Truyện ngắn
Xúc xắc mặt người
14:49 | 22/01/2021

NGÂN HẰNG

Tôi sinh ra trong một ngôi làng nhỏ. Làng tôi quanh năm ràn rạt gió lào, cái thứ gió rát bỏng làm đen đúa nước da con gái, những đôi tay thô kệch úa đi vì nắng như những gốc rạ trơ trốc sau mùa gặt.

Xúc xắc mặt người
Minh họa: Phan Thanh Bình

Nhưng bù lại, con gái trong làng ngay từ tấm bé đã nổi tiếng siêng năng và khéo léo. Ấy vậy mà gái làng tôi vẫn nổi tiếng ế, sự cân bằng trong hôn nhân cứ tập tễnh như người bị tật chân. Mỗi buổi sáng, những phụ nữ làng lặng lẽ rê bóng mình trên con đường lạnh lẽo hơi gió và cái lãng đãng của khí trời. Trai làng tôi vốn là của hiếm, họ giống như hình ảnh những tráng sĩ với thân hình vạm vỡ trên bức phù điêu thời Phục hưng. Hàng ngày, khi vừa tỉnh giấc ngủ, họ đã được người đàn bà với đôi tay đen đúa, sần sùi chuẩn bị tươm tất mọi thứ, họ chỉ việc xỏ chân vào dép, thong thả buông vai rồi tận hưởng cuộc sống. Cả ngày họ thong dong ở những chiếu bài, buổi tối thì tìm đến nơi có những ánh đèn mầu, để chìm đắm và mê mẩn với thứ đàn bà có làn da trắng như cơm mới.

Thân phận những người trong nhà tôi không phải ngoại lệ. Bố tôi là thôn trưởng, tính khí của ông càng gia trưởng hơn, mà người phải chịu đựng nhiều nhất là mẹ tôi trong suốt bao nhiêu năm làm vợ bố. Nhà tôi có hai chị em, tôi là gái cả, sau là cậu em trai. Nhưng trong mắt bố, sự tồn tại của tôi chỉ giống cái đèn trang trí, được ông bật lên những lúc không đủ ánh sáng làm việc. Bố tôi lấy mẹ, đứa con gái duy nhất của ông trưởng làng thời xưa với ngôi nhà năm gian khang trang. Bố ở rể, phục tùng mọi yêu cầu của ông bố vợ nổi tiếng khó tính. Bố trút xuống mẹ hết mọi sự tủi hờn mà bố nén lòng chịu đựng. Tiếng khóc của mẹ tắt lạnh vào tiếng ễnh ương văng vẳng mỗi đêm trong căn phòng nhỏ của hai vợ chồng mới cưới. Khi mẹ đẻ tôi, ông ngoại vén mành vào phòng nhìn con gái và đứa cháu ngoại rồi ném ánh mắt hằn roi vào bố, gọn lỏn một câu: “vô tích sự”. Mẹ ôm lấy đứa con gái nhỏ, co rúm lại trong tiếng thở đầy lo sợ. Cả tuổi thơ của tôi không được nghe một tiếng nựng của bố, không được một lần ngồi cùng ông ăn bữa cơm có đủ mẹ. Lên năm tuổi, tôi đã được mẹ dắt tay lo mọi việc trong nhà, bàn tay con con đã biết bấng những cây mạ cắm xuống ruộng thẳng hàng, ngay lối, đã biết xốc lại nồi cơm vần trong tro ấm, biết vuốt ve những lọn tóc xác xơ của người đàn bà ôm tôi vời vợi mỗi đêm. Có đêm trong giấc ngủ mơ màng của mình, tôi vẫn thường thấy bóng bố tôi cao lớn, giật tung màn, rồi túm lấy tay mẹ xềnh xệch kéo về phía phòng trên. Những lần như thế, mẹ trở lại với đứa con gái, nét mặt bà tươi vui vì sự thỏa mãn hiếm hoi. Ông ngoại mất cũng là lúc em trai tôi ra đời. Bố cứ gật gù mãi khi nhìn thằng con trai nhỏ xinh, môi đỏ hồng, đôi mày đen sậm như vẽ. Tôi nhìn ông cái nhìn khó hiểu và lần đầu tiên ông đưa tay mình vỗ vỗ vào đầu đứa con gái cũng có đôi mắt đen ấy.

