PHẠM XUÂN PHỤNG
Tôi đang dính vào thành xe. Dính, chứ không phải đứng, không phải nằm, không phải ngồi. Phần thắt lưng dính vào mép trên thành xe.
Thùng xe chất đầy những bao tải đựng những cái gì đó. Phần trên thắt lưng lơ lửng, không bám vào đâu cả. Phần dưới thắt lưng cũng vậy, quẫy quẫy vào không khí như đuôi cá mắc nạn. Lạ một điều, tôi không cảm nhận được trạng thái bất ổn đó trong giấc mơ như lẽ ra trong đời thực phải cảm nhận. Bởi vậy,- tôi mới đủ bình tĩnh để nhìn xuống đường. Ở đó, hình như chiếc dép tông Thái Lan màu xanh da trời bên chân trái tôi đã rơi xuống và đang nằm đó. Rơi lúc nào không rõ và bằng cách nào cũng chẳng hay. Cạnh xe tôi là một chiếc xe; không phải, một khẩu pháo cao xạ đặt trên xe kéo. Đứng gác trên khẩu pháo là một pháo thủ - chắc thế - khá trẻ và có nét mặt bình thản, không rõ ràng các chi tiết, nhưng có vẻ như bất biết sự đời, bất biết cái thằng đang dính vào thành xe kia đang tìm cách lấy lại chiếc dép.
Đến đây, tôi thấy cần mô tả dù không nhớ rõ - chiếc xe mà tôi đang dính vào. Nó đứng chặn giữa cầu, hình thù thô kệch, và các bộ phận lắp vào nhau một cách gượng gạo; ít nhất là trong ý nghĩ của tôi. Nó có vẻ như một chiếc xe hàng đã cũ, chứ không chắc chắn như chiếc xe kéo pháo bên cạnh. Nó đang chở gì trên thùng xe tôi cũng không biết. Có vẻ là loại hàng không cần bảo quản vì không có bạt che. Cũng không có mui. Trần trụi. Không hiểu sao tôi lại dính ngang thắt lưng vào thành xe. Trong giấc mơ, trí nhớ quẫy mạnh để khám phá điều này. Mà cũng không sao hiểu nổi. Nó như một can thiệp vớ vẩn của số phận. Như một ngẫu hứng của lão tạo hóa. Như cái sự phải thế, tất nhiên là thế. Một mặt, tôi có cảm giác như bị thùng xe hút vào. Và tôi bị dính vừa đủ, không chặt, không lỏng, không hờ hững cũng không mật thiết với nó. Mặt khác, tôi mường tượng như có ai đó, mạnh hơn tôi, đã cố ý ném toẹt tôi vào thùng xe. Và vì chiều cao của cơ thể của tôi thấp nên chỉ lao lên đến thành xe là mắc vào đó. A! đúng rồi. Đúng là tôi bất thình lình muốn lao vào hẳn vào thùng xe, nằm gọn trong thùng xe, ngồi lên các bao tải. Nhưng sức tôi có hạn. Cú nhảy bất thình lình đã đưa cái thắt lưng khốn khổ của tôi dính vào thành xe oan nghiệt. Nhưng sao lại không dính vào phần rốn? Phải chăng, khi nhảy, từ trong tiềm thức sâu xa tôi tự biết mình không đủ sức lao hẳn vào thùng xe, không vượt qua được thành xe, vật cản của cú nhảy đột biến không chuẩn bị chăng? Do đó, bằng trực giác, tôi đã kịp xoay lưng để tránh một cú vỡ bụng cầm chắc khi va vào thành xe. Cũng có thể, một bàn tay thần bí nào đó đã xoay thân hình tôi lại để tránh cho tôi cú nhảy vỡ bụng, trở thành cú nhảy dính thắt lưng, lửng lơ không trời không đất như thế này? Khó hiểu quá! Tốt nhất coi như là sự đã rồi. Tốt nhất là hãy tập trung mọi ý nghĩ để tìm cách lấy lại chiếc - dép - tông - bên - trái đã bị rơi, đang nằm dưới đất. Lấy một vật đang nằm dưới đất trong khi thân mình lại đang dính lơ lửng, trên không chằng, dưới không rễ thì làm thế nào?
Chiếc xe mà tôi đang dính vào như không có ý muốn chạy. Như chờ tôi. Cũng có thể nó không còn sức để chạy. Nó nằm ỳ ra đấy. Và tôi dính vào nó vừa như một vật thừa không thuộc cơ cấu, vừa như một bộ phận hữu cơ không nỡ tách rời.
