Truyện ngắn
Những ngôi sao màu xanh
14:10 | 23/02/2023

TRẦN BĂNG KHUÊ

1.
“Từ khi tôi được sinh ra”.

Những ngôi sao màu xanh
Minh họa: PHAN THANH BÌNH

Gã nghe thấy giọng nói từ bức tường trong khi đang phiêu linh cùng một thứ âm nhạc từ cõi lạ. Gã biết, đó là giọng của một người đàn ông. Bóng tối thật sự rất thích chơi trò bay nhảy xung quanh những kẻ quái dị. Gã thì thích trốn nấp trong bóng tối. Gã nhướng mắt nhìn sâu, nhìn thẳng chẳng hề có chút sợ hãi vào bóng tối. Nhưng dĩ nhiên gã không nhìn thấy gì, kể cả người đàn ông bí ẩn ấy. Mọi sự tồn tại trong dòng thời gian biến chuyển tích tắc từng nhịp không thừa ra một khắc đang khiến gã hoang mang, mất dấu. Gã luôn phải tự tìm kiếm hình dung cái hoạt cảnh ngày mà gã sinh ra đời nó như thế nào?

Chẳng hạn, ngay lúc này. Chính ngay lúc này, khi gã chơi trò úp mặt vào tường, thì người đàn ông bí ẩn ấy đã dụ dỗ gã thâm nhập sâu hơn vào bóng tối. Những nhân hình đang gào thét điên loạn trong bóng tối. Gã biết, sẽ chẳng ai phía bên kia bức tường nhìn thấy gã, (hẳn là người đàn ông bí ẩn ấy cũng thế). Cuối cùng, cũng chỉ mình gã tự độc thoại: “Mày hãy im lặng và úp mặt vào tường đi”. Và dĩ nhiên, hay khả năng là gã vẫn phải úp mặt vào tường nếu luôn luôn quay cuồng cùng thứ ý nghĩ “từ khi tôi được sinh ra”.

Gã là một kẻ tò mò. Thói tật này, khiến gã chỉ muốn xộc vào tất cả mọi chiều không - thời gian để tận mắt chiêm ngắm các trạng thái từ thứ giác quan kì diệu của con người. Và, điều mà gã cần phải biết nhất là người đàn ông bí ẩn cùng với tiếng nói phát ra từ bức tường trong căn phòng của gã. Lão ta là tên quái nào trong thiên địa nhân gian này?

Một vài lần gã thèm say.

Khá lâu rồi gã không biết đến một giọt rượu. Gã quý trọng thân xác cha mẹ sinh ra. Gã sợ bị thương tổn. Rượu có khả năng tàn phá cơ thể con người. Nhưng, hôm nay gã lại thèm say. Gã nhớ màu vàng chanh của tequila trong quán bar của lão họa sĩ già trước đây mà gã thường ghé đến. Thời ấy gã còn trẻ. Gã muốn say lúc nào cũng được. Và chắc chắn gã chưa nghĩ nhiều đến tác hại của rượu. Nhưng giờ thì gã không thể.

2.
Có khoảng thời gian gã chán việc phải đối diện với những bức tường trắng, đã hoen ố lem nhem dấu vết màu thời gian. Gã lại thèm say, (say có kiểm soát). Thật vô lý. Chẳng ai có thể kiểm soát cơn say. Năm hai mươi mấy tuổi, gã đã say ngất ngưởng dưới ánh đèn vàng mờ ảo, trên những nhịp cầu hẹn hò chỉ vì nàng, một cô gái mang tên con sông đầy mộng tưởng huyễn ảo. Và gã đã khóc. Giọt nước mắt của một cậu trai trẻ. Dòng Linh Giang vắng lạnh cô độc.

