Truyện ngắn
Bão cát
08:53 | 10/07/2009
MAI NINHTrong khoảng giữa buổi chiều thăm viếng cơ sở và dạ tiệc, tôi chạy về nhà thay quần áo. Dưới vòi nước ấm, tôi nao nao xúc động nhớ lại từng khuôn mặt bạn bè. Ngoài một hai người thỉnh thoảng gặp nhau nhờ ở lại nơi này sau khi tốt nghiệp, còn hầu hết thì sau một phần tư thế kỷ đã qua đi, bây giờ mới tái ngộ. Làm sao không ngẩn người trước những tên bạn ngày xưa mặt mũi căng hồng tí tửng nhố nhăng, giờ đây làn da gấp nếp, râu ria đạo mạo, ra dáng sếp lớn sếp nhỏ cả rồi. Và dấu chân chim của thời gian càng rõ rệt hơn nữa, nơi những cô đầm bạn gái của tôi.

Sau bao năm biệt tích, cách đây mấy tháng, vợ chồng tên trưởng lớp gọi tìm tôi ngỏ ý muốn làm cuộc họp mặt bạn bè toàn lớp kỷ niệm hai mươi lăm năm và nhờ tôi tổ chức buổi viếng thăm trường cũ cùng vài cơ sở liên hệ quanh vùng. Trong đám bạn tôi ngày ấy, hai người này đã là vợ chồng khi vào năm thứ nhất; năm sau nữa lại một cô đám cưới và đến năm cuối cùng thì một tên khác lấy vợ. Đa số đã về đây từ tối hôm trước, nhưng sáng bữa sau tôi mới gặp lại tất cả trong giảng đường của ngôi trường đã khác hẳn năm xưa, hiện đại hơn, đồ sộ hơn với sự đóng góp của nhiều ngành kỹ nghệ. Bạn bè nhận ra nhau, qua lúc đầu bỡ ngỡ là ồn ào niềm vui. Đến nỗi, sau khi ông giám đốc hiện thời vừa chấm dứt vài lời chào đón bọn học trò cũ, tên nghịch ngợm nhất khi xưa đã cởi ngay áo veste, trèo lên bàn, phóng tung những chiếc tàu bay giấy mà hắn vừa gấp vội vàng. Chúng tôi vỗ tay la ó náo nhiệt như thuở nào.

Bữa tiệc đêm được tổ chức trong một trang trại cách thành phố khá xa, đường đi quanh quất. Tôi chạy lạc một vòng nên đến nơi khi mọi người đang vào bàn. Chưa biết ngồi đâu, tôi chạm phải ánh mắt N., một thúc đẩy vô tình, tôi ngồi xuống cạnh anh. Bên phải N. là một người đàn bà mảnh mai, tóc bạch kim, sáng dưới ánh đèn. N. giới thiệu vợ mình. Tôi đưa tay ra, cầm lấy một bàn tay mềm nhưng hờ hững, giống màu mắt xanh thẳm lạnh lẽo của cô. Chúng tôi bắt đầu ăn uống trong không khí ồn ào náo nhiệt. Sau một ngày hội họp, tuy có lúc vui tếu nhưng thường bắt buộc phải nghiêm trang, bây giờ mới được thả giàn thoải mái. Cả bọn hồi sinh, hoàn đồng, đứa nào cũng tranh nhau thăm hỏi. Nghe từng mẩu chuyện, nhìn từng người bạn một, diện mạo thay đổi đã đành, tôi còn ngạc nhiên biết bao trước những thay đổi về cung cách, về con người. Hình như chẳng phải do thời gian, mà chính là đời sống và cách sống đã làm người ta đổi khác đến như vậy.

Anh chàng M. chuyên học gạo hồi xưa, lúc nào cũng chúc đầu vào đống sách, cặp kính đầy nặng trễ xuống tận miệng, đang huênh hoang khoe rằng, bây giờ cái giường của anh ta kê trên máy bay. Làm phó giám đốc một hãng truyền thông lớn. Cứ rời các buổi họp là anh ta trèo lên máy bay ngủ khò lấy sức. Bao năm nay không sờ tới một quyển sách. Còn cậu J. mặt mày trắng bóc thư sinh, vô cùng nhút nhát, cứ đứng trước mặt các cô là bắt đầu lắp bắp. Thế mà giờ đây cũng điềm đạm, chững chạc bên bà vợ khá duyên dáng. J. giảng dạy ở một thành phố khác, nghề nghiệp giúp J. chế ngự được tật nói lắp của mình. Còn con bạn tếu của tôi! Cuối cùng nó cũng lấy tên bồ bác sĩ. Nhưng rồi li dị sau đó. Nó là đứa duy nhất đã bỏ hẳn cái ngành chúng tôi theo học. Không dưng, nó chán nghề, ghi tên học môn luyện giọng cho trẻ em bị ngọng. Nó cười khoe:

- Bây giờ, tao giao thiệp với bọn tai to mặt lớn.

Thấy tôi tròn mắt, nó nhún vai:

- Mày không biết, con nít đến tao chữa, toàn là con của họ. Ấy, bọn chính khách chuyên dối gian thánh tướng, nên lũ con thường ngọng cả!

Cuối bữa ăn, khi nhà hàng dọn cà phê và rượu mạnh, chúng tôi bắt đầu giở ra những tập hình cũ của mỗi người mà trước đó tên trưởng lớp đã dặn dò mọi người nhớ đem theo. Tấm này, cả nhóm mặt mày còn non, bảnh choẹ trong y phục dạ hội, tấm kia trong khu chợ souk, mấy đứa dằng dai mặc cả mua cái púp trong nửa tiếng đồng hồ, chỉ để xuống giá vài đồng! Những gian hàng vải vóc, gia vị màu mè sặc sỡ. Quán trái cây bên đường treo những chùm cam quít kết thành dây vàng rực... Và tôi, trên con lạc đà có con mắt lồi thật hiền từ với hàng mi dài rậm. Chỉ nhìn qua đã nhớ ê ẩm cơn đau đáy lưng và hai bên đùi. Những hình ảnh gợi lại các pha đùa nghịch hài hước trong chuyến đi sa mạc Bắc Phi hai mươi lăm năm trước, trải đầy trên mấy chiếc bàn. Có cả tấm chúng tôi quấn chăn trùm mền mỗi người một đống ngồi sát bên nhau. Bao nhiêu kỷ niệm tưởng chừng đã quên không ngờ sống lại đêm nay với những lời bàn ra tán vào, chọc ghẹo. Bỗng tên trưởng lớp cầm một tấm ảnh giơ cao:

- Ê, đứa nào nói được hai cái bóng ma âu yếm này là ai, ta thưởng!

Mọi người nhao nhao:

- Đưa xem, đưa xem...

