Truyện ngắn
Đêm cuối ở Sa Thủy
08:06 | 10/11/2023

TỐNG NGỌC HÂN

Chiều nào thuyền cá của Thạc đi qua khúc sông này cũng nhìn thấy ngôi nhà ấy khép cửa lớn, chỉ mở toang hai cửa sổ ở hai bên như hai hốc mắt nhìn chòng chọc vào mặt sông không chớp.

Đêm cuối ở Sa Thủy
Minh họa: Nguyễn Duy Linh

Nhà ở trên bãi bồi, dựa lưng vào một quầng thầu dầu sâm tốt, nhìn gần hay nhìn xa đều thấy chơ vơ, côi cút. Hai chiếc áo bảo hộ lao động bạc màu treo trên dây phơi cho Thạc cảm giác, nhà vẫn có người ở. Chỉ là Thạc chưa có duyên thấy người. Đây là một khúc sông vắng vẻ. Quay mặt về phía hạ lưu, bên trái có một cái trạm bơm bỏ hoang, cạnh trạm bơm là cây sung già bị dây tơ hồng kết kín tán lá. Xung quanh là một vùng lau sậy um tùm phất phơ những bông trắng như một đám bại binh lộn xộn chen nhau kéo cờ hàng. Bên phải là căn nhà đó, căn nhà xây cấp bốn không trát, như một công trình dang dở lâu quá không ai còn muốn xây tiếp. Những viên gạch bạc phếch cũ kỹ và lên rêu. Khúc sông này, dân sông nước bình phẩm nhàu nhĩ. Đa phần là thêu dệt và nhát nhau cho thêm phần ly kỳ. Thạc chưa khi nào tham gia vào những cuộc chuyện phiếm đốt thời gian ấy cả.

Lượt xuôi dòng, Thạc đi men bên bờ hữu, qua ngôi nhà đó. Đôi khi cũng muốn neo thuyền để lên bờ xem những phán đoán của mình thế nào, sai đúng được bao nhiêu. Nhưng bờ bên ấy lở hoắm, không có chỗ mà neo. Nên con thuyền cứ nấn ná lướt qua, chẳng mảy may duyên nợ gì. Lượt về, thuyền ngược bên phía trạm bơm, trên thuyền có sọt cá, khi nhiều, khi ít, Thạc phải đem về, kịp cho chị Thược đưa lên chợ, không dám lừng chừng. Và cái cây sung bị dây tơ hồng bện kín cũng khiến Thạc không có hứng thú để dừng lại. Thạc băn khoăn nhiều lắm. Kể từ ngày chuyển về vạn chài, ngày ngày kiếm cá trên khúc sông này, Thạc chất những băn khoăn vào một góc, chờ dịp thuận lợi để hỏi một ai đó. Ví dụ, nếu có ai đó biết gì về trạm bơm bỏ hoang, Thạc sẽ hỏi, tại sao bỏ hoang một trạm bơm to như thế này. Hoặc Thạc sẽ hỏi, ngôi nhà đối diện với trạm bơm qua dòng sông này là nhà của ai. Tại sao suốt ngày mở cửa sổ và khép cửa lớn, mà chưa bao giờ Thạc thấy điều ngược lại? Nhưng mỗi lần thấy người, định mở lời thì Thạc đều dẹp bỏ những câu hỏi, vì người ta không cho Thạc cơ hội. Chị Thược là người nắm giữ toàn bộ cơ hội giao tiếp của Thạc với người trên bờ. Thạc không biết chữ. Vốn ngôn ngữ của Thạc là ngôn ngữ mặt sông, xóm chợ, ngôn ngữ của những người sống trên vạn chài tan ngấm vào nhau ngày này qua ngày khác. Ông trưởng vạn nói gì thì Thạc hiểu và nói được điều đó. Chị Thược đi chợ trên bờ học được từ gì thì Thạc biết từ đó. Do thế, không ai phải dạy dỗ gì nhiều mà một chàng trai mù chữ như Thạc lại có thể hát karaoke và dùng điện thoại thông minh. Đôi khi, Thạc còn nhắn tin một đôi dòng vu vơ gửi cho tay hút cát gần chỗ vạn chài. “Tối suống em uống chà nhé”. Tay này tên Đường, hơn Thạc độ ba tuổi. Hẳn nhiên là Đường biết chữ, còn có thể dùng điện thoại cả hai tay, tức là sẽ chọn cái tay khô hơn để bấm điện thoại. Với người làm nghề sông nước, tay thuận là tay ướt suốt ngày. Đường người quê tận đâu đó dạt về vạn chài, trước cả chị em Thạc. Trước đây Đường đi chung thuyền với trưởng vạn. Kể từ khi có những cái tàu hút cát về đây rút ruột dòng sông thì Đường bỏ cá, đi sang tàu lớn, hút cát thuê cho bưởng, chỉ những đêm cá lên, chắc chắn vớ bẫm, thì Đường mới đi lưới. Mấy ngày sông đầy nước do thượng nguồn mưa lớn, Đường nằm trên tàu cát hát nghêu ngao những bài bolero não nề bằng cái giọng khàn đục của người quanh năm nói như gào để có thể cạnh tranh được với âm thanh choi chói của giàn máy hút cát. Cái giọng khàn rề rà khi nói thường khiến người nghe rất khó chịu. Nhưng khi hát lại khiến người ta phải lắng lòng. Thạc nhiều lần bắt gặp ánh mắt chị Thược như dại đi khi nghe Đường hát.