Gã biết rằng, sẽ chẳng bao giờ gã quên được khoảng trống và kể cả cơn say không kiểm soát của tuổi trẻ. Khi say, gã biết, những nỗi niềm thầm kín sẽ bị vỡ òa. Nhưng, sau cái đêm say hôm ấy, gã đã cự tuyệt bóng hình của nàng trọn vẹn. Vậy mà, gã vẫn bị sự tò mò thôi thúc gã tìm kiếm sự thật, rằng, “tại sao nàng lại ngoảnh mặt quay lưng tàn nhẫn đến vậy”. Sau đó, gã nghĩ, “đâu phải chỉ mỗi nàng mới có những ẩn giấu, khả năng là gã, một con người trần trụi yêu ghét như gã cũng tiềm tàng nhiều góc khuất”. Chẳng hạn cái sự tò mò của gã về tiếng nói của người đàn ông bí mật sau bức tường, mà hệt như là đang nói với gã vậy. “Từ khi tôi được sinh ra”.

Liệu có sự thật nào đang được giấu che trong phần sâu thẳm nhất của con người gã không nhỉ? Giá như, gã chỉ là một thực thể nhàm chán vô vị. Nhưng, gã biết, gã đặc biệt, rất đặc biệt. Vì gã ghét sự nhàm chán của đám đông. “Đa phần đám đông thường ít khi nhận ra sự tồn tại vĩ đại của một thực thể con người trong vũ trụ này”. Gã thắc mắc, và tò mò về những diễn dịch từ lời nói của kẻ ở trong bóng tối về sự tồn tại của một con người, sự ra đời của một con người.

Đêm mùa đông của năm thứ ba, sau khi gã chuyển trọ đến đây. Ở một con hẻm sang trọng với những tòa nhà cao tầng khá giả. Nhưng, thỉnh thoảng gã vẫn nghe tiếng khóc của một cô gái trẻ vào giữa trưa. Buổi chiều tối là tiếng kinh kệ gõ mõ. Gã nghe đã quen. Thế mà, tiếng khóc đó hệt như một dấu lặng nặng trĩu. (cả tiếng kinh kệ cũng vậy). Những bức tường xây cao ám ảnh gã. Thường xuyên. Bất cứ thứ gì có hình dạng ngăn cách đều khiến gã bức bối vì cảm giác bị nhốt kín, không thể hòa tan giữa đất trời cây cỏ xanh tươi. Mỗi lần tỉnh giấc, gã luôn phải tìm cách rời đi.

3.
“Từ khi tôi được sinh ra.”

Tiếng nói tiếp tục rủ rỉ như một lời kinh sám hối. Chất giọng của người đàn ông bí ẩn rất gần, rất rõ. Gã bất thần phát cáu, “chẳng có gì phải băn khoăn việc ai đó được sinh ra như thế nào?” Nhưng, gã nhớ mẹ. Người đã kể rất nhiều về ánh hào quang vây xung quanh gã, ngày gã chào đời. Gã luôn tò mò thứ cảm giác sáng lấp lánh đó. Đáng tiếc, gã không thể xuyên không về với quá khứ để tự mình chứng kiến. Gã đã từng có những giấc mơ hóa thành một ngôi sao. Gã mơ ngay cả thời điểm bà bác sĩ say mê kể về sự ra đời của gã với ai đó.

Năm mười tuổi, gã đạt được một cái giải học sinh giỏi nho nhỏ ở trường huyện, cô giáo gã nói, “em là một ngôi sao màu xanh”. Những đứa trẻ xung quanh nhìn gã với ánh mắt mơ mộng. Đối với trẻ con, ngôi sao màu xanh hệt như một câu chuyện cổ tích. Gã thì ngây thơ và chưa hiểu được ý nghĩa của việc phong tặng. Gã chỉ cảm thấy một nỗi cô độc bao vây lấy gã, từ khi gã được sinh ra đời thì phải? Gã buồn, gã phải học, có khi học thật giỏi, viết chữ thật đẹp, điểm thật cao, mang về những giải thưởng sẽ khiến người xung quanh gã được vui. Gã không hiểu niềm vui có giá trị gì. Gã chưa hề biết ánh sáng của một ngôi sao liệu có khiến sự u uẩn bẩm sinh này biến mất?

