NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH
1.
Tiếng ông Lâu quát lớn khiến thằng Hậu dừng lại trước hiên. Mọi khi ông lớn tiếng trong nhà thì hắn vẫn vào chơi vì ông Lâu và cha hắn là chỗ thân tình. Hơn nữa, nay mai sẽ là thông gia. Anh Hoạt của hắn và chị Đan vốn học cùng lớp, lại còn chơi thân với nhau từ nhỏ. Đôi bạn thanh mai trúc mã này chỉ còn chờ một đám cưới nữa thôi, sau khi anh Hoạt ra trường. Nhưng giọng chị Đan nghẹn sũng nước mắt khiến thằng Hậu sững sờ:
- Con sắp có con với người ta rồi. Con không lấy anh Hoạt được. Ba đừng nhận lễ nữa!
Hậu nép vào tường nhà, ghé mắt qua khe cửa sổ đang khép hờ. Chị Đan oằn người dưới nền gạch, những lằn roi cày xới ngang dọc trên cánh tay trần, trên cổ và cả trên mặt. Mấy món tóc lòa xòa ở trán và thái dương bết dính mồ hôi và nước mắt.
Ông Lâu ném cái lọ gốm trên bàn vào thân cột gỗ lớn của gian nhà rường vỡ toang, trong nháy mắt đã chạy đến lao đầu vào cây cột. Nếu chị Đan không kịp ôm cha ngăn lại thì chẳng biết chuyện xảy ra sẽ còn ghê gớm đến đâu. Thằng Hậu bủn rủn chân tay, cố rón rén men sát hàng rào rồi chạy nhanh ra cổng. Hắn phải đi thật chậm để lấy lại bình tĩnh trước khi vào đến cửa nhà mình. Mâm cơm tối nay vẫn hai cha con như mọi khi vì anh Hoạt chỉ về nhà vào cuối tuần, nhưng thằng Hậu bỗng thấy vắng vẻ đìu hiu quá, như thể có thêm nhiều khoảng trống trong gian nhà từ lâu đã vắng bóng phụ nữ. Ông Thụ thoáng thấy bộ dạng khác lạ pha vẻ nghiêm trọng của thằng con trai út nhưng rồi cũng không mấy bận tâm. "Cái thằng, mới tí tuổi, cơm và vô miệng còn rớt ra ngoài, cái chi cũng làm ra vẻ quan trọng". Ông Thụ đã quen với ý nghĩ đó, cũng như đã quen lẳng lặng ra vào căn nhà nhỏ. Nói đúng hơn là từ sau khi ngọn lửa lò gốm cuối cùng của làng đã tắt, sinh hoạt gia đình có nhiều thay đổi. Mẹ thằng Hậu chuyển hẳn sang việc buôn bán. Lúc đầu còn đi về chợ Mỹ Chánh trong ngày, nhưng khi thằng Hậu lên mười và chuẩn bị chuyển cấp học thì bà ở lại hẳn. Ngoài những dịp cúng quảy, lâu lâu bà mới về nhà sắm sửa cho hai đứa con. Ông Thụ học thêm ít nhiều nghề chạm mộc và theo bạn đi làm thuê qua Mỹ Xuyên, Ưu Điềm. Từ ngày người đàn bà ấy qua bên kia sông và thực sự không trở về, ông chỉ nhận hàng làm ở nhà, đắp đổi cho hai con trai không bỏ dở việc học. Nhà nghèo mà cả hai đứa đều chăm học và biết lo việc nhà nên ông Thụ rất vui. Điều làm ông xúc động tự đáy lòng là người bạn chí cốt vẫn không chê ông cảnh nhà sa sút mà giữ lời hứa năm xưa, nhất định gả đứa con gái yêu vào làm dâu trưởng nhà ông. Ông đặt niềm tin vào Hoạt, đang học trong Huế, vừa làm thêm để kiếm tiền chi trả chuyện ăn ở học hành. Cuối năm này ra trường, nếu kiếm được việc làm thì sẽ đỡ đần gánh vác cho ông nhiều lắm, nhất là lo cho thằng Hậu được học hành tới nơi tới chốn.
2.
O Thanh đặt cái thúng xuống đất, gỡ tấm lá chuối đậy phía trên rồi nhẹ nhàng bày ra bàn mấy nải chuối mật trái căng tròn vừa ửng qua màu hoa lý. Nhìn quanh quất thấy vắng lặng, o bèn đi thẳng vào trong nhà:
- Con Đan mô rồi? Đan ơi!
