Truyện ngắn
Chiếc bánh nướng
08:51 | 25/04/2025

MAI KIM NGỌC

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân...
                                             (Ca dao)

Chiếc bánh nướng
Minh họa: Phạm Đại

1

Lang lạc lõng giữa bữa tiếp tân. Chàng chỉ quen cô chủ nhà, nhưng chủ nhà thì bận rộn, cười nói với tất cả mọi người mà không thực sự cười nói với ai. Chủ nhà là Bảo, bạn thân từ hồi trung học, tình cờ gặp lại hôm đầu tuần Lang ra Bolsa ăn trưa.

Được biết Lang từ miền Đông về Cali lo việc cho hãng, Bảo khẩn khoản mời lại nhà ở. Lang từ chối, xin ở khách sạn cho tiện họp hành. Bảo lại năn nỉ, "Thôi, thế nào cũng tới mình dự cuộc vui cuối tuần nhé". Không cho Lang có dịp từ chối, Bảo nói thêm "Ngày nhớ cưới của tụi mình đấy".

Không phải Lang thích lẻ loi cô độc. Từ lúc mới tới, Lang đã mau mắn nhập bọn với khách khứa. Chàng trao đổi những câu chuyện sơ giao, về khí hậu thuận hòa ở đây, về thời tiết rét mướt bên Kansas, về sinh hoạt của người Việt hải ngoại, về khu Tiểu Sài Gòn... Lang cũng góp ý chung chung về mùa thể thao năm nay, về thời sự thế giới... Nhưng bặt thiệp cũng chỉ có hạn, chẳng mấy chốc Lang hết hứng, nhất là khi đề tài trở về những thị phi của cộng đồng di tản.

Lang bỗng thấy xa lạ với chính người đồng hương. Vậy mà mới tuần trước chàng đã hăng hái tình nguyện về nam Cali công tác cho hãng một tháng, nôn nóng tìm lại những nét Việt Nam trong cuộc sống của khu Tiểu Sài Gòn.

* * *

Lang ra bàn giải khát tìm đồ uống. Có đám khách ba người, hai bà một ông, đang tụ họp gần quầy rượu. Lang không quen cả ba. Câu chuyện nhỏ to của họ vẳng đến tai Lang. Họ đang nói xấu chủ nhà. Bà áo tím chanh chua:

"Em biết anh chị Bảo từ mấy chục năm nay, từ hồi còn là hàng xóm với nhau trong khu sinh viên có vợ của đại học xá Minh Mạng. Hai ông bà lúc nào cũng lục đục, không cãi nhau thìđánh nhau".

Bà áo vàng phụ họa:

"Em cũng nghe nói. Nhưng bây giờ hình như họ hòa thuận rồi".

Bà áo tím cãi lại:

"Còn lâu mới hòa thuận. Hai người chứng nào vẫn tật ấy. Họ đánh nhau từ hồi đảo chính ông Diệm cho đến Tết Mậu Thân. Hòa đàm Ba Lê kết thúc họ vẫn còn đánh nhau, đánh thẳng từ đó cho đến 30 tháng 4. Bây giờ sang Mỹ vẫn vậy. Nhưng có cái lạ là bỏ nhau, thì nhất định là không".

Lang thấy nét dí dỏm trong chuyện ngồi lê đôi hớt. Xem chừng chuyện vợ chồng Bảo lục đục kinh niên không phải là điều bí mật cho bạn bè hai bên. Có bị anh em nói xấu về vụ này, chắc Bảo cũng cười xòa mà không giận. Nhưng câu chuyện không còn nhẹ nhàng khi bà áo vàng đanh đá:

"Bỏ sao được, anh Bảo là cái mỏ vàng của chị ấy".

Lang khó chịu. Bất giác Lang liếc nhìn chiếc bánh nhớ cưới bày trên chiếc bàn con gần tủ rượu. Mặt bánh có hàng chữ viết bằng kem đỏ:

Kỷ Niệm 25 Năm Hạnh Phúc
Chúc
Mừng đôi uyên ương Bảo Lan
Bách Niên Giai Lão

Lang tò mò cầm tờ thiệp to bản đặt bốn chiếc bánh lên xem. Có mấy chục chữ ký của bà con bằng hữu. Không biết chữ ký nào là của ba người bạn thân tình đang nói xấu chủ nhà. Bây giờ câu chuyện thị phi lan rộng ra đến đại gia đình Bảo. Người đàn ông cho đến giờ yên lặng, bỗng góp ý. Ông ta nói:

"Anh em nhà Bảo, người nào cũng gia cảnh lục đục. Nghe nói có cô em lấy Mỹ, hình như cũng muốn bỏ chồng...".

Đề tài mới được thảo luận sôi nổi, lời lẽ mỗi lúc mỗi độc ác hơn. Bà áo vàng bình phẩm về tiết hạnh em Bảo, vụ lỡ dại với thầy giáo Mỹ và đám cưới vội vã khi cô gái còn là sinh viên văn khoa năm thứ hai. Mất kiên nhẫn, Lang lặng lẽ bỏ đi chỗ khác.

Lang thấy thương hại bạn cũ. Nhưng rồi Lang thấy cuộc đời của chính mình cũng không tốt đẹp gì hơn. Sang Mỹ đã gần ba chục năm, Lang đã hội nhập vào đời sống trung lưu Mỹ, lấy vợ Mỹ, làm sở Mỹ, thăng tiến trong xã hội Mỹ, và đang bắt đầu sửa soạn về hưu theo lối Mỹ. Và cái xã hội của Lang tại Kansas City, tuy bối cảnh Mỹ, nhưng thực chất cũng không khác gì cái xã hội của Bảo bây giờ. Cũng xã giao này, cũng giả tạo này, cũng chạo chuyện này... cho đến gần đây, khi chàng ly dị.

2

"Lang, sao một mình một góc vậy?"

Bảo từ cuối phòng bước tới thân mật vỗ vai bạn:

"Cậu rời Việt Nam lâu rồi, chắc không còn ai thèm nhớ đến nữa phải không..."

Lang chưa kịp trả lời đã có tiếng đàn bà từ phía sau lưng đon đả:

"Anh Bảo đừng vơ đũa cả nắm. Còn em đây này".

Lang quay lại ngạc nhiên. Em đây này là một người đàn bà trẻ, trông khoảng trên dưới ba mươi. Nàng mặc áo lụa trắng, tóc để chấm vai, dung nhan dễ coi. Nàng vồn vã:

"Anh Lang còn nhớ em không?"

Khuôn mặt quen thuộc quá. Nụ cười này, mau mắn này đã có hồi thân thiết lắm. Nhưng ở đâu và trong hoàn cảnh nào, Lang hoàn toàn không nhớ ra. Lang còn loay hoay, Bảo đã nhanh miệng:

"Đây là Thu Ba, em gái mình. Hồi cậu hay đến nhà mình ở đường Hàng Me chơi, thì Thu Ba mới bẩy tuổi, và... chưa xinh đẹp như thế này. Chắc cậu quên rồi".

Lang bắt đầu mường tượng nhớ lại. Bảo là con cả, có một bầy em, trai có gái có. Chàng có lần chơi với chúng, mà cũng mua quà cho chúng, nhưng bao giờ Lang cũng nghĩ đến đám em bạn một cách tập thể. Lang chỉ nhớ Thu Ba là con út, hay buộc tóc kiểu đuôi ngựa, thích mặc quần yếm hơn mặc váy, tinh nghịch và liến khỉ như con trai.

Bảo cắt nghĩa:

"Thu Ba ở San Francisco về đây chơi ít tuần. Chú ấy đi công cán bên Trung Đông cho chính phủ. Chú ấy làm bộ ngoại giao".

"Dân mình bây giờ đã có người làm ngoại giao rồi sao? Ai đấy?".

Bảo vắn tắt:

"Chú ấy người Mỹ, cậu không biết đâu".

Lang thấy nét khó chịu thoáng trên môi Bảo khi nhắc đến em rể. Lang cũng thấy vẻ lúng túng của Thu Ba khi anh ruột nhắc đến chồng. Xã giao, Lang đổi đề tài:

"Thời gian chóng quá... Gặp Thu Ba ngoài đường chắc anh không thể nào nhận ra".

"Em cũng đoán vậy... Hồi đó em mới lên bảy, còn anh thì đã đại học rồi. Nhưng em thì vẫn nhớ. Anh đá ban giỏi lắm, lại học giỏi nữa... Mùa hè cuối cùng, anh từ Sài Gòn về ghé lại chơi, mang cho em một hộp bút chì màu... Lúc nãy anh tới, em dang dở tay không chạy ra được, nhưng em nhận ra liền...".

