Truyện ngắn
Gánh xiếc trong mưa
08:16 | 12/07/2023

VÕ ĐÀO PHƯƠNG TRÂM

Những thanh sắt cao lêu nghêu, những chiếc vòng đủ kích thước nằm lẫn giữa những viên bi xoay tay, cái thùng được sơn màu sặc sỡ và những mảnh vải lụa, những quả banh nhựa… thoạt nhìn, ai cũng biết đó là đồ nghề của dân làm xiếc, kế bên đó còn có một chú chó nhỏ, đeo một cái nơ ở cổ, một thành viên trong nhóm xiếc Đại Đồng.

Gánh xiếc trong mưa
Minh họa: TÔ TRẦN BÍCH THÚY

Gánh xiếc chỉ có ba thành viên, một người đàn ông ngoài năm mươi tuổi, cô gái trạc chừng hai mươi và một chú chó màu trắng lông xù.

Gánh xiếc ít người nhưng họ đi khắp miền tỉnh lẻ, có mặt trong những buổi biểu diễn dọc miền Tây, những đêm hội chợ, lô tô, những buổi khai giảng ở trường học, người ta vẫn thấy gánh xiếc Đại Đồng góp mặt, vẫn với ba thành viên, từ hồi cô gái trong đoàn chỉ vừa tầm mười mấy tuổi, giờ thì đã ra dáng thiếu nữ với gương mặt xinh xắn, nước da trắng trẻo dù theo gánh xiếc dọc xuôi trên chiếc ba gác, qua những nẻo đường rám bụi.

Cuộc đời hai cha con ông Tình trôi dạt bao năm, dọc xuôi trên con sông mà ngỡ như lòng sông đã quen thuộc với từng mái dầm cũ kỹ, rồi chiếc xuồng ghé vô bờ cho con nhỏ coi xiếc trong thôn, hôm nay thôn có đoàn hội chợ ghé đóng đô ba ngày, người ta đã bày biện gian hàng từ lúc hôm qua.

Hôm nay cha cho nó vô coi hội chợ, nhìn điệu bộ là biết nó thích thú vô cùng.

Khu đất rộng với những gian hàng lô tô, trò chơi quăng vòng vô cổ vịt, ném banh vô rổ, bịt mắt đập heo đất, câu cá nhựa, câu thú nhồi bông, rồi thì đủ trò chơi được người ta thực hiện ở khắp khu đất trống, nhỏ Nhi thích thú đi qua từng gian hàng nhìn ngắm. Khi đi ngang qua gánh xiếc, nó như bị thu hút một cách kỳ lạ, nó kéo tay ông Tình lại, nó không nói câu gì, chỉ yên lặng chăm chú nhìn người ta diễn xiếc. Suốt buổi diễn, mắt nó cứ đảo theo người diễn viên mỗi khi họ nhào lộn, xoay người, ánh mắt nó dường như không một phút nào rời khỏi những màn làm xiếc. Nó bất chợt nhìn xuống chân khi nghe có vật gì đó chạm vào, thì ra là một quả banh tròn lăn vào chân. Nó cầm trái bóng, xoay xoay vài vòng trên tay rồi đưa cho người diễn viên trong tiếng vỗ tay của những người xung quanh.

Sau khi đoàn xiếc kết thúc màn biểu diễn, ông Tình cũng dẫn nó rời đi nhưng lúc này, nó nhìn ông và đề nghị:

- Cha cho con gặp mấy anh chị diễn xiếc một chút nha.

- Trời, con gặp người ta chi vậy?

- Người ta diễn hay quá.

- Con thích thì khi nào có đoàn xiếc về đây, cha dẫn con đi coi, vô trong đó biết người ta có cho vô không.

- Hổng sao đâu, cha cho con vô thử đi, người ta hổng cho thì hai cha con mình đi dìa.

Vừa nói dứt câu thì nó đã chạy theo đoàn xiếc vào bên trong, tay nó ôm con thú nhồi bông, chân nhanh nhảu đi theo bóng người diễn xiếc, cặp mắt nó cứ nhìn bám theo bóng lưng người tavì sợ lạc mất giữa đám người đông đúc. Cuối cùng nó cũng vô được bên trong đoàn xiếc, không biết lúc vô trong đó nó nói những gì, ông Tình thì cứ thấp thỏm bên ngoài, sợ người ta la mắng nó, đâu chừng mười phút, ông thấy nó đi ra, dáng vẻ phấn khởi khác hẳn lúc đầu.

- Cha, con mới gặp người trong đoàn xiếc.

- Con gặp người ta làm gì vậy?

- Con xin cho con đi làm xiếc.

- Trời đất! Con làm sao mà làm xiếc được. - Con làm được mà cha!

