LÊ THƯ
Truyện ngắn dự thi 1993
Không ai biết một cách chính xác lai lịch của cu Lai Quăn. Ngay cả cái tên của nó cũng do dân ở thị trấn Phù Long này đặt cho.
Nó là con trai nên người ta gọi cu; tóc nó xoắn tít, da nó đen thủi đen thui. Nó là con lai cho nên người ta gọi là Lai Quăn - Cu Lai Quăn. Người đầu tiên gọi như vậy, đến người thứ hai, thứ ba... Dần dần tất cả mọi người đều gọi nó là Cu Lai Quăn. Còn tên cúng cơm của nó chẳng ai quan tâm. Nhưng liệu rằng, khi nó góp mặt trên cuộc đời này để làm phong phú thêm sắc màu nòi giống được lai tạo thì người sản sinh ra nó có kịp nhớ để làm gà cúng mụ theo tập tục của quê ngoại nó không?
***
Một buổi sáng mùa đông rét buốt, ảm đạm. Thị trấn nhỏ ngoại thành chìm ngập trong mưa triền miên hết ngày nọ qua ngày kia. Chợ thị trấn thường nhật ồn ào náo nhiệt là thế, vậy mà bây giờ lèo tèo dăm bảy người bán, chín mười kẻ mua. Cái gió, cái rét nhức nhối của xứ sở miền Trung này làm cho ai nấy ngại ra đường. Bỗng đâu một chiếc xe lù lù đội mưa dừng lại trước cổng chợ. Từ trên xe một người đàn bà ba mươi, mặt mày bôi son trát phấn nhưng không lấp nổi những khắc khổ đã hằn sâu, dắt tay một thằng bé bước xuống, kéo nó chạy vào cổng chợ. Sau khi vội vàng đút vào tay đứa nhỏ mẩu bánh mì, bà ta thoăn thoắt trở lại cabin xe. Xe chuyển bánh mang theo người đàn bà nọ, để lại sau lưng tiếng thằng bé gào thét thảm thiết lẫn trong tiếng gầm rú thản nhiên của động cơ.
Thoạt đầu, khách qua đường tò mò nhìn thằng bé rồi tự hỏi lòng: "Thằng con lai này từ đâu đến đây nhỉ? Sao nó khóc như cha chết vậy?" Câu hỏi đó chỉ thoáng qua trong tâm trí họ chốc lát rồi người ta cũng dễ dàng quên lãng để theo đuổi ý nghĩ hay công việc riêng tư của họ. Lo bò trắng răng. Hơi đâu mà lo cho xuể những chuyện tào lao! Thời buổi này, cơm ai nấy ăn, việc ai nấy làm. Trí não có hạn, có chỗ đâu mà chứa cho xuể những chuyện vặt vãnh như vậy đang đầy rẫy trên cõi đời này. Tổ sư cha cái tụi mắt xanh mũi lõ, Mỹ đỏ Mỹ đen! cao chạy bay xa mà không mang theo dòng dõi, để nó cù bất cù bơ, thất thơ ở cái xứ sở nghèo khổ này. Nhiều người rủa thầm như vậy.
Thằng bé vẫn cứ khóc cùng trời. Khóc suốt cả ngày. Tiếng khóc ai oán não nề như cưa xé vào tâm can. Tiếng khóc gọi mẹ? Tiếng khóc tìm cha? Tiếng khóc của kẻ sinh nhầm quê quán? Tiếng khóc hận thù chiến tranh? Tiếng khóc của kẻ bị xã hội - trong đó có cha mẹ nó, khước từ, chối bỏ? Có thể là tất cả. Có thể là không hẳn như vậy. Nhưng điều chắc chắn đó là tiếng khóc của đứa con lai mà cha nó không biết đã sang bên kia thế giới hay sang bên kia của nửa quả địa cầu. Sau cuộc chiến tranh thất bại thảm hại vừa qua, còn mẹ nó là người con gái Việt Nam da vàng đau khổ, đã từng thai nghén nó chín tháng mười ngày, mang nặng đẻ đau, đã từng cho nó dòng sữa ngọt ngào, đã từng bú mớm, bế ẵm nó, sưởi ấm gần gũi mà bao la, dung dị bình thường mà quý giá hơn bất cứ một thứ gì quý giá nhất, đã bứt ruột nó tại đây như vứt bỏ một thời đã qua để săn tìm những gì bà cần, bà muốn.
