Truyện ngắn
Người đi xe máy một chân
10:42 | 24/08/2009
ĐỖ KIM CUÔNGBây giờ bạn bè ít được gặp anh lang lang trên phố. Thảng hoặc dăm bữa nửa tháng, có khi hơn mới tóm được anh. Ấy là khi anh phải ra khỏi nhà đi nạp bài cho những tờ báo mà anh thường cộng tác, hoặc đi nhận nhuận bút một vài bài thơ lẻ in trên báo.
Người đi xe máy một chân
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Vào lúc trong túi rủng rỉnh có tiền, gương mặt anh sáng hẳn. Tiện đường, ghé qua chỗ tôi thế nào anh cũng rẽ vào. Chưa thấy người, đã thấy tiếng. Chỉ cần nghe tiếng đế giày của chiếc chân gỗ gõ vào từng bậc cầu thang, biết là anh đã tới rủ đi chơi làm vài vại bia. Tôi không uống được, nhưng anh vẫn cứ mời, Có cái cớ để anh em được ngồi với nhau ít phút chuyện trò ba lăng nhăng. Những câu chuyện thường là không đầu, không đuôi. Giữa anh và tôi không có nhu cầu trao đổi công việc, hay bàn chuyện làm ăn, kể cả chuyện văn chương như anh nói “cũng nên cho vào sọt rác”. Nhưng lâu ngày anh và tôi không gặp nhau lại thấy nhơ nhớ, thấy thiêu thiếu, hệt như cái cảm giác một người đã quen với ly cà phê sáng, vì một lý do nào đó bẵng đi một thời gian không được uống cà phê nữa. Mỗi buổi sáng anh ta trở dậy, thấy buồn buồn, bâng khuâng và thèm có một ly cà phê, nói chuyện với bạn bè. Mỗi lần gặp tôi, cao hứng anh Hoàng còn đọc vài bài thơ mới viết. Giọng xứ Nghệ, lại sống ở Hà Nội nhiều năm, anh đọc thơ truyền cảm. Đôi mắt của ông thi sĩ đã ngoài sáu mươi vẫn lung linh sáng, quyến rũ. Tôi dám cược rằng giữa tôi và anh nếu gặp một cô gái đẹp thì chỉ ít phút sau câu chuyện của cô gái ấy và anh đã như ngô nổ. Tôi chỉ còn là một nhân vật phụ. Người nghe chuyện cứ ngỡ anh và cô gái là đôi bạn tri kỷ từ kiếp nào.

Vài tháng gần đây, anh Hoàng chết chẹt trong ngôi nhà hai tầng vuông vức như cái hộp ở khu tập thể cách xa trung tâm thành phố. Đơn giản – anh đã lên chức ông ngoại. Bữa con gái anh đẻ, tôi đang mắt nhắm mắt mở tìm đôi giày đi đá bóng, nghe tiếng anh nói to trong điện thoại “Con T đã đẻ rồi. Tao đã trở thành ông ngoại. Ba ký rưỡi em ạ. Nó có cái trán rộng, giống hệt như tao... Good bye nhé... Hôm nào gặp nhau, khao”.

Cái hôm nào ấy của anh đã mấy tháng nay tôi chờ chưa thấy tới. Bởi vì anh Hoàng bận rộn với đứa cháu ngoại “đích tôn”. Chị vợ anh Hoàng bỏ hẳn sạp hàng ngoài chợ để ở nhà chăm sóc con gái và đứa cháu ngoại. Anh đóng cửa ngồi nhà ngắm cháu và sẵn sàng nghe vợ và con gái sai bảo. Anh mua hàng đống sách dạy về ăn uống, chữa bệnh cho trẻ sơ sinh. Anh loay hoay đọc sách Tàu, sách Nôm để đi tìm chữ đặt tên cho cháu. Anh bỏ hẳn thú tập thể dục buổi sáng và niềm đam mê đánh cờ với các cụ hưu ở dưới gốc cây bàng trong khu tập thể để có thêm thời gian trông nom “con mèo bông yêu quý của ông”. Trẻ con mới đẻ ăn ít, mặc ít không đáng lo. Vả chăng cha mẹ chúng đều là kỹ sư, bác sĩ, tiền đâu có thiếu. Anh dâng tặng tình yêu con trẻ cho đứa cháu ngoại.

