LÊ THỊ HOÀI NAM
Có ai đó đã quẳng vào hiên nhà tôi một con khỉ bị thương. Vốn là bạn chí thiết của ông chủ quán "cầy tơ bảy món", tôi liền nghĩ ngay đến món giả cầy bằng thịt khỉ.
Tôi ba hoa với Diệu - vợ tôi, rằng: Khỉ giá trị lắm, cao khỉ đại bổ khí huyết, tráng dương bổ âm, đến "Minh Mạng thang" cũng phải vị nể mà gọi nó bằng cụ. Diệu năn nỉ khuyên tôi hãy buông tha con vật, với lý lẽ ngu dại của đàn bà "nó đang bị thương, tội nghiệp quá!" Tôi buồn cười về cái tính hay động lòng không đâu của Diệu, nhưng rồi tôi cũng chiều. Tôi hứa với Diệu để con khỉ lại nuôi và sẽ huấn luyện cho nó trở thành một nghệ sĩ xiếc. Điều đó làm Diệu vui. Nhưng đêm đến, món giả cầy bằng thịt khỉ vẫn trở về khuấy đảo giấc ngủ của tôi. Nhậu được món giả cầy bằng thịt khỉ ở trong mơ kể cũng đỡ thèm.
Tôi thường oang oang trước đám bạn bè rằng, đi xa mấy tôi cũng ngửi thấy mùi vợ. Đó là cách "ga-lăng” vợ rất hiệu nghiệm của tôi. Và để mùi của Diệu không lẫn với mùi khỉ, tôi tự nguyện đảm nhận việc chăm sóc chữa trị cho nó. Khi vết thương vùng ngực của nó đã lên da non, để lại cái sẹo hình con rết, tôi liền nghĩ ngay đến việc huấn luyện. Tôi không thích cái trò nhào lộn và đi xe đạp cũ rích của xiếc khỉ. Tôi nghĩ ra một trò độc đáo văn minh hơn là dạy cho nó chơi nhạc. Nhưng chỉ được vài hôm, cây guitare bị giật đứt tung dây. Cũng có khi nổi hứng, nó nhảy cả bốn chi lên mặt đàn, phát ra những tiếng bần bật. Còn khi nó thổi kèn lại phát ra tiếng rú, tiếng rít làm tôi giận điên chỉ muốn ra roi, khỉ vốn bắng nhắng mà nhút nhát. Khi tôi quát ầm lên hoặc chuẩn bị đánh là nó run bắn đến ị bậy. "Rõ khỉ!" tôi vừa cọ sàn nhà vừa rủa. Những lúc như thế, Diệu thường ôm con vật vào lòng, nhét táo vào miệng nó, vuốt lấy vuốt để. Rồi Diệu quay sang nhăn nhó với tôi: "Cái anh này, dạy dỗ thì phải từ từ chứ!".
Đã có một thời, Diệu là nỗi ám ảnh sáng tạo của tôi, nhưng từ ngày có con khỉ, nó đã thay thế Diệu. Hôm khai mạc gallery của tôi, cả hội kéo nhau ra quán "cầy tơ bảy món". Đám bạn bè chúc mừng tôi bằng cách tưới bia khổ vào họng nhau. Kiệu muối quệt với mắm tôm là món nhậu đặc sản. Men vào lời ra, mỗi đứa mỗi câu, chúng nó mở bài "phỏng vấn" tôi:
- Ông là Phạm Tuấn?
- Bao giờ tao cũng là Phạm Tuấn - Tôi vỗ vào ngực đánh bốp, tự khoái với cái khẩu khí yêng hùng của mình.
- Nếu tôi không nhầm thì số tranh của ông đem trưng bày lần này vừa chẵn hai tá?
- Này, đây không phải là mớ hàng xén đâu nhá, nói năng cho ra thằng đàn ông - tôi trợn mắt.
- Làm thằng đàn ông cho ra thằng đàn ông ở thời buổi này khó lắm ông anh ơi - Giọng khác chen vào.
- Này ông, tôi chỉ muốn khẳng định thôi. Tranh của ông đều có tiêu đề bằng chữ số và được trình bày theo trình tự của số tự nhiên. Theo tôi, với bố cục đó, ông đã tạo ra một tác phẩm mới.
- Nịnh khá!
- Khoan, để tôi nói hết đã. Vô tình hay hữu ý bức mang tiêu đề "Một" và "Hai mươi bốn" đều là chân dung lão... Tôn? Hì... Hì...
- Cái độ mờ ấy tao dành cho mày. Bài toán đâu chỉ một nghiệm.
- Ông không thừa nhận sự tiến hóa.
- Tiến hóa cái con khỉ!
Tôi nổi đóa vì vướng phải một dây kiệu lòng thòng. Bỗng tôi nôn thốc ra. Thế là chấm dứt cái trò "phỏng vấn" dai như giẻ rách, tôi mệt, nhưng nhẹ cả người.
