Truyện ngắn
Lưỡi dao
10:21 | 13/05/2022

TRƯƠNG CÔNG DŨNG

I
Những ngày đầu ở thôn Phước Quả tôi không "bắt rễ" vào được một gia đình nào cả. Trước khi phân công tôi về đây, Trần Quốc Nghĩa - đội trưởng đội công tác kiêm Chủ tịch Uỷ ban Quân quản xã - cho tôi biết sơ bộ tình hình của thôn.

Lưỡi dao
Minh họa: Phạm Đại

Bằng một giọng trầm và chậm rãi, Nghĩa nói như đang đọc báo cáo thống kê:

-... Một trăm phần trăm dân cư gốc công giáo Thừa Thiên vào lập ấp theo quốc sách dinh điền thời Ngô Đình Diệm. Một trăm phần trăm các gia đình có người tham gia ngụy quân, ngụy quyền. Toàn bộ dân trong thôn bỏ chạy theo quân ngụy rút vào thị xã Phước Long cho đến khi chấm dứt chiến sự mới trở về. Nhiều người chết và bị thương.. Không có cơ sở cách mạng. Tư tưởng chống cộng rất sâu sắc.

Tôi nhìn ra ngoài sân. Trời nắng chang chang. Trong bầu không khí đục bụi đất đỏ, tôi hình dung ra một bức tường lớn bằng đá chắn ngang trước mặt. Tôi lẩm bẩm: - Khó quá...

Nghĩa làm như không nghe tôi nói, vẫn giọng đều đều:

- Ông về đó xây dựng chính quyền cách mạng. Hiện giờ chỉ có một mình ông. Bộ đội thì đóng quân ở sâu trong rừng. Trước mắt có lẽ ông nên thành lập một tổ du kích. Sẽ trang bị hai AR15 và một AK.

- Để làm gì? Tôi hỏi.

- Nếu ông không cần thì thôi. Nghĩa có vẻ hiểu ý, và động viên: - Tôi tin tưởng ở ông.

Tôi chia tay Nghĩa, khoác ba lô về thôn.

Thôn nhỏ. Dăm chục nóc nhà quây quần quanh một khu đất rộng ở giữa có nhà lồng chợ. Cảnh vật vắng vẻ đìu hiu. Nhà lồng chợ trống trải, không một bóng người. Vài cái sạp tre gãy đổ bám đầy bụi. Một cơn lốc nhỏ xoáy bốc rác rưởi và những cọng rơm trên sân.

Tôi có cảm giác như dân trong thôn đã kịp trốn hết vô nhà đóng kín cửa lại ngay trước khi tôi bước qua sân chợ. Không tiếng người nói. Không tiếng gà gáy. Không tiếng chó sủa. Phía sau dãy nhà đổ sập vì đạn pháo, nhà thờ của thôn còn nguyên vẹn, đứng sừng sững một cách bề thế với gác chuông im lặng cao vút. Một bầu không khí nặng nề đầy đe dọa đang chế ngự toàn thôn.

Tôi ngắm nghía hồi lâu, lựa chọn ngôi nhà vào loại khang trang nhất, bình tĩnh bước tới gõ cửa. Bên trong nhà vọng ra những tiếng thì thào rồi im bặt. Tiếp đến là tiếng lách cách của then khóa và cuối cùng cánh cửa cót két miễn cưỡng mở ra.

Một ông già ngoài sáu mươi, chắc là chủ nhà, cúi rạp xuống đất:

- Xin kính chào ông. Thưa quý ông, quý ông cần chi ở bầy tui?

- Tôi được cấp trên cử về làm chủ tịch chính quyền cách mạng. Tạm thời xin được ở nhờ nhà bác. Chắc sẽ không làm phiền bác nhiều lắm đâu.

Tôi nói bằng cái giọng chắc nịch giống như ra lệnh nhưng trong bụng vô cùng lo lắng: Nếu như ngay từ nhà đầu tiên này mà người ta từ chối không cho tôi ở nhờ thì chắc chẳng còn gia đình nào dám chứa tôi cả. Không có gì đáng tiếc hơn là phải mắc võng ngủ ngoài vườn theo kiểu các cán bộ dân vận tài ba vẫn thường được tiểu thuyết mô tả.

- Xin mời quý ông vô.

Ông già nói lạnh nhạt, đứng tránh qua một bên. Và quay sang người con gái đang lấp ló nơi cửa bếp:

- Mi dọn giường cho quý ông đây nghỉ. Còn mi và mệ mi kể từ hôm nay xuống bếp mà ngủ.

Ông chủ nhà thuộc loại thạo đời. Ở vào hoàn cảnh này khó có thể tìm được một câu đuổi khách nào khác hay hơn. Ông ta toan bỏ đi nhưng tôi mỉm cười giữ lại:

- Còn một việc nữa. Cũng kể từ hôm nay, tạm thời bác làm đại diện cho nhân dân trong thôn. Mọi việc tôi sẽ bàn với bác. Trước hết, ngay bây giờ bác cùng các anh em đây... - Tôi đưa mắt về phía hai thanh niên vận đồ lính cộng hoà đứng ở góc nhà đang gườm gườm nhìn tôi - Các con bác phải không? Bác cùng với họ lập cho tôi danh sách đầy đủ tất cả các hộ gia đình trong thôn. Tên tuổi, nghề nghiệp, cấp bậc và chức vụ ở chế độ cũ. Bản danh sách ấy không được sót tên một ai, kể cả những người vắng mặt, và nộp cho tôi trước bảy giờ tối nay.

Tôi vừa nói vừa tháo ba lô ngồi xuống ghế. Ông chủ nhà bước tới trước mặt tôi, nhăn nhó so vai:

- Thưa ông chủ tịch, xin quý ông thương, tui không thể làm đại diện cho dân ở đây được. Xin ông chỉ người khác.

- Đại diện cho dân thì ai làm mà chẳng được. Còn đây là lệnh. Ông đừng từ chối.

Rồi để mặc cho ông chủ nhà đứng ngây người vì cách đánh giá hết sức quái gỡ về chức vụ đại diện cho dân, tôi cúi xuống mở ba lô, lấy khăn mặt vắt lên vai. Trước những cặp mắt chăm chú của mọi người, tôi rút súng ngắn từ trong thắt lưng ra, đút cẩu thả vào ba lô, buộc lại rồi đứng dậy. Tôi đến bên người con trai lớn của ông chủ nhà - anh ta đứng cao hơn tôi gần một cái đầu - vui vẻ vỗ vai:

- Anh không từ chối chỉ chỗ cho tôi rửa mặt chớ?

- Mời ông! - Anh ta đáp cộc lốc rồi dẫn tôi đi.

Sau bữa cơm chiều vẫn chính anh chàng cao lớn ấy đem đến cho tôi một xấp giấy học trò ghi đủ những mục tôi đã yêu cầu. Tôi đoán không sai: Trong bản danh sách lem luốc đầy lỗi chính tả đó, gia đình anh ta nổi bật lên bởi những chức vụ có thế lực nhất. Mấy anh em trai đều là sĩ quan bảo an và địa phương quân. Người anh rể vắng mặt hiện là thiếu tá của sư đoàn 25 bộ binh. Người con gái "phải xuống bếp ngủ" từng làm thư ký hội đồng xã.

Tôi hoàn toàn yên tâm. Bây giờ thì chẳng cần phải có hai AR15 và một AK của Nghĩa nữa. Ít ra thì những lúc tôi có mặt ở nhà, và nhất là về ban đêm, sự an nguy của gia đình này cột chặt với mạng sống của tôi. Ai chớ ông chủ nhà khôn ngoan kia chắc chắn chẳng chịu chơi dại đâu.

Nhưng đêm đó sự an tâm của tôi tan biến mất. Khi tôi vừa chợp mắt, những nhà xung quanh bắt đầu đọc kinh. Lần đầu tiên trong đời tôi nằm ngủ giữa xóm đạo và nghe buổi cầu kinh ban đêm.

Như được chỉ huy bởi một cái vẫy tay thần kỳ, những lời cầu nguyện đột ngột bừng lên đều khắp trong thôn. Có một cái gì đó vô hình nhưng dài lê thê bắt đầu cất mình lên khỏi những nóc nhà xác xơ, bay vào đêm tối. Nó bay là là trên mặt đất. Nó vật vã khóc lóc: lúc nức nở, lúc thổn thức. Bằng một giọng trầm và đục, nó ai oán rên rỉ, than vãn cho cuộc sống oan trái cay nghiệt của bao nhiêu kiếp ngươi. Rồi bỗng đổi giọng bay vút lên trên những cung bậc cao, nó van xin, cầu khẩn và hy vọng chứa chan. Cái bản hợp xướng đau buồn nghe chẳng rõ lời ấy chơi vơi, mênh mông, có lúc lặng đi tưởng chừng như sắp tan vào đêm đen, rồi đột nhiên xuất hiện ào ào, sầm sập. Rồi lại lặng đi như một hơi thở dài.

Nỗi hoảng sợ làm tôi như bị ngạt thở. Bằng một cử chỉ vô ý thức, tôi đưa tay lên cầm lấy khẩu súng ngắn để dưới gối. Những ngón tay tôi chạm vào khối thép lạnh ngắt. Ngay lúc đó tôi chợt hiểu ra một điều hết sức đơn giản: "Nếu muốn, người ta chỉ cần búng một cái mình cũng chết".

Nhưng suốt đêm hôm đó không ai búng và tôi cũng chẳng chết. Tôi ngủ thiếp đi trong khi trái tim đập nặng nhọc.

II

Từ buổi sáng hôm sau cho tới mấy ngày tiếp theo, tôi lần lượt đi thăm và làm cái gọi là công tác dân vận ở khắp các gia đình trong thôn. Tôi đã đoán trước sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng thực tế còn phủ phàng hơn tôi tưởng. Mặc dù tôi đã vận dụng đến mức cao nhất mọi hiểu biết về phương diện tâm lý, nhưng kinh nghiệm sống, thậm chí bắt chước theo những truyện tôi từng được đọc, chỉ mong mỗi một việc là làm quen và nói chuyện cởi mở với một người nào đó. Nhưng tất cả đều vô ích.

Dân trong thôn mỗi khi gặp tôi đều vội vã chào hỏi rất cung kính. Nhưng khi tôi gợi chuyện thì họ trả lời gọn lỏn "Dạ bẩm ông, có!", "Dạ thưa ông, không!". Ngoài ra đố có thể moi ở miệng họ một câu nào khác hơn.

Có lần tôi thử ngồi im lặng hàng giờ để người tiếp chuyện phải buộc miệng thốt ra một câu gì đó. Nhưng mãi khi tôi hoàn toàn tuyệt vọng thì người ta mới chịu mở miệng ra. Và câu tôi nghe được là như thế này:

- Dạ thưa ông, xin ông cho phép tôi đi có chút việc.

