Truyện ngắn
Mê cung
09:49 | 12/01/2024

CHÂU SA

Phải khó khăn lắm mới thuyết phục được cha mẹ đồng ý cho tôi đi chuyến này. Những ngày nghỉ hè, tôi muốn đến ở với Mi, nhà cô ở nơi không có tên trên bản đồ, một thôn làng xa xôi ít người biết đến.

Mê cung
Minh họa: Ngô Lan Hương

“Thật không hiểu nó muốn đến chỗ heo hút ấy làm gì”, cha mẹ thở dài bảo với nhau.

Là người của một dòng họ thủ cựu và kỳ lạ - cũng có thể do những giáo huấn truyền lại từ đời tiên tổ -chúng tôi chưa bao giờ dám rời nơi mình sinh sống. Chúng tôi quây quần lại với nhau, gìn giữ bí mật về năng lực đặc biệt của gia đình. Năng lực ấy không cách gì học được, không thể dạy lại cho ai, chỉ có thể truyền thừa qua dòng dõi. Vào những năm tháng đen tối nhất, nhiều người trong dòng tộc đã bị bắt đi, không ai quay trở về. Chúng tôi đánh dấu họ. Trong cuốn gia phả, tên những người mất tích bị tàn hương ám mờ như một vết châm nhức nhối. Rồi đời này qua đời khác, giống như nhựa sống trong thân cây già cỗi, năng lực phi thường đã suy sút dần. Ông nội là người cuối cùng trong dòng họ sở hữu khả năng ấy. Thế hệ kế tiếp chẳng có ai, cha tôi cay đắng ghi vào gia phả hai chữ “thất truyền”. Nhưng rồi cha mẹ lại bối rối khi phát hiện ra những dấu hiệu kỳ lạ ở tôi. Tôi bộc lộ năng lực ấy vào năm mười tuổi.

Đó là ngày đầu tiên của kỳ nghỉ cuối năm, cả nhà quyết định đi một chuyến xa hơn thường lệ. Mang theo áo ấm, đồ ăn và lều trại, chúng tôi lái xe đến một thung lũng vắng người. Cha mẹ bắc bếp nướng thịt, còn tôi đi về phía rừng cây và loay hoay thả diều. Một chốc sau, trời nổi gió lớn. Con diều hình vầng trăng tuột khỏi tay tôi, mắc lại trên ngọn thông chót vót. Vào lúc tôi ngẩng đầu lên, định tâm và chăm chú, gắng nghĩ cách lấy lại con diều, thì một chuyện lạ lùng đã xảy ra.

Từ bấy tôi mang trong mình niềm kiêu hãnh ngấm ngầm. Của một kẻ mang dòng máu lạ, biết mình là sự tồn tại hãn hữu giữa cõi sống tầm thường. Nhưng tôi cũng biết, nếu tùy ý thể hiện ra, sẽ chỉ đổi lại những xôn xao và tò mò kinh hãi. Người ta thường sợ những gì họ không hiểu. Chúng tôi đâu muốn chuốc lấy phiền phức. Cha mẹ rất khổ tâm, trán họ nhăn lại và đôi mắt chất chứa nỗi ưu sầu. Nhiều lần khát nước tỉnh dậy giữa đêm, tôi vẫn thấy cha mẹ ngồi trong phòng khách, rầm rì toan tính trong vầng sáng đèn ngủ. Cuối cùng, cha mẹ buộc tôi giữ nó như bí mật, không được để lộ cho ai. Từ bấy tôi ôm nỗi nuối tiếc của đứa trẻ buộc lòng phải cất món đồ phép thuật vừa có vào rương, ép mình sống như một người thường.

