NGUYỄN DẬU
Chỉ một lần mà thôi
Em hỏi, anh không nói
Để cho em giận dỗi
Đôi lứa thành đôi nơi
Ê-XÊ-NHIN
Tôi thật là vô duyên đối với Huế. Nếu không nói như vậy thì biết giải thích thế nào khi mà tôi đã không dưới ba chục lần ra Bắc vào Nam, nhưng lần nào những con tàu "Thống Nhất" cũng đưa tôi qua Huế vào quãng nửa đêm - nghĩa là chẳng còn nhìn ngắm được gì ngoài cái sân ga ồn ào náo nhiệt.
Được đi du lịch Huế! Đó là nỗi khao khát cháy bỏng trong tôi nhiều năm trời. Nhưng than ôi, các bạn có giống tôi không, đôi khi chi một ước mơ khiêm nhường mà suốt đời không thực hiện nổi. Chính vì thế mà những từ ngữ như: Sông Hương, Núi Ngự, cầu Tràng Tiền, Phu Văn Lâu và các lăng tẩm vẫn mãi mãi ám ảnh và giày vò, đôi khi âm thầm gào thét trong con tim đa cảm của mình. Ngoài cái ao ước ngắm Huế chung chung ra, tôi còn chôn dấu, còn gửi gắm một mảnh tim ở... Huế. Nói cho thật chính xác, ở Huế có một người phụ nữ đã khiến cho tôi - dù có một vạn năm tuổi thọ - vẫn không mảy may phai nhạt hình bóng của nàng. Bây giờ thì nàng đã lên "bà" và chắc là đang còn chung sống êm đềm với chồng con dưới một mái nhà ấm nào đó. Vì thế, mỗi lần con tàu vô tư và mạnh mẽ đưa tôi băng vút qua Huế, trong đêm mộng mờ ảo, tôi lại ngắm từng con đò, từng mái nhà, từng eo núi, từng mảnh vườn và lẩm bẩm thầm thì theo hơi gió thoảng qua: "Em ở đây, ở kia, hay là ở đó...?"
Đúng ba mươi năm trước, chúng tôi đang ở vào cái tuổi "đang xoan". Chúng tôi đây là tôi, là CD là XK, là LB v.v... Chúng tôi cùng chung một nghề: nhà văn kiêm nhà báo. Cả bốn đều là những cây bút tạm gọi là đáng được lưu ý. Văn phẩm của chúng tôi không đến nỗi nhạt nhẽo, chúng tôi không "rập khuôn", không "gào thét" và thường để lại dấu ấn trong văn phẩm nhiều nhận xét tinh tế, những cảnh huống bất ngờ cùng với những cảm xúc gây ấn tượng mạnh trong lòng bạn đọc. Như trên đã nói, chúng tôi "đang xoan", nên cả bốn chúng tôi đều không thể tránh khỏi đặc tính phàm tục ấy là yêu quí sắc đẹp và cũng hay... tán gái, mặc dù sự tán gái của chúng tôi được khuôn vào trong một ước lệ nghiêm ngặt: không vượt quá cái ngưỡng của sự vui vẻ một cách băng khiết!
Một đêm, cả bốn chúng tôi cùng đáp tàu hỏa từ Hải Phòng lên Hà Nội. Tàu đêm khá vắng. Ngoài bốn chúng tôi ra, có thêm chừng vài bà lão buôn thúng bán mẹt. Và trời đất ơi, ở chiếc ghế cuối toa tàu, như trong chuyện cổ tích, có một cô gái khoảng hai chục tuổi, ngồi lặng lẽ một mình trên chiếc ghế dài và rộng. Ánh đèn tuy tù mù, song chúng tôi vẫn cảm nhận thấy đó là một cô gái khá xinh đẹp bởi khuôn mặt trái xoan, bởi nước da trắng nõn và bởi một đôi mắt hiền từ đen và sâu như hai vực thẳm.
Cả bốn chúng tôi đều kinh ngạc nhìn về phía cô gái và cùng lặng lẽ bắt tay nhau. Chúng tôi đã có qui ước như vậy một khi thấy một người thực sự xinh đẹp bắt gặp trên đường đời.
Tàu chạy được vài ba ga gì đó thì CD, anh chàng tinh tế nhất bọn, vụt nảy ra một sáng kiến:
- Cậu nào tán gẫu được cùng cô gái kia, ngày mai sẽ được khao một bữa thịt chó với "cuốc lủi".