Ánh mắt của con nhỏ trong veo như vạt nắng trưa, cùng với cái giọng hồ hởi như vừa có được chiến tích, ở tuổi mười ba mà giọng nó khẳng định chắc nịch là ông Tình biết nó mê cái nghề làm xiếc lắm, bởi ông nuôi nó từ nhỏ, mỗi lần nó thích cái gì là nó quyết tâm phải làm cho bằng được, từ lúc học lội sông, ông thấy nó còn nhỏ nên không dám cho nó xuống sông xuống nước nhưng nó vẫn lén ông ra kiếm cái bặp dừa để tập bơi ở mấy nhánh rẽ gần bờ. Có lần ông Tình lên sạp chợ tới lúc về, không thấy nó trong ghe, ông hớt hải đi tìm thì hoảng hồn khi thấy nó lội bì bõm ở một con rạch nhỏ, sau này ông đi xin người ta cái vỏ xe hơi bị bể về vá lại để làm cái phao cho nó tập bơi, mà tập đâu chừng mười bữa là nó bơi được gần chục mét. Rồi nó thấy ông chèo ghe, nó cũng tập chèo, ban đầu cái xuồng quay mòng mòng, bá vô mép bờ, ông Tình sợ cái xuồng mỏng mảnh bị vỡ làm đôi, trôi vô lùm cây ô-rô không ra được, nhưng nó vẫn không cầu cứu ông Tình mà cố loay hoay để đưa cái xuồng ra được ngoài sông. Lần này ông nghe nó nói, ông biết là không thể cản ngăn được nó, mà nó muốn đi làm xiếc thì ông cũng để nó đi, chỉ sợ không biết nó có làm được không vì cái nghề này đòi hỏi nhiều thứ lắm, không phải như tập bơi hay chèo ghe mà được.

Bữa nay, có đoàn xiếc về diễn cho thầy Ba thuốc Nam ở chỗ sân Đình, ngoài xiếc ra còn có vài bài vọng cổ của mấy người hát tỉnh lẻ, ông Tình bỏ một ngày lưới cá và bán trái cây để đưa con nhỏ tới coi. Cũng như lần trước, coi xong, lúc người ta giãn tuồng thì nó chạy ra ngoài sau để tìm gánh xiếc, độ chừng mười phút, nó chạy về phía ông Tình, nói với ông bằng vẻ mặt hớn hở:

- Cha ơi, người trong đoàn xiếc nói cho con đi theo, hay bữa nay cha dìa đi, để con đi với họ.

- Trời, sao con đi một mình được, mới có mười ba tuổi sao mà đi với người lạ được.

- Con đi được mà, trong này cũng có đứa cỡ như con.

Ông Tình thở dài một tiếng khi nghe con nhỏ quả quyết phải đi theo đoàn xiếc, rồi không biết ông nghĩ gì mà kêu nhỏ Nhi đi một mạch theo ông ra phía sau sân Đình. Lát sau nó mới biết là ông nói với đoàn xiếc cho ông đi theo, ông theo để trông chừng con nhỏ, vậy là người ta cho ông theo. Trong thời gian đầu con nhỏ phải ở trong đoàn xiếc để tập luyện cho quen nghề, ông Tình thì không có phương tiện nào đi lại, vậy là ông đành phải để con nhỏ một mình đi với gánh xiếc. Lúc giao con nhỏ, ông nói mà giọng buồn buồn đứt quãng:

- Nhờ mấy chú mấy cô dạy nghề giùm con nhỏ, để ý con nhỏ giùm tui, tui có mình nó, hai cha con tui sống dưới ghe mười mấy năm rồi, tui cũng không có phương tiện nào đi lại chứ không tui cũng đi theo mấy cô mấy chú để coi chừng nó.

Nghe hoàn cảnh của ông, mấy người trong đoàn xiếc cũng thương cảm, mặc dù người trong đoàn cũng là những người có đời sống bấp bênh, có người cũng không cha không mẹ, rày đây mai đó nhưng nghe hoàn cảnh cha con ông, người ta cũng không khỏi chạnh lòng.

Vậy là từ hôm đó, ông Tình khăn gói cho con nhỏ mấy bộ đồ, bỏ theo trong cái giỏ đệm của nó hai con thú nhồi bông, rồi dặn nó nhớ kỹ lưỡng khi đi tới nơi xa lạ. Con nhỏ gật gật đầu, nhưng gương mặt nó không có vẻ u buồn vì trong lòng một đứa con gái mười ba tuổi dường như chỉ thấy hồ hởi, phấn khích khi nghĩ đến lúc được làm xiếc, được biểu diễn trước đông người. Con nhỏ ôm cái túi đệm với mớ quần áo cũ và hai con gấu bông lững thững đi theo gánh xiếc. Mấy tháng đầu, nó cũng về nhà được gần chục lần. Mỗi lần về, nó lại theo ông Tình đi ra sông lưới cá, chạy lên sạp chợ lấy trái cây người ta cho để đem về đi bán. Ông Tình nhìn tay chân nó hằn lằn ngang lằn dọc, ông nghĩ nó bị người ta đánh vì không biết diễn, nhưng nó nói ông nghe là do nó tập luyện nên bị vậy thôi, cái này ai mới vô nghề cũng bị như vậy hết trơn hết trọi.