Tất nhiên là sau đó chính tôi phải cút thôi.

Người ta thậm chí không nói chuyện với nhau khi có mặt tôi. Chỉ một lần duy nhất tôi được nghe một phụ nữ nói, mà chắc chắn là nói về tôi, khi tôi đi ngang qua nhà chị ta:

- Đồ chó! Sao trời không đánh chết hết tụi bay đi!

Chị liếc xéo tôi một cái rất nhanh, cúi xuống lượm hòn gạch bể ném về phía hai con chó đang gầm ghè cắn nhau.

Chó là loài gia súc duy nhất của thôn còn sống sót. Tất cả trâu bò heo gà đều chết sạch khi nơi đây xảy ra các trận đánh đẫm máu. Những con chó vắng chủ trở nên hoang dại, tụ tập thành từng đàn kéo nhau đi gặm xương người chết rải rác trong các khu vườn. Ban đêm chúng tru lên từng hồi ghê rợn, giống như tiếng hú của một lũ chó điên.

Tôi bất lực, bi quan và buồn bã.

Tôi hoàn toàn không có ai để chia sẻ nỗi khốn khổ của tôi. Đã mấy lần tôi tính đến chuyện mang ba lô trở về với Nghĩa. Nhưng như thế thì còn mặt mũi nào.

Cái buồn càng trở nên da diết hơn vào những buổi chiều cô đơn, khi hoàng hôn đang tắt dần trên những triền núi xa. Từng đám mây xám nặng nề giăng mắc ở chân trời. Tôi đứng một mình trên quãng đường dốc cuối thôn, lòng ngổn ngang trăm mối. Tôi đứng rất lâu, bất động, như muốn chờ xem khi tia nắng cuối cùng loé lên lần chót, thì nhờ một sự kỳ diệu nào đó có thể làm nảy sinh trong đầu tôi một phương cách tốt đẹp khả dĩ kéo tôi thoát khỏi tình trạng bế tắc như hiện nay không.

Ý nghĩ thật viễn vông. Gió chiều bắt đầu lồng lộn và khí lạnh của cao nguyên từ từ thấm qua lớp áo mỏng. Tôi muốn quay về, nhưng khi hình dung ra nét mặt cau có của ông chủ nhà, ánh mắt hằn học của những người con, ngọn đèn dầu âm thầm và nhất là khi nhớ tới buổi cầu kinh ban đêm, tôi không muốn cất bước nữa.

Phía dưới chân tôi đứng là một đoạn hào trú ẩn đã sạt lở. Đất ba dan đỏ sẫm loang lỗ như những vệt máu khô. Xa hơn một chút, ở nơi những cành cây bị đạn bắn gãy nhưng còn vương trên thân, đang đung đưa theo gió, có một cái hố nhỏ cỏ dập xác xơ. Chắc có một viên đạn pháo hoặc một trái lựu đạn đã nổ ở đây.

- Điều gì đã dẫn dắt những con người không hề quen biết nhau tìm đến nơi đây để tàn sát nhau kia chớ? Ai đã thổi bùng lên ngọn lửa căm thù cháy rần rật trên khắp mọi miền của đất nước và đang âm ĩ với nhiệt độ không thể tưởng tượng được trong cái xóm đạo nhỏ bé kia? - Tôi nghĩ thầm và ngồi xuống. - Ta làm gì bây giờ.

Cho mãi đến tận lúc này, khi ngồi xuống, tôi mới chợt nhìn thấy ở góc đường hào có ba chân nhang đã tàn lụi. Trên đất lờ mờ một hàng chữ ai vạch nắn nót: "Con sẽ trả mối thù này".

Tôi rùng mình. Hình như có một hơi thở nhẹ vừa lướt qua những ngọn cỏ. Cái gì vậy? Người ta đòi trả thù ư. Và chẳng lẽ cuộc trả thù bằng máu ấy lại sẽ xảy ra ngay ở nơi đây hay sao?

Đột nhiên dòng suy tư của tôi biến mất. Có một linh tính nào đó khiến tôi vụt đứng lên, quay phắt lại khi nghe một tiếng động rất nhỏ sau lưng.

Một cô gái chừng mười tám tuổi đứng cách tôi mấy bước. Trong ánh sáng bàng bạc của buổi hoàng hôn, mắt cô đỏ rực long lanh. Tay cô cầm một lưỡi dao nhỏ, sáng lấp loáng.

- Cháu muốn gì? - Tôi hỏi bằng giọng bình thản tới mức chính mình cũng tự ngạc nhiên.

- Tao muốn giết mày. - Cô gái trả lời cũng bình tĩnh như thế.

- Cái đó thì hơi khó. Không nên!

- Ai cho phép mày khuyên tao? - Giọng cô gái hơi run nhưng rất hung dữ.

- Cả cách nói cộc cằn thô lỗ đó nữa. Sẽ không ai khen cháu đâu.

- Mặc kệ tao.

Cô gái tái mét mặt, run bắn người. Hình như cô đang lưỡng lự không biết có nên liều lĩnh lao vào tôi với con dao nhỏ trong tay không. Lúc đó tôi mới có dịp quan sát. Đầu tóc cô gái rối bù, toàn thân bẩn thỉu, chân không mang dép, quần áo rách bươm. Một vết rách trên vai áo bị gió thổi lật qua lật lại.

- Tại sao cháu muốn giết tôi?

- Mày không cần phải hỏi...

Chưa dứt lời, cô vung dao lao thẳng vào tôi, hung hãn như một con thú dữ. Tôi né tránh, gạt lưỡi dao rớt xuống đất, đẩy cô ra. Cô đứng sững bất lực, nhìn tôi vô cùng căm tức.

- Đừng làm như vậy nữa. Nếu muốn giết tôi thì có nhiều cách lắm. Bây giờ thì chắc chắn không được đâu. Tôi nói khẽ, có phần uể oải. - Cháu nên về nhà đi. Trời tối rồi. Tôi về đây. Cháu có cùng đi với tôi không?

Cô gái không nói không rằng, lùi ra xa tránh lối cho tôi. Sau mấy bước tôi dừng lại, hỏi rất thật thà:

- Tại sao cháu không nhờ người khác. Người lớn có thể làm được việc hơn cháu lắm chớ?

- Tao không muốn. Tao muốn chính tự tay tao. Và bằng cách này. Sẽ còn lần khác. Lạy Chúa! Lúc đó dù mày có van xin tao cũng không tha.

- Thôi được. Đó là ý muốn của cháu. Nhưng dù sao thì cũng nên nhớ rằng đây là lần đầu tiên chúng ta gặp nhau. Tôi không thích tiếp tục những chuyện tồi tệ như thế này nữa đâu.

Tôi bỏ đi, lòng tràn ngập nỗi buồn bã xót xa. Cho tới khi vào đến sân chợ, quay nhìn lại tôi vẫn thấy cái bóng nhỏ bé ấy đứng lặng như một pho tượng trên đầu dốc, in hình lờ mờ trên nền trời đã chuyển xanh đen.

III

Sau chuyện đó vài hôm tôi bắt đầu gặp vận may. Một lần sau buổi cơm chiều, ông chủ nhà tự tay pha trà mời tôi uống. Lần đầu tiên kể từ ngày về ở thôn này tôi mới thấy nét mặt ông có phần dễ chịu. Và điều kỳ lạ hơn là cô con dâu ông ta lại rang thêm một đĩa đậu phộng đặt lên bàn, mỉm cười mời tôi dùng.

- Sắp có chuyện gì đây. - Tôi nghĩ thầm, lặng lẽ hút thuốc, thong thả nhả khói bên ngọn đèn tù mù.

- Dạ thưa ông, tui xin thưa cùng ông một chuyện. Dạ, nếu ông nghe không phải, xin ông làm ơn bỏ qua cho. - Ông chủ nhà xoa tay, điệu bộ rất lấy làm long trọng.

- Xin bác cứ nói. Không nên khách sáo.

- Dạ thưa ông, chiều hôm trước ông đi chơi nơi quãng dốc cuối thôn, bầy tui lo lắng quá. Hiện giờ tàn quân còn nhiều trong rừng. Họ có thể bắn lén. Xin ông cẩn trọng cho.

Ông chủ nhà khôn ngoan thật. Nói ra vẻ tử tế nhưng cũng để doạ dẫm. Câu chuyện chiều hôm trước, dân trong thôn ai mà cũng chẳng biết. Vì thế tôi trả lời thản nhiên:

- Cám ơn bác. Lần sau tôi sẽ thận trọng hơn.

Và chuyển sang giọng ân cần, tôi gợi ý:

- Tôi ở đây đã lâu. Chẳng lẽ ngoài chuyện đó bác không còn chuyện gì khác để nói với tôi hay sao?

- Dạ, thưa có. Dạ, dạ... - Ông lúng túng rồi vội tiếp: - Dạ còn nữa chớ.

Tôi im lặng chờ đợi, tiếp tục nhả khói thuốc lá.

- Thưa ông, trưa nay bà con trong thôn có nhờ cụ trưởng họ đạo đến trình ông một việc nhưng lúc đầu cụ sợ, không dám nhận.

Tôi đoán có việc gì khá cấp bách đối với dân trong thôn. Không thể bỏ lỡ cơ hội. Tôi hỏi:

- Về chuyện gì. Và cụ trưởng họ đạo hiện nay ở đâu?

- Dạ, cũng chẳng phải việc gì lớn lắm. Dần bầy tui nói hoài cụ mới nhận lời. Cụ vẫn còn sợ và đang chờ trong bếp.

- Sao bác không mời cụ ra ngoài này nói chuyện cho vui.

Ông chủ nhà quay vào bếp dẫn cụ trưởng họ đạo ra. Đó là một ông lão bảy mươi, nhỏ bé hom hem. Ông lão nâng bộ râu dài, lập cập bước từng bước. Đến trước mặt tôi, lão chắp tay xá một cái, run rẩy ngồi xuống ghế. Trong bộ dạng ông lão chẳng khác nào con chiên lành của Chúa đang phải đi gặp quỷ Sa Tăng. Ông lão phều phào:

- Dạ, kính bẩm ông. Xin ông tha tội nếu con lỡ dại làm ông giận. Việc này do bà con trong thôn sai con tới đây trình với ông chớ không phải do con tự nghĩ ra. Dạ, lỡ có gì xin ông làm phước bỏ qua.

- Xin mời cụ dùng nước. - Tôi cười, đẩy ly nước tới trước mặt người cai quản phần hồn của thôn - Có chuyện gì xin cụ cứ nói. Và xin cụ đừng xưng hô như vậy nữa. Tôi chỉ đáng tuổi con cháu của cụ thôi.

