ĐỨC BAN
1.
Năm ấy ông Giám đốc Sở quyết định cử tôi lên rừng Vụ Quang tìm kiếm di vật liên quan đến bản chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi.
Năm 1885, Triều đình Huế thất thủ, Thượng thư Tôn Thất Thuyết và một số cận thần, lính tráng phò vua Hàm Nghi cùng Tam cung trốn chạy qua Quảng Bình về Sơn Phòng Hà Tĩnh. Ở đấy, vị vua 13 tuổi ra chiếu Cần Vương lần thứ hai. Sỹ phu ở khắp các các tỉnh miền Trung kéo về tụ nghĩa dưới cờ vị Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng. Họ xây dựng căn cứ địa trong rừng Vụ Quang và chiến đấu chống giặc Pháp suốt 10 năm đằng đẵng đến năm 1895 thì thất bại. Vua Hàm Nghi thì bị giặc Pháp bắt đi đày xa xứ. Ngài để lại cho dân trong vùng ba con voi bằng vàng, một con nghê bằng đồng, một bộ áo bào, mấy thanh kiếm… Dân chúng cho những thứ ấy là báu vật và cất giữ chúng, qua bao đận đói khát, lụt lội, bom đạn, không hề suy suyển, mất mát.
Ông Giám đốc của tôi nói, voi, nghê, áo bào, mũ mãng của vị vua trẻ có lòng yêu nước là những di vật gây ấn tượng khi đặt trong kho tàng Di sản, còn thì cốt tử cuộc khởi nghĩa bi tráng của Phan Đình Phùng là xương máu nghĩa quân lẫn trong đất rừng và bản Chiếu Cần Vương. Theo truyền ngôn thì Chiếu Cần Vương được để trong cái hộp gỗ hình trụ tạo tác từ gốc cây gỗ Cẩm Lai 200 năm tuổi ở đỉnh rừng Trường Sơn. Tôi nói, có hay không cái di vật ấy? Ông nói, cậu tự hỏi mình. Sưu tầm di sản là nhiệm vụ của Bảo tàng. Đừng theo thói ăn sẵn lâu nay. Các cậu sao chép, các cậu mô phỏng, giả cầy, lừa dối lịch sử, lừa dối bao nhiêu thế hệ…
Ông là một nhà văn, loại người thiên hạ cho là nhân từ, nhân nghĩa. Tôi chẳng biết có đúng không. Nhưng tôi thấy rõ ông là kẻ khó tính. Ông đi tìm kiếm cái tham, sân, si… của con người rồi tự khổ sở với nó. Ông vẽ ra một cõi Chân, Thiện, Mỹ và dẫn dắt con người loanh quanh theo suy nghĩ của ông để rồi rốt cuộc họ lại trở về với cái vòng tròn số phận dành cho họ. Đa mang vậy nên mặt ông lúc nào cũng khó đăm đăm. Đang yên lành lại nghĩ ra cái ống gỗ hàng trăm năm trước.
…Tôi lên chuyến xe khách xuất phát từ Thành phố lúc mờ sáng, chập tối thì đến thị trấn Sơn Lĩnh. Tôi phải đi bộ vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Vũ Gia, ở đó cô Len sẽ đón tôi để dẫn vào đền thờ cụ Phan cạnh hồ Ngàn Huội.
Cô Len nửa thức nửa ngủ bên cái bàn rộng. Thấy tôi, cô đứng nhanh dậy, mắt sáng lên. Cô nói, em chờ từ nửa chiều. Tôi nói, trời tối quá không đi mà là lần mò, nên lên chậm. Cô nhìn tôi nói, trước đây, rừng rậm trải dài xuống Sơn Lĩnh và dồn cao lên hồ Ngàn Huội, nhưng về đêm vẫn nhìn thấy lối đi, vẫn người nhìn thấy người để bắt tay nhau, hoặc để tránh nhau, không như nay, mặt trời lặn là sương mù và bóng đêm đặc quánh lại.
Cô im bặt, chắc nhận ra mình lắm lời. Tôi cười cốt làm cô yên tâm.
Lát sau, cô đứng dậy ra hiệu cho tôi đi theo cô. Chúng tôi vào một căn phòng kề cạnh. Phòng sáng lờ mờ; lờ mờ một cái giường trải đệm, chăn gối màu vàng nghệ và một cái tủ gỗ nghiêng nghiêng tựa vào bức tường đầy hình vẽ khó hiểu.