Thằng bé chỉ biết khóc. Làm sao nó hiểu được cơn cớ gì mà nó bị mẹ nó vứt bỏ. Quá nhỏ dại ngây thơ, làm sao nó biết được mẹ nó đã trải qua những thăng trầm trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động để rồi đau thương, mất mát xô ngã cuộc đời mẹ nó vào bóng đêm đen tối, vào con đường lầm lỗi. Làm sao nó biết được...
***
Làm sao nó biết được mẹ nó trước đây là cô gái nông thôn đẹp người đẹp nét. Cô ta lớn lên trong mùi bom đạn ở một làng quê mà vùng này là "ngày quốc gia đêm cộng sản".
Mùa Xuân năm 1968 đến. Xóm nhỏ Chánh Đông của cô bỗng tưng bừng như ngày hội. Các chú giải phóng quân từ xanh về tụ họp đông vui. Trẻ già náo nức đón chào những ngày tháng vui được yên ả như cánh đồng lúa khô hạn gặp một trận mưa rào. Đêm đêm đèn đuốc đỏ rực đường làng, tiếng hát điệu hò mừng thắng lợi vang vọng canh thâu.
Vậy mà, ngày vui ngắn chẳng tày gang, nương dâu thành biển cả. Niềm vui chưa trọn thì những tang tóc đã phủ lên xóm nhỏ, gõ cửa mọi nhà. Lúc ấy cô mới mười sáu tuổi - tuổi đẹp như hoa chớm nở mùa xuân. Trận "làm cỏ" của lính Mỹ lẫn Ngụy đã giết chết hàng chục chiến sĩ giải phóng quân, hàng trăm con người vô tội; gót giày đinh và xe tăng đã xéo nát từng góc vườn, mái rạ. Cả xóm nhỏ là một đống tro tàn. Bên thi hài của cha mẹ và các em nằm sóng soài chưa kịp nhắm mắt, một lũ lính Mỹ thay nhau chà đạp lên cánh hoa mơn mởn. Nước mắt khóc cho linh hồn người quá cố lẫn trong nước mắt của cô bé dậy thì bị lũ ngoại bang cướp đi sự trinh tiết trắng trong. Đau khổ dồn khổ đau. Tủi nhục chất chồng tủi nhục. Trước những mất mát tưởng chừng như không chịu đựng nổi, cô định theo gót người đã mất, nhưng không đủ can đảm.
Cô bé ấy trôi dạt vào thị trấn Phù Long, sống nhờ một gia đình có họ xa với mẹ. Sau trận càn quét ấy, những người sống sót phải di tản mỗi người mỗi ngả, xóm Chánh Đông trở thành vành đai trắng, sự sống biến mất. Hôm qua còn tiếng hát ca mà bây giờ hoang vu đến rùng rợn!
Những ngày đầu ở thị trấn nhỏ náo nhiệt này, nhìn những đồn những bốt, những tên lính da trắng, da đen nghênh ngang qua lại giữa đường, nỗi khiếp đảm lại trỗi dậy làm cô sợ hãi. Có phải chính bọn chúng đã cầm súng giết cha mẹ mình? Có phải chính bọn chúng đã hãm hiếp mình? Nhưng tại sao lúc này chúng có vẻ hiền lành đến vậy?