Thế mà, thay vì nhớ về một ngôi sao lấp lánh, gã chỉ nhớ việc gã đã bị gõ vào tay năm sáu tuổi, bởi lí do gã chưa viết được những chữ O tròn như quả trứng gà. Khi ấy, trở về nhà, gã nói với bà bác sĩ rằng, con muốn đi chơi. Gã không thích vì chưa thể viết được chữ O tròn như quả trứng gà mà bị cô giáo gõ vào đôi bàn tay nhỏ xíu của một đứa trẻ sợ đau. Gã theo cha lang thang hết một mùa hè dài. Cha gã thật tuyệt. Ông ấy không hề la mắng gì, thậm chí còn vui vẻ cho gã theo cùng những chuyến đi. Gã nhớ, một lần ngồi trên chiếc xe cần cẩu khổng lồ với cha vào rừng. Những cánh rừng bạt ngàn. Những thân gỗ to khỏe, mà vòng tay bé xíu của gã không thể ôm hết. Ký ức này, khiến gã vô cùng sung sướng. Hệt như lần đầu tiên trong đời gã không hề biết đến nỗi u uẩn bẩm sinh là gì nữa. Giữa thế giới của thiên nhiên, nó, thứ khiến gã biết phiền muộn ngay từ lúc bé có thể tan biến hết.

Chính vì lẽ đó, bảy tuổi gã mới hoàn thành lớp học vỡ lòng. (Muộn hơn các bạn một năm). Nhưng mười tuổi gã đã trở thành một ngôi sao của trường tiểu học. Ông luật sư dù rằng không ép gã trở thành một ngôi sao vẫn hân hoan ca vui. Bà bác sĩ thì sung sướng tự hào vì gã là một ngôi sao như bà ấy muốn. Thế nhưng, cha gã vẫn tiếp tục chìm trong những cơn say triền miên. Cha không bao giờ cho gã biết về những ngôi sao. Gã nhận ra, ánh sáng tinh anh của thứ gì đó như là lý tưởng chẳng hạn đã tắt trong mắt ông ấy. Gã nhớ, cha có kể đi kể lại trong rất nhiều cơn say rằng, “ta đã từng là một ngôi sao trong những tháng năm loạn lạc ở cái làng nghèo nàn ấy, và ta vẫn muốn tiếp tục trở thành một ngôi sao ở chốn nhân gian này”.

Mẹ gã cặm cụi ngày hai buổi đến công sở, cặm cụi cơm nước củi lửa heo gà rau dưa nhiều khi tới tối mịt. Ông luật sư vẫn say. Và hầu như quên bẵng sự tồn tại của thời gian, của đời cơm áo, hay chuyện dạy dỗ con cái. Miễn rằng, mỗi tháng ông đều đặn đưa lương của một cán bộ công chức về cho vợ. Ông chỉ thèm khát việc được vùng vẫy chốn giang hồ. Dĩ nhiên hiện tại ông ấy đã quên (bắt buộc phải quên) giấc mơ về những ngôi sao tràn đầy các loại mộng tưởng cao đẹp. Thỉnh thoảng lúc rảnh rỗi bà bác sĩ vẫn tiếp tục kể đi kể lại những hào quang ngày gã sinh ra đời. Gã biết, đời bà chỉ có duy nhất thứ ánh sáng lấp lánh đó. Gã vẫn trìu mến kiên nhẫn lắng nghe lời mẹ hoài niệm về những thứ đã cũ. Dù sao đối với một người mẹ như bà bác sĩ, bọn trẻ do bà sinh ra vẫn là những ngôi sao sáng nhất.