Tấm ảnh chuyền đi, người bảo tên này, kẻ nói tên khác, tên trưởng lớp vẫn lắc đầu. Khi đến bàn tôi, con bạn nhanh tay chụp trước, tôi chưa kịp ngoái sang tay nó, hắn đã nheo mắt ngó lại tôi. Ánh mắt tên trưởng lớp nửa xác định nửa chế riễu, vợ hắn đứng sau lưng cười mỉm. N. choàng tay với lấy. Tôi liếc qua. Một tấm hình thiếu ánh sáng, mờ mờ hai bóng người dựa bên nhau, nhưng một cái lu đất sáng rõ hơn trong góc ảnh, như có ánh đèn rọi thẳng vào. Vợ N. cũng quay sang ghé mắt nhìn. N. đút ngay tấm ảnh vào túi áo, rồi thản nhiên cầm ly rượu giơ cao về phía tên trưởng lớp:

- Cám ơn bạn, đã cứu ta trong cơn bão cát, lại còn chụp cho tấm hình kỷ niệm.

- Hì hì, cho gì! Tao bán đấy. May mà lúc nào tao cũng đeo theo cái máy ảnh.

Bọn còn lại chợt hiểu ra, vỗ bàn rầm rầm:

- A, nhớ rồi, hai đứa nó trốn biệt vào đó bàn chuyện thế sự để tụi mình lo sốt vó!

Bên kia N. vợ anh ta cũng cầm ly mình lên uống cạn rồi cô chau mày đặt xuống. Tôi không uống rượu, nhưng mặt nóng bừng, hai tay loay hoay, không biết để vào đâu. May thay, lúc ấy ban nhạc trên cái sân khấu nhỏ ở góc phòng, vẫn chơi nhạc nhẹ từ đầu bữa ăn, rồi đổi qua một điệu nhảy sống động. Vợ N. đứng ngay dậy kéo tay chồng, N. bước theo. Con bạn bây giờ huých tôi:

- Hắn tỉnh bơ thật, mà có sao, đâu còn gì giữa họ!

Tôi trông theo, chẳng hiểu sao không chút ngạc nhiên nào. Vợ N. nhảy rất đẹp, nhưng mặt cô ấy không tươi cười mà lành lạnh.

- Này mày, giọng nói và màu tóc cô ta không hẳn Pháp.

Con bạn gật đầu, chép miệng:

- Ờ, gốc Đức, bởi vậy quen gì nổi cái xứ mênh mông là biển của N.

Vừa nói tới đó thì D. xuất hiện, nghiêng mình kiểu cọ mời tôi một bản, còn đùa thêm:

- Nhảy hết bài nghe M., đừng có xô tôi nhào xuống đất như hồi xưa đó nhé!

Tôi bật cười. Bao nhiêu năm rồi, anh ta vẫn chưa quên! Trên sàn nhảy, thỉnh thoảng chúng tôi đến gần vợ chồng N. Chỉ thoáng qua màu áo nâu nhạt và chiếc cà vạt hồng của N., tôi bâng khuâng nhớ một lần nào như thế khi chúng tôi còn rất trẻ.

Bản nhạc vừa chấm dứt, tôi cảm thấy ngột ngạt vì khói thuốc, nên bước về phía bên kia phòng ăn, có cửa mở ra một khoảng sân nhỏ che kính, trồng nhiều loại hoa miền nhiệt đới. Bầu trời đêm đen thẳm, xa xa trong vườn, vài trụ đèn lồng rọi trên sân sỏi và những giậu hoa hồng nở muộn. Tôi dễ thở hơn với bóng tối dìu dịu. Một nỗi buồn khó tả, nhè nhẹ trong hồn tôi. N. đã đẩy cửa bước vào, tôi thốt nhiên rùng mình, đưa tay ôm lấy hai vai. N. làm như không thấy, mà có lẽ anh chẳng thấy thật, nói tự nhiên:

- M. ra nhảy chứ, đứng đây coi chừng lạnh.

Tôi biết không thể nào khác hơn, đành theo anh. Nhiều cặp chuyển động giữa sàn, nhưng vợ N. với màu áo voan xanh nổi bật hơn tất cả. N. vừa nắm tay tôi bước vào nhạc điệu nói:

- Cô ấy có thể như thế cho tới sáng.

Tôi cố thản nhiên:

- Thì anh cũng vậy, chìm trong biển, từ sáng đến chiều!

N. chẳng trả lời kéo tôi vào một góc thoáng, rồi hỏi thật bất ngờ:

- Sao tối nay M. không mặc áo dài như đêm năm xưa?

- À, tôi... không nghĩ tới.

- Cũng may, M. mà mặc, thằng D. lại giành mất!

Thật lạ, cả N. và D. cùng gợi lại đêm khiêu vũ mà bọn sinh viên năm cuối chúng tôi tổ chức theo thông lệ của trường, để lấy tiền du lịch trước khi mãn khoá. Trong lớp, hai mươi mấy học trò, chỉ có năm đứa con gái, chúng tôi làm nữ tiếp viên mệt khờ cho đêm ấy đông gần ngàn người vì nổi tiếng nhất thành phố, luôn luôn thành công. Số tiền lời dư thừa cho cả lớp lang thang hơn mười ngày qua Bắc Phi, xuống sâu vùng sa mạc.

Trong buổi dạ hội năm đó, đến khoảng nửa đêm, khi phận sự hướng dẫn quan khách đã xong, bọn tôi mới được vui chơi. Vừa cởi tấm khăn quàng tiếp tân ra khỏi chiếc áo dài lụa bạch là tôi bị D. chạy tới lôi ra sàn nhảy. Hắn tấn công ngay:

- Không ngờ áo Việt Nam đẹp quá! Tao...

D. chưa dứt câu, mấy tên bạn nhảy gần đấy với qua:

- Ê, không được giữ lâu nhé, nhường phần cho tụi tao.

D. lắc đầu quầy quậy:

- Tao độc quyền, với cái áo này, ôm cổ trong tay cứ y như là cổ chẳng mặc gì hết!

Tôi ngượng chín người, xô mạnh D. ra, anh ta loạng choạng mấy bước, bọn bạn chung quanh cười oà. Không biết N. đang ở đâu gần đó, chạy tới gỡ rối, rủ tôi ra quầy nước. Khi tôi đã nguôi, N. nói:

- Hôm nay M. thật khác. Không thể nhận ra cô sinh viên ngày thường tôi thấy, áo pull, giầy ống. Ở xứ M., cô gái nào cũng mặc áo kiểu này ư?

Tôi gật đầu:

- Vâng, bọn con gái đi học đồng phục như vậy cả, màu trắng - rồi nói thêm - nhưng vải dầy hơn!

N. nheo mắt cười, xoay ly rượu trong tay:

- Chỉ tưởng tượng thôi, đã thấy dễ thương quá! Mình ra nhảy nghe M.