Tôi đã nghe lời cha mẹ suốt tuổi thơ mình. Cả những năm tháng tuổi thiếu niên. Nhưng lần này tôi không muốn nhượng bộ cha mẹ về chuyến đi chơi. Tôi và Mi thư từ qua lại đã hai năm, dù chưa bao giờ thấy nhau, nhưng chúng tôi thân mến nhau lạ lùng. Tôi đã kinh ngạc bao nhiêu khi biết Mi chỉ sinh nhật trước tôi một ngày, hai đứa có những giấc mơ giống nhau, chúng tôi đều mê những câu chuyện ma mị. Tôi không có nhiều bạn, Mi là niềm an ủi còn lại của tôi trong đời sống này. Thư từ và những cuộc điện thoại đêm khuya với tôi dần không đủ nữa. Tôi muốn tới nhà Mi, sẻ chia cùng cô cuộc sống hàng ngày, ngủ lại gian phòng cô đã ở suốt thời niên thiếu. Khao khát được đến một vùng đất mới cứ lởn vởn trong đầu, tôi quyết nói với cha mẹ ý định chuyến đi. Để được hai người chấp thuận, tôi đã nài hứa đủ điều. Hứa một tuần sẽ gọi cho mẹ một lần. Sẽ không đi đâu một mình, không làm gì liều lĩnh. Cuối cùng, cha mẹ cũng thỏa hiệp. Và tôi bắt đầu sửa soạn, hồi hộp chờ ngày xuất phát.

*

Nơi Mi ở có cái tên rất lạ: trang trại K. Thoạt nghe tôi đã tưởng tượng ra một khu đất rộng đầy cây ăn trái. Có võng dù đu đưa dưới bóng râm, những con dê trắng, dãy mía xanh và dòng suối mát lành. Tôi đã mơ được nhìn thấy thiên đường nơi trần thế. Thế nhưng thực tế đã làm tôi thất vọng. Chẳng có gì như tôi tưởng hết.

Nỗi thất vọng bủa xuống từ lúc tôi rời chuyến xe khách bản địa, đứng trên con dốc nhìn xuống trại K. Thung lũng dưới mắt tôi trải dài như một lòng chảo rộng lớn. Nông trang đang mùa vụ, tôi thấy ngợp trong màu xanh rì bất tận của những cánh đồng ngô. Khu dân cư nằm dạt hẳn về phía bên kia của thung lũng, chẳng có sắc xanh nào của cây cỏ, chỉ thấy con đường nhỏ bé ngoằn ngoèo và những mái nhà lợp ngói liêu xiêu. Đám mây bụi bất động giữa đồi, không khí nóng và khô, mắt tôi nhòa đi vì chói nắng.

Tôi thất vọng và hối hận ngay tức khắc. Tôi sắp sống qua hai tháng hè ở nơi thế này ư? Ngập trong khí nóng, vùng đất bên dưới càng có vẻ im khô buồn thảm, tôi chán nản chỉ muốn bỏ ngay về. Nhưng tôi cố nghĩ đến Mi và niềm vui được gặp cô, nên đành ngồi lên một tảng đá phẳng dưới bóng cây rồi chờ Mi tới đón. Giữa lúc chờ đợi chán nhàm, tôi đã rình được một con sóc xám đang chuyền trên những cành dẻ. Tôi nhìn mãi cho tới khi nó biến vào một hốc cây. Tôi nghĩ đến cha mẹ, thấy trong mình thoáng bơ vơ của người đã cách quá xa nhà. Một chốc sau Mi đến.

Cô lao ngay vào vòng tay mở rộng của tôi. Chúng tôi hét vang đồi, xiết lấy nhau trong cái ôm say sưa mong ngóng. Hai đứa dắt tay nhau đi bộ dưới những tán cây, từng đám bụi nắng vẩn mờ tầm mắt. Tôi hỏi Mi về cái tên của vùng. “Ôi”, Mi bật tiếng cười. “Ai mới tới đây cũng tò mò về nó hết.” Câu chuyện Mi biết được cũng chỉ là truyền thuyết truyền miệng được kể lại từ người bà ốm bệnh. Thung lũng thuở xưa từng thuộc sở hữu của chúa đất có tiếng tàn bạo. Ông ta ở một mình trong dinh thự lớn, đối xử ác nghiệt với tất thảy mọi người. Một đêm mùa đông, những người ăn kẻ ở trong nhà cùng nhau nổi dậy. Họ đốt ngôi nhà của chúa đất, giết ông ta, chia nhau đất đai và bắt đầu lập trại. Đó là tổ tiên của người dân ở đây. Thật tiếc, Mi bảo, giờ trang trại chẳng còn dấu tích nào của chuyện xưa cho tôi thăm thú. Chúng tôi đi bộ trên đường mòn dẫn xuống trại K, màu xanh mát của rừng cây làm tôi dịu lòng đôi chút. Tôi thoáng thấy bướm trắng đậu trên những vũng mưa đêm. Háo hức muốn tiến lại phía ấy, nhưng Mi đã cau mày kéo tôi đi.