Nhiều lần trong bóng tối, gã thử quan sát bầu trời đêm, để tìm một ngôi sao màu xanh. Vậy mà gã chỉ nghe vọng lại lời mẹ thủ thỉ, “con là ngôi sao sáng nhất”. Ông luật sư say đều đặn qua nhiều mùa xuân hạ thu đông. Đương nhiên, ông vẫn đến công sở trong trạng thái tỉnh táo. Và trở về với một cơn say hoàn hảo phiêu bồng. Gã, lúc ấy, chỉ thấy sự u uẩn bẩm sinh đeo bám, vương vấn trên đôi mắt gã khi nhìn cha. Gã tự hỏi, liệu rằng, một ngày nào đó, gã có hiển hiện với nhân diện như cha gã không? Hẳn là việc ông ấy sinh ra và tồn tại chỉ để say? Trong cơn say, chẳng hiểu ông ấy có tìm thấy mộng ước hay lý tưởng cao đẹp nào đó của mình chăng? Gã thực lòng có buồn chán với hình ảnh người đàn ông say triền miên ấy. Tuy nhiên, đối với gã, ông luật sư vẫn là người cha tuyệt vời nhất. Trong một buổi trăng tròn tỉnh táo, chỉ ngồi đàn và hát bên bà bác sĩ, ông luật sư đã hướng ánh mắt về phía gã và nói rất dịu dàng “con là một ngôi sao màu xanh”. Năm đó gã vừa thi vượt cấp, vừa mang về cho ông luật sư và bà bác sĩ một giải thưởng danh giá của đời học trò. Giải thưởng mà những người xung quanh thị trấn nghèo ấy, phải ghen tỵ nhìn cha mẹ gã với ánh mắt ngưỡng mộ, (hệt như ngày gã được sinh ra đời).

Nhưng cũng năm đó, khái niệm về một ngôi sao trong lòng gã vụt tắt.

4.
“Từ khi tôi được sinh ra”.

Gã bất giác buột miệng nói. (Không phải người đàn ông trong bóng tối và những bức tường nói). Gã muốn khẳng định sự tồn tại hữu hình của gã, không phải của ông ta. Dù vậy, gã vẫn khá tò mò. Vì sao ông ta lại khiến gã phải nghĩ ngợi quá nhiều với những kết nối u ám xung quanh mình, hoặc cả sự tồn tại, sự ra đời của một con người? Gã vừa tìm kiếm ông ta vừa tự giải mã hình tượng thơ ấu của chính gã trong khoảnh khắc mà gã chào đời. Gã nghĩ, gã cũng có chút ảnh hưởng sự tự do phóng khoáng bên ngoài bầu trời rộng lớn kia như cha. Gã muốn tỏa sáng cùng những ngôi sao trong khối vũ trụ thiên biến vạn hóa ấy. Nhưng chẳng ai biết, gã đoán chắc chẳng một ai biết, khi đối mặt với những bức tường gã đã nghĩ về việc tự sát. Gã lại nghe thấy tiếng ông ta. (Vào đêm thứ hai, gã chơi trò úp mặt vào tường, như một kẻ lên cơn nghiện). Thực tình, gã tự lý giải, gã chỉ cố gắng tìm kiếm chân dung của ông ta từ bức tường đầy bóng tối ấy. Thế mà ông ta vẫn ung dung trốn biệt và không hề hé lộ cho gã biết về sự hiện diện của ông ta dù chỉ một nụ cười nhếch mép.

Gã nghĩ về hồi ức của mình, (trong khi chơi trò úp mặt vào tường). Lần đầu tiên gã có ý nghĩ về cái chết là năm gã hơn tám tuổi. Một thứ cảm thức quái gở trì níu lấy đứa trẻ ngơ ngác khi bị ai đó nghi ngờ là kẻ trộm tiền. Gã không định danh được kẻ trộm tiền có nghĩa như thế nào? Thật khó khăn cho một bộ não bé xíu chưa được cung cấp đủ đầy dưỡng chất để định danh hay hình dung ra “kẻ trộm tiền” ấy ra sao? Nhưng chắc chắn gã dám cá cược rằng, sau khi hoàn thành lớp học vỡ lòng, và viết được nhiều ký tự, nhiều âm vần hơn chữ O tròn như quả trứng gà, gã đã cầm tờ nhật báo từ cơ quan cha mang về mỗi ngày đọc vanh vách.

