Truyện ngắn
Bức tranh vẽ dở
08:43 | 07/08/2009
PHAN XUÂN HẬUTôi trở về quê sau mười năm xa cách. Quê tôi nằm cuối con sông Vẹn, con sông này là nhánh của sông Dinh, bắt nguồn từ dãy núi Gám, chảy qua bến Dền. Nơi đây xưa kia là kinh đô của vua Dền. Vua Dền tụ tập lực lượng chống lại nhà Trần khi đó đang trấn áp nhà Lý. Vua Dền là hậu duệ của Lý Thái Tổ, ông không chịu sự chuyên quyền của vua tôi Trần Thủ Độ bèn lập căn cứ ở miền Tây Yên Thành, tức quê tôi, và Dền là kinh thành của ông, dân quen gọi ông là vua Dền.
Bức tranh vẽ dở
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Nhà Trần đánh vua Dền mãi không xong, bèn lén cho quân đào mộ mẹ của vua Dền táng trên đỉnh đèo Yên Ngựa, từ đó quân vua Dền yếu thế, dần dần tan rã. Những lúc xa quê tôi thường hình dung quê tôi như một người đàn bà goá bụa, lấm lem bùn đất và nhọc nhằn chắt chiu. Những đứa con của người mẹ đó, khi đã đủ lông đủ cánh thì đều muốn bay đi khỏi cái ổ rơm ngoai ngoai mùi bùn đất. Bay đi thật cao, thật xa khỏi cánh đồng, để lại một tiếng kêu nghe nao lòng. Còn người mẹ đó lại cứ tần tảo nuôi thêm những đứa trẻ.

Dãy núi phía tây huyện Yên Thành có một ngọn núi, giống như người đàn bà chửa, gọi là núi Phụ Tử. Ngọn núi đó có dáng hao gầy và chất phác. Nó mang linh hồn của người dân quê tôi, của những người đàn bà vừa qua tuổi dậy thì đã sớm làm mẹ. Những người mẹ như thân lúa nhọc nhằn trổ bông trong cơn gió Lào hào phóng và khắc nghiệt. Khắc nghiệt như những người đàn ông quê tôi.

- Mẹ, mẹ ơi...

Tôi ào lại, giọng lạc đi, như một luồng gió nồm mát rượi ùa vào lòng mẹ. Bàn tay gầy khô và cứng như những thân tre gầy guộc của mẹ ôm lấy tấm thân tròn lẳn, mây mẩy và thoang thoảng hương hoa thành thị của tôi.

Mẹ tôi khóc, những giọt nước mắt thấm qua làn áo của tôi, rịn vào da thịt của tôi như những giọt sương hiếm hoi đọng lại sau mỗi đêm gió Lào khô khốc. Cứ thế, tôi để cho giọt mồ hôi nồng mùi rơm rạ, bùn đất mặn chát của mẹ thấm vào da thịt tôi. Tôi như một con chim rừng, bị nhốt vào lồng son, giờ đây đi tìm lại tổ xưa đã mất.

Tôi tên Nhạn, mẹ tôi tên Nhàn. Nhàn mà chẳng nhàn chút nào. Còn tôi là Nhạn thì đúng như chim nhạn. Con bé Nhạn đen đủi ngày nào, bàn tay bấm vào nhau và hai chân run bần bật mỗi khi thầy giáo hỏi bài. Thầy giáo của tôi, một ông giáo làng đeo cái kính cận cáu bẩn, năm đi- ốp, gắn vào hai hố mắt trũng sâu như hai hũ rượu. Từ đó, thỉnh thoảng rỉ ra hai giọt nước mắt, nó đắng hay cay, ngọt hay mặn chúng tôi không biết. Nhưng nó đong đầy và tràn trề tình thương đối với mấy đứa trẻ thô thiển và ngộc nghệch như những con chim cu đất là chúng tôi. Chao ơi! Con người, tuổi thơ, bao mỹ từ diễn tả nó mà tôi đã đọc từ những cuốn sách nhàu nát, đến cuốn triết học dày cộm với những triết thuyết cao siêu, mà vẫn không diễn tả được hai cái hố mắt trũng sâu đằng sau cặp kính cận năm đi- ốp của thầy...

- Nhạn, lại đây mẹ bảo.