Tất nhiên tôi tán thành bởi vì tôi cũng là một chàng trai người trần mắt thịt chứ không phải một bậc á thánh giáng trần. Chúng tôi lần bí mật "oẳn-tù-tì". Theo thứ tự thì XK rồi CD rồi LB và tôi rủi ro, đứng hàng cuối cùng.
Cuộc ra mắt "công chúa" bắt đầu! XK đến ngồi trước mặt cô gái chưa được một phút đã vội vã đứng lên quay về, vẻ mặt ngao ngán nói:
- Cô ấy bảo: - "Xin mời anh về chỗ của anh!"
Tiếp đó là CD và LB, cũng không may mắn gì hơn. Sau khi âm thầm quan sát cô gái, tôi phát hiện ra rằng cô ta hoàn toàn tuyệt mỹ nếu như con ngươi bên trái không bị lác xệch về phía sống mũi. Tôi mừng quýnh và thầm cảm ơn thượng đế. Khi xưa còn là một chú liên lạc trong bộ đội, vì nghịch ngợm, nên tôi cũng có thể làm cho mắt trái của mình lác xệch hẳn đi như người bị lác bẩm sinh vậy.
Tôi liền rụt rè và chậm rãi tiến về phía cô, nhưng không vội vàng ngồi xuống mà chỉ lặng lẽ nhìn cô. Cô gái cũng bĩu môi nhìn tôi rồi nhẹ nhàng hỏi:
- Anh đến đây làm gì? Nếu anh cũng như các bạn anh, tôi sẽ không lịch sự đâu.
- Không, thưa cô, tôi cũng nhẹ nhàng đáp - Tôi đến đây với ý thức "đồng bệnh tương liên thôi". Chắc là cô cũng thấy đấy...
- Vâng, tôi đã thấy. Nhưng anh muốn nói điều gì?
- Tôi muốn mách cô rằng tôi có quen một bác sĩ ở Viện mắt Trung Ương. Tại đó người ta có thể kéo thẳng cho những người bị lác mắt bẩm sinh!
- Mời anh ngồi!
A-di-đà-phật, một cử chỉ đáng mừng rồi, tôi thầm nhủ như vậy rồi từ tốn ngồi xuống chiếc ghế đối diện với cô gái. Cô nói:
- Tôi đã nghe nói người ta có thể kéo thẳng lại cho những ai bị lác. Vậy tại sao anh không kéo lại mắt của anh?
- Tôi đã kéo lại rồi thưa cô! Bây giờ cô thử nhìn lại mắt tôi xem.
Cô gái hiện vẻ sửng sốt khi thấy cặp mắt của tôi trở lại thăng bằng như người bình thường. Tiếp đó tôi lại từ từ làm cho mắt mình lác xệch lác xẹo rồi mỉm cười nói:
- Bệnh lác của tôi không khỏi hẳn được. Khi nào vô ý hoặc gặp người lác, thì mắt tôi cũng lại lác theo.
Cô gái nét mặt rất mực đoan trang và xinh tươi bỗng cười lên rinh rích một hồi hóm hỉnh bảo tôi:
- Nghĩa là anh tán gái bằng mắt chứ không phải bằng miệng? Nhưng nó trang nhã...
Tôi nghiêm trang đứng lên:
- Nếu cô hiểu như vậy, tôi xin kiếu từ ngay lập tức. Chào cô!
Cô gái lộ vẻ hốt hoảng và thay đổi giọng nói:
- Thôi, em xin lỗi. Mời anh ngồi xuống. Em đang rất buồn vì không có bạn đường trên toa tàu đêm như thế này. Anh có vui lòng làm vệ sĩ cho em không?
Đã ba chục năm rồi, tôi không nhớ là suốt đoạn đường dài trên chuyến tàu đêm ấy chúng tôi đã nói những chuyện gì. Chỉ biết rằng khi sắp chia tay, chúng tôi đã ghi địa chỉ cho nhau, đã hẹn thế nào cũng sẽ gặp lại, thế nào tôi cũng nhờ người bạn ở viện mắt kéo con ngươi cho cô. Còn cô có một cái tên cũng đẹp như người: Thái Phượng! Thái Phượng đang học 10 + 3 tại ngoại thành Hà Nội. Một ước mơ khiêm nhường cháy bỏng con tim cô từ thuở bước vào cấp hai: trở thành một cô giáo giảng văn cho các em nhỏ suốt cuộc đời.