- Về thôi, Lam, cả nhà đang đợi cơm đó.

*

Buổi trưa tôi cùng Mi nằm trên gác xép. Căn phòng của Mi chẳng khác mấy phòng của tôi, cũng đầy chật những món đồ con gái. Cửa sổ mở rộng, trổ ra hàng lan can gỗ mà đứng đó có thể nhìn thẳng xuống mặt đường đầy bụi cát. Ánh sáng ngập gian phòng, tôi ngửi thấy mùi cá tanh thoảng trong không khí. Mi tăng thêm số trên quạt, nằm quay lưng với tôi. Suốt buổi trưa tôi không thể nào ngủ nổi.

Trại K quá khác với thành phố của tôi, phải mất nhiều ngày để quen dần với nó. Một chốn heo hút tịch mịch, đời sống hiện đại vẫn chưa tìm đến. Những lần Mi gọi cho tôi đều bằng điện thoại bàn. Trại K có điện nhưng rất yếu, chỉ đủ cho bóng đèn và cái quạt con cóc chậm chạp quay. Sóng radio nhòe nhoẹt lúc được lúc mất, không có tivi hay phương tiện giải trí nào, mà có vẻ người ở đây cũng không cần giải trí. Họ đi làm rất sớm. Đêm đầu tiên ngủ lại nhà Mi, tôi tỉnh dậy lúc ba giờ sáng, bị đánh thức bởi những âm thanh ồn ào hỗn tạp vẳng lên từ dưới đường. Tôi lại gần cửa sổ. Từng đám người lầm lũi vác cuốc đi trên đường, những bước chân sền sệt lê trên cát. Trăng sáng, soi rõ nẻo đường và đoàn người tỏa đi khắp cánh đồng. Mi nói, người ở đây thường đi làm từ đêm để tránh nóng. Họ làm lụng từ bấy đến bình minh. Mặt trời vừa lên, lại lần lượt ai về nhà nấy.

Những ngày sau tôi mới được ngấm khí nóng Mi kể. Trại K nắng dữ, tôi phải đi qua mùa hè khủng khiếp nhất đời. Nắng vỡ rạn bầu trời, con đường hoang vắng và cỏ cây rũ liệt đi dưới nắng thiêu. Không có trẻ con nô đùa, tiếng nhạc văng vẳng hay một tiếng chó sủa vu vơ. Trại K không nuôi con vật nào cả. Bò không, ngựa không, mèo cũng không. Chỉ có ruồi nhặng vo ve những trưa oi vắng. Buổi trưa tôi nằm trên sàn gỗ, căn nhà âm u không tiếng động, nghe rõ tiếng nước rơi tõng từ máng rỏ xuống chum đựng. Một âm thanh sột soạt khe khẽ trên mặt đất cũng vang lộng mãi trong tai. Chúng tôi rúc trong phòng, chìm người đi vì mỏi mệt. Tôi không biết sao người làng sống qua nổi những ngày ngột ngạt. Ở đây không có vườn cây ăn trái hay những ao nước mát. Không gì cả. Họ chỉ trồng ngô. Những cánh đồng ngô tràn tầm mắt.

Hiếm hoi lắm mới có một ngày dịu trời cho tôi đi thăm thú trại K. Nếu không có Mi đưa đi e là tôi lạc không chừng. Mọi con đường đều trông giống nhau, những ngôi nhà cùng chung một lối kiến trúc. Nhà xây thấp, sơn vàng, đầu nhà trổ ra một lan can gỗ hay một khung cửa sổ. Nhà nào cũng có chuông gió treo lên cành cây trước nhà. Nhưng trại K chẳng bao giờ có gió. Buổi chiều, những người già ra ngồi trước hiên, tay phe phẩy cái quạt. Tôi đi qua ngôi nhà lớn có nhiều người ra vào hơn mọi ngôi nhà chúng tôi từng qua, một dải lụa đỏ rũ buông trước cửa, dường như nom ai cũng mang vẻ bồn chồn, u ám.

