Đột nhiên tôi linh cảm thấy điều gì đó: - Ai?
Một người đàn ông ngồi yên trên ghế từ bao giờ, ung dung như ông ta vẫn ngồi yên như thế từ lâu lắm, trên chiếc ghế đẩu đã tróc sơn mà ngày trước cha tôi vẫn ngồi khi đàm đạo với tôi. Tay ông ta thu vật gì đó màu xám trên đầu gối. Tiếng quát thất thanh của tôi cũng hoàn toàn không làm ông ta bối rối.
- Thế nào, tỉnh chưa? Xin lỗi vì đã đánh thức anh...
- Không, không có gì - tôi nói theo thói quen, mặc dù trong bụng vừa bực bội vừa đầy nghi ngại.
“Ai nhỉ” - Tôi tự hỏi và lúc đó mới nhận ra rằng mình đang ở trong thư viện. Tôi muốn nói cái thư viện cá nhân trên tầng xép với rất nhiều sách quý cha tôi để lại và tôi đã bỏ ra cả tháng trời để kiểm kê và sắp xếp. “Đó là một thư viện trật tự và chuyên nghiệp nhất Hà Nội” - tôi vẫn hãnh diện tuyên bố với bạn bè như thế. Thú thực, đôi lúc tôi cũng nói vống số lượng của nó lên với một niềm tin ngây thơ rằng con số sẽ chứng minh cho sự uyên bác của chủ.
Thực ra ông ta vào nhà tôi không phải là điều khó khăn. Nhà tôi luôn mở cửa và cũng không có hàng rào. Tôi căm ghét các loại hàng rào. Tôi từng sống với người Ducơmi và tôi đem về đây quan niệm sống cao thượng của họ. Trong ngôn ngữ của họ không có từ hàng rào “Nhà tôi nhỏ nhưng không có hàng rào. Bạn hãy đến, rồi hãy đi, như gió”. Tôi có câu thơ như thế. Hành lang giữa nhà tôi nằm theo hướng đông-tây, trừ một khoảng thời gian ngắn ngủi giữa trưa, ánh nắng có thể rọi vào chói lọi.
“Ai nhỉ?” Tôi lại tự hỏi và kín đáo liếc nhìn ông già trong lúc ra kéo rèm cửa sổ.
Mặt ông ta rất dài, gầy, tóc thưa thớt, râu bạc trắng, mệt mỏi nhưng chẳng có vẻ gì là độc ác. Bộ pijama rất cũ, ố vàng, trông như may bằng những mảnh giấy xé ra từ một cuốn sách cũ.
Không gian hoàn toàn im ắng, bên ngoài trời tối đen như mực. Tôi ngước nhìn đồng hồ, nhưng nó đã chết từ bao giờ chẳng rõ.
Tôi quay lại, chưa kịp hỏi thì ông già đã nói:
- Anh mời tôi đến nói chuyện về bản thảo cuốn từ điển Việt-Bồ-La...
Ông ta nói chìa cái gói trên đầu gối. Thì ra đó là tập bản thảo. Ông lật trang bìa, lấy ra một lá thư.
Cả nét chữ lẫn chữ ký đúng là của tôi, nhưng tôi không sao đọc nổi. Sao mình lại viết một cái giấy mời cẩu thả đến thế này nhỉ? Tôi cảm thấy ngượng ngùng. Mình đã gửi thư này từ bao giờ? Và quyển từ điển Việt-Bồ-La nào? Một ý nghĩ hài hước thoáng trong đầu: “Chẳng lẽ ông ta là Alexandre de Rodes?”.
Nhưng tôi trấn tĩnh được ngay.
- À, cháu nhớ rồi - Tôi nói dối - xin lỗi, cháu đang ngái ngủ. Bác uống trà nhé...
Tôi pha trà thật nhẩn nha, cố kéo dài thời gian. Ông già nói:
- Nhưng xin lỗi anh, hôm nay tôi muốn bàn chuyện khác, tuy cũng ít nhiều liên quan đến cuốn từ điển. Anh cho phép chứ? Tôi xin trình bày ngắn gọn...
- Vâng, xin mời bác...
- Thế này, liệu chúng ta có thể bỏ trình tự hiện nay của bảng chữ cái đi không?
-?
- Anh biết rõ đấy, có rất nhiều điều tai hại, hay thậm chí nhiều tai họa, chỉ vì bảng chữ cái bắt đầu bằng chữ A.
- Cái gì? Thay đổi trật tự bảng chữ cái?
- Đúng thế.
- Nhưng bác đang làm từ điển cơ mà?