Tôi lẽo đẽo cầm cái liềm theo tay mẹ chỉ. Mỗi buổi sáng của tôi khi còn ngái ngủ và bụng đang đói là như vậy. Cứ sau bàn tay mẹ chỉ, thế nào tôi cũng kiếm được một việc có ích cho buổi sáng hay buổi chiều hôm đó. Hôm là gánh cỏ đổi lấy mười công điểm hợp tác xã, hôm thì là một giỏ cua, rổ ốc để rồi cả ngày hôm đó bụng tôi và mấy đứa em cứ phinh phính như những con chó non bú sữa mẹ.

Đó là những tháng ngày tuổi thơ, tôi sống trong men nồng rơm rạ, ngâm trong hơi thở ngai ngái của cỏ cây. Nó không làm cho tôi khô héo mà ủ mầm cho tuổi thơ tôi khôn lớn. Tôi sinh ra từ bùn đất và lớn lên từ bùn đất. Điều đó có gì là xấu. Sau này tôi nói với anh như vậy, còn anh thì coi đó như là chuyện cổ tích. Anh khám phá sự bí ẩn của đời tôi. Ngay cả cái điều tôi cho rằng rất đơn giản, đó là bữa ăn sáng của tôi. Anh hỏi có mấy món, tôi trả lời: một món. Anh ngây thơ hỏi: món gì? Tôi tự nhiên trả lời: món khoai lang luộc. Anh ngớ người rồi phá ra cười như phát hiện điều gì kỳ dị lắm.

Buổi chiều của tôi đơn điệu và nghèo nàn hơn nhiều so với những buổi sáng ra đồng giúp mẹ. Những điều tôi học được trong trang sách chẳng có gì là thú vị, vừa khô khan vừa xa lạ. Cái cuốn vở của tôi loằng ngoằng những hình vẽ. Đủ những gì tôi hình dung và tưởng tượng ra. Tôi nằm trên nền nhà và vẽ. Tôi không có bút màu, giấy vẽ nhưng thầy giáo nhìn vào những hình vẽ của tôi là lấp lánh một niềm vui. Sau này tôi mới hiểu ý nghĩa của cái nhìn mà lúc đầu thầy rất giận dữ đó. Có lẽ, nó nói với tôi một điều, dù rất mông lung rằng: con bé nhà quê tên Nhạn này không phải là một cô Tấm bước ra từ quả thị mà nó đang lớn dần lên trong quả thị quê mùa.

Lẽ ra tôi bỏ học, nếu như không xảy ra một chuyện đủ để tạo ra một bước ngoặt. Giống như câu chuyện cổ tích mà tôi hay nằm toài ra vẽ để làm bài giảng bằng tranh cho thầy. Đó là vào một mùa hè, khi tôi đang học lớp sáu. Đã mười ba tuổi, tôi bắt đầu có dấu hiệu thơ thẩn mỗi khi thong thả một mình. Tôi bước vào nhà và sững sờ trước một người khách lạ, ông ta mặc những thứ mà tôi chưa được thấy bao giờ. Nó lạc lõng khi xuất hiện trong ngôi nhà tranh vách đất của mẹ con tôi. Ông khách nhìn tôi chăm chú, soi mói. Cuối cùng, từ cái nhìn xét nét chuyển qua cái nhìn mềm mại, như ánh mặt trời từ buổi trưa nắng gắt chuyển qua buổi chiều tà nhàn nhạt và ấm áp. Lúc đầu nó làm tôi khó chịu, sau nó làm tôi ngượng ngùng đỏ mặt. Rồi nó cũng tắt hẳn, nhường chỗ cho một nụ cười và một câu nói làm tôi chột dạ:

- Em tên là gì?

"Em", người đàn ông này gọi tôi là em. Xưa nay chưa một người đàn ông nào gọi tôi trìu mến bằng một đại từ nhân xưng tình cảm và gần gũi đến thế. Lâu nay tôi thèm nghe một tiếng gọi tôi là em, là con từ một người đàn ông là cha, là anh biết bao. Tôi thèm nằm trong hơi ấm, trong vòng tay rắn chắc của một người anh, người cha biết bao. Như người đang rất thèm một giấc ngủ đông ấm áp. Vậy mà hôm nay, một người đàn ông lịch sự, sang trọng, xa lạ gọi tôi thật trìu mến.

