Truyện ngắn
Một người cha
16:38 | 30/12/2022

SƯƠNG NGUYỆT MINH

Ngõ phố nhỏ lòng vòng, chật hẹp. Miên vừa ép xe đạp Thống Nhất vào bên tường nhà ẩm ướt rêu xanh mọc tránh một ông ba Tầu gánh hàng tào phớ thì lại đụng phải chị gánh hàng hoa bán rong.

Một người cha
Minh họa: PHAN THANH BÌNH

Chưa kịp lên xe lại có anh cưỡi Honda 67 màu đen chở hàng may mặc gia công đi ngược chiều, Miên đành phải lùi lại ngã tư ngõ để nhường đường. Ngõ nhỏ, phố nhỏ Hà Nội như một thứ đặc sản, là nét riêng độc đáo, chẳng thủ đô nào trên thế giới có được. Những ngõ quá nhỏ, tối mù lúc nào cũng phải thắp ngọn đèn điện vàng vọt, mà vẫn có bàn cờ và những cái đầu châu lại đỏ đen; hoặc gánh hàng rong hạ xuống bán mua. Lại có ngõ rộng thoáng hơn một chút chềnh ềnh chiếc xe xích lô có cái tàn che bị rách bên bức tường tróc vữa lộ ra các hàng gạch đỏ đang bị rêu xanh phong nham nhở. Tấp nập hiệu sửa xe đạp - xe gắn máy, cửa hiệu bán ô mai, mứt, kẹo, lạc rang húng lìu, quán phở bốc khói mùi mỡ và hương hồi bay ngào ngạt.

Lúc khuya, ngõ im lìm, trẻ già chìm sâu vào giấc ngủ sau một ngày lam lũ bươn chải kiếm miếng ăn rất nhọc nhằn; thỉnh thoảng nghe tiếng rao Tào… phớ đây! thảng thốt rơi vào thinh không vắng lặng. Ban ngày, chưa đến năm giờ sáng xe xích lô đã lọc xọc ra ga Hàng Cỏ đón khách. Tiếng vo gạo, tiếng lịch kịch bắc nồi phở, tiếng gọi khê nồng vì ngái ngủ bảo nhau quạt bếp tráng bánh cuốn… Bao nhiêu lớp người sống âm thầm với đủ các cuộc đời lầm lũi, vui buồn trong những ngõ phố nhỏ lam lũ, bình dị…

Chiến tranh kết thúc. Những người lính từ chiến trường về dường như cùng lúc phải làm thêm một việc là tìm thăm nhà đồng đội và mang thư hoặc di vật liệt sĩ trao lại cho gia đình họ. Sẽ có muôn vạn tâm trạng, niềm vui, hay nỗi buồn trong buổi gặp dở khóc dở cười này. Còn sống sót, đồng đội gặp nhau thì ôm chầm lấy cười khóc, có khi còn đấm vào lưng nhau bồm bộp, ngả lợn, ngả gà đãi nhau và cuộc vui bất tận. Kẻ còn người chết, thì bao giờ cũng sụt sùi, tang thương. Di vật liệt sĩ về với người thân, thêm một lần khẳng định cái chết đã chắc chắn thuộc về con, em mình; nhưng cũng thêm lần nữa tiếc thương đau đớn. Có người mẹ thảng thốt đến độ không dám gặp đồng đội của con mình, bà chỉ sợ họ mang những đồ vật thân quen còn lưu dấu vân tay và mùi mồ hôi con mình về và nói rằng: X, hoặc Y hay Z gì đó đã hy sinh ở… Cháu là người chôn anh ấy. Không dám gặp, bởi người mẹ tội nghiệp chưa bao giờ tin con mình chết, bà luôn hy vọng một ngày nào đó nó sẽ dãi dầu trong quân phục xanh màu cây lá, khoác ba lô lừng lững trở về.