Lúc tôi đứng dậy để quay về cùng các bạn trai của mình thì cô cũng đột ngột đứng lên theo, cất giọng nhẹ như hơi thở, pha lẫn vào trong mùi gió đồng có mùi hương cam, mùi hoa bưởi và mùi đồng non, từ xóm làng phả vào toa tàu! Đôi vai cô run lên nhè nhẹ:
- Anh đứng lại cùng em một phút nữa thôi! Anh hứa sẽ về trường sư phạm thăm em chứ? Nếu như anh không có "vật cản"...
- Anh sẽ đến thăm em, trừ phi nhà trường của em đã di chuyển lên mặt trăng xa vời.
Thái Phượng mỉm cười. Tôi cam đoan với các bạn rằng dù lòng bạn đang băng giá tới mức nào cũng phải ấm nóng lên vì nụ cười ấy.
Các bạn trai của tôi "quay" tôi vừa dữ dội vừa dồn dập. CD nghiêm nghị như quan tòa:
- Nào khai ra! Mày đã tán cô ấy như thế nào.
- Không tán một câu nào. Bọn mình chỉ nói về tiếng ếch nhái trên đồng lầy, về những gói cốm xanh vào mùa nếp mới, về những chiếc bánh đa lê trong phiên chợ chiều, về những củ khoai sọ chấm mật...
LB kêu lên:
- Chính đó là cách tán siêu đẳng nhất!
XK cũng hùa theo một cách triết lý!
- Nhà Phật có nói: "Kinh không chữ chính là loại kinh sâu sắc nhất!"
Cố nhiên ngày hôm sau, mọi việc đã đảo ngược. Kẻ thắng lợi phải chiêu đãi những kẻ thất bại một bữa thịt chó nhớ đời tại Ô Quan Chưởng. Khi tôi kể lại cái triết học đại chúng "đồng bệnh tương liên", kẻ gù thương kẻ gù, kẻ lác thương kẻ lác, và làm cho mắt mình lác xệch đi thì các bạn tôi cùng lăn ra giường cười đến rơi cả nước mắt. Và tất cả đều quyết nghị buộc tôi phải bằng mọi giá thực hiện cái công việc kéo lại mắt mà tôi đã hứa với Thái Phượng.
Lẽ dĩ nhiên không cần các bạn yêu mến của tôi thúc giục. Tôi đã đưa Phượng đến viện mắt. Sau đó là một chuỗi những biểu hiện nồng nàn. Chúng tôi đã... đã... đã...
Thái Phượng rất yêu thích cái lối viết phóng sự, ký sự, bút ký và truyện ngắn của tôi. Nhưng nàng không chỉ thưởng thức mà còn phân tích, nhận xét và kích thích cho tôi biết phát huy sở trường của mình. Tất cả những bài viết của tôi hồi đó đều được nàng cắt ra, dán vào một tập, và nếu là tiểu thuyết hoặc truyện dài, thì nàng đóng gáy, bồi bìa, nâng niu, trân trọng một cách không giấu giếm mọi người xung quanh.
Một hôm nàng bảo cùng tôi:
- Anh là một chàng trai thích thú, song văn chương của anh còn thích thú hơn. Tuy vậy, cho dẫu em nói thế, không phải là anh đã khiến em hài lòng đâu.
- Anh muốn biết thật rõ gương mặt của mình. Em hãy nói hết đi!
- Ở quê hương em người ta có bài vè. Em cũng thuộc lòng từ bé nhưng không hiểu người ta định nói gì. Mãi đến tận bây giờ em mới hiểu rằng đó là những lời Sấm nói về công việc của các anh...
- Hãy đọc ngay bài vè sấm ấy cho anh nghe đi, em yêu quí.
- Anh nghe nhé - Thái Phượng cười nhún nhường - Có thể là em sai...
Mặt trời mọc ở trên trời
Ngón ta mọc ở bàn ta
Vú người lại mọc ở nga ngực người
…………………….
Lá câ mọc ở ngọn câ
Đuôi mèo lại mọc ở nga hông mèo
Bò lồng đuôi lại lồng theo...
Hát đến đây, vẻ mặt Thái Phượng vừa đượm buồn, vừa cười rũ rượi:
- Anh đã nhận ra chưa?