Một thoáng đau buồn lướt qua gương mặt Mi.

- Sao có dải lụa trước cửa nhà?

- Để tỏ là trong nhà có người ốm. Bà cụ này cả trăm tuổi rồi. Là người thọ nhất ở trại đó.

Vài người trong nhà bắt đầu nghển cổ ra ngó chúng tôi. Tôi nhận ra cứ đứng trước nhà người khác như vậy thật không hay chút nào. Nơi chúng tôi đang đứng ngập nắng hoàng hôn. Nắng chiếu xiên bức tường gạch cũ và làm gáy tôi nóng rát. Chúng tôi quyết định quay lại, xuôi theo con đường ban nãy và quay về nhà.

- Bà cụ kể chuyện hay tuyệt. Những chuyện ma quỷ, âm dương, những vụ tàn hại nhau, người chết kẻ sống. Bà đã sống một đời tử tế. Người duy nhất tỏ ra trìu mến với đám trẻ trong trại và từng tắm cho mình hồi bé nữa.

- Hôm nào có thể đưa mình qua thăm bà cụ không?

- Thế nào cũng có ngày cậu gặp bà ấy thôi. - Mi miết tay lên bức tường loang lở và lơ đãng đáp.

*

Mới ra ngoài vài lần mà tôi đã chán ngán những cuộc dạo chơi. Ngay cả khi chiều muộn, mặt đường vẫn cuộn lên từng luồng hơi nóng. Người dân cũng chẳng thân thiện chút nào. Ở trại K một thời gian, tôi nhận thấy hình như người ở đây rất ít nói chuyện với nhau. Họ cũng không giao thiệp với người lạ. Tôi không thể hỏi chuyện ai. Cố bắt chuyện một ông lão hay một đứa trẻ, tôi cũng chỉ nhận được những cái nhìn thờ ơ và câu trả lời có lệ. Tôi mang nỗi nghi hoặc hỏi Mi.

- Thật thế à? - Mi lẩm bẩm. Cô nói mà không nhìn tôi, gần đây cô thường rơi vào trạng thái thất thần xa vắng. - Chắc quen rồi nên mình chẳng thấy gì bất thường. Có thể do nóng quá nữa. Mình là người ở đây mà nhiều lúc còn thấy nặng nề.

- Thảo nào gần đây mình thấy mệt lắm.

- Cậu sẽ còn mệt hơn vào tháng bảy. Nhất là những đêm sương dày. Khi nhỏ, bố mẹ không cho bọn mình ra ngoài chơi trong những đêm như thế. Bà mình thì nói, cứ sương xuống là hồn ma chúa đất đi lang thang khắp trại và lùng kiếm những người giết ông ta.

- Nhưng họ chết hết rồi kia mà?

- Nhưng con cháu của họ vẫn ở đây. Tội tổ tông truyền. Mọi người mê tín kinh khủng. Họ sợ tổ tiên từng làm điều ác, dòng máu này bị nguyền rủa, khi chết đi bị bắt mất hồn, vĩnh viễn không được siêu sinh.

- Chỗ cậu lạ lùng thật đấy. Lắm thứ cấm kỵ, thời tiết thì cực đoan. Giá mà cậu thử đến chỗ tớ, cậu sẽ thấy làng này là chỗ quái lạ thế nào.

Tôi nói mà chẳng sợ Mi hờn giận, nghĩ rằng mình chỉ nói ra ý nghĩ thực lòng.