Di vật luôn luôn mang mùi buồn thảm. Lẽ hiển nhiên, mang một lá thư, một món quà của người lính còn sống… bao giờ cũng thú vị, dễ dàng hơn là mang cái ba lô cháy xém, cái lỗ chỗ vết đạn xuyên, quyển nhật ký viết dang dở ố vàng màu thời gian… của người chết. Miên đã cầm những di vật chiến trường đi tìm người thân của Hoàng mà trong lòng đầy hoang mang. Có dứt khoát những kỷ vật thân thiết đau lòng này phải có nơi có chỗ của nó? Có cần thiết phải làm một cuộc đón nhận thê lương khi người mất thì đã mất rồi? Trong lòng Miên rối bời, trộn lẫn bao nhiêu câu hỏi trong sự dao động, ngập ngừng, và hoang mang.

Cuối cùng, Miên cũng tìm được nhà Hoàng ở một trong những con ngõ phố vừa ồn ào, vừa bình yên ấy. Có một thằng bé ngước đôi mắt tròn to và cái mũi hếch lên hỏi Miên:

“Chị tìm nhà Hoàng hả?”

Ôi trời! Có phải Hoàng đây không? Miên ngỡ ngàng, không thể tin nổi thằng bé đang hớn hở đứng dựa lưng vào bức tường rêu xanh giống Hoàng y hệt. Chỉ có khác là Hoàng của chị là một chàng trai, khi chưa chết thường mặc quân phục xanh lá cây còn thằng bé này mặc một cái áo ba đờ xuy rộng lùng thùng chắc là của người cha. Mà cũng thật lạ, hồi ở trạm xá dã chiến trong rừng, Hoàng đem khoe một tấm ảnh lúc bé năm sáu tuổi cũng mặc cái áo này. Là em trai của Hoàng chăng?

“Em biết thế nào chị cũng tìm về nhà em.”

“Em là…?”

“Em là Hoàng mà… Mấy hôm nay, em cứ nháy mắt liền tù tì.”

“Thật hả? Chị là Miên - bạn cùng đơn vị ở chiến trường với anh Hoàng.”

“Em chỉ biết hôm nay chị đến thăm nhà em.”

Thằng bé lon ton chạy trước dẫn đường. Gió xốc ngược cái áo ba đờ xuy phồng lên như cánh diều đang bay.

Ôi trời! Trước mắt Miên, một cảnh tượng thật lạ lùng, kì dị. Khói hương mờ ảo, ông “Gia Ve” bò lổm ngổm như cua, có lúc lồng lên như ngựa. Một tay đặt nộm rơm hình người lên lưng...

*

Ông là một người cha.

Cha của thằng Hoàng. Ông say mê sử Tầu, tiểu thuyết cổ đại Trung Quốc: Thủy hử, Hồng lâu mộng, Đông Chu liệt quốc, Tây du ký, Tam Quốc diễn nghĩa, và cả Sử ký của Tư Mã Thiên nữa. Ông đã tốn bao nhiêu thời gian bởi những trang sách đã nhàu nát ấy. Cũng may, có một thời giờ giấc nhàn rỗi nhiều; ấy là cái dạo làm bảo vệ ở trường đại học Y khoa, cái thời bọn trẻ ranh sinh viên cứ gọi ông là “Gia Ve”.

Chiến tranh kết thúc. Những người lính từ chiến trường nối tiếp nhau về hết. Thằng Hoàng nhà ông vẫn ở chân trời rừng xanh núi đỏ biền biệt đâu đó. Đánh hết giặc thì rửa bao gác kiếm. Trừ các chiến binh ở lại làm quân thường trực, còn phải về làm đúng cái nghề mình đã làm trước lúc ra đi: Thợ cày. Thợ thùng đào thùng đấu. Thợ rèn. Thợ may. Công nhân gác ghi đường sắt. Thầy giáo. Bác sỹ. Kỹ sư... Đánh giặc xong, coi như nhà binh thất nghiệp. Thất nghiệp mà không sầu muộn, lo lắng, kinh hãi. Thất nghiệp mà mừng rỡ hoan hỉ vô kể! Một đất nước không phải cầm súng là một đất nước may mắn và hạnh phúc. Chẳng sung sướng gì cái việc bất đắc dĩ phải đánh giết.