Tôi không đến nỗi đần độn, song quả thực tôi hoàn toàn tắc tị trong bài vè này. Thấy tôi đăm chiêu - suy nghĩ, Thái Phượng làm một cử chỉ âu yếm rồi chế giễu:
Anh không thấy là câu cuối cùng ấy, "bò lồng đuôi lại lồng theo", nó hoàn toàn miêu tả nghề nghiệp của các anh à? Các anh chỉ phản ánh, ngợi ca, minh họa, và ra sức tô hồng - tô hồng cả những cái rất hồng lẫn những cái còn xám nữa. Thế mà trong khi đó, bọn em nghiên cứu lý luận văn học nghệ thuật, từ Mai-a đến Goóc-Ki, từ Séc-nư-sep-ski đến Lỗ Tấn, các vị ấy đều nói rằng chức năng thiêng liêng của văn học nghệ thuật và các tác giả là phân tích, phát hiện và dẫn dắt, gợi ý cho xã hội, nghĩa là phải tiến trước chứ không phải là lồng theo. Hai chục năm sau phẩm chất con người sẽ tồi tàn đến mức nào nếu chúng ta tuyệt không có chút giáo dục luân lý và đạo lý làm người cho các thế hệ đàn em? Và ba chục năm sau, các nhà hướng dẫn sẽ lầm lẫn khủng khiếp nếu đôi tai họ chỉ được nghe những lời tôn sùng, tán tụng và ngợi ca. Em rất buồn, vì chúng ta chỉ là những cái đuôi bò. Theo anh, chúng ta có phạm tội ác trong cái vỏ cao quí và lương thiện không?
Chúng tôi đã tranh cãi khá nhiều. Tôi tự ái và hiếu thắng, nên đã hùng biện cao đàm khá quyết liệt cùng nàng. Song, trong thâm tâm tôi kinh dị, hãi hùng và thán phục người con gái mảnh mai này vô hạn. Tôi không tuyên bố thua trận, nhưng đã lặng lẽ chấp nhận những lý luận kỳ lạ, lô gich và đầy tính thuyết phục của nàng. Từ đó tôi viết với một sắc thái khác hẳn. Các văn phẩm của tôi gọn gàng hơn, bất ngờ hơn, hấp dẫn hơn và cũng tỏ ra - như thời bấy giờ có người đã lên án - "gai góc" hơn.
Đỉnh cao của công việc này là một cuốn tiểu thuyết của tôi đã bị băm vằm tơi bời cả tác phẩm lẫn tác giả, tới mức di lụy của nó khủng khiếp đến nỗi ngót ba mươi năm sau, tôi không còn cơ hội cầm đến bút nữa.
Nàng đau đớn, khóc lóc thảm thiết:
- Em đã gieo đau khổ cho anh!
Tôi cứng cỏi an ủi nàng:
- Không! Người ta leo núi đi dâng hương Phật Bà, bị ngã gãy chân, thì lỗi không phải ở Đức Phật, mà ở đường dốc khúc khuỷu, núi non cheo leo!
Ít lâu sau, nàng tốt nghiệp sư phạm. Người ta điều nàng vào dạy học ở trong vùng giải phóng, vùng giáp ranh mà thầy giáo đồng thời là chiến sĩ, lớp học thường biến thành trận địa.
Tôi muốn chúng tôi cùng tổ chức hôn lễ trước khi nàng lên đường. Dịu dàng tha thiết và tràn đầy nữ tính trong vòng tay của tôi, nhưng nàng nhất mực không nghe:
- Tỉnh táo một chút nào, anh. Em đem theo một cái "trống ếch" vào hỏa tuyến, điều đó có ý nghĩa gì?
Tôi vẫn một mực đòi cưới bao nhiêu, nàng càng cứng cỏi chống trả bấy nhiêu. Đến nỗi chúng tôi đôi lòng đều bị tổn thương và chia tay nhau trong giận dữ đến cực điểm.
Nhược điểm của tuổi trẻ quả thực ngu xuẩn và đáng thương. Quá nóng nảy, chúng tôi không còn qui ước được với nhau về cách liên lạc nữa. Một hành tinh bị vỡ làm đôi, mỗi ngày một cách xa nhau và cùng lao về hai hướng trong không gian vô cùng vô tận. Cả hai đứa, người nọ cùng kẻ kia, đều nghĩ rằng họ đã vĩnh viễn chia lìa, không tái hợp nữa.
Năm năm sau, tôi được mô tả cho nghe tỉ mỉ rằng nàng đã trở thành vợ một cán bộ trung đoàn người Huế. Họ cùng chiến đấu tại miền núi Thừa Thiên và Quảng Trị.
***
Mỗi ca-bin phòng nằm trên xe lửa có sáu giường chia làm hai dãy, mỗi dãy ba tầng giường.
