hắt lên khuôn mặt Lan màu hồng cam ấm áp. Mỗi khi gió mạnh lọt qua khe cửa, những ngọn lửa bị rạp xuống hoặc uốn éo nhẹ nhàng rồi lại bùng lên, bắn tanh tách những vụn lửa ra ngoài. Lan chào người khách tốt bụng, nhấc cái ấm nước to đang sôi trên bếp xuống, rót vào cái bát lớn:

- Cháu mời chú uống cho ấm. Thằng cu con nóng sốt từ hồi đêm, giờ đang ngủ chú ạ!

- Chú trở lại tìm cháu nhưng người ta bảo hôm nay cháu không đến. Hỏi nhà thì gặp may có người xuống bản nên chú mới đi theo vào được đây.

Hóa đứng nhìn thằng bé ngủ say, hỏi bâng quơ:

- Trông cu bé giống bố Sủ nhỉ? Hôm nay Sủ có việc gì vội à?

Vợ Sủ đến kéo chăn lên đắp cho cu con, tiện tay gỡ sợi dây bạc vướng vào cằm nó. Như nhớ điều gì, cô bật cười:

- Hôm qua chú hỏi gì nhỉ? À, là cái cúc áo này mẹ cháu đeo cho cháu suốt mười tám năm. Khi cháu lấy chồng mới tháo ra vì nó đã quá cũ. Chính tay Sủ đeo cho nó đấy. Sủ nói kỷ niệm của mẹ vợ, thì phải là quý lắm!

- Vậy bố mẹ Sủ ở đâu?

- Dưới kia, xa lắm! Hôm nay Sủ đưa bò xuống đấy gửi không mai rét về, bò chết mất. Đợt này là rét đậm đấy!

Anh bị kéo vào câu chuyện:

- Còn bố mẹ cháu, đều là người Kinh chứ?

- Vâng!

Thấy ánh mắt Hóa như còn muốn hỏi điều gì, vợ Sủ cười cười, kể thêm:

- Nhưng đều mất cả rồi.

- Chú xin lỗi cháu!

- Cũng may là bố mẹ Sủ quý cháu lắm. Người trong bản cũng quý, chả có ai lấy được vợ người Kinh đâu. Cháu học cùng trường với Sủ đấy. Nhưng bố mất rồi thì phải nghỉ.

Giọng cô gái chùng xuống:

- Bố cháu mất đã bốn năm trước vì tai nạn ở đèo, lúc chở cháu đi học về. Mẹ thì mới đầu năm nay.

Cô bỗng nhìn khách, vẻ thăm dò nhưng đã vui tươi hơn:

- Chú ơi, chú người miền Trung phải không?

- Ừ, nhưng chú ở Hà Nội. Lâu lắm mới vào thăm.

- Thích thật! Quê mẹ cháu cũng trong ấy. Có khi cháu phải nhờ chú, nhưng bây giờ thì chưa.

Hóa bỗng thấy gần gũi và ấm áp bên cạnh cô gái. Một thoáng vui xa xôi mơ hồ nào đó đang ngân vang trong lòng anh, mà nhiều năm tháng qua chỉ có nhạt nhẽo nặng nề.

- Thật ra thì bố cháu chỉ là cha nuôi. Nếu bố không mất thì mẹ cũng không cho cháu biết điều đó. Suốt đời mẹ biết ơn bố vì đã nuôi cháu lúc mẹ vừa ẵm cháu vừa làm lụng kiếm tiền. Cháu có hỏi về cha đẻ của cháu, nhưng mẹ bảo không biết cũng chẳng sao. Ông ấy không hề biết về sự có mặt của cháu trên đời này. Cả họ hàng hai bên nội ngoại cũng thế.

Thằng cu con cựa mình khóc đòi mẹ. Cô gái mở chăn ra bế con đến ngồi gần bếp lửa, giờ chỉ còn mớ than hồng, thỉnh thoảng bay lên những tàn tro trắng xám.

Hóa bỗng bồn chồn:

- Vậy rồi sau này cháu ra sao?