* * *

Thu Ba cười xinh quá. Lang cảm thấy êm ả. Đấy mới đúng là âm vang của nếp sống cũ bao năm xa cách, cái nếp sống chàng đang mong tìm lại nơi người đồng hương trong chuyến thăm viếng miền nam Cali này.

Thu Ba như cùng tần số:

"Em vẫn còn nhớ. Hôm anh tới từ giã anh Bảo và ba mạ em để xuất dương, lại đúng vào sinh nhật em. Anh quên không mang quà cho em, nên phải cõng em hái me..."

Bây giờ thì Lang nhớ một cách rành rạch. Hôm sinh nhật đó, Thu Ba nhõng nhẻo bắt đền Lang phải hái cho cô bé chùm me trên cây trước nhà. Chùm me cao quá tầm tay, chàng phải công kênh Thu Ba lên cổ để hái, bất kể lời Thu Thủy cảnh cáo là "Nó còn đái dầm đấy anh Lang à". Thu Thủy là chị Thu Ba, chuyên môn trêu ghẹo em, và thường hay bị mẹ mắng về tội này.

Hái được me, Thu Ba cười như nắc nẻ. Lúc tuột xuống đất, cô bé ngẩng lên nhìn Lang, chùm tóc đuôi ngựa hất ra phía sau, đôi mắt đen láy vui mừng sung sướng. Ngây thơ và quả quyết, Thu Ba nói:

"Anh Lang. Lớn lên Thu Ba sẽ cưới anh Lang làm chồng..."

Nhớ lại câu chuyện trẻ con ngộ nghĩnh. Lang nói đùa:

"Bây giờ thì không còn cây me để hái. Mà cũng không có chị Thủy ở đây để ghẹo Thu Ba”.

Thu Ba thẹn thùng:

"Mà em cũng quá lớn để anh cõng như hồi xưa".

Lang buột miệng:

"Vậy mà ngót nghét ba mươi năm rồi...".

Thu Ba khẽ nhắc lại:

"Dạ... Ba mươi năm..."

Lang bỗng thấy tất cả cái hạnh phúc sống giữa người đồng hương. Ở bên Kansas, ít ai thèm biết đến cuộc sống của Lang năm trước, nói chi chuyện ba mươi năm. Lang thấy mình có gốc rễ, có cả một cuộc sống cũ có người chia sẻ. Lang nghe nhen nhúm trong lòng mới cảm tình đặc biệt với Thu Ba.

Nhưng rồi Lang cũng thấy cái vô lý của sự việc. Một cô em gái bạn, khi chàng ra đi thì còn nhỏ bé một cách vô nghĩa lý, tuổi ô mai cũng chưa tới, một cô bé chàng không bao giờ nghĩ tới suốt ba mươi năm nay. Vậy mà bây giờ đứng trước mặt nhau, cả Thu Ba và Lang cùng ngậm ngùi nhắc lại khoảng thời gian dài dằng dặc đó. Tựa hồ ngoài chuyện hẹn hò nhân duyên con nít ngộ nghĩnh, hai người đã từng có liên hệ gì với nhau...

Mà làm gì có cái gì. Lang mỉm cười như chấm dứt sự lạc đề của mình. Thu Ba cũng cười, ánh mắt tinh nghịch:

"Anh Lang, sau khi anh đi..."

Thu Ba chưa dứt câu thì Lan, vợ Bảo, từ cửa bếp gọi nàng. Lan đang soạn thêm món ăn cho khách, muốn nhờ Thu Ba xuống giúp hộ một tay. Lang xã giao:

"Em xuống bếp giúp chị Lan đi. Lát nữa anh em mình sẽ nói chuyện tiếp..."

3

Thu Ba đi rồi, Lang cầm ly rượu trở lại phòng khách lớn, trao đổi vài câu chuyện nhạt với mấy người mới quen. Không khí trong ngôi nhà ngột ngạt ồn ào. Lúc ngang qua cửa ra vườn, Lang thoáng thấy ánh trăng rằm dãi trên cỏ, mát mẻ quyến rũ. Nhân lúc không ai để ý, Lang nhẹ tay quay quả nắm, mở cửa lách ra ngoài.

Bầu trời Cali về đêm mát rượi. Vườn nhà Bảo rộng thênh thang, có hồ bơi bầu dục xây đúng kích thước. Có lối đi nhỏ lát gạch xây dọc theo hồ, len lỏi giữa những bụi trà và hồng, và sau cùng dẫn đến vườn cỏ. Dọc theo lối đi là một dàn cây bằng gỗ, trồng dây leo có hoa chùm nho, ban ngày có lê màu vàng lục, nhìn xa tựa như thiên lý. Một vài bụi hải đường rậm lá, bông trắng, cánh hoa dày dặn như đúc bằng sứ, phản chiếu lại ánh trăng. Lang thoáng nghĩ miền nam Cali là thiên đàng cho thú làm vườn. Hoa nở quanh năm, mùa xuân kể như bất tận.

Không khí khu vườn thanh tịnh, khác hẳn cảnh giao tế bên trong. Lang khoan khoái ngồi xuống chiếc ghế sắt bày bên bờ nước, móc túi lấy thuốc hút. Ba mươi năm rồi... Câu nói vừa trao đổi với Thu Ba trong phòng khách trở lại ám ảnh. Chàng đã sống quá lâu trong đời sống hội nhập này. Quá bận rộn, quá hăng say với những điều mà hồi còn thanh niên, chàng đã cho là sáng tạo, là sự nghiệp. Hăng say đến chỗ không có thì giờ thưởng thức cuộc sống, tất cả chỉ là đối phó và giải quyết những phần việc trong ngày, trong tuần, trong năm, trong dự án... Để thành công, Lang mỉa mai thầm nghĩ. Vậy mà chưa bao giờ chàng chịu tìm hiểu lý do nào bắt chàng phải thành công lối đó, hay phần thưởng kiếm được có xứng đáng với hy sinh phải trả hay không.

Cái hương thơm hoa dạ lý đêm nay, sao bây giờ chàng mới có dịp thưởng thức... Không ngờ ánh tráng trên bông thược dược đẫm sương lại đẹp như vậy... Và sao mãi đến bây giờ chàng mới nhớ đến hình ảnh xinh xắn của em gái bạn thủa còn mặc quần yếm, sung sướng với chùm me mới hái, một ngày sinh nhật xa xưa. Lang tự trách cũng vì sự nghiệp đã hy sinh luôn cả đời sống riêng tư.

Lang nghĩ đến vợ. Tracy là một người đàn bà khô khan, não nhiều hơn tim. Lại văn hóa bất đồng, lại dị chủng. Hồi cả hai còn là sinh viên, sao sự xa cách không rõ rệt như bây giờ... Thật ra Lang đã quá mê say xới công việc để nghiêm chỉnh cẩn thận khi tìm bạn trăm năm. Rồi lại cũng tại say mê công việc, Lang đã không cố gắng để thay đổi vợ, hay ít nhất cùng vợ tạo một đời sống đậm đà hơn. Bây giờ gần năm mươi tuổi đầu, Lang mới nhận thấy cái thần của cuộc sống đã lần hồi mất đi tự bao giờ.

***

Có tiếng giày đàn bà trên lối đi lát gạch từ trong nhà bước ra. Lang ngoảnh lại, thấy Thu Ba đang bước tới. Lang nhận ra tà áo lụa trắng của nàng từ xa. Thu Ba đi thẳng đến chỗ chàng:

"Anh trốn ra đây biệt tăm, làm em tìm hoài không thấy".

"Trong nhà nóng quá".

Lang mời Thu Ba ngồi. Không khí giữa hai người không còn tự nhiên như lúc nãy trong phòng khách. Lang cười thầm, tự nhủ: "Cảnh nào mình cũng trải rồi, còn lúng túng gì nữa đây”. Rồi nghĩ đến chuyện hái me, Lang nói bâng quơ:

"Vườn nhà anh Bảo rộng ghê. Anh bỗng nhớ đến vườn nhà em ở Huế. Cũng có trà mi và hải đường như ở đây".

Thu Ba nói theo:

"Anh Bảo thích làm vườn lắm. Em tới ở chơi đã một tuần rồi, mà chưa xem hết được hoa và cây cảnh. Có nhiều cây bên mình lắm. Loại nào mà chịu được thổ ngơi ở đây là anh ấy kiếm về trồng. Để em dẫn anh đi coi".