Thời gian trôi đi đã đẩy tất cả những kỷ niệm đau thương vào dĩ vãng. Tuổi hai mươi đến. Cô ta yêu. Oái oăm thay, mối tình đang vừa bén tiếng quen hơi thì anh chàng lính cộng hòa - người yêu của cô vội vàng cao chạy xa bay khi biết được quá khứ của cô bé nông thôn chân chất này. Vết thương xưa lại tái phát một cách nhức nhối. Cô chợt nhận ra rằng: điều mà người đàn ông cần để xác nhận tư cách làm vợ ở người phụ nữ thì cô ta đã bị cướp. Cô chẳng còn gì để mất - tương lai là một áng mây đục ngầu bao phủ.
Cô chán và hận. Tư tưởng nổi loạn manh nha. Cô muốn phá phách, muốn trả thù trò đời bạc bẽo, muốn chơi bời xả láng để quên đi những đau khổ mất mát mà cô thơ ngây nghĩ rằng: mọi cái rồi sẽ qua đi, điều còn lại là những gì tốt đẹp, cô chua chát cười chế nhạo mình: sao mà ngu lâu đến thế.
Chẳng bao lâu người ta thấy cô hênh hếch trong những mốt trang phục tân thời, phấn son lòe loẹt, sáng lên Jeep đưa đi, chiều đón về chẳng khác nào phu nhân của các vị tướng tá. Người ta từ ngạc nhiên tò mò đến lạnh lùng xa cách như xa lánh một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khi phát hiện ra rằng cô ta đi làm cho một công sở của bọn lính Mỹ mà dân đã thường gọi là sở Mỹ. Mỗi khi bàn tán đến cô, mọi người thường xua đi và bảo:
- Ối dào! Đừng nói làm gì cái con đĩ Mỹ ấy... Ai mà ngờ được...
Mỉa mai thay hai tiếng đĩ Mỹ! May mà dân ở đây không rõ lai lịch của cô ta lắm. Nếu họ biết được gốc gác ngọn ngành thì... Nhưng, dù ai tiếng bấc, tiếng chì, cô ta chậc lưỡi: thân này còn chi!
* * *
Chẳng ai chuyện trò với thằng bé, ngay cả những đứa trẻ cùng lứa tuổi. Khóc chán nó cũng thôi. Nó đi lang thang thơ thẩn quanh cái chợ để tìm chỗ trú thân. Mái hiên cạnh cổng chợ là chỗ lý tưởng cho nó. Sáng hôm sau người ta thấy nó mặt mày hốc hác, đôi mắt thâm quầng. Nó đã qua một đêm rét buốt không ngủ không ăn. Mọi người thương tâm, kẻ ít người nhiều góp lại cho nó đủ tiền để mua một tô bún.
Một ngày, hai ngày nó sống nhờ vào đồng tiền của kẻ đi ngang, người đi lại. Dần dần người cho nó cũng vơi đi và có ngày chẳng có ai cho nó xu nào. Những lúc ấy nó phải nhịn đói nằm co.
Nó không thể ngồi vậy để chờ cơ thể chết dần chết mòn. Bản năng sinh vật thôi thúc nó phải đấu tranh để tồn tại. Nó bắt đầu lê tấm thân non yếu, tiều tụy và ngả tay xin của bố thí của những người khác. Con người Việt Nam nhân hậu nỡ lòng nào ngoảnh mặt quay lưng với bàn tay run run chưa hết mùi sữa mẹ? Cu Lai Quăn sống được là nhờ ngày ngày ngả tay khắp người mua kẻ bán để cầu xin của bố thí.