Phía góc giường có mấy bộ áo quần đã được xếp gọn và cái chổi còn tựa vào chiếc tủ lớn. Có vẻ như Đan vừa dọn dẹp căn phòng và mới đi đâu đó. O chợt thấy em trai mình ngồi thu lu trước ngạch cửa bếp, hai tay bó gối nhìn mãi tận đâu không nghe tiếng o đang kêu réo. O khựng lại. “Tui mới đi mấy ngày mà đã có chuyện chi rồi?” O lẩm bẩm, đi ra vườn sau...
Ông nội Đan thuộc lớp khá giả trong làng, nhưng chỉ có một đứa cháu nội duy nhất là Đan. O Thanh là con gái lớn, thời thiếu nữ cũng vào hàng sắc sảo mặn mà. Hơn mười năm vẫn quyết lòng chờ đợi chàng trai đi Mặt trận Tây Nam bởi chưa có giấy báo tử. Một lần đi chợ trong Huế, o Thanh gặp lại người xưa đi cùng vợ và đàn con sáu đứa đẻ cách năm một, đứa nhỏ nhất còn bồng vác trên vai. O trở về làng, lặng lẽ vào ra không màng chuyện thiên hạ, chăm chút yêu thương em trai và cô cháu sớm mồ côi mẹ. Rồi người làng cũng quen dần cảnh ngôi nhà vườn bề thế có hai chị em sẻ chia nhau những năm tháng lỡ làng. Đan lớn lên trong sự chăm bẵm của cha và cô ruột, trong ấm êm đủ đầy của một gia đình vào bậc trung lưu. Đan thi rớt đại học và ý định học tiếp để thi lại đã không được ông Lâu chấp thuận. “Học chừng đó được rồi. Ba với o mi nhắm mắt theo ôn mệ rồi thì gia sản ni để lại hết cho mi”... Là ông dỗ dành Đan khi cô cứ tha thiết van nài. Nhưng ông biết, sự cứng cỏi có đôi chút ương bướng của con gái không phải do cưng chiều, mà đó chính là tính cách của mẹ nó, người đã bỏ cha con ông lại cuộc đời này quá sớm. Nó đã muốn thì phải làm cho bằng được mới chịu. Ông cảm giác trăm ngàn mũi dao đâm vào tim gan khi nghĩ đến cái đứa trời đánh nào đó đã động vào tấm hình hài trong trắng phơi phới thanh xuân của đứa con gái mà ông vẫn thường ngày thấy thấp thoáng hình ảnh người vợ yêu quá cố của mình.
Ông ngước lên nhìn chị gái, giọng khản đặc, mơ hồ như nói vào khoảng không thật xa:
- Chị về rồi à? Việc trong đó tốt không?
- Là tui hỏi con Đan. Đi mô mà kêu mãi không ư hử chi cả? Còn cậu, răng cứ mê mê như kê lộn đậu rứa?
Ông Lâu đưa tay ôm mặt như muốn tránh nhìn thấy một điều khủng khiếp. “Không thể để chị ấy biết, ít ra là trong lúc này”. Nhưng o Thanh không để ý vì đang đi tìm cái khăn vải, lau dọn bàn thờ và đơm mấy nải chuối cùng với bó bông điệp vừa kiếm trong vườn. Hôm nay đã ba mươi âm rồi.
Phải đến khi thằng Hậu thập thò bên ngoài hàng rào vườn sau, nói nhỏ vào tai ông mấy câu thì o mới không gặng hỏi gì ông Lâu. Xóm làng sau đó biết Đan vào Nam với bà con bên ngoại, cũng không ai hỏi han gì. Ông Lâu ngày đêm thắc thỏm không biết con ông, rồi cháu ông sẽ sống như thế nào với cái đứa quỷ sứ “thiên lôi đánh sút búa” mà ông chưa hề nghe tên biết mặt. Chỉ có o Thanh là vẫn bình thường lo việc chợ búa giỗ chạp, lo cơm nước và chăm sóc cho cậu em trai, thật ra cũng còn khỏe và nhanh nhẹn còn hơn nhiều đứa trai làng. Thỉnh thoảng cũng nhớ cháu nhưng o cố tránh không nhắc đến. Nói đúng hơn là cả hai chị em đều không muốn nói về Đan trong những lúc chuyện trò. “Chị không biết cũng hay, cả làng chắc chắn cũng không ai biết. Chuyện xấu xa, che đậy còn không hết, bươi móc ra làm chi!” Ông chỉ áy náy khi cả Hoạt và ông Thụ đều cố ý tránh mặt mình. Cho đến khi nghe ông Thụ đi bệnh viện về và yếu đi nhiều thì ông chủ động sang gặp. Ông để túi bánh, sữa và trái cây mà o Thanh đã chuẩn bị trước đó lên bàn, gọi thằng Hậu lấy bàn cờ tướng ra:
- Lâu rồi chưa có ván cờ mô anh Thụ hè!