Dạ bẩm ông, con xin cám ơn ông. Thưa ông, chắc ông cũng biết, chỉ còn vài ngày nữa là tới Tết. Hôm nay đã hăm tám rồi. Dạ, bà con sai con tới xin ông cho phép được kéo mấy hồi chuông nhà thờ vào chiều ba mươi, lúc giao thừa và sáng mùng một. Dạ, nếu ông vui lòng cho phép, bà con xin được tập trung ở nhà thờ vào sáng mùng một để làm lễ đầu năm.

Tôi đau lòng. Dân ở đây biết Cộng sản vốn không ưa gì những người Công giáo. Nhưng không ngờ họ sợ đến thế. Tôi nghiêm mặt:

- Ông làm trưởng họ đạo ở đây đã lâu chưa?

- Dạ, dạ... Cái này không phải do con nghĩ ra. - Ông lão hơi hoảng.

- Ông trưởng họ đạo. Tại sao ông không thực hiện các chủ trương, chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời?

Tôi đứng dậy. Ông lão ngửa người ra phía sau, há hốc miệng. Tôi có cảm giác ông lão sắp ngất vì sợ hãi. Ông chủ nhà vội vã bước tới đỡ lưng cụ trưởng họ đạo. Tôi nói tiếp một hơi rất nhanh:

- Ông có thấy trong các buổi họp dân tôi đã nhiều lần yêu cầu mọi người nhanh chóng ổn định mọi mặt sinh hoạt và đời sống. Ông là trưởng họ đạo ở đây, công việc của ông là lo phần hồn cho giáo dân. Tại sao trong những ngày qua ông không lo việc kéo chuông nhà thờ, không tổ chức cho bà con đi lễ. Chẳng lẽ tôi phải làm việc đó thay ông hay sao? Hay ông vẫn cho rằng tôi là kẻ thù của các ông. Ông đã nghe hoặc thấy tôi cấm đoán điều gì về tín ngưỡng chưa. Ông nghĩ tôi là loại người nào?

Tội nghiệp cho cụ trưởng họ đạo. Ông lão bàng hoàng ngơ ngác. Đến khi sực hiểu ra, nét mặt ông trở nên tươi rói. Bằng một cử chỉ không thể ngờ được, ông lão cầm tay tôi, nước mắt ràn rụa:

- Thưa ông, bầy tui xin đội ơn ông. Xin ông cho phép tui đi báo tin để bà con được mừng.

Không rời mắt khỏi tôi, ông lão bước lùi ra cửa, thoáng một cái biến mất vào trong bóng đêm. Quay sang ông chủ nhà chưa hết ngạc nhiên, tôi uể oải xua tay:

- Ông có biết tôi ngán ngẫm đến mức độ nào không? Lòng căm thù, sự hèn hạ, thái độ khúm núm kính cẩn giả tạo... Tất cả những cái đó đem lại cho các ông lợi ích gì chớ? Ông thừa biết rằng trong những ngày qua tôi rất muốn nói chuyện với các ông, muốn tâm tình với bà con trong thôn. Nhưng bây giờ tôi không muốn nói thêm điều gì nữa đâu. Các ông phải biết rằng cuộc sống bình yên và tương lai của cả thôn này nằm trong tay mọi người dân ở đây. Tuỳ các ông đó.

Tôi khoát tay, bỏ đi ra ngoài sân, ông chủ nhà theo sát sau lưng:

- Chúng tôi thật có lỗi với ông. Xin ông bớt giận cho...

Chưa bao giờ tôi ngủ ngon như đêm hôm ấy. Trước khi chợp mắt tôi hoàn toàn không nghĩ ngợi thêm điều gì. Đầu óc tôi nhẹ nhàng thanh thản mặc dù bên ngoài trời tối đen như mực và gió lạnh không thôi rú rít trên các mái nhà.

IV

Từ hôm sau thái độ dân trong thôn đối với tôi khác hẳn. Kèm theo những câu chào hỏi đã có thêm nụ cười. Nhiều người mời tôi đến nhà chơi. Cả thôn cùng tôi lo chuẩn bị Tết.

Kể cũng buồn. Trong đời tôi chưa từng chứng kiến cảnh đón Tết nào nghèo như ở Phước Quả năm ấy. Phần lớn lương thực và tài sản của các gia đình đều bị mất trong lúc loạn ly. Mọi người rầu rĩ, nhất là thanh niên. Họ ngồi tụm năm tụm ba buồn bã nhắc lại những kỷ niệm của các Tết trước. Tôi gấp rút tập hợp họ lại, thành lập ngay chi hội thanh niên. Nhiệm vụ đầu tiên là lo tổ chức Tết cho cả thôn.

Đêm liên hoan tất nhiên tổ chức ở nhà lồng chợ. Dân trong thôn tới dự không thiếu một ai. Tất nhiên thôi, trước những tổn thất, những nỗi đau buồn và sự nghèo nàn, người ta dễ gắn bó với nhau hơn. Ba đống lửa lớn cháy rừng rực, soi sáng cả sân chợ. Đám con nít với tính hồn nhiên không thể mất được của chúng bắt đầu đùa dỡn, hò reo như lũ quỷ. Người lớn nhìn chúng cũng vui lây. Những nụ cười làm cho các khuôn mặt hốc hác khắc khổ trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn.

Tôi phát biểu vài câu ngắn gọn để khai mạc rồi đề nghị thanh niên ca hát. Họ hưởng ứng ngay. Cuộc vui trở nên tưng bừng náo nhiệt. Những lời ca bay trong đêm. Những cơn đau dịu bớt, những nỗi buồn lắng xa. Tôi đang ngắm nhìn nét mặt từng người qua ánh sáng bập bùng của đống lửa chợt một cô bé ngồi bên cất giọng buồn rầu:

- Ôi, phải có Maria Nguyệt ở đây thì hay biết bao!

- Nguyệt nào? - Tôi ngạc nhiên hỏi.

Mấy thanh niên ngồi gần đó vụt sa sầm mặt. Một người mau miệng đỡ lời:

- À, một con nhỏ trong thôn. Nó theo gia đình di tản về Sài Gòn từ khi mới thất thủ Đồng Xoài. Thôi, kệ nó. Nghĩ đến nó mà làm gì.

Tôi cảm thấy có một cái gì đó không ổn. Người ta đang nói dối và cố dấu tôi chuyện gì. Tôi chợt nhớ tới cô gái tôi gặp trên quãng đường dốc chiều hôm trước. Từ bữa đó tôi không gặp lại cô, và cô cũng không có tên trong danh sách các hộ dân trong thôn.

- Tình cảnh cô ta ra sao? Vì sao cô căm thù chúng tôi đến như vậy. Đêm nay cô đang làm gì, ở đâu? - Tôi nghĩ thầm - Cô ta hẹn gặp lại mình. Chẳng lẽ cái chuyện đau lòng ấy sẽ còn tiếp diễn nữa ư?

Tôi cố xua đuổi những ý nghĩ phiền muộn để trở lại với cuộc vui. Nhưng hình ảnh cô gái với đôi mắt rực lửa căm thù vẫn cứ hiện lên trước mắt tôi. Hình như cô vẫn quanh quẩn đâu đó, trong bóng tối xa xa kia. Lấy gì để làm dịu đi nỗi đau trong lòng người con gái ấy.

Đêm liên hoan kéo dài đến gần sáng. Không ai muốn rời bỏ cảnh náo nhiệt tưng bừng để trở về với nếp nhà cô quạnh của mình.

Sáng hôm sau khi tôi còn ngủ thì cụ trưởng họ đạo trở lại. Lần này cụ tỏ ra thân mật hơn. Cụ nói rằng bà con trong thôn mời tôi đến nhà thờ dự lễ với họ. Tôi nhận lời và đi theo ông lão.

Nắng chênh chếch trải vàng trên đồi núi và trong những khu vườn. Tháp chuông cao vút của nhà thờ trở nên lộng lẫy hơn trong nắng. Từ nơi đó tiếng chuông đổ hồi ngân nga, bay trên những nương rẫy xanh rì, âm vang đến tận những cánh rừng và những triền đồi xa.

Tới nhà thờ, tôi đứng ở phía sau, lặng lẽ nhìn giáo dân làm lễ. Điều khiến tôi hết sức ngạc nhiên là những bài thánh ca do tốp nữ của thôn hát mới hay làm sao. Nó tươi mát như bắt đầu một ngày mới, nhẹ nhàng như một tấm lụa trắng và mỏng, dịu dàng uyển chuyển như những thiên thần có cánh đang đưa tay trên các cung đàn. Chắc chắn những người hát đang ấp ủ trong lòng mình những ước mơ thiêng liêng nên mới có thể hát hay đến như vậy.

Cuối buổi lễ, cụ trưởng họ đạo nói với giáo dân:

- Kính thưa bà con. Nhờ ơn trên nên bà con thôn ta được tự do, yên ổn làm lễ trọng đầu năm. Mọi năm chúng ta có đức cha làm lễ và giảng đạo. Nhưng năm nay cha bỏ về Sài Gòn... Vì vậy, - Cụ trưởng họ đạo hơi ngập ngừng - Thôi thay vì có cha giảng đạo, chúng ta kính mời ông chủ tịch lên dạy mấy lời đầu năm cho bà con trong thôn.

Tôi thoáng bối rối vì không ngờ cơ hội lớn đến thế. Ông chủ tịch chính quyền cách mạng - người Việt cộng ngoại đạo - lại được giáo dân mời thay cho đức cha rao giảng những lời đầu năm thì quả là chuyện xưa nay hiếm. Nhưng nếu quá lạm dụng thì không khéo sự việc lại trở nên khôi hài. Vì thế tôi chỉ nói ngắn gọn vài phút, nhắc lại các chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Tôi động viên bà con mau chóng ổn định đời sống để bắt tay vào sản xuất, và chúc mọi người một năm mới hạnh phúc.

Thế là tôi đã bắt đầu nhập cuộc.

V

Tôi bận túi bụi, ngập đầu trong công việc. Nhiều tuần lễ trôi qua và một cơ chế thôn giải phóng đã hình thành với chính quyền, các đoàn thể và lực lượng du kích. Những người phụ trách không phải theo kiểu "ai làm mà chẳng được", mà do đại hội nhân dân bầu ra. Họ là những người có uy tín, có năng lực nên lãnh đạo nhân dân thực hiện các công tác của chính quyền rất hiệu quả.

Nhiệm vụ chính của tôi là giáo dục chính trị tư tưởng cho nhân dân, đặc biệt chú trọng đối với thanh niên. Thật ra trên đời này chẳng có gì nghe sướng tai hơn là các bài giảng tuyên truyền về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Thanh niên rất thích. Họ không ngờ rằng cái xã hội tương lai mà tôi chưa hề được thấy nhưng lại mô tả vẻ vời rất chi tiết cũng tốt đẹp không khác thiên đường của Đức Chúa Trời là mấy.

