Truyện ngắn
Một chuyến bay đêm
08:19 | 06/12/2023

PHẠM XUÂN PHỤNG
      Truyện ngắn dự thi 1993

Tôi mơ thấy mình bay. Vì một nguyên nhân nào đó. Đúng hơn, vì một sức hút mạnh mẽ từ đâu đó.

Một chuyến bay đêm
Minh họa: Nguyễn Duy Linh

Tôi bay lui, nghĩa là đầu ngược với hướng bay; thân là là trên mặt đất. Trục thân người cách đất khoảng một mét. Đêm dịu mát, trắng như sữa. Chóp tán cây hai bên đường gần chạm vào nhau, để lộ một khoảng trống vừa đủ cho tôi nhận thấy trời đêm. Như có ánh trăng. Tôi thấy mình như một con tàu chạy trong một đường hầm tràn đầy ánh sáng. Một đường hầm không có đường ray, nên con-tàu-tôi như trôi trong biển gió. Một thứ ánh sáng trắng ngần như sữa mẹ ôm ấp con-tàu-tôi, nên tôi lại thấy như mình đang bơi trong biển sữa.

Vì sao tôi bay? Quả thật tôi không nhớ rõ. Dường như có một mục đích, một nhu cầu nội tại mãnh liệt khiến tôi phải bay, chứ không thể đi hoặc chạy. Mục tiêu cần tới hình như là một ngôi trường? Một trường đại học? Một thư viện lớn? Một nhà bảo tàng? Tôi mường tượng nơi tôi sẽ tới phải là một nơi chất chứa kho tàng văn hóa. Và tôi nhất thiết phải bay đến nơi ấy, đúng nơi ấy. Chỉ nơi ấy mà thôi!

Đang bay một mạch độ một trăm mét thì tôi nhìn thấy một ngã ba. Một nhánh rẽ ngược về phía phải. Nhánh kia theo hướng tôi đang bay. Ở ngã ba, về mép đường bên kia có hai cậu bé đang ngồi trên một tảng đá lớn. Chúng mặc áo trắng, quần đùi hay quần dài không rõ. Đứa nọ ôm vai đứa kia. Dáng vẻ mạnh khỏe và tươi trẻ, hồn nhiên. Sao chúng ngồi chơi ở đây khuya thế này? Tôi thoáng sợ, rồi tự cười thầm: Bọn này, nếu là ma, mà là ma ngồi thì ắt phải sợ ma bay! Tôi quyết định dọa chúng một chút cho vui. Để xem chúng là người hay ma? Ma chết hay ma sống? Thế rồi tôi đột ngột đổi hướng bay. Nghĩa là tôi sẽ bay ngang qua mặt chúng. Đang nghĩ, bỗng nhiên chân tôi nặng trĩu xuống. Rồi chạm đất. Chạm đất một cách nhẹ nhàng không rung động, không xóc, không làm thân người loạng choạng. Tôi cất mình lên bay lại, như cách đang tập bơi ngửa. Trong các giấc mơ trước đây, mỗi khi muốn bay lên, tôi đều khởi động như thế.

Lần này tôi bay tới, nghĩa là đầu thuận với hướng bay. Tôi bay chầm chậm. Đúng hơn, tôi đang bơi nhẹ nhàng trong biển đêm dịu mềm. Ngang qua mặt hai cậu bé và nhìn chằm chặp vào chúng. Chúng có vẻ hoảng sợ giật mình nhìn tôi. Một cậu bấm vai cậu kia thì thầm: "Khoa học nói rồi, không sợ!". A! Những cậu bé có học. Có óc tò mò. Và ắt có lòng can đảm. Chúng là Người. Không phải Ma. Tôi quyết định bay thẳng, thôi không dọa chúng nữa. Đoạn đường này có vẻ quen lắm. Bên trái tôi là đồng ruộng. Bên phải là rặng tre xanh xen kẽ nhiều thứ cây tạp nham khác. Phía sau rặng tre là vườn của ai đó. Vườn tiếp vườn. Tre ken thành lũy. Không dứt.