Sau ngần ấy năm trời lênh đênh trên con xuồng nhỏ, một ngày nọ, ông Tình được địa phương trao tặng một chiếc xe ba gác do có mạnh thường quân hỗ trợ, vậy là từ đó, ông có chiếc xe để nhận chở đồ cho dân bán hàng trong sạp chợ. Biết ông một thân một mình, gà trống nuôi con lại không nhà không cửa nên ai có cần chở gì, họ lại kêu ông, chắc trời thương cha con ông lương thiện chịu khó lại sống cơ cực hàng chục năm trời nên mới có ngày được mạnh thường quân giúp đỡ. Từ khi có chiếc xe, thỉnh thoảng ông lại chạy lên chỗ nhỏ Nhi học xiếc để thăm con. Thấy ông thật thà lương thiện, gánh xiếc nhờ ông làm người chở đồ đi diễn cho đoàn, ông lại có thêm cái nghề chở đồ cho gánh xiếc, lại có cơ hội được ở gần bên con nhỏ, vậy là ông cũng bớt được nỗi lo.

Ba năm trôi qua, con nhỏ ở trong gánh xiếc và trở thành diễn viên thuần thục bởi độ gan lì, can đảm và chịu khó của nó, có những môn người ta học cả nửa năm trời thì nó học chừng ba bốn tháng đã có thể đi ra biểu diễn nên nó được đoàn giao cho vai trò diễn viên xiếc chính. Con nhỏ vừa nhanh nhẹn, giỏi giang lại vừa có dung nhan đẹp đẽ nên mỗi khi gánh xiếc đi đâu, nghe tên nó là người ta bu lại coi rần rần.

Nhưng rồi thời gian nó ở bên gánh xiếc cũng không được bao lâu khi những người trong gánh xiếc lớn lên, có người lấy vợ lấy chồng, rồi người ta không diễn nữa vì bầu bì, con cái. Gánh xiếc tan rã dù cố gồng gánh thêm một năm trời. Ngày chị trưởng đoàn thông báo là ngày mai gánh xiếc ngừng hoạt động, con nhỏ ngồi một góc, gương mặt nặng trịch, u buồn, cặp mắt nó đỏ hoe, hai hàng nước mắt nó rơi xuống. Nó vốn là đứa con gái gan lì, mạnh mẽ, bao nhiêu đau đớn nó trải qua chưa làm nó khóc, nhưng khi biết rằng ngày mai, nó sẽ rời xa gánh xiếc, nó sẽ không còn được biểu diễn những màn ngoạn mục, không còn được nhìn thấy khán giả, không còn được làm cái nghề mà nó thích, tự nhiên nó thấy như bị mất đi điều gì đó quý giá trong đời. Một cảm giác hụt hẫng, buồn bãxâm chiếm trong lòng của nó, một cảm giác lần đầu tiên nó nghe được vị mặn và vị đắng.

Chiều hôm đó, nó phụ đoàn dọn dẹp rồi chia tay mọi người, có người bật khóc, ôm chầm lấy nó, nó cũng mắt mũi đỏ hoe… Nó ôm cái tụng đệm đã bị rách vì cũ kỹ, vẫn mớ quần áo rẻ tiền, vẫn là hai con thú bông đã lấm màu thời gian, không còn tươi mới. Trong cái tụng của nó giờ có thêm mấy bộ quần áo của người diễn xiếc mà chị trưởng đoàn gửi cho nó vì biết nó không tự ý bỏ nghề, chị biết nó vẫn còn đam mê, ham thích và lưu luyến lắm.

Chiếc xe ba gác chở nó xa dần, xa dần ngôi nhà cấp bốn của chị trưởng đoàn. Sau lưng nó, gió vẫn thổi bàng bạc từ khoảng đất trống hai bên đường, mang theo một chút hương mạ non thoang thoảng. Nó quay lại nhìn căn nhà quen thuộc, nơi nó đã từng ở đó tập luyện trong những ngày đầu vào gánh xiếc, nơi nó đã vẽ lên được một ước mơ, hạnh phúc từ nghề xiếc.

Từ lúc rời gánh xiếc về nhà, nó phụ ông Tình ra chợ khiêng vác hàng hóa. Dạo này, nó không còn đi nhặt rau củ, trái cây để đi bán lại vì ông Tình đã lên bờ làm nghề lái xe ba gác, và nó cũng theo ông trên khắp nẻo đường.

Nhỏ Nhi phụ việc cho ông Tình vài tháng thì một ngày nọ, khi đang xách hộp cơm để tìm chỗ ăn trưa, ông thấy con nhỏ ngồi một góc ở cạnh mép sông, gương mặt nó cứ nhìn mông lung về phía ngoài sông, ông Tình tới gần mà nó cũng không hay biết.