Một hôm, anh Hoàng đến chỗ tôi làm việc. Anh vất bịch cái cặp xuống ghế, nhìn tôi không nói năng gì. Mặt buồn như người mất sổ gạo. “Có chuyện gì vậy anh?”. Tôi súc ấm, pha trà nhìn anh ái ngại. “Mất rồi... Đi mất rồi!”. “Ai mất, ai đi?”. Tôi sốt ruột. “Con cháu ngoại nhà nội sang đón đi rồi, em ơi!”. Anh nói mà như khóc. Tôi phì cười. “Cháu nội nhà người ta, thì nó về ở với ông bà nội là đúng, chứ có sao?”. “Chị em buồn lắm. Còn anh cả đêm qua không ngủ được...”

Ở phòng khách có tiếng điện thoại reo. Lúc tôi trở vào đã thấy anh Hoàng ngủ, gối đầu lên thành ghế bộ sa lông ngáy ngon lành. Trông anh, ngủ thật tội. Mái tóc của anh luôn đen óng mượt, vài tháng nay không chải thuốc nhuộm đã thấy trắng lốm đốm nơi chân tóc. Gương mặt chữ điền, cương nghị hằn rõ dấu hiệu mệt mỏi. Đôi giày da của anh, một chiếc nằm lăn lóc dưới đất. Chiếc còn lại bó chặt lấy cái chân gỗ màu nâu được chằng néo bằng những sợi dây da chắc chắn. Một bàn chân lành lặn của anh gác lên thành ghế. Còn chiếc chân cụt tới đầu gối nằm sõng soài, bất động dấu trong ống quần. Nhìn gương mặt hiền lành của anh lúc ngủ, không ai nghĩ anh là người nóng tính, dễ nổi giận. Vậy mà có lần, anh đã túm áo một gã lái xe con, chạy ẩu xô ngã một chị chở rau bằng xe máy, toan bỏ chạy. Anh lôi gã ra khỏi xe và bắt xuống xin lỗi và đi mua bông, thuốc đỏ băng bó cho người đàn bà nhà quê. Chị ta chưa tan cơn hoảng loạn sau một phen thoát chết.

Vào những năm “chín mươi” khi làm việc ở một tờ Tạp chí Văn nghệ, tôi mới có dịp gặp mặt anh Hoàng. Chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào, một lần tôi đi dự hội nghị ở Hà Nội. Trong đám giấy tờ người ta vất vào sọt rác, tôi lại lượm được một tập thơ của anh, bản photo, chữ nghĩa nhoè nhoẹt cả. Tôi cầm lên và đọc để cho qua quãng thời gian phải nghe những báo cáo, tham luận dài lòng thòng. Ngay từ những câu thơ, bài thơ đầu tiên của thi sĩ họ Hoàng đã cuốn hút tôi. Thơ của một người lính ra trận trở về xót thương cho người đồng đội đã mất. Thơ viết về mẹ, về Hà Nội. Rất nhiều bài thơ viết về tình yêu. Tôi đã mang những bài thơ ấy của anh về Nam chọn in vài bài trên tạp chí. Lần dò qua bạn bè, tôi cũng biết được anh Hoàng đang làm biên tập viên cho một tờ báo. Khi anh nhận được nhuận bút của những bài thơ và cuốn tạp chí anh có viết cho tôi vài dòng “Đã in thơ cho anh, lại còn gửi nhuận bút, thế là quý rồi. Anh yêu biển lắm, nhưng chưa có dịp nào ghé Nha Trang”. Chưa gặp tôi bao giờ, chẳng thân quen, anh đã xưng hô như vậy.