Ông cũng sợ hãi bất cứ bóng áo xanh quân phục nào đến nhà. Họ sẽ mang di vật của con trai ông về nhà? Chắc chắn thế! Thằng Hoàng nhà ông người ta báo tử rồi. Ông không tin là nó đã chết. Nó mà chết được a? Không, cái thằng se sắt, đen đủi học giỏi văn, lại biết làm thơ, yêu mẹ vô cùng, sao có thể chết? Người hàng phố bảo ông điên điên, khùng khùng.

Ông không điên. Điên mà nhớ y sì, nhớ y nguyên hình ảnh thằng Hoàng ngày xưa. “Mày làm khổ bố rồi con ơi”. Cái câu này, ông lặp đi lặp lại thường xuyên suốt tuổi thơ của nó. Cái thằng nghịch đến “thần sầu quỷ khốc”.

Dạo ấy, ngõ phố nhà ông có nàng tên Nga da trắng như trứng gà bóc. Nàng hay chải tóc bồng ra đằng sau, búi lại, gài trâm đồi mồi. Mắt lẳng. Vú to. Mông nẩy. Nàng làm điêu đứng bao nhiêu thằng đàn ông xe thồ, xe xích lô đến thầy giáo tiểu học nước da xanh lướt không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ hay ông chủ tịch phường đạo mạo. Ông cũng khốn khổ vì cái mông căng nẩy của nàng. Chồng nàng đi bộ đội đánh nhau ở chiến trường B2, nghe đâu mạn U Minh Thượng, Nam Bộ. Thằng Hoàng nhà ông còn quá bé để hiểu nỗi nhân tình thế thái. Nó làm sao biết được nỗi lòng người phụ nữ xa chồng. Nó đâu biết được đứa con gái nào lấy chồng cũng mong đêm đêm ôm ấp, vần vò, tưới nhuần cơ thể hừng hực lửa tình. Nàng Nga da trắng của ngõ phố nhà ông héo hon sầu muộn khát cháy vì vắng thiếu đàn ông. Nhưng, đám mây đàn ông vẫn cứ lang thang ở đâu đó không mang mưa lành rơi xuống cánh đồng nàng đang khô hạn bốc lửa.

Thằng Hoàng nhà ông ghét nàng Nga da trắng. Nàng chớt nhả. Nàng tình tang. Nay ôm anh y sĩ. Mai gục đầu vào ngực bác đạp xe xích lô. Ngày kia hú hí với anh cán bộ phòng thương nghiệp. Ngày kìa hì hục với gã lò mổ. Toàn những thằng thiếu cân, thiếu lạng, hoặc lưng gù, hoặc nói lắp… không ra mặt trận được. Nạ dòng ngõ phố ồn ầm lên, chì chiết, rủa. Cái loại đàn bà ấy quạ mổ. Cái thứ nạ dòng ấy diều hâu tha. Có ngày chôm mất chồng mình thôi. Thói đời ghen ăn tức ở ăn vào máu. Ghét các mụ nạ dòng đố kị, nhưng thằng Hoàng cũng tức với nàng Nga da trắng.

Thằng Hoàng nhà ông bắt gặp cái cách nàng yêu chướng lắm. Nhưng mà hình như nó cũng thích. Trai mười sáu rồi mà. Sáng dậy quét nhà chim đội quần lót lên, cứ phải lom khom không dám đứng thẳng, bởi vì nhà còn có chị gái. Dù sao thì cũng có người khác giới, cu cậu biết ngượng ngùng. Ông bảo: “Mày là chăm chỉ nhất nhà đấy. Nhưng, đàn ông thì phải hiên ngang đội trời đạp đất. Sao cứ phải lom khom thế.” Nó hứ, mặt đỏ bừng rồi đánh mắt về phía chị gái.