Số giường của tôi là số 2 bên trái. Bạn sẽ nghĩ sao, nếu có một giai đoạn dài, ở bất cứ nơi nào bạn cũng là trung tâm của sự trẻ trung yêu đời, xông xáo và sáng dạ, còn bây giờ thì ở chỗ nào bạn cũng chậm chạp, mái tóc điểm sương, một vài căn bệnh mãn tính hành hạ và lên hàng "ông" một cách vững vàng giữa mọi lứa tuổi son trẻ.
Lúc này tôi cũng buồn trĩu lòng, vì trừ tôi ra, còn năm người ở năm cút-sét kia đều gọi tôi bằng "bác già". Tất cả họ đều tráng kiện, hồng hào, hoạt bát, và nụ cười, tiếng nói của họ đều mang tính thời đại rất rõ rệt.
Tôi càng già hơn đôi chút và nằm im lặng, bất động nhưng trong lòng thì giông bão cuồn cuộn, bởi vì trời phật ơi, nằm ở chiếc giường số hai đối xứng với giường của tôi kia, chính là một bản sao của Thái Phượng ngày xưa: Một cô gái tóc đen dài, mặt trái xoan, da trắng trẻo, vóc mảnh mai và cũng... lác một bên mắt trái. Cô gái nhỏ nhắn đó, từ lúc lên xe hỏa, nhận chỗ của mình đã bộc lộ một tính cách thông minh, hiền từ, ít nói và cặp mắt lung linh của những con người giàu sức sống nội tâm.
Sau khi người trưởng tàu đi kiểm soát vé đã dõng dạc tuyên bố:
- Quý khách đi các toa nằm chú ý: Quý khách hãy mang vé của mình xuống cuối toa để mượn chiếu và gối nằm.
Hành khách ồ lên vui vẻ và cùng nhau nháo nhác đem vé có ghi tên mình ở trong, đi về phía cuối toa. Tôi cũng toan ngồi dậy đi mượn chiếu chăn như mọi người, thì cô gái trẻ son và xinh đẹp kia bỗng ngăn tôi lại, với giọng nói đặc sệt "tiệng nọi xự Huệ":
- Chú cứ nằm nghỉ. Chú đưa vé đây, cháu đi mượn chăn chiếu cho chú một thể.
Tôi cảm động đưa vé cho cô bé với lời biết ơn, còn lòng riêng thì vang lên âm thầm: "Không thể còn người thứ hai nào giống Thái Phượng đến thế được. Hay là...? Bởi vì lác mắt cũng mang tính di truyền!"
Để tạo dịp làm quen nên tôi vui vẻ nhờ cô. Tôi chưa biết mở đầu sự quen biết này bằng cách nào. Giả vờ lác mắt ư? Không được! Vì từ nãy đến giờ mắt tôi vẫn thăng bằng, cô gái rất rõ điều đó.
Sau khi đã gọn gàng và ổn định mọi thứ, cháu gái bắt đầu đăm đăm ngắm nhìn tôi, không phải bằng ánh mắt tò mò của đôi người xa lạ, mà là toát ra một vẻ rất đỗi trìu mến, thân thương:
- Chú là Nguyễn Tấm Tư?
Tôi mỉm cười:
- Trên vé có ghi rõ tên họ đó, cháu.
- Tại sao chú không viết văn nữa ạ? Ôi, một cái nghề vừa đau khổ vừa cao quý biết chừng nào...
Tôi sửng sốt đến mức bàng hoàng. Đã 28 năm nay tôi không viết một chữ nào trên lĩnh vực văn phẩm, mà tuổi của cháu gái trước mặt tôi đây nhiều lắm cũng chỉ hai mươi hai.
Tôi lặng lẽ ngắm cô gái một chút rồi cả quyết nói:
- Cháu là con gái của mẹ Thái Phượng?
Cô gái trẻ son liền mủm mỉm cười, nét mặt vừa bần thần vừa rạng rỡ, rồi đổi cách xưng hô cho thân mật hơn:
- Thưa chú, chú đã đoán đúng, con là con gái độc nhất của mẹ Thái Phượng con. Con ra đời trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Còn cha con cũng hy sinh ở chân thành Quảng Trị năm ấy. Con vừa đọc tên chú trên vé tàu, con cũng hồi hộp và bàng hoàng không kém, bởi vì những gì... những gì diễn ra giữa chú và mẹ con, con đều biết rất tường tận...
Tôi kêu lên se sẽ không ngăn chặn nổi hàng lệ sũng ướt quầng mi:
- Con biết tường tận? Mẹ con kể lại à?