Quả là chưa từng thấy khí hậu nơi nào lạ lùng như ở đây. Trong ngôi làng này. Phải chật vật để gắng thích nghi, nhưng thời tiết thất thường vẫn làm tôi phát ốm. Tôi tự dỗ mình, gắng ở lại để Mi vui, dù sao chừng nửa tháng nữa là tới ngày về. Những giấc ngủ mỏi mê, mỗi buổi sáng tôi phải gắng sức lắm mới mở nổi mắt dậy. Tôi nghe tiếng chân bước, biết ngoài kia ánh nắng đã chói chang, nhưng mi mắt nặng nề, cả người chìm lún trong vũng bùn quánh đặc. Những khi tỉnh táo, tinh thần tôi cũng chẳng khá hơn là bao. Mi cũng thay đổi, nom cô mỏi mệt không khác gì tôi. Cứ vài ngày cô lại một mình đi đâu đó và trở về với vẻ thẫn thờ. “Có chuyện gì xảy ra với cậu thế?”, tôi hỏi, nhưng cô không nói, môi mím chặt. Đôi mắt cô không còn vẻ linh động như những ngày đầu tôi gặp, vẫn là đôi mắt mở to, nhưng trũng sâu và mù mịt. Đôi lúc nhìn thẳng vào cô, tôi không còn thấy hình bóng mình trong đó, mà chỉ thấy âm u giá lạnh, như đang nhìn vào buổi tối mù sương. Những lúc ấy tôi để cho Mi yên tĩnh và cố không làm gì phiền đến cô. Chúng tôi bỏ bữa, dành thời giờ dài dẵng cho việc nhoài người trên lan can, nhìn những ngôi nhà chơ vơ trên đường cát.

Vài bận muốn thoát khỏi chán nhàm, tôi rủ Mi đi tìm lại đàn bướm dưới chân đồi, nhưng cô lắc đầu ngay. “Bướm là hóa thân của linh hồn người chết. Chẳng ai dám lại gần chúng đâu Lam. Nếu người làng thấy thì phiền chết mất.” Vẻ nghiêm trọng của cô làm tôi suýt cười lên. Là người trẻ, nhưng sao Mi cả tin và thơ ngây quá đáng. Tôi muốn bác lời Mi, nói cô mê tín quá nhưng cuối cùng lại chẳng nỡ đả kích niềm tin trong cô. Mi không dẫn đi, tôi cũng chẳng thể trốn cô đi một mình. Tôi đã cùng Mi thăm thú khắp khu dân cư và ngắm cảnh đến nhàm cả mắt. Những hào hứng mới mẻ ban đầu vơi bớt, duy nhất níu giữ tôi ở lại, là vì còn có Mi. Không thể một mình ra ngoài, tôi đành quanh quẩn trong phòng cùng cô, chia nhau thời gian ít ỏi của những ngày cuối. Mỗi ngày Mi lại sa sút thêm, cô buồn ra mặt và luôn thức dậy với bầu mắt mọng đỏ vì nước mắt. Có phải vì mình sắp phải về không, tôi hỏi, nhưng Mi gật, rồi lại lắc đầu, gương mặt cô dưới ánh đèn trắng lạnh nom càng nhợt nhạt xa vắng. Đừng buồn, tôi ôm ngang vai Mi, hứa có dịp sẽ đến thăm cô, nhưng có lẽ cả tôi và cô đều biết rằng, chẳng khi nào tôi trở lại trại K nữa.

Những tờ lịch tháng mỏng dần, nhắc tôi ngày về lại thành phố. Những tối gần đây nặng sương nên chúng tôi đều đi nằm sớm. Đặt tay lên bụng, tôi cố nhắm mắt ngủ. Vào quãng nửa đêm tôi bỗng nghe tiếng kèn. Lần đầu nghe thấy thanh âm lạ từ khi tới đây, tôi rúc vào góc giường, căng thẳng nôn nao không biết chuyện gì đang xảy đến. Tôi thử lay Mi dậy nhưng cô đã ngủ say. Tiếng kèn vẫn văng vẳng, có lúc nghẹt lại và thưa vắng như đưa lại từ nơi nào rất xa; lúc lại vang rõ như thể được tấu lên ngay dưới đường. Giữa bài tấu kèn thê lương mê mị, chốc chốc lại điểm thêm một tiếng chiêng ngân vang, tiếng ngân của nó làm rung óc tôi một lúc lâu trước khi lịm tắt. Bên ngoài ngập bóng trăng, hàng lan can gỗ hắt ánh lên trong đêm mờ. Tôi thử bịt tai lại nhưng chẳng ích gì, trong đầu, trong bóng tối, tiếng kèn vẫn lẩn quất quẩn quanh. Tôi nghĩ mãi về không khí rùng rợn ở đây cho đến khi thiếp ngủ.