Thu Ba đứng dậy, và Lang đứng dậy theo. Hai người yên lặng đi theo dàn hoa hẹp và dài. Khu vườn dãi trăng như mơ như thực. Lại có mùi dạ lý. Thu Ba bỗng nói:

"Em nhớ nhà quá"!

Lang nhìn Thu Ba. Nàng cắt nghĩa: "Em muốn nói nhà ba mạ em ở Huế". Quả thật khung cảnh có giống như ở đường Hàng Me. Chỉ khác là mùi hoa nhài năm xưa nhẹ hơn mùi dạ lý bây giờ. Lại còn có cây quỳnh, mỗi lần trổ bông là ba mẹ Thu Ba làm tiệc trà mời bè bạn tới ngắm hoa.

Nhưng Thu Ba đã đổi đề tài:

"Kể cho em nghe đi. Sau khi anh đỗ tú tài rời Huế đi Mỹ rồi sao nữa? Em còn nhớ anh đi học kỹ sư đóng tàu bay. Anh nói với ba em anh sẽ về nước đóng chiếc phi cơ nội hóa đầu tiên..."

Lang cảm thấy tự nhiên như bên người em gái nhỏ mới đoàn tụ sau những năm du học trở về. Chàng kể cho Thu Ba buổi đầu sống một mình tại ngoại quốc, vừa đi làm vừa đi học. Những năm dạy Việt ngữ cho quân đội Mỹ buổi sáng, bỏ ăn trưa chạy về Campus cho kịp lớp học buổi chiều, để tối đến một mình lẽo đẽo về nhà trọ ở khu nghèo vùng Fairfax, Virginia... Lang kể những Tết tha hương, bè bạn dăm ba đứa xúm nhau lại nấu một bữa ăn Việt Nam cho đỡ nhớ nhà... Lang kể khi ra trường kiếm được công việc tốt, và đời sống mỗi ngày một hội nhập vào đời sống Mỹ. Và như những bạn Mỹ cùng lứa, chàng đã lấy vợ, vợ Mỹ, làm việc sở Mỹ, thăng tiến trong sở Mỹ, có những vấn đề gia đình và nhân sự hoàn toàn Mỹ...

Thu Ba bước bên Lang chăm chú nghe. Thỉnh thoảng nàng ngắt lời để hỏi lại một vài chi tiết, hay chỉ cho Lang một bụi hoa Việt Nam họ tình cờ bước qua. Ngang qua bụi thủy trúc trong chiếc hồ nước nhỏ thả bèo lộc bình, Lang kể đến hiện tại. Tuổi đã trung niên, như phần đông người Mỹ, Lang sửa soạn về hưu, và lo liệu kế hoạch cho cuộc sống trong mười năm tới, khi con cái đã trưởng thành và xa rời chàng...

Lang kết luận:

"Anh vẫn chưa đóng chiếc tàu bay nội hóa đầu tiên cho nước nhà".

Bảng thành tích của 30 năm sao mà trống rỗng. So với hoài bão ban đầu, thực tại tầm thường nhỏ nhoi. Và dưới trăng thu tối nay, bên cạnh Thu Ba, kỷ niệm một ngày sinh nhật xa xưa lại còn thiết tha hơn cả mấy trăm họa đồ bộ phận phi cơ chàng đã vẽ cho hãng mấy thập niên qua...

4

Bây giờ đến lần Thu Ba kể cho Lang nghe cuộc đời nàng. Nàng lấy chồng ngoại quốc khi còn là sinh viên văn khoa năm thứ hai tại Huế. Nàng bảo:

"Chồng em là giáo sư trong trường, về sau chuyển qua ngành ngoại giao".

Nàng lại bảo hôn nhân em khó khăn. Không phải tại ai, mà vì hoàn cảnh. Giọng nàng đều đặn không cảm xúc. Ngôn từ nàng ngăn nắp rõ ràng, như đã suy nghĩ nhiều lần hay kể lại nhiều lần những câu chuyện ấy. "Kể với ai nhỉ", Lang thầm nghĩ. Rồi Lang bỗng nhớ đến nét mặt khó chịu của Bảo lúc nãy khi nhắc đến em rể. Chỉ khi nói về con gái, kiêu hãnh mới trở lại với Thu Ba:

"Con em ngoan và học giỏi lắm. Nó sắp vào đại học rồi".

Thu Ba bước bên Lang, trung thực tin cẩn. Nàng tâm sự một cách dễ dàng hồn nhiên như còn ở khu vườn cũ đường Hàng Me, khi nỗi vui buồn của người con gái nhỏ còn quanh quẩn với kẹo và búp bê. Nhưng Lang lại thấy cái trung thực của Thu Ba bây giờ bất thường quá. Chuyện bản thân riêng tư, mà Thu Ba kể một cách không dính líu như từ ngoài nhìn vào, như chuyện người khác, như thể Thu Ba không thực sự sống quãng đời ấy.

Lang thấy thương xót. Thương xót thì thương xót, nếp suy nghĩ tính toán của người đàn ông trải đời trong Lang vẫn bắt được những tín hiệu, có lẽ vô tình, nhưng rõ ràng biểu lộ cái nói bất mãn của nàng với cuộc sống hiện tại.

Thu Ba bỗng hỏi Lang:

"Nhưng sao anh không về Huế lại?". Mùa khai giảng nào, em cũng có ý đợi anh".

Câu hỏi bất ngờ như mơ hồ trách móc làm Lang càng tin là mình nhận định đúng. Thu Ba không có hạnh phúc với chồng. Và nhất định là câu chuyện con nít hôm hái me ngày xưa đã để lại cho Thu Ba những cảm tình tốt đẹp gắn bó. Có lẽ Thu Ba nghĩ nếu chàng về Huế lại thì cuộc đời Thu Ba sẽ đi theo một ngã khác tốt đẹp hơn.

Rồi Lang tưởng như đang ở trong vườn nhà Thu Ba nơi đường Hàng Me năm xưa. Chỉ có khác là bên cạnh Lang đêm nay, Thu Ba không còn là em bé gái mặc quần yếm, mà đã khôn lớn thành một thiếu phụ xinh đẹp. Lang mơ hồ thấy cuộc sống đang khoan dung cho chàng một cơ hội thứ hai.

Lang tính ôm vai Thu Ba, nhưng lại thôi. Chàng sợ nếu chàng nhận định lầm tình thế thì hóa ra sỗ sàng quá. Người đàn bà dáng điệu sang trọng đoan trang, như ngàn dặm xa cách với những ý nghĩ ong bướm trong đầu Lang.

* * *

Hai người ra khỏi bóng tối của dàn hoa. Thu Ba dừng trước bãi cỏ dãi trăng, tựa cột gỗ dàn hoa, nàng ngước nhìn Lang:

"Ba mươi năm rồi, thấm thoát mà hết đời người. Em nghe nói cuộc sống của anh thành công và hạnh phúc. Chắc không bao giờ anh nghĩ rằng em vẫn còn nhớ hôm anh cõng em hái me trước cổng nhà?".

Kỷ niệm ấu thơ như có một ma lực. Lang nghe lãng mạn hồi sinh trong lòng. Trăng rằm đã lên đỉnh trời. Ánh sáng chập chùng trên những bông trà mi trắng muốt trong đám lá, và bóng tối thấp thoáng qua dàn hoa leo, loang lổ trên lối đi lát gạch như một tấm lụa thêu thủng. Người đàn bà dưới trăng như mơ như thực. Thu Ba không còn bằng xương thịt, mà thanh thoát như một linh hồn, như một ý niệm... Ý niệm của mấy thập niên đợi chờ, hay linh hồn của thời niên thiếu đã phao phí cho những đeo đuổi mà giây phút này Lang mới thấy vụn vặt nhạt nhẽo.

Khuôn mặt Thu Ba đầm đìa ánh trăng. Lang đặt tay lên vai Thu Ba, chỉ thấy mềm ấm và đón nhận. Thu Ba nhìn Lang yên lặng, nét buồn vời vợi. Lang không còn phân tích nữa, chỉ mơ hồ thấy rất gần gũi với nàng. Lang cầm nhẹ cổ tay Thu Ba. Bất giác chàng hỏi:

"Thu Ba có hạnh phúc không?".

Thu Ba khẽ lắc đầu.

"Anh cũng đoán vậy. Có gì anh làm được không?"

Thu Ba như muốn khóc. Nàng đứng yên, ngoan ngoãn cúi đầu.