Đã hai mươi mấy năm trôi qua, bây giờ hơi thở N. cũng nồng thơm mùi rượu. Cánh tay anh ấm áp sau lưng, và bàn tay kia anh xiết nhẹ những ngón tay tôi. Tự nhiên tôi muốn thả người để được rơi vào một cõi bình yên. Tâm hồn lơ lửng theo tiếng nhạc, chập chờn trong hai tà áo dài của thời tuổi trẻ lượn bay như cánh bướm. N. ôm sát tôi vào anh hơn, cúi xuống trên mái tóc, lùi xa dần những người khác. Vai tôi chạm vào tấm ảnh anh bỏ trong túi áo sơ mi. Cả hai cùng bật tiếng cười, N. nói nhỏ:

- Sao M. không hỏi thăm tôi ra sao từ độ ấy?

Tôi kêu thầm trong bụng, ừ, anh khôn lắm, muốn tôi hỏi anh ra sao, để anh có thể hỏi lại tôi thế nào chứ gì? Và tôi sẽ phải trả lời anh! Tôi biết tôi vẫn nợ anh câu trả lời từ độ ấy rồi mà. Xin anh hãy tha tôi đi, N. ạ.

N. đưa tay đẩy tôi quay một vòng rồi dịu dàng kéo lại. Không thể tránh được, tôi cười trong mắt anh:

- Không cần hỏi, tôi đã biết, trước sau gì anh cũng trở về vùng biển của anh. Nghe nói anh có việc làm quan trọng nơi ấy mà.

- M. đâu biết được, trước khi tìm ra việc đó, tôi qua nhiều thăng trầm, khó khăn. Mỗi lần chán, hết tinh thần, là mỗi lần nhớ lời M. chế nhạo, tôi có chút thông minh nhưng hay để cho xúc động chiếm lĩnh trí tuệ.

Tự nhiên tôi thở dài tiếp lời anh:

- Nhưng cũng chẳng ra gì, thứ trí năng trần trụi cảm xúc!

Nghe tôi nói thế, N. buông tay, nâng nhẹ cằm tôi, ngập ngừng:

- Này, cô bạn nhỏ, sao cô nói vậy... cô hạnh phúc không?

Ôi thôi rồi, tôi phải nói gì đây! Tôi luôn luôn sợ phải nói về mình như chạm phải một con rắn độc. May thay, bản nhạc chấm dứt ngay lúc đó. Tôi nhẹ nhàng gỡ tay, trước khi bước đi tôi ghé vào tai anh:

- Đừng giữ tấm ảnh, bão cát trong sa mạc đã ngừng nghỉ lâu rồi.


Sa mạc sắp hiện ra, sa mạc mênh mông, hoang vu mà chúng tôi náo nức đợi chờ ngay từ đầu cuộc hành trình. Cuối con đường quốc lộ tráng nhựa, khi xe qua một cây cầu lớn là bắt đầu địa phận hoàn toàn trấn ngự bởi thiên nhiên. Hai bên cát vàng cháy, khi cuộn tròn thành những đồi xoáy mịn màng, lúc thênh thang trải tràn tận chân những dãy núi chập chùng. Có ngọn trắng xoá nhọn tưởng xuyên trời, có ngọn đỉnh cắt bằng như một bức tường đỏ quạch khổng lồ. Thế giới bên kia dãy núi ra sao? Có khác thế giới bên này, không bóng người, không sự sống, không màu xanh cây cỏ? Trong chiếc xe ca lắc lư trên con đường đất nện, bọn con trai chụp hình lia lịa. Những luồng gió nóng rát tát qua mặt, hừng hừng. Tôi đang mải mê nhìn cảnh vật, con bạn ngồi đằng sau vỗ vai:

- Này mày, nếu xe bị pan, ngừng lại chỗ này, chắc chết!

Tôi giật mình, đồng tình với nó, nhưng nạt:

- Mày chỉ nói bậy.

N. ngồi dãy ghế bên kia phụ hoạ:

- Đẹp ghê, y hệt phim cao bồi, nhưng hoang vu quá, tao thích biển hơn.

Con bạn quay sang:

- Mày thì lúc nào cũng biển! Cứ thử đắm tàu giữa biển mà xem, đâu hoang vu hơn.

N. không cãi, thò đầu ra ngoài khung cửa, bỗng reo lên:

- Ê, nhìn xem, có sinh vật!

Cả lũ chồm ra. Từ đằng xa nhiều đốm màu nâu di động, xe đến gần, một đoàn du mục. Những bị, những túi, đồ dùng soong chảo, bầu nước... đầy màu sắc lủng lẳng đeo cổ những chú lạc đà lênh khênh. Những người đàn ông miền núi mặc áo vải thô, đầu quấn khăn vành dầy. Mấy người đàn bà chùm khăn mỏng chỉ để lộ cặp mắt, ôm vài trẻ nhỏ, lắc lư trên lưng lạc đà, giữa hai bướu u cao. Ngoài tiếng vật dụng va chạm kêu loeng xoeng, cả đoàn im lặng. Tôi có cảm tưởng họ đang làm một cuộc hành hương, vừa đi vừa âm thầm cầu kinh. Xe lướt qua, chúng tôi ơi ới vẫy chào. Họ vẫn thản nhiên, lặng lẽ tiếp tục cuộc hành trình hàng một. Con bạn lại than thở:

- Trời ạ, có vài con lạc đà, còn cả lũ đi bộ! Bao giờ mới tới nơi, rồi đêm xuống?

Tôi trấn an:

- Mày khéo lo, Sống quen thế, họ phải biết.

Nói vậy nhưng tôi bắt đầu nghĩ ngợi đến đêm nay, sẽ trú ngụ ở đâu, có đến kịp một thị trấn nào trước khi trời tối?

Và chiều hôm ấy, chúng tôi vào đến một nơi không phải làng, chẳng là xã. Chỉ là một cụm nhà nhỏ giữa sa mạc. Khi người hướng dẫn viên bản xứ chỉ căn nhà lớn nhất bảo đó là nơi chúng tôi sẽ ở lại đêm nay, bọn con trai ồn ào huýt sáo, mấy đứa con gái nhìn nhau e ngại. Ông ta và cả bác tài lái xe quay lại nhắc nhở:

- Các cô cậu đòi sống giống hệt dân du mục cơ mà!

Thế là cả bọn đành im miệng, xuống xe líu ríu ôm hành lý, ba lô đi vào căn nhà đá trắng. Trời đã chạng vạng, nhiệt độ thấp hơn thấy rõ. Đây là một căn nhà hai tầng, chắc đã quen đón khách du lịch. Họ dẫn chúng tôi lên lầu trên, ngoài dãy nhà tắm có hai phòng ngủ lớn, mỗi phòng hơn mười cái giường. Lũ con trai một bên, con gái một bên, tấm bảng trên tường chỉ rõ như thế. Năm cô gái nhìn căn phòng thênh thang, con nhỏ bạn rên rỉ:

- Lại cũng hoang vu!

Trong khi bên kia, tụi con trai không đủ giường, ồn ồn nháo nhào qua khuân luôn mấy cái sang phía họ. Tầng dưới là dãy nhà ăn, có cả phòng đọc sách. Vài ba cuốn tiếng Anh, một ít tiếng Tây trên kệ, còn lại là những giòng chữ ngoằn ngoèo. Giữa tầng trệt này là một sân rộng hình tròn. Nhìn lên cái nóc bằng kính, tôi thấy một vòm trời bắt đầu cuộn mây, nhưng là một thứ mây mang áng trời rất đỏ. Khí lạnh bắt đầu từ dưới đất bung lên, từ trên ập xuống.