Tôi quay đầu về bên trái để nhìn lại con đường vừa bay qua. Hai cậu bé dường như đã hết can đảm. (Chúng sợ tôi vì ngỡ tôi là Ma chăng? Thế đấy!) Chúng chạy. Chúng không chạy bổ nháo bổ nhào. Chúng nắm tay nhau cùng chạy. Bước chạy nhịp nhàng của những vận động viên điền kinh. Nhưng là những bước chạy của những vận động viên trong cơn hoảng sợ. Nên trong cái nhịp nhàng điệu nghệ vẫn dễ nhận ra những động thái loạng choạng, chệch bước. Tuy vậy, chúng vẫn chạy theo đúng con đường. Trên đầu chúng, trên các tàn cây, có một ngọn đèn. Ngọn đèn sáng đến mức từ xa tôi nhìn rõ dáng chạy tuyệt vời đáng yêu của hai cậu bé. Chúng nắm tay nhau cùng chạy. Hoảng sợ mà như sung sướng được có nhau trên đường. Cuống cuồng nhưng phấn khích, kiên quyết. Chúng chạy như thể Ác-si-mét bỏ chạy từ bãi tắm về nhà, sau khi hô lên tiếng hô bất hủ: "Ơ-rê-ca!" Có đúng chăng? Hình như không hẳn thế. Hình như chúng chạy vội về nhà để thông báo cho lũ bạn nhút nhát biết một tin vừa kinh khủng vừa thích thú: "Chúng tao đã nhìn thấy ma!". Có lẽ như vậy.

Tôi bay tiếp, lần này tôi quay nhìn phía phải để tìm mục tiêu. Một cái cổng lớn, xây theo lối chữ công. Cánh cửa màu xanh, cao hơn mặt đường độ bốn mét. Bậc cấp khá nhiều. Nhưng tôi lại bay vượt qua rất nhanh. Phía trên cổng, nhìn ra sau, có một dãy bách tán tùng. Xanh ngút mắt. Tôi biết mình đã vượt quá mục tiêu cần đến. Tôi thường vẫn thế trong đời. Hoặc thái quá hoặc bất cập. Chưa bao giờ kịp thời và đúng chỗ. Tôi đã tự trách không biết bao phen. Lần này lại vẫn thế. Nên tôi quyết định hạ... cẳng.

Từ vị trí đặt chân xuống đất và đứng thẳng lên, tôi quay nhìn phía bên kia đường. Đó là một dãy tường vôi thấp; xây theo lối các trường học. Nghĩa là vừa đủ để ngăn chặn lũ quỷ học trò leo tường ra ngoài trong giờ học. Nhưng không có ý để ngăn kẻ trộm. Kẻ trộm nào dám mò vào khu văn hóa? Hơ hơ! Ở đó chúng cuỗm được gì ngoài mấy cuốn sách? Những cuốn sách cực kì quí đối với các nhà nghiên cứu, những em bé học trò, những cái đầu tò mò ham hiểu biết. Còn đối với mấy chị chai bao thì chẳng đáng một cắc bạc. Giỏi lắm bán một đống sách chỉ đủ một tô bún bò. Với các chị chai bao, mua sách không phải vì con chữ tươi rói trong sách, dẫu từng qua mấy nghìn năm. Mua sách chỉ vì các trang giấy, các tấm màng xen-luy-lô đã khô. Chúng chỉ có một tác dụng: gói hàng.