Tôi nhìn chằm chằm xuống cái nơi mà tôi cho là chiếc - dép - tông - bên - trái đang nằm đó. Không thấy. Tôi đưa mắt nhìn lên. Một quân nhân trạc ba mươi tuổi, nước da ngăm đen, mặt chữ điền, đầu không mũ, quân phục bạc màu đang đứng trong một tư thế hết sức đĩnh đạc, tự tin. Anh ta tự tin vì cái gì chớ? Tôi phát nổi xung lên, quát hỏi:
- Dép tông của tôi đâu?
- Bất biết!
- Sao lại bất biết? Nó rơi ngay gần chân của anh mà! Anh ta lừ mắt nhìn tôi. Cái nhìn không có vẻ hăm dọa mà như có vẻ răn đe thì đúng hơn. Tôi hơi ớn lạnh. Nhưng nỗi tiếc của lớn hơn nỗi sợ hãi, cho nên tôi trừng mắt đáp lại. Trừng chứ không lừ như anh ta. Lúc đó, người pháo thủ trẻ chợt lên tiếng, vẻ bình thản: "Chiếc dép của cậu ta đó. Đâu rồi?"
Người lính đứng đang lừ mắt nhìn tôi chợt quay sang người pháo thủ, vẻ hơi ngẩn ra. Anh ta nói, rành rọt, chậm rãi:
- Thế à? Tao tưởng chiếc dép của mày.
- Tưởng của tôi sao không lấy cho tôi? - Người lính trẻ lại lên tiếng, vẫn với vẻ bình thản.
- À! Tao tưởng của mày nên tao nhặt lên xem, thấy dính toàn cứt. Tao vất xuống sông rồi. Kia kìa!
Anh ta chỉ tay xuống dòng sông. Sông cuồn cuộn chảy. Nước sông vàng đục. Sóng hung hãn húc vào các tảng đá và sùi bọt giận dữ quanh thân chúng. Sóng tung bọt trắng xóa lên các mỏm đá như người ta rắc hoa lên đầu thiếu nữ trong ngày vu quy. Bất chợt, có những đợt sóng lớn trùm kín các mỏm đá như muốn nhận chìm chúng, nuốt chửng chúng. Lòng sông lộn ngầu các dòng chảy. Rác rưởi, bèo lục bình và trăm thứ bồng bềnh khác cũng lộn ngầu như thế. Cuối cùng, số phận buộc chúng sau nhiều hồi hỗn độn đều phải xuôi dòng, nhưng chắc chắn đã có những vật bị tan nát, bị nhấn chìm. Chiếc - dép - tông - bên - trái của tôi đang trôi ở dòng nào? Nó đã tấp vào đâu? Đã bị hút vào vực xoáy nào? Hay nó đã tan nát sau bao lần bị nhận xuống trồi lên, va đập. Trong mớ tạp phí lù các dòng chảy, các vực xoáy và cơ man những cái bồng bềnh kia, chiếc - dép - tông - bên - trái của tôi nằm ở chốn nào? Tôi căng mắt nhìn mà không sao tìm được vị trí của nó. Sóng gầm gào dữ dội và kiêu mạn.
Sóng như hét lên đắc thắng, bảo tôi: "Đừng hòng lấy lại cái đã mất!..." Chúng đập vào các mỏm đá rồi cười khằng khặc như muốn bảo: "Cả chúng mày nữa, chúng tao sẽ cuốn phăng hết!..."
Như một trường đoạn phim bị cắt đứt, cảnh vật trước mắt tôi đột ngột biến đổi. Trời bỗng nhiên cao lồng lộng, xanh ngắt. Dòng sông mênh mang. Hai bên bờ là những rặng cây. Cằn cỗi và mượt mà. Những tảng đá hoa cương đen xám, xanh xám lổn nhổn. Đúng là, dòng sông Sê Pôn của chiến trường Trị Thiên năm xưa. Sao tôi lại ở đây? Tôi đang ở trên chiếc cầu cơ mà. Nó đâu rồi, chiếc cầu ấy? Cả chiếc xe mà tôi đang dính vào cũng đâu rồi? Nó biến mất lúc nào mà tôi không biết? Trước đó, tôi còn nhớ...
Trong giấc mơ, tôi nhớ rõ lắm. Tôi đang đứng đinh tấn trước mặt đối thủ, người lính tuổi ba mươi, kẻ vứt dép của tôi. Anh ta đứng đó, mắt nhìn tôi vừa có vẻ như nhạo báng, vừa có vẻ như thương hại. Vừa như trêu chọc một cách thân thiết, lại vừa như muốn bảo tôi: "Tôi vứt rồi! Việc cần phải thế! Anh tiếc lắm à?”