Sau buổi cơm chiều, chúng tôi mừng rú khi có đoàn vũ công dân tộc đến biểu diễn. Họ chỉ có năm người, hai nhạc công và ba cô gái mặc váy màu sặc sỡ, thân trên quấn áo thật sát ngang ngực, một chiếc khăn voan che kín mặt và tóc, chúng tôi ngồi vòng quanh khoảng sân tròn, trên những tấm thảm len. Trong khi họ sửa soạn, dù mặc hai ba lớp áo mấy đứa chúng tôi đã bắt đầu run lập cập. Một tên có sáng kiến, thế là cả bọn leo lên phòng, gỡ hết ra giường và chăn đem xuống. Mỗi đứa quấn chùm quấn đụp quanh người thành một ụ. Ngồi gần, tôi loáng thoáng thấy mấy cô vũ nữ vừa uốn người theo điệu trống vừa không nhịn được cười sau làn voan mỏng. Chương trình chỉ kéo dài hơn nửa tiếng. Tuy thông cảm các cô gái ấy chịu làm sao hơn cái lạnh này trong thứ y phục quá mong manh, nhưng cả lũ tiếc rẻ kêu ca chẳng biết làm gì cho qua buổi tối. Người hướng dẫn tội nghiệp mách cho, cách đấy chừng ba cây số, băng qua những đồi cát, có một hộp đêm rất lịch sự đồng thời cũng rất "nóng"! Bọn con trai rú lên, đòi đi cho bằng được, dù biết có thể có một cơn bão cát đêm nay. Nghe thế, họ lại càng thích, đi cho biết phong trần! Mấy đứa con gái than mệt và sợ nguy hiểm, lũ con trai om sòm phản đối:

- Các cô không đi, tụi này nhảy nhót với ai? Bão cát nhỏ, có gì mà sợ.

Người hướng dẫn chỉ đường, giao cho hai cái đèn bão. Cả bọn nhào ra, hí hửng. Riêng tôi, bước khỏi cửa, nhìn bầu trời đen mù, mãi tít xa mới có ánh đỏ chập chờn, tôi đâm lo sợ, chùn chân. Chung quanh dường như có sự chuyển động nào đó, ngấm ngầm. Tôi tìm quanh, muốn chia sẻ với con bạn nhát gan, nhưng quay đi quay lại, nó đã đi trước với bọn con trai đang hào hứng ca hát. Còn lại N. và tên bạn khác gần đấy giục:

- Nhanh lên M., không lạc tụi nó mất!

Thế là tôi đành miễn cưỡng đi theo hai ánh đèn bão thấp thoáng phía trước. Đi chẳng được bao lâu, những tiếng động mà tôi mơ hồ nghe ra, đã từ mọi phía dâng lên, trở thành hiện thực. Chỉ trong vòng một hai phút thôi, những luồng cát mù mịt đã ầm ầm ào ào lao tới. Tiếng cả bọn đang hát thay bằng tiếng kêu la sợ hãi. Tôi đưa tay ôm lấy mặt, nhắm nghiền mắt, đứng tại trận, tưởng phải buông người quỵ xuống. Có tiếng N. gọi nhưng tôi không thể mở miệng trả lời. Bỗng có người đâm sầm vào tôi, khi chập choạng đứng dậy nhận ra N. và người bạn. Cả hai xốc cánh tay tôi kéo đi. Tôi can nên quay về, nhưng N. bảo không thể nào nhìn ra phương hướng nữa. N. cố gọi to nhưng chỉ còn gió và cát trả lời.

Cũng may, thỉnh thoảng như ân huệ của trời, gió tạm ngưng tôi mở mắt ra, cả ba đứng lại lấy hơi thở, nhận định xem đang ở nơi nào. Nhưng dưới đất không có gì khác hơn là cát, và trên trời, những đám mây đen đe doạ. Chẳng biết nhờ đâu, sau ba giờ đồng hồ vật vã, cuối cùng chúng tôi cũng nhìn ra những đốm sáng lân tinh đằng trước. Đấy chính là những ánh đèn xanh đỏ của hộp đêm.

Khi N. đẩy cửa, tôi ngỡ mình vừa tái sinh, rơi hẫng vào một thế giới luân hồi nào khác. Lung linh thuỷ tinh và màu rượu nâu trong các chai lọ óng ánh. Trên những chiếc ghế đẩu cao bao quanh quầy rượu có đến năm sáu cô gái ăn mặc không đủ vải, những đôi mắt đen sâu, viền quanh xanh nhờn nét vẽ, những cặp chân duỗi dài đong đưa đôi giầy gót nhọn. Các cô cười đón, mời vào. Cũng không hiểu do đâu, rốt cùng cả bọn lục tục đến nơi đầy đủ, không mất đứa nào. Mỗi người được cô gái ban phát cho ly rượu. Chẳng bao lâu, trong tiếng nhạc và hơi ấm từ hai lò sưởi đỏ hồng, cả bọn hầu như quên mất cơn tai biến vừa rồi, nhất là bọn con trai.

Ngoài sàn nhảy, mấy tên bạn xoắn lấy các cô vũ nữ. Trong góc kia, vài đứa xúm lại tán một cô có mái tóc lượn sóng chảy xuống tận lưng. N. đem đến cho tôi một ly rượu khác. Con bạn vội vàng nói:

- Này, gió đang ngừng, tao nghĩ, kêu cả bọn về thôi.

Lời cô ta có lý, nên dù luyến tiếc, lũ con trai cũng đồng tình, trừ D., tên play-boy nhất bọn đang quấn quít bên cô tóc dài. Hắn quàng tay ôm cô ta, hào hùng tuyên bố:

- Tao ở lại đây, bảo xe ca sáng ghé đón tao.

Tên trưởng lớp định can ngăn, nhưng một người lên tiếng:

Ấy, nó khôn hơn bọn mình!

Nào ngờ, đường về giông tố nhiều lần hơn bận đi. Gió cát lại nổi lên đùng đùng, cả bọn lại lạc mất nhau. Tôi theo sát bên N. Có lúc chúng tôi không bước nổi, cát từng luồng xoáy tròn xung quanh. Da đầu và cổ ê rát, tóc quất vào mặt, tôi hét lên, rời rã. N. biết tôi đau, cởi áo khoác trùm đầu hai đứa lại. Thỉnh thoảng anh hé ra đưa cái đèn pin, đã cẩn thận xin ở quán rượu, rọi đường. Bước một bước tôi cảm tưởng lùi lại hai, người run lên vì lạnh. Tôi ôm chặt cánh tay N., tôi chỉ sợ N. bay theo cơn bão, bỏ tôi ở lại với hàng tỉ hạt cát quỷ thần này. Tôi muốn cầu nguyện một lời gì đó, nhưng chỉ nghe tiếng cát vần vũ, tạt tới loạn mù. Bỗng N. kêu, có cái gì trước mặt. Khi đến gần, hoá ra là một căn nhà gạch, một cái chòi thì đúng hơn. Không biết ai dựng làm gì giữa sa mạc trống lốc này. Nhưng hai cánh cửa mở toang ra trước sức gió như hai cánh cổng thiên đường. N. đẩy tôi vào một góc khuất, mực cát còn thấp. Tôi thả người, thở hồng hộc.