Rồi một ngày anh Hoàng đến Nha Trang thật. Tôi và mấy cô ở toà soạn được nhìn tận mắt, sờ tận tay một thi sĩ đã nổi danh với những truyện ngắn, bài thơ gây nhiều tranh cãi. Bữa cơm chiều tôi đãi anh món vịt Cầu Dứa. Ngồi lân la chuyện trò, tôi mới vỡ lẽ ra anh cũng là lính giải phóng thuộc Công Trường 5, quân của ông Thân Trọng Một. Anh vào chiến trường năm 1966, lặn lộn nhiều với vùng giáp ranh quanh cố đô Huế. Cái thứ lính bộ binh quân giải phóng, quanh năm suốt tháng sống ở vùng gáp ranh mặc quần đùi, đi dép râu, đầu trần mang AK trước ngực, ăn nằm ở dề với du kích địa phương, đi xây dựng cơ sở bám dân, giữ đất. Anh Hoàng đã từng nhiều ngày nằm hầm, chui bụi ở Hiền Lương, bãi cát Triều Dương, các mạ cá o trong các làng kháng chiến đã nhiều người nhận anh làm con nuôi, anh nuôi và cả làm con rể hụt. Đánh xong chiến dịch Mậu Thân – 1968 đại đội của anh hy sinh quá nửa. Đơn vị lại được điều sang vùng Hương Thuỷ, đêm đêm về các làng Thanh Thuỷ Thượng, Nham Biều, Thuỷ Dương vừa kiếm gạo ăn, vừa giữ địa bàn vùng giáp ranh xôi đỗ đầy hiểm nguy và phức tạp. Suốt ngày chốt gác theo dõi địch. Ba bốn giờ chiều trinh sát đã phải bám đường xuống đồng bằng mua gạo mắm, nắm tình hình địch. Nhiều đêm, vấp địch phục kích, bộ đội, cán bộ du kích cáng thương binh, liệt sĩ, ôm gùi rỗng trở về.