- Từ điển có bắt buộc phải bắt đầu từ chữ A hay không? Và, từ điển chỉ là chuyện nhỏ...
- Chắc bác muốn nói đến chuyện tranh cãi về chữ E trong sách “Tiếng Việt” lớp 1 chứ gì? - Tôi cắt lời - Thú thật với bác, cháu ớn đến tận cổ chuyện chữ E chữ A ấy rồi.
Tôi đứng phắt dậy xổ ra một tràng đầy phẫn uất:
- Các ông bà tham gia cuộc tranh cãi ấy hoàn toàn nhầm lẫn giữa trật tự của bảng chữ cái với việc dạy chữ nào trước. Dạy chữ E, D hay X trước thì có ảnh hưởng gì đến bảng chữ cái nào!
- Anh không hiểu ý tôi. Chính tôi cũng ớn đến cổ cuộc cãi vã đó. Tôi muốn kiến nghị việc khác hẳn. Tôi muốn thay đổi trật tự bản chữ cái. Nói đúng hơn, tôi mụốn có một bảng chữ cái dân chủ hơn.
Tôi hoàn toàn không hiểu ông ta nói gì.
- Thế này nhé - ông ta nói - Nếu trong một đất nước mà anh làm vua cứ làm vua mãi, anh đi cày cứ đi cày mãi, thì có thể gọi là dân chủ được hay không?
- Xin lỗi, cháu không muốn nói chuyện chính trị.
- Không, đây không phải là chuyện chính trị. Đây là vấn đề dân chủ của các con chữ.
- Lại còn vấn đề đó nữa!
- Chứ sao. Tại sao chúng ta cứ phải trói buộc sự vật vào một trật tự nào đó. Tại sao...
- Thôi được rồi - Tôi tìm cớ hoãn binh - Mời bác uống trà đã. Chuyện đâu có đó.
Ông già vui vẻ đồng ý, hình như cũng định tìm cách nào đó giải thích rõ hơn.
Trong lúc chúng tôi uống trà, tôi hết nhìn ông lại nhìn cái thư viện được sắp xếp ngăn nắp của mình.
- Thưa bác, bây giờ cháu xin hỏi. Nếu không sắp xếp theo trật tự ABC thì cuốn từ điển Việt-Bồ-La bác định làm thế nào?
- Làm thế nào đâu phải là điều khó. Làm thế nào là câu hỏi tiếp theo của câu hỏi làm gì. Vậy chúng ta làm gì? Chúng ta phải thay đổi trật tự bảng chữ cái, hay nói đúng hơn là không được giữ một trật tự cố định của bảng chữ cái. Điều đó vô cùng quan trọng nếu chúng ta ý thức được tác hại của việc cố định một trật tự của bảng chữ cái...
Một lần nữa tôi lại nhìn lên những giá sách. Chẳng hiểu tại sao lúc đó tôi bỗng nổi đoá.
- Nói thật với bác nhé, cháu không thấy có gì là tác hại trong việc bảng chữ cái có một trật tự xác định. Ngược lại là đằng khác. Không có nó thì làm sao có tất cả những thứ này? - Tôi chạy đến giá sách và lôi xuống cơ man nào là từ điển, bách khoa toàn thư, danh bạ điện thoại, danh sách hội đồng hương... - Làm sao, bác làm sao với tất cả những thứ này? Bác hãy gọi tên một tác giả đi, cháu sẽ lấy xuống trong chớp mắt!
Ông già ngừng lại, nhưng hoàn toàn không thất vọng. Đợi đến khi tôi ngừng, ông mới khẽ khàng:
- Anh ngồi xuống đi, tôi hỏi nhé. Anh ngày xưa đi tàu, có biết Tùng Quảng không?
Lúc đó tôi mới nhận ra sự bất nhã của mình, bèn ngượng nghịu ngồi xuống.
- Bác người Tùng Quảng à?
- Không, tôi người Sơn Hạ nhưng tôi có một kỷ niệm ở đó, thời Cả Then, chắc anh không biết.
Tôi có nghe nói nhiều đến tên Cả Then, nhưng chỉ biết đại khái ông là thủ lĩnh khởi nghĩa đánh Tây, bị bắt và giết một cách dã man. Nhưng những cái tên quen thuộc khiến chúng tôi trở nên thân tình hơn.