Những hạt cát bấy giờ từ tóc tai đầu cổ rơi xuống. Dưới ánh đèn pin yếu ớt, tôi cố nhìn quanh, chẳng có gì ngoài một cái lu đất đã lún sâu. Tôi kéo N. ngồi xuống bên cạnh, nhắm mắt mỏi mệt. N. quay người dựa lưng vào tường, chợt bật tiếng kêu đau đớn. Tôi hoảng hốt giật cái đèn pin, mặt N. đang nhăn nhó, tay khoành ra sau lưng. Lúc ấy, tôi mới để ý, N. chỉ mặc có mỗi chiếc áo sơ-mi, áo len và áo khoác đã cởi ra quấn đầu cổ cho tôi. Chẳng ngại ngần, tôi kéo áo N. lên, tấm lưng đỏ rần đầy cát, chúng đã cứa da N! Tôi bật khóc. Anh quay lại, ôm lấy đầu tôi, tay gỡ nhẹ mái tóc rối bời. Khi bớt xúc động, tôi bối rối:

- Thế này là đau lắm. Tại tôi cả! Cảm ơn anh.

Trong bóng tối, N. nhẹ nhàng:

- Suỵt, đừng cảm ơn. Mà có gì đâu, tôi còn nợ M. bằng mấy ở những kỳ thi!

Tôi bật cười, N. cũng vui vui:

- Này, không nhờ M. cho cóp bài chắc bây giờ tôi vẫn ngồi năm thứ nhất!

Rồi N. tiếp tục, giọng trầm hơn:

- Nghe nói, ra trường, M. chưa về nước, cũng không đi kiếm việc mà ở lại học thêm, phải không?

- Ừ, chắc vậy quá, tôi chỉ giỏi làm tính vẽ hình, chứ viết đơn hay đi phỏng vấn xin việc dở ẹc, chẳng ai thèm nhận! Tôi hay đùa như thói quen. N. vội buông đầu tôi ra, ngồi thẳng dậy, sốt sắng:

- Chuyện đó dễ, tôi sẽ viết cho M. tụi mình đi tìm việc làm cùng một nơi nghe M.

N. làm tôi ngạc nhiên quá:

- Tại sao? Hết thi rồi, anh đâu cần tôi nữa!

- Tôi không biết tại sao, nhưng những lúc có chuyện gì, tôi cứ nghĩ giá có M. bên cạnh, thế nào cũng xong!

Tôi buột miệng:

- Trời, xong gì mà xong! Coi như bây giờ đây này! Thôi, anh đừng đùa.

Trong phút giây, tôi nhớ lại những kỳ thi. Tôi họ T., anh họ Q., không có ai vần R và S, nên hai đứa luôn ngồi cạnh nhau. Ngay lần thi đầu, cúi xuống nhặt cái thước rơi, ngửng lên, chỉ nhìn thoáng hình vẽ và công thức trên tờ nháp của N., tôi đã biết N. nhầm. Hình như vì chút lòng tốt, tôi cố tình đẩy tờ giấy của mình ra giữa, N. rất thông minh, chỉ ngó sơ đã hiểu ngay. Cứ thế nhiều lần, như một điều hẹn trước, tôi luôn luôn để bài gần về phía anh, dù chẳng bao giờ N. ngỏ ý yêu cầu. Lần đầu tiên ra khỏi phòng thi, N. dợm nói cám ơn, nhưng tôi đã cười khoát tay bỏ chạy trước.

Ba năm học chung, ít lần tôi trò chuyện với N.. Thường, giữa những giờ cua, đám học gạo chui vào thư viện, bọn còn lại tụ tập đánh bài, nghe nhạc và tán dóc trong phòng giải lao. Lúc đầu, tôi cũng ngồi cạnh học mấy lá bài, nhưng chẳng tiến bộ bao nhiêu, nên bỏ đi tìm một góc vắng, chăm chỉ đọc mọi thứ tạp chí vớ được. Con nhỏ bạn hay nói, lúc đầu thường khó chịu:

- Sao mày ham đọc báo thế! Cái gì cũng đọc.

Tôi thật tình:

- Ở xứ tao không nhiều sách báo về kiến thức tổng quát. Tao nhét vào đầu được chút nào hay chút nấy.

Những người bạn tốt bụng thường đem cho những tạp chí in đẹp đủ loại, văn chương, nghệ thuật, phim, kịch, phong cảnh... N. cũng thế, một lần anh tặng tôi một cuốn sách về vùng biển Bretagne nơi anh đã sinh ra và sống suốt quãng đời niên thiếu. Vẻ hoang dại của đá, cát, cùng sóng nước của bờ Đại Tây Dương cuốn hút lạ lùng. Lần đầu tiên N. say mê nói với tôi về mơ ước và ý thích của anh ta. Và tôi đã hiểu tại sao vốn thông minh, nhưng N. không mấy tha thiết với những phương trình, công thức. Anh chỉ chờ cuối tuần được trở về nhà, ra đứng trước đại dương cuồn cuộn sóng. Sinh viên thời đó không có nhiều phương tiện, chỉ vợ chồng tên trưởng lớp và N. có xe hơi. Thỉnh thoảng sau giờ cơm trưa, N. gọi vài người lên xe, chở ra biển cách vài cây số, vào uống cà phê ở một cái quán lộng gió. Bỏ chúng tôi ngồi cãi nhau, N. xuống bãi cát, hai tay trong túi quần, thanh thản. Sự say mê của anh khi nói về biển đã khiến tôi nhiều lần xúc động, tự hỏi, phải chăng bao nhiêu nước biển và bọt sóng mà N. ngắm từ thuở lọt lòng cho đến hôm nay, đã gột tẩy đi màu xanh trong mắt anh, nên nó ngả ra thứ màu xám bạc lạ lùng?

