Truyện ngắn
Mùa sâm cầm
14:31 | 11/11/2022

CÁT LÂM

1.Về thôi mẹ ơi, nơi đây đã chẳng còn gì ngoài đống đổ nát nữa rồi. Về với gió Hồ Tây để nghe lồng lộng trong buổi mùa đông như mẹ kể. Về với đàn sâm cầm nhởn nha mặt nước. Chẳng có gì cho mình cả, chỉ trừ có nỗi dằn vặt mỗi ngày một nhiều hơn. Về thôi mẹ ơi, về với bà ngoại, ông ngoại, để một lần con được biết mình vẫn còn có họ hàng, có quê hương.

Mùa sâm cầm
Minh họa: PHAN THANH BÌNH

Mẹ quyết định dắt tôi về quê trong một ngày trời trở gió sau ti tỉ lần tôi năn nỉ không thành. Quyết định trở về, mẹ như trút bỏ mọi nỗi. Nào nhớ, nào thương, nào day dứt, nào những đau đáu chưa có lời kết. Còn tôi, như con ruồi gãy cánh, đứng một góc nhìn những bước chân tây ta qua lại mà thương cho phận mình. Phải. Không thương làm sao được ở cái chốn phù hoa này. Bao nhiêu năm ra đời là bấy nhiêu năm tôi sống trong chập chờn sợ hãi. Bao nhiêu năm tồn tại, tôi như một kẻ được xem rõ những khuôn mặt người, nhưng phải giả câm giả điếc để chừa chỗ cho mẹ kiếm cơm.

Mẹ không muốn đón họ đến nhà, cung phụng, chiều chuộng mỗi tối. Thân xác mẹ mỗi đêm như một chuyến đò đưa, toang tác, bải hoải đến hụt hơi. Tiếng là họ đến với mẹ, nhưng ánh mắt hau háu cứ chĩa thẳng vào tôi. Mẹ bảo, tôi còn non dại… Mẹ nói câu đó với ông Tư Đòn, lão Trưởng Đáo, với nhiều người khác nữa.

Tôi luôn sống trong sợ hãi mỗi một ngày qua đi. Sáng. Tôi thường nằm nghiêm, nhìn lên mái nhà. Để làm gì ư? Tôi cũng không biết nữa. Nhưng nó khiến tôi thoải mái. Nó khiến tôi có cảm giác, mình có ý nghĩa với cuộc sống này. Nó cho tôi biết, tôi đang tồn tại. Và nỗi sợ như được ngủ yên.

Sợ. Thực ra thì ở nơi ồn ã này, ai cũng có trong mình một nỗi sợ riêng. Nghe tiếng giày tây ầm ầm trên các ngõ, nghe tiếng nói ồm ồm chẳng phải dân mình. Nỗi sợ vẫn hiển hiện lên từng khóe mắt, nhưng mặc sức, họ vẫn ăn chơi.

Những đêm dài của mẹ, lượng khách cũng đa dạng hơn. Hết khách ta rồi lại khách tây. Phần tôi, cứ diễn tốt vai trò là chiếc cần câu khách nhiều hứa hẹn là được. Có những đêm, mẹ mệt nhoài không kịp tắm. Thế giới này đã biến mẹ thành một cỗ máy chẳng còn gì, bao gồm cả tình yêu.

Nằm nghiêng, ngắm khuôn mặt đã luống tuổi như không có thanh xuân còn thắm, tôi lại tự hỏi, thanh xuân của mẹ thế nào? Có điều gì còn vương vất trong tim không? Đôi khi nhìn mẹ, tôi ước một ngày nào đó, mẹ cảm thấy mệt mỏi, thì tựa vào vai tôi mà nghỉ ngơi. Nhưng mẹ chưa bao giờ làm thế, dù chỉ một lần. Khi con người còn khỏe mạnh thường nghĩ mọi thứ là trường tồn. Mẹ như một con thiêu thân mà quên đường, quên lối. Đến lúc ốm đau bệnh tật mới tiếc những tháng ngày thanh xuân, đã bỏ lỡ nhiều điều.

Cánh cửa nhà khép lại, sau chuỗi ngày không có những cuộc ngã giá. Những cơn ho không dứt, son phấn trở nên dư thừa đưa mẹ về đúng tuổi.