Thế nhưng lòng nhân hậu truyền thống của con người ta cuối cùng cũng chai lì, xơ cứng trước bàn tay đen đũi quen thuộc mà ngày nào họ chẳng nhìn thấy. Mọi người bắt đầu khó chịu khi Cu Lai Quăn đi ngang qua. Có người độc mồm đã mắng tát:
- Đồ quỷ! Của người ta làm ra đổ mồ hôi sôi nước mắt chứ có phải của Mỹ đâu mà ngày nào cũng đến đây ngả tay? Lần này lỡ, tao bố thí cho, còn từ rày về sau đừng bén mảng đến nữa nghe không? Không ai nuôi nổi đâu con ạ. Hãy tìm một việc gì đó thích hợp mà kiếm sống. Nếu muốn sướng hãy tìm nước Mỹ mà về. Con mẹ mày thì đúng là đàn bà đoảng!
Nhận của bố thí của người ấy xong, nước mắt Cu Lai tuôn trào lã chã. Nó cúi đầu nặng nề bước đi như đứa ăn vụng bị bắt quả tang, lòng cảm thấy tủi hỗ, nhục nhã làm sao.
Từ lần bị mắng đó, Cu Lai Quăn thôi không đi ăn xin nữa. Nó cứ ngồi trầm ngâm hàng giờ dưới mái hiên quen thuộc, mắt mơ hồ một điều gì xa xăm bí ẩn. Ai mà biết được nó đang nghĩ gì? Có thể nó nghĩ về nước Mỹ xa xôi mà nó ngờ ngợ nghe được; có thể nó nghĩ về cha mẹ nó tại sao lại sinh ra nó để rồi bỏ nó bơ vơ trên cõi đời này? Cũng có thể nó nghĩ về kế sinh nhai để tồn tại, để góp mặt với đời...
Lần đầu tiên Cu Lai Quăn thực hiện cuộc hành trình vượt ra ngoài biên giới của chợ. Từ cái lần mẹ nó quăng xuống đây chưa bao giờ nó đi đâu xa nửa cây số. Ban đêm thì ngủ ngay cạnh chợ, ban ngày thì chỉ quanh quẩn từ gian hàng này đến gian hàng khác để xin của bố thí. Những lúc người ta đại lượng nhân từ thì nó được bữa cơm, nhưng lúc nào hàng chợ ế ẩm thì nó chỉ được mẩu bánh, củ khoai thay bữa.
Mang nỗi buồn bị người đời mắng mỏ, Cu Lai Quăn rời cổng chợ, đi lang thang dọc theo đường cái quan. Chân nặng nề lê bước nhọc nhằn nhưng nó chẳng biết đi về đâu giữa dòng đời xuôi ngược? Thế nhưng trong chốc lát, nó bị cuốn hút bởi cảnh vật chung quanh. Cuộc sống ở đây tấp nập làm sao! Nhà cửa sang trọng, xe cộ ngược xuôi, cà phê cà pháo nhạc nổi xập xình. Nghĩa là bao nhiêu thứ phóng nhoáng, hào hoa, đô hội đập vào mắt nó lần đầu tiên làm cho nó choáng ngợp đến ngẩn ngơ và quên mất mình là ai. Tiếng người, tiếng động cơ, tiếng nhạc... lẫn vào nhau tạo thành mớ âm hỗn độn nghe hối hả làm sao! Trong tâm trí Cu Lai Quăn bỗng nhập nhòa những tháng ngày được sống bên mẹ. Nó không nhớ địa danh nơi hai mẹ con sống. Tiếng gì nghe lạ tai lắm. Yale hay Yaling gì đó, ở đấy chỉ có núi rừng cây cối nhấp nhô. Đất ở đây một màu đỏ quánh. Mùa khô thì cả bụi lẫn gió thổi cuốn suốt ngày. Mưa đến thì thôi, chẳng ai buồn đi đâu vì bước chân ra khỏi nhà là đất bùn nhão nhẹt kia cứ bám vào chân mỗi lúc mỗi nhiều cho đến khi nặng nhấc không nổi đôi chân. Ở đó suốt ngày ai cũng lo toan công việc nương rẫy, mãi chập choạng tối mọi người mới kéo nhau về nhà, những túp lều được dựng tạm bằng mái tranh vách nứa lụp xụp. Ở đó còn có những đứa bạn na ná giống Cu Lai Quăn, có điều chúng không biết nói chuyện với Cu Lai. Da bọn chúng cũng đen nhưng chúng ở trong những ngôi nhà cao vọi, mỗi lần lên xuống phải trèo thang thích lắm. Đang ở đây vui vẻ. Thế mà chẳng được bao lâu... bây giờ nó đã cù bất cù bơ giữa thị trấn xa lạ này! "Không, mai mốt lớn mình sẽ đi tìm mẹ, xin mẹ đừng bỏ rơi mình. Ăn đói mặc rét gì cũng được, miễn sao mẹ đừng bỏ con!”