Thấy tôi không nói gì, N. nhắc: - Sao, M.? Tôi giật mình, thế là, những suy nghĩ lập tức xoay đảo, tiến thoái trong cái đầu cân nhắc của tôi. Ừ thì, rõ ràng tôi rất thích màu mắt N., và anh đang ngồi cạnh đây, giọng nói, bàn tay, hơi thở... tất cả đều truyền sang hơi ấm, đem đến cho tôi cảm giác an toàn, đến nỗi tưởng chừng chưa bao giờ được có. Nhưng, làm sao nghe theo lời anh cơ chứ? Tại sao tôi phải lăn vào đời ở cái tuổi này. Kể từ ngày bỏ nhà đi năm mười mấy tuổi, hình như tôi có lớn thêm, già dặn hơn chút ít, nhưng, như mẹ tôi vẫn bảo, tôi hãy còn trẻ dại lắm! Vì sao phải đi làm nuôi thân, trong khi vẫn có học bổng để tiếp tục cái đời đi học không âu lo? Và nữa, tôi sẽ phải trở về một nơi vô cùng yêu dấu, tự nhiên thôi, như N. anh phải về với biển. Tôi cũng còn có P., chắc chắn P. sẽ cùng tôi trở lại quê nhà, và anh sẽ được người thân bên đời tôi chấp nhận, đơn giản, chỉ vì anh cùng nguồn cội. Tất cả giản dị, gọn gàng như thế, làm sao tôi có thể phá vỡ cái trật tự này, dù để bay bổng phút giây như ngựa hồng xoãi vó trên đồi cỏ! Tôi nói, lạ chưa, tôi đâu thể đi kiếm việc theo anh, để mãi mãi trôi giạt ở xứ sở này!

Thế đấy, gió đang tàn bạo lùa tung trần thế quanh đây, cát đang điên cuồng đập vào căn chòi này như loài thiêu thân liều chết, và N. đang xót xa làn da rướm máu. Thế mà tôi... tôi bình tĩnh xoay tính trong đầu mọi điều hơn thiệt. Vẫn chẳng thấy tôi trả lời, N. cũng im lặng, anh tìm cách dựa nhẹ vai vào tường, sát bên tôi. Rồi tôi cũng dần dần mê thiếp đi.

Chúng tôi giật mình nhỏm dậy khi có tiếng người thì thào ở cửa. Một luồng ánh sáng đảo qua, tôi nhìn ra ngay tên trưởng lớp đang giơ cao cái máy ảnh, và ông hướng dẫn tay cầm đèn bão. Hoá ra, cả bọn đã về đủ, chỉ thiếu hai đứa tôi, nên họ sợ, đi tìm. Sức gió bên ngoài đã giảm cường độ. Thực ra, nơi chúng tôi trốn bão chỉ cách chỗ trọ hơn nửa cây số, nhưng ngược hẳn hướng đường.

Về tới nơi, tôi chạy thẳng lên lầu, hai dãy phòng tối om, mọi người đã yên ngủ cả. Lần mò vừa tìm ra công tắc đèn, thì đã nghe con bạn la lối:

- Trời, mày ở đâu từ nãy tới giờ, tao sợ muốn chết.

Sợ đánh thức vợ tên trưởng lớp và hai cô bạn đang say ngủ, tôi đưa tay suỵt nó nói nhỏ, rồi lại gần giường thầm thì:

- Tao và N. bị lạc.

Nó lắc đầu nghi ngờ:

- Lạc thật hay giả?

Tôi mặc kệ, đến chỗ hành lý lục mấy cái túi. Nó không để yên:

- Mày tìm cái gì? Áo ngủ mày vất trên giường rồi mà.

- Tao tìm cái túi cứu thương, mày thấy đâu không?

- Tao để lại trên xe rồi. Mà ai bị gì vậy?

Chẳng hiểu tại sao tôi không muốn kể dài dòng.

- Cái lọ nước hoa của mày đâu?

Con nhỏ mất kiên nhẫn gắt:

- Trong cái va-li đỏ, nhưng tại sao mày dùng nước hoa?

- Thì không có cồn, lấy tạm sát trùng cho N., hắn bị chảy máu nhưng không sao. Mày ngủ đi đừng có lộn xộn.

Tìm ra cái lọ, nó đã cười hinh hích. Tôi lò mò quay trở lại.

Nó chừng như không cầm được, cười to hơn:

- Anh chàng D. về ngủ rồi đó!

Tôi ngạc nhiên:

- Sao hắn bảo ở lại tới sáng, tụi mình ghé đón.

- Thế mới nói! Tụi mình vừa đi, anh ta tấn công liền, ai ngờ con tóc dài chính thị là đàn ông. Cả bọn mày ơi! Hắn vội vã cuốn gói chạy ra, lính quýnh không biết đường về. May, ông hướng dẫn tới kịp.

Nhớ tới bộ mặt hí hửng của D. tôi cũng không nhịn được cười

- Mà tự nhiên sao ổng tới đó?

- Cha này ghê lắm? Biết trước mà vẫn xúi bọn mình đi. Sau, hối hận đi tìm, trên đường gặp vài đứa nói D. ở lại, ổng quýnh lên.

Con nhỏ hãy còn thích thú, muốn nói thêm, nhưng chợt nhớ tới N., tôi vội vàng bỏ nó đi xuống lầu.

Trong phòng đọc sách, N. đang ngồi lui cui cời khúc củi cháy gần tàn trong lò sưởi. Tôi vén áo anh lên rồi lại kéo xuống:

- Để rửa tay đã!

N. kêu:

- Tôi đã bảo mà, sao M. lúc nào cũng sáng suốt.

Phủi sơ những hạt cát, tôi đổ nước hoa vào lòng bàn tay, cố gắng xoa thật nhẹ, N. rùng mình chịu đựng. Tôi vẫn chần chừ để hai tay trên lưng N., làn da anh mềm lạ. Anh không nói gì, lẳng lặng nắm lấy tay tôi bóp chặt đến làm tôi nhói đau. Khúc củi được N. khơi đang bùng lên ngọn lửa, tiếng gỗ nổ tí tách. Tôi bỗng muốn cùng N. ngồi bệt dưới sàn này, dựa vào nhau như trong căn nhà trốn bão biết bao. Tôi muốn N. vòng tay qua người mình, truyền cho tôi chút hơi ấm, quên đi những mỏi mệt này. Thế nhưng, không, tôi chỉ đã cúi xuống trên tóc N. để nói rằng:

- Về phòng ngủ thôi, trời sắp sáng.


Ba ngày còn lại chúng tôi đi sâu xuống phía nam Sahara trước khi trở lên theo hướng đông. Đường về bình lặng hơn, vài lần gặp những ốc đảo cây cối xanh tươi cùng những đầm nước mát. Mỗi khi loáng thoáng một mảng màu xanh xuất hiện từ xa là cả bọn rú lên mừng rỡ. Dù chỉ là bụi xương rồng chĩa lơi khơi như có người vừa cắm xuống, cho đến những hàng cây cọ cao nghều, đầu khoe lá tròn xoe làm tôi cứ mơ tới những quả dừa xanh lủng lẳng trên đó, như ở quê mình. Nhất là tưởng tượng đến dòng nước ngọt lịm chảy qua cổ họng, giữa cái nóng sa mạc thiêu đốt này. Tôi vẫn xót xa đến những vết đau trên lưng N., nhưng luôn luôn tránh ánh mắt anh.