Mẹ đứng rất lâu nhìn về hướng hoàng cung, nơi tưởng gần ngay trước mặt lại hóa xa xôi như để nói lời chào. Trăm vạn câu rồi cũng hóa hư không. Chỉ một cái quay đầu, tất cả thành dĩ vãng.

2. Đường về Hồ Tây xa nhưng chẳng bằng những ngày ở Kinh thành cộng lại. Tôi bồi hồi, xúc động chờ ngắm cánh sâm cầm bay.

Mẹ dắt tôi về vào một ngày tháng Chạp, có mưa. Mưa nhỏ thôi nhưng giăng kín lối. Cơn mưa khiến người ta cảm giác người ướt nhanh nhách. Mưa nơi đây khác xa mưa đất Phú Xuân. Buốt và gió. Mẹ bảo, về quê mùa này sâm cầm nhiều đếm chẳng hết. Chúng đậu từng đàn, từng đàn, đuổi có khi còn không bay. Nhưng khi trở về sâm cầm đâu chẳng thấy. Người với người còn ngại nhìn mặt nhau.

Mẹ chạy tới hỏi một người đi đường, họ ngước mắt nhìn hoài nghi rồi nói, “Ở đâu mới về phỏng? Ở đất này, người còn chẳng thể sống nổi huống hồ là sâm cầm.”

“Già nói cho con biết rõ hơn đi!” “Cống sâm cầm, chưa nghe thấy bao giờ à? Ở vùng này phải bắt sâm cầm tiến cung. Mỗi năm giao cho một xóm, quay vòng. Nhà chị đi được đâu thì cứ đi, đừng về đất này, chết có ngày.”

Mẹ đứng bần thần một chỗ như vừa bị mất thứ gì, như bản thân đang thất bại ê chề. Buông một tiếng thở dài tan trong gió, rồi như nhớ ra điều gì, mẹ dẫn tôi tức tốc về làng, bỏ lại sau lưng cái quá khứ đang dội về như sóng, như gió.

Chúng tôi trở về nhà, con đường làng u uẩn phải qua một nghĩa địa, nơi chôn những thây người đến quan tài còn chẳng có. Người với người nhớ nhau ném cho mấy đồng tiền vàng làm lộ phí, đi đò, kẻo người âm nhỡ có quên lối về. Gió lộng, tiền vàng vương vất, tử khí như muốn đem cả người còn sống đi cùng. Đến mấy con quạ đang đậu trên cành cao cũng như ngao ngán, như muốn nôn mửa. Nhìn thấy bóng người, mặt nó cứ trơ trơ, không biết sợ. Đuổi cũng không thèm bay. Rồi cũng chẳng ai thèm đuổi. Sự hiện diện của nó chẳng khiến người ta phải sợ, chẳng khiến người ta phải dè chừng, ngoài nghe tiếng kêu của nó, người ta biết điềm gở đang ập về. Làng lại có người chết.

Tôi và mẹ đứng nhìn hàng dài những già làng đọc Kinh bắc cầu để người âm nhớ lối trở về như là trút kiên nhẫn, như là trút tấm lòng, và như là gửi luôn phận mình trong từng tiếng cầu kinh mà lòng nặng trĩu. Chuyến trở về này có thật bình an? Có thật là quê hương, có thật là nơi nương náu?

Suốt dọc đường về, tang tóc cứ bủa vây. Bước chân mẹ mỗi lúc một dồn dập. Mẹ cũng đang hoài nghi một điều gì đó mà chẳng nói thành lời. Dọc đường đi, bỗng có một người đàn bà điên còn nhận ra mẹ. “Con gái ông Ba Đang bỏ nhà theo gánh hát phải không? Tôi đã nhìn là không sai mà.” Người đàn bà có khuôn mặt già nua, nhưng tính nết vẫn như trẻ nhỏ ấy vui mừng, hú hét. Bà chạy trước, lao thẳng vào ngôi nhà trên đầu dốc chênh vênh, nơi những đổ nát còn chưa có người dựng, nơi cỏ mọc dài còn cao quá mái tranh. Nơi đám tang còn chưa kịp dứt, nơi hiếm vui hơn đau buồn, người ta cũng đã quá quen.