Anh Hoàng kể – Một lần về ấp Năm lấy gạo, chẳng ngờ tao bị dính mìn Clay mo của tụi Mỹ “mũ lồi xanh”. Vết thương ở bụng, nhưng không nguy hiểm tới mạng sống. Tao được cáng lên điều trị ở bệnh xá Nam. Chưa đầy nửa tháng, vết thương đã lên da non, những trận sốt rét lại ập đến. Cứ một ngày hai cữ. Cơn sốt đến vào quãng chiều và đêm. Ăn cái gì nôn ra cái ấy. Dạo đó Mỹ đang càn mạnh vùng giáp ranh Huế. Bộ đội đói vàng mắt. Thành uỷ chỉ đạo các đơn vị phải ưu tiên cho thương bệnh binh đang điều trị tại trạm xá. Tiêu chuẩn cho thương bệnh binh cũng chỉ đủ cho một người mỗi ngày nửa lon gạo. Gạo ít, anh chị em phục vụ trạm xá đành nấu cháo loãng cho người ốm, nấu lẫn với môn vót. Một thứ nước xanh rớt, ngai ngái đến người khoẻ ăn còn khó nuốt, huống chi tao đang sốt rét thập tử nhất sinh. Quờ tay lên đầu, tóc rụng lả tả. Nhưng tao không muốn chết. Cố mà húp chút nước cháo cho có hơi gạo. Húp vào chưa ấm bụng lại nôn. Cô y tá chăm sóc cho tao trong những lúc đau ốm ở Trạm xá Nam tên là Lược, anh em hay gọi là O Lược. Cứ mỗi lần nôn, O Lược đã để sẵn một cái xoong dưới gầm sạp. O Lược vừa đấm nhẹ vào lưng tao vừa nói: “Nôn chi mà dữ hè... Ráng chịu eng Hoàng...”. Khốn khổ càng ráng chịu càng nôn. Nôn cho tới khi ói ra mật xanh, mật vàng, người lả đi, miệng đắng nghét mới cảm thấy sung sướng, sảng khoái dễ chịu. Mồ hôi túa ra. Mệt rũ người và cơn sốt đã lui từ lúc nào. O Lược cho tao uống chút nước gạo rang để lấy sức “cho có chất gạo”. O nheo mắt cười “Ráng sống mai này thống nhất còn về quê lấy vợ nghe eng Hoàng”. Hỡi ôi, vào những năm “sáu chín”, “bảy mươi” khốc liệt ấy, mấy người lính có đủ tự tin, lạc quan để hy vọng mình còn sống để trở về quê hương. Ngày chiến thắng, ngày thống nhất như lời của các ông chính trị viên, mỗi khi xuống đơn vị làm công tác tư tưởng, giảng bài cho bộ đội đều khẳng định sẽ có. Nhưng trong sâu thẳm trái tim mỗi người lính như cánh tao đều hiểu rằng cuộc chiến này vẫn còn gian khổ, khốc liệt và số phận dành cho một người lính trong chiến trường như hạt cát giữa rừng bom lửa. Cả một đại đội bộ binh của tao vào chiến trường, sau hai lần tấn công về Huế, còn lại 18 người. Chậm tiến bộ, ngang ngạnh như tao cũng đã là trung đội phó. Những năm sống ở giáp ranh, quen biết nhiều cô du kích, cán bộ, nhưng tao chẳng thân với cô nào.Có người chưa kịp làm quen, họ đã hy sinh trước mắt mình. Chỉ một đêm đi đồng bằng mua gạo. Một trái mìn nổ. Một quả pháo bắn vu vơ vào hậu cứ. Lãnh đủ. Gần một tháng trời nằm ở trạm xá, được o Lược tận tình chăm sóc, chuyện trò... tao có cảm tình với o. O Lược người Vĩ Dạ, lên xanh từ những năm 1965. Công bằng mà nói o không thật đẹp, nhưng có duyên, là một trong số những y tá, hộ lý thương lính ở Trạm xá Nam. Trạm xá tiền phương chỉ có một ông bác sĩ và gần chục cô y sĩ, y tá, hộ lý. Họ vừa phải lo cứu chữa trị cho bộ đội, cán bộ huyện xã bị thương tật, đau yếu dưới đồng bằng, giáp ranh chuyển lên trước khi chuyển tiếp cho Viện Quân Khu, vừa phải lo cùi gạo cơm để đảm bảo bữa ăn cho mười mấy con người. Lúc bình thường không có địch thì không có vấn đề gì. Lo đào hầm cho chắc, chốt gác đề phòng tụi thám báo, biệt kích. Nhưng căng thẳng nhất mỗi lúc địch càn vào hậu cứ, tất cả từ thầy thuốc đến thương, bệnh binh phải cầm súng để bảo vệ thương bệnh binh.

Mùa khô 1969, thật khủng khiếp. Khắp rừng núi Trị – Thiên đâu đâu cũng thấy lính Mỹ thuộc Sư đoàn Kỵ binh bay số I càn quét, chiếm đóng các điểm cao. Suốt dải giáp ranh bao quanh Huế, chúng đổ quân xây dựng nhiều cứ điểm phòng thủ. Quân Mỹ, quân ngụy rải quân chốt chặt đường 12, càn lên cả đường tuyến vùng A So, A Lưới. Người Mỹ và chính quyền Ngụy đã thấm thía với những đòn tấn công và nổi dậy của Việt Cộng. Chúng không muốn tái diễn một “Mậu Thân” nữa! Vào một buổi sáng mùa hè, một trung đoàn quân Mỹ và trung đoàn E54 ngụy tổ chức càn lớn vào vùng rừng giáp ranh Hương Thuỷ, Hương Trà, Phong Quảng. Một tiểu đoàn lính biệt động quân nhảy dù xuống điểm cao dọc bờ sông Hương, chia thành ba mũi xọc thẳng vào khu vực hậu cứ của bệnh xá Nam. Địch chia cắt luôn đại đội vận tải, một đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ cho khu bệnh xá. Các mũi tiến quân của địch tiến rất nhanh. Chúng đã phát hiện ra một vài căn hầm, kho quân lương. Một cô y tá và một anh thương binh đi lấy măng bị tụi biệt kích bắt sống ngoài Bãi Đá. Một anh du kích xã lúc địch tấn công vào hậu cứ,, khiếp sợ quá đã ra chiêu hồi, chỉ điểm nơi đóng quân của các đơn vị. Pháo địch căn sẵn toạ độ, bắn cấp tập từng đợt để bộ binh tiến vào truy quét.