Lát sau, nàng ngước lên nhìn Lang. Nét buồn lúc nãy đã tiêu tan, chỉ còn lại yêu đương say đắm. Thanh tân trong trắng như tiết ra từ người đàn bà trẻ. Theo đà lãng mạn, Lang nghĩ hai tâm hồn giống nhau, sinh ra để hiểu nhau, để sống với nhau, nhưng đã bị số phận đã tách rời hai ngả, cho đến bây giờ mới được gặp lại nhau. Trong hoan lạc của tái ngộ, tất cả rầy rà về bối cảnh xã hội hay thân thế riêng tư của hai người như mờ nhạt đi...

Nhưng Lang không hoàn toàn lãng mạn. Chàng vẫn còn tỉnh táo để nhớ lại những kinh nghiệm đào hoa phóng túng, những háo hức ban đầu của những cuộc ngoại tình trong quá khứ.

* * *

Ý niệm ngoại tình làm Lang thoáng thấy như lỡ khớp. Thu Ba và chàng đang đứng trên ngưỡng cửa của ngoại tình, mà niềm yêu đương đang rạng rỡ trên khuôn mặt nàng lại mát mẻ, trong sáng, không chút lúng túng sượng sùng. Rồi chàng tưởng như mình đang được sống những mối tình tiểu thuyết đã đọc, những mối tình lớn quá, một đời mới có một lần, mà khi xảy ra làm cho những câu nệ xã hội thường nhật trở thành vô nghĩa.

Đỡ lưng Thu Ba, chàng khẽ cúi xuống hôn lên đôi môi xinh xắn.

Nhưng huyền ảo vụt tan biến. Bàn tay Lang trên lưng Thu Ba bỗng cảm thấy, qua làn lụa áo, cái mềm mại tin cẩn lúc nãy đã không còn nữa. Da thịt người đàn bà đanh lại chống đối, và đồng thời Thu Ba quay mặt đi để tránh cái hôn.

Lang buông Thu Ba ra. Nàng cúi đầu nhìn xuống, khẽ nói:

"Đừng anh..."

"Anh xin lỗi..."

Thu Ba mắt vẫn nhìn xuống, nhỏ nhẹ:

"Anh không có lỗi. Nhưng mà... Nhưng mà anh không hiểu đâu".

Một giây yên lặng trôi qua. Lang làm bộ tự nhiên:

"Mình vào đi. Không chừng anh Bảo lại lo chúng mình bị bắt cóc mất rồi".

Trên lối đi lát gạch dưới dàn hoa leo, Thu Ba ân cần cầm tay Lang như muốn làm lành. Lang khẽ rút tay lại, khó chịu nghĩ đã bị Thu Ba đùa giỡn. Lúc sắp vào nhà, Thu Ba ghé tai Lang nói khẽ:

"Đừng giận em..."

Lang bất giác nhún vai.

5

Lang bực dọc, nghĩ mình đã bị người đàn bà lợi dụng để thử xem cô nàng còn quyến rũ đến đâu. Lang cho rằng mình đã cư xử chân thành, chung cuộc lại rơi vào tình thế khôi hài đáng thương hại.

Trong nhà cuộc vui náo nhiệt. Có người đàn ông đang ngồi chơi dương cầm bài Kiếp Hoa. Đám khách vây quanh, kẻ đứng người ngồi, vui vẻ hát theo. Bài hát thịnh hành của cố đô thập niên 50 tìm được đồng vọng trong tâm hồn thế hệ trung niên, và mọi người trẻ lại như thủa còn cắp sách đến trường...

Thu Ba lấy bánh ngọt cho hai người, rồi cùng Lang ngồi ăn bên chiếc bàn con kê góc phòng đối diện cây đàn dương cầm, Lang cảm ơn, làm như không có chuyện gì xảy ra. Chàng nhìn trộm cô em gái bạn dưới ánh đèn phòng khách. Thu Ba dáng trẻ trung, không quen trước có thể tưởng lầm nàng mới tốt nghiệp đại học ít năm. Thân hình nàng vẫn mảnh dẻ, chỉ vừa một chút đẫy đà làm cho dáng người mềm mại và đậm đà như một trái chín. Lang lại thấy nét thanh tân trong trắng trên gương mặt Thu Ba.

Nhưng thanh tân ở chỗ nào, Lang thầm nghĩ mỉa mai. Rồi trong bực tức, Lang thấy người đàn bà bệnh hoạn... Lời cầu hôn con nít năm xưa, đám cưới lụp chụp tiền dâm hậu thú với thầy giáo ngoại quốc, sự quyến rũ dưới ánh trăng sau vườn lúc nãy, sự trở mặt khước từ đột ngột... tất cả cộng lại thành tấm chân dung tâm lý không những lẳng lơ trắc nết, lại đanh đá oái oăm.

"Cái tinh khiết trong trắng chỉ là cái dáng bên ngoài", Lang kết tội em gái bạn. Lang nhớ lại những tiểu thuyết rẻ tiền khai thác nếp sống lơi lả của giới ngoại giao, mô tả những phụ nữ trái tim đã rã rời, lúc nào cũng rán tìm một rung động bệnh hoạn cho những đầu mút thần kinh đã mòn mỏi.

* * *

Nhưng rồi Lang không ghét Thu Ba được lâu. Lang không phủ nhận nổi cái quyến rũ đang toát ra từ người đàn bà. Cái quyến rũ vừa đầy nữ tính vừa sang trọng. Từ mái tóc ngắn chấm vai uốn rất nhẹ khum khum ôm lấy cái cổ xinh đẹp... từ vạt áo lụa trắng cắt lối Âu Châu bắt lấy đường nét mỹ miều của đôi chân dài và thon như tạc bằng cẩm thạch... từ lối ngả người trên ghế tựa... Thu Ba thong thả, kín đáo, mà khêu gợi quá. Lòng Lang lắng dịu dần.

Lang bỗng thèm muốn một liên hệ với Thu Ba. Tất nhiên không phải cái liên hệ chưa rõ hình nét nhưng đầy thiên ý lúc nãy dưới trăng ngoài vườn, dựa trên ảo ảnh của đường Hàng Me xa xưa. Lang chỉ muốn một liên hệ sòng phẳng với một phụ nữ đẹp và thạo đời.

Lang hết bực tức. Thu Ba đã quá quắt như vậy, thì chàng sẽ bình tĩnh khi chinh phục nàng. Thu Ba đã không cư xử như em gái bạn, thì Lang không còn câu nệ khi dùng mưu lược tính toán. Lang khoan khoái tưởng tượng lúc thành công, lòng tự ái vừa bị thương tổn của chàng sẽ được đền bù...

Nhưng Lang lại đổi ý. Chàng sẽ không thù dai và tiểu nhân như vậy. Chàng sẽ thực tế và khoan dung. Chàng sẽ tặng Thu Ba một chuỗi ngày vui, ngắn dài tùy cảnh... Có thể chàng sẽ rủ Thu Ba xuống Mexico City coi đấu bò. Hay bay đi Cancun tắm biển... Hay cao hứng, hai người sẽ trốn qua Âu châu một tuần, để coi kịch ở Soho bên Luân Đôn, hay thăm viếng những lâu đài cổ bên Tây Ban Nha...

Nhưng chuỗi ngày vui đó sẽ có hạn kỳ. Trước khi mỏi mệt len lỏi vào cuộc tình. Thu Ba và chàng sẽ kịp thời chia tay, một cách người lớn, sòng phẳng, gẫy gọn. Và như những người đã lớn, cả hai cùng biết những giới hạn của cuộc sống, để không tham lam đòi hỏi quá nhiều, ở bạn cũng như ở chính bản thân. Rồi bên kia cuộc chia tay là một kỷ niệm nhẹ nhàng cho cả hai bên, với chút êm đềm mỗi khi nghĩ đến cố nhân.

* * *

Lang mỉm cười bằng lòng với cuộc tình vừa phác họa trong đầu. Chàng không còn nhớ kinh nghiệm sống đã nhiều lần dạy cho chàng rằng một liên hệ vừa ý như vậy đã và sẽ không bao giờ xảy ra.

Quả thật, Lang đã quen biết, đã thân mật, đã suồng sã với nhiều phụ nữ. Liên hệ nào bắt đầu cũng nhẹ nhàng dễ thương, nhưng rồi màn kết lại rầy rà rắc rối, không về phía này thì về phía khác, kết cục luôn luôn phiền toái đến quá mức chịu dựng. Mãn cuộc, kỷ niệm của những mối tình cũ cũng không hẳn nhẹ nhàng, êm ấm. Thậm chí có khi nghĩ đến cố nhân, Lang chỉ thấy nhờn nhợn. Đam mê thể xác qua đi, cả đến đồ reng lót mình của người tình cũ, nghĩ lại chỉ làm Lang rùng mình liên tưởng đến rong rêu dính trên mình mấy con sứa mắc cạn trên bờ biển, nhầy nhụa, vừa tanh vừa nặng, mà một mùa hè đã lâu khi chúng bạn thách đố, chàng đã nhắm mắt ôm lấy để vác lên bãi cát.