- Sao con không đi ăn cơm mà ra ngồi đây?

- Con chưa đói, cha ăn trước đi.

- Vô ăn cơm đi rồi kiếm chỗ ngủ trưa, con mệt thì chiều dìa trước đi.

Nhỏ Nhi vẫn im lặng không nói gì, mắt nó vẫn nhìn xa xăm về phía bờ sông, trôi theo những vạt lục bình bập bềnh trên dòng nước.

Chiều nhá nhem tối, hai cha con ông Tình cùng ngồi trong bữa cơm sau một ngày đã mệt vì những chuyến hàng ngoài sạp chợ, những đợt sóng va đập vào chiếc xuồng nhỏ tròng trành, nghe tiếng nước ành ạch mà thấy không gian trên dòng sông vừa buồn, vừa tĩnh mịch đến thê lương. Xa xa, nó nghe tiếng ai đó hát hò vọng trong không gian vắng lặng, tiếng hát men theo luồng gió thổi, ngày một rõ dần, trong như dòng nước, nó nhận ra là tiếng của mấy chị chèo ghe đi bán chợ chiều.

Con nhỏ loay hoay bưng ra một nồi cơm còn nóng hổi, dĩa rau muống luộc, tộ cá kèo và chén nước mắm dầm ớt hiểm. Một bữa cơm đạm bạc nhưng với cha con ông Tình, đó là bữa cơm ngon màhiếm khi hai cha con ông có được. Hồi trước, ông thường chèo xuồng ghé ngang mấy con rạch, hái mớ bông súng, có hôm hái vài đọt rau móp, rau dớn, lượm vài trái bần rụng ven sông rồi về nấu nồi canh, cả hai cha con chan cơm ngồi húp. Giờ thì bữa cơm như vầy, với cha con ông Tình cũng đã là ngon lành quá đỗi.

Chiều hôm đó, khi hai cha con nó ngồi ăn cơm trên chiếc xuồng cũ, nó mới bộc bạch với ông Tình bằng giọng buồn buồn:

- Con muốn đi diễn xiếc, mấy tháng nay, con nhớ nghề xiếc quá cha à!

- Trời, giờ có mình con sao mà diễn được?

- Cha đi với con, hai cha con mình cùng diễn.

- Cha có biết diễn xiếc đâu.

- Thì con chỉ cho cha, mà cha chỉ cần phụ con những việc ngoài thôi, như nắm giữ cây cho con leo lên, lấy mấy dụng cụ diễn cho con, con sắp xếp sẵn cho cha, cha cứ theo đó mà đưa ra cho con diễn.

- Trời, con nhắm một mình có làm nổi không? Chứ cha thấy gánh xiếc người ta nhiều người lắm.

- Con làm được mà, ít thì diễn ít, cha đi với con nha cha, con nhớ nghề xiếc quá.

Nhỏ Nhi đặt chén cơm xuống cái mâm, hôm nay nó chỉ ăn được nửa chén cơm chắc vì lòng nó đang có những bần thần. Nhìn mặt nó buồn buồn, ông Tình cũng thấy lòng nằng nặng.

- Nếu con nhớ nghề thì cha đi với con nhưng cha con mình cũng phải kiếm cái ăn, cha còn phải chạy xe kiếm tiền lo cho con nữa.

- Dạ, năm bữa nửa tháng con diễn một lần, thời gian còn lại, con phụ cha đi xe hàng. Vậy cha đồng ý cho con đi diễn tiếp nha cha!

Ông Tình khẽ gật đầu. Gương mặt nhỏ Nhi lúc này đổi màu tươi roi rói, ánh mắt nó lại long lanh, trong trẻo khi nó nghĩ về những ngày được trở lại làm xiếc, được biểu diễn cho người dân trong thôn, trong tỉnh ra xem. Nó bưng chén cơm lên lùa nhanh những đũa cơm vào miệng, chừng một chút là chén cơm hết sạch. Hình như lúc này, khi ông Tình cho nó trở lại với nghề, nó như cái cây đang héo được tưới dòng nước mát, lòng nó ngập tràn sự phấn khởi tươi vui.

Gánh xiếc của nó chỉ có hai cha con. Buổi tối, ông Tình lục ra trong cái hộp gỗ một cọc tiền nhàu nhĩ mà ông dành dụm được từ hồi chạy xe ba gác chở hàng, ông lấy để đưa cho con nhỏ mua một số dụng cụ biểu diễn. Nhỏ Nhi cũng hiểu được nỗi vất vả của cha, nó gom góp tiền đi diễn mấy năm trời cùng với một số tiền mà ông Tình cho nó rồi nó lang thang khắp những góc chợ Cần Thơ để tìm mua những món đồ diễn rẻ tiền.