Mãi suy nghĩ, suýt nữa Cu Lai Quăn xộc vào đống sắt vụn cao chất ngất trước mặt. Nó kịp dừng lại, định rẽ sang trái để tiếp tục đi thì bỗng dưng có tiếng gọi:
- Ê, thằng kia, vào đây tao bảo!
Nó dừng lại, rụt rè quay đầu nhìn thì thấy một người mập mạp, phốp pháp trạc tuổi ngũ tuần từ sân nhà ngổn ngang nào lông vịt, nào đồ nhựa hỏng, nào sắt vụn... đang tiến gần đến nó:
- Nào, tao thương tình mày không nơi nương tựa lại còn quá nhỏ dại cho nên tao bày cho mày cách này để kiếm sống nghe chưa con! Mày ăn xin mãi, chẳng ai đủ sức từ bi để cho hoài. Hãy bằng cách gì đó để nuôi mình chứ chẳng ai nuôi được ai trong thời buổi khó khăn này. Thế nhé: từ ngày mai mày cứ đi bất cứ chỗ nào, nhất là những đống rác, để nhặt lấy những thứ nilông hỏng, giày dép hỏng, lông vịt, sắt vụn... Xong mày đem đến đây bán, tao mua. Ít ra một ngày mày cũng kiếm được năm bảy trăm đồng. Chừng ấy tiền, mày có thể sống tạm qua ngày mà không cần phải nhận của bố thí. Tao thương mày, có thể giúp bằng cách đó chứ chẳng ai có tiền để cho hoài.
Cu Lai Quăn mừng như mở cờ trong bụng. Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn! Ôi, một ngày tươi đẹp chứa chan hy vọng! Bao nhiêu buồn bã tan biến đâu cả, nhường lại cho niềm vui cứ nhảy nhót hát ca trong tâm hồn nó. "Bắt đầu từ đây, mình không ngả tay ra xin mọi người làm ơn nữa, mà bằng đôi tay, mình sẽ đào bới, nhặt nhạnh để kiếm miếng ăn".
Ngày mai. Ngày mai. Chưa bao giờ Cu Lai mong đêm chóng qua mong ngày chóng đến như đêm nay, đêm trời đầy sao và mái hiên Cu Lai Quăn nằm đầy ấm áp. Nó thầm cảm ơn ông chủ tả-phí-lù tốt bụng.
Ngay ngày đầu tiên nó đã kiếm được một ngàn đồng ngon ơ! Được tiền, nó càng hăng say hơn trong công việc. Khắp hang cùng ngõ hẹp của thị trấn này, ở đâu cũng có dấu chân Cu Lai Quăn. Công việc đó trở thành niềm say mê không gì thích bằng. Dẫu sao đó cũng là tất cả của nó: cuộc sống.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Được hơn vài tháng, những phế liệu mà nó tìm kiếm ngày càng khan hiếm. Có ngày nó đi từ sáng đến tối mà không kiếm được hai trăm đồng. Nó buồn lắm. Nhưng nó không nản. Nó quyết định phải đi xa may đâu mới kiếm được nhiều phế liệu.