*

Buổi sáng, Mi cho tôi biết tiếng kèn và chiêng báo hiệu trại có người mất. Theo phong tục, cả trại phải đến chia buồn trước lúc phát tang.

- Mình sẽ đưa cậu đi xem đàn bướm. - Mi bồn chồn, khẽ cắn môi. -Nhưng chờ bố mẹ mình ra khỏi nhà đã.

Tôi bật dậy ngay dù nằm trên giường và đang lơ mơ ngủ. Tôi thay quần áo ngay sau đó, đeo thêm túi đựng máy ảnh, nhẫn nại chờ đợi trên gác xép, chốc chốc lại lén ngó xuống cửa, lâng lâng cười với Mi trong mưu toan mờ ám.

Chờ mãi cha mẹ Mi mới sửa soạn xong. Họ vừa ra cửa chừng vài phút, chúng tôi đã khép cửa, lẻn ra đường. Gần hai tháng sống ở đây, tôi luôn chờ dịp trở lại nơi này. Muốn đi về phía chân đồi, nơi tôi đã đứng đợi Mi vào ngày đầu đặt chân đến trại K, và tìm lại đàn bướm bay lượn trên vũng nước.

Đi bộ chừng hai mươi phút, chúng tôi đã ra khỏi khu dân cư. Dọc đường đi tôi gặp vài người ở trại nhưng vẫn với vẻ thờ ơ cố hữu, chẳng ai chú ý gì đến tôi cả. Họ đi phía bên kia đường, đầu thắt dải khăn tang, những tấm áo sô bay phơ phất. Tiếng kèn hồi đêm tắt lặng, con đường vắng vẻ và các ngôi nhà đóng cửa im lìm. Chúng tôi đến chân đồi, với hy vọng được nhìn ngắm đàn bướm trắng bay rợp rừng cây, cho tôi chụp lại ấn tượng đẹp đẽ cuối cùng về trại K. Lạ thay, đàn bướm hôm nay thưa thớt, bay khắp đồi. Sự xuất hiện đột ngột của tôi đánh động chúng. Đàn bướm tản đi càng lúc càng xa. Tôi ngồi xuống cỏ, rũ người vì thất vọng. Lại đây, mình biết một chỗ này, Mi dịu dàng vẫy. Và tôi theo cô rời chân đồi, băng qua trảng cỏ, men theo lối mòn dẫn vào cánh đồng. Mi đi trước, tôi thong thả theo sau cô, trên lối đi dài đầy bụi hoa và cỏ dại, chìm ngập trong cảm giác vui sướng hoang đường, đi trên một lối xanh dẫn vào một cõi xanh khác, mênh mông và xa lạ. Nơi tôi chưa từng được biết. Tôi mải miết bám theo Mi và bướm trắng cho đến khi nhận ra mình đã lạc giữa đồng ngô.

Dường như chúng tôi đã ở khá sâu trong cánh đồng. Đàn bướm tản đi mất, những thân ngô vây bủa tăm tắp như một mê cung xanh. Tôi lạc trong đó. Giữa màu xanh bạt ngàn bất tận, im chết không một tiếng gió. Ngô lút đầu người, tôi cố kiễng chân lên cũng không thấy nổi một khoảng trống hay một lối ra. Đồng ngô xanh, những thân ngô xanh, tôi lút chìm trong cõi xanh mênh mông hoang vắng. Đôi tay Mi nắm lấy tôi, run rẩy, chúng tôi bất giác xích lại gần, nhìn thấy lo lắng trong mắt nhau. Mi liên tục xin lỗi, Mi nói lẽ ra không nên dẫn tôi đến đây khi chính cô cũng không nhớ rõ đường đi lối lại trong cánh đồng. Nông trang rộng và cách khu dân cư khá xa, chúng tôi không thể hét lên hay gọi tên ai để cầu cứu. Chỉ còn một cách này… Nhưng tôi gạt đi ngay, không thể. Tình thế của chúng tôi chưa tới mức ngặt nghèo.