Chị em Thược về vạn chài này đã năm năm trước do sự dẫn dắt của một mối cá trên bờ. Đó là ông Phú láu. Ông ta bảo đằng nào chị em bây sống ở cái chợ sông con cũng lay lắt. Đất ruộng chả có, đất màu bán rồi. Chi bằng xuống sông cái mà ở, tao cho mượn vốn sắm hai con thuyền, một thuyền ở và một thuyền cá rồi vài tay lưới, ít giai, ít đồ câu, đảm bảo sống khỏe. Tay trưởng vạn là bạn tao, tao nói tiếng xong luôn. Thượng đế giờ chuộng cá sông. Kể cả mày đem cá hồ xuống sông nuôi một thời gian rồi bán cũng lãi. Và sông kể từ ngày cấm kích điện thì cá lại nhiều như đất. Bùi tai, chị em Thạc chuyển từ chợ sông con xuống ở hẳn dưới dòng sông cái, giữa vạn chài Sa Thủy. Ngư dân từ sông con ra sông mẹ, giống như người ở sông ra biển. Bỡ ngỡ và cũng hồi hộp trăm nỗi. Thạc và Thược mất mẹ từ lúc Thạc mới biết bò. Bố lấy mẹ kế về và đẻ liền tù tì hai đứa em trai. Khi Thạc chuẩn bị vào lớp một thì bố bị tai nạn mất. Chị Thược sắp vào lớp ba, được bà ngoại đón về nuôi và cho ăn học tiếp. Còn Thạc thì tạm hoãn cái sự đến trường lại, do mẹ kế không thể cáng đáng hết được ba đứa con chỉ với hai sọt rau lang thang ngoài phố huyện. Chị Thược học hết cấp hai, biết tính toán, bán mua rồi xin nghỉ học ra ngoài chợ cá kiếm cơm và đón Thạc ra, cũng là san sẻ gánh nặng trên vai mẹ dì. Sông con là một nhánh của sông cái. Chợ sông con là chợ cá duy nhất vùng này của những hộ làm đồng, hộ nuôi cá bè dưới sông và cả một số tay buôn như ông Phú láu. Thược khi ấy mười sáu tuổi, đẹp mơn mởn. Còn Thạc thì mười bốn, tuấn tú đến mức, các bà nhà quê đi chợ cứ ngẩn người ra mà tiếc. Rằng cả bố và mẹ nó không sống mà nhìn hai đứa con đẹp như tranh thế này. Phú láu là một tay buôn căn ke về tiền bạc nhưng khá phong tình. Chuyện ông ấy cặp kè với mẹ dì của Thạc và Thược, dân vùng này ai cũng biết. Ông ấy tìm cách điều Thạc và Thược ra xa để tiện bề đi lại. Cho nên mới xuống tay đầu tư.