Buổi sáng cuối cùng, lúc đang chất hành lý lên xe ra phi trường, ngoài cửa khách sạn thì mấy đứa trẻ ùa đến, mời mua những đoá hoa hồng bằng cát kết tủa. Bọn bạn kêu đừng mua bán với bọn nhỏ này, chúng dai dẳng lắm đó. Nhưng một bé gái năm sáu tuổi đang giương cặp mắt tròn như viên bi nhìn tôi, hàng mi dài  cong vút, mấy lọn tóc xoăn phủ xuống trán trông thật ngây thơ, khiến tôi dừng lại. Không như những đứa kia có cả một rổ, cô bé xoè tay ra, gọn lỏn một bông hồng cát, cánh xếp tràn thật nhỏ. Tôi đang loay hoay tìm trong túi những đồng tiền dinar cuối, N. đứng sau lưng đã cầm lấy đoá hoa và đưa tiền trả. Thấy tờ bạc quá lớn, con bé lắc đầu ra ý không có tiền thối, N. bảo cho hết. Nó cười nhe hàm răng chẳng còn mấy cái, chạy vù đi, sung sướng phất cao tờ giấy bạc. N. đưa hoa hồng cho tôi:

- Để M. đừng quên những hạt cát.

 Suốt hai giờ bay, không hiểu sao tôi chẳng hề nghĩ cất nó vào hành lý, cứ cầm trong tay, tại nó bé nhỏ, dễ vỡ quá chăng?

P. tới đón tôi với gương mặt sáng nụ cười. Gia đình, bồ, bạn những người khác cũng đến đầy trên sân ga. Cả bọn vào quán, uống nước, chia tay. Tôi vừa ngồi xuống đặt đoá hoa trên mặt bàn, P. kéo ghế bên cạnh quơ tay, đoá hoa rơi xuống, vỡ tan bên chân tôi. Con bạn gần đấy xuýt xoa. N. ngồi cách đấy không xa, cũng quay lại nhìn tôi đang nhặt lên vài cánh hoa vỡ vụn, cát nâu lấm tấm trên tay. Tôi mấp máy định nói một lời xin lỗi, nhưng N. đã quay đi.

Từ đó, tôi không gặp lại anh. Ngày phát bằng mãn khoá anh cũng không về. Chẳng ai hiểu vì sao.

Thời gian trôi qua, tôi không cần viết đơn xin việc, việc tự nhiên đến. Như đời sống tôi, mọi điều tự nhiên đến, rồi tự nhiên đi. Phần đông tôi làm những gì tôi thích, nhưng không phải điều gì tôi muốn, tôi đều làm được. Tôi có giỏi băn khoăn, suy tính, xếp đặt đến mấy thì cuối cùng, cũng có một bàn tay vô hình cầm tôi lên như một quân cờ, rồi đặt xuống ở một vị trí nào đó - mà tôi, tuy bất mãn nhưng cảm thấy rời rã, trống không, nên bỏ lơi, thờ ơ, để mặc mọi điều tuần tự diễn biến. Không chụp bắt, cũng không hề tháo gỡ.

Và, đã bao nhiêu năm tháng trôi qua, tôi vẫn chưa về quê tôi, vẫn còn ở lại xứ người, để mãi mãi day dứt, dằn vặt, về một điều.


Khi dàn nhạc bắt đầu một điệu slow, đèn chợt tối, biết sức khoẻ không cho phép ở lâu, tôi vội vã đứng lên. Đây là lúc thuận tiện để ra về, tránh phải chào từ giã hay bị níu kéo ở lại. Trời đêm đầu thu đã lạnh, vừa quấn sát chiếc khăn len trên vai tôi đi vội ra chỗ đậu xe dưới giàn kim ngân thoang thoảng mùi thơm. Có tiếng chân ai bước nhanh trên sỏi. N. đang đến gần, cất giọng lo âu:

- M. chắc lái xe về được chứ?

Để trấn an N., tôi nói to:

- Đừng sợ, tôi có uống rượu đâu, anh vào đi kẻo lạnh.

N. vẫn đứng đó chờ cho đến khi tôi ra khỏi trang trại. Đường làng đêm không đèn, không ánh trăng. Tôi bắt đầu thấy mệt. Thỉnh thoảng một chiếc xe chạy ngược, đèn loé sáng chói chang. Tất cả bỗng nhoè nhoẹt, mắt tôi nhói buốt. Vài lần như thế, tôi hoảng sợ. cơn bệnh cũ đây rồi, những cơ bắp quanh mắt kéo co lệch lạc. Ban ngày, một vài dấu hiệu đã đành, bỗng đêm nay, chúng trở chứng giữa lúc đang lái xe một mình trong tăm tối, không còn phân biệt rõ đâu là lề đường, đâu là lằn ranh ở giữa. Nhưng, ngừng lại chỗ đồng không mông quạnh này ư? Tôi nắm chặt vô-lăng, tôi tự nhủ, nếu ngôi sao bản mệnh chưa tới hồi phải tắt, nếu con đường cứ thẳng bằng, và chỉ một mình trên hướng về thành phố, thì thế nào cũng tới nơi thôi!

Không ngờ, loáng thoáng bảng chỉ đường báo hiệu một ngã ba. Không quen vùng này, rẽ hướng nào đây? Đèn nhoá sáng trưng vào hai cái bảng hợp thành hình chữ V trước mắt, nhưng tôi không thể nào đọc nổi. Tôi cuống cuồng đạp thắng, chiếc xe chồm lên, rồi dừng lại, giận dữ hất ngược tôi ra sau. Cơn nấc trào lên ngực, ruột quặn đau, tôi buông người gục trên vô lăng. Đèn pha vẫn chiếu.

Không biết bao lâu, chắc chẳng lâu gì lắm, tôi nghe tiếng xe ngừng, chân người chạy đến, mở vội cửa xe. Rồi giọng N., phải không ai khác, chính  là N., hốt hoảng:

- M.! Trời ơi, tôi đã linh cảm trước mà, M. có sao không?

Tôi cố ngửng đầu ra dấu cho N., anh vòng tay vừa đỡ tôi dậy vừa rối rít gọi kêu. Sau khi tôi khoát tay cho biết chẳng hề gì, N. lấy lại bình tĩnh, gượng nhẹ kéo tôi ngồi sang bên cạnh, tắt đèn pha. Anh đem xe mình đậu vào một lối mòn gần con đường chính, rồi lên xe tôi, lái về thành phố. Thỉnh thoảng anh quay sang xiết cánh tay tôi, lo lắng. Như bao nhiêu năm trước đây, tôi chẳng cầm cự nổi, gục vào một bên vai N. Nước mắt, trước rơi lặng lẽ, sau, tuôn ra từng dòng nấc nghẹn. Anh không nói gì, cứ để tôi khóc. Cuối cùng, thì N. vẫn đi theo, có mặt đúng lúc, kịp thời, như ngày nào trong cơn bão cát.