Vì vậy mà “Mày làm khổ bố rồi con ơi!”

Vì vậy mà thằng Hoàng bị nàng Nga da trắng quyến rũ, dẫn dụ. Cái ngực nàng núng nính; đàn ông có tuổi như ông còn muốn úp mặt vào huống hồ là bọn trai đang dậy thì. Ông tổ trưởng dân phố bảo:

“Cô không thương cái thằng chồng đang ở chiến trường a?”

Nàng Nga da trắng cãi:

“Thương thì thương thật, nhưng cái phản thiếu hơi đàn ông, lạnh lẽo lắm. Sao mà chịu được.”

Ông ta lại nói móc máy:

“Tấm phản hậu phương ngả lung tung. Thằng nào cũng quỳ hai đầu gối xuống ôm phản thì người lính ở chiến trường không yên tâm đánh giặc.”

Nàng Nga da trắng bảo:

“Phản nhà ông mài mòn, leo lên nằm xuống đến nhẵn thín. Phản nhà tôi mốc xanh mốc đỏ. Ai mà chịu được.”

“A. Cái đồ đàn bà trơ trẽn. Không nể tình hàng phố và thương cái thằng chồng ở chiến trường đau lòng thì tôi báo công an bắt.”

Ông tổ trưởng dân phố không bắt nạ dòng thì ngõ phố cũng bàn nhau rình bắt cả hai. Mất danh hiệu “tổ dân phố văn hóa” rồi. Con quỷ cái sẽ phá tan hoang thuần phong mỹ tục mất. Nhưng, nạ dòng ngõ phố sợ nó bỏ bùa đám đàn ông phố này biến thành con đực đến mùa phối giống hết. Trong đám người tình của nàng, thằng Hoàng nhà ông ghét nhất gã đồ tể ở lò mổ lợn. Gã đồ tể mắt đỏ đòng đọc như mắt cá chày. Hơi rượu nồng nặc. Ngực xồm xoàm lông lá. Dạo ấy, thằng Hoàng chưa cắt nghĩa được: Nàng Nga da trắng thích gì ở con đực vai u thịt bắp mồ hôi dầu? Tuy vậy, thằng Hoàng nhận ra gã chăm đàn bà thật tài. Tận tụy. Hầu hạ. Nàng Nga da trắng như hoàng hậu Cleobat. Gã mang quả tim lợn. Gã mang cái chân giò. Gã còn giặt giũ cho nàng. Hoàng đâm ghét gã, ghét cả nàng.

Giữa trưa, thằng Hoàng nhà ông mặc quần đùi leo ống nước trèo lên mái nhà nàng Nga da trắng. Thằng bé dỡ một viên ngói, úp mặt nhòm xuống giường cô nàng đang ân ái với giai. Gã mổ lợn nói lặp nằm dưới, tự nhiên thấy một bãi nước miếng rơi xuống mặt. Gã sờ thấy ươn ướt cứ tưởng nhện đái. Nhện nào đái nhiều thế? Gã ngước nhìn lên mái nhà. Cái bản mặt thằng Hoàng đang nhe răng nhe lợi cười, rồi chạy rầm rầm trên mái ngói.

Thôi, thì đẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lại. Hàng phố cấm ai biết. Nhưng, gã đã kịp kể chuyện tức cười này cho nàng Nga da trắng nghe. Hôm sau, gặp Hoàng, gã nói lặp mổ lợn gườm gườm, răng cửa hở một chiếc chưa kịp cắm, hỏi: “Ưa ua, ày àm ì?” (Trưa qua, mày làm gì?). Hoàng tỉnh bơ: “Ông làm tình.” Rồi hỏi lại: “Thế trưa qua, anh làm gì?” Tức nghẹn đến cổ họng, gặp bố Hoàng, gã mách, rồi trơ trẽn, bảo: “Ô… ôn ề áo ục ằng on ất ạy ấy i.” (Ông về giáo dục thằng con mất dạy ấy đi).