Cô Len nói, anh ngủ ở đây, đừng mở cửa, sương mù chảy vào phòng dễ cảm lạnh. Sáng mai xuất phát lúc tưng mưng. Nói xong cô đi nhanh ra khỏi phòng. Tôi nghe tiếng bước chân của cô gái xa dần và nghĩ về sức mạnh cùng sự hồn nhiên, trong trắng của tuổi trẻ. Ý nghĩ ấy không những không cho tôi sự an nhiên; thậm chí nó khiến tôi buồn buồn với một cảm giác thương cảm mơ hồ. Tôi kiểm tra các chốt cửa rồi nằm duỗi dài tấm thân mỏi mệt xuống giường và thiếp đi.
2.
Ra khỏi cổng Khu Bảo tồn thiên nhiên, chúng tôi theo cái lối nhỏ lõm sâu như giao thông hào giữa những gốc cây săng lẻ trắng mốc, rồi qua bãi giang, nứa dày đặc, đến một thung lũng cỏ ướt át đã thấy hồ Ngàn Huội trải rộng trước mắt. Chân tôi bắt đầu đặt lên những vồng đất mềm được cỏ nước phủ kín.
Cô Len dẫn tôi quành sang bên kia bãi cỏ. Bên này nền đất cứng. Có thể nhận ra dải đất kéo dài men theo bờ hồ trước kia là một cánh rừng già, qua những gốc cây, những khúc gỗ nứt nẻ, những cành cây khẳng khiu, chơ vơ… Cái hình bóng khẳng khiu, chơ vơ của cành cây nó khắc lên nền trời, in xuống mặt nước nom hao hao những bộ xương người. Từ giờ phút này, tôi biết cái hình bóng kia sẽ là một ám ảnh đối với tôi.
Đi khoảng hai trăm mét, chúng tôi bỏ bờ hồ, rẽ lên con dốc xếp bằng những viên đá xám, vào một bãi đất rộng bằng phẳng đầy địa y. Cuối bãi đất tôi thấy một ngôi nhà lẻ loi nép cạnh hai cây lim xanh, tán lá che rợp cả một vùng. Đấy là nơi ăn ở của cán bộ quản lý nhà thờ Phan Đình Phùng.
Nhà thờ cụ Phan và nghĩa quân một gian, tường gạch, mái ngói. Giữa sân có tấm bia đá mỗi chiều hơn một mét, ghi tiểu sử và hành trạng cụ Phan và tóm lược Phong trào Cần Vương. Trên bàn thờ chỉ có giá nến, bát hương và dăm bảy thứ khán thờ, hộp sắc, mâm chè, ấn kiếm,… làm bằng gỗ, đường nét thô nhưng lại được sơn, nhũ sặc sỡ. Chắc người ta làm cho có, cho những người sống biết là người ta cũng có nhớ tới người đã chết trong rừng Vụ Quang xa xôi này và cái họ làm là tạm thời vào thời buổi “gạo châu, củi quế”; cái đàng hoàng, sang trọng sẽ có vào ngày mai, ngày kia.
Cô Len khoảng hai mươi lăm tuổi, học Khoa sử Đại học Sư phạm. Năm Len tốt nghiệp, không nơi nào nhận giáo viên dạy sử. Đang lúng túng thì Sở Văn hóa Thông tin cần tuyển một công chức lên miền núi làm công tác Bảo tàng, Len ghi tên thi tuyển và một tháng sau thành công chức, liền đó nhận quyết định lên Ngàn Huội. Ở cùng Len là ông Hồng chuyên viên chuyên ngành khảo cổ, vừa nghỉ hưu tháng trước và lão Xín người dân tộc Chứt. Lão Xín ký hợp đồng với Bảo tàng tỉnh làm bảo vệ, mỗi tháng mấy chục ngàn đồng. Hàng ngày lão đi bộ từ bản đến, lặng lẽ thắp hương lên bàn thờ cụ Phan. Sau đó, lão chèo thuyền ra giữa hồ Ngàn Huội, mãi lúc không còn thấy bờ hồ đâu nữa mới trở về. Đêm, lão hầu như không ra khỏi phòng. Ngọn đèn dầu cứ đỏ leo lét đến khi gà rừng gáy.