- Hồi đó tôi mới hai mươi bảy tuổi, - ông già nói - đang học trường Sư phạm, nhưng đã tấp tểnh viết văn, làm báo và ngay từ hồi đó đã viết dở cuốn từ điển Việt-Bồ-La này. Năm ấy, sau khi nghĩa quân Cả Then định dùng cỏ khô tẩm nhựa thông đốt tàu Tây bị lộ, Tây cho người lùng sục dữ lắm. Cả Then về sau cũng bị Tây bắt, đem treo cổ. Đêm hôm đó, chúng tôi vừa lên giường thì nghe ồn ào rồi lính tráng ở đâu ập đến, dựng dậy. Vừa bừng tỉnh thì những cái báng súng đã thúc vào lưng đau điếng kèm theo những tiếng quát nạt, sừng sộ. “Thằng Cả Then đâu? Thằng Cả Then đâu, khai ra không chết cả nút”. Người ta trói cánh khuỷu đám đàn ông lại, sắp thành hàng giữa sân, còn đám đàn bà thì đuổi cả vào nhà bếp, khoá trái cửa. “Thằng Cả Then đâu?” - Họ dí đèn vào mặt từng người. Chúng tôi run như cầy sấy, sợ đến vãi đái. Một anh sinh viên năm thứ nhất, chúng tôi gọi là dân “tò he”, đứng cạnh khóc lóc, van lạy như mưa. Nhưng chúng tôi nào có biết mô tê gì mà khai. Đánh đập chửi bới một hồi, họ lôi chúng tôi vào nhà ăn, chỗ đám đàn bà đang chúi vào một góc vì sợ hãi. Trên chiếc bàn đặt đèn bão, cuộn dây thừng và khẩu súng trường lấp lánh lưỡi lê, một người đàn ông to lớn giọng khàn khàn tuyên bố đếm đến mười, nếu không khai chỗ ẩn náu của Cả Then thì sẽ lôi từng người ra chém, “xem gan chúng mày to đến đâu”.
Những thời khắc sau đó căng thẳng và kéo dài như vô tận. Tim tôi đập thình thịch. Nhưng những tiếng đếm ngược khô khốc cuối cùng cũng chấm dứt. Người ta hạ lệnh đem danh sách cùng một thanh kiếm sáng loáng ra, đặt lên bàn cạnh khẩu súng và cuộn dây thừng. Người đầu tiên bị gọi tên là tôi. Chưa kịp định thần, tôi đã bị hai thanh niên lực lưỡng tóm chặt lấy tay, đẩy mạnh ra trước chiếc bàn đặt đèn bão.
Tôi muốn kêu nhưng cổ nghẹn lại. Nỗi uất hận dâng lên trong ngực. Rồi một cảm giác mát lạnh lướt qua sau gáy rất nhanh trước đầu tôi rơi xuống đất và tiếng đám đàn bà rú lên.
Đúng lúc đó cả nhà ăn nhốn nháo. “Bắt được rồi, bắt được rồi”. Hoá ra người ta đã bắt được Cả Then trốn trong hiệu đánh giày ở ngay đầu phố.
- Vậy tên bác là...
- “Cái tên không quan trọng...”, anh có một câu thơ như vậy đúng không? Quan trọng là từ đó tôi đành bỏ dở cuốn từ điển... Nếu như tên tôi không bắt đầu bằng chữ A...
Chẳng người làm thơ nào không xúc động khi có người thuộc thơ mình.
- Vâng, bây giờ thì cháu hiểu rồi...
- Thì tôi cũng chỉ cần có thế. Thống nhất được với nhau rồi, chúng ta sẽ có cách.
- Vâng, đúng là không thể xem thường được.
- Đúng thế, không thể xem thường được.
Ông già nói thế rồi đứng dậy.
- Dù sao thì cũng muộn rồi. Tôi để lại cuốn từ điển anh xem nhé. Lần sau ta sẽ bàn cụ thể.
Tôi đưa ông già xuống cầu thang. Ông đi rất nhanh.
- Anh khá lắm. Tuổi trẻ phải thế. Cũng như tôi ngày trước. “Nhà tôi nhỏ nhưng không có hàng rào. Bạn hãy đến, rồi hãy đi, như gió”. Có phải thơ anh không nhỉ?
Chẳng người làm thơ nào không xúc động khi có người thuộc thơ mình.
Tôi mở cửa cho ông già và rùng mình vì lạnh. Mãi lúc đó tôi mới chợt nhớ rằng ông già đã chết.
“Không thể như thế được” - Tôi tự nhủ và chạy lên tầng mái.
Cuốn từ điển vẫn nằm đó nhưng đã cũ đến mức không còn đọc được chữ nào.
Trên bìa chỉ có một vết xám đen. Hình như là vết máu.
Tháng 8/2003 N.T.L (182/04-04) |