Bố Hoàng bảo: “Chú nói thế nào ấy chứ, thằng bé ngoan, lành hiền như con gái. Chỉ có cái thằng mất dạy nào đó đi chim vợ bộ đội ở chiến trường mới cần phải giáo dục thôi.” Gã cứng họng, im lặng, gương mặt thoáng một chút ngượng ngùng và bẽ bàng.

Ngõ phố đồn ầm lên câu chuyện này. Mày làm khổ bố rồi con ơi! Thằng này chỉ có tống đi bộ đội cho người ta rèn rũa thì mới yên lành. Ông hỏi thằng Hoàng: “Chuyện thực hư thế nào?” Mặt nó tỉnh bơ, bảo: “Con cũng nghe người ta ồn thế!”

Không có lửa làm sao có khói. Người ta ồn là phải rồi. Thằng Hoàng con thông minh, nghịch ngợm, nhưng gây bao chuyện phiền hà trong nhà ngoài phố. Ông chửi thằng Hoàng:

“Mày nghịch quá trời. Lại còn thơ phú lăng nhăng mất dạy nữa chứ. Tao không chịu nổi, hàng phố cũng không chịu nổi. Thôi thì tống mày ra chiến trường để bộ đội người ta rèn rũa cho biết khôn con ạ. Cái mặt thớt của tao cũng đỡ trơ.”

Thằng Hoàng ương ngạch:

“Bố cứ tống con đi. Con cũng đang thích đây. Trường lớp, phố xá toàn đàn bà, con gái với đàn ông dặt dẹo. Chán!”

Vợ ông sểu sớn khóc:

“Lỗi lầm gì thì cũng đến lúc quên. Người ta chửi ba năm chứ không ai chửi được suốt đời. Một mình nó là con trai. Ông bắt nó đi bộ đội ra nơi hòn tên mũi đạn, lỡ ra có mệnh hệ gì. Tôi sống sao nổi.”

Ông quát:

“Sống chết có số. Làm trai “thứ nhất xanh cỏ thứ nhì đỏ ngực.” Còn hơn là bị bêu diếu, mặt mo với dân phố, với cơ quan ông. Nhục lắm. Quá mặt thớt.”

“…”

Thằng Hoàng đi bộ đội rất chóng vánh, chỉ sau vài câu bố con cãi vã ấy. Nhưng, thực ra bắt đầu từ khi ông chạy trốn nỗi nhục bằng việc áp đặt thằng con, thay lỗi lầm này bằng vinh hạnh kia. Ông muốn mình mát mặt. Cũng do thằng Hoàng quá quắt mãi không chừa, nó nhòm trai gái phải lòng nhau. Hôm ấy, trời la lá tối, thằng Hoàng lủi vào vườn cây, chọn một cành to trèo lên. Tò mò mà. Đu mình trên đó nhòm thấy hết trai gái yêu nhau. Tất nhiên, cái thời ấy, trai gái phải lòng nhau cũng chỉ đến mức ngồi bên cạnh nói chuyện, e lệ chưa dám đặt tay lên vai người yêu. Cặp nào bạo dạn lắm thì cũng chỉ đến mức ôm hôn, cởi cúc áo trên, trật hở một mảng vai ngực là cùng.