* * *
Nhân chuyện con khỉ, tôi bỗng nhớ đến ông chú ruột tôi. Ông ta tuổi ngoài sáu mươi. Trình độ học vấn loảng choảng theo kiểu tân cổ giao duyên. Cộng đồng dòng họ tôi vừa ghét vừa nể sợ ông ấy chỉ vì cái máu gia trưởng và thói gàn dở có một không hai. Tính gàn của ông ấy có kể cả ngày cũng chẳng hết chuyện. Từ ngày cha tôi mất đi, ông trở thành trưởng tộc, thay mặt dòng họ thờ phụng tổ tiên. Nhưng ngay trong những chuyện nghiêm túc, linh thiêng như vậy ông ta cũng giở thói gàn. Ví như có lần ông đến nhà tôi, đề nghị tôi vẽ cho ông chân dung một con khỉ. Sở dĩ tôi dùng từ "chân dung" là vì ông yêu cầu tôi "Vẽ khỉ nhưng phải áo dài khăn đóng tử tế". Tôi ngớ người, lẩm bẩm rủa thầm ông lại giở quẻ. Thấy tôi ngây độn, tỏ ý nghi hoặc, ông liền giải thích, cũng theo lý luận gàn: "Chú không ngu để đặt lên bàn thờ tổ tiên những cái vớ vẩn không đâu. Làm gì có Thiên Đường và Địa Ngục mà sợ hãi và hy vọng. Láo tuốt! Thì cứ giả sử Phật và Chúa hiện hữu siêu hình đi. Nhưng Phật, Chúa do đâu mà ra nếu như không phải là con người? Đúng lẽ, bà Quan Âm và ông Christ phải hương hoa mà phụng thờ chúng ta chứ. Đằng này đã không được thế lại còn tự biến mình thành nô lệ. Trong khi đó loài khỉ là tổ tông, lại được khoa học khẳng định hẳn hoi lại không ai đoái tưởng”. Ông nói hùng biện, bọt sùi cả khóe miệng. Cái ý ông nẩy ra làm tôi hoang mang, nhưng định thần lại tôi thấy luẩn quẩn ngang phè. Tôi định nói với ông rằng nô lệ hay không cũng do quan niệm thôi. Còn khoa học ư? Khoa học là cái có thể chứng minh được thì cũng bác bỏ được. Mới đây thôi, tôi vừa đọc một bài báo đặt vấn đề xem xét lại nguồn gốc của loài người. Tôi vội lục tìm đọc cho ông nghe, cốt để ông từ bỏ ý định kỳ quặc, quái gở đó. Không cần biết ông có chịu nghe hay không, tôi đọc ào như một đứa trẻ thuộc bài: "Ngày nay, người ta đã đi đến khẳng định gần như tường minh rằng: Từ một loài động vật khởi đầu đã tạo ra hai nhánh phát triển song song. Một nhánh là tổ tiên con người và nhánh thứ hai là các loài vượn... Các dấu hiệu cổ sinh cho thấy, không có một con vượn nào trong số các con vượn sống ở thời xưa biến thành người". Tôi nhìn xoáy vào ông hù dọa, trấn áp "Báo đấy! Chú tin không?”. Ông ngồi như hóa phỗng. Không gian đen giăng đầy trong mắt. Bỗng bất ngờ, ông gầm lên như con thú bị thương "Vứt mẹ cái mớ hiểu biết tân thời của chúng mày đi. Đồ hư vô chủ nghĩa!". Ông ụi cửa bỏ về.
Tôi nhìn theo ông. Đúng là cái lão "ếch ngồi đáy giếng". Tại sao lão lại gầm lên như thế mà không mở mắt ra một chút. Gàn đâu có thứ gàn lạ đời, suýt tí nữa thì ô uế cả bàn thờ tổ tiên. Nhưng ngẫm... lão cũng có cái lý của lão. Đời,! khôn dại biết thế nào được... Nhưng mà đặt con khỉ hôi thối gớm ghiếc ấy lên bàn thờ tổ tiên là không thể. Nhục lắm!
"Giận cá chém thớt", tôi bổ đi tìm con khỉ của Diệu, chỉ chăm chăm một ý nghĩ duy nhất là tống khứ nó ra khỏi nhà cho khuất mắt dù Diệu thế nào cũng mặc. Tôi không thèm giết nó nữa. Cái món giả cầy thịt khỉ tự nhiên làm tôi thấy lợm. Thừa lúc Diệu vắng nhà, tôi cho nó vào bao cát. Nó vùng vẫy, cắn vào tay tôi đến chảy cả máu làm tôi giận điên, siết chặt miệng túi. Tôi đánh xe ra vùng ngoại ô và phóng sinh cho nó "cút cho khuất mắt tao". Xong việc, tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Nhưng khi về đến nhà, tôi bật ngữa người: con khỉ không hiểu bằng cách nào đã trở về nhanh hơn tôi. Nó đang ngồi vắt vẻo bên cửa sổ gãi soàn soạt. Thấy tôi, nó cười xóe lên. Diệu đang dúi cho nó một quả táo "Anh biết không, từ sáng đến giờ không biết nó biến đi đằng nào bây giờ mới về, hư quá!".