Tôi và Mi vẫn phải bước đi, kiếm tìm một hy vọng, dù không còn biết mình đang ở chỗ nào của đồng ngô. Hai tay quơ sang hai bên, cứ thế dò dẫm đi giữa những thân ngô trong một chiều không nắng, những tảng mây xám sa sầm, phủ xuống nông trang mảng bóng râm âm u. Cổ họng khô rát và bắt đầu thấy thấm mệt, chúng tôi đi chậm dần, nhưng vẫn nắm tay nhau để không lạc mất. Tôi xoay trở khắp bốn phía cho đến khi quay cuồng chóng mặt. Bầu không lồng lộng, những bông cờ loang loáng tím đậm và lá ngô bủa khắp mắt. Tôi ngồi thụp xuống, lắng nghe tiếng rì rầm và bước chân mơ hồ dội lên từ mặt đất. Tại sao tôi ở đây? Tôi tự hỏi. Tôi thấy mình gần như kiệt sức rồi.

Ngay lúc ấy tôi nghe thấy tiếng kèn. Y hệt như tiếng kèn tôi đã nghe hồi đêm, khác là rõ và dội vang. Đoàn đưa ma đang ở gần! Mi cười rộ lên, tôi cũng cười theo cô, lo âu đè nặng chợt biến tan. Chúng tôi có thể đi theo họ và cùng trở về làng. Dù họ khó chịu với chúng tôi cũng được, vẫn tốt hơn là mắc kẹt ở đây. Mi kéo tôi bám theo âm thanh ấy.

Cảm giác tiếng kèn cách không quá xa, vậy mà chúng tôi đã dò dẫm khá lâu, thật vất vả để bám theo đoàn người. Hàng ngô cản trở tầm nhìn của tôi, những phiến lá sắc cứa xước cánh tay, bụi ngô làm khắp người tôi ngứa ngáy, nhưng mặc kệ, tôi vẫn bươn mình về trước. Mi tụt lại phía sau, theo tôi bằng bước chân bồn chồn run rẩy. Tiếng kèn và tiếng trống nhỏ lại, mơ hồ, đoàn người cách tôi càng lúc càng xa. Rồi mọi thứ đột nhiên im bặt. Tắt ngấm. Mặt đất lặng và những thân ngô lẻ loi im phắc. Tôi đứng giữa đồng ngô, thoáng chốc mù phương hướng. Tiếng kèn dẫn đường đã biến mất, tôi chỉ có thể cảm nhận bằng trực giác, cố hồi tưởng lại những âm thanh cuối, dấn tới trước trong mơ hồ. Tôi biết mình đã đi đúng, bởi đã ngửi thấy mùi khói hương mỏng manh thoảng tới. Tôi đưa tay vạt những thân ngô, và thình lình thấy mình đang đứng trước một lối rộng. Hàng ngô hai bên treo trắng xóa những dải khăn tang. Những bó nhang cắm khắp bụi cỏ. Họ vừa đi qua chừng mươi phút trước.

Tôi nhìn sững lối đi trải dài, và thậm chí còn thấy mảnh chân trời màu lam trước mắt. Lúc này tôi mới ý thức được mình đã ở trong cánh đồng quá lâu. Trời chiều sẫm dần, những cụm mây xám tả tơi bay, đám bụi mù cuộn giữa đồng ngô lặng phắc. Những ngọn ngô xung quanh bỗng rào rạt lay động như có gió. Nhưng không có một gợn gió nào. Cánh đồng phẳng lặng như một mặt gương, cái im phắc tuyệt lặng làm tôi rùng mình.

Tôi quay lại phía sau gọi Mi, nhưng cô đã biến mất.

Đằng sau vọng lại tiếng chuông đinh tai. Một ông già trong tấm áo thêu sặc sỡ đang tiến lại từ cuối đường, tay lắc cây gậy gắn những quả chuông. Chầm chậm, từ trong những hàng ngô, những người đàn ông và phụ nữ, đầu thắt dải khăn tang và Mi, từ từ tiến lại. Trên tay mỗi người cầm sợi dây thừng đỏ. Họ chia nhau chăng ngang sợi thừng ấy, dần dần vây khép lấy tôi.

Tôi nhìn xoáy Mi, nhưng cô bình tĩnh lạ lùng, dù vành mắt hơi đỏ lên. “Mình xin lỗi. Mình mến cậu nhưng cũng thương bà. Bà nội mất đêm qua. Chỉ khi có người thế thân, thì bà mới được chuyển kiếp.”