Không tiếc sao được. Một mặt, lần đầu tiên hơn hai mươi năm làm người lính, sau khi chuyển ngành, tôi mới được xỏ chân vào đôi dép tông Thái Lan. Mặt khác, đây là quà tặng của một thằng bạn là bác sĩ quân y thoát chết ở Lào đem về. Trước khi tặng, nó nói một câu mà tôi nhớ mãi: "Đường lính nhiều chông gai cần dép đế cứng. Đường dân có lẽ cần cái chân mềm mại hơn". Một đôi dép kỉ niệm đầy tính triết học như vậy mà để mất được à? Phải lấy lại. Dù sao tôi cũng là một thằng lính có hơn hai mươi năm thâm niên.
Tôi uất ức nhìn đối thủ. Máu dồn lên mắt. Hai tay nắm chặt. Đối phương ung dung đến lì lợm. Ánh mắt của anh ta như có dao. Lại như có lửa. Vừa ấm nóng. Vừa lạnh lùng. Lòng can đảm vụt tan biến trong tôi. Từ thế đinh tấn, tôi chuyển sang trung bình tấn một cách bất đắc dĩ. Nghĩa là hai đầu gối không còn sức để đứng thẳng. Nó rùn xuống. Thành thử cái thế trung bình tấn ấy nom hài hước quá. Tôi tự chửi thầm: "Đ.mẹ, nhát gan thế. Dù sao..."; không hiểu sao, cái miệng tôi lại buột ra một câu nói. Lúc đó, nó như là vị cứu tinh. Đúng hơn, nó như một lời thú nhận hèn nhát mà kẻ nói không muốn nhưng cứ bật ra. Tôi nói, giọng cố ra vẻ bình thản:
- Anh tưởng tôi sợ à? Này, tôi cũng là bộ đội đấy. Như anh thôi!
Đối phương cười khẽ một tiếng rồi...Tất cả như biến mất. Tôi lại thấy mình đang ở trên bờ, cạnh mố cầu. Chiếc cầu to lớn, vững chãi vươn mình ngang dòng sông. Dòng sông không gầm thét. Mặt sông mượt mà như dải lụa. Nước sông trong vắt và xanh. Xanh như ngọc. Dòng nước hiền hòa yên ả trôi. Dưới bờ sông, gần mép nước, nhiều người đang đứng nhìn ra. Có vẻ muốn hôi của. Một thằng bé đang bơi. Đúng rồi! thằng cu TRÀM gần nhà tôi đấy mà. Cái thằng tôi vừa thương vừa ghét. Thương vì nó hiền và thỏ thẻ như con gái. Ghét vì nó con trai mà chẳng oai hùng tí nào. Động tí là khóc. Đây giờ nó bơi một cách ung dung, đầu trồi hẳn lên mặt nước, miệng cười rất tươi. Một tay đập nước, một tay đưa lên cao vẫy vẫy chào tôi. Nó chào tôi hay nó châm biếm, chơi xỏ tôi đó? Tôi nhìn xuống. Bờ sông thoai thoải. Sát bờ, lòng sông rất cạn. Như người ta đổ một lớp bê - tông cho trẻ tập bơi. Có thể chứ. Thằng cu Tràm làm sao bơi thoải mái thế kia nếu không nhờ cái bệ đỡ hết sức an toàn ấy. Nó bơi, đúng ra nó chạy trong nước, lượn một vòng cung rất đẹp trước mắt tôi rồi bước lên bờ. Vẻ mặt nó trở nên bẽn lẽn ngượng nghịu. Con chim tí xíu nhỏ nước tong tong... Rồi nó biến mất. Tôi bỗng hy vọng. Thằng cu Tràm thế kia còn bơi ngon được. Huống chi mình. Tôi lao xuống, không biết có kịp cởi quần áo không nhỉ? Quên mất, không nhớ rõ. Có thể tôi chạy xuống dòng sông với nguyên dạng đời thường. Tôi chạy cắt ngang mặt sông, ào ra giữa dòng theo bệ bê tông. Đến khoảng nước ngập cổ, tôi chưa kịp phanh lại thì bỗng nhiên hụt chân. Cả người tôi chìm luôn xuống nước. Nước mát rợi và trong vắt như không khí. Tôi không có cảm giác như bị ngộp thở. Tôi thấy như mình đang lăn. Không phải là lăn quay, lăn nhào, lăn lóc, lăn lộn. Mà lăn tròn một cách bình thản, ung dung, sung sướng đến nao nức. Như đứa con lăn trở lại lòng mẹ, như người đi xa về lại mái nhà yên ả, căn phòng ấm cúng đợi chờ. Nước bao quanh dịu dàng... dịu dàng...đến mức tôi tưởng như đang ở trên mặt đất, trong một căn phòng tràn ngập khí tươi lành.