(Ý nghĩ về cái chết như là cách để gã chứng minh sự trong sạch của mình).

Dĩ nhiên, chẳng có gì xảy ra, ngoài nỗi u uẩn bẩm sinh xâm lấn trong đôi mắt ráo hoảnh và nụ cười hồn nhiên của một đứa trẻ con. Thứ cảm thức ấy đủ để tiến triển như một vệt mờ, rồi dần dần lộ rõ ra thành hình dạng cụ thể.

Năm mười lăm tuổi, ý nghĩ tự sát lần hai tiếp tục xuất hiện trong đầu gã. Thật đáng sợ. Một cậu trai trẻ mới bắt đầu chạm đến tuổi dậy thì như gã tại sao có thể nảy sinh thứ suy nghĩ đó. Gã không nói dối. Trẻ con chưa bao giờ biết nói dối. Chàng trai mười lăm tuổi, không thích việc nói dối. Thứ ý nghĩ ấy xuất hiện hành hạ tri giác gã, khiến gã chìm đắm trong cơn mê hoang tưởng của bóng tối, của sự chết chóc. Và dĩ nhiên sau đó nó cũng vui vẻ biến mất như chưa hề tồn tại. Thực sự, gã cũng sợ hãi cái chết. Bản thể cô độc và yếu đuối của con người cũng đã hiện hữu rõ rệt khi gã nghĩ đến bóng tối. Dù rằng đến tận bây giờ, gã vẫn cần mẫn tìm kiếm câu trả lời, tại sao gã lại được sinh ra?

5.
Nguyên nhân của sự việc khiến gã nghĩ đến chuyện tự sát thật tình nó khá mông lung mơ hồ. Gã không thể giấu giếm mãi được. Người lớn là tấm gương để trẻ con soi vào. Trẻ con sẽ học cách suy nghĩ và hành động của người lớn. Từ khi gã được sinh ra, ngoài những khoảnh khắc bà bác sĩ sung sướng bừng sáng nụ cười khi nghĩ về một ngôi sao, thì dăm ba lần gã phát hiện ra bà thường ẩn nấp trong bóng tối, trước những bức tường đêm cũ kỹ đầy vết dấu thời gian để viết.

Gã không thích phải chứng kiến những việc làm lén lút của ai đó, nhưng gã cũng thực sự rất tò mò. Cảm giác tò mò của một đứa trẻ. Làm sao gã không tò mò, khi vô tình nhìn thấy mẹ cô độc viết thứ gì bí ẩn trong bóng tối? Gã biết đọc từ rất sớm. Gã nhớ, gã rất thích đọc. Hầu như gã đã lục lọi tìm kiếm tất cả mọi thứ có chữ để đọc từ năm tám, chín tuổi. Ngoài những tờ nhật báo, cha gã còn đưa về cả các thể loại tạp chí in màu lấp lánh chữ to chữ nhỏ. Thậm chí gã không hiểu tại sao mình có thể cầm nguyên một tờ Văn nghệ khổ lớn, chữ chi chít để đọc thời ấy. Tờ báo có khi còn lớn hơn cả thân xác gầy còm của một đứa trẻ hơn mười tuổi như gã. Ông luật sư và bà bác sĩ thể hiện niềm vui của các bậc cha mẹ rất rõ. Nhưng việc gã muốn đọc và khao khát được đọc không liên quan gì đến ước muốn về một ngôi sao sáng trong lòng cha mẹ gã. Chỉ đơn giản là gã muốn biết về thế giới này, kể cả việc mẹ gã viết thứ gì đó trong bóng tối.