Vậy còn tôi thì sao? Tôi muốn gào lên với Mi. Sao tôi chịu cùng cô lạc giữa đồng ngô? Vì sao tôi chịu đến đây? Để mình rơi vào tình thế này?

Chiều chùng thấp. Im ắng gai người. Những khuôn mặt dửng dưng lạnh đá, không một ai buồn chú ý đến chúng tôi. Tay nâng ngang sợi thừng, nom họ như những con rối vô hồn làm theo người điều khiển. Họ đưa mắt nhìn ông già. Trong tiếng chuông rắc linh đinh, ông già phất mảnh khăn tang, những lời phù chú lẩm rẩm tuôn ra từ đôi môi tái. Thứ ngôn ngữ xa lạ tôi không hiểu nổi một từ, vẳng từ không trung, đều đều, vô cảm, như đọc từ một chiếc máy hát. Tôi chết điếng nhìn ông già và đám người lừ đừ tiến lại. Khung cảnh quái đản đến nỗi tôi không cảm giác được chân tay mình. Muốn bỏ chạy, muốn kêu cứu, nhưng không thể nào nhúc nhích nổi.

Những đôi tay vươn lại gần tôi, những quả chuông lanh canh nhảy loạn. Bốn người đàn ông khiêng theo cỗ quan tài sơn đỏ, đột ngột hiện ra từ những hàng ngô. Cỗ quan tài không nắp đậy, nặng nề tới gần tôi. Người chết nằm trong đó. Một bà lão nhăn nheo trong tấm áo liệm cứng đơ, đôi tay sơn đỏ bắt chéo trên bụng. Tôi lui lại hai bước, nhưng tiếng chuông phía sau đã liên miên áp tới, tiếng chuông inh ỏi rung đứt dây thần kinh tôi. Đám người dần tỏa ra, khép thành một vòng tròn, vây tôi vào giữa. Sợi thừng đỏ nhức mắt muốn buộc ngang người tôi. Người ta muốn tôi và bà ta hòa làm một.

Tiếng chuông và lời chú vút lên thành một tiếng hú dài cuối cùng, rồi tắt hẳn. Tôi thấy mình như con thú bị dồn đuổi trong cuộc săn đoạt mạng. Thảy đều giả dối. Một tấm lưới đầy ác ý đã giăng ra tự lúc nào để bẫy tôi. Đám người muốn kéo tôi đến cỗ quan tài đang mở nắp.

Tôi đã vô số lần hình dung về cái chết. Nhưng chưa khi nào tôi tưởng mình chịu táng thân ở đây, trong cảnh huống này. Một kẻ như tôi, một người… Tôi ngước tìm bầu không lồng lộng, nhìn khắp mặt những người muốn vùi tôi xuống cánh đồng, biết chắc chắn rằng không đời nào tôi để điều ấy xảy ra, ngay cả trong tưởng tượng điên rồ nhất.

Tôi nhìn thẳng mắt Mi.

Nước mắt Mi lăn trên gương mặt đẹp nhưng đôi tay cầm sợi thừng đỏ không hề run rẩy. Tôi thấy trái tim mình rơi thẳng xuống đáy nước cùng với thanh thản ngập lòng, tôi nhếch miệng cười với Mi. Tôi đã cùng đường, nhưng không tuyệt vọng. Luôn là cảm giác khích động quen thuộc đó, năng lực kế thừa tiên tổ, món đồ phép thuật trong rương, chúng đã trở lại, hun nóng từng dây thần kinh và làm máu thịt trong người tôi ngút cháy. Kết thúc ở đây thôi. Trong cái nhìn kinh ngạc của đám người quái đản, tôi nhún chân và bay vút lên…

C.S
(TCSH418/12-2023)

 

 

Các bài mới
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Lão Cao (15/03/2024)
Cái đó (20/02/2024)
Các bài đã đăng
Chân thủy (09/01/2024)
Người lạ (26/12/2023)
Cây cảm xúc (04/12/2023)
Phấn Di (28/11/2023)
Chứng nghiệm (23/11/2023)