Người đàn ông luống tuổi, có lẽ là ngoại của tôi, chạy ra trước cổng, tay lăm lăm cây gậy. Đôi mắt, khuôn mặt, đôi bàn tay và cả dáng đứng nữa, thương đấy, nhớ đấy rồi hận cũng sâu; muốn ôm cho thỏa nỗi nhớ nhưng lại muốn đánh cho một trận nhớ đời. Và quy lại, đại họa sâm cầm làm cho teo tóp.

Ông quăng thanh gậy to bằng ống giang rồi tuốt đại một cành roi găng mà vụt. Từng tiếng vụt vút qua xé gió quất thẳng vào tấm lưng áo mỏng của mẹ trước sự chứng kiến của bao nhiêu người.

“Tham phú phụ bần, xướng ca vô loài. Tao phải đánh chết, đánh chết. Mày chết đi, tao chỉ đau một giây, xót một giờ, mày còn sống thì còn làm ô nhục cái gia đình này.”

Mẹ đẩy tôi ra xa, đứng im để cho từng vết roi quất lên mình như là biết trước và chấp nhận kết cục tất yếu đó. Có vẻ như người đàn bà trở về mang theo một đứa con hoang là tôi thì bị ăn đòn là đáng lắm. Hàng xóm láng giềng vây quanh, nhưng không ai nói giúp một lời nào. Tôi nhìn quanh, mong một người cứu độ nhưng chẳng có. Mưa buốt thấu ruột gan.

Tôi ào tới ôm lấy mẹ nhưng cũng không cản được những roi vọt giáng xuống mình. Tôi quỳ lạy để van xin, nhưng tuồng như lời của một đứa con hoang chẳng có giá trị gì.

Đến cuối cùng, ở đâu trong đám đông có người đàn ông mặt nhem mũi nhọ, chân lấm toàn bùn, lưng trần cháy nắng gầy xơ xác chạy tới can. Người đàn ông không đẹp nhưng ghi dấu vào lòng tôi là ánh mắt. Ánh mắt như gom nỗi buồn của cả thế gian. Ánh mắt ấy có cười đến mấy thì vẫn lộ ra vẻ buồn thăm thẳm. Đàn ông mà buồn đến như vậy sao? Là nỗi tổn thương quá lớn hay lòng người quá đuối để vượt qua?

Tôi không biết. Tôi không dự đoán nhiều. Tôi ghi dấu không điều kiện chỉ bởi người ta dũng cảm, ít nhất trong hoàn cảnh của tôi lúc này. Người đàn ông làm cả không gian lắng đọng. Người đàn ông, chỉ bằng ánh mắt khiến ngoại tôi buông bỏ cây gậy trên tay. Người đàn ông lầm lũi bước về, đám đông giải tán.

3. Nếu tôi là mẹ, sẽ chẳng bỏ Thấn mà đi. Nếu tôi là mẹ sẽ chỉ làm công chúa ở xứ này thôi chứ chẳng hoang tưởng về nơi nào khác.

Mẹ bảo người đàn ông ấy là Thấn. Mẹ nói mà ánh mắt nhìn xa xăm. Giọng nói trong đêm còn chút nghèn nghẹn. Thương như vẫn còn mà tủi hờn ngăn cấm. Ngày xưa, chính Thấn là người dắt mẹ đi ngắm sâm cầm.

Chỉ có đi với Thấn là mẹ không bị ông ngoại mắng. Chỉ có Thấn mới có tài để sâm cầm dõi theo. Thấn có thể làm tất cả để chiều theo ý mẹ, ngoại trừ đi theo hát. Còn mẹ, khi ấy, tuổi trẻ mê hát, mẹ quên luôn ánh mắt luôn đợi chờ mà Thấn đứng ở đâu đó mà dõi theo. Cũng phải. Gái vùng Kinh Bắc có ai mà không mê hát. Mẹ bảo, xưa, cứ đến mùa hội, tiếng hát râm ran khắp làng, từ lúc mặt trời chưa mọc tới khi mặt trời lặn hẳn, thậm chí gà gáy canh ba. Hát hay hát dở cũng hát. Hát để tập tành cho mùa hội, hát vì thích hát. Đàn bà con gái mà biết hát sẽ thắm duyên. Chỉ có hát, người ta mới có thể bước từ đồng ruộng lấm lem thành vương công, quận chúa.