Những người già tỏ ra thận trọng hơn. Họ nói: - Bầy tui mong chính quyền cách mạng làm đúng những điều như ông đã giảng. Nếu được như vậy thì phúc đức cho bầy tui biết chừng nào.

Họ chú ý theo dõi mọi bước đi, thái độ và cách làm việc thực tế của tôi. Ngược lại tôi cũng hết sức thận trọng. Tôi hiểu rằng mỗi sai làm dù rất nhỏ cũng đều có thể dẫn đến những hậu quả tai hại không lường hết được. Cũng may ở đây không ai biết rằng tôi chỉ là một kỹ sư được điều động tham gia đoàn công tác tiếp quản Phước Long chớ không phải là cán bộ chính trị chuyên nghiệp. Lần đầu tiên trong đời tôi phải đụng vào cái công tác dân vận phức tạp này.

Tôi thao thức nhiều đêm. Trong những lúc suy nghĩ căng thẳng về công việc, thỉnh thoảng tôi lại nhớ đến cô gái đầu bù tóc rối với con dao nhỏ sáng loáng. Tôi muốn gặp lại cô, hay ít ra cũng hiểu biết được thêm chút gì về cô. Hình như cô sống đâu đó quanh đây và luôn dõi sát theo tôi. Một lần đang giảng bài cho thanh niên trong sân trường tiểu học đổ nát bên cạnh khu vườn, tôi chợt có cảm giác như ai đang rình nghe ở bụi rậm gần đó. Khi tôi quay sang nhìn chỉ thấy một bóng nhỏ thấp thoáng rồi biến mất. Tôi muốn hỏi thăm về cô gái nhưng chưa có dịp. Hơn nữa dân trong thôn chắc chắn chưa muốn cho tôi biết rõ sự thật.

Nhưng dù sao cô cũng đã hẹn gặp lại tôi. Và cô giữ đúng lời hứa.

Hôm đó một người dân trong thôn đến xin phép tôi được bán một con bò cho những người hàng thịt ở thôn bên cạnh. Con bò này ông ta gởi nhờ dân Stiêng ở sóc Thượng nuôi từ trước ngày giải phóng nên may mắn còn sống sót. Tôi hỏi ông ta:

- Bác bán bao nhiêu?

- Thưa ông, bảy chục ngàn.

- Vậy bác về dắt con bò lại đây.

Người chủ con bò lo lắng. Tôi hỏi chi hội trưởng thanh niên:

- Nếu làm thịt con bò bán giá lẻ, được bao nhiêu?

Anh ta trả lời không suy tính: Không dưới một trăm ngàn.

- Ngày mai anh tập trung thanh niên lại. Nam xẻ thịt, nữ đem đi bán. Được không?

- Xong ngay thôi! - Anh ta vui vẻ, tỏ ra mừng vì có dịp được giúp ông chủ tịch. Còn tôi quay sang người chủ con bò:

- Tôi mua con bò này. Trưa mai tôi trả tiền.

Ngày hôm sau vụ mua bán diễn ra rất gọn. Chưa đầy một giờ con bò đã biến thành đống thịt lớn. Các cô gái chẳng cần phải đem đi đâu xa. Dân trong thôn thừa tiền nhưng thiếu thức ăn chỉ trong chốc lát đã mua hết ngay. Xong xuôi, các cô đếm tiền. Vừa chẵn một trăm năm chục ngàn.

Mọi người tin chắc ông chủ tịch đang rất phấn khởi vì kiếm được món tiền lớn. Nhưng tôi không hề đụng tay đến xấp tiền để trên bàn. Tôi hỏi ông chủ con bò đang thấp thỏm:

- Hôm qua bác nói giá bao nhiêu?

- Thưa ông, nếu bán cho người khác tôi lấy bảy chục ngàn. Còn bán cho ông tôi xin để rẻ hơn.

- Được thôi. Bác chịu khó bán rẻ một chút nghe. - tôi mỉm cười - Tiền kia. Bác đếm đủ một trăm ngàn, còn thì để lại đó.

Chủ con bò cười tươi nói. Ông ta nói vài câu từ chối chiếu lệ rồi vội vã đếm tiền. Ông ta luôn miệng cám ơn còn những người xung quanh tấm tắc khen - Ông chủ tịch tốt bụng quá!

Khi mọi người sắp giải tán, chi hội trưởng thanh niên nhắc tôi:

- Kìa, chú cất tiền đi chớ.

- Tiền nào, - Tôi hỏi.

- Thì năm chục ngàn tiền lời của chú chớ còn tiền nào.

- Sao lại là tiền của tôi? - Tôi nheo mắt. Chi hội trưởng thanh niên không hiểu ý tôi muốn gì. Tôi vỗ vai anh ta:

- Tôi có đụng tay vào việc này đâu?

- Vậy thì tiền này là của ai?

- Của tất cả những ai tham gia buổi lao động hôm nay. Hay nói cho đúng hơn thuộc về quỹ chung của chi hội thanh niên. Đừng cãi nữa. - Tôi ngăn không cho chi hội trưởng thanh niên phản đối. - Anh cử một người làm thủ quỹ cho chi hội rồi làm giấy biên nhận đi.

Tôi yêu cầu mọi người giải tán để tránh khỏi nghe những lời khen nịnh sắp được dịp bùng lên. Nhưng khi mọi người vừa đi khỏi bỗng một một giọng trong veo nhưng hết sức cộc cằn đập vào tai tôi:

- Lại bày trò đạo đức hả?

Tôi giật mình quay phắt lại.

Cô gái ấy. Đúng là cô ta.

Cô gái mặt mũi lem nhem bẩn thỉu dựa lưng vào cột nhà đang hầm hầm nhìn tôi. Cô chen lẫn vào đám đông tới đây từ lúc nào không ai hay.

- Tại sao mày không lấy tiền? - Cô hỏi bằng giọng của quan toà.

- Còn tại sao cháu lại ở dơ thế này?

Cô gái không ngờ bị hỏi như thế nên lúng túng. Cô đỏ mặt giận dữ:

- Ai cho phép mày chê tao?

- Không phải chê. Chỉ hỏi thôi. Giống như cháu vừa hỏi tôi vậy.

- Giống sao được. Mày là một thằng Việt Cộng, còn tao là...

- Là ai?

- Là một con điên! - Cô gái vụt rú lên cười sằng sặc và tìm cách tiến lại gần tôi.

Tôi nhìn thẳng vào mắt cô. Cô ngó lại trừng trừng không chớp. Cô bắt đầu lảm nhảm.

- Mày là một thằng đạo đức. Ha ha!... Còn tao... ha ha, tao là một con điên. Này, thằng Việt Cộng đạo đức kia, mày có dám nói chuyện với con điên không? Ha ha!... lại gần dây. Mày có dám lại gần tao không?

Không rõ vì cố ý hay vì đang sống trong cảnh nghèo khổ thật sự, tấm áo cô mặc hầu như đã rách nát. Hai hột nút cổ đứt tung và ở chỗ đó có thể nhìn thấy gò vú nhỏ nhắn, trắng và rắn chắc.

- Đạo đức thì không khó. Nhưng điên như cháu có khó lắm không?

Cô gái đứng sững lại. Khoảng cách giữa tôi và cô chỉ còn chừng một thước. Cô hơi động đậy như sắp sửa rút dao. Còn tôi cũng sẵn sàng vung tay gạt ra.

Có tiếng chân người bước nhanh. Chi hội trưởng thanh niên ập vào như một cơn lốc. Anh ta nhào tới nắm vai cô gái đẩy rất mạnh và quát lớn:

- Con khùng, ai cho mi vô đây?

Trong tích tắc đó tôi bất chợt bắt gặp ánh mắt anh ta nhìn cô gái hết sức dịu dàng. Tôi hiểu ngay là anh đang phải đóng vai trong một vở kịch không được chuẩn bị trước. Tôi giữ tay anh ta lại:

- Đừng xô cô ấy như thế. Anh không thấy chúng tôi đang nói chuyện với nhau hay sao? Thật ra thì chúng ta vẫn hiểu nhau nhiều hơn anh tưởng đó, người anh em ạ.

Cô gái vụt ôm mặt khóc tức tưởi rồi bỏ chạy. Tôi ngồi xuống ghế. Chi hội trưởng thanh niên lấm lét nhìn tôi. Tôi nói với anh ta:

- Từ nay anh và chi hội cố giữ cô ta ở lại trong thôn, đừng để đi lang thang nữa. Còn lần sau nếu gặp chúng tôi đang nói chuyện, anh nhớ đừng can thiệp nữa nghe.

VI

Những ngày sau đó cô thường xuất hiện trong thôn. Nhưng mỗi khi thoáng thấy bóng tôi cô lập tức tránh ngay. Ban đêm cô ngủ ở đâu tôi cũng không rõ. Tôi thử hỏi thăm vài người dân nhưng ai cũng cố tình trả lời cho qua chuyện:

- Ôi, con nhỏ đó bị khùng từ nhiều năm nay. Chú quan tâm làm gì.

Tôi không ngây thơ đến mức có thể tin lời họ. Tôi bị ám ảnh bởi người con gái ấy. Nhưng thật là lạ. Khi nghĩ về cô tôi không còn nhớ tới đôi mắt đỏ rực căm thù và lưỡi dao sáng loáng nữa. Tôi chỉ thấy bóng dáng đó xanh xao và u buồn. Cô mở to mắt nhìn tôi. Đôi mắt chứa đựng tất cả những điều bí mật đầy đau khổ.

Tôi phải tìm hiểu cho ra chuyện này. Trong khi đó cuộc sống mới ở thôn Phước Quả đã bắt đầu những bước đi đầu tiên đàng hoàng chững chạc. Và chính bản thân tôi cũng bị cuốn hút vào nhịp sống của nó.

Nhờ số tiền lời của lần con bò mà chi hội thanh niên có một ngân quỹ khá lớn. Tôi tìm cách tổ chức cho thanh niên đào củ mỳ ở các rẫy bỏ hoang, bán cho chính quyền để cứu trợ các vùng bị đói. Chẳng bao lâu tiền quỹ đã lên tới hơn một trăm ngàn.

Lúc đầu không ai biết dùng số tiền đó để làm gì. Có tiền chỉ để ngó thì thật vô lý. Nhưng có một chị phụ nữ đến xin tôi mấy viên thuốc cho các cháu nhỏ bị sốt rét. Chị than thở rằng trạm xá xã khám bệnh miễn phí còn thuốc phải mua mà nhà chị lại nghèo quá. Tôi nghĩ được cách giải quyết.

Tôi họp thanh niên, hỏi họ liệu có thể lấy quỹ của chi hội để thanh toán tiền thuốc men cho dân trong thôn được không. Câu hỏi đó là thừa, vì đối với ai chứ đối với những thanh niên trẻ trung này, lòng dạ họ còn trong sáng quá, những việc nghĩa cử như thế có bao giờ lại bị từ chối.