A! Bức tường này xây lên không phải để ngăn kẻ trộm. Cũng không phải để ngăn những người muốn lọt vào khu Văn hóa thâm nghiêm nhưng không thể bước qua cổng chính, vì đã vượt qua mất, như tôi chẳng hạn. Như thế, tôi hoàn toàn có quyền - nói đúng hơn, tôi tự cho mình có quyền - vượt qua tường để lọt vào trong đó. Tôi bước tới. Tường thấp, độ nửa mét hoặc gần một mét. Nhưng lại xây trên một dải đất cao hơn bốn mét so với mặt đất nơi tôi đứng. Không hiểu sao tôi chỉ bước một bước là lên tới chân móng. Rồi tôi vịn tay vào mép tường. Trên đó, cỏ dại mọc tứ tung, loại bàn thảo bán mộc. Loại này có dáng thấp, thân cằn cỗi, nhưng rễ khá dài và bám rất chắc. Chúng có sức sống cực kì khỏe. Tường xây toàn vôi. Nhưng chỉ cần một ít đất vương vãi là chúng có thể từ hạt nẩy mầm thành cây con rồi phát triển thành cây hẳn hoi. Chúng sống khỏe, ung dung tồn tại trên cái khô cằn. Chúng sống để làm gì? Với mục đích gì? Cho ai? Không hoa, không quả làm mát mắt con người. Vậy thì cớ sao chúng lại được sinh ra đời? Hay là trên bất cứ bức tường nào, dù cao hay thấp, nhất là các bức tường bao quanh các khu văn hóa, khu di tích lịch sử, trường học, các tòa thành cổ, các nhà thờ thâm nghiêm đều nhất thiết phải có chúng? Để tăng thêm vẻ cô tịch, trầm mặc và u nhã? Hay để chứng tỏ rằng nơi đây là một khu hoang phế, đã lâu chẳng có ai vào? Chẳng có ai chăm nom, săn sóc? Loại cây - bán-thảo, cỏ-bán-mộc này với những chiếc rễ bám chắc và chui sâu vào các kẻ nứt, lâu ngày sẽ làm rạn vỡ những bức tường. Không một ai đơn độc, dù mạnh đến đâu, kiên trì hết mực mà có thể nhổ hết cỏ dại ra khỏi các bức tường phân biệt các khu văn hóa với không gian bên ngoài.

Tôi nhớ rõ, trong mơ mình không buồn, không ngạc nhiên. Vì chắc tôi biết đó là qui luật của tự nhiên. Các bức tường bao quanh khu Văn hóa (trừ nhà Bảo tàng cổ vật) ít có kẻ trộm trèo vào. Vì vậy, cũng không có người bảo vệ nào thèm để mắt tới. Nơi không có người để mắt trông chừng, đưa tay quét dọn thì lập tức cỏ dại mọc tràn. Nếu là các bức tường của các biệt thự, các khách sạn thì chắc không như thế. Chúng sẽ được quét vôi và tô phẩm cực đẹp. Trên các mép tường bao giờ cũng có những hàng rào cọc sắt nhọn, hoặc thép gai hoặc mảnh chai tua tủa. Nom phát khiếp. Lũ cỏ dại không dại. Chúng không bao giờ chịu ngốc nghếch trèo lên đó mà mọc, rơi xuống đó mà mọc. Vì sẽ bị nhổ đi ngay. Bởi lẽ đó là những bức tường mà bọn đạo chích thường dòm ngó. Vì bên trong rất ít sách. Họa hoằn có vài quyển để chứng tỏ chủ nhân cũng là người biết đọc, biết viết. Thường chỉ có vàng bạc lụa là, hàng xa xỉ trang trí đắt tiền, đôi khi có thể có hàng lậu của các ông chủ trọc phú. Tóm lại, trên các bức tường bảo vệ nghiêm ngặt các khu hàng hóa đời thường, không bao giờ có màu xanh, dù là màu xanh cỏ dại. Có điều lạ, như để đối lại, dưới chân các bức tường này bao giờ cũng có màu rêu. Rêu mọc từ các bãi nước đái mà thủ phạm là những cậu bé tinh nghịch, những đứa bé không nhà, những con chó lang thang. Cũng có thể là người lớn đi ngang qua vội vàng trút bỏ. Cũng có thể là bọn trộm đêm đái bậy. Loại màu này tuy cũng gọi là xanh nhưng là màu xanh ẩm ướt, nhớp nháp không làm mát mắt con người. Có điều chưa ai nhắc: Rêu có thể làm đổ tường!

Ở dưới chân các bức tường của khu Văn hóa cũng có những kẻ đến đái bậy hoặc ị bậy. Tuy nhiên, do cỏ dại mọc um tùm nên những kẻ sợ rắn ít khi dám tới sát tường để làm cái sự nhiêu khê ấy. Hoặc nếu có thì chính lũ cỏ dại đã điềm nhiên dọn sạch hoặc vô tình che lấp. A! Cỏ dại cũng còn có ích!