Nhưng bản tính trai lơ hiếu sắc, Lang không bao giờ rút được kinh nghiệm của những bài học quá khứ. Hễ thấy một khuôn mặt xinh đẹp mới xuất hiện trong tầm tay, Lang lại quên bẵng những khôn ngoan cũ. Lang lại sẵn sàng bị lôi cuốn, hay đúng hơn lại hăng say lao đầu vào phiêu lưu mới mà Lang lại thấy nhẹ nhàng quyến rũ. Và cứ như thế, tất cả liên hệ của Lang với phái đẹp suốt mấy chục năm qua đã loanh quanh trong cái vòng luẩn quẩn này.

Tối nay ngồi ngắm Thu Ba, niềm yêu đời có khả năng hồi sinh định kỳ lại cựa mình thức dậy. Chàng lập chí chinh phục Thu Ba. Lang ôn lại những lời tâm sự của người đàn bà trẻ, và chàng tính toán chiến lược.

Lang ỡm ờ:

"Anh không ngờ Thu Ba hồi đó muốn anh về dạy Đại học Huế. Thật trớ trêu. Nhiều lần anh đã tính trở về, nhưng anh lại sợ bạn bè cũ đã đi chỗ khác".

"Hồi đó anh tính về thật sao?".

Thấy Thu Ba vui vẻ bắt chuyện, Lang yên chí nàng đã bỏ qua sự sượng sùng ngoài vườn lúc nãy. Chàng tán tiếp:

"Đúng vậy. Nhiều lần anh tính về, nhưng rốt cuộc vẫn phải sống đời tha hương”.

Nói xong câu sáo ngữ, chàng hơi chột dạ. Nhưng Thu Ba yên lặng ngồi nghe, nét mặt nhu mì cảm động. Nàng không vặn hỏi ai bắt Lang phải sống đời tha hương. Vững tâm Lang nói tiếp, vẫn điệu kim sanh:

"Có lẽ với anh, Huế là để nhớ để thương chớ không phải để sống ở đấy. Huế quá nhỏ cho mộng ước của người trai".

Như không thấy nét phường tuồng, Thu Ba nói trong hơi thở:

"Em hiểu. Nhưng ngồi mà tiếc quá khứ thì không bao giờ hết chuyện".

Mặt Thu Ba dưới ánh đèn buồn rười rượi. Nàng đã xúc động mạnh, và Lang bằng lòng với tiến bộ giai đoạn của mình.

6

Người ta hát xong bản Kiếp Hoa. Bây giờ họ tắt đèn trần để tạo không khí ấm cúng cho màn thi nhạc giao duyên của chương trình văn nghệ bỏ túi. Không ai để ý đến hai người, khách khứa còn mải xúm quanh cây đàn dương cầm. Người đàn ông lúc nãy vẫn ngồi đàn đệm cho một thiếu phụ ngâm thơ. Người đàn bà đã luống tuổi, dáng khô cằn. Bà ngâm thơ T.T.K.H, giọng ngâm không chuyên nghiệp nhưng dễ nghe.

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
Thở dài trong lúc thấy tôi vui.
Bảo
rằng hoa dáng như tim vỡ,
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi.

Lang ngắm thiếu phụ. Khuôn mặt đều đặn dễ coi, chắc hồi trẻ có da có thịt hơn, người đàn bà này đã đẹp một cách quyến rũ. Với con mắt sành điệu, Lang rán tưởng tượng lại dung nhan thiếu phụ khi còn xuân thì. Cái cằm tròn hơn chút nữa, gò má ít xương hơn, bỏ đi cái nếp nhăn ở cổ khi nàng lên giọng, và giá bộ ngực đầy hơn mỗi khi nàng lấy hơi để ngâm tiếp thì bức tranh sẽ tuyệt đẹp...

Nhưng Lang bỏ cuộc. Trí tưởng tượng của Lang không mạnh đủ để tô lại những nét dung nhan đã nhạt, hay sửa lại những tàn phá của thời gian. Chỉ có đám bạn đang xúm quanh cây đàn là như bị thôi miên bởi phép màu của kỷ niệm...

Lang bỗng nhớ tới hình ảnh một bông hồng ép tình cờ tìm thấy trong cuốn sách cũ. Cánh hoa đã héo khô, lép xẹp, chỉ còn mơ hồ nhắc lại bông hồng tươi thắm năm xưa. Hương sắc đã hoàn toàn phai nhạt. Màu huyết dụ nguyên thủy đã bạc như màu giấy hồng lót ruột xác pháo. Bông hoa đưa lên mũi chỉ còn mùi cỏ khô, hay cùng lắm là ảo giác cho một mùi hương xa vắng, của ký ức hơn là thực tại... Chỉ có ai đã chính tay ép bông hồng mới thấy lại được tất cả cái huy hoàng của cánh hoa cũ.

Rồi Lang hãnh diện, vì Thu Ba không phải là bông hoa ép sách. Giữa những người trung niên sống với ảo ảnh của một tuổi xuân đã không còn nữa, Thu Ba nổi bật, trẻ trung đẹp đẽ. Cái đẹp sâu xa, đầy kỷ niệm chung của đường Hàng Me. Mà cũng là cái đẹp mặn mà của người đàn bà đã sống.

Bên kia phòng khách, thiếu phụ xuống giọng, nghẹn ngào, nức nở:

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời,
Ái ân nhạt nhẽo cạnh chồng tôi.
Rồi từng thu chết, từng thu chết,
vẫn giấu trong tim
bóng một người.

Thu Ba bỗng nói với Lang:

"Thơ T.T.K.H thật là buồn, nhưng sao mà gần gũi. Hồi em lớn lên, biết thích Hai Sắc Hoa Ti Gôn thì anh đi đã lâu rồi. Mẹ vẫn mắng em là cứ nghêu ngao thơ thất tình, nó sẽ vận vào người. Vậy mà mẹ đúng".

Thu Ba ngồi ngả người về phía trước, khuỷu tay dựa trên đùi, bàn tay chống cằm, đôi mắt mơ màng. Lang nhìn Thu Ba. Làm bộ ái ngại, Lang đặt tay lên lưng nàng như dỗ dành an ủi. Lang tính sự thân mật vừa đủ sẽ không làm Thu Ba rụt lại. Lang cân lượng đúng. Thu Ba ngồi yên không phản đối. Tiện đà. Lang nói lững lờ:

"Anh không ngờ Thu Ba cũng không có hạnh phúc".

Câu nói thân tình, hiệu nghiệm như mong muốn. Thu Ba cười với Lang mà đôi mắt như muốn khóc. Lang nói tiếp:

"Anh ước được làm một ngàn điều để cuộc đời Thu Ba như ý hơn".

Thu Ba chớp mắt cảm động. Lang mạnh dạn:

"Nhưng mà khi buồn, Thu Ba đẹp vô cùng, Thu Ba biết không?"

Vừa nói Lang vừa cầm tay Thu Ba nâng lên môi hôn nhẹ.

Bây giờ thì Lang đã quá đà. Thu Ba rút tay lại. Nàng không ồn ào lụp chụp, nhưng gãy gọn quả quyết:

"Đừng, đừng anh..."

Rồi nàng đứng dậy tới nhập bọn với khách khứa đang tụ tập quanh cây đàn dương cầm. Lang ngồi lại một mình, tần ngần trơ trẽn...

* * *

Lát sau màn ngâm thơ đã xong, đèn trần bật sáng trở lại. Lang thấy Thu Ba đang trò chuyện cùng một đám ba bốn bà khách. Khi đề tài trở về hôn nhân của con cái, một bà vô tình tuyên bố:

"Em chỉ sợ con em nó lấy Mỹ. Sợ mất ăn mất ngủ chị ạ. Mới thì mới, chứ vụ ấy thì không mới được. Đàn bà con gái mình cặp kè chồng Mỹ sao coi được. Con em mà lấy Mỹ thì chắc em chết ngay tức thì...".

Lời tuyên bố lạc hậu và chật hẹp của bà khách làm Lang tức cười. Nhưng Thu Ba không cười. Lang nhìn Thu Ba, bắt gặp ánh mắt lấm lét của nàng nhìn lại. Lang thấy tội nghiệp, nhưng rồi như vô ý thức, chàng khẽ nhún vai bước đi chỗ khác, ý định tìm hiểu hay làm thân với Thu Ba không còn hấp dẫn nữa. Đêm đã trễ và chàng tới cáo từ chủ nhà.