Danh - em trai tôi - là một đứa ngỗ nghịch ngay từ bé. Bố tôi đặt tên cho hắn với tất cả bao ước mơ về sự danh giá, mà sau này hắn sẽ mang lại cho dòng họ. Sự nuông chiều của bố và sự chăm bẵm của mẹ, khiến hắn chỉ suốt ngày kêu la với những đòi hỏi ngày càng nhiều hơn. Mỗi lần nhìn thấy hắn giãy lên đành đạch bắt vạ mẹ vì chưa kịp mua cho hắn món đồ chơi yêu thích, người tôi nóng lên. Phải nói rằng tôi không phải đứa con gái cam chịu như bao phụ nữ của làng này. Đã rất nhiều lần, trước sự lanh chanh của đứa em trai, tôi cũng quyết ăn thua, nhưng cuối cùng nhận về mình những đòn roi của bố. Từ khi ông ngoại mất, bố tôi chính thức kế nhiệm ông ngoại địa vị trong làng. Bao năm nhẫn nhịn, cùi cũi theo ông ngoại, học hỏi xử lý việc làng, bố dày dặn kinh nghiệm để có tiếng nói nặng nhất trong tất cả quyết định của làng. Nhìn mẹ mỗi ngày một héo đi, dáng còng lại, đôi mắt mệt mỏi bạc theo thời gian, tâm can tôi như bị cào xé.

Tôi rời chân khỏi làng khi là cô thôn nữ bước vào đại học. Nhà tôi cách trường không xa, nhưng để tránh việc tôi đối đầu với em trai mình, cả bố và mẹ đều đồng ý cho tôi được lưu lại gần nơi học. Nằm ở vùng ven thị xã, làng tôi ngày càng đi xa hơn cái bản lề mà nó gìn giữ bao năm. Những hơi gió của thời hiện đại như bão giật tung từng nóc nhà trong làng. Mỗi lần trở về, là mỗi lần tôi lại chứng kiến sự ra đi của những ngôi nhà cổ kính nhưng rệu rã vì thời gian. Dự án, quy hoạch cứ ầm ầm vỡ ra. Sự hoan hỷ hiện rõ lên gương mặt mốc thếch của người dân làng tôi. Không còn sự yên bình cho một vùng quê nghèo luôn hầm hập cơn sốt đất. Bố tôi đi nhiều hơn, những chiếc ô tô con, sáng loáng nấp vào sau gốc rơm, những người ăn mặc sang trơ đổ sập vào nhà rồi kéo bố đi biền biệt. Câu chuyện của họ chỉ toàn những con số, sự chia chác lãi lời từ những cánh đồng giờ đây chỉ trơ trơ cỏ dại. Nhà tôi cũng hiện ra mang nét kiến trúc đa phương, mái vòm cong cong, sàn lát gạch bóng loáng, ti vi, dàn máy, đèn chùm khiến tôi như bước vào một thế giới khác trên mảnh đất thân thuộc. Thằng em trai nằm khểnh chân, người lắc lư theo thứ nhạc hỗn tạp. Hắn đã là chàng thanh niên với thân hình cao lớn, vạm vỡ. Thấy tôi, hắn uể oải ngồi dậy cất giọng sặc mùi rượu:

- Chào bà chị già vẫn đang tại gia. Uống nước thành thị nên có vẻ lên được vài tông nhan sắc rồi nhỉ?