Những ngày đầu tiên trở lại nghề xiếc, nó mang cái mớ đồ nghề lỉnh kỉnh ra khu đất trống đối diện khu chợ chồm hổm. Nó mặc áo của diễn viên xiếc, gương mặt tô nhẹ một chút phấn son, nó bắt đầu biểu diễn lại mấy ngón nghề mà nó đã học cách đây mấy năm về trước. Nó cứ biểu diễn giữa đồng, ai thích thì ghé qua coi, chừng năm mười phút, người trong khu chợ biết cha con nó, biết nó là đứa diễn xiếc có nghề nên tranh thủ lúc giãn khách, họ kéo ra ủng hộ, rồi khách mua hàng cũng năm ba người đứng lại coi con nhỏ có cái dáng thanh mảnh, trắng trẻo, khuôn mặt đẹp như trăng rằm, cặp mắt trong veo tinh anh và cái miệng luôn nở nụ cười tươi rói khi biểu diễn. Mới bữa đầu tiên ra nghề trở lại mà nó đã được nhiều người đứng coi nó diễn, người ta không nghĩ là nó đang dợt lại ngón nghề mà cứ nghĩ là nó ra diễn thiệt vì cái mặt nó đã quen thuộc với nhiều người, bởi nó vốn là diễn viên xiếc trụ cột của gánh xiếc Hoàng Hương thời gian trước nên nhiều người quen mặt. “Nay con nhỏ về diễn xiếc lại nè”. “Con nhỏ này diễn hay lắm à, hồi đó hay thấy nó diễn ở gánh Hoàng Hương”. “Con nhỏ đẹp đẽ dễ thương ghê, hổng ngờ ông Tình có đứa con giỏi dữ.” “Tại bà hổng biết chứ tui coi nó mấy lần, ở trong hội chợ. Nó diễn hay lắm”. Tiếng mấy người bán hàng lẫn khách mua hàng quen thuộc ở khu chợ chồm hổm nói qua nói lại với nhau, rồi có người lấy trong túi ra tờ mười ngàn đồng bỏ vô trong cái thúng đồ cho nó.

Nó diễn chừng hơn nửa tiếng thì kết thúc, cặp mắt nó long lanh, chứa đựng ánh nhìn hạnh phúc khi những tiếng vỗ tay tán thưởng vang lên. Môi nó nở nụ cười tươi roi rói, nó cúi chào khán giả đứng xem, khán giả của nó hôm nay là mấy cô chú bán hàng và khách mua hàng ở chợ, nhưng lòng nó thấy như một thế giới hạnh phúc đến vô ngần.

Xiếc tan, nó đi thu xếp đồ đạc, ông Tình cũng loay hoay gấp mấy thanh sắt, thu dọn mấy cái vòng tròn, đồ nghề biểu diễn cho con nhỏ, gương mặt ông cũng ánh lên niềm vui khi thấy con nhỏ hạnh phúc trong ngày biểu diễn.

Lúc đến chỗ giỏ đồ, nhỏ Nhi ngạc nhiên khi thấy một mớ tiền trong giỏ, thì ra là tiền của những người khách đứng xem, nó thấy vui trong bụng vì hôm nay, nó nghĩ chỉ đứng diễn cho người ta coi thử, vừa đỡ nhớ nghề, vừa luyện lại những ngón nghề cho quen sau một thời gian không biểu diễn, nó không ngờ người ta đến xem còn cho tiền nó như một buổi diễn thực thụ. Nó nhoẻn miệng cười rồi gom mớ tiền nhét sâu vào đáy giỏ cho khỏi rớt, xong nó chạy lại phía ông Tình, nói nhỏ với ông bằng giọng vui mừng:

- Cha! Hôm nay con diễn, người ta cho con tiền nữa.

- Ờ, con giữ mà xài.

- Lát về con đếm lại rồi đưa cha.

Nó nói, miệng vẫn cười tươi roi rói trong niềm phấn khởi, sau khi thu dọn đồ xong, nó với ông Tình mang mớ đồ ra xe, hôm nay ông Tình cũng không có chuyến hàng chiều nên ông chở nhỏ Nhi về sớm. Chiếc ba gác nổ máy giòn rụm rồi chạy đi, xa dần khỏi mảnh đất trống với khu chợ chiều thưa thớt.

Vậy là gánh xiếc của nó chỉ có hai người nhưng vẫn là nơi nuôi ước mơ, tình yêu với nghề xiếc của một đứa con gái như nó. Mỗi buổi chiều, sau khi đã hết việc ở những chuyến hàng, cơm nước xong, nó lại lên bờ, ra khu đất trống cạnh nơi chiếc xuồng ông Tình neo đậu để tự tập luyện những trò diễn xiếc. Người ta thấy nó diễn xiếc hay, vậy là có người kêu nó đi diễn ở hội chợ, trường học. Thầy Ba thuốc Nam ngày xưa thường nhờ gánh xiếc Hoàng Hương biểu diễn trong mấy lần giới thiệu thuốc Nam, nay thầy cũng gọi nó đi diễn lại.