Trẻ con thường tò mò, hiếu kỳ. Chắc hẳn không chỉ có trẻ con mới tò mò? Sự tò mò sẽ khiến người ta trở thành kẻ ham muốn những thứ không thuộc về mình. Hoặc giả, sẽ gây ra một vài tác hại, chẳng hạn như ý nghĩ về cái chết. Chúng lớn dần trong tâm thức của gã. Nhưng chưa phát triển thành bất cứ một hành động nào cụ thể. Bởi lẽ với một đứa trẻ, nó vẫn là thứ gì đó rất xa lạ.

Gã biến thành “kẻ trộm” thật sự. Gã không phải là “kẻ trộm tiền” như thời bé người lớn nói. Gã trộm bí mật. Gã còn nghĩ đến việc muốn trộm cả những giấc mơ. Gã lục lọi ngăn tủ đầu giường trong phòng ngủ khi bà bác sĩ đến công sở. Gã dự là sẽ mở ngay lập tức để thỏa mãn sự hiếu kỳ của một đứa trẻ về những thứ bà ấy viết. Gã cố hình dung lại cái hoạt cảnh về những cơn say của ông luật sư mỗi lần trở về từ công sở khi tối trời. Đôi mắt của bà bác sĩ lúc ấy nhìn lõm vào bức tường. Đôi mắt bà tối hơn cả bóng tối. Đen và sâu. Sầu và úa. Nhưng tuyệt nhiên không hề có một giọt nước mắt ủ rũ nào. Chưa bao giờ gã phải chứng kiến một đôi mắt đầy ám ảnh đến vậy. Sau này gã học bà ấy cách nhìn sâu vào bóng tối mỗi lần thấy đau. Gã chỉ cần đối diện với một bức tường nào đó trước mặt. Và gã, thực tình còn mong muốn mình kiểm soát được bóng tối, để ý thức về cái chết trong đầu gã không được phép phát triển.

Sau khi chạm vào những quyển sổ bí mật của mẹ, gã vẫn quyết không để thói tò mò trẻ con điều khiển. Gã không mở nó ra. Gã trả nó về vị trí cũ. Gã đã từng có ý nghĩ tươi sáng hơn, có thể bà bác sĩ viết về những ngôi sao màu xanh? Không phải là nó. Thứ ý nghĩ đáng sợ ấy. Thứ ý nghĩ vô tình xuất hiện trong đầu một đứa trẻ khi bị nghi ngờ là kẻ trộm tiền. Chậc, đứa trẻ như gã thật sự rất thèm kẹo ngọt, từng ăn lén ăn vụng khi vét từng thìa sữa đặc mẹ đem về từ cơ quan thời buổi ấy. Nhưng tiền là một khái niệm mơ hồ với một đứa trẻ. Gã chỉ cần một ít tiền lẻ đủ để mua kẹo ngọt. Người lớn nào đó đã mất một số tiền, lần gã đến chơi nhà hàng xóm, nhà cô bạn gái bé nhỏ của gã. Cô bé mang tên một dòng sông. Gã không kể với ông luật sư về sự vụ của gã. Gã cũng không hề hó hé một lời về nỗi oan ức ấy với bà bác sĩ.

6.
Và gã phiêu bạt giang hồ thật.

Sau khi trưởng thành. Gã mê mẩn những chuyến đi. Gã thèm khát được nhìn thấy thế giới rộng lớn. Điều mà gã muốn hẳn nhiên vẫn là việc tìm kiếm lời giải cho sự ra đời trong nỗi u uẩn sầu muộn của gã. Gã nhớ lại cảm giác được tan biến trong lòng đất trời khi đi vào rừng sâu cùng với cha ngày thơ ấu. Gã bé nhỏ lọt thỏm trong khu rừng. Cha gã cũng vậy. Gã đã từng đứng trong một khu rừng nguyên sinh khác, ở bên kia đại dương, hoặc giữa biển xanh vời vợi sóng gió và cát, gã lấy lại được cảm giác thỏa mãn tan biến giữa đất trời. Gã không cần phải chịu đựng nỗi u uẩn sầu muộn bẩm sinh của gã nữa.