Giờ đây, có lẽ trước cái đói, người ta đã quên dần câu hát.

Đêm. Nơi thôn quê lành lạnh. Đêm có mùi cỏ váng vất từ đồng sâu. Nơi mùi bùn lầy mùi lên từ ruộng ải, nơi nước về ngập trắng mênh mông gió lộng. Đêm đàn chuột đồng dạy nhau làm tổ.

Tôi với mẹ vẫn chẳng có nơi nào để trú ngụ. Mưa và sương vẫn giăng như thanh bình vẫn rũ, như thế giới này không có hai mẹ con tôi.

Mẹ bảo, chờ ngày mai trời sáng, sẽ dựng một túp lều bên đê. Ở lại đây thôi không đi đâu nữa. Có lẽ, nỗi chênh vênh đã đủ, giờ là lúc tìm đến yên bình. Nhưng có lẽ mẹ tường hơn tôi số phận của mình chỉ lăn từ chênh vênh này sang chênh vênh khác.

Câu đã ra nhưng lòng còn nhiều lấn cấn. Mẹ ngước mắt nhìn về phía làng, trong lòng đầy tính toan. Dễ lại trăm mối tơ vò trước một quyết định.

4. Tôi đâm mến Thấn. Xin cho tôi được gọi như thế. Trong số đám đàn ông tôi từng gặp, duy chỉ có Thấn nhìn thẳng vào khuôn mặt khi nói chuyện. Duy chỉ có Thấn giữ lời hứa và duy chỉ có Thấn không có quả ổi găng nào mọc lên phía đũng quần.

Làng buồn u uất, lòng người héo hon. Người người lầm lũi như ma trơi bởi đói nghèo hay còn điều gì u uẩn trong lòng. Tôi không biết nữa. Cảm giác bất an dâng trào. Nỗi sợ về những sóng gió như sợ con trâu điên lên cơn húc tới tấp vào bờ bụi.

Khi trời chưa sáng, đoàn người đã nối dài trên đê xuôi về hướng đầu làng khiến cả mẹ và tôi ngơ ngẩn. Tiếng người tuy rất khẽ trong đêm nhưng cũng đủ làm mẹ con tôi tỉnh giấc. Mẹ chạy ra đám bóng đen lầm lũi, túm lấy một người và hỏi xem họ đi đâu thì được rằng, họ đi bắt sâm cầm. Nhưng tại sao thì không ai trả lời cho mẹ biết. Người ta vẫn dùng cái cách đối xử khinh bỉ những kẻ xướng ca vô loài, tham phú phụ bần như mẹ. Mẹ đem câu hỏi đi hỏi Thấn mới hay rằng, người ta bắt sâm cầm để tiến vua.

“Nhưng sâm cầm đã hết, bắt mà để làm chi?”

Không muốn cũng phải bắt, bắt để tiến vua. Làng đã có lệ, mỗi năm một xóm. Mỗi nhà một đôi, nghe thì tưởng dễ, chứ sâm cầm hết rồi, bói cũng chẳng ra. Thế nên, người làng hợp sức, bắt cho đủ để không bị phạt trước, được năm nào hay năm ấy. Sâm cầm bắt đâu chỉ đủ mươi cặp. Phải thừa ra, phòng khi bị loại. Phải thừa, phòng khi chim không đủ tiêu chuẩn hoặc chết ngang đường.

Câu chuyện nghe xong, mẹ như chết thêm đôi phần. Niềm tin, nỗi nhớ bấy lâu nay có vẻ như không còn thiêng liêng nữa. Tôi nhận ra, nỗi thất vọng của mẹ đã bị đẩy tới tận cùng.

Ước mong được một ngày cha trở về nhận lại trong tôi bỗng mơ hồ.

“Nhậm của mẹ lẽ nào lại tồi tàn đến thế?” Câu hỏi mẹ tự đặt ra rồi lại lặng im như biết sẵn câu trả lời.

Thấn bảo, phía Nghi Tàm người ta không chịu nổi đã tìm cách bãi sâm cầm rồi. Người quê mình hiền quá, vẫn nhẫn nhịn chịu đựng. Cứ như thế, người cũng không còn huống hồ là sâm cầm.