Hồi đó chưa ai dám ăn hối lộ nên việc thanh toán tiền thuốc cho dân khá đơn giản. Tôi chỉ việc dặn trạm xá xã mỗi khi bán thuốc cho dân phải ghi hoá đơn để chúng tôi thanh toán. Thanh niên thôn tôi lấy làm hãnh diện về việc này lắm.

Rồi chính chi hội thanh niên đề xuất việc mua sách vở giấy mực cho các cháu học sinh cấp I khi ngành giáo dục cách mạng khai giảng lớp học. Trường cũng do họ xây dựng, sơ tán ven rừng đề phòng bị ném bom. Mấy tay thanh niên làm ẩu nên nhà mới dựng lên đã bị sập. Các cụ già trong thôn chửi cho họ một trận và chất vấn tôi: - Việc xây dựng trường học vì lợi ích chung của nhân dân, sao ông chủ tịch không cho bọn già bầy tui tham gia, cái đám thanh niên ấy chỉ được cái sức vóc trâu bò chớ đâu biết gì mà đòi làm nhà.

Tất nhiên ngay sau đó thôn có được một trường học rất đẹp và chắc chắn.

Cô gái kỳ lạ kia tham gia tất cả các sinh hoạt của thanh niên trong thôn, trừ những lúc có mặt tôi. Khi đang làm bất kỳ việc gì, thấy tôi tới, cô lập tức quay lưng bỏ đi. Những lúc ấy tay chi hội trưởng thanh niên tỏ ra hăng hái, hò hét động viên mọi người làm ra vẻ có quyền lực lắm. Nhưng tôi biết rất rõ khi vắng mặt tôi, quyền lãnh đạo thuộc về cô gái ấy. Cô gần như có uy tín tuyệt đối với thanh niên trong thôn. Tất cả các công tác của chi hội khi không có tôi tham dự đều được cô chỉ huy thực hiện, hoàn tất rất chu đáo.

Có lần tôi bắt gặp cô hát với tốp nữ của thôn. Giọng cô không lẫn vào đâu được. Nó ngọt ngào một cách buồn thảm, pha quyện niềm khao khát và nỗi ưu tư. Tôi đứng khuất trong bóng đêm lặng lẽ nhìn cô. Khuôn mặt cô trong ánh lửa đêm hoàn toàn không giống những lần chúng tôi đối diện nhau. Khuôn mặt ấy dịu hiền và rất đẹp.

VII

Cụ trưởng họ đạo - người đã mở cho tôi cánh cửa nhỏ để vào thôn Phước Quả - thật ra là một ông lão rất tốt bụng và hiểu biết nhiều. Những lúc rãnh rỗi vào buổi tối tôi thường tới nhà ông uống trà và trò chuyện. Tôi mượn sách đạo và kinh thánh tranh thủ nghiên cứu thêm. Ông lão không biết tôi đọc để làm gì nhưng rất thích thú. Ông hay hỏi tôi về chủ nghĩa cộng sản, các nguyên lý và các vấn đề thuộc về đạo đức.

Có lần sau khi nghe tôi trình bày xong, ông lão trầm trầm nhận xét:

- Vậy nếu trừ cái chuyện một bên tin có Đức Chúa Trời có thánh thần và ma quỷ, còn bên kia không tin ra, thì nói chung cả người Công giáo lẫn cộng sản và cả Phật giáo nữa, cũng đều khuyên người ta làm việc thiện, việc tốt, bỏ việc ác, làm lành tránh dữ. Chỉ khác một điều thôi...

- Điều gì?

- Công giáo và Phật giáo khuyên người ta chịu khổ, cam phận bị đoạ đày để được đền bù ở Thiên đường hoặc cõi Niết bàn. Còn Cộng sản các anh kêu gọi mọi người chiến đấu hy sinh cho một tương lai tốt đẹp của các thế hệ mai sau. Nhưng thế hệ nào mới được kia chứ?

Tôi giật mình, nhìn thẳng vào mắt ông già. Đôi mắt sâu nhỏ đầy nếp nhăn như chỉ hé mở. Ông lão gật gù thì thầm:

- Bầy tui chỉ là dân...

Tôi có cảm giác như ông muốn nói thêm "điều gì mà dân lại chẳng biết". Nhưng ông chỉ lẩm bẩm: - Ai nói sao bầy tui hay vậy thôi.

- Còn lòng tin? Chúng ta đều có lòng tin. Nhưng một bên dùng lòng tin để chịu đựng, còn một bên dùng lòng tin để chiến đấu. Thiếu lòng tin con người làm sao sống nổi.

Cụ trưởng họ đạo lặng thinh. Bên ngoài trời tối đen như mực. Gió từ trên các triền núi xa tràn xuống các cánh đồng, thổi hun hút. Gió khuya bao giờ cũng mang theo mùi cỏ dại ẩm ướt và hăng sè. Đống lửa ai đốt ban chiều ngoài sân chợ lúc cháy âm ỉ, lúc bùng lên nổ lách tách, tung vào trong đêm vô số đốm sáng nhỏ li ti. Một con chim ăn đêm vỗ cánh bay qua, cất tiếng kêu ảo não.

Ông lão uống thêm một hớp trà, khẽ thở dài rồi bất chợt hỏi tôi:

- Anh có giận Maria Nguyệt không?

- Nguyệt nào? - Tôi ngạc nhiên.

- Cái con khùng mấy lần tính đâm anh đó. Tội nghiệp! Anh đừng giận nó. Nó không phải điên khùng gì đâu. Nó tốt lắm. Anh thấy nó rách rưới, lem luốc, bẩn thỉu, nhưng lòng dạ nó trong sáng lắm. Bà con thôn ni ai cũng thương nó. Tội nghiệp! Nó là thiên thần mắc đọa. Anh không thể hiểu được đâu.

Tôi im lặng. Ông lão rầu rĩ ho. Một lát sau ông bắt đầu kể.

- Hồi ba má và bà nội con Nguyệt mới lên đây lập nghiệp, má nó đang có bầu. Khi sinh nó ra, chính tui đặt tên thánh cho nó là Maria. Lạy Đức Mẹ đồng trinh. Xin Người hãy thương xót và che chở cho đứa con gái khốn khổ mang tên Người.

Hồi đó con nhỏ mới dễ thương làm sao. Đôi mắt nó to tròn và trong sáng như đôi mắt một con chim non. Mũi nó cao, cái miệng nó nhỏ xíu và đỏ tươi như một nụ hoa. Nước da nó trắng như bông lài chứ không phải đen đúa như bây giờ. Nó giống má nó như đúc.

Chị Lan má nó thiệt đẹp. Dáng người thon thả thanh tú. Nghe đâu hồi chưa lấy chồng, chị làm vũ nữ ở Sài Gòn. Chị nói chuyện dịu dàng và hát rất hay. Lúc đó tui ở trong thị xã. Gia đình con Nguyệt ở liền sát nách. Chị Lan làm chiêu đãi viên cho một nhà hàng, còn anh Tư chồng chị làm công cho một tiệm đóng giày. Hai vợ chồng sống với nhau yên ấm, hạnh phúc lắm.

Con Nguyệt và bà nội nó hay qua nhà tui chơi. Nó rất thích nghe tôi kể sự tích các vị Thánh, giống như tui kể cho anh mấy bữa vừa rồi. Lạy Chúa! Có ai khuyên bảo nó điều gì đâu mà nó tự nói rằng lớn lên nó nhất định sẽ không lấy chồng, để dâng mình cho Đức Mẹ. Chao ôi, anh có biết bên Công giáo bầy tui một lời hứa với Đức Mẹ nghiêm trọng đến mức độ nào không? Chẳng lẽ Bề Trên đã khiến cho nó nói lên điều đó hay sao?

Nhưng rồi bỗng đâu tai họa đột nhiên đổ xuống gia đình nó.

Một hôm có phái đoàn ngoại quốc từ Sài Gòn về làm việc bên dinh tỉnh trưởng. Buổi chiều ông tỉnh trưởng mở tiệc chiêu đãi các ngài cố vấn ở nhà hàng nơi chị Lan phục vụ. Thấy chị Lan đẹp, bọn họ mời nhảy. Vì hồi trước đã từng làm vũ nữ ở Sài Gòn nên chị Lan không tiện từ chối. Ai dè tụi ngoại quốc say rượu, giở trò khốn nạn ngay trước mặt ông tỉnh trưởng. Ông cũng không dám nói chi. Tụi nó cả thảy tám thằng. Rồi đem xe đưa má con Nguyệt về nhà. Tới nơi chỉ còn cái xác.

Dinh tỉnh trưởng gởi ba con Nguyệt năm chục ngàn, nói là để chia buồn. Bọn họ quen dùng đồng tiền để mua sinh mạng con người, mua phẩm giá, danh dự và hạnh phúc nhỏ nhoi của những người nghèo khổ. Đồng tiền là như thế đó anh ạ. Tui thấy anh coi rẻ đồng tiền quá. Như thế thật là tốt. Cách mạng dạy anh như thế phải không. Nhưng được bao lâu kia chớ? Rồi đây đến ngày đất nước thanh bình, anh sống trong gia đình có vợ con, anh lại phải cần đến đồng tiền mất thôi.

À, mà tui kể tới đâu rồi nhỉ. Phải rồi, tui nhớ ra rồi. Ba con Nguyệt là người nhu nhược. Trong cơn đau buồn và tủi nhục, anh tìm cách lãng quên bằng khói thuốc phiện. Năm chục ngàn đồng biến thành khói độc tiếp tục tàn hại cuộc đời ảnh. Con Nguyệt và bà nội nó cùng tui hết lời khuyên can nhưng cũng chẳng ăn thua. Con người bất hạnh ấy ngày càng ốm o còm cõi và cuối cùng chỉ còn chờ chết.

Nhưng số ba con Nguyệt không chỉ chết vì ma túy. Hồi Mậu Thân Việt cộng các anh, pháo kích vô, nhà con Nguyệt trúng đạn, ba nó chết liền tại chỗ. Trong vòng hai năm con Nguyệt chịu hai cái tang. Mẹ chết vì quốc gia, cha chết vì cộng sản. Nó thành ra đứa mồ côi. Chỉ còn hai bà cháu ôm lấy nỗi đau khổ nương tựa vào nhau. Tội nghiệp!

Tui năm nay ngoài bảy mươi rồi. Sống như vậy đã là nhiều nhưng chưa từng thấy gia đình nào tang thương đến như vậy. Sao những người lương thiện cứ phải bị đày đọa như thế. Khi Lan mất, tui dự lễ rửa tội cho chị ấy. Tui đọc lời kinh cầu nguyện "Cầu Chúa ban phước lành cho Anna này được lên thiên đàng và sánh cùng các bậc thánh thần, A men!". Nhưng linh hồn chị ấy đi đâu tui không thể biết. Nỗi đau cuối cùng trong đời chị có dịu đi không nào có ai hay. Còn chồng chị nữa, cái linh hồn đau đớn và yếu đuối của anh ấy được ngơi nghỉ chốn nào?