Nhưng Lang vừa tới cửa thì có ai gõ nhẹ vào vai. Thu Ba đã rảo bước theo chàng từ bao giờ, ấp úng, nàng nói:

"Anh Lang về ngủ ngon".

Rồi nhân lúc không ai để ý, nàng dúi cho Lang mảnh giấy nhỏ xé từ cuốn sổ tay. Nàng nói thật nhanh:

"Về khách sạn rối hẵng đọc".

Ra đến xe, Lang vặn đèn trần mở mẩu giấy ra xem:

“Lang ơi, mai đón em ăn điểm tâm, thương xá Phúc Lộc Thọ, 9 giờ sáng”.

Thế này là thế nào?

Lang cau mày một giây. Sự thay đổi bất ngờ của Thu Ba không làm chàng sung sướng. Lang đã mất hứng. Chỉ có chút thương hại cho hình ảnh Thu Ba co ro khốn khổ khi vô tình bà khách lạ bài bác hôn nhân dị chủng. Nhưng Lang không còn háo hức chinh phục nàng nữa. Về đến khách sạn. Lang nôn nóng lên giường nghỉ, không còn bận tâm đến người đàn bà.

7

Sau một đêm ngủ ngon. Lang thức giấc cảm thấy sảng khoái và tràn trề sinh lực. Cuộc sống bên ngoài như kêu gọi, với hình ảnh Bolsa nhộn nhịp một sáng chủ nhật. Nhớ lời Thu Ba hẹn hò tối qua, Lang vùng dậy lục túi áo, mừng rỡ khi tìm lại mẫu giấy vo viên. Nhìn đồng hồ đã tám giờ bốn mươi lăm, chàng vội vã sửa soạn rồi khóa cửa phòng ra đi.

Lang tới chỗ hẹn trễ, Thu Ba vẫn còn đứng đợi ở cổng thương xá cạnh mấy bức tượng Tam Đa. Không lộ vẻ trách móc, nàng sung sướng đã gặp lại Lang. Nàng nói:

"Em sợ anh giận không đến nữa".

Lang lẻm mép:

"Giận em sao đặng".

"Vậy vào đây ăn sáng với em. Tiệm tàu mới mở có tìm sắm ngon lắm".

Lang vui vẻ leo mấy bực thềm với Thu Ba để vào thương xá.

Tiệm đông người, bàn ăn kê san sát, thực khách đa số là Hoa kiều. Lang nghĩ chắc họ không sõi tiếng Việt, đông như vậy kể như là không đông, và Lang và Thu Ba vẫn có thể tự nhiên trò chuyện mà không sợ ai nghe trộm.

Thu Ba ăn uống mảnh khảnh, vẻ lo ra hiện trên mặt. Câu chuyện vòng vo nhạt nhẽo, và không khí nặng nề rời rạc. Sau cùng Thu Ba vào đề:

"Hôm qua em thật là tệ với anh".

"Không sao. Tại anh lụp chụp, có thể làm em hiểu lầm".

Lang thấy chữ hiểu lầm của chàng khôi hài và trơ trẽn, nhưng chàng nghĩ Thu Ba không để ý. Thu Ba nói:

"Em muốn gặp anh hôm nay để xin lỗi. Không phải xin lỗi một cách xã giao... để anh tha lỗi một cách xã giao. Em muốn anh hiểu em, để thương em mà thực tình tha lỗi cho em... Chỉ tại em rất sợ chuyện trai gái suồng sã... Liên hệ nam nữ, nhất là ở bên này, mỗi ngày một sô bồ hơn..."

Lang lại sốt ruột. Bà ơi, chưa có ai nhì nhằng như bà đấy, Lang thầm nghĩ. Lang tính chấm dứt mối liên hệ này ngay tại chỗ cho rảnh nợ. Chàng sẽ gắng nghe những lời lẩm cẩm của Thu Ba năm phút nữa, đáp lại bằng vài lời xã giao phải chăng, rồi ăn xong ai về nhà nấy...

Nhưng Lang không có dịp đoạn tuyệt. Thu Ba đoán được ý chàng.

"Em biết Lang bực mình. Nhưng chiều em một lần nữa... Cho em đi chơi với Lang sáng nay. Cho em hết sáng hôm nay, nghe Lang".

Thu Ba nhìn Lang năn nỉ. Và Lang bỗng nhớ ba mươi năm trước cũng vì đôi mắt năn nỉ đó, chàng đã chiều Thu Ba, công kênh cô bé lên cổ để hái chùm me trước nhà... Nhưng cái năn nỉ năm xưa chỉ có tinh nghịch ranh mãnh, và không u buồn thế này. Lang mềm lòng, và sự sốt ruột dịu xuống.

* * *

Lang đưa Thu Ba du ngoạn lâm viên tiểu bang. Chốc lát họ ra khỏi thành phố, và sau bốn mươi lăm phút xa lộ, họ len lỏi vào con hương lộ thắng cảnh vòng vèo giữa những rặng sồi già dẫn vào lâm viên. Cành sồi hai bên lộ mọc vươn ra, ráp nhau thành một con đường hầm rợp bóng mát. Nắng thu lỗ chỗ xuyên qua tàn lá như những cột thủy tinh mơ hồ sương khói. Trên núi cao, cảnh Thu đúng mùa hơn, với lá rừng đổi mầu và cây rừng đó đây lác đác phơi cành trơ trụi.

Họ đổ xô vào bãi rồi đi vãn cảnh. Khu rừng thanh vắng, không còn đám du khách ồn ào của những ngày hè vừa qua. Một cặp chim trĩ đang ăn trên con đường đất thấy động, vội vã bay vào lùm cây. Trong lâm viên tĩnh mịch, tiếng cánh đập vang lên giây lát rồi chìm trong yên lặng của thiên nhiên.

Thu Ba mở đầu:

"Hôm qua em cư xử không tốt với anh... Em mong anh không hiểu lầm..."

Lang ngạc nhiên thấy mình bắt đầu quen tai với mớ sáo ngữ của bạn. Chàng tự nhủ trong quá khứ cũng có những người đàn bà buổi sơ giao lẩm cẩm mà về sau lại hóa ra duyên dáng ý nhị.

Thu Ba chậm rãi nói tiếp:

"Đêm qua em ngủ không được, thao thức cả đêm. Em sợ anh không đến ăn sáng nữa... Nếu không cắt nghĩa được với anh, chắc em sẽ ân hận lắm..."

Lang đáp theo đà:

"Cũng tại anh lụp chụp".

Thu Ba yên lặng giây lâu, như rán sắp xếp ý tưởng trong đầu. Sau cùng nàng nói:

"Em đâu có tiếc gì anh... Đến nước này mà em còn tiếc anh một cái hôn nữa sao. Chỉ tại... không biết tự bao giờ... em vẫn muốn tặng anh một cái gì hoàn toàn... trong sạch. Em chỉ mơ ước bao giờ có một hoàn cảnh thật là xinh xắn để cho anh chút gì cao quý nhất của em".

Có gì ấm áp từ bàn tay Thu Ba truyền qua Lang. Lang vui thích thấy mặc dù mớ sáo ngữ, liên hệ hai người đã bắt đầu có hồn và tiến bộ rõ ràng. Lang không trả lời Thu Ba mà chỉ xiết nhẹ bàn tay nhỏ bé ngoan ngoãn và tin cẩn của bạn.

Hai người chậm bước dưới những cây phong cổ thụ đang đổi màu. Mặt đất đầy lá rụng, và khu rừng yên lặng, chỉ có tiếng lá khô xào xạc dưới chân. Đây đó, nắng thu làm đám lá phong lấp lánh muôn mầu, cái thì đỏ như phẩm điều, cái thì thắm như nhiễu tam giang, cái thì tím như lá tía tô hay vàng như vỏ cam chín...

Thu Ba đi sát bên, ép người vào cánh tay chàng như nương tựa. Dĩ vãng êm ả trở về. Lâm viên bỗng như mát hơn. Lang chợt thấy niềm vui nhè nhẹ xâm chiếm tâm hồn. Những chuyện trong trắng Thu Ba lại vừa nhắc đến không còn làm cho chàng khó chịu nữa. Lang khoan khoái tận hưởng một phút giây đẹp.