Con thuyền sắt rộng cỡ hai mét rưỡi, dài mười một mét, sơn màu xanh lục, giống như ngôi nhà khang trang trên mặt nước. Hai khoang giữa thuyền là hai căn phòng nhỏ của hai chị em, còn hai đầu thuyền có không gian riêng dùng cho sinh hoạt, nấu nướng, phơi phóng và chỗ đặt những cái thùng nhốt cá bằng nhựa có van để thay nước. Thuyền này cố định ở bến sông bằng một sợi dây xích lớn khóa vào gốc cây cơi mọc sát mép nước. Nói thật là từ lúc nhìn thấy con thuyền, hai chị em Thạc đã choáng váng mê mẩn. Không bao giờ nghĩ mình được đầu tư một cơ ngơi tươm tất đẹp đẽ như thế. Thấy ông Phú nói, tất tật cả thuyền cả trang thiết bị là một trăm ba chục triệu, cứ yên tâm mà lênh đênh. Nói thế nhưng hai chị em biết món này phải kiếm tiền mà trả cho ông trong vòng năm năm. Vì thứ thế chấp là cái bìa đỏ của bố mẹ để lại, bất đắc dĩ phải gửi ông ấy giữ cho. Còn con thuyền bằng tôn có thể ngồi hai người rải lưới đánh bắt cá, là ông tuyên bố tặng trong ngày hạ thủy.

Sa Thủy là một vạn chài cổ nằm ở khúc cong của dòng sông khi lượn qua làng. Làng chài hiện tại chỉ còn hơn chục hộ dân làm nghề đánh bắt cá và mưu sinh trên sông nước. Đàn ông đánh bắt cá, tôm, cua, đàn bà đi lên chợ bán, trẻ con lên bờ đi học. Tính ra, duy nhất có Thạc là người ở vạn chài không biết chữ theo cái nghĩa không được tới trường học thầy. Những ngư dân Sa Thủy từng truyền tai nhau kể về những bậc tiền bối có tài lướt đi trên mặt nước vào những đêm săn cá ngự dâng vua. Họ còn kể, nhà vua chỉ ăn thịt những loài cá biết nhảy múa trên mặt nước trong đêm trăng sáng, ruột nó không có màu xanh đen thường thấy mà trắng như sợi dây cước. Thịt của nó săn chắc và ngon. Là Thạc nghe kể thế thôi. Và Thạc đoán, những con cá nhảy lên trên mặt nước chưa hẳn là nó nhảy múa vui thú gì, mà nhảy lên để bắt côn trùng làm thức ăn. Chứ từ khi đến vạn chài, Thạc chưa từng nhìn thấy ai có thể bước đi trên mặt nước cả. Như thế có họa là tài ngang thánh thần. Nhưng nghe người ta đồn thổi mãi cũng thành tin. Cái gì cũng mù mờ như sương khói ấy khiến đầu óc cứ mê mụ đi. Nên hôm nay, lúc giữa trưa, khi chị gái vừa ở chợ về, Thạc hỏi luôn. Thạc hỏi về cánh đồng phía bên kia sông, nơi có trạm bơm để hoang cách Sa Thủy gần ba km về phía hạ lưu. Chị Thược nhíu mày, gạt mồ hôi, nhìn đứa em trai mười chín tuổi lún phún ria mép và giọng bắt đầu trong, dịu trở lại sau mấy năm ồ ồ vỡ tiếng.

- Làm gì còn cánh đồng. Bên ấy thành khu công nghiệp rồi. Nếu em muốn, chị cho em lên đó làm công nhân.

Thạc mừng hết cỡ, mừng đến độ muốn thét lên vỡ toang cuống họng. Đến nỗi không dám hỏi chị gái về số nợ. Vì sợ chị gái nhắc đến một con số lớn quá, thì lại sợ mình không thể kiên nhẫn chờ thêm. Bao năm nay, cái thiết luật của chị Thược áp dụng cho hai chị em là chưa hết nợ thì chưa được lên bờ, chưa được kết giao, yêu đương hò hẹn gì cả. Cứ lấy được cái bìa đỏ về đã, rồi mới tính. Thạc hỏi chị đầy băn khoăn:

- Thế em lên bờ đi làm công nhân thì chị làm gì?