Gánh xiếc Đại Đồng là cái tên mà cha đặt cho nó. Đại Đồng là cánh đồng lớn vì cha thấy nó thường hay một mình bày binh bố trận trên đồng để tập dợt, mỗi lần tập, mồ hôi nhễ nhại nhưng gương mặt con nhỏ thì hớn hở, tươi vui, hai cái gò má bầu bĩnh căng mịn như trái đào làm cho người đối diện cảm thấy yêu mến và thiện cảm.

Trong gánh xiếc của nó giờ có thêm thành viên thứ ba là một chú chó nhỏ màu trắng lông xù, món quà của một người khách tặng cho nó khi thấy nó diễn hay, người ta cảm mến. Nó mang con chó nhỏ về rồi dạy cho con chó cách đi bằng hai chân, sủa theo số đếm, chẳng bao lâu, nó đã huấn luyện được con chó nhỏ làm trò, lần đầu tiên nó cho con chó nhỏ ra diễn trước đám đông, được người ta vỗ tay khen quá đỗi. Vậy là từ hôm đó, con chó nhỏ trở thành diễn viên xiếc chính, theo nó trong những đợt diễn ở khắp miền Tây.

Tháng Tám trời bắt đầu mưa dầm dề, gánh xiếc nó ít diễn hơn những ngày trời nắng, bữa nay nó diễn để giới thiệu thuốc Nam. Đang loay hoay thu dọn đồ nghề, thầy Ba mới lại gần chỗ hai cha con nhỏ Nhi rồi đề nghị:

- Chú Tình, tui thấy chú cũng lớn tuổi, con Nhi nó cũng lớn rồi mà hai cha con chú cứ ở cái xuồng trên sông hoài, không có tiện; thôi sẵn đây, tui có chuyện này muốn nói với hai cha con chú.

- Dạ, thầy Ba có chuyện gì vậy thầy.

Thầy Ba im lặng vài giây rồi cất giọng:

- Tui còn một mảnh đất trống để hoang, lâu rồi không có ai ở, mé mé bên sông Ô Môn, chú coi về đó mà cất cái chòi ở tạm. Lênh đênh sông nước cả đời rồi, giờ phải có một chỗ tá túc cố định chứ, không lẽ cha con chú cứ ở trên sông hoài.

Ông Tình nghe vậy thì im lặng không dám nói gì dù trong bụng ông vui mừng dữ lắm, nhưng có lẽ vì niềm vui quá lớn nên ông không biết mở lời đáp lại ra sao.

- Tui còn mớ gỗ, mấy cây cừ tràm hôm rồi cất cái nhà còn dư lại, chú đi cắt thêm mớ lá dừa nước về dựng cái chòi, cũng có chỗ mà sống, dù sao cũng đỡ hơn phải sống trên xuồng hoài, tội nghiệp con nhỏ.

- Dạ, thầy Ba nói vậy thì em cảm ơn thầy Ba nhiều lắm, ơn của thầy Ba, cha con em không biết khi nào mới trả hết được.

-Thôi, ơn nghĩa gì, con nhỏ đi diễn xiếc cho tui từ hồi còn nhỏ xíu, giờ nó lớn rồi, cứ ở trên sông hoài, tui cũng thấy tội, mà đất nhà tui bỏ hoang, cũng có làm gì, thôi để cho cha con chú có một chỗ mà tá túc cũng là làm phước.

- Dạ, em cám ơn thầy Ba.

- Để tui coi ngày nào tốt, tui nhắn chú xuống đó, phụ với mấy đứa làm công trong tiệm thuốc, rồi dựng cái chòi nghen.

- Dạ, em cảm ơn thầy Ba!

Thầy Ba nói xong thì xách cái giỏ thuốc ra chiếc xe ô tô đợi sẵn. Trước khi đi, ông đưa cho ông Tình hai gói thuốc Nam để ông đem về nấu uống vì thấy ông Tình có vẻ gầy gò và khắc khổ.

Vậy là sau hôm thầy Ba đưa ra lời giúp đỡ, cha con ông Tình đã có một cái chòi lá dựng tạm để sống qua ngày. Chiếc xuồng gỗ cũ, được ông buộc cạnh mép sông, chiều chiều, ông vẫn ra cái xuồng ngó chừng, một phần cũng vì ông nhớ cái nơi đã sống và mưu sinh ở đó.