Sau những đêm mẹ thức trắng nhìn ra trăng vàng. Tàn và lạnh. Sau những đêm buông tiếng thở dài nén lại mẹ đưa mắt nhìn về phía làng, nhìn ra đoạn đường trước mặt nghĩ điều gì lung lắm.

Tôi ôm bờ vai gầy, tôi chạm vào mái tóc đã nhuốm đủ hơi sương mà rằng, “Mẹ ơi, đừng đi đâu nữa, về tới đây là ổn rồi. Buồn vui thôi cũng đành một kiếp.” Câu nói như một lần nữa tôi khẳng định, như thể mẹ vẫn luôn có một đồng minh.

Cũng may cuộc đời này còn có Thấn. Thấn ít nói, chỉ lẳng lặng mà đi nhưng ngày cũng đôi ba bọc tép Thấn đưa sang nhà. Thấn hiền nhưng khẳng khái. Lầm lũi nhưng chân tình. Thấn chẳng đòi hỏi mẹ phải đền đáp lại, chỉ cần nhận đồ Thấn mang.

Người đàn ông ngỡ nhàn nhạt lại ghim vào lòng tôi nỗi nhớ nhung nhiều đến thế. Ước một lần được quàng tay ôm cổ, một lần được áp má vào đôi lưng trần cháy nắng mỏng và gầy sao mà khó. Bởi khoảng cách còn xa, bởi sợ những lời dị nghị và bởi câu chuyện cũ ngày nào như một dòng sông.

Cuộc sống khi gần khi xa âu cũng lại hay. Thấn giúp mẹ bắt tép bắt tôm. Mẹ giúp Thấn cuốc bẫm gieo hạt chờ vụ. Ngày dài như ngắn lại. Sự lạnh lùng của người làng đã không mấy quan trọng trong mắt mẹ con tôi.

Ước gì bình yên cứ trôi qua như thế.

5. Tôi đâm sợ bóng tối. Bóng tối trong chính căn nhà của mình. Bóng trắng luôn đứng ở góc nhà, xõa mái tóc dài, không biết đang bay hay đang đứng. Tôi như con ngựa phải hơi mèo chạy bán sống bán chết nơi cánh đồng đang chờ mùa ải mưa bay khiến con đường trơn trượt. Đường lên bờ đê bỗng khó khăn hơn biết nhường nào. Tôi đâm thích ở lại nhà Thấn, ở nơi ấy, tôi thấy sự yên bình. Nỗi sợ bỗng hoán đổi thành sự quý mến dễ chịu. Và rồi, tôi ở nhà Thấn nhiều hơn nhà mình.

Mẹ sinh ghét cánh đàn ông trong làng. Họ chẳng để cho mẹ yên bao giờ. Đêm họ vẫn tới, lần tìm để thỏa cơn dục vọng nhưng ngày, họ quay ra móc mỉa, không ngại ném cho mẹ cái nhìn khinh bỉ.

Suốt năm canh dài tôi và mẹ ngồi thu mình phòng thủ trong đêm.

Trong cơn khốn khó của làng, trong sự cùng quẫn đói nghèo, người ta vẫn dành chỗ cho những đêm điên loạn. Cánh cửa nhà đêm nào cũng có người gõ. Lúc đầu mẹ tưởng ma nhưng nhìn kĩ ra mới biết, đó là đám đàn ông trong làng. Họ lần lượt tới, thất bại, rồi bỏ đi.

Hình ảnh người đàn bà xõa tóc mài dao dưới trăng găm sâu vào những tay bạc nhược. Họ chạy hết hồn hết vía. Những kẻ gầy yếu nhịn đói nhiều ngày vẫn tham đi tìm của lạ, bỗng như những con ma điên giữa đồng, áo quần thùng thình, có thắt cọng rơm có lẽ thừa ra phân nửa.