- Chị vẫn chưa tính đến chuyện của chị. Mà chị nói này, em đừng mất thời gian về cái trạm bơm bỏ hoang. Cả căn nhà giữa vườn rau cải nữa. Chúng ta đừng quan tâm.

- Chị đã bao giờ đến hai nơi đó chưa?

- Chưa!

Thạc không nói gì thêm nữa. Vì ý chị như thế thì Thạc nên nghe theo. Mọi lần, nếu Thạc nhắn tin rủ Đường xuống thuyền uống trà, thì Đường sẽ nhắn lại. Còn lần này thì không. Thạc lại thấy lo lo. Vì Thạc đang cần khoe với Đường về cái dự định chị Thược dành cho mình. Đi làm công nhân trong khu công nghiệp. Tháng tháng có lương. Ôi là sung sướng. Nhưng mà Đường chưa trả lời. Thạc bèn bấm gọi. Phía bên kia cứ u u không rõ là điện thoại hết pin hay ngoài vùng phủ sóng.

Thạc vội vàng nhảy lên thuyền cá, gỡ dây neo, mải mốt bơi về phía con thuyền của Đường, thường đậu dưới gầm một tán me rừng râm mát. Nhưng chỗ ấy, giờ trống không, chỉ có mặt nước xanh lờ lợ và những tăm cá nổi lên. Đường đi đâu rồi nhỉ? Thạc lại bơi thuyền về phía tàu cát. Buổi trưa, trên tàu cát chỉ có một tay bảo vệ tuổi ngoài ba mươi xăm trổ kín người như con kỳ đà nằm phơi nắng trên chiếc giường gấp đặt ngay cạnh buồng máy. Thạc vô cùng hoang mang. Và trong lúc ấy, Thạc vô thức bơi về phía hạ lưu. Nhất định phải kiểm tra cái trạm bơm để hoang một lần xem thế nào. Tiện thể đã nhổ neo rồi, không được cái gì sao có thể quay về. Cái gì càng bị cấm đoán thì càng kích thích trí tò mò của con người ta. Có lẽ nào, chị Thược muốn Thạc đến đó nên mới tự dưng nhắc lại điều cấm kỵ?

Thạc cắt ngang mặt sông từ hữu sang tả bằng một vệt sắc lẹm rất nghề. Mũi cắt của con thuyền chính là gốc sung phủ kín dây tơ hồng. Từ đây nhìn ngược lên, làng Sa Thủy như một bãi lá khô dập dềnh trên mặt nước. Cạnh đó, ba con tàu hút cát như ba quân cờ còn sót lại của một cuộc hãm thành. Con tàu ở giữa là con tàu Đường hay tới làm việc. Nó to hơn hai con tàu còn lại vì được can với hai chiếc phà lớn chứa cát để khi tàu vận vào bờ, xe tải có thể tiến chờm lên ăn hàng từ một cái máy múc bánh hơi khác.

Thạc buộc thuyền cẩn thận vào cái rễ sung lớn nhất rồi xỏ chân vào ủng, lội lên. Hóa ra, cái rễ sung có những ngấn buộc dây thuyền. Từng có nhiều con thuyền neo ở đây chốc lát. Chỉ là giờ Thạc đi lưới và trở về đều không gặp mà thôi. Thạc leo lên đến trạm bơm thì mặt trời đã ngả tây. Ánh sáng xiên từng chùm như úp nón vào ô cửa sổ giăng đầy màng nhện. Thạc vén bức rèm nhựa rách tơi tả ngoài ô cửa sổ, kiễng chân nhìn vào phía trong. Đó là một căn phòng điều hành nhỏ không có đồ đạc gì ngoài một chiếc ghế băng cũ bằng gỗ, dài chừng mét rưỡi, còn khá tốt kê sát tường. Nền nhà khá sạch sẽ như được ai đó quét dọn ít nhất tuần một lần. Từ cửa sổ nhìn ra phía cửa lớn, Thạc phát hiện ra, cánh cửa gỗ là một dạng cửa hèm ngoài. Người ta đã cậy hèm gỗ ra. Muốn vào phòng chỉ việc nhấc cánh cửa ra khỏi bản lề. Sau đó để hé ra mà vào. Khóa chỉ là hình thức, nên nó đã han rỉ và từ ổ khóa còn mọc ra một mầm cỏ dừa nước. Người ta vào cái trạm bơm để hoang này làm gì? Hút hít ma túy à? Hay là cờ bạc? Hay phường trộm cắp? Hay gian dâm? Đứng từ đây nhìn sang hữu ngạn, căn nhà xây nhỏ không trát nằm trên đường thẳng ấy. Chỉ khác, lúc này, cửa lớn căn nhà ấy mở ra, hai cửa sổ như khép lại. Mà mới chỉ hơn chục phút trước đây, trước khi cắt ngang dòng để sang trạm bơm, Thạc còn thấy nó mở tông hốc.