Thằng Hoàng ở trên cây. Đôi trai gái ở dưới gốc vô tình nhìn lên thấy rõ lù lù một hình người đen thẫm. Tưởng là ma hét tướng lên, đứa con gái ôm chặt đứa con trai tru tréo. Nghĩ là kẻ gian móc túi, ông và mấy anh bảo vệ vội vã nhào đến. Đèn pin ba cục sáng lóa, ông quét lên vòm cây. Trời đất ơi! Hóa ra thằng con độc nhất nhà mình. Con với cái. Vị bảo vệ nghiêm khắc có tiếng là ông hiểu ra mọi chuyện. Nhục quá! Mình đi bắt bớ, đe nẹt bọn thanh niên nam nữ ôm nhau trong công viên, con mình lại đi làm cái việc động trời, ô nhục.

Sáng hôm sau, ông dẫn thằng con trời gầm lên tiểu khu phố giao cho mấy anh bộ đội đang về tuyển quân. Cân nặng hụt một chút. Chiều cao thiếu vài phân. Lúc đo rướn lên là vừa. Sáu tháng nữa thằng bé mới đủ tuổi nhập ngũ.

*

Ông không điên. Điên mà đọc được ý nghĩ những người đến chia buồn với nhà ông lúc báo tử thằng Hoàng? Ông chủ tịch tiểu khu phố nghiêm nghị nét mặt, rụt rè thưa gửi. Ông ta trịnh trọng cố ra vẻ quan tâm của người lãnh đạo tiểu khu phố. Bà chủ tịch Hội Phụ nữ chấm chấm nước mắt bằng khăn tay mù soa tiết kiệm tự cắt may, thêu móc viền xung quanh bằng các đường chỉ nâu. Bà chia sẻ, bà ra chiều cảm thông lắm. Ông Mặt trận giữ không khí trung dung hòa hiếu, làm giãn bớt căng thẳng, thê lương. Dù đang lúc tang gia thằng Hoàng, ông vẫn hiểu lòng họ rối bời. Trộn lẫn bao nhiêu tâm trạng trong sự dao động, ngập ngừng? Họ hoang mang khi mang giấy báo tử thằng Hoàng đến nhà ông.

Ông không điên. Điên điên khùng khùng mà hàng ngày vẫn nhận ra cái ngõ nhỏ vào nhà ông lòng vòng, chật hẹp! Nhà ông ở ngay ngã ba ngõ phố, bên cạnh có một khoảng sân nhỏ dưới tán lá sấu tốt rợp. Cái sân nhỏ chật hẹp vẫn là khoảng trời tự do của bọn trẻ chơi và các cụ trong câu lạc bộ thơ Cầu Vồng sinh hoạt.

Người hàng phố bảo ông điên. Điên mà ông biết bò lổm ngổm như cua, có lúc lồng lên như ngựa ở sàn nhà trong khói hương mờ ảo. Một tay đặt nộm rơm hình người lên lưng. Lưng ông võng xuống ì ạch gánh nặng cả cuộc đời. Thằng Hoàng đấy, ông cõng thằng Hoàng trên lưng, sao cứ bảo ông cõng hình nộm rơm? Sao cứ bảo ông lạ lùng, kì dị? Sao cái bà hàng xóm cứ thương hại bảo: ông ấy tâm thần bất ổn, xin các ông bà đừng chấp với người điên? Được cái ông ấy điên nhưng không đập phá.

*

“Tên cháu là Miên, một thời cháu ở cùng với Hoàng.”

Trời ơi! Thế này thì phát điên lên mất. Bây giờ ông mới điên thực sự đây này. Ông đã nhìn thấy cái cô xưng tên là Miên đang mặc quân phục màu cỏ úa hiện ra lù lù ở cửa. Lại một người lính tầm tã đạn bom tìm đến nhà ông. Dúm người lại, ông co ro ở góc nhà, hai tay ôm chặt lấy vai:

“Đừng! Đừng mang cái gì trả cho nhà tôi. Sợ lắm! Tôi sợ lắm!”