Động lực kiếm sống thôi thúc đôi chân Cu Lai Quăn đi thêm hăng hái. Nó tiến về phía sân bay Phú Bài. Sân bay với những đống sắt cũ kỹ, với những đống rác chất ngất - tàn dư của cuộc chiến tranh vừa qua của đế quốc Mỹ - đã hấp dẫn nó như không gì cưỡng nổi. Nó đâu được đến trường để đọc ở cái bảng to đùng kia dòng chữ: "Bãi mìn. Cấm người và trâu bò đến khu vực này. Nguy hiểm chết người". Nhìn quanh, nó chẳng thấy ai. Nó cười: "Đống rác này ít nhất cũng phải đào bới năm bảy ngày mới hết... Nhiều tiền đây chứ chẳng chơi. Ông trời thương mình mới giành phần cho mình".
Nó lao vào đào với một cách say sưa. Toàn là những thứ bán có tiền cả! Đồ nhôm, đồ nhựa nhiều vô kể. Trúng mánh rồi! Trưa nay chắc chắn phải ăn một bữa cơm thật no, thật ngon để bù lại những ngày thiếu đói - vừa đào bới nó vừa nghĩ như vậy. Càng hùng hục làm nó cảm thấy càng khỏe. Nó gặp một túi ni-lông căng phồng còn nguyên vẹn. Cái gì đựng trong túi này? Cu Lai Quăn dùng hết sức xé toạc miệng bao, thì ôi thôi, cái chất gì như bột bung ra bám đầy vào người nó. Toàn thân nó nóng ran như lửa đốt. Càng lúc càng nóng cháy. Cu Lai Quăn kiệt sức, nằm xuống bên đống rác giãy giụa cho đến khi thân mình nó co rúm, khô đét, đen thủi nằm co quắp như con bò thui.
Cu Lai Quăn đã gặp phải bom lân tinh bột - một trong những loại vũ khí mà từ bên kia đại dương xa xôi chúng chuyển sang đây để hòng tiêu diệt con người Việt Nam, đất nước Việt Nam. Chúng đâu lường trước được tình huống trớ trêu như hôm nay: chính vũ khí dã man của chúng đã giết chết đứa bé vô thừa nhận của chúng - một sản phẩm từ chiến tranh xâm lược.
* * *
Sau khi Cu Lai Quăn nằm sâu dưới ba tấc đất, một buổi sáng trước cổng chợ thị trấn ấy, cũng từ trên xe bước xuống một người đàn bà với dáng dấp vội vã. Bà ta đảo mắt nhìn quanh như tìm kiếm một cái gì rất quý giá đối với bà. Bà hối hả chạy vào chợ, gian hàng nào bà cũng đảo mắt quan sát một cách dớn dác. Mọi người lấy làm lạ, tò mò theo dõi bước chân bà. Hình như không còn đủ sức kiên nhẫn, cuối cùng bà ta đến hỏi một người bán hàng vải:
- Chị làm ơn cho tôi hỏi, hình như có một cháu trai nhỏ lai Mỹ đen ở đây phải không?
- Chị là ai mà hỏi nó?
- Dạ... tôi...
- Chị là mẹ nó à?
- Ừm... ừm...
- Mẹ nó đã vứt nó lại đây rồi bỏ đi thẳng không đoái hoài gì đến nó. Nó phải đi bới rác để bán kiếm tiền mà sống. Nhưng tội nghiệp, nó đã bị bom lân tinh thiêu chết ở khu vực cấm mà nó đến đào rác...
- Trời ơi! Thằng con. Vậy là giấc mộng đi Mỹ của tôi không thành rồi! Sao tôi ngu vậy trời?
Người đàn bà đó thốt ra lời cuối cùng như là một sự thất vọng, nuối tiếc rồi lẹ làng đi nhanh ra chiếc xe đang chờ, quên cả lời chào, mặc cho chị hàng vải ngơ ngác...
1989
L.T
(TCSH56/07&8-1993)