Đứa bé lại khóc. Lan đứng dậy múc cháo bón cho con từng thìa nhỏ. Trông nó cũng dễ chịu, ăn được chút ít thì mẹ cho uống thuốc. Nó quay sang phía Hóa vợi bàn tay như muốn đòi ẵm. Anh đứng dậy thử đưa tay ôm lấy, bồi hồi vì thấy nó nhoài người sang. Rảnh tay, Lan cời than cho thêm nhúm cỏ khô, gác củi vào thổi nhẹ, ngọn lửa bùng lên sáng ấm gian nhà. Ngước lên nhìn ông khách, cô hỏi:

- Ra sao là thế nào hả chú? A, bao lâu nay cháu vẫn thế. Sau này cũng vẫn thế. Chỉ đến khi mẹ sắp mất mới cho cháu biết rằng mẹ không còn buồn vì bị ruồng bỏ. Mẹ muốn sẽ tự tay dẫn con về trong ấy một lần cho biết gốc gác sinh thành, chỉ biết vậy thôi. Không ngờ rằng mẹ mất sớm thế. Con sẽ về, nhưng phải để cháu bé lớn thêm chút ít, và Sủ chăm tốt thêm mấy lứa bò nữa. Có ai chờ đợi đâu mà phải vội kia chứ!

- Lúc nào cũng được, nếu cháu muốn vào trong ấy thì chú sẽ đi cùng.

Lan cười khúc khích:

- Nói vậy chứ mênh mông trời đất, tìm đâu có dễ hả chú. Riêng cái xứ Huế của mẹ cháu đi cả ngày cũng chưa hết. Nhưng có một người bà con họ xa của mẹ chắc sẽ biết đôi chút.

- Hay quá! Vậy thì chú cháu mình sẽ có dịp vào trong ấy rồi.

- Nhưng phải tìm ra ông cụ tên Đông, giờ đã già lắm nhưng nói tên mẹ con thì hẳn là vẫn nhớ!

- Ông Đông ư? - Hóa nuốt nước bọt khó khăn, cổ họng như nghẹn cứng.

- Đúng vậy, hỏi mẹ Gừng thì ông cụ nhớ ngay ấy mà!

Lan cười lớn, không kịp thấy ông khách nhìn mình chăm chăm. Những nếp nhăn trên trán co rúm lại rồi dãn ra, Hóa cũng cười, cười vang hơn cả con gái mình, rồi cúi xuống thằng cháu trai. Nó giật mình, sợ hãi khóc thét lên. Nước mắt người ông cũng lã chã rơi trên mặt cháu. Cứ vậy, ông ôm cháu đến nghẹt thở. Mặc cho thằng bé vẫy vùng khóc thét, ông vùi mặt vào ngực cháu nức nở, đôi vai rung theo tiếng nấc. Không biết bao lâu, đến khi Lan đỡ thằng cu con trên tay cha mình và nghẹn ngào:

- Con mừng vì thấy ba trở lại tìm. Tối hôm qua con nhìn lại tấm hình này mà mới gần đây mẹ đã có được khi về quê tìm ông Đông. Đó là lúc mẹ biết mình không còn sống được bao nhiêu ngày. Ba không khác hồi trai trẻ. Con nhận ra mái tóc dù nay đã điểm bạc.

Trời bên ngoài mịt mù sương, giá rét đến nhanh hơn dự báo. Nhưng trong nhà, bếp lửa vẫn rực hồng lên, lách tách tiếng củi cháy reo vui...

N.T.D.S  
(TCSH372/02-2020)



 

 

Các bài mới
Lão Cao (15/03/2024)
Cái đó (20/02/2024)
Hồ cá (30/01/2024)
Cu Lai Quăn (18/01/2024)
Mê cung (12/01/2024)
Các bài đã đăng
Đỗ Quyên (21/02/2020)
Nhất chi mai (03/02/2020)
Dì Ba chẻ chữ (20/01/2020)
Phượng hoàng (08/01/2020)
Một khoảng xanh (02/01/2020)
Dị mộng (16/12/2019)