Cô Len bảo tôi, anh vào nghỉ tạm trong phòng em chờ lão Xín đến ở cùng lão ấy. Tôi xách túi vào phòng cô Len. Một căn phòng hẹp, đồ đạc đơn sơ. Ngoài cái giường gỗ, cái tủ gỗ chắc đựng quần áo, một kệ sắt thường thấy trong kho hiện vật ở các Bảo tàng, xếp lộn xộn mấy gói ni lông và bao tải đựng gì đấy. Góc phòng, sát cái kệ sắt mở một cửa nhỏ. Qua khung cửa thấy cái bếp với chạn bát, giàn đựng song nồi, bát đũa, lọ, chai… Tôi định hỏi về hoàn cảnh sống của cô nhưng thấy cô ngoảnh mặt về phía tủ giấu ánh mắt buồn buồn, tôi quay sang hỏi về công việc sưu tầm hiện vật liên quan đến cuộc khởi nghĩa cụ Phan. Cô Len nói, mấy đợt sưu tầm rồi có được gì đâu; rừng bạt ngàn thế. Tôi nói, bạt ngàn thì phải khoanh vùng lại. Cô Len buông một tiếng thở dài nói căn cứ cụ Phan trải rộng vào Quảng Bình, ra Nghệ An biết khoanh vùng nào. Mà mỗi tôi với ông Hồng và lão Xín thì chỉ đủ sức quét lá rụng quanh nhà thờ…
Tôi hỏi, lão Xín là người thế nào? Cô Len nói, không biết chi về bảo tàng, bảo tồn, nhưng là người tử tế. Cố của lão là nghĩa quân cụ Phan Đình Phùng, bị giặc bắn chết và ném xuống hồ Ngàn Huội. Dân bản Giàng có bài ca về chuyện bà cố nội lão Xín đi tìm xác chồng. Nước mắt bà cụ tràn qua mấy vạt rừng. Bà theo nước lặn xuống đáy hồ Ngàn Huội và rồi không thấy lên nữa… Tôi hỏi, cô Len có thuộc bài ca ấy không? Cô đáp, em không thuộc. Tôi lại hỏi, không thuộc à? Cô lại đáp, em không thuộc.
Tôi thoáng buồn. Lát sau tôi nói, chắc lão Xín tường tận rừng rú, biết nhiều điều lắm. Cô Len có nghĩ là lão biết cái ống gỗ đựng bản Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi không? Cô Len nói, chắc họ bịa ra đấy. Thời nay người ta bịa được đủ thứ, kể cả di vật, di sản…
Tôi im lặng, sững sờ trước lời nói của cô cán bộ Bảo tàng.
Chắc thấy vẻ mặt thất vọng của tôi, cô Len nói tiếp, anh cứ vào trong bản Giàng may ra gặp cái gì đấy… Lặng một lát, cô nói thêm, dân bản Giàng vừa sợ vừa ghét người thành phố. Họ bảo, người thành phố giống con cáo trong rừng, giả dối. Họ nói, con thú trong rừng ít đi, cây to, cây nhỏ trong rừng thưa đi, con ma cũng không được yên là vì người thành phố.
Ngụm nước trong miệng tôi bỗng đắng nghét.
Ngay chiều ấy, Len dẫn tôi đến bản Giàng. Bản rải rác vài chục nóc nhà trên mấy ngọn đồi trọc. Nhà Lão Xín nằm cạnh con đường từ bờ hồ Ngàn Huội vào. Thấy tôi, lão nheo nheo mắt nhìn mà không nói gì. Cô Len giới thiệu tôi là cán bộ văn hóa tỉnh, lông mày lão mới giãn ra. Một bà lão tôi đoán là vợ lão đang nghiền ớt tươi trong cái cối gỗ. Căn phòng hăng nồng mùi ớt. Thấy tôi vào bà cũng dưng dưng. Lão Xín rót nước trong cái ấm đen nhẻm ra hai cái bát sứ có in chữ bên hông đọc không ra chữ gì rồi đẩy về phía tôi, không nói gì. Lão gầy, khuôn mặt rộng, rất nhiều đường nhăn nằm ngang. Lão mặc bộ quần áo màu xanh sẫm, vài cái hoa văn vẽ bằng nét thẳng và cong màu trắng giữa những mảng màu xanh đen. Bà lão còn gầy hơn cả lão. Tôi nhìn thấy trên thanh xà cạnh lối xuống bếp treo lủng lẳng mấy đụi ngô vàng, một quả bầu khô, nhúm giây giang, một xâu quả chà và và ngoài cùng, ngay trên đầu tôi là một cái ống gỗ sơn đỏ, họa tiết trang trí hình rồng màu vàng. Tôi đoán đấy là rồng thời Nguyễn, nó toát ra vẻ oai nghiêm.