- Hỗn vừa vừa thôi. Chịu khó học hành còn có tương lai, em ạ. Ăn chơi mãi, mày không biết chán hay sao? Mẹ đâu?

Không trả lời tôi, hắn đưa tay lẩy cánh cửa tủ nơi chỉ toàn cốc chén và những bình rượu ngâm đủ loại hình thù. Bất đồng giữa hai chị em tôi ngày một rộng, không có gì xóa đi được. Sự cao lớn thể xác của em trai tôi đổi bằng cả một đời mẹ lao đao vì nó, những giọt nước mắt của mẹ đã trút xuống bao lần cho những chơi bời, sai phạm hắn gây ra. Tôi uất giận và thầm trách mẹ. Trong ngôi nhà lớn, với hai người đàn ông của cuộc đời mình, mẹ nhỏ thó, lẫm lũi trong từng góc nhà, kì cọ lau chùi đồ đạc như tắm rửa cho mọi khổ đau mình đang chịu. Đứa con trai mẹ bỏ học dở chừng, đi theo những tay săn đất. Hắn dùng uy tín của bố và uy quyền của người có tiếng trong làng, vừa dụ dỗ, vừa ép buộc để đạt được mục đích. Chưa đầy mười tám tuổi thằng con trai nhà tôi đã thành thạo mọi thói đời. Không biết bao nhiêu nước mắt rơi lõm xuống đôi vai vạm vỡ của hắn.

- Chị học xong không về cứ ở riết trên đó làm gì? Nhà này đâu thiếu tiền. Chị về mà chăm mẹ, cho bà ấy đỡ tủi.

Tiếng hắn phả ra cùng mùi cay nồng của rượu. Có lẽ từ sâu trong tâm thức, bản tính đứa con khiến hắn thấy dấy lên tình mẫu tử. Tôi biết, cuộc trốn chạy của mình là ích kỷ, nhưng hễ mỗi lần trở về, bước qua cây gạo già cỗi, hau háu nhìn vào làng, chứng kiến sự hếch hoác của những người đàn bà đổi đời theo đồng tiền, tôi lại thấy gai gai. Giờ đây, đàn bà làng tôi ít người chân lấm phèn, cơ thể cũng không còn mùi chát sém của nắng. Họ đổ về những trung tâm thẩm mỹ, cạo, rửa sạch cái nước da đen nhẻm, khoác lên mình quần áo xênh xang. Những cô nàng đồng ruộng từng là nỗi ám ảnh của đàn ông, phút chốc thơm lừng lựng đầu mũi mấy gã trai làng lai phố. Tôi vẫn thường lang thang trên những cánh đồng, nhớ lại tiếng nói cười, tiếng chuyện trò khi còn thuở nhỏ. Ở đó, các bà, các mẹ, các chị và những đứa trẻ lon ton như tôi cứ vần mình trong bùn đất, trong đói khổ, nhưng vui và ấm áp. Vậy mà bây giờ những người dân quê tôi lại làm thuê trên những mảnh đất xưa kia mình là chủ.

*

Mẹ tôi nhắn: “Thằng Danh bị tai nạn. Con về ngay”. Nhận tin, tôi vội thu xếp lại mọi thứ trong ngôi nhà nhỏ do mẹ chắt chiu và dấm dúi đưa tiền tôi mới mua được. Mẹ nói đó là của hồi môn dành cho đứa con gái thiệt thòi vì sinh ra là phận đàn bà. Cái lý do như cái bập bênh thời còn nhỏ tôi vẫn chơi, nhưng ám ảnh lấy đời mẹ đến giờ vẫn không đổi. Mẹ bảo đàn bà phải thế, phải chịu thiệt, phải làm tôi tớ cho chồng con. Nhưng đời mẹ cũng đẫm biết bao nước mắt vì sự mặc định không căn cơ đó.