Tôi từ chối không chịu cho N. đưa thẳng vào bệnh viện, hứa rằng sẽ gọi bác sĩ sáng mai, rồi thiếp đi, mơ hồ nhận biết N. đã đem tôi vào đến tận nhà. Khi tôi choàng tỉnh, đồng hồ trên bàn ngủ đã bốn giờ sáng. Có ánh đèn ngoài phòng khách hắt qua cánh cửa khép hờ. Tôi lần đứng dậy đi ra, N. đang ngồi đọc cuốn sách thiền tôi bỏ dở. Tôi sửng sốt, sao N. kiên nhẫn, tử tế đến vậy. Còn tôi, tôi là thứ người gì? Hình như tôi chỉ đem lại những điều tai bay vạ gió. Như thể trách mình chẳng đủ, tôi đâm bẳn gắt:

- Đêm khuya rồi sao anh không về đi. Tôi đã khoẻ. Anh đợi làm gì!

Không chấp nhất, N. dịu dàng nhìn tôi:

- Cũng phải đợi sáng ra mới gọi được người tới đưa tôi về chỗ đậu xe. Nhà chẳng có ai, tôi không thể để M. một mình.

Tôi thở dài trong đầu, tôi đã quen một mình từ lâu nay, quen đến nỗi nó thành bạn keo sơn, nó trấn giữ, canh gác đời tôi. N. đã đoán ra, P. không còn ở đây. Chắc thế. Bối rối, không biết sao hơn, tôi lùi lũi vào phòng lấy đưa N. cái gối, tấm chăn.

Sáng ra, khi bừng mắt, N. đã đi rồi, chùm chìa khoá xe tôi nằm chặn trên tấm danh thiếp: M. đừng xem thường sức khoẻ. Cầm nó trên tay, tôi ngồi phịch xuống thảm.


Liên tục mấy ngày sau, bệnh tôi không giảm. Nhưng tôi chẳng cảm thấy đau, mà hồn chơi vơi nghiêng ngửa. Bao nhiêu hình ảnh quá khứ bùng dậy, phủ chụp tâm hồn. Những hạt cát bay tung mù mịt trong giấc mơ. Ngàn cánh xương rồng bỗng đâu mọc lên, mọc lên mãi trong bóng đêm, khi tôi vừa tắt ngọn đèn. Lưng tôi rát nóng, vai tôi tím bầm. Màu đỏ, màu tím lẫn lộn với cát vàng cam cùng màu xanh của biển cuộn tròn, xoay tít, cuốn lốc quanh quỹ đạo một mặt trời sáng loé. Mắt tôi chói loà, nhức nhối vô tận. Tôi thét lên, bàng hoàng bừng tỉnh cơn mơ.

Trở dậy tìm tấm thiếp của N., nhưng tôi không gọi cho anh. Từ bao năm xưa tôi biết N. chẳng đùa khi bảo tôi là một phần tư tưởng của anh. Chao ơi, nào có gì đâu so với những điều N. đã cho tôi. Nhưng kỳ lạ thật, tại sao N. vẫn thường nghĩ đến tôi mỗi khi gặp khó khăn, nan giải. Còn tôi, tôi nào ngây thơ quá lắm để chẳng nhìn ra từ trong ánh mắt xám tro của N. những điều anh không cần phải nói thành lời. Nhưng tôi đã chẳng mở lòng hồn nhiên. Con người vốn sâu xa nhút nhát, e dè cuộc đời, hay con người luôn luôn đắn đo, nề nếp, con người tỉnh táo, phân tích rành rọt, lý luận đến chi li mọi thứ, đã đưa tôi đến khô cằn cạn kiệt? Mọi ngọn lửa đã tắt ngấm mất rồi! Có phải thế không N.? Nhưng có là như vậy, làm sao chối cãi được rằng, trong những cơn đau đời như lúc này đây, tôi đều thèm muốn được nhỏ bé lại, thu mình như chiếc gối trong tay anh.


Gần hai tuần sau, N. gọi tìm tôi ở sở, bảo sắp có dịp trở lại vùng sa mạc cũ. Tôi vội vàng than thở đang nhiều công việc. Bên kia đầu dây, N. thở dài cho biết anh muốn đi một mình, nhưng cô vợ đòi theo. Tôi cố tình thúc đẩy:

- Anh không nên ích kỷ, cảnh nơi đó đẹp bao nhiêu, phải đưa vợ đi, cho cô ấy biết.

Chẳng ngờ chỉ vài ngày sau, một người bạn báo tin N. gặp tai nạn. Chiếc 4x4 chở vợ chồng N. và hai người đồng hành băng trên sa mạc bị một xe hàng xuyên bắc nam chở quá tải đụng tan nát. N. đã thấy trước, nhanh trí đẩy vợ tung vào triền cát, cô thoát hiểm, hai người kia bị thương nặng, còn xác N. đã đem quàng nơi anh ở. Không suy nghĩ nửa giây, tôi chạy ra ga, leo lên chuyến tàu tốc hành sớm nhất. Nhưng cũng đã muộn. Người gác nhà xác chỉ về cuối con đường dốc. Hai hàng cây nghiêng trong nắng chiều, đoàn người đưa tang đang sửa soạn lên xe đến nhà thờ, nghiêm trang áo đen áo trắng. Loáng thoáng vài người bạn quen, và tôi nhận ra vợ N. với mái tóc vàng óng búi cao, cần cổ trắng ngần nổi bật trên chiếc áo đen, vẫn đẹp kênh kiệu, nhưng sao lạnh lùng quá đỗi.

Ông già gác cổng thấy tôi còn đứng đó, nhắc to:

- Này cô nhỏ, nhanh lên, họ sắp đi rồi!

Cô nhỏ? Tôi cúi xuống nhìn tôi. Vội ra đi, tôi quên thay quần áo. Trên người, một cái quần jean, một chiếc áo len rộng. Này N., có phải tôi vẫn là cô sinh viên năm xưa? Này N., tôi muốn nhìn thấy anh, muốn vuốt tóc anh, cầm tay anh, muốn soi thấy tận tường dáng điệu đơn độc của mình trong lòng mắt anh đã bạc lâu rồi vì nước biển. Tôi muốn được một lần trả lại cho anh sức nóng đốt cháy của tình cảm, chứ không phải, như anh nghĩ, tự bao giờ, trong tôi, chỉ thuần là trí tuệ, một thứ trí tuệ giá băng, lạnh lẽo. Đã lỡ làng rồi. Trí tuệ chỉ biết nhận lấy. Tình cảm là thanh thản cho đi. Từ lâu tôi loanh quanh co rút trong ngôi nhà nguyện với bao lần cửa khép, tôi không biết cho đi. Còn điều nhận lại? Bây giờ, hẳn anh hiểu hơn ai, chính nó đã tước đoạt của tôi, từ trong trứng nước, tất cả ước mơ và hạnh phúc.

Đoàn xe tang bắt đầu chuyển bánh. Những giọt nước mắt tràn ứ trào lên từ ngực tôi, đau đớn. Mọi thứ nhoà đi. Chỉ toàn là những khối trắng khối đen lẫn lộn, rời xa, lăn đi, lăn mãi... trên con đường trước mặt.

M.N
(181/03-04)

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Vẽ ác (23/06/2009)
Cảm hứng (18/06/2009)
Lũ quét (17/06/2009)