Trong một ngày mưa xuân, lối đi bầy nhầy trơn như đổ mỡ vẫn không ngăn được bước chân Lý trưởng tìm đến. Lão tới khi bữa cơm chưa tròn. Lão ngồi trên ghế mà rằng, năm nay, có khi tới nhà ông ngoại đi bắt sâm cầm cống sớm một năm. Câu nói chạm đúng điểm yếu của mẹ. Hình ảnh kiên nghị của mẹ lạc đi đâu hết. Tay cầm sẵn chiếc đũa cả phòng bị bỗng buông ra. Mẹ biết mình chẳng còn lối thoát.

Mẹ bảo tôi sang nhà Thấn mượn tạm cái thúng cái nhưng kì tình là đuổi khéo tôi đi. Tôi biết rằng, tối đó đã chẳng lành.

Đi tới dọc đường tôi đành quay lại. Lão Lý trưởng đã quay về, chỉ còn mẹ ngồi đó trước ngọn đèn. Mẹ lại ngồi chong chong không ngủ. Dáng mẹ tiều tụy đi nhiều. Bên hiếu chưa trọn, bên tình chưa tròn.

Mẹ nghĩ chuyện gì lung lắm suốt một đêm. Sáng hôm sau mẹ thức dậy đi sang tìm Thấn. Mẹ hỏi về bãi sâm cầm ở mạn Nghi Tàm.

Rồi mẹ đi ngay trong đêm. Đi đâu mẹ cũng chẳng nói. Tôi chỉ biết mẹ đi cùng với Thấn. Đi tới rạng sáng mới về. Rồi mẹ bận bịu suốt đêm cho tới vài ngày sau đó.

Thế rồi Lý trưởng lại quay lại, trịch thượng ngồi chờ sẵn. Hắn đưa mắt theo từng cử chỉ của tôi. Hắn nhìn từ ngực tới mông. Hắn chọn cách để tới gần. Hắn nói những câu chuyện như thể mẹ tôi là người yếu thế. Hắn nói với giọng của người chiến thắng. Hóa ra, không phải hắn muốn mẹ mà là muốn tôi.

Hắn bảo, sau này về làm vợ hắn rồi, chuyện áo quần không phải nghĩ. Hắn vẽ ra những chuyện sau này thật dễ, chỉ cần tôi sinh cho hắn một thằng con trai.

Tôi ngồi bó gối, vừa sợ vừa ngóng mẹ về. Có vẻ như, mẹ đang lo chuyện gì nghiêm trọng lắm, thế nên, nếu sớm có lẽ phải quá nửa đêm.

Hắn vẫn ngồi đó và huyên thuyên chuyện trên trời dưới biển. Có vẻ như, hắn cũng muốn ngồi chờ tới trời đêm nhưng phần dục vọng trong hắn không cho phép.

Hắn lao tới tôi như con hổ đói. Đôi bàn tay vừa khống chế vừa lần tìm trong cơ thể tôi. Mọi kháng cự đều trở nên vô nghĩa.

Đúng lúc ấy mẹ trở về. Mẹ kéo hắn lê trên mặt đất mà rằng: “Đời tao đã dại một lần tao chịu, mày cũng nên về đúng phận của mày…”. Mẹ không quên giáng một bạt tai vào mặt hắn. Hắn bỏ về trong cơn uất hận.

Đêm đó, đoàn người ầm ầm kéo về phía kinh thành. Người cày, người cuốc, người mang cơn giận trút trong gầm gào.

Đêm đó, lửa thắp sáng cả một ngôi làng. Mưa của tháng ba không đủ dập tắt ngọn lửa trong làng.

Trong cơn hỗn độn, ông ngoại đã kịp nhét vào tay mẹ chiếc áo mới ông may.

Năm đó, không có cặp sâm cầm nào bị bắt đi tiến vua. Không có nhà nào phải đau đầu vì sâm cầm nữa. Năm đó, mạ trải trên đồng chỉ chờ ngày vào vụ.

Trăng mười sáu tròn và sáng, Nhậm của mẹ đã tìm về khi tất cả đã chẳng còn lành lặn, bao gồm cả giấc mơ của hai người.

Mẹ hiểu ra câu chuyện đợi chờ một đời của mình.

Tôi đã không còn sợ bóng tối nữa. Trước những bóng trắng bất ngờ, tôi không quên để lại một nhát cào trước khi bỏ chạy.

C.L
(TCSH404/10-2022)

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Con riêng (26/09/2022)
Tàn sen (15/08/2022)