Bác sĩ Khuê trạm xá trưởng đã quyết định chia nhỏ số thương binh sơ tán, tránh địch. Tao sốt rét chưa dứt, được o Lược và một cậu chiến sĩ bị thương nhẹ đưa vào rừng tránh địch. Tao bước đi không nổi, tay chống gậy, lưng đeo chiếc gùi lội dọc theo con suối Đá. Địch đã vào được khu trạm xá và nơi đóng quân của đại đội vận tải. Chúng bắn loạn xạ. Ném lựu đạn, đặt mìn giật hầm. Nghe rõ cả tiếng tụi ngụy gọi nhau í ới truy bắt Việt Cộng... Gần hai tiếng đồng hồ, o Lược đã đưa được tao tới một hang đá gần bờ sông Hai Nhánh. Cậu bộ đội bị thương chẳng rõ đi lạc hướng nào, sau này biết rằng cậu ta đã nhập vào với trung đội vận tải. Bị sốt lâu ngày sức yếu tao mệt lử, chân cẳng rủn ra. Nhiều lúc o Lược phải dìu đi... Đến được bãi đá bên sông, o Lược mới dừng lại. Chưa kịp mắc xong chiếc võng. Cơn sốt đã ập tới. Mắt hoa, đầu đau như búa bổ. Chỉ thấy nhói đau ở cánh tay. Người lúc nóng, lúc lạnh. Triền miên trong những cơn mơ. Lúc thấy tụi ngụy đuổi. Lúc lại  thấy con cọp vằn lông trắng đứng nhe nanh, chực vồ. Loáng thoáng nghe như có tiếng pháo nổ rất to ở trên đỉnh hang đá, ngoài bãi rẫy của đồng bào Vân Kiều. Đến khi tao tỉnh lại, thấy mình đang nằm trong một cái ổ được lót bằng cỏ tranh, lá đùng đình, lá nón êm ái. Không gian tối om. Râm ri tiếng côn trùng kêu trong đất. Mi có biết lúc ấy người đang nằm ép sát, ôm lấy tao là ai không?...”

Anh Hoàng hỏi tôi và đưa một cọng hành tươi ngâm đá lên miệng nhai. Mải nghe chuyện, đĩa thịt vịt luộc hai anh em mới chỉ ăn được vài lát.

“O Lược đấy! Anh Hoàng nói – chắc là thấy tao rét quá, chăn mùng không đủ ấm, o Lược đã sưởi ấm cho tao bằng chính cơ thể mình. Tao nằm im bất động, nín thở để nghe nhịp tim của một người con gái. Hơi thở nhẹ, phảng phất cả mùi xà bông Mỹ trên mái tóc cô. Lâu lâu, o Lược lại lấy cái khăn mặt lau nhẹ lên trán, lên mặt của tao. Tao biết, o Lược cũng không ngủ được. Có lúc o cầm lấy bàn tay giá lạnh của tao. Bàn tay o mềm mại, nóng ấm.