*

Mưa tháng Tám kéo dài ảm đạm ở miền quê hẻo lánh, khu đất trống bỏ hoang càng trở nên cô tịch và buồn bã. Mấy nay ông Tình bị cảm, nhưng vì mong muốn có tiền để trang trải cuộc sống trong nhà, ông vẫn nhận chở hàng trên sạp chợ. Mưa dặt dìu, có khi ào ạt đổ xuống thân người gầy gò, luống tuổi của người đàn ông trên những chuyến hàng khắp miền tỉnh lẻ, khiến cho căn bệnh cảm của ông ngày thêm nặng, những cơn ho ngày một tăng dần. Nhỏ Nhi lấy tiền dành dụm để mua thuốc cho cha nhưng uống vài bữa thì cơn ho của ông lại tái phát, không dứt hẳn. Thấy tình hình ông Tình mỗi ngày một nặng, nhỏ Nhi đưa ông lên trạm xá để cho người ta khám bệnh thì biết ông bị viêm phổi nặng. Dù bệnh nặng nhưng ông Tình cũng chỉ uống vài viên thuốc cảm mạo thông thường, con nhỏ hái mớ lá xông cho ông xông trị cảm, đồ ăn thức uống thì cũng không có gì bồi bổ vì chẳng đủ tiền, cơn ho của ông cứ mỗi lúc nặng dần, có đêm, ông chỉ ngồi vì không thở được.

Ông Tình bị bệnh nên hôm nay nhỏ Nhi chỉ đi diễn xiếc một mình, nó lững thững ôm mớ đồ nghề với con chó nhỏ, bắt một chiếc xe lam để chở nó đi lên chỗ diễn. Trong buổi diễn, gương mặt nó vẫn cười tươi nhưng ánh mắt nó không trong như mọi ngày, không lúng liếng tinh anh như lần trước vì hôm nay nó chỉ có một mình bên con chó nhỏ.

Diễn xong, nó loay hoay gom mớ đồ đạc ra về, gương mặt nó lộ vẻ buồn buồn vì không có cha phụ cùng với nó sau khi gánh xiếc giãn tuồng như mọi bữa. Nó khệ nệ ôm mớ đồ ra phía đường lộ đón chiếc xe lam, con chó nhỏ nó bỏ trong cái tụng rồi xách trên tay, nhìn như mấy người ở tỉnh đi tìm nhà trọ.

Trời chiều vần vũ suốt dọc đường đi, lòng con nhỏ nghe nằng nặng vì nó nhớ chiếc xe ba gác và tiếng máy nổ đành đạch mà cha hay chở nó. Nay nó không được ngồi trên chiếc ba gác, ngồi sau cái bóng lưng gầy gò, ngó chiếc áo màu xanh sờn cũ của cha, nó thấy mắt cay xè, nó vội lấy cái tay chống lên hai gò má để cố ngăn lại cảm xúc buồn bã trong lòng, một cảm giác đơn lẻ khi không có người thân bên cạnh.

Nó ôm mớ đồ bước nhanh vào trong căn chòi lụp xụp khi chiếc xe lam dừng ngoài đường lộ. Nó phải lội một đoạn khá xa để đi vào tận bên trong cánh đồng hoang trống, qua con đường nhỏ hẹp trơn trượt sình lầy, căn chòi dựng tạm bằng lá dừa nước và mấy thanh gỗ cũ, một vài mảnh tôn gỉ sét ngả màu, người nó ướt mem và con chó nhỏ cũng đồng chung số phận.

Nó bỏ cái bao đựng đồ nghề xuống cái giường cây ọp ẹp, với tay lấy tấm vải gần đó lau cho con chó nhỏ được khô, con chó đứng run run, ngoài trời, mưa vẫn ầm ầm trút nước.

Nó bỗng nhớ ra điều gì, hôm nay nó không thấy cha ngồi ngoài bàn gỗ, nó nghĩ chắc cha đang mệt vì bị bệnh nên nằm ở bên trong. Sau khi sắp xếp đồ đạc và thay bộ đồ cho khô ráo, nó đi vào trong tìm cha để coi bệnh của cha có đỡ chút nào không. Bước vào căn buồng ẩm thấp, nó thấy cha nằm im lìm trên cái giường tre, chắc cha mệt lắm nên nghe nó về mà cha không hỏi.

- Cha! Cha đỡ chưa cha?

Không thấy cha trả lời, nó lại phía chỗ cha nằm rồi nắm tay cha. Nó giật thót mình khi cánh tay ông Tình lạnh ngắt, tự nhiên nó hoảng sợ đến mức chỉ biết ngồi chết lặng, sau vài giây, nó lay mạnh cánh tay hơn.

- Cha! Cha ơi! Cha tỉnh dậy đi cha, con về rồi nè, cha sao vậy cha?

Ông Tình vẫn nằm im bất động, con nhỏ linh cảm có điều gì đó chẳng lành, nó luống cuống đưa tay sờ vào má của cha rồi đặt ngón tay lên mũi, nó cũng không nghe động tĩnh gì. Nó cố lay mạnh thân người ông Tình hơn nữa nhưng ông vẫn nằm im không nhúc nhích. Lúc này, con nhỏ sụp xuống người ông, òa khóc nức nở.

- Cha! Cha ơi, cha đừng có bỏ con, cha đừng làm con sợ! Cha ơi…

Tiếng khóc của con nhỏ bị lấn át bởi tiếng mưa và những tiếng sấm chớp ngoài trời.