Tôi chỉ tay lên xà nhà hỏi, cái ống gỗ kia đựng gì vậy?
Lão trừng mắt nói, vật thiêng, đừng hỏi.
Tôi xin lão cho xem cái ống gỗ, lão lắc đầu.
Bà Xín ngước đôi mắt đùng đục nhìn chồng làu bàu, không đi à? Muốn rộng cái bụng à?
Sắp đi, lão Xín nói nhanh, rồi quay sang tôi, nói tiếp, hết việc rồi, mày về thôi, ta xuống chợ mua gạo cho vợ.
Cô Len giật áo tôi, ý bảo về. Dọc đường cô bảo, ta chưa nói trúng cái bụng lão. Tôi hỏi, thế nào là trúng cái bụng lão. Cô Len nói, không biết. Tôi bực nói, cô ở trên này bao nhiêu lâu rồi mà hỏi cái gì cũng trả lời không biết, không biết, là sao? Cô Len đáp, là thật bụng mình.
Chúng tôi về nhà thờ cụ Phan. Tôi thắp ba nén hương cắm vào cái lư hương bằng sứ. Sau năm lần phủ phục vái lạy, tôi cầu mong cụ và những người lính của cụ còn ở trong rừng Vụ Quang siêu thoát. Rồi tôi khấn, cụ linh thiêng phù trợ độ trì cho con cháu… Tôi vừa dứt lời thì bên ngoài từ trong rừng sâu có tiếng âm âm u u lẫn tiếng thậm thịch như tiếng bước chân người, tiếng lộc cộc như cành cây khô va nhau… lâu mỗi lớn dần. Rồi một cơn gió rừng thổi xoắn vào điện thờ. Một thẻ nhang vụt bùng bùng cháy lên, đỏ rực. Khói cuộn tròn vút thẳng lên trần nhà. Cô Len đứng cạnh tôi thì thào, cụ về đấy. Thoáng chốc, tất thảy im lìm, lạnh ngắt. Cô Len lại thì thào, cụ không chỉ lối, đưa đường nữa.
Mồ hôi vã ra, xương sống lạnh buốt, tôi vái ba vái rồi đi thụt lùi ra sân, bước về phía hồ Ngàn Huội, lúc này trải mênh mang xanh.
Nửa chiều thì lão Xín đến. Lão nói, có khách nên ta ra chứ không thì ta ở trong nhà ta. Con vợ ta nó khó ở.
Lão lấy trong cái túi vải nhàu nhĩ ra một ống nứa khô, một đầu nút lá chuối khô. Lão nói rượu dân bản ta nấu bằng ngô trồng trên đồi, mày uống xem có ngon hơn rượu người Kinh không. Tôi nâng ống nứa lên uống một ngụm và “khà” vẻ sành rượu rồi khen ngon, ngon. Lão có vẻ hài lòng. Thấy lão vui, tôi nói là tôi đi tìm cái ống gỗ đựng Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, nhưng chắc là phải về tay không.
Lão hỏi, Chiếu Cần Vương là cái gì? Tôi nói, là tờ giấy ghi lời kêu gọi đánh Pháp của vua; tờ giấy thứ nhất, tức là lời kêu gọi lần đầu làm ở Quảng Bình, tờ giấy thứ hai tức lời kêu gọi lần hai làm ở Thành Sơn phòng, trong rừng này. Lão nói, chuyện đánh nhau thì ta đã nghe kể, có biết. Nhưng đừng nhắc nữa. Đau lòng lắm. Sao người thời nay hay nhắc lại những chuyện đau lòng thế. Lão im bặt đăm đăm nhìn xuống hồ Ngàn Huội. Ánh mắt lão khắc khoải khiến tôi nhớ chuyện cô Len kể về bà cố nội lão. Tôi nắm lấy những ngón tay ấm nóng của lão, lòng bỗng nao buồn.