Suốt chặng đường, lòng tôi ngổn ngang những lo lắng, linh cảm không lành về đứa em trai của mình. Về đến đầu làng, những đám người nhôm nhổm đứng ngồi quanh gốc đa già cỗi, gương mặt họ nhòe đi trong cái nắng chiều đang rớt xuống. Đã có lần trong giấc mơ của tôi, họ hiện lên qua sáu mặt xúc xắc, gương mặt nào cũng chất chứa nỗi khổ đau, sầu não.

- Con gái lão đấy. Về rồi mà đền tội cho cả làng đi.

- Khổ thân! Đời cha ăn mặn đời con khát nước.

- Rồi lương tâm lão cũng không yên đâu, cứ để rồi xem...

Những tiếng thì thầm vọng lại, những ánh mắt soi mói nhìn vào, khiến bước chân tôi như hụt đi. Trước đây, mỗi lần nhắc đến bố tôi, dân trong làng vẫn một giọng tôn kính, trong câu chuyện của họ, bố tôi như một hình mẫu cho những chuẩn mực đạo đức. Với họ, bố lúc nào cũng nhã nhặn, từ tốn, hễ ai cần đến sự giúp đỡ, bố tôi đều bỏ công sức làm đến cùng. Thế nhưng, giờ đây họ lại gọi bố tôi là lão và buông những lời cay nghiệt nhất.

Cổng nhà tôi mở toang, mọi thứ trong sân bừa bộn, ngổn ngang. Căn phòng khách trống hoác, rộng thênh đến bất ngờ. Nghe bước chân tôi, mẹ từ dưới bếp chạy lên, run run nhìn đứa con gái, chân khụy xuống:

- Con ơi! Nhà mình mất hết rồi.

- Mẹ bình tĩnh đi. Danh với bố đâu ạ?

- Bố mày trong buồng. Thằng Danh trong viện, bọn chủ nợ đang trông coi nó. Giờ cái nhà này tan nát hết, biết đằng nào mà yên thân đây.

- Bà im đi - Tiếng bố đanh lại - Tôi đã chết đâu mà khóc toáng lên để thiên hạ được dịp cười nhạo nữa đấy à.

Tôi nhìn ông, cái nhìn ngạc nhiên. Đâu rồi người đàn ông đầy cao ngạo, đâu rồi người đàn ông với đôi mắt lúc nào cũng hiện lên vẻ uy quyền? Giờ đây, bố tôi lọt thỏm trong bộ quần áo pijama, râu mọc lởm chởm, gương mặt hốc hác, lộ rõ sự bơ phờ, mệt mỏi. Đã rất lâu rồi, tôi chưa gặp ông, mỗi lần tôi về, sự bận bịu làm ông gần như quên mất đứa con gái của mình. Thi thoảng ông điện vài ba cuộc điện thoại ngắn ngủi chỉ giục tôi lấy chồng, hoặc khi tìm được mối nào đó ưng ý, ông muốn tôi gật đầu, để tránh tiếng ế cho gia đình. Tôi kiên quyết phản đối và rồi ông cũng mệt mỏi với sự ương bướng của đứa con gái, nên đành bỏ cuộc.

Nhà tôi vỡ nợ, sau một lần bố nghe lời ngon ngọt của gã đàn ông gắn mác doanh nhân hào nhoáng. Ham lời từ việc câu kéo người dân tham gia huy động tiền cho gã. Bố tôi chắc mẩm sẽ kiếm được một khoản khấm khá ở mối làm ăn mới này. Bỗng nhiên toàn bộ tiền bạc và bóng dáng gã doanh nhân không cánh bay mất. Bố bỏ công sức tìm kiếm, nhưng chỉ đổi lại là tiếng kêu ca, sự oán trách của người dân trong làng. Chưa giải quyết xong đống nợ của mình, bố tôi lại phải đối diện với đám giang hồ xồng xộc đến nhà hăm he đòi xử Danh vì khoản nợ bài bạc và cá độ bóng đá. Danh không phải đứa trai làng duy nhất chìm đắm mình trong những mặt số ăn thua. Đã biết bao nhà cửa tan nát, biết bao số phận phải bỏ xứ đi tha phương. Nhưng sự đam mê ấy như có ma lực cứ hút cạn kiệt những thân hình trai tráng để rồi chỉ còn tróc trơ lại những đứa trẻ nhỏ và những người già cỗi ở lại làng.