Thằng Hậu đi pha trà, mừng vì thấy cha mình bớt ủ dột, lầm lì.
- Suy cho cùng, sức khỏe vẫn là trên hết. Khỏe rồi mới tính mọi chuyện anh hè! - Ông Lâu đưa tách trà lên lại để xuống, nói vui vẻ.
Ván cờ đó không ai nhớ thắng thua ra sao. Chỉ biết từ hôm ấy, hai ông bạn già đã rổn rảng nói cười, những rạn vỡ vô hình đã được hàn gắn. Chỉ có Hoạt, ra trường rồi quyết định đi làm xa, một năm chỉ về nhà vào dịp tết hoặc các ngày gia đình có việc lớn. Nhiều lúc chỉ có hai cha con, ông Thụ cũng không biết phải bắt đầu thế nào để nhắc chuyện vợ con cho anh. Nhìn thằng Hậu giờ đã ra dáng sinh viên, nhiều lúc Hoạt thấy chạnh lòng nhớ lại những ngày chưa xa. Nhưng loay hoay và lúng túng mãi với chính mình, anh cũng không biết phải trách cứ điều chi. Riêng Hậu là vui nhất. Từ khi vào lớp mười đến nay, năm nào nó cũng được nhận một suất học bổng, cảm thấy có động lực học hành, trước hết là để sự giúp đỡ của mạnh thường quân ẩn danh không trở nên vô nghĩa như lời nhắc nhở của các thầy cô...
3.
Người phụ nữ xuống xe từ xa, đi bộ tới quán nước dưới nhiều bóng cây xanh mát. Khuôn mặt trắng xinh che khuất gần nửa dưới đôi kính đen to gọng, trông khó đoán tuổi nhưng chắc chắn là một nữ lưu xinh đẹp. Cô chọn một bàn nằm khuất trong góc quán và gọi cho mình ly cam vắt. Có vẻ như cô đang ngồi đợi ai đó, nhưng không hề tỏ ra trông ngóng. Cô cần ngồi yên để nhìn về phía cổng làng, một sớm nào đã vội vã rời đi tưởng chỉ ít lâu rồi về. Nhưng không ngờ cô đã tự buộc mình vào cỗ xe định mệnh, trôi dạt gần quá nửa thanh xuân.
Phía sau cổng làng, một tuổi thơ không êm đềm dù được cha và cô ruột thương yêu đã khiến cô luôn mơ ước một chân trời mới mẻ, vui tươi và vang động. Không như những khu vườn yên ắng đến nỗi một bước chân tha thẩn ban trưa cũng làm cựa mình đám lá khô buồn bã; không như những con đường làng thưa vắng bóng người mà sau những cơn mưa chiều, dường như mãi dài thêm nhiều nỗi quạnh hiu. Những gia đình có máu mặt trong làng thường cho con đi học xa, đến những thành phố lớn trong nước và cả nước ngoài. Thành đạt thành danh ở đâu thì sinh cơ lập nghiệp ở đó. Một số làm thuê mướn để mưu sinh ở những thôn xóm gần xa bởi làng không có đất ruộng để cày cấy. Còn chăng chỉ những người già và trẻ nhỏ...
Đêm bị cha đánh đòn đau, cô nằm trăn trở suốt đêm không ngủ. Cô nhắm mắt lại vẫn không sao xua đuổi ý nghĩ mình sẽ là người đàn bà quanh năm suốt tháng chỉ mỗi việc sinh con và ra vào bếp núc. Cô không ngờ được lúc tối mình có thể buột miệng nói dối điều khủng khiếp ấy một cách nhẹ tênh như vậy. Tiếng ngáy của người cha sau buổi tối ngồi nói chuyện một mình với rượu vẫn vọng vào đều đều. Gà vừa gáy lại, cô đã rón rén mở cổng ra ngoài, cố nhẹ chân để không đánh động lũ chó hàng xóm. Nhưng tiếng chó sủa khan vẫn đuổi theo cô trên con đường làng còn ẩm sương đêm và lá mục. Qua khỏi bến Lò một đoạn, cô chạm mặt thằng Hậu vừa chạy bộ về. Trong ánh sáng tối mờ của đêm tàn, chừng như nó đọc được vẻ lúng túng hoảng sợ của cô.