Lão đứng dậy nói, ta đi xuống hồ đây. Mày có đi cùng ta không? Tôi nói là tôi đang muốn thế. Lão bảo tôi đứng chờ lão để lão đi lấy thuyền. Nói xong thì biến mất sau những gốc cây cổ thụ. Chừng mươi phút sau, một chiếc thuyền đột ngột hiện ra phía đám cỏ nước, khiến tôi có cảm giác, nó từ trong lòng hồ nhô lên. Lão Xín đứng sau đuôi thuyền.
Con thuyền hếch mũi về phía tôi. Lão nói như ra lệnh, lên đi. Để tới được thuyền tôi phải bước tiếp khoảng hai mét qua đám cỏ nước và những ngọn lau sậy loi ngoi. Tôi đặt một chân lên đám cỏ và rút chân kia để bước tiếp thì chân bị thụt xuống bùn đến tận đầu gối. Tôi biết rằng một khi đầu gối bị ngập bùn tôi sẽ không còn cách nào thoát khỏi bị chôn sâu vào đáy hồ. Lão Xín cho thuyền lách qua đám lau sậy đến sát chỗ tôi. Tôi bám vào mạn thuyền trèo lên.
Thuyền đi men bờ hồ. Thấy những cành cây phủ rêu rủ lòa xòa trên đầu và nhỏ nước xuống, từng giọt. Thấy những thân cây khổng lồ nghiêng xuống mặt hồ. Thấy mặt đất xôm xốp lá rụng và địa y trải hun hút vào chỗ nào đấy, càng xa càng âm u và đầy tiếng động lạ lùng. Cảm xúc về một cổ xưa bí ẩn òa lên trong tôi. Ra khỏi tán cây cổ thụ, thuyền quay mũi, nhè nhẹ trôi trên mặt nước lặng yên như một tấm gương xanh thẫm. Nhìn thấy những gốc cây từ thời nào, nhô lên giữa bùn đen nhánh, mềm mại lượn sóng dưới đáy hồ.
Lão Xín bỗng hỏi, thấy gì không? Tôi chưa tìm ra câu trả lời thì lão đã lại nói, ta đã có biết nhiều người nơi khác đến đây nhìn mà không thấy gì cả.
Tôi nói, lão nói điều tôi không hiểu được.
Lão Xín im lặng. Tôi chăm chú nhìn đáy hồ qua tầng nước trong suốt. Càng ra giữa hồ, đáy hồ càng mờ đi. Không còn thấy bùn đen nhánh, mềm mại lượn sóng nữa. Thay vào đó là một màu nâu, đôi chỗ đỏ sẫm, bằng phẳng như mặt sân gạch.
Lão Xín lại hỏi, thấy gì không?
Tôi đáp là thấy đáy hồ bằng phẳng đẹp như một tấm vải hoa.
Lão cau mặt giận dữ nói, chỉ thấy hoa đẹp thôi à? Không thấy hai cái đầu người áp lên nhau, giẻ xương sườn đan vào nhau, cánh tay, cẳng chân khoèo vào nhau à?
Tôi dụi mắt: Không thấy hai cái đầu áp lên nhau, những giẻ xương sườn đan vào nhau, những cánh tay, cẳng chân khoèo vào nhau. Mặt nước lấp lánh, đáy hồ chập chờn.
Lão Xín nói, mày không thấy, nhiều người cũng không thấy.
Một bóng râm lướt qua trên đầu tôi. Tôi ngửng lên. Chếch về phía mặt trời lặn những cành cây trụi lá khẳng khiu đang ngã cả về phía hồ.
Lão Xín đứng cắm hai chân xuống đáy thuyền. Khuôn mặt lão lặng phắt như được tạc ra từ gốc cây cổ thụ đựng đầy nắng hơi cúi xuống. Bỗng trên bờ, trong rừng thăm thẳm nổi lên tiếng u…u… rồi mặt hồ xao động, ràn rạt. Xanh, trắng, sẫm đen, đỏ tia… sắc màu chồng lên nhau, duỗi ra, vón kết. Chung quanh thuyền sương mù bạc trắng bốc cao.
Gió rừng, tiếng lão Xín trầm đục, âm âm. Thảng thốt tôi giang hai tay bám chặt vào mạn thuyền, cảm thấy cơ thể đang chao lắc theo những vật vô hình nào đấy.
Lão Xin xòe bàn tay vảy ngang như xẻ sương mù đang che mắt nhìn. Bất ngờ lão cất tiếng hát:
Nước Giàng rơi xuống hồ
Lá rừng bay xuống hồ
Gió nam, gió bắc, gió tây, gió đông thổi vô hồ
Khóc thương bà Sin theo chồng thành ma
Mà ma không về ở cùng ma bản Giàng.