Thạc nhấc cánh cửa ra, bước vào phía trong căn phòng. Đúng là không có gì bí mật ở đây ngoài chiếc ghế băng gỗ bóng loáng rộng bằng tấm lưng của một người đàn ông vạn chài. Thạc ngồi xuống ghế. Chiếc ghế rất vững, mát rượi. Hóa ra, thứ để người ta hù dọa, cấm đoán nhau chỉ có thế. Thạc đứng dậy, bước ra khỏi căn phòng nhỏ, vội đi xuống và thất kinh khi không thấy con thuyền nhỏ của mình đâu nữa. Ai đã mang nó đi rồi? Ai đã tới đây? Phóng xa tầm mắt. Thạc thấy trong ánh sáng lấp lóa, con thuyền của anh đang trôi phăng phăng như bị kéo đi về phía hạ nguồn. Mất con thuyền là mất cần câu cơm, như con cá bị chặt vây. Không nghĩ gì nhiều, tháo ủng ra, Thạc nhảy tùm xuống sông, bơi theo con thuyền. Gần nửa giờ trôi qua thì anh bơi kịp con thuyền, khi ấy, trên bờ đã là phố xá sầm uất và người người qua lại nghìn nghịt trên một cây cầu rất to, rất đẹp. Thạc chèo được thuyền về qua căn nhà xây trên vườn rau cải thì mệt quá bèn kéo thuyền ghếch mũi lên một mỏm sa bồi phía trên rồi lên bờ một lúc cho khoan khoái. Nằm gối đầu trên búi cỏ mần trầu xanh như cái đĩa rau sống đầy lùm dai nhách, Thạc ngắm giời đất một lúc cho quần áo khô bớt, Thạc chợt nghĩ đến căn nhà xây. Thạc bèn ngồi dậy, lững thững men theo triền cải đi xuống phía căn nhà, nơi có cái bờ sâu hoắm chực lở. Thạc vô cùng ngạc nhiên khi thấy mọi cánh cửa của căn nhà đều mở. Trong lòng nhà rất sạch sẽ cũng không có đồ đạc gì ngoài một chiếc ghế băng gỗ dài tầm mét rưỡi rộng chừng tấm lưng đàn ông vạn chài. Chiếc ghế cũng nhẵn bóng. Vì cửa mở sẵn nên Thạc cứ thế bước vào căn nhà và ngồi xuống chiếc ghế. Thạc nhận thấy những hạt cát khô li ti trên kẽ ghế đã đóng thành sợi chỉ màu trắng chạy viền quanh mặt ghế. Hóa ra, giống như trạm bơm, nơi này cũng chả có gì đáng để đồn thổi. Thạc nghĩ xong vội bước ra sân, tiến về phía sợi dây thép han gỉ có chiếc áo bảo hộ kẹp vào đó đã bạc màu. Thạc thẫn thờ nhìn xuống dòng sông đang đỏ rực ánh chiều, bất chợt nhìn thấy con thuyền của anh lại đã trôi xa như đang bị ai kéo đi phăng phăng trên nước. Thạc lại phi xuống dòng sông bơi theo chiếc thuyền.