Ngạc nhiên. Bối rối. Khi trước, hẳn rằng Miên không hình dung ra viễn cảnh mình sẽ rơi vào cuộc gặp gỡ gia đình ông “Gia Ve” diễn ra như thế này. Chị đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho cuộc trao nhận di vật của Hoàng đẫm nước mắt. Chị sẽ tìm những câu gì đó thật trung tính đầy nỗi thông cảm sẻ chia để động viên. Thậm chí, chị đã nghĩ mình sẽ sẵn sàng nhận làm một người con trong gia đình nhà ông giữa lúc tang thương này.

Ông đọc được ý nghĩ của chị: Không! Chẳng còn là ông “Gia Ve” ngày xưa lẫm liệt khó tính. Ông “Gia Ve” không còn là người luôn càu nhàu, cáu kỉnh đi bắt những cặp tình nhân ôm nhau nữa. Chỉ còn cái hình hài kia co rúm, mòn mỏi bị bão gió cuộc đời, bị nỗi ân hận, khổ đau đập cho tơi bời tan nát. Ông nhìn thấy cái túi đựng đồ. Hẳn là lại một bộ quân phục. Cái giây thắt lưng. Cái bi đông đựng nước. Đôi dép đúc đế và quai đã mòn vẹt. Và, cả nhật ký thằng Hoàng hay làm thơ nữa.

“Đừng! Sợ lắm… Tôi sợ lắm! Nó chưa chết. Thằng Hoàng chưa chết. Sao lại mang những thứ ấy về cho tôi. Đi đi, chị ơi. Chị mang về đơn vị cho thằng Hoàng nó dùng…”.

Thằng bé mặc áo ba đờ xuy dường như đã quá quen với hình ảnh này. Nó níu tay Miên, ra hiệu dừng lại rồi chạy lao vào rồi sà vào ông ngoại.

“Ông ơi! Con đây mà. Hoàng đây mà!”

“Ôi! Thằng Hoàng… thằng Nhóc bé bỏng của tôi. Nó vẫn sống. Nó vẫn béo tốt.”

Ông xoa đầu thằng bé. Bàn tay có những ngón xương xẩu suông vào mái tóc mềm xanh rủ xuống trán thằng bé. Giọng ông xa vắng:

“Hoàng ơi! Con bé bỏng của cha ơi. Cha không bao giờ muốn con chết. Con vẫn sống…”.

“Vâng! Ông ơi! Con vẫn sống đây mà.”

“Ừ. Con vẫn sống. Bom đạn giặc Mỹ không giết được đứa con trai một bé bỏng của cha. Nào! Cưỡi lên lưng cha nào. Cha làm trâu cho con cưỡi, cha làm ngựa cho con phi. Nào, ngồi lên đi con trai bé bỏng…”.

Ôi! Chẳng phải ông già tráng kiện, quắc thước “Ngoảnh mặt coi khinh ngàn lực sĩ/ Cúi đầu làm ngựa trước nhi đồng” như Lỗ Tấn cảm tác, mà ông là hiện diện của thân tàn lực kiệt lê lết.

“Khổ thân! Lúc nào ông ấy cũng làm con trâu con ngựa thế đấy. Thằng cháu ngoại, mà ông ấy cứ tưởng nó là con trai mình lúc còn bé, cô ạ.”

Bà hàng phố bán kẹo bột và nước chè chén ở nhà đối diện nói vọng ra. Chắc bà nhìn thấy Miên ngập ngừng và bối rối đứng trước cửa nhà ông. Bà te tái chạy sang gian bên cạnh, đập cửa gọi một thiếu phụ:

“Này. Có khách đấy. Thằng cu nhà mày dẫn khách ở chiến trường đến thăm ông cụ đấy. Mày ra ngay đi chẳng ông cụ lại lăn đùng ngã ngửa ra bây giờ.”

Thiếu phụ vội vã bước ra cửa, hai tay vấn nốt búi tóc ra sau gáy. Người dong dỏng thanh mảnh, cổ cao và đôi bàn tay có các ngón dài… rõ ra dáng thiếu phụ Hà thành. Chị quay ra hỏi Miên:

“Cô mới ở chiến trường ra à?”