Gã trở về.

Cha gã, ông luật sư gần hết nửa đời người đón gã trong một cơn say. Cảm thức về nỗi u uẩn sầu muộn bẩm sinh của gã quay lại. Gã nghĩ, giấc mơ của ông ấy vẫn ở đâu đó xa tít trên bầu trời đầy đủ mọi sắc màu xanh - xám, sáng - tối. Hoặc cũng có thể, nó, giấc mơ về một ngôi sao đã chết. Gã biết, mất đi một giấc mơ thì cũng đồng nghĩa với việc sự tồn tại của một con người cũng sẽ trở thành vô nghĩa. Bất giác, gã thấy thương cha. Ông luật sư, một đời chỉ phiêu du trong những cơn say, mơ với tay đến ngôi sao màu xanh.

Gã nhớ về những hồi ức cũ. Gã thấy, khi cha gã say. Mẹ gã lại rất tỉnh. Thậm chí, bà tỉnh táo đến mức đáng sợ. Bức tường của mẹ, dần dần biến thành bức tường của gã. Mẹ không biết, cha gã cũng không biết, gã đã làm bạn với bức tường từ những năm tháng đầu đời khi trở thành một chàng trai như thế nào. Mẹ không hề biết, gã còn làm bạn với cả những ý nghĩ khủng khiếp khác trong bóng tối. (Dĩ nhiên thời điểm ấy gã chẳng hiểu gì sất về người đàn ông lạ hiện tại đang khiến gã tò mò về sự ra đời của một con người).

Gã hình dung lại về những năm tháng ấy, gã đã không cưỡng nổi sự tò mò của một đứa trẻ. Sau cái đêm ông luật sư trở về trong cơn say quen thuộc, ông ấy đã chỉ vào mặt bà bác sĩ và nói, “tại sao nó lại sinh ra đời?” Thật là kinh khủng. Gã tưởng như nghe tiếng sét đánh ngang tai. Nó là ai thế nhỉ? Hẳn không phải gã. Gã nhớ, bà bác sĩ từng kể về những cuộc tình mơ mộng lãng mạn thời trẻ tuổi, trong đó bà có nhắc đến ngôi sao màu xanh trên vai áo của một người đàn ông lạ. Lần này gã không thể ngăn cản việc tìm kiếm về sự ra đời của một con người, (mà chẳng ai khác ngoài gã). Gã lục lọi những ngăn kéo của bà. Tủ đầu giường, va li. Hình như bà bác sĩ biết, ai đó đã động chạm vào chiếc hộp pandora của bà. Mẹ gã di dời tất cả khỏi mọi góc quen. Nhưng gã vẫn tìm thấy. Gã là một con người tinh quái ngay từ bé. Gã sẽ tìm thấy bất cứ thứ gì gã muốn. Những quyển nhật kí của mẹ cũng dần dần hiện ra trước mắt gã. Dòng chữ đầu tiên đập vào mắt gã: “đừng níu kéo tôi, đừng để tôi sống”.

Bà bác sĩ viết về cái chết. Đúng như gã đã dự đoán. Bằng cách nhìn vào mắt mẹ. Gã có thể nhận ra sự sầu muộn chất ngất. Gã thắc mắc, rằng ông luật sư vẫn đi về hiền lành trong những cơn say. Nhưng, bà ấy tại sao phải ẩn nấp giữa bóng tối để viết về cái chết?

Gã không muốn đọc tiếp. Lúc này, gã lại thích chơi trò úp mặt vào tường quen thuộc. Và nghĩ, không cần phải tìm kiếm câu trả lời, “vì sao tôi được sinh ra?” nữa. Gã hình dung về người đàn ông, tiếng nói phía sau bức tường. Nhưng gã biết, bức tường bóng tối của mẹ cũng dày lên thêm. Có thời gian, gã để ý mẹ giảm việc viết. Số lượng quyển sổ chi chít chữ viết tay của một người làm nghề y như mẹ hẳn đã vừa đủ. Hoặc câu chuyện mà bà ấy viết cũng đã có một cái kết? Gã hồi tưởng lại một vài lần theo mẹ đến bệnh viện, gã đã ngửi thấy mùi máu, nghe tiếng la hét đau đớn của người bệnh, thấy sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc. “Có phải vì điều đó mà bà bác sĩ bị ám ảnh về cái chết?” Gã tự hỏi.