Bà Sin rét trong rừng
Bà Sin lạnh trong bùn
Bà Sin đi tìm cái ấm
Bà Sin đi tìm ngọn lửa
Bà Sin đi tìm chồng
Nước đỏ máu mà xanh
Rừng rủ lá xanh theo bà Sin đi gặp chồng trong hồ Ngàn Huội…
Giọng lão Xín run run, khắc khoải. Tiếng hát của lão lan lăn tăn khắp mặt hồ, lặn xuống đáy hồ, vọng vào mịt mờ rừng xanh.
Tôi đưa hai bàn tay ôm đầu. Mặt hồ trở lại yên lặng, gió trong rừng không thổi ra nữa...
3.
Đêm ấy, tôi và lão Xín uống rượu đến tận khuya. Đêm ấy, trời không trăng sao. Bóng đêm dìm ngập tất cả mặt đất, cây cối vào trong màn tối dầy đặc vô cùng ấy. Bỗng nhiến có tiếng âm âm, u u kéo dài. Rồi nghe rõ ra tiếng lá xạc xào trên mái nhà, ngoài sân.
Tôi hỏi, gió Bắc à?
Không phải gió Bắc, lão Xín nói, giọng nghiêm trang. Gió rừng, gió rừng có đường đi riêng…
Lão hát nữa đi, tôi giục.
Mày thật bụng muốn nghe à?
Phải. Tôi còn biết bà Sin trong bài hát ấy là cố nội lão nữa cơ đấy.
Lão Xín ngước mắt nhìn tôi. Trong khóe mắt lão lăn ra hai giọt nước. Môi lão run run, giọng lão cũng run run:
Gió nam, gió bắc, gió tây, gió đông thổi vô hồ
Khóc thương bà Sin theo chồng thành ma
Mà ma không về ở cùng ma bản Giàng.
Bà Sin rét trong rừng
Bà Sin lạnh trong bùn
Bà Sin đi tìm chồng
Bà Sin đi tìm cái ấm
Bà Sin đi tìm ngọn lửa…
Lão ngừng hát. Lâu sau nói, hát nữa buồn lắm, hát nữa ta khóc mất thôi. Ngủ đi, ngủ đi.
Tôi ôm ngang lưng lão. Người lão nóng hầm hập, như bị sốt. Tôi lo lắng hỏi, lão có bị ốm không đấy?
Không, lão thầm thì, ngủ đi, ngủ đi.
Tôi quàng tay qua ngực lão, lẩm bẩm theo trí nhớ:
Bà Sin rét trong rừng
Bà Sin lạnh trong bùn
Bà Sin đi tìm cái ấm
Bà Sin đi tìm ngọn lửa…
Lão quay người về phía tôi nói, mày thuộc bài rồi. Mày thật bụng, mày tốt bụng… Lão nói, xòe bàn tay áp lên bàn tay tôi.
Tôi thức dậy không thấy lão Xín đâu nữa. Bên ngoài, trong ánh sáng vàng da cam, cô Len đang quét lá rụng trên lối đi giữa sân. Cô cứ quét và lá cứ rụng lả tả. Tôi đi ra thềm đưa mắt nhìn xuống hồ Ngàn Huội thấy sương giăng mịt mờ. Tôi hỏi cô Len có thấy lão Xín không? Cô đáp, lão Xín về bản lúc trời tưng mưng. Tôi lại hỏi, bao giờ lão lại đến. Cô không đáp, kéo lê cái chổi trên những mảng địa y đi ra sau nhà. Cô không nghe hay cô không muốn trả lời? Tôi cảm thấy bụng dạ bồn chồn. Chỉ còn buổi sáng nay nữa, trưa tôi phải về rồi. Sẽ phải nói với ông Giám đốc rằng, cái ống gỗ chỉ là sản phẩm trí tưởng tượng của ông. Tôi hình dung ra khuôn mặt cau có, thất vọng của ông. Mà có hay không cái ống gỗ? Mà cái ống gỗ vẽ hình rồng trên xà nhà lão Xín đựng cái gì?