Miên “vâng” khẽ khàng và mừng rơn, chị đã thoát ra khỏi tình trạng khó xử.

“Tôi là con gái ông cụ. Thằng bé kia là con tôi. Tôi đẻ nó vào cái dịp cậu Hoàng hi sinh ở mặt trận phía Nam đấy. Cô thấy nó có giống cậu Hoàng không? Y hệt nhỉ, cứ như cậu Hoàng đầu thai vào số kiếp thằng bé này?”

“Vâng! Giống lắm! Em cứ nhầm như Hoàng. Chị ơi! Em muốn mang vài di vật của Hoàng trao lại cho gia đình…”.

Miên quay người ra nói chuyện với thiếu phụ. Chị sốt sắng, mắt rơm rớm nước, kéo Miên vào nhà mình, bảo:

“Cậu Hoàng sống khôn chết thiêng. Tất cả di vật có những gì, cô cứ đưa cho chị. Không nên đưa cho ông, cô ạ!”

“Dạ, thưa…”.

“Cô không nên nói chuyện với cha tôi. Bây giờ, mà nhìn thấy bất cứ hình ảnh nào liên quan, gợi nhớ đến thằng Hoàng em tôi là ông cụ sẽ lăn đùng ngã ngửa ra ngay. Xin cô hãy để cho cha tôi được bình yên. Từ ngày em tôi hi sinh, cha tôi đã bị điên khùng bao nhiêu lần rồi.”

“Ông không điên. Mẹ nói sai rồi.”

Thằng bé mặc áo ba đờ xuy nói rồi ngước mắt nhìn ông. Nó nắm chòm râu bạc trắng của ông, mặt nhóng lên mắng mẹ.

“Con lại bênh ông rồi”.

Bất chợt, thiếu phụ buông một tiếng thở dài:

“Tháng trước, có anh bộ đội tìm đến trao cho ông cụ cái ba lô đựng vài bộ quân phục cậu Hoàng. Cha tôi giật đùng đùng như người động kinh, tay xua, không nhận. Anh bộ đội ấy khó xử quá. Cũng may, lúc đó tôi về kịp, nhận thay, khóc lóc rồi cất biến đi.”

Miên lắng nghe, mặt đần ra, khó xử quá. Người mất thì dù sao cũng mất rồi. Có chút kỷ vật sót lại, anh em đồng đội nhặt nhạnh, gom lại mang về cho gia đình. Là quyển nhật ký, tấm ảnh cũ ố màu của người đã khuất thôi mà…

Chiều tàn. Mặt trời hoe hoắt sót lại những tia nắng cuối ngày. Miên lại đi trong con ngõ nhỏ quanh co, cũ kĩ thoảng thơm mùi ngọc lan xa gần. Chị đi thật chậm mặc cho lòng xốn xang nhiều xúc cảm vui buồn da diết chán nản và thương yêu tràn ngập. Chỉ có một người tiễn Miên ra tận đầu con ngõ phố nhỏ, đó là thằng bé mang tên Hoàng có gương mặt giống y hệt người cậu của nó đã hi sinh. Nó không chịu gọi chị là cô.

“Chị sẽ trở lại chứ?”

“Ừ. Cô sẽ trở lại. Dứt khoát cô sẽ trở lại.”

Hứa thế, nhưng Miên chưa chắc mình sẽ trở lại con ngõ nhỏ này. Và chị cũng không ngờ được, thằng bé có gương mặt và cái tên giống Hoàng còn gắn bó thân thiết mãi mãi với cuộc đời mình.

S.N.M
(TCSH406/12-2022)

 

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Nhà nội… (15/11/2022)
Mùa sâm cầm (11/11/2022)
Con riêng (26/09/2022)