Tôi còn đang ngượng ngùng thì mẹ tôi đã đỡ lời:

- Em nó tên Nhạn, đã mười ba tuổi rồi, mới học lớp sáu thôi đó. Nhạn, chào anh đi con.

Tôi đang lí nhí trong miệng thì người đàn ông kéo tôi lại, nhìn tôi chăm chú, kỹ càng như tìm kiếm một dấu ấn gì đó. Người đàn ông nói chuyện với mẹ tôi rất lâu, suốt cả buổi chiều. Sau đó anh ở lại nhà tôi hai hôm. Tôi thấy mẹ tôi khóc tấm tức, và ôm tôi thật chặt vào hai đêm đó. Mẹ gọi em tôi lại, ba mẹ con ngủ trong hơi ấm giữa mùa đông giá lạnh. Buổi sáng thức dậy, tôi thấy vai tôi đẫm nước. Tôi không biết rằng, đó là đêm cuối cùng tôi ngủ lại ở mái nhà tranh thôn dã này, đêm cuối cùng tuổi thơ, tôi đắm trong làn nước mắt của mẹ.

Thành phố đón tôi bằng một sự kiện mà sau này tôi nhớ suốt đời, nhớ như nhớ chính thân phận của mình.

Người anh tôi (từ nay tôi có một người thân để gọi anh), tên Hải An, đang là sinh viên năm cuối của một trường đại học. Hải An là con út, "nhưng từ nay anh đã có em thế chỗ rồi". Anh nói với tôi như vậy. Bây giờ tôi mới hiểu thân phận của mình, về một mối tình mà kết quả của nó là tôi, một đứa con không hôn thú. Tôi mang khai sinh họ mẹ. Mẹ tôi trở thành người đàn bà goá, lại mang tiếng không chồng mà chửa. Điều đó thật khủng khiếp ở cái làng quê khép kín sau luỹ tre này. Còn tôi thì hiểu thế nào là một mái nhà không có bàn tay đàn ông. Anh Hải An nói với tôi: "Em từ nay có tên mới: Kim Nhạn, còn đây là gia đình mình, em là thành viên mới". Một buổi tôi đi học, một buổi ở nhà làm bếp. Công việc so với khi tôi còn ở quê là quá nhẹ nhàng. Tôi như lúa gặp mưa rào. Chỉ một tháng sau, các cô gái thành thị phải ghen với nước da trắng hồng của tôi. Còn các chàng trai học lớp trên thỉnh thoảng lại gọi tôi bằng một câu đùa ai nghe cũng phải tức cười: "... Thị ơi, thị rơi bị bà... già nhà anh". Tôi nghe cảm thấy vui vui, buồn buồn, tủm tỉm cười.

Một hôm tôi đang lau nhà, nghe có tiếng chuông đổ. Anh Hải An ra mở cửa, có tiếng dép loẹt quẹt, tiếng một người đàn bà nghe rất chói tai, hỏi anh tôi: "Con bé này có phải không?". Có tiếng anh Hải An nói nhỏ. Người đàn bà nhìn tôi chằm chặp, từ đầu đến chân, soi mói như con thú nhìn món mồi trước mắt. Tôi đứng lặng nhìn bà ta. Cho đến khi bà lê tấm thân phục phịch khỏi nhà, tôi mới hỏi anh Hải An bà ta là ai? Anh Hải An chỉ cười nói: "Chuyện người lớn, em chưa nên biết làm gì".

Gia đình mới của tôi có ba người: anh Hải An, chị Kim An và tôi, con bé mang tiên Kim Nhạn. Chị Kim An ít nói, chỉ trò chuyện với tôi lúc rảnh, hỏi dăm ba câu. Phần lớn thời gian chị chúi đầu vào sách vở. Chị làm việc ở một viện nghiên cứu. Nghe nói chị có bằng cấp cao lắm. Sau này tôi mới biết, chị bảo vệ luận án tiến sĩ ở Nga về. Năm tôi về thành phố, chị Kim An đã ngoài ba mươi tuổi mà vẫn chưa chồng.

Người đàn bà hôm nọ thỉnh thoảng vẫn đến, vẫn nhìn tôi soi mói, tọc mạch và ác cảm như thể tôi là căn nguyên gây nên nỗi bất hạnh của bà.