Một lần nữa, gã đã lén quan sát đôi mắt của mẹ. Đôi mắt thẳm sâu u buồn. Đôi mắt vừa tràn ngập ánh sáng, vừa bị che phủ bởi bóng tối. Thêm một lần nữa, sự tò mò của gã trỗi dậy. Gã lại muốn biết, “vì sao gã được sinh ra đời?” Và thứ mà gã bất ngờ nhất trong chiếc hộp pandora của mẹ chính là gốc tích sự ra đời của gã. Chao ôi, hóa ra, cái ngày ấy, cái ngày duy nhất ấy mà ông luật sư trong cơn say không kiểm soát đã chỉ vào mặt bà bác sĩ, và nói: “Tại sao nó lại sinh ra đời” là đây ư? Cuối cùng gã cũng đã biết, người đàn ông lạ có ngôi sao màu xanh trên vai áo.

7.
Gã nằm mê man trong một cơn sốt. Bốn bức tường xa lạ vây xung quanh gã. Tiếng khóc của cô gái trong hẻm lại ré lên rồi chìm xuống nhanh chóng. Tiếng kinh kệ gõ mõ chêm xen. Trong các loại âm thanh hỗn tạp, gã chỉ nhớ mỗi nụ cười đằm thắm của nàng, mối tình đầu bé bỏng mang tên dòng Linh Giang huyễn ảo ngày thơ ấu năm gã tám chín tuổi. Gã nhìn thấy bóng dáng của ông luật sư. Dù sao với gã, ông ấy vẫn là một ngôi sao màu xanh sáng nhất, không phải người đàn ông lạ mặt có ngôi sao màu xanh trên vai áo nào đó trong quyển sổ chết chóc của bà bác sĩ. (Dĩ nhiên gã và ông luật sư vẫn yêu bà bác sĩ, như chính nỗi sầu muộn riêng lẻ). Mỗi sinh thể trong gia đình gã hệt như một ngôi sao đơn độc vậy.

Bất thần gã bật dậy úp mặt vào tường. Gã hờ hững cất tiếng, “từ khi tôi được sinh ra”, có tiếng cười bật lên. Gã nhìn thấy dung mạo của người đàn ông trong bức tường, Cioran. Người đàn ông sinh tháng tư năm một ngàn chín trăm mười một. Sự giao thoa giữa không thời gian chỉ đơn giản được kết nối bằng một giấc mơ. Hóa ra, gã bị sự u uẩn ấy ám ảnh. Ông ta có thể nói về sự ra đời của một con người, về cái chết. Gã nghĩ có khi ông ta nên lắng nghe gã nói về một ngôi sao màu xanh. Nhưng, gã lại nhìn thấy từ ông ta thứ đã hình thành và phát triển “từ khi tôi được sinh ra” rằng, “ý thức còn hơn cả một cái gai, nó là con dao găm vào thịt”. Phải chăng, chính thứ đấy đã biến gã thành một ngôi sao chỉ lấp lánh trong bóng tối và những nỗi u uẩn bẩm sinh. Gã vẫn quý trọng xác thể đã được Thượng Đế tạo lập.

Gã dứt khoát sẽ không bao giờ tự sát.

T.B.K
(TCSH407/01-2023)

 

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Trà (10/02/2023)
Lão Kình (02/02/2023)
Đồng đội (14/01/2023)
(12/01/2023)
Một người cha (30/12/2022)
Nhà nội… (15/11/2022)
Mùa sâm cầm (11/11/2022)