- Hậu, mơi mốt o Thanh về, nói với o là chị không làm điều chi sai với o và ba, và mọi người. Chị đi có công chuyện, nói o nhớ giữ gìn sức khỏe và chăm sóc ba chị với nghe!
Và cô bước đi nhanh hơn, như sợ chính mình sẽ đổi ý quay lại. Nhà ai đang nhóm bếp sớm, chập chờn ánh lửa đầu ngày đưa bước chân cô xa dần làng quê trước khi trời sáng rõ mặt người. Tiếng ầu ơ ru trẻ của ai đó như róng riết đuổi theo sau. “Ạ ời... Tưởng giếng sâu anh nối sợi gầu dài... Ai ngờ giếng cạn, anh tiếc hoài sợi dây...”. Cô vấp chân đau điếng nhưng không đứng lại khi thấy cây cầu lớn đã hiện ra trong sương. Qua khỏi cầu, cô gọi xe ôm và nhanh chóng tìm đến người quen bên ngoại. Nhà này có đứa cháu gái chuẩn bị vào Nam học năm cuối đại học. Cô sẽ có người để nhờ cậy trong những ngày tháng đầu bỡ ngỡ.
Vậy mà cô đã bị va đập choáng váng bởi nhiều bỡ ngỡ ngoài sức dự đoán. Chị sinh viên đã đưa cô đến một địa chỉ quen biết, ở cách trung tâm thành phố không xa. Cô có điều kiện ăn ở học hành thuận lợi, chỉ là phải đảm nhận việc dọn dẹp nhà cửa và cơm nước cho người chủ nhà đang dưỡng bệnh. Chủ nhà cũng vào cỡ trung niên, không có vẻ gì chứng tỏ là một bệnh nhân. Ông ít xuất hiện khi có mặt cô ở nhà, ngay cả việc đưa mâm cơm lên và thu dọn xuống bếp thì cô vẫn làm đúng giờ giấc mà không chạm mặt ông. Cảm giác khó chịu, gần như bị tổn thương của một đứa con gái được cưng chiều rồi cũng chóng qua và cô tự an ủi: “Mình cũng phải tự nấu ăn đó thôi! Huống nữa, ông ta lại không khỏe!”
Một lần cô trở về nhà sớm hơn mọi khi, bắt gặp ông ấy đang chăm cây trong vườn và bị gai hồng cào xước tay chảy máu rất nhiều. Cô định đến giúp nhưng đã bị từ chối bằng giọng quát giận dữ: “Tránh xa ra!” Khi cô lên dọn mâm sau bữa ăn trưa thì ông ta vẫn còn ngồi đó, đưa ánh mắt lạnh lẽo nhìn cô: “Tôi bị nhiễm HIV, cô phải tuân thủ những nguyên tắc phòng tránh. Nếu sợ, cô có thể rời khỏi đây như nhiều người đã từng”. Buổi ăn tối vẫn được dọn lên, và những ngày tiếp theo vẫn thế. Cô không lý giải được sự lựa chọn của mình. Ông ấy vẫn ít xuất hiện nhưng trong những lần gặp mặt ngắn ngủi, ánh mắt ông đã dịu bớt lạnh lùng. Hôm nay cũng vậy, sau khi người bạn bác sĩ ra về, ông ta ngồi nán trên chiếc đi văng cạnh hồ cá: “Cả vợ tôi cũng đã hốt hoảng rời bỏ khi biết tôi nhiễm bệnh, đến nỗi việc phân chia tài sản trước tòa cũng nhanh gọn. Cho nên những người đến giúp việc hoặc trọ học như cô đã bỏ đi là chuyện đương nhiên thôi. Cô phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định ở lại...”.