- Vậy giờ bố tính sao?

- Còn tính sao nữa. Nợ thì phải trả, bán cái nhà trên thành phố của mày đi cũng lo xong cho thằng Danh. Khoản nợ của bà con trong làng thì từ từ trả dần.

Lời bố khiến tôi thấy mặt đất quanh mình chao đảo. Một hơi nóng bốc lên tận đỉnh đầu, khó khăn lắm tôi mới nói lên lời:

- Bố nói thật hay đùa vậy? Ngôi nhà đó là mồ hôi nước mắt suốt bao năm con mới mua được. Bố và thằng Danh lấy quyền gì mà đòi bán đi.

- Tao lấy quyền làm bố mày được không? Chẳng nhẽ mày trơ mắt nhìn thằng em mày bị bọn siết nợ chặt tay, chặt chân hay sao?

- Vậy đã bao giờ bố coi đứa con gái này là con chưa, coi người đàn bà giờ bị đẩy ra đối diện với thiên hạ và một đống nợ là vợ chưa? Bao nhiêu năm nay, để giữ cho bố một gia đình đẹp đẽ, con đã lặng lẽ chịu đựng. Nhưng không thể nào cùng là con đẻ, bố lấy đứa này vất đứa kia được.

- Mày láo phải không? Chẳng có mày thì nhà này cũng không chết ngay được. Mẹ thằng Danh đâu, bà sửa soạn cho tôi ít lễ, sang nhà bác Cả để xin tổ chức cưới cho thằng Danh, lấy tiền mừng lo trả nợ. Còn mày cút... cút ngay ra khỏi cái nhà này cho tao.

Ông rít lên, nhìn tôi đầy căm phẫn. Mẹ tôi cố vịn vào tường, cả thân thể bà run lên lẩy bẩy. Tôi lao vụt ra khỏi nhà. Gió vít những ngọn cây đã đẫm mình trong màn đêm. Làng vắng người, tiếng ếch, nhái um um dọc các bờ mương. Khung cảnh lặng lại, những ánh sáng điện le lói hắt ra bên đường từ những ngôi nhà đóng chặt cửa. Giờ đây, làng tôi đặt lòng tin vào nhau chỉ bằng những dãy tường vôi cắm đầy mảnh chai vỡ sắc lẹm. Luồng gió mới du nhập thứ thuốc độc tàn phá tâm hồn người nông dân vốn hiền lành, chân chất. Ngay bố tôi, người sống gần cả một đời với lòng tự trọng cao hơn bất cứ thứ gì, giờ cũng vì tiền mà tính toán mọi phương kế, kể cả việc bán mua hạnh phúc của đứa con trai mà ông đặt kỳ vọng. Ngôi nhà ấy rất lâu rồi đã không thuộc về tôi nữa, sự trở về của tôi chỉ vì người mẹ cả đời cay đắng. Trong mọi quyết định của chồng và con trai mình, bà chỉ biết phục tùng và nhẫn nhịn. Sự chịu đựng của bà làm mất đi những giá trị hạnh phúc đích thực của gia đình, khiến tôi có cảm giác ngột ngạt, mỗi lần có chàng trai nào đó muốn đến gần.