Tôi trở về gặp cô Len ở bậc thềm. Tôi thấy mắt cô đỏ hoe. Nãy giờ cô khóc một mình sau nhà. Đoán thế nhưng tôi không dám hỏi. Hỏi chỉ làm cô thêm buồn. Người ta bảo cô lên rừng ba năm rồi được về thành phố. Một lời hứa như ngàn vạn lời hứa trôi nổi trong cõi nhân gian kéo theo ngàn vạn nỗi chờ đợi, hy vọng và ủ ấm nhiệt tình cho con người được bao nhiêu năm tháng? Cái gọi là nhiệt tình tuổi trẻ trong cô Len đã nguội lạnh mất rồi.
Tôi theo sau cô Len vào phòng, lòng thoáng buồn. Chúng tôi ngồi trên chiếc chiếu trải giữa nền nhà ăn sáng. Cô nói, trên này ăn thông tầm, sáng và tối, trưa uống nước suối trong rừng. Bữa cơm có mỗi cá khô, rau môn thục chấm nước mắm. Cô vừa uể oải nhai vừa nói, anh đừng lên đây lại hay hơn. Tôi hỏi, sao Len lại nói thế? Cô nói, anh lên tôi vui, nhưng anh về rồi cái buồn lại đầy hơn. Tôi nói, sẽ có người lên thay ông Hồng nay mai thôi. Cố gắng phấn đấu. Tôi nói như bao nhiêu kẻ khác thường nói trong những hoàn cảnh như thế này. Bất giác tôi nhìn theo lối dốc men theo bờ hồ Ngàn Huội xuôi về Thị trấn Sơn Lĩnh.
Cơm nước xong, tôi đến bản Giàng.
Đang nửa buổi, bản vắng người. Tôi vào nhà lão Xin. Mỗi lão ở nhà. Lão nói, sáng nay dân bản lên rẫy ngô hết rồi. Mỗi ta ở nhà chờ mày.
Tôi hỏi, sao lão biết tôi đến mà chờ?
Biết chớ. Tối qua cái hơi thở của mày nói với ta.
Tôi ngửa mặt nhìn lên xà nhà, ngần ngừ không dám hỏi lão về cái hộp gỗ. Lão bỗng nói, cái hộp kia cụ Thuyết cho cố nội ta hồi cố nội ta làm quan cho cụ. Cố nội ta để lại cho ông ta, ông ta để lại cho cha ta, cha ta để lại cho ta, mai kia ta để lại cho con ta… Nó đựng bài ca của ta và dân bản Giàng. Ngày giỗ cố ông, cố bà ta, ta mở. Ta biết mày thèm, mày muốn có nó, nhưng không được đâu, nó là của bản làng ta.
Tôi rời mắt khỏi cái ống gỗ trên xà nhà, thẫn thờ một lúc, rồi tôi nói rằng, tôi chỉ muốn xin bài ca lão hát hôm qua. Lão cười, phô cả mấy cái răng cửa nghiêng ngã rồi nói, làm chi có bài ca ấy. Thấy vẻ ngơ ngác của tôi, lão nói tiếp, nó nằm trong cái ống kia, nó nằm trong cái đầu ta, mỗi lúc bụng ta cồn lên cái nhớ là ta hát, mỗi lần hát nó mỗi khác. Dân bản họ hát theo ta, hát theo gió rừng, gió rừng có lối đi riêng…
Giàng ơi! Tôi kêu lên và bất giác ngoảnh nhìn ra rừng. Rừng trập trùng, như không có chỗ tận cùng.
4.
Ông nhà văn Giám đốc vuốt phẳng những tờ giấy chi chít chữ của tôi trên mặt bàn bề bộn đủ thứ, rồi chăm chăm nhìn tôi, đôi lông mày thanh mảnh như lông mày con gái nhíu lại. Tôi thấy da thịt rân rân, cảm giác như ánh mắt ông ta lục lọi trong tim gan của mình.
Được lắm, được lắm. Cuối cùng ông nói, giọng vui vẻ. Cậu đã phát hiện thêm một di sản. Năng lực phát hiện của cậu có phẩm tính nhà văn.
Tôi nói, thủ trưởng cứ đùa em.
Sau một lúc trầm ngâm, ông nói, hãy sớm thu xếp một chuyến lên bản Giàng. Cậu phải đi cùng tôi. Rừng lắm lối, dễ lạc. Nhớ mang theo máy ghi âm.
Tôi ra khỏi phòng ông, ngoảnh đầu nhìn về phía rừng như bị thôi miên.
2013 - 2020
Đ.B
(TCSH377/07-2020)