Tui ngán ngẫm sự đời. Hồi đó người ngoại quốc vô nhiều. Ai sống chụp giựt thì giàu sang và được người đời trọng vọng. Còn ai giữ bản sắc đạo lý dân tộc Việt Nam thì thành ra thủ cựu lạc hậu. Ở thị xã riết rồi làm ăn không nổi, tui dời về thôn Phước Quả này. Chỗ láng giềng sống với nhau nhiều năm, lại chứng kiến cảnh nhà con Nguyệt như vậy, tui đưa hai bà cháu nó đi theo luôn.

Con Nguyệt càng lớn càng giống mẹ. Nó đẹp dịu dàng nhưng đôi mắt thì rất buồn. Nó hiền lành chăm chỉ, chịu khó làm ăn. Mới từ thị xã về nó đã đi làm ruộng rẫy với chị em chúng bạn, không thua kém ai. Ai có công chuyện chi nhờ tới, nó đều sốt sắng giúp đỡ thành ra ai cũng thương. Khi nó lớn, đám thanh niên nhiều đứa mê, nhưng khi ngó vô khuôn mặt trang nghiêm buồn như ảnh Đức Mẹ của nó, không đứa nào dám suồng sã cả.

Hai bà cháu sống với nhau trong căn nhà nhỏ gần quãng dốc cuối thôn. Con Nguyệt ban ngày làm ruộng rẫy, ban đêm cùng đám con gái vô nhà thờ ca hát. Nó thích hát thánh ca hơn những bản tình ca. Chao ôi, trong cảnh đời địa ngục này, mỗi khi nghe tiếng nó hát tưởng chừng như thiên đàng đang xích lại gần.

Có lần tui hỏi nó đã thương ai chưa. Nó cười, lắc đầu và thở dài: - Con đã dâng mình cho Đức Mẹ rồi. Chắc đến khi con bắt đầu biết yêu thì cũng là lúc con sắp được trở về với Mẹ đó thôi.

Anh lấy làm lạ lắm phải không? Những điều tui kể về con Nguyệt không giống như những lần anh gặp nó phải không? Đời thay đổi lắm, anh ạ. Anh có thấy đôi lúc cuộc đời như kéo dài lê thê, buồn chán tẻ ngắt, tưởng chừng không bao giờ thay đổi. Nhưng rồi bỗng nhiên chợp mắt một cái, đã đảo lộn, đổ sập. Rồi một cái gì đó mới mẽ, khác thường bỗng xuất hiện. Có khi cái mới là điều lành, chuyện tốt. Nhưng cũng có khi lại là đau khổ tai ương. Ai mà biết trước được.

Cũng như sau khi có hiệp định Pari, bầy tui cứ tưởng đất nước đã được yên hàn. Nào ngờ vẫn còn chiến tranh, tàn phá và chết chóc. Đám lính cộng hoà phải hành quân liên miên, giành dân lấn đất theo mệnh lệnh tràn ngập lãnh thổ của tổng thống Thiệu. Rồi các anh đánh vô đây.

Các anh đánh tới Bù Đăng, Đồng Xoài thì không ngày nào không có gia đình vợ con binh sĩ cộng hòa chạy qua thôn này về trong thị xã. Người ta đồn đại đủ chuyện: nào là Giải phóng chặt đầu binh lính cộng hoà bị thương, mổ bụng moi gan con nít, hãm hiếp phụ nữ, đóng đinh người già lên cây thánh giá... Bầy tui là dân đạo, xưa nay có gặp các anh lần nào đâu. Ai nói sao hay vậy thôi.

Bà nội con Nguyệt cũng vậy. Ngày nào bả cũng chạy qua nhà tui hỏi: "Làm sao bây giờ ông ơi. Lũ quỷ Sa Tăng Cộng sản ấy sắp kéo tới nơi rồi. Làm sao mà thoát khỏi tay chúng?".

Bà nội con Nguyệt hiền lành, mộ đạo lắm. Rồi bả sợ quá sinh bệnh, nằm liệt một chỗ, suốt ngày không ngớt miệng hỏi như mê sảng: "Tới chưa, tới chưa?” Bà lão bảy mươi hai tuổi rồi.

Tui biểu con Nguyệt ra thị xã mua thuốc. Nhưng nó chưa kịp về thì các anh đánh tới thôn. Cả thôn chạy ráo trọi. Chỉ còn một mình bà nội con Nguyệt nằm lại. Khi bầy tui trở về thì bả đã chết. Bà nội con Nguyệt đã chết!

Ông lão ngừng kể, đưa tay làm dấu thánh. Hai hàng nước mắt chảy trên gò má nhăn nheo. Không gian im ắng đến mức có thể nghe thấy tiếng một giọt sương rơi trên cành lá. Cổ họng tôi như bị tắt nghẹn, cố gắng lắm tôi mới thốt nên lời:

- Sao vậy?

- Giải phóng các anh bắn chết chớ sao.

- Làm gì có chuyện đó. - Tôi ngạc nhiên thật sự. - Chắc bà cụ bị trúng miểng pháo chớ gì?

- Khi bầy tui gặp xác bà trong hào trú ẩn ở quãng đường dốc cuối thôn, chỗ anh đứng gặp con Nguyệt bữa nọ, người bà lão lỗ chỗ đầy vết đạn. Mấy thằng thanh niên coi thấy toàn dấu đạn AK. Lính cộng hòa tụi nó bắn bả làm gì.

Tôi không biết nên tranh cãi thêm nữa vô ích. Tôi cáo từ cụ trưởng họ đạo trở về. Ngày hôm sau tôi bỏ hết mọi việc, đi tìm các đơn vị bộ đội ở gần đó để hỏi cho ra lẽ. Cuối cùng sự việc phũ phàng ấy được xác nhận. Một cậu lính trẻ nhăn nhó kể:

- Ôi, dân ở đây khiếp lắm. Toàn là bọn công giáo chống cộng. Chúng nó chống cự như điên. Lúc chúng em tiến vào thôn, bọn lính ngụy chạy sạch. Chỉ còn một mụ già nấp dưới giao thông hào, hai tay cầm sẵn hai quả lựu đạn Mã Lai. Tiểu đội em chạy ngang, con mụ ấy tung lựu đạn ra. Bốn thằng chết. Thằng bạn em bị thương ở vai. Nó quạt cho mụ ấy một băng AK. Thằng ấy đến nay vẫn còn nằm ở quân y chưa về...

Tất cả là như thế đó.

VIII

Tôi không thể gặp để nói chuyện với cô gái đáng thương ấy được. Mà dù có gặp tôi cũng chưa biết sẽ nên nói chuyện gì. Cô không ở hẳn trong thôn. Cách thức đi về khá bí ẩn. Một lần vào lúc xế chiều tôi bắt gặp cô một mình lúi húi đào bới củ mỳ ở rẫy hoang gần suối. Cô không nhìn thấy tôi. Cho đến khi cô đứng dậy, vác bó củ mỳ to nặng lên vai, tôi định bước tới mang đỡ cho cô đem về thôn nhưng cô lại quay lưng đi thẳng về phía rừng. Tôi đứng im nhìn theo và phần nào đoán được cô đem củ mỳ đến cho ai.

Một lần khác sự suy đoán của tôi trở nên chắc chắn hơn.

Hôm đó Trần Quốc Nghĩa triệu tập tôi về họp đoàn công tác. Vì phải giải quyết vài việc gấp trong thôn nên tôi tới trễ. Khi tôi bước vô nhà, buổi họp đang rất sôi nổi.

Mọi người đang bàn chuyện vận động thanh niên tòng quân. Đó là yêu cầu cấp bách của chiến trường. Lúc đó những trận đánh cuối cùng của cuộc chiến tranh ba mươi năm đang diễn ra ở gần sát Sài Gòn. Những nơi thôn mới được giải phóng này không dễ gì vận động được thanh niên tham gia chiến đấu cho chính quyền cách mạng. Hoàn toàn không phải vì họ sợ chết.

Một người nói:

- Tôi vận động khô cả cổ họng mà chẳng ai chịu nghe. Ai cũng lắc đầu. Mấy thằng cà chớn còn trả lời thẳng: Nếu ép riết, tụi nó sẽ bỏ trốn.

Người khác cáu kỉnh:

- Thật là lạ cho cái dân ở xứ này. Cầm súng đánh thuê cho Mỹ, bắn giết đồng bào, lao đầu vào chỗ chết trong khi vợ con ở nhà làm đĩ, thì chịu. Còn khi được kêu gọi tham gia chiến đấu giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương thì lại từ chối. Tôi không sao hiểu nổi.

Những người dự họp ngồi quanh một cái bàn dài. Mặt ai cũng đỏ rực, nhễ nhại mồ hôi. Trời nóng quá. Vậy mà có ai đó nằm trên võng mắc ở góc nhà lại trùm mền kín mít. Chắc anh ta đang lên cơn sốt rét.

- Lễ đưa quân vừa rồi ở Phước Vĩnh ra sao? - Tôi hỏi:

Nghĩa sa sầm:

- Ông không nghe nói hay sao mà còn phải hỏi. Cả thôn chỉ vận động vỏn vẹn được có ba thằng. Thế mà cũng làm rùm beng cả lên. Hôm tổ chức lễ tiễn đưa lại còn mời cán bộ trên tỉnh về dự nữa chứ. Chẳng biết mấy cha nội làm ăn ra sao lại đưa một thằng mất dạy lên phát biểu cảm tưởng. Cầm microphon đứng trước văn võ bá quan, nó hét tướng lên "Nga, Tàu giúp miền Bắc, Mỹ giúp miền Nam, chẳng qua đều để giành giật xâm lược đất nước Việt Nam này thôi. Vì vậy từ nay chúng ta không đi lính cho ai cả". Thế là bọn thanh niên ngồi dưới vỗ tay ầm lên. Kể ra thằng mất dạy ấy cũng liều thật.

- Tại các ông cưỡng ép tụi nó chớ gì? - Tôi hỏi chủ tịch thôn Phước Vĩnh đang đỏ mặt tía tai.

Anh ta lúng túng trả lời:

- Thì có thằng nào chịu tự giác đâu mà không cưỡng ép. Mà tôi cũng đã chuẩn bị đầy đủ cả đấy chứ. Giấy cảm tưởng tôi đã viết sẵn cho nó. Thế là nó phản. Tiên sư bố cái thằng mất dạy ấy.

- Thôn ông đợt này ra sao? - Nghĩa hỏi tôi.

- Mười người. - Tôi đáp.