* * *
Có ai đó đã rỉ vào tai tôi "Coi chừng, con khỉ đực nhà ông nó đẻ". Lòng tôi hoang mang, điềm gở đang thường trú trong căn hộ của tôi và Diệu? Đã bao lần tôi bàn với Diệu giết quách con khỉ đi, nhưng Diệu phản đối "nó có nhiều trò vui lắm". Tôi quay lại tự khuyên bảo mình đừng mê tín thế. Đàn ông gì mà hèn. Bây giờ nhờ khoa học đàn ông vẫn có thể sinh đẻ được thì chuyện con khỉ đực nhà tôi nó đẻ đã sao? Chẳng có gì quan trọng cả, nghĩ đến chỉ tổ mệt người. Thì cứ để nó đẻ, xem cái giống ấy nó ra làm sao? Biết đâu lại chẳng là món đáng của. Nhưng đời vốn trái khoáy, càng cố xua đuổi, ý nghĩ lại càng bám riết tôi. Cho đến một lần, không kiềm chế được giữa giờ làm việc, tôi vội chạy bổ về nhà. "Diệu ơi! Diệu!". Không có tiếng trả lời. Tôi đạp tung cánh cửa. Cảnh tượng diễn ra trước mắt tôi làm tôi chết điếng. Trong cái hoa mắt tranh tối tranh sáng, Diệu đang sóng soài trên tấm thảm màu huyết dụ. Và kìa, con khỉ... Điên tiết, tôi định xông đến xóa nát cái quan hệ quái gở ấy. Nhưng rồi tôi cứ đứng trơ ra đó. Thay vì tiến lên, tôi lại đi giật lùi. Tôi chạy như một thằng điên giữa phố. Mọi người đều dạt ra, có lẽ họ nghĩ đến một vụ săn bắt cướp. Còn tôi, linh cảm rất rõ có kẻ "bám đuôi". Bản năng tự vệ khiến tôi quay phắt lại. Ô, hóa ra là mày - con khỉ của Diệu. Nhưng lạ chưa kìa, sao bây giờ nó lại mang khuôn mặt người? Hay mặt người chỉ là cái mặt nạ của nó? Tôi giụi mắt để nhìn cho rõ: Lần này cũng lại mặt người, nhưng là một cái mặt nạ khác. Như nắm được bí quyết của phép màu nhiệm, tôi giụi mắt liên tiếp để xem tài trá hình của nó đến đâu? Thôi thì đủ cả...
Tôi ôm lấy đầu, đau đớn lao mình vào con đường dài hun hút cho đến khi trước mắt tôi là vực thẳm đen ngòm...
Có bàn tay mát dịu nào đặt lên trán tôi làm tôi tỉnh giấc. Tôi nhìn thấy khuôn mặt Diệu đầu tiên. Tôi định nhào đến bóp cổ cô ta. "Đồ quái vật dâm đãng! Đồ trá hình!". Nhưng tiếng Diệu nghe như tiếng con dế nhỏ nhẹ áp vào tai tôi "Anh sốt cao ghê quá! Trong cơn mê sảng anh gào thét, giãy giụa làm em lo phát hoảng". À, thì ra đó chỉ là ác mộng. Tôi chưa kịp hoàn hồn thì Diệu đã áp đôi môi nóng ấm, ngọt ngào lên cặp mắt chĩu nặng của tôi. "Anh uống nước chanh nóng nhé!". Mái tóc hươm vàng thơm mùi hương bưởi của Diệu xòa phủ lên mặt tôi như một liều thuốc xông thần diệu. Tôi tỉnh hẳn ra. Câu đầu tiên tôi hỏi Diệu "Con khỉ đâu?". Diệu đưa tay chỉ về phía cửa sổ. Con khỉ đang tréo chân, phùng má ngọng nghịu thổi kèn: i...è...ọ...è..., ọ... è... i...é...
Tôi bỗng cười buồn về cái tính hay dị ứng vớ vẩn không đâu của mình. Tôi bỗng sực nhớ là cho đến mãi bây giờ, tôi vẫn gọi con khỉ bằng cái tên kép: Con - Khỉ - Của - Diệu, mà nghĩ phải đặt cho nó một cái tên cho ra hồn. Nhưng mà tôi bận, công việc bù đầu, thì giờ đâu mà tên với tuổi cho một con khỉ. Thôi thì hãy để cho mọi người gọi nó theo cách riêng của mình./.
Xuân chớm - Nhâm Thân
L.T.H.N.
(TCSH48/03&4-1992)