Nhưng thực tế, chàng không quên ghi nhận việc chinh phục Thu Ba kể như trong tầm tay. Chỉ cần chàng đừng vụng về trong những bước chót. Ngang qua một chiếc hồ nhỏ, Lang rủ Thu Ba ngồi nghỉ chân trên một thân cây cổ thụ đã đổ nằm từ bao giờ. Lang ngắm rặng bạch dương ven hồ, lá vàng huy hoàng rực rỡ, đứng lặng soi bóng trên mặt nước thu. Trời đứng gió, mà những chiếc lá bạch dương, tròn trịa như những đồng tiền bằng giấy trăng kim, vẫn nhè nhẹ phất phới.

Thu Ba tựa vào Lang, yên lặng ngắm nhìn những tảng mây trắng in hình trên mặt hồ. Một vài chiếc lá lìa cành rơi thật chậm trong không trung rồi đậu xuống mặt hồ, tạo thành những vòng tròn đồng tâm lan dần cho đến bờ. Bóng trời theo gợn nước nhăn nhúm trong chốc lát để rồi lại hiện ra rõ hơn đẹp hơn... Có tiếng chim gáy từ một góc rừng vang tới, xa vắng êm đềm như kỷ niệm của thời thơ ấu.

Chỉ tay hai con vịt trời từ sau bụi sậy bơi ra giữa hồ, Lang cắt nghĩa cho Thu Ba:

"Con bơi trước là con trống".

"Sao anh biết?"

"Vịt trống to hơn vịt mái một chút. Tiếng nó lại khàn hơn".

Ngưng giây lâu, Lang nói tiếp:

"Năm nay vịt về sớm, mới có Trung Thu mà đã về rồi. Chắc trên bắc đã bắt đầu lạnh".

"Anh thạo về vịt nhỉ".

"Tất nhiên là anh thạo về vịt. Ngày xưa anh hay đi bắn với ba anh".

Cao hứng chàng kể cho Thu Ba nghe những sự tích về loại chim trời này. Chúng nở vào mùa xuân trong những đồng cỏ bát ngát trên bắc. Đến cuối thu, đủ lông đủ cánh, chúng bay về nam trốn lạnh. Chúng vượt qua cả ngàn cây số, không biết mệt, mà cũng không lạc đường.

Rồi Lang lái câu chuyện vịt về đề tài luyến ái. Lang kể trên đường về nam, những con vịt non bắt đầu cặp đôi, và vợ chồng vịt sống những ngày vui vẻ trong nắng ấm của miền ôn đới. Xuân về, chúng bay trở lại miền bắc, làm tổ đẻ trứng...

Lang kết luận câu chuyện vịt, nửa lãng mạn nửa tàn nhẫn:

"Vịt trung thành lắm. Bắn trúng một con là kể như được cả cặp, vì con vịt sống sót không bao giờ bỏ đi. Nó sẽ trở lại bay quanh xác bạn cho đến khi bị bắn nốt..."

Thật ra kinh nghiêm bắn vịt này, Lang chỉ được nghe kể lại như một huyền thoại giữa thợ săn. Nhưng Lang kể tha thiết như chính chàng đã mục kích, và thích thú ghi nhận câu chuyện lứa đôi của loài vịt đã gây xúc động nơi Thu Ba. Nhưng xúc động dường như chưa đủ. Lang đẩy tới:

"Chuyện vịt dễ thương, phải không Thu Ba. Quen nhau từ thời thơ ấu, thành bạn, rồi chung thủy suốt đời..."

Thu Ba mơ màng:

"Em nghĩ em giống loài chim trời, chọn anh từ hồi thơ ấu, mãi mãi trung thành với kỷ niệm của anh".

Lang quay lại ngắm Thu Ba. Nét mặt nàng hoàn toàn thành thật. Nàng nhìn Lang, yêu đương ướt đẫm đôi mắt.

Lang thấy thời điểm đã thuận tiện:

"Thu Ba, anh nghĩ anh yêu em... Mà yêu em nhiều lắm".

Và chàng cúi xuống hôn lên đôi môi đang nũng nịu làm duyên. Lần này nàng không phản đối, và nàng trả lại nụ hôn của Lang một cách say đắm.

Thu Ba mắt nhắm nghiền đam mê. Còn Lang vừa hôn Thu Ba vừa nhìn qua vai nàng, canh chừng khúc quanh cuối đường. Họ hôn nhau bên hồ nước cho đến lúc có người gác lâm viên kẽo kẹt đạp xe đạp tới.

Buông Thu Ba, Lang thì thầm vào tai nàng.

"Về đằng anh đi..."

Thu Ba mắt vẫn nhắm, khẽ gật đầu.

8

Vào đến phòng khách sạn của Lang. Thu Ba bỗng hốt hoảng như bước vào cạm bẫy. Nàng đi lui đi tới, rồi bước ra cửa sổ, làm bộ nhìn ra bể. Nàng đứng lỳ ngoài ấy như tránh né đối diện với Lang. Lang lại sau lưng Thu Ba, hôn khẽ vào gáy người đàn bà trẻ. Nàng rùng mình, lẩm nhẩm như xưng tội:

"Em thật là hư hỏng mất nết. Em sợ quá".

Lang cho là Thu Ba còn làm khách lấy lệ. Bẻm mép chàng dỗ dành:

"Đừng sợ Thu Ba. Có anh bên Thu Ba mà. Chóng ngoan, như ngày xưa chúng mình hái me ấy..."

Thu Ba có vẻ thoải mái đôi chút. Nhưng khi Lang tính xoay người Thu Ba lại thì nàng bám chặt lấy thành cửa sổ:

"Em sợ quá. Em hư hỏng quá, anh Lang... Em yêu Lang, em yêu Lang nhiều lắm. Nhưng em không muốn tình em cho Lang lại... như thế này".

Lang nghĩ thật là sốt ruột. Hoàn cảnh đã đến nước này, cách cư xử của Thu Ba lạc điệu đến chỗ khôi hài. Nhì nhằng quá, trăng không ra trăng, mà đèn cũng không ra đèn.

Bây giờ thì Lang tức thật sự. Chàng định chở Thu Ba về lại Bolsa. "Trả quách cô nàng lại bãi đậu xe của thương xá Phúc Lộc Thọ cho rảnh cái nợ", Lang bực dọc thầm nghĩ. Gắng giọng giọng ôn tồn, Lang phiên dịch ý nghĩ trong đầu thành ngôn từ phải chăng:

"Thu Ba đừng sợ. Chắc tại em mệt. Lại đói nữa, đã gần hai giờ chiều rồi. Mình về phố ăn đi..."

Lang nghĩ sẽ chọn một tiệm ăn Việt Nam. Xung quanh đông đảo người đồng hương, Thu Ba sẽ không có dịp giở ngón tình tự lẩm cẩm. Ăn xong Lang sẽ tạ từ Thu Ba và sẽ không bao giờ còn phải nhức đầu với tâm sự lôi thôi của nàng. Nhưng Thu Ba vẫn đứng yên, hai tay nắm thành cửa sổ. Không quay đầu lại, nàng lẩm nhẩm như nói một mình:

"Đừng hắt hủi em, Lang. Lang không hiểu em... Em suốt đời mơ ước những điều trong trắng đẹp đẽ. Trời ơi, em muốn Lang tin em. Không bao giờ em nói dối Lang..."

Lang nghĩ người đàn bà quả thật là quá đáng. Nhưng nhìn đôi vai Thu Ba run rẩy, Lang mới tin nàng hoàn toàn chân thành trong xúc động bất thường này. Ân hận, Lang dịu xuống, nhỏ nhẹ:

"Thu Ba đừng sợ. Anh không bao giờ làm chuyện gì trái ý Thu Ba. Em không muốn đi ăn thì thôi. Anh có cân bánh trung thu mới mua hôm qua, để anh làm trà em uống".

* * *

Lang gọi bồi xin nước sôi pha trà tàu. Lát sau trà ngấm, Lang cắt bánh bày trên đĩa. Lang gọi Thu Ba vào ăn bánh, nhưng không nài ép khi Thu Ba đứng lì bên cửa sổ. Lang bình thản ngồi uống trà ăn bánh một mình.

Lang chậm rãi ăn hết một chiếc bánh nướng, Thu Ba vẫn còn đứng bên cửa sổ, mặt quay ra bể. Lang làm lơ như không để ý. Lát sau, nhẩn nha, Lang rót một tách trà, bỏ ít miếng bánh trên chiếc đĩa nhỏ bưng ra cho Thu Ba. Thu Ba quay lại đỡ trà và bánh ở tay Lang, rồi ngồi xuống bên chiếc bàn con kê gần cửa sổ. Lang ngồi xuống ghế đối diện:

"Công anh pha trà, Thu Ba uống giùm cho anh".