Một lúc lâu, o Lược trở dậy, cời than. Lửa cháy bập bùng. Ngoài cửa hang o Lược đã dùng một tấm ni lông che bớt ánh sáng. O lật từng chiếc áo, chiếc quần đang hong quanh bếp lửa. Buổi chiều lúc luồn rừng, chạy giặc, áo quần đều ướt hết cả. Rồi o Lược khẽ nâng đầu tao dậy, kề miệng vào chiếc ca US cho tao uống chút nước cháo. O bảo “Ngủ đi ông tướng ạ. Mai còn có sức để leo núi. Mỹ vô càn đông hung. Chúng nó vào cứ đốt hết cả lán trại rồi... Eng mơ chi mà dữ rứa hè? Cứ la hét hoài à... Ngủ đi cưng, ngoan nào...” Thì ra, o biết tao cũng thức. Nhưng o giả đò như không hay. Tao đã nói với o như ri: “Cám ơn em! Anh sống được đến lúc này là nhờ em... Mai ngày còn có lúc gặp lại, anh sẽ trả ơn...”. “Eng là bộ đội giải phóng, em là lính trạm xá... Biết lấy gì mà trả ơn cho nhau đây?” Nghe o Lược nói, nước mắt tao ứa ra. Ấm nóng hai gò má. Tao và o Lược đã sống với nhau ba ngày trong hang đá, cho đến khi tụi Mỹ, tụi ngụy rút khỏi hậu cứ”.

Anh Hoàng nhìn tôi: “Tao không còn cơ hội để trả ơn o Lược. Chuyện rồi cũng đến tai Ban chỉ huy trạm xá. O Lược là đảng viên, chi bộ họp kiểm điểm suốt một đêm. Tao được bác sĩ Khuê và anh chính trị viên trạm xá mời lên viết bản tường trình. Học theo tính cách của thủ trưởng Thân Trọng Một, tao chỉ viết một chữ “KHÔNG” to tướng vào tờ giấy kẻ xé ra từ tập vở Côdiđô 100 trang của học trò. Hai ngày sau, tau được trả về đơn vị dưới giáp ranh. O Lược bị cách ly với kẻ “tình nhân nguy hiểm” bằng hình thức đưa vào trại sản xuất của Trạm xá cách hậu cứ hai ngày đường”.

Tôi gắp vào bát của Hoàng mấy miếng thịt vịt, bắt anh ăn. Thịt vịt nướng, chấm ruốc mắm gừng, nhậu với Lade đặc sản của dân Cầu Dứa. Anh Hoàng ăn có vẻ khoái. Tôi hỏi anh. “Chị nhà có biết chuyện o Lược không?”. Anh nhìn tôi, tay vẫn cầm chiếc đùi vịt. “Biết, bà ấy cạo đầu... Mi là lính Công Trường 5, tạo mới kể cho nghe chuyện này... Bem đấy nghe!” Về cô y tá Lược ở Trạm xá Nam tôi cũng đã có lần được gặp chị. Trong chuyến cáng thương binh vượt đường 12 sang giao cho chúng tôi chục lon gạo để ăn dọc đường. Sau ngày Huế giải phóng, tôi không bao giờ được nghe tin tức về chị nữa.

Tôi biết nhiều về người vợ anh Hoàng bây giờ. Trong con mắt tôi chị thực xứng đáng với danh hiệu người phụ nữ anh hùng. Anh Hoàng đã cho tôi xem tập album gia đình. Nhiều bức ảnh chị chụp từ thời con gái rất trẻ, đẹp, đầy sức sống và nghị lực của các cô gái sinh ra trong những năm đất nước có chiến tranh. Chị chưa bao giờ nói cho tôi lý do vì sao chị dũng cảm lấy anh Hoàng. Còn tôi đinh ninh cho rằng chỉ có sức mạnh của tình yêu, của tình mẫu tử, tình yêu con người mãnh liệt, một cô gái như chị mới dám vượt qua tất cả để chọn anh làm chồng. Một anh thương binh cụt một chân. Chưa tới bốn mươi tuổi đã ngồi chơi xơi nước, ăn theo vợ. Nghề nghiệp không có. Lại hay mơ mộng viển vông là hy vọng sống bằng THƠ, chết vì THƠ. Lạ thật? Một kẻ không có tem phiếu, còng cọc sống bằng mấy đồng thương tật lại đủ sức làm một cô gái Hà Nội như chị xiêu lòng. Vậy mà anh chị đã sống rất vui vẻ, hạnh phúc! Nhiều lần tôi đi ngang qua khu chợ xép, lẳng lặng đứng nhìn chị bán hàng. Cái gánh hàng ăn vặt vãnh ấy, đã giúp chị nuôi chồng, nuôi cô con gái quý hơn vàng đủ sống và ăn học thành người. Trong những câu thơ của anh tôi đọc ngoài những ý tưởng cao xa, sang trọng còn ẩn náu cả vị mồ hôi mặn mòi của người đàn bà bán hàng rong, lẩn quất cái mùi nước tanh nồng bao quanh ngôi nhà mái lợp giấy dầu khi xưa của anh vào những ngày Hà Nội dầm trong mưa và úng lụt...