- Mẹ con không nói một lời. Nhưng mẹ con đã viết mười lăm tập nhật ký về chú, về cuộc tình duyên không thành, về những điều xót xa đau khổ của mẹ con sau khi không được biết những tin tức gì về chú nữa. Hiện nay con... à, mẹ con vẫn giữ nguyên vẹn những bức ảnh về thời thanh niên của chú; những văn phẩm dù ngắn dù dài của chú vẫn được mẹ con trân trọng gìn giữ hơn mọi thứ quý nhất trên đời... Vì thế mà con đã được đọc hết cả.
Tôi tê lặng hết cả mọi giác quan, chỉ còn biết liên tục dùng khăn chấm vào hai mắt, khẽ hỏi:
- Con tên là gì?
- Tên của mẹ con mang ý nghĩa màu sắc lộng lẫy của chim Phượng. Còn tên con là chim Phượng có màu sặc sỡ...
- Nghĩa là Phượng Thái?
- Chú tế nhị quá. Không trách mẹ con để bao nhiêu lòng dạ dành cho chú. Nếu cha con chỉ được một phần trăm...
Nói đến đây, tự dưng Phượng Thái quay mặt vào vách toa tàu mà khóc nức nở, đôi vai nhỏ nhắn rung lên từng hồi.
Đoàn tàu rời khỏi Ninh Bình từ lâu, lúc này nó đang nặng nhọc bò trên dốc Đồng Giao hai bên thuần là đồi sim có những lùm cây thấp nhỏ vô vàn sắc hoa màu đỏ tím. Các toa tàu đã lóe sáng ánh sáng đèn mờ nhạt. Khách đi tàu phần nhiều đang ăn cơm chiều. Có người nằm duỗi tai lim dim mất ngủ, nhưng phần lớn là chụm đầu trò chuyện. Đôi lúc xe lắc lư mạnh, giật nhíp dồn toa, tiếng bánh sắt nghiến rít trên đường ray và buông ra những tiếng suỳnh suỵch rất đều nhịp.
Tôi cứ chăm chăm nhìn ngắm Phượng Thái. Quá khứ hiện về như một cuộn phim sinh động giày vò con tim đã già nua của tôi. Song dù sao niềm vui vẫn rất lớn. Sự bất ngờ gặp lại chính đứa con của người yêu ngày trước, đó chẳng phải là một món quà vô giá của định mệnh đó ư?
Tôi lên tiếng gọi nho nhỏ:
- Phượng Thái!
Cô gái nhỏ nhắn nhưng sung mãn sức sống thanh xuân từ từ quay lại nhìn tôi rồi ngồi dậy, tươi tỉnh nói:
- Chú sang đây ngồi cùng con đi!
Tôi liền bíu lấy những cột giường bằng nhôm. Khi đã ngồi cạnh nhau, Phượng Thái gọt vỏ, xắt khúc những củ su hào ngọt như đường của miền Nam Định mời tôi ăn, rồi nói:
- Chú hãy kể cho con nghe những gì chú biết về mẹ con, nhất là... sự trắc trở đáng buồn giữa chú với mẹ con.
- Chuyện quá dài, quá buồn con gái ạ. Mà con tưởng rằng khi kể lại thì lòng chú êm dịu lắm sao?
- Nếu mọi người lớn, người già đều im lặng chôn chặt quá khứ xuống tận đáy lòng thì cõi đời sẽ không có lịch sử cá nhân và lịch sử dân tộc.
- Con nhầm đấy, Phượng Thái. Lịch sử có hào quang huy hoàng, cũng có cả mây đen tăm tối. Nhưng thôi, chú sẽ chiều ý con, con sẽ được biết đôi điều về mẹ con khi con chưa ra đời. Đổi lại...
- Đổi lại, con cần kể những gì về mẹ con khi chú không có mặt?
- Con thông minh lắm, y như mẹ con khi xưa.
Qua lời đứa cháu gái, tôi hình dung phần nào những hình ảnh của Thái Phượng trong chiến tranh: quả cảm, tận tụy, nồng nhiệt và dồi dào nghĩa cử. Song ngần ấy đức tính cũng không phủ kín và dập xóa đi được những định kiến, những ghét bỏ do cái tính trung thực cực đoan mà người nghe không êm tai ngọt dạ tý nào của một cô giáo kiêm chiến sĩ quá ư nhạy cảm về tư duy, về tính cách.
Khi biết rằng Phượng Thái sẽ xuống ga Huế, tôi bồi hồi thắt lòng lại, lẩm bẩm:
- Chú sẽ xuống Huế cùng con.