Tôi cứ đứng vịn tay lên mép tường mà lí sự vẩn vơ như thế một lúc. Rồi như chợt nhớ đến mục đích chuyến bay, tôi bật người qua tường. Bên trong, đất đùn lên thành đống khá cao, vừa vặn để tôi đặt chân vào mà không phải tỳ người. Tôi không có cảm giác lén lút sợ hãi. Các nhà hình pháp sẽ tha thứ cho tôi. Họ sẽ không tàn nhẫn kết tội tôi là kẻ trộm. Họ chỉ đứng bên dưới và hô lên nếu bắt gặp tôi đang trèo: "Cẩn thận! Cẩn thận! Tường cũ dễ đổ. Bám chặt vào! Thế, thế!". Nếu đột nhiên lúc này hai cậu bé kia táo gan quay lại thì chúng sẽ nghĩ gì về tôi? Ma hay là kẻ trộm? Còn tôi, cho đến lúc này vẫn băn khoăn mãi: Không hiểu hai cậu bé kháu khỉnh đáng yêu ấy là Người hay Ma?

Tôi nhìn vào bên trong. Toàn cây là cây. Thẳng tắp. Những cây bách tán tùng bao giờ cũng có dáng thẳng, nếu chúng được sống giữa thiên nhiên hùng vĩ, thoáng đãng và trong lành. Còn những cây tùng trồng trong chậu, chịu uốn mình theo ý chủ thì trọn đời chỉ làm kiếp cây kiểng. Nếu những cây tùng con bị các cây lớn đổ bóng đè lên, chúng cơ hồ trở nên không thể thẳng. Chúng như bị ấn lún xuống, oằn đi. Nhưng, trời đã phú cho tùng một bộ rễ bám sâu vào đất và những chiếc lá hình kim có khả năng quang chiêm từ mọi hướng rồi chắt lọc trong đó những chất bổ để nuôi mình lớn lên. Đến một lúc nào đó, những cây tùng con sẽ vươn dậy, vững chãi và hiên ngang như những cây tùng lớp trước. Những chiếc lá hình kim mang màu xanh tinh kết tự Đất Trời sẽ rung rinh khoe mình trong nắng, tắm mình lóng lánh trong mưa và rì rào reo ca trong gió. Rồi mỗi khi Đất Trời làm bão làm giông, ta lại nghe lao xao sóng vỗ ngọn tùng xanh thắm!

Thông thường, khi đứng giữa ngàn xanh, bao giờ cũng thấy lòng khoan khoái! Sao hôm nay tôi lại có một cảm giác thoáng hẫng?! Như vui, như buồn, như ngơ ngác! Một nét ngỡ ngàng vạch vội qua tâm thức: Sao nơi này... màu xanh như đơn côi!

Từ khu văn hóa ngời ngợi xanh, tôi bay lên. Lần này tôi bay chếch một góc chừng mười lăm độ so với mặt đất, hướng về nơi sắp tỏa ánh mai vàng. Tôi bay nhẹ nhàng, thanh thoát. Trời lồng lộng, xanh đến vô cùng. Trong miền sâu thẳm ấy, tôi nhìn thấy một CON MẮT. CON MẮT có một quầng sáng rực rỡ, xanh huyền diệu. Tưởng như tất cả màu xanh của vũ trụ bao la đều được tỏa ra từ đó. Và tôi như bị hút vào Nó, cứ thế mà bay lên, lâng lâng, kì ảo. Lưng trời lấp loáng ánh lân tinh.

Đêm - Sữa - Mẹ trắng ngần thanh khiết lạ! Tôi như thấy mình được nâng cao mãi từ cái nền Xanh hiện hữu của Đất lành, từ lòng biển dịu dàng của Mẹ để tan vào Cái - xanh - vĩnh - cửu của Thiên Nguyên!

1991 - 1992
P.X.P
(TCSH55/05&6-1993)

 

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Cây cảm xúc (04/12/2023)
Phấn Di (28/11/2023)
Chứng nghiệm (23/11/2023)
Tung đồng xu (06/11/2023)
Ảo ảnh Tây Thi (10/10/2023)
Chu Nhan (03/10/2023)