Bây giờ anh Hoàng đã được sống trong ngôi nhà tầng thoáng rộng. Cô con gái lắp cho bố điều hoà. Anh làm thơ, viết báo bằng vi tính. Đi xe máy đến toà soạn. Cuộc sống cơ cực, nghèo khổ đã bị đẩy lùi xa. Kể cả việc anh đã lần mò tìm ra tung tích của o Lược, người con gái đã vì anh mà chịu nhiều tai tiếng, đau khổ. Nhiều năm sau anh mới biết rằng o Lược đã có lần được đưa ra Bắc chữa bệnh. O không có ai quen biết ở xứ Bắc, vậy mà o đã về tận làng quê anh ở miền Trung lần tìm tung tích người yêu. Làng quê anh bom đạn tàn phá hết cả. Cha mẹ anh đã mất, anh em ly tán. Anh Hoàng đi khỏi làng từ bé, chẳng ai biết anh ở đâu mà tìm. Có tin đồn anh đã hy sinh ngoài mặt trận. Chị Lược chán nản quay về trại điều dưỡng. Lúc ấy có đợt cán bộ đi Nam. Chị xin với cấp trên trở lại chiến trường. Trên đường giao liên Trường Sơn, ngày o Lược trở về Nam cũng là ngày anh Hoàng nằm trên võng cáng bị đạn tiện mất một chân, thương tật đầy mình, ra Bắc. Giời đã không cho o Lược được gặp anh. O Lược lại trở về sống với những cánh rừng hoang dã một thuở.

Ai nhỉ, ai đã nói câu này: ẩn khuất trong mỗi con người đều chứa đựng cả một pho tiểu thuyết. Anh Hoàng đấy, biết bao nhiêu là câu chuyện vui, buồn. Lâu ngày mới gặp lại anh, đến đây định chơi với tôi anh lại ngủ. Thật rõ chán! Mỗi chuyện cỏn con – đứa cháu ngoại được ông bà nội đón về bên nhà, đã khiến anh buồn đến vậy ư? Lạ nhỉ!

Tôi còn đang loay hoay với đống giấy tờ, công văn, anh Hoàng đã trở dậy từ lúc nào. Anh thành thạo đút đoạn chân cụt vào phần chân gỗ đã xỏ giầy. “Chán nhỉ...”. Nghe anh than, tôi biết trong túi anh lúc này nhẵn tiền. “Anh ở lại đi ăn cơm bụi với em” Tôi động viên. Anh nói quả quyết. “Không. Anh phải về ăn cơm với chị. Chị bảo hôm nay có món chả rán, ngon lắm. Hay em về nhà anh, ta làm vài vại bia”. Tôi không thể đi theo anh được.

Chỉ một loáng, anh Hoàng đã biến khỏi phòng. Rồi tiếng xe máy rồ ga. Thi sĩ một chân của tôi đã mất hút vào con đường rợp xanh bóng cây của thành phố.

Đ.K.C
(185/07-04)

Các bài mới
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Các bài đã đăng
Ánh mắt (21/08/2009)
Cái quạt kè (19/08/2009)
Thôi em về đi (13/08/2009)
Kỳ lạ ông tôi (12/08/2009)