Thu Ba nhoẻn miệng cười, cắn khẽ miếng bánh. Lang lấy khăn giấy kleenex thấm nước mắt cho Thu Ba, vừa khen Thu Ba đẹp, vừa tìm đề tài khôi hài để chọc cười. Chàng bảo Thu Ba coi chừng đừng để rơi nước mắt vào chung trà. Nếu chuyện đó xảy ra thì Thu Ba sẽ biến thành Mỵ Nương, và mối thất tình thiên cổ của anh chàng Trương Chi sẽ tan tành mây khói. Lang cũng kể lại hồi còn mặc quần yếm ở đường Hàng Me, Thu Ba cũng hay khóc nhè như bây giờ...

Nửa giờ sau, Thu Ba cười như nắc nẻ, hoàn toàn hồn nhiên sung sướng. Và khi Lang nâng cằm Thu Ba lên hôn, thì nàng chiều theo, rồi hôn trả với tất cả đam mê. Nàng khẽ nói:

"Lang. Em yêu Lang. Lang hôn em đi, em là hoàn toàn của Lang..."

9

Thu Ba nằm nghiêng, chân ruỗi chân co, mặt quay lại Lang. Nàng nói:

"Em đã giữ lời em hứa với Lang dưới gốc me, hôm sinh nhật..."

"Cám ơn em".

"Em bao giờ cũng yêu Lang..."

Lang hôn nhẹ Thu Ba rồi nằm yên nhìn trần nhà. Chàng bỗng hỏi Thu Ba:

"Lời hẹn lấy anh... hồi ấy em đã cho là chuyện nghiêm trang rồi sao?"

Thu Ba suy nghĩ giây lâu rồi trả lời:

"Nghiêm trang mà cũng không nghiêm trang. Thật ra khi nói câu đó, em mới lên bảy, nào đã biết gì. Cả chữ vợ chồng, em cũng chỉ hiểu một cách mơ hồ và hoàn toàn con nít. Mãi nhiều nhiều năm sau, em mới biết đàn ông đàn bà yêu nhau như thế này...”

"Chỉ có điều là em không quên được, vì mùa hè năm sau, cũng cái cành me thấp trước cổng lại ra quả? Rồi mùa hè năm sau, và mùa hè năm sau nữa..."

Ngưng giây lát, nàng lại tiếp:

"Đến khi em thành con gái, cành me thấp vẫn ra quả mỗi năm, và mỗi lần lại nhắc đến anh. Và em mơ màng biết đâu chuyện con nít lại không thành sự thật... Nhưng em chỉ mơ màng một cách... lãng mạn vậy thôi. Chuyện trở về của anh trừu tượng, và cả anh cũng trừu tượng... nghĩ đến để mà để đấy, vậy thôi...”

"Em cứ nhớ anh mơ hồ như vậy cho đến một hôm sự nhớ nhung của em trở thành hoàn toàn cụ thể. Đó là hôm tối tân hôn của em..."

* * *

Rồi Thu Ba kể cho Lang cuộc đời của cô gái mới lớn tại Huế. Khi Thu Ba vừa đỗ tú tài hai, thì Viện Đại học Huế được mở với đầy đủ phân khoa. Các thầy các cô du học từ Âu châu trở về, hăng say thiết lập nền giáo dục cao đẳng đầu tiên cho cố đô. Cùng với các giáo sư ngoại quốc, họ đem lại cái niềm hứng khởi chưa từng có cho Huế...

Sau gần một thế kỷ ủ ê, mùa xuân văn học, mùa xuân chính trị trở lại cố đô. Không khí như có men, cuộc sống như có thần, cái men cái thần tiết ra từ khắp nơi, từ sạp hàng của bà mẹ tại chợ Đông Ba có con đang theo học trường y khoa mới, từ những tiệm sách mới mở, đủ mặt sách cao đẳng về kỹ thuật hay nhân văn, từ cả những tiệm cà phê sinh viên, mà bà chủ quán không những biết pha cà phê ngon lại còn sẵn sàng góp chuyện thơ phú với mấy cậu cử tương lai của trường Văn.

Người ta làm thơ, người ta giảng thơ. Người ta bàn về Kant, về Bergson... Người ta mổ tử thi để học làm thầy thuốc... Người ta vẽ, người ta đàn... Người ta pha những hóa phẩm xanh đỏ trong những phòng thí nghiệm mới trang bị... Người ta nhìn vào kính hiển vi để thấy những tế bào động vật thực vật đang sinh sản phơi bày đầy đủ số nhiễm thể quy định...

Lang lắng tai nghe Thu Ba say sưa kể lại cuộc đời sinh viên, thấy trong cái đam mê thật tình của nàng có lẫn chút khoe chữ tội nghiệp của những người học hành lỡ dở. Nhưng Lang cũng thấy cái khoe chữ ấy hay hay ngộ nghĩnh.

Lang cũng thầm tiếc rẻ. Nhìn nét mặt người thiếu phụ kể lại quãng đời sinh viên của nàng tại cố đô, Lang bỗng thấy suốt mấy chục năm tha hương, chàng chưa bao giờ được sống tha thiết như vậy. Nhưng ghi nhận là Thu Ba chưa vào đề, Lang hỏi:

"Nhưng chuyện lấy anh..."

Thu Ba nũng nịu để tay lên môi Lang:

"Anh bao giờ cũng vội vã... Từ từ em sẽ kể hết cho mà nghe".

Và Thu Ba kể tiếp cuộc đời sinh viên của nàng tại Huế.

Thu Ba lớn lên trong khung cảnh mới, với trường mới, thầy mới, sách mới, quan niệm sống mới. Thỉnh thoảng nàng nghĩ đến Lang, đến hôm sinh nhật đã lâu khi Lang cõng nàng hái me trước nhà...

"Anh biết không, mỗi kỳ khai giảng, em mơ hồ trông đợi anh trở về gia nhập ban giảng huấn của trường..."

Rồi nàng kể tiếp:

"Tất cả mọi người say sưa... Say sưa và lúng túng…"

Và cha mẹ Thu Ba đã lúng túng rất nhiều. Liên hệ nam nữ mới của con em hoàn toàn xa lạ với các cụ. Và trong khi các cụ đang lúng túng ngập ngừng thì Thu Ba mê một thầy giáo ngoại quốc.

Sự việc bắt đầu với những bài bình luận của thầy về văn hào Tolstoy. Thu Ba đang bận rộn sửa soạn bài thuyết trình về tác phẩm Chiến tranh và Hoà Bình, gần như thường xuyên phải ở lại thư viện trễ để tham khảo tài liệu. Có bữa thầy cũng ở lại trễ giúp Thu Ba. Lại có bữa sau khi thư viện đóng cửa, thầy mời Thu Ba dùng văn phòng và tủ sách riêng của thầy. Thầy lại pha trà đen Anh Quốc và dọn bánh quy mặn phớt bơ tươi để đãi Thu Ba giữa hai câu chuyện văn học. Chia sẻ với thầy miếng quà thanh đạm đượm hương vị đại học ngoại quốc. Thu Ba tưởng như đang hít thở bầu không khí của khu Campus cổ kính miền Tân Anh Cát Lợi, nơi chính thầy đã tốt nghiệp.

Thu Ba thán phục nét sâu sắc của thầy khi thầy bàn về những rầy rà của nhân tâm. Cái rộng lượng của thầy với những yếu đuối của con người làm Thu Ba rung động. Tolstoy thật là siêu việt, mà thầy cũng thật là độc đáo.

Ít lâu sau, Thu Ba lẫn lộn tài sáng tạo tuyệt vời của Tolstoy với tài bình văn sâu sắc của thầy. Đến khi Thu Ba lẫn lộn thân thế mình cũng như thân thế thầy với những nhân vật tiểu thuyết, thì chuyện chia sẻ tột cùng với thầy chỉ còn là điều tất nhiên. Gần gũi tâm hồn đã như vậy, gần gũi phủ tạng chỉ còn vấn đề cơ hội... Và cơ hội đã đến nhiều lần... Họ thành đôi tình nhân vong niên, dị chủng, mà cuộc tình chưa bắt đầu đã bị đe dọa bởi sự phê phán nghiệt ngã của cả hai xã hội.

Vào cuối năm thứ hai, hôn nhân được tổ chức gấp gáp, trong miễn cưỡng của gia đình cũng như phê phán của đại học và của tòa lãnh sự. Đám cưới xong Thu Ba theo chồng về Mỹ. Bảy tháng sau nàng sinh đứa con đầu lòng.

Thu Ba tạm ngưng, quay lại nhìn Lang, yên lặng giây lát. Lang hỏi Thu Ba:

"Em còn yêu Karl nhiều không?