Đôi khi tôi nghĩ cuộc đời mình như chia làm hai nửa mà nửa nào cũng chứa đựng những bí mật tôi không thể và chưa thể biết.Tôi lần giở từng trang quá khứ, đó là cuộc sống của cha tôi, của mẹ tôi như hai dòng suối đổ vào một sông rồi lại chia làm ba ngả và để lại tôi: một nhánh thứ ba bắt nguồn từ hai dòng suối đó.

Anh Hải An vẫn thỉnh thoảng kể về cha chúng tôi, về gia đình khi cha còn sống. Tôi chắp vá từng câu chuyện ghép lại như một tấm áo choàng lên mình. Nó không đủ che kín những khuất tất của đời tôi và tôi sống trong ánh mắt nhìn tò mò có phần dè dặt của một số người.

Cứ như thế, tôi biết được câu chuyện tình của cha mẹ tôi, những điều mà trước đây tôi luôn tự đặt câu hỏi mà không biết trả lời. Tôi biết ngoài mẹ tôi ra, cha tôi còn có một người đàn bà khác. Người đàn bà đó với cha tôi đến với nhau không phải bằng tình yêu mà bằng một sự sắp đặt. Khi cha tôi biết mình bị lừa thì đã quá muộn. Phần vì buồn chán, phần vì không muốn nhìn thấy sự dối trá, ngang trái tiếp tục trước mắt mình, nên cha tôi xung phong vào bộ đội. Khi đó chiến trường đang rất cần một bác sĩ giỏi như cha tôi.

Khi cha gặp mẹ và mối tình của họ đã sinh ra tôi, lúc đó mẹ đang là thanh niên xung phong. Vì cuộc tình này mà mẹ phải về làng. Mẹ không muốn cha bị kỷ luật nên đành chấp nhận lặng lẽ ra đi.

Quá khứ của tôi là như thế, tôi chôn chặt trong lòng. Sau này, khi tôi là sinh viên Mỹ thuật, thầy giáo dẫn chúng tôi đi thực tập ở miền Trung. Nơi đây xưa kia là chiến trường, nay vẫn còn vết bom loang lổ. Nhìn tác phẩm của mình có tên là "Quá khứ", tôi vẽ một hố bom với xác máy bay lỏng chỏng, bên trên là trường học với những đứa trẻ. Thầy giáo cười, bảo tôi nhìn quá khứ bằng ánh mắt trẻ con, trong sáng và hồn nhiên.

Đêm nay tôi cùng mẹ nằm mắc võng ngoài gốc cây đầu nhà. Ánh trăng xuyên qua cây soi xuống vườn những hình thù loang lổ nhìn như một bức tranh còn loang màu vẽ.

Tôi và mẹ lật giở những trang giấy ố vàng, những trang thư cha viết cho mẹ khi cha còn sống. Cha dặn anh Hải An phải tìm cho được mẹ con tôi và trao lá thư này cho mẹ. Mẹ đọc từng dòng chữ mà mắt nhoè đi ướt cả trang giấy. Lâu nay, những giọt nước mắt của mẹ không thấm vào vai tôi, không thấm vào trang thư ướt đẫm linh hồn của cha tôi mà thấm vào gió, nắng... hào phóng và bao dung.

Tôi nắm bàn tay gầy guộc của mẹ, còn mẹ lại cầm quạt lặng lẽ quạt cho tôi như thuở nào mẹ quạt cho cha sau những đêm trực chiến.

Rồi tôi lại ra đi, tôi đi từ chiều tối cho kịp chuyến tàu sáng. Tôi bước đi, bóng cau đầu nhà tôi như dáng hao gầy của mẹ vẫy tàu lá như cánh tay vừa như chào vừa như níu kéo.

Tôi hình dung quê mình như một bức tranh vẽ dở. Có một hố bom, một mái nhà bên hàng cau yên ả. Xa xa là bóng những cột điện cao thế đang kéo về ánh sáng thị thành, một con đường đất đỏ, màu đỏ như làn môi tôi hay đỏ như màu nước trầu ngày xưa bà tôi vẫn thường nhai bỏm bẻm.

Mảnh trăng đã nhô cao, như con mắt nhìn xuống những làng quê yên tĩnh.

P.X.H
(183/05-04)

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Đêm của bướm (24/07/2009)
Bảng chữ cái (21/07/2009)
Ma chim (20/07/2009)
Bão cát (10/07/2009)