Nhọ mặt người Thạc mới về đến vạn chài. Đường đang hát bolero. Chị Thược đang gội đầu bằng nước mưa đựng trong cái vài sành hứng từ mái thuyền. Phía xa, trưởng vạn đang giăng lưới ra hai cái cột trên thuyền để dặm những con chì bị tuột mất hay đã mòn vẹt, hoặc có thể là ông đang vá những chỗ lưới bị rách. Tuyệt nhiên không ai hỏi rằng Thạc vừa đi đâu về. Cứ như sự ấy là thường tình.

Bữa tối, Thạc hỏi chị gái:

- Nhà mình còn nợ dượng Phú bao nhiêu?

Chị Thược ăn hết bát cơm mới trả lời:

- Xong nợ rồi, đã lấy bìa đất về rồi. Vì là đất hương hỏa tổ tông nên em phải có trách nhiệm giữ lấy. Còn có đủ tiền mua cho em một chiếc xe máy mới và chuộc về hai sào đất màu cạnh chợ sông con.

- Thế em đi làm thì ai đánh cá cho chị bán? - Thạc lặp lại.

Thược bật cười:

- Có người thay em đánh cá cho chị bán. Lúc nào có lưng vốn chị cũng lên bờ.

- Em hiểu rồi ạ! Thế còn trạm bơm và căn nhà? Chị đã đến chưa?

- Chưa. Đó là hai nơi mà những người dân sống ở vạn chài sẽ tới khi họ thấy muốn sống ở trên bờ hơn là mặt nước. Chị chưa tới hai nơi đó vì hiện tại thấy mặt nước êm đềm hơn mặt đất.

Thạc run rẩy:

- Thế từng có ai bỏ rơi con thuyền chưa hả chị?

- Có chứ! Là những người cũng không cần phải quay về đây để chào tạm biệt ai cả. Vì ngay cả con thuyền đã nuôi sống, gắn bó với họ bao năm còn có thể bỏ trôi cơ mà.

- Thế có ai vì đuổi theo con thuyền mà kiệt sức chưa?

- Chị nghĩ là có. Đấy là số phận của họ. Những người kiếm sống vạn chài mà còn bị kiệt sức vì nước thì sao có thể vững vàng khi lên bờ. Như em, không chỉ lên bờ, mà em còn là trụ cột gia đình, để dì và các em dựa vào khi cần.

Thạc bẽn lẽn cúi đầu:

- Thế ai xây căn nhà đó? Ai xây cái trạm bơm đó? Ai cắt dây thả con thuyền ra?

- Trạm bơm là của thủy nông, giờ cánh đồng bên trên thành xí nghiệp, nhà máy rồi thì nó thành hoang phế. Người ta sẽ dỡ nó, hoặc nó tự sập xuống. Còn căn nhà, trưởng vạn xây hồi vợ ông bỏ bố con ông lên bờ. Ông xây để lúc nào đó bà muốn trở về còn có chỗ. Đó là vùng đất chính quyền cấp cho vạn chài ta từ rất lâu rồi. Giống như căn nhà ấy, trạm bơm cũ cũng là nơi để người vạn chài bí mật trở về khi nhớ làng mà không thể xuống thuyền. Người cắt dây thả thuyền là trưởng vạn. Đó là việc ông ấy đã làm mấy mươi năm rồi mà, bất kể ngày hay đêm hay thời tiết nào. Từ đây nhìn xuống trạm bơm rất rõ. Ông ấy có cái ống nhòm là báu vật của người làm nghề sông nước đấy. Thường là soi về thượng nguồn để biết nước đã tới đâu còn neo níu thuyền cho chắc chắn. Hoặc soi về hạ nguồn xem mưa gió hướng nào. Mỗi khi ai tò mò tìm đến trạm bơm hoặc căn nhà hoang ông ấy sẽ thả thuyền ra. Ông ấy không đuổi ai, cũng không giữ ai. Tự do là tín ngưỡng của Sa Thủy.

- Thế bà vợ ông ấy có trở về không?

- Chị nghĩ, nếu em đã bước vào hai nơi đó, hẳn em đã có câu trả lời rồi chứ!

- Vâng ạ. Vậy em sẽ trở về thăm chị. Đó là hai nơi từ trên bờ có thể nhìn bao quát cả một đoạn sông dài và làng Sa Thủy của chúng ta. Em sẽ đưa cả vợ con em tới hai nơi ấy.