Ngày cưới Danh, tôi không về, ngồi câm lặng ở một quán cà phê nhỏ nhìn dòng người chen nhau xuôi ngược với cảm giác vô định, trống rỗng. Lướt qua mắt tôi, hình ảnh của đám cưới cứ mờ mờ, ảo ảo. Liệu rồi sau những tiếng cười, những gương mặt hân hoan kia, có mấy ai không cất giấu sự hoài nghi, tính toán, có mấy ai vui trọn vẹn cho một sự khởi đầu đẹp như vẽ đó? Em dâu tôi, người con gái nghèo mới tròn mười tám tuổi, mái tóc đen bóng, đôi mắt đượm buồn. Tôi gặp em trong một ngày chớm lạnh. Cái lạnh như nhuộm nâu hơn làn da tái của em. Mẹ tôi bảo: “Con bé ngoan và hiền lắm, chỉ vì nhà nó túng nên phải chịu em mày mà về làm dâu nhà mình”. “Vậy em có biết nhà mình cưới vợ cho Danh để...?”. Tôi định nói hai tiếng trả nợ nhưng kịp ngưng lại. “Bố con bé chịu ơn bố mày, biết cũng làm được gì”. Mẹ nói như xé đời mình trong tiếng thở dài ghim vào gió. Nhận từ tay tôi quà mừng cưới, con bé lưng tròng nước mắt. Nó nhìn tôi, cái nhìn xoáy đến tâm can. Tôi hiểu điều con bé đang nghĩ. Rồi mai này trong ngôi nhà rộng thênh của tôi, lại thêm một gương mặt phụ nữ lênh đênh ở đó.

*

Chiều buông trên những ngọn cây ven đường. Thành phố tấp nập lúc tan tầm, ai cũng hối hả, vội vàng. Tôi đứng trên ban công ngôi nhà của mình ở phố nhỏ thả lỏng người. Ngôi nhà không đủ năm mươi mét vuông, nhưng ngăn nắp và gọn gàng, thường tôi chỉ chỉnh trang cho cuộc sống của mình khi công việc bớt bề bộn. Cuộc sống đơn thân cũng làm tôi cảm thấy thoải mái hơn, nhưng mỗi khi nghe tiếng ríu rít của con trẻ tôi lại thấy nao lòng. Sợi dây gắn kết giữa tôi và gia đình lúc nào cũng chỉ là tình mẫu tử. Sau đám cưới Danh, mẹ quay lại việc bán buôn ngoài chợ, ngôi nhà chỉ còn là tấm áo đẹp nhưng bên trong đầy vết vá. Những đồng tiền chợ nhỏ lẻ của mẹ không đủ nuôi cả nhà khi mà đứa con dâu đang kỳ thai nghén. Mỗi tháng dành dụm từ lương của mình, tôi lại nhờ người gửi về cho mẹ. Đã rất lâu rồi, tôi không trở về ngôi làng có cây đa với những mắt lồi ra nữa. Có nhớ, có thương nhưng lời nói hôm nào của bố như ngăn cản bước chân tôi.

Tiếng chuông cửa kéo dài, tôi chạy vội xuống. Trước mắt tôi, người đàn bà lưng hơi còng, dáng người bé nhỏ:

- Mẹ.

- Con Bình nó có lên tìm con không?

Môi mẹ run run, những ngọn tóc bạc cứ bết vào chiếc cổ sạm nắng, mồ hôi nhễ nhại.

- Em Bình không tìm con, có chuyện gì rồi sao? Mẹ vào nhà ngồi kể cho con nghe xem nào?

Dìu mẹ vào ngồi xuống chiếc đệm, lấy cho bà cốc nước ấm để trấn tĩnh tinh thần mà lòng tôi cũng phấp phỏng.

- Suốt từ lúc thằng Danh cưới đến nay, bố mày cả ngày không dám đi đâu vì xấu hổ với xóm làng, thế mà ở nhà con bé bụng mang dạ chửa cũng không được ngơi tay việc với bố mày. Đã thế, mấy hôm nay thằng Danh bỏ đi, rồi lại về báo một đống nợ nần, con bé khuyên thì hắn đánh khiến con bé phải vào viện vì sảy thai. Sáng nay, mẹ mệt quá ngủ quên, tỉnh dậy thì không thấy con bé đâu nữa, mẹ tìm nó khắp làng nhưng vẫn không thấy bóng dáng đâu.