Tôi đang ở giữa dòng sông. Cũng là một căn phòng rộng lớn. Đáy sông có đá và rêu. Nhưng không ẩm ướt. Nhìn thấy bên cạnh có một người. Rất quen. Đúng rồi! Anh MINH - Lê Anh Minh - người đội trưởng đội phẫu thuật tiền phương nổi tiếng năm xưa ở chiến trường Trị Thiên. Nổi tiếng về tài năng và nhiệt tình công tác. Nổi tiếng trong quan hệ đồng chí đồng đội. Chưa bao giờ anh nặng lời với chiến sĩ, dù người ấy có lỗi nặng, dù người đó xúc phạm đến anh. Bao giờ anh cũng hiền lành, cởi mở, điềm đạm và dịu dàng như con gái. Bộ đội gọi anh là chị.
Anh đứng đó, đôi mắt anh đăm đắm nhìn tôi. Tràn ngập niềm vui như lửa ấm. Ánh mắt ấy, trong rừng sâu, đã bao lần tôi được thấy. Trong mắt anh, trong mắt chị, trong mắt đồng đội, trong mắt người thương. Ánh mắt ấy như cổ vũ tôi: Hãy tìm đi.
Tôi nhìn theo ánh mắt của anh. Kia rồi! đúng ngang tầm mắt của tôi, không ngước lên, không cúi xuống. Nhìn thẳng. Trên một cái giá gỗ sơn màu xanh lục, ngả màu cỏ úa, đang đặt nghiêm chỉnh một đôi dép. Đúng là đôi dép của tôi. Đôi dép mà tôi đã nhặt được như một huyền thoại...
Mùa Xuân một chín tám sáu; đơn vị tôi sau hai lăm ngày chiếm giữ thành phố, được lệnh rút lên rừng. Tôi không có dép. Ai đó bảo tôi gắng đi tìm vì còn những mười phút nữa mới hành quân. Tôi đi ra bờ sông. Chỗ bến giặt. Bên trái bến có một chùm tre gai rất to. Tôi đi thẳng đến lùm tre như có mách bảo. Như một định hướng từ lâu. Giữa lùm tre dày đặc lộ ra một khoảng trống, ở đó đang đặt một đôi dép cao su. Đôi dép này đây. Tôi reo lên và cầm lấy. Rồi tôi ướm chân vào. Như cô lọ lem trong cổ tích. Vừa vặn làm sao. Như có ai đó đã đo chân tôi rồi làm lấy, đem đặt vào đó. Và ngầm ra lệnh cho tôi đến mang đi. Đôi dép không mới, không cũ. Quai dép nguyên vẹn. Tôi đã đi khắp chiến trường Trị Thiên, lên Lào, ra Bắc. Trải hai mươi năm khắp đó cùng đây với đôi dép này. Thỉnh thoảng lại thay quai mới. Đế dép đã mòn nhiều nhưng vẫn còn chắc lắm. Đã xâu quai vào là mắc cứng, không tuột bao giờ. Tháng mười năm tám bảy tôi chuyển ngành về bệnh viện dân y. Tôi đã vứt nó vào gầm giường. Sau một trận lụt, nước tràn vào nhà. Vợ tôi tổng vệ sinh, quẳng nó theo dòng nước lụt. Bây giờ nó nằm đây. Sạch sẽ, nguyên vẹn trên giá. Như chờ tôi, như chỉ dành cho tôi. Chính là Nó, đôi dép thân yêu tôi từng mang suốt hai mươi năm. Tôi đã vứt Nó đi rồi. Và bây giờ, khi dưới chân tôi không còn cái để che chở, tôi lại tìm thấy Nó, người bạn trung thành, thân thiết, tin cậy và không đòi hỏi bao giờ. Nó nằm đó, như một cổ vật trong viện bảo tàng. Ngang tầm mắt tôi nhìn. Không ngước lên. Không cúi xuống. Nhìn thẳng. Chỉ với tay ra là lấy được. Sao vậy? Ai đã mang Nó về đây, đúng lúc tôi ê ẩm vì mất dép?
16 -10 - 90.
P.X.P
(TCSH50/07&8-1992)