Phượng Thái hoảng hốt gạt phắt đi:
- Đừng! Con xin chú chớ xuống Huế.
Sao vậy. Chẳng lẽ... chú chỉ muốn gặp lại mẹ con ít phút sau gần ba chục năm xa cách cũng không được sao?
- Không! Không!
- Vì có một người đàn ông nào đó khó tính à?
- Cũng không như vậy. Chẳng có một người đàn ông nào cả. Từ ngày cha con hy sinh, mẹ con quyết ý chỉ sống bằng kỷ niệm và nuôi con.
- Thế thì vì sao đến nỗi...
- Thế này chú ạ. Mẹ con hiện đang điều trị trong bệnh viện vì mổ tim. Bệnh viện rất ngặt nghèo cấm không cho mẹ con được tiếp xúc với ai gây xúc động mạnh. Chú cứ đi Sài Gòn đi, và để lại cho con địa chỉ. Bản thân chú sẽ là một cú sốc mạnh mẽ đối với mẹ con. Con sẽ từ từ đợi khi nào cho phép, con sẽ kể lại cho mẹ con nghe về buổi gặp chú bất ngờ hôm nay. Con chắc sẽ... chắc mẹ con sẽ biên thư cho chú và chưa chừng sẽ ra Hà Nội thăm chú. Chú là một thầy thuốc, con chắc chú hiểu trường hợp này. Đối với chú cũng cần tránh xúc động mạnh. Lúc nãy chú có nói chú cũng bị cao huyết áp và bệnh tim mạch hành hạ?
Vừa vui mừng vừa buồn bã, tôi ngồi im lặng bên cháu gái, không nói thêm một lời nào vô ích nữa.
***
Huế, ngày..... tháng.... năm 1988
Anh thương yêu của em!
Anh ơi, hai chữ ''của em" xem chừng có vẻ "sở hữu" quá anh nhỉ. Em xin phép được mở đầu như vậy, như sự mở đầu của những ba trăm bức thư ngày xưa, mặc dù anh không còn là của em và em cũng không còn là của anh nữa. Chúng ta chỉ còn là của nhau trong tâm tưởng.
Em vui mừng vô hạn khi em biết rằng anh vẫn còn sống. Qua lời con gái em, thì anh giờ đây vẫn là anh khi xưa, như nó hiểu anh trong nhật ký em viết về anh - chỉ có khác chăng là ngày xưa thì anh đẹp trai, bây giờ anh thành đẹp... lão thôi.
Anh yêu thương! Sau cái "đòn chết tươi" ấy, anh đã chết tươi thật rồi ư? Em đau lòng vô hạn khi thấy suốt hai mươi tám năm qua, anh không còn viết nổi một chữ nào nữa.
Vì tình trạng sức khỏe, trước khi biên thư cho anh, em đã uống gấp đôi liều thuốc an thần; bởi thế, em sẽ viết ngắn thôi, và tựu chung lại là em mong mỏi, em kêu gọi, em ra mệnh lệnh cho anh phải viết trở lại. Anh hãy viết trở lại đi, viết bằng sự say mê yêu thương người người. Còn nhớ, anh đã từng biên thư cho em rằng: "Nếu có một triệu người hiểu là quá mừng. Chỉ có mười người hiểu cũng đủ, và dù không một ai hiểu cũng vẫn tốt!"
Nghe em! Hãy sáng tạo đi! Dù đã già nua và héo hắt, nhưng tình yêu của em sẽ chạy song song thậm chí vượt lên trên với đà viết của anh đấy.
Em sẽ gặp lại anh khi nào thực sự thấy anh rạng rỡ ngòi bút vì cuộc sống khốn khổ nhưng đẹp đẽ của dân tộc chúng ta. Lúc ấy, như Hê-lê-na đã từng nói với An-déc-xen: - "Anh hãy đi đi! Anh hãy về với cuộc đời. Khi nào nghèo nàn, tuổi già và bệnh hoạn giày vò anh, em sẽ vượt sa mạc, vượt qua núi tuyết, vượt qua dinh lũy định kiến ngàn đời mà đến cùng anh!"
Yêu anh, như chưa bao giờ được yêu.
Thái Phượng
Như cành dương liễu của Phật Bà Quan Thế Âm bị đốt cháy thành than lại hồi sinh xanh tốt trong chiếc tĩnh bình có nước cam-lộ, con tim lạnh giá của tôi dần dà ấm nóng, sôi sục và tràn trề nhựa sống. Trong nghèo khổ, trong tật bệnh và trong sự thắt bó ghê gớm của cuộc đời, tôi đã cầm bút trở lại.