*

Đám tang ông Tình diễn ratrong hiu quạnh, hôm đó trời mưa, căn chòi xiêu vẹo và khoảng sân trơn trượt, lát vài viên gạch ống chỉ vừa đủ một bước chân đi, xung quanh kê vài cái bàn nhôm đón khách. Khách đến lèo tèo, chỉ có dân bán hàng trong sạp chợ, họ đến chia sẻ động viên con nhỏ bớt buồn, ráng vượt qua nỗi mất mát này, nhìn cặp mắt đỏ hoe, bộ đồ tang lấm lem bùn đất, con nhỏ vẫn ráng gác lại nỗi đau thương để tiếp khách đến thăm vì chẳng còn ai ngoài nó. Dù đám tang không phúng viếng vì nó còn nhỏ quá, lại tứ cố vô thân nên không biết ai mà trả, nhưng mấy người bán hàng thấy thương nên có người bỏ vô phong bì cho nó chút tiền để nó mua nhang đèn thờ cúng.

Mưa vẫn đổ dầm dề, buồn bã và hiu hắt trên cánh đồng mông quạnh, con nhỏ ngồi thẫn thờ, cặp mắt nó nhìn vô định về phía xa xăm. Mỗi khi không có người đến viếng, nó lại đi vào phía quan tài, ngồi cạnh cái hòm, rồi nó cứ im lặng, có khi nó gục đầu xuống gối...

Người ta nói, khi chủ mất mà không cho con vật đội tang thì nó cũng sẽ mất theo. Nhưng từ nhỏ tới giờ, hai cha con nó lênh đênh trên sông nước, có ai để mà nói cho nó biết được cái tục lệ này… Căn chòi nhỏ chỉ còn mỗi mình nó, giữa cánh đồng hoang lạnh, nó cũng không còn đi diễn xiếc vì tâm trạng nó giờ đây cô độc rỗng không. Mỗi lần muốn diễn, nó lại nhớ cái dáng cha gầy gò, khắc khổ lái chiếc ba gác chở đồ cho nó, nhớ con chó nhỏ tung tăng hợp tác với nó một cách ngoan ngoãn, quấn quýt nó không rời, con chó cùng nó đội mưa, đội nắng qua bao nhiêu buổi diễn để mưu sinh, giờ mỗi khi cầm mớ đồ nghề lên, nó lại nhòe nhoẹt nước mắt vì bao nhiêu ký ức ngổn ngang vây bủa, đánh bại sự mạnh mẽ, gan lì của nó, khiến nó trở nên bất lực trong những nỗi niềm thương nhớ. Vậy là nó bỏ nghề, nó bỏ cái nghề nó đã từng say mê theo đuổi, nó đành bỏ lại vì nó đã bị đánh bại bởi nỗi đau, nỗi đau mất người thân đã khiến nó trở nên yếu đuối, nó không còn muốn theo nghề xiếc vì nhìn đâu, nó cũng thấy hiện về hình ảnh của cha và con chó nhỏ.

Chiều lãng đãng bình yên trên nhánh sông Ô Môn, nó ra ngoài con xuồng nhỏ, ngồi cạnh mép bờ. Chiếc xuồng mà cha đã neo đậu ở đây được mấy năm rồi, không còn ai sửa sang dọn dẹp nên cũ kỹ, nước đục thủng đáy xuồng, bám rêu xanh dày đặc. Sóng từ chiếc xà lan chở cát đập mạnh vào mạn xuồng như đánh vào thân phận nhỏ bé của đời người một sự hẩm hiu, đơn độc.

Gió ngoài sông thổi từng đợt mạnh, len vô những ngọn bần nghe rì rào, mát lạnh, thanh âm buồn buồn ở miền sông nước mênh mông. Mớ tóc mai lòa xòa bay lướt qua khuôn mặt, nó nhìn ra phía xa xa, khi những ánh đèn từ ghe chở hàng lấp loáng trôi đi trên nền sông thăm thẳm, gió vẫn dìu dặt, sông vẫn êm đềm. Những trái bần, đọt rau móp, tô canh nóng hổi chan cơm giữa chiếc xuồng u tịch, ánh đèn măng xông treo trên nóc gần đụng cái đầu, tỏa ánh sáng mù mờ đùng đục, chiếc xuồng trôi đi, lặng lẽ giữa bóng chiều…

V.Đ.P.T
(TCSH49SDB/06-2023)

 

 

Các bài mới
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Lão Cao (15/03/2024)
Cái đó (20/02/2024)
Các bài đã đăng
Linh hồn gầy (28/06/2023)
Diễm Tuyệt (16/06/2023)
Giao thừa (09/06/2023)
Bão nhỏ (24/05/2023)
Kinh văn (12/05/2023)
Em gái tôi (05/05/2023)
Tiếng chuông (13/04/2023)