- Cái gì. Bao nhiêu? - Nghĩa làm như không nghe rõ.

- Mười người.

- Ông không làm bể như ở Phước Vĩnh đấy chứ?

- Không. Tất cả đều tự giác.

Mọi người quay nhìn tôi. Nghĩa hỏi:

- Ông có chủ quan không?

- Rất chắc chắn. - Tôi khẳng định và tiếp - Phước Long mới được giải phóng gần hai tháng. Dân ở đây sống hàng chục năm dưới chế độ cũ, không được tiếp xúc với cách mạng, hiện nay còn đang bỡ ngỡ mà mình lại đòi người ta tự giác cầm súng chiến đấu cho mình thì thật vô lý.

- Vậy ông làm cách nào? - Nghĩa cắt lời.

Tôi chọn những gia đình có đông thanh niên, nói với họ một cách sòng phẳng như thế này: Các anh đã thấy rõ cả rồi đó. Cách mạng sắp thành công. Miền Nam sẽ được hoàn toàn giải phóng. Các anh thử nghĩ xem xã hội mới sẽ tôn trọng và ưu đãi ai? Những gia đình chỉ toàn những người đã từng cầm súng chống lại cách mạng hay những gia đình có tham gia đóng góp cho cách mạng. Các anh hiểu đi tòng quân lúc này có lợi như thế nào rồi chớ. Tôi nói gọn như vậy, các gia đình bàn bạc sôi nổi ngay. Sau đó mười người tự giác ghi tên tòng quân.

- Đồ quỷ - Nghĩa bật cười. - Té ra ông đã biến cách mạng thành món hàng cho người ta đi buôn hả?

- Ừ, thì cứ cho là như vậy đi. Nhưng dù sao thì cũng vẫn là tự giác, tốt hơn nhiều so với bị cưỡng ép. Nhưng anh yên tâm. Sau này các cán bộ chính trị trong quân đội sẽ giáo dục họ dần. Qua chiến đấu và đấu tranh cách mạng họ sẽ giác ngộ ra thôi.

Cuộc họp tiếp tục một lúc rồi giải tán. Nghĩa giữ tôi lại bàn thêm một số việc. Trong lúc nói chuyện, thỉnh thoảng tôi lại liếc người nằm trên võng, trong bụng có phần ái ngại. Tôi hỏi.

- Ai đó. Sốt rét hả?

- Ừ, sốt rét. Một cô bé. Bộ đội ta tuần tra trong rừng bắt gặp cô đang ngất. Anh em đưa về đây. Lúc vừa khiêng cô đi thì chạm trán với tàn quân. Tụi nó nổ súng trước. Hai bên bắn nhau nhưng không ai chết. Y tá đã chích thuốc cấp cứu cho cô ấy.

Tôi giật mình vội bước tới kéo phần mền trùm đầu cô bé ra. Maria Nguyệt mở to mắt nhìn tôi. Cô khẽ lắc đầu. Đôi mắt cô như muốn nói điều gì nhưng tôi không sao hiểu nổi. Tôi nói với Nghĩa:

- Người ở thôn tôi đó. Gia đình cô ta không còn ai. Anh nhớ dặn y tá chăm sóc chu đáo. Nhưng để cho cô ta dự thính những buổi họp như hôm nay thì không nên đâu.

Nghĩa gật đầu. Tôi bắt tay anh và trở về thôn.

IX

Có thông báo trên huyện gởi về yêu cầu tập trung tất cả cảnh sát cũ đưa đi học tập cải tạo. Thôn tôi chỉ có một người. Đó là trung sĩ Trần Vân. Sau ngày giải phóng, theo chủ trương của chính quyền, anh ta cùng vợ con từ thị xã sơ tán về thôn này, ở nhờ nhà dân và làm mướn kiếm ăn. Vợ Trần Vân mang bầu sắp tới ngày sanh. Sau khi anh ta đi rồi, tôi đưa thanh niên đến cất cho chị Vân một ngôi nhà và phụ phát một rẫy trồng mỳ. Nguyệt cũng tham gia buổi lao động hôm đó. Thấy tôi cô không bỏ đi như mọi lần nữa. Cô làm việc rất tích cực mặc dù người vẫn còn yếu.

Khoảng một tuần sau, vào lúc nửa đêm, đội trưởng du kích đánh thức tôi dậy. Anh ta hớt hải:

- Chị Vân đau nặng, đang hấp hối. Chị ấy nhắn anh tới ngay để trối lại vài điều. Đi mau lên!

Tôi vùng ra khỏi giường, nhanh chóng mặc quần áo, vội vã đi theo người du kích. Bên ngoài trời đầy sao nhưng lạnh ngắt. Không nhà nào còn ánh đèn. Cả thôn đang ngủ say.

Nhà chị Vân ở tận trong khe suối. Khi cất nhà cho chị chính tôi lựa chọn địa điểm này vì chị có thai gần sanh, ở gần suối lấy nước thuận lợi hơn.

Chúng tôi đi như chạy, mấy lần suýt vấp ngã vì đường mấp mô. Khi đi trên bờ ruộng trời còn sáng lờ mờ, nhưng vô tới rừng trời rất tối. Đường mòn khúc khuỷu quanh co. Ban đêm vang lên rất rõ tiếng chân đạp trên lá khô và tiếng báng súng AK của đội trưởng du kích đập lách cách bên hông. Tôi đi bươn bã, bụng bồn chồn: Nếu lỡ chị Vân có bề nào...

Trên sân nhà có mấy thanh niên đang đứng chờ. Thoáng thấy tôi họ nói ngay:

- Chú mau lên. Chị Vân sắp chết rồi.

Tôi bước vô. Trong nhà sáng lờ mờ. Một ngọn đèn sắp hết dầu cháy leo lét. Hai phụ nữ đang săn sóc cho người bệnh tránh qua một bên nhường chỗ cho tôi. Chị Vân nằm mê man.

Một người cúi xuống ghé sát tai chị Vân, lay lay hai vai:

- Chị Vân, chị Vân! Tỉnh lại đi. Chú Hùng tới rồi đây nè.

Tôi đưa ngọn đèn lại gần. Khuôn mặt người bệnh trắng bệch, hai mắt nhắm nghiền nhưng hàng mi cứ rung động từng chập. Một hồi lâu chị nấc nhẹ rồi từ từ mở mắt. Chị không nhìn tôi, cứ ngó trừng trừng lên nóc mùng, thều thào từng tiếng đứt quãng:

- Ông chủ tịch. Anh Hùng đó phải không? Tôi sắp chết. Hai đứa con tôi... anh nuôi giùm. Khi nào anh Vân học tập về, anh giao lại. Anh và bà con ở lại. Tôi đi...

Tôi hỏi những người xung quanh:

- Chị Vân bị bệnh từ hồi nào. Sao không đưa đi trạm xá xã?

- Mới từ chiều hôm qua. Chị ấy bị sốt rét. Lúc đầu chỉ nóng sơ thôi. Trưa nay y tá tới khám, cho thuốc, nhưng chị ấy không uống, sợ bị hư thai. Y tá khám xong trở về trực trạm xá xã ngay. Đầu hôm chị Vân trở nặng tới giờ.

Tôi cầm cổ tay chị Vân. Mạch đập rất yếu. Chị Vân tiếp tục thiếp đi. Tôi nói với đội trưởng du kích:

- Còn kịp. Anh đi kêu y tá trở lại mau lên. Nhớ nói đem theo thuốc chích cấp cứu.

Đội trưởng du kích im lặng. Anh ta có vẻ lúng túng. Tôi ngạc nhiên:

- Sao vậy?

- Từ đây tới trạm xá xã phải đi hơn bốn cây số đường rừng. Liệu có còn kịp không. Đêm hôm khuya khoắt, lỡ gặp tàn quân là tụi nó bắn ngay. Tụi nó có biết mình là ai đâu... - Đội trưởng du kích nói lí nhí, giọng run run.

Tôi vốn không ưa con người này. Đó là một người hẹp hòi, ngu ngốc mà lại thích bon chen. Tôi cử anh ta làm đội trưởng du kích theo gợi ý của công an xã. Anh ta có một người chú tham gia cách mạng, và vì thế sống trong thời đại lý lịch anh ta bỗng trở thành con người thơm tho nhất thôn.

Tôi giận tràn hông, hỏi một câu hết sức thừa:

- Anh sợ à?

Đội trưởng du kích im thin thít. Anh ta co rúm, nhìn tôi bằng cặp mắt cầu khẩn. Tôi cố nén giận, hỏi những người xung quanh:

- Ai dám đi?

Nhưng cũng không ai trả lời. Mấy thanh niên bắt đầu lảng dần ra xa, như sợ tôi thấy mặt kêu đích danh họ. Bầu không khí trong nhà càng thêm nặng nề.

Chị Vân khẽ rên một tiếng. Tôi bước lại gần đội trưởng du kích chẳng nói chẳng rằng, đưa tay giật lấy khẩu súng AK đeo trên vai hắn rồi quay lại hỏi mọi người:

- Ai đi với tôi?

Một lần nữa tất cả vẫn lặng im. Người đàn bà đang xoa dầu cho chị Vân thì thào:

- Anh đừng đi. Tụi nó bắn anh chết mất.

Tôi lên đạn khẩu AK, gài khóa nòng, khoác vào vai rồi nói với đội trưởng du kích:

- Anh ở đây coi chừng chị Vân. Khi tôi và y tá trở về mà chị Vân có bề nào thì anh đừng trách. Ngày mai tôi sẽ cử người khác thay anh.

Đội trưởng du kích rũ người như kẻ mất hồn. Nhìn cái bộ dạng thảm hại của hắn, tôi không kìm nổi sự khinh bỉ. Tôi lẩm bẩm:

- Đồ hèn nhát...

Tôi bước ra cửa. Nhưng trên ngưỡng cửa trước mặt tôi, cái bóng dáng nhỏ bé rất thân thuộc đối với tôi đã đứng ở đó từ lúc nào. Cái bóng ấy nói khẽ nhưng rành rọt:

- Tôi sẽ đi với ông.

Rồi xoay người nói tiếp. - Ta đi thôi.

X

Tôi cùng với Nguyệt băng qua cánh rừng thưa, qua ruộng cho tới khi lên đến mặt lộ mà không ai nói với ai một lời. Tới quãng đường dốc cuối thôn tôi đứng lại, rút súng ngắn đưa cho cô:

- Cô cầm lấy và đi sau tôi chừng ba mươi thước. Nếu lỡ gặp tàn quân và xảy ra việc gì thì cô phải trốn ngay vô rừng. Nhưng dù sao cũng phải đem cho được y tá về thôn. Còn thì... - Tôi mỉm cười - Cô nhớ không, trong lần gặp gỡ đầu tiên tôi đã nói rằng cô còn nhiều cách khác tốt hơn.