Suốt ba mươi năm trời tôi làm việc quên mình. Ngòi bút của tôi đã phi nước đại ngay cả khi sinh mệnh và con tim của tôi gần như sắp ngưng đập vì bị thắt mạch vành và dãn thất trái.
Tôi viết trong tám mét vuông oi nồng!
Tôi viết trong bốn bề ầm ầm tiếng nhạc cát-xét!
Và tôi viết bằng nhiều bữa cơm thiếu đến cả ngọn rau xanh! Các bạn cũ thân yêu lại dồn dập đến cùng tôi và trên một vài tờ báo người ta đã nhắc đến tôi, khen ngợi quá lời khiến tôi thực sự xấu hổ.
Mỗi một văn phẩm của tôi đều được Thái Phượng mổ xẻ rất kỹ, phê phán sâu sắc và khích lệ cũng nồng nhiệt; và ở những bức thư gần nhất nàng đã viết lời cuối cùng: "Em lại được kiêu hãnh vì anh!"
Phải thú thực rằng lúc đầu viết trở lại, tôi đã rất cá nhân, viết theo sự thúc giục của tình yêu. Dần dần, tôi đã vượt qua cái "ngưỡng" tình cảm, thấy say mê, thấy thiêng liêng, thấy cao quý bởi tình yêu cuộc sống, yêu đồng loại, yêu những cái thơm tho. Và yêu cả những điều đớn đau trong xã hội nữa, cuối cùng là yêu chính cái sự nghiệp của bản thân mình, cho dù đường đời chưa phải đã hết vật cản, đã quang đãng.
Điều sung sướng nhất với tôi là, theo lời lẽ trong thư, sức khỏe của Thái Phượng đã dần dần bình phục. Nàng nói đùa rằng: -" Anh Nguyễn Tầm Tư! Liệu anh có còn thích khoác tay một bà già năm mươi sáu tuổi, đi giữa quãng đường vắng ngạt ngào hương vị mộc lan, như ngày xưa nữa không? Em sẽ ra thăm anh vào cuối tháng...!"
Tôi mừng đến nghẹt thở. Để chào đón ngày tái ngộ, tôi đã vùi đầu suốt đêm ngày viết một vài truyện ngắn đáng giá với thầm ước đề tặng cuộc đời, cảm ơn cuộc đời đã run rủi và trả lại chúng tôi cho nhau.
Mười hai giờ đêm tàu Huế mới tới Hà Nội thế mà tôi đã có mặt ở sân ga từ lúc tám giờ tối. Tôi bồn chồn đọc báo rồi đi bách bộ trên sân ga, đi bách bộ chán rồi lại đọc báo, lòng bồn chồn, vui tươi, nôn nóng, hồi hộp.
Cuối cùng thì con tầu cũng nặng nhọc và mệt mỏi phì phò hơi thở và ken két dừng lại ở sân ga.
Gần như nhẩy xuống sân và xiết chặt lấy cổ tôi lại không phải là Thái Phượng mà là Phượng Thái. Cháu gái vừa hôn tôi như người Tây vừa nước mắt đầm đìa, nghẹn ngào không nói được một câu nào cả. Linh tính báo trước cho tôi một điều dữ dội, khiến tôi choáng váng đến nỗi cháu gái phải dìu tôi ngồi xuống ghế đá của sân ga.
Chừng nửa tiếng sau, không rõ vì sao tôi lại điềm tĩnh đến như vậy, nhẹ nhàng buông ra một câu hỏi:
- Bệnh tim đã cướp mất mẹ con từ lâu rồi phải không?
Phượng Thái cũng điềm tĩnh không kém. Cháu ngước cặp mắt thông minh đăm đăm nhìn tôi:
- Không! mẹ con đã mất từ lâu hơn chú tưởng. Chiến tranh ở chân thành Quảng Trị đã cướp đi cả cha và mẹ con trong một lúc! Đồng bào Thừa Thiên - Huế đã nuôi dưỡng cho con khôn lớn!
- Vậy là tất cả những lá thư của Thái Phượng đều do của Phượng Thái viết?
Nước mắt ràn rụa, còn nụ cười thì lại rất tươi Phượng Thái nói:
- Chú tha lỗi cho con. Con có nghĩa vụ làm tiếp những mơ ước, những mong muốn của mẹ con đối với chú mà quá khứ nghiệt ngã đã không cho phép mẹ con làm nổi.
Hà Nội, 11. 1991
N.D.
(TCSH49/05&6-1992)