Mẹ đưa vạt tay áo lau nước mắt cho mình, cổ tôi nghẹn lại. Tôi thầm tự trách mình đã không cứng rắn hơn để ngăn cản cuộc hôn nhân sắp đặt của bố. Vừa thất vọng vì chồng, vừa đau vì mất con, con bé còn quá trẻ để đón nhận những nỗi đau đớn và mất mát lớn như thế. Nó ở đâu giữa xô bồ biển người đây? Giá như em có thể đến tìm tôi, để tôi bù đắp lại cho em phần nào oan nghiệt mà đứa em trai tôi gieo xuống.

Dọn vội hành lý, tôi và mẹ đi về phía làng. Trời sắp tối, vẫn là con đường mà bao lần tôi ngược về, nhưng sao hôm nay lại dài đến vậy. Tôi chỉ hy vọng sẽ thấy bóng dáng em dâu nhỏ của mình ở một nơi nào đó. Nhưng cái tôi thấy chỉ là người đàn ông đang dựa lưng vào tường, người mềm nhũn, gương mặt gầy sọp đi. Có lẽ những biến cố bố tôi đang gồng mình gánh là hậu quả cho việc bố đã dung túng cho đứa con trai của mình. Ngôi nhà cứ chìm dần vào không gian tĩnh mịch.

*

Trong ngôi nhà nhỏ của tôi, giờ có thêm bố, mẹ cùng sống. Danh, em trai tôi bị bắt vì tham gia đường dây cá độ. Hôm nhận được tin dữ, bố tôi giật lên từng cơn rồi bị tai biến. Ngôi nhà rộng thênh nhanh chóng được bán đi để thanh toán nợ nần cho Danh và cho bà con trong làng. Tất cả gia tài của hai ông bà chỉ còn lại vài ba bộ quần áo thời gian phủ bạc. Mẹ và tôi tất tả lo cho bố qua cơn bạo bệnh. Giờ ông ngồi trên xe lăn, miệng méo trẹo, mọi sinh hoạt vẫn oằn lên đôi tay đen sạm của vợ mình. Dù có thêm người, không gian sinh hoạt hẹp lại, nhưng nhìn bố đôi mắt dịu đi, thi thoảng lại đưa tay vẫy vẫy tôi, rồi lấy cằm gại gại lên tóc mẹ, lòng tôi ấm lên rất nhiều. Lần đầu tiên tôi có thể cảm nhận được thế nào là hạnh phúc, thế nào là tình cảm thân thuộc của gia đình một cách trọn vẹn nhất. Vài lần vào thăm Danh, đứa em trai vẫn lầm lỳ nhưng trầm tĩnh rất nhiều. Mỗi lần đối diện với tôi, Danh không dám nhìn trực diện, cũng không hề hỏi thăm bố mẹ. Nhưng lúc nào Danh cũng lặp lại lời xin lỗi và xin tôi tìm Bình trở về. Tôi đọc được trong đôi mắt không còn vô hồn của Danh sự hối lỗi, gương mặt có sinh khí hơn. Tôi biết Bình đang làm công nhân cách nơi tôi ở không xa, nhưng tôi chưa muốn tìm con bé, bởi tôi biết những nỗi đau, những mất mát chỉ có thời gian mới xoa dịu và lấp đầy được. Đến khi đó, tôi sẽ đón em về ngôi nhà của mình, để gương mặt số phận của em, của những người thân không còn bị xáo trộn, đảo điên như sáu mặt của con xúc xắc trong xới bạc.

N.H  
(TCSH382/12-2020)




 

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Tia nắng sau mưa (28/12/2020)
Chiếc cù lao (13/11/2020)
T (05/10/2020)