- Em có bạn gái rồi à?

- Em chưa dám chắc chắn, nhưng đêm nào em cũng gặp cô ấy, trong giấc mơ, chúng em đi chơi mọi nơi.

- Thế là em đã yêu rồi đấy. Cô ấy đợi em trên bờ!

Cây cầu nối hai bờ rất đẹp, rất đông người xe qua lại. Một đứa con gái xinh đẹp mặc bộ váy trắng muốt như bông bạch liên, tay cầm theo bó hoa dừa nước màu hồng phăm phăm bước tới. Nó hỏi Thạc: “Anh đợi em lâu chưa?”. Thạc bẽn lẽn mỉm cười nhìn đứa em gái nhỏ chung xóm ngày xưa giờ đã lớn phổng lên thành thiếu nữ mười tám: “Anh cũng không rõ, chỉ biết là lúc anh tới đây, cây cầu còn chưa xây xong”. Đứa con gái trao bó hoa dừa màu hồng vào tay Thạc và cũng mỉm cười với anh. “Anh có thể đưa em đi dạo không? Khi nào anh phải trở về?”. Thạc không nói gì cả, mạnh bạo nắm lấy bàn tay cô gái mà dắt đi. Hai người len lỏi giữa dòng người rất đông đến đầu cầu, cô trỏ xuống dòng sông và reo lên: “Có con thuyền trôi tự do kìa anh”. Thạc nhìn xuống dòng sông ngầu đỏ, Thạc ngạc nhiên khi nhận ra con thuyền của mình. Con thuyền là quà tặng của dượng, không thể để nó trôi tự do ra biển. Nhưng nếu anh nhảy xuống, cô gái sẽ không đợi anh đâu. Thạc liền nắm tay cô gái và bảo: “Chúng ta sẽ đi dạo bằng thuyền”. Nói rồi cả hai cùng nhảy xuống nước. Thạc đưa cô gái lên thuyền, cả hai vui vẻ chèo đi, tiếng cười của cô gái giòn tan lẫn vào tiếng mái chèo khỏa nước. Hai bờ sông thật đẹp, vẻ đẹp mà trước đây Thạc chưa bao giờ thấy.

- Dậy đi em. Cá đang lên!

Tiếng lay gọi của chị Thược làm Thạc choàng tỉnh. Thạc vội vàng cởi chiếc áo cộc trên mình ra, nhảy xuống con thuyền cá. Cầm đèn pin rọi một lượt kiểm tra thuyền, Thạc ngạc nhiên khi thấy phía trên đống lưới, có một bó hoa dừa nước màu hồng còn đẫm sương đêm. Những thuyền khác trong vạn chài lần lượt rời bến xuôi dòng đón cá. Thạc càng ngạc nhiên hơn vì sao trăng đêm nay sáng thế, còn ba hôm nữa mới rằm cơ mà.

Đêm nay, chị Thược cũng xuống thuyền đánh cá, nhưng là thuyền của anh Đường. Chỗ mọi khi chị vẫn ngồi, Thạc để bó hoa dừa hồng lên đó. Rồi mải mốt bơi đi. Tiếng mái chèo khua nước, tiếng người ta ám hiệu nhau. Bỗng Thạc nghe tiếng trưởng vạn hét lên “chú ý, cá ngự”. Thạc giật mình bật đèn quét về phía mũi thuyền của trưởng vạn. Anh như không tin vào mắt mình khi thấy cả đàn cá chép đang cong người nhào lộn say mê trên mặt nước. Giống như là chúng đang múa hứng trăng. Cũng giống màn bắt mồi điêu luyện. Giống như là con đực dồn đuổi con cái trong kỳ sinh sản và con cái nhảy lên làm dáng. Giống như sự tiễn biệt nào đó... Chả nhẽ cá cũng biết, đêm nay là đêm cuối cùng của Thạc ở Sa Thủy?

T.N.H
(TCSH416/10-2023)

 

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Tung đồng xu (06/11/2023)
Ảo ảnh Tây Thi (10/10/2023)
Chu Nhan (03/10/2023)
Vàng...! (26/09/2023)