Nguyệt nghiêm nghị ngắt lời tôi:

- Từ nay về sau ông đừng bao giờ nhắc tới chuyện đó nữa. Ông cất súng đi. Tôi sẽ đi bên cạnh ông.

- Nhưng lỡ gặp tàn quân thì sao? Chắc chắn sẽ bắn nhau. Tất nhiên tôi phải nổ súng trước. Nhưng như thế không có nghĩa là mọi việc sẽ kết thúc tốt đẹp.

- Ông bắn trước ư? Ông cũng giết người ư?

- Để họ bắn trước thì trễ mất rồi. Cô thấy đó, tôi và những người lính tàn quân kia không quen biết nhau, vốn không thù hằn nhau, nhưng chắc chắn sẽ phải bắn nhau. Chúng ta đang sống trong chiến tranh, do đó phải chấp nhận đôi điều vô lý của nó.

- Nghĩa là ông giống như họ?

- Giống ở chỗ cùng đều là con người với tất cả những tình cảm của con người. Nhưng khác nhau về lý tưởng. Mà thôi. Cô hãy nghe lời tôi lùi lại phía sau đi.

Nguyệt lắc đầu, thở dài:

- Tôi sẽ đi bên ông. Nếu gặp tàn quân xin ông đừng bắn trước. Khi có tôi đi bên ông, nhất định họ sẽ không bắn đâu.

- Tại sao?

- Tất cả tàn quân trong khu vực này đều quen biết tôi. Tôi vẫn giúp đỡ họ sống những ngày qua - cô mỉm cười buồn bã - họ gọi tôi là thiên thần nhỏ bé của họ. Tôi nói gì họ cũng nghe theo.

Thì ra là như vậy.

Và thế là chúng tôi đi bên nhau.

Lúc này đã quá nửa đêm nhưng trăng khuya bây giờ mới mọc. Một thế giới huyền ảo dần dần hiện lên trong ánh sáng bàng bạc của chiếc lưỡi liềm bằng vàng đang treo lơ lửng trên bầu trời lạnh ngắt. Khi có ánh trăng, rừng và núi non lùi ra xa, không còn giữ cái vẻ âm u đầy đe doạ nữa. Chúng trở thành một bức tranh đẹp tuyệt vời và nhẹ bỗng. Bức tranh ấy run rẩy khi một ngôi sao rực rỡ lướt nhanh qua đầu chúng tôi, rơi chênh chếch tắt ngấm ở phía chân trời.

Bốn bề im lặng. Ngoài tiếng chân bước và hơi thở dồn của chúng tôi ra, xung quanh không còn một âm thanh nào khác. Chỉ một lần từ bụi cây bên đường, một con thú nhỏ giật mình tốc chạy, phóng ràn rạt trong cỏ tranh. Nguyệt bước sát bên tôi và tình cờ những ngón tay chúng tôi chạm vào nhau. Một cảm giác mơ hồ nhưng cũng đẹp như bức tranh thiên nhiên đang được tấm lụa mềm của sương đêm bao phủ kia làm tôi bồi hồi xao xuyến. Tôi quên đi tất cả những chuyện xảy ra vừa rồi và một trạng thái thơ mộng khiến tôi bỗng chốc bâng khuâng.

- Tại sao ông khinh dân chúng tôi vậy?

Nguyệt đột ngột hỏi. Giọng cô nhẹ nhàng, không gay gắt, nhưng cũng đủ làm giấc mơ của tôi vụt tắt.

- Sao kia?

- Ông coi thường nhân dân chúng tôi quá. Bữa họp ở xã, chẳng phải chính ông đã nói lên điều đó hay sao?

Tôi càng ngạc nhiên:

- Cô hãy nói cho rõ hơn.

- Về việc vận động tòng quân. Ông nghĩ rằng những người dân ở đây không biết yêu nước, không căm thù quân xâm lược, không căm ghét những chế độ làm tay sai cho ngoại bang hay sao? Chẳng lẽ không có các ông, chúng tôi không biết tìm cách chống lại những kẻ áp bức mình hay sao. Việc gì ông phải kích động sự tính toán thiệt hơn tầm thường để người ta tự giác tòng quân kia chớ?

Tôi bàng hoàng. Cô gái đã nói đúng một sự thật hiển nhiên mà tôi không hề ngờ tới. Tôi đã hiểu sai về dân ở đây. Trong những ngày công tác ở thôn Phước Quả, tôi đã làm được vài việc, giành vài thắng lợi. Nhưng đối với những người sống hàng chục năm trời dưới một chế độ khác, tôi quên mất rằng họ, trong khái niệm nhân dân, rất cao cả, khiêm tốn và lớn lao.

Chính cụ trưởng họ đạo đã nhiều lần nói: “Bầy tui chỉ là dân...”.

Tôi nhìn Nguyệt. Cô gái này là ai? Có phải cô đúng là một thiên thần nhỏ bé hay không, hay chỉ là một cô gái nghèo khổ đáng thương, đứa con bình dị của nhân dân. Những lời cô vừa nói ra, là do sức mạnh huyền bí tỏa lai láng từ một nguồn sáng thiêng liêng, hay là tiếng nói trang trọng của những người vốn chỉ là dân.

Có lẽ trong người con gái ấy có cả hai điều đó.

Tôi không thể trả lời những chất vấn của Nguyệt được. Nếu chỉ bằng một lời xin lỗi đơn giản thì tôi không muốn. Vì thế tôi cứ im lặng mãi trên đoạn đường còn lại, cho tới khi vô đến trạm xá xã. Nguyệt cũng không nói thêm lời nào.

Rồi cùng với chị y tá, chúng tôi hối hả trở về thôn. Khoảng nửa giờ sau khi được y tá chích thuốc cấp cứu, chị Vân bớt nóng và ngủ yên. Những con gà rừng thức dậy đầu tiên bắt đầu eo óc gáy.

Những người tụ tập trong nhà chị Vân giải tán dần. Đội trưởng du kích bỏ đi trước tiên. Chị y tá mắc võng ngủ bên giường người bệnh.

Tôi bước ra ngoài sân, ngồi xuống bên một gốc cây, lặng lẽ hút thuốc lá. Tôi không cảm thấy buồn ngủ nhưng toàn thân mỏi nhừ. Nguyệt đến sát sau lưng tôi hồi nào tôi cũng không hay, mãi đến khi cô đưa những ngón tay nhỏ nhắn mềm mại lùa vào mái tóc rối bù của tôi, tôi mới nghe bên tai một tiếng thở dài. Cô thì thầm:

- Ông có mệt lắm không?

Tôi lắc đầu rất nhẹ, như muốn để cho cái cảm giác êm dịu mỏng manh khỏi tan vào làn sương sớm đang quyện phủ xung quanh. Những ngón tay Nguyệt mơn man trên mái tóc tôi. Cô cứ vuốt mãi, vuốt mãi và thời gian chậm chậm trôi trong tiếng tí tách khe khẽ của những giọt sương trong vắt buông mình rơi qua kẽ lá. Một nhịp đập bất thần làm xao động lòng tôi, giống như từ trong đám mây xám ở chân trời kia bỗng rạn nức những ánh hồng nhạt nhòa của buổi bình minh ẩm ướt.

Nguyệt thở dài lần nữa. Cô nói rất nhỏ trước khi bỏ đi:

- Sáng mai ông chờ tôi ở trụ sở thôn. Tôi sẽ tới.

Cô không để tôi chờ lâu. Khi mặt trời vừa cất mình lên khỏi những cánh rừng sau thôn, toả ánh nắng vàng dịu và hào phóng của nó cho buổi sáng mùa xuân tươi mát, tôi nhận ra cái bóng dáng nhỏ bé thân thương ấy từ cuối đường xa. Phía sau có năm người lính tàn quân lầm lũi bước theo. Nòng những khẩu AR15 chúc xuống đất.

XI

Tên của Maria Nguyệt ghi ở dòng thứ mười một trong danh sách những người đi tòng quân đợt đầu tiên của thôn. Tôi không thể giữ cô ở lại mặc dù giờ đây tưởng chừng như tôi chẳng bao giờ có thể rời xa cô được nữa.

Sau buổi lễ tiễn đưa, Nguyệt và tôi tới thăm nơi yên nghỉ cuối cùng của bà nội cô. Bà lão nằm trong vườn cây sau lưng nhà thờ. Những chiếc lá vàng lác đác rơi trên nấm mồ xanh cỏ.

Rồi tôi đưa cô trở lại quãng đường dốc cuối thôn, tần ngần dừng chân bên đoạn hào trú ẩn đã sạt lở. Chúng tôi đứng bên nhau rất lâu trong tiếng chuông dóng dã đổ hồi. Nguyệt ngước nhìn tôi im lặng. Đôi mắt tuyệt đẹp của cô tràn ngập một nỗi buồn khó tả. Cô trao cho tôi một gói nhỏ, thì thầm:

- Ông hãy giữ lấy vật kỷ niệm này. Lưỡi dao đó. Và hãy quên em đi, mặc dù... - Cô quay mặt đi nuốt nước mắt - Có lẽ chẳng bao giờ em quên ông đâu.

Cô ngẩng gương mặt nóng bỏng nhìn tôi lần chót, rồi buông tay tôi ra, hấp tấp quay lưng bước nhanh về phía những người sắp lên đường đang đứng chờ cô.

Thiên thần nhỏ bé ấy vỗ cánh bay đi.

Từ ngày đó tôi không bao giờ gặp lại Nguyệt nữa.

Vài ngày sau khi cô lên đường đến lượt tôi từ giã thôn Phước Quả mang ba lô trở về căn cứ nhận nhiệm vụ mới. Sau chiến tranh tôi trở lại xóm đạo nhỏ bé đã bình yên để thăm các gia đình nhân dân và hỏi thăm tin tức về cô. Nhưng không ai biết số phận người con gái ấy ra sao. Tôi bỏ hàng tháng trời tìm kiếm các đơn vị đã tuyển quân ở vùng này, nhưng đều vô ích. Không ai có thể nhớ hết nổi những đơn vị đã hành quân qua đây. Thiên thần nhỏ bé ấy đã mãi mãi bay xa.

Ôi, thiên thần nhỏ bé của tôi. Giờ này em đang ở đâu? Trong những đêm sâu vắng, khi trần gian đang chìm trong giấc ngủ ngon say, tôi vẫn luôn nhớ em. Tôi nhìn lên bầu trời tím ngắt có vô số vì sao lấp lánh và đau đớn nghĩ rằng, lẽ nào em đã trở thành một ngôi sao xanh biếc, xa xôi trong khoảng không gian lạnh lẽo kia, đang hấp háy nhìn tôi và dõi mãi theo tôi trên những nẻo đời đầy bão táp này, hay sao?

6-1984
T.C.D.
(TCSH52/11&12-1992)

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Khúc (19/04/2022)