Chẳng nhớ rõ sau đó bao lâu, ông ta đã giao cho cô làm thêm ở một xưởng sản xuất các chế phẩm từ dừa. Đó là phần tài sản có trước hôn nhân mà ông ấy hùn vốn với một người bạn. Người ấy đã ra nước ngoài từ lâu, sau khi biết chuyện đã tặng phần hùn hạp của mình cho bạn, gọi là chút sẻ chia lúc hoạn nạn. Việc nhà được giao cho dịch vụ làm theo giờ hoặc bán thời gian. Đúng là cơ duyên đưa đẩy vì công việc cũng phù hợp với ngành học quản trị kinh doanh của cô. Xem như là được trải nghiệm thực tế trước khi ra trường. Nhưng sau này thì cô biết là mọi việc đều do ông ấy sắp đặt. Bởi càng ngày, sự thân thiện đã rút ngắn khoảng cách giữa hai người, ít ra đó cũng là một tình bạn tốt đẹp giữa những trái tim thiện lành. Ngày ông rời thành phố để đi xa một thời gian, theo ông nói là không định trước, cũng là ngày cô mặc áo tân khoa với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi trong tay. “Hãy thay tôi trông coi xưởng! Giờ việc làm ăn đã phất lên nhiều, cũng là nhờ vào em. Tôi trở về hay không thì đó cũng thuộc về em. Thủ tục giấy tờ tôi đã hoàn tất, chỉ cần em ký vào”.
Vậy là cô phải tạm gác lại việc về quê. Đi làm về, một mình trong ngôi biệt thự trống trải, cô luôn cầu mong ông ấy được an lành.
4.
Chiếc xe máy dừng lại trước quán nước cho Hậu xuống rồi chạy vù đi. Nó bước vào, đảo mắt nhìn quanh. Quán khá đông nhưng chỉ có một bàn duy nhất là khách nữ. Hậu kín đáo nhìn cô nhưng vẫn không giấu được vẻ ngỡ ngàng khi bước tới: “Hắn đã ra vẻ người lớn rồi, cái thằng”... Cô gỡ kính để lên bàn, mỉm cười:
- Ngồi xuống đi Hậu! Bữa nay lớn quá rồi, lại đẹp trai nữa, tui nhìn không ra luôn ông tướng ơi!
Hậu cũng cười lớn, vui vẻ gọi một ly cà phê đá. Nhìn những giọt nước bám ngoài thành ly một hồi lâu rồi ngước lên, giọng ngập ngừng:
- Chị... chị về một mình thôi à?
Cô tròn mắt:
- Nghĩa là sao, tui không hiểu? Hậu ậm ừ mãi mới nói:
- Chứ không phải chị bỏ đi lâu nay là vì cái chuyện chị nói với bác tối hôm chị bị đánh đòn dữ? Hôm đó em vừa vào tới hiên đã nghe...
Phải một lúc sau cô mới nhớ ra:
- À! Vậy là điều bí mật đó đã có đến ba người biết?
Có đến ba người biết mà cả làng không ai hay mới là lạ. Chị có tin không?
Cô quay mặt ra ngoài, tránh nhìn vào mắt Hậu:
- Anh Hoạt thì sao?
- Em thương anh ấy nên không nói gì. Ngay cả chuyện gặp chị sớm hôm sau, em cũng không nói với ai.
- Chị nói ẩu vậy để khỏi bị buộc lấy chồng sớm đó thôi...
Suýt chút nữa cô đã nói thẳng ra rằng cô vẫn nguyên vẹn là người bạn của ngày xưa thân thiết. Nhưng anh ấy thì sao. Lỡ như...
- Chị đẹp và sang trọng quá! Vậy chị có về hẳn luôn hay không?
- Về nhà đã! Chị không thể chờ thêm chút nào nữa! Chắc o Thanh đang nôn nóng chờ chị...
Cả hai ra xe. Cô nổ máy và chạy chậm trong bóng cây râm mát. Hạ kính xe xuống để tận hưởng những mùi hương trên đường làng, cô kể sơ cho Hậu nghe chuyện dài của sáu năm qua. Riêng ý định mở rộng các quỹ học bổng và đầu tư cho dự án hồi sinh nghề gốm của mạnh thường quân giấu tên theo mong muốn của ông ấy thì cô chưa nói. Điều này phải chờ đến khi gặp lại Hoạt và bác Thụ. Dĩ nhiên là phải chờ xem ý kiến của người cha, không biết giờ này đã nguôi giận hay chưa...
N.T.D.S
Trại sáng tác “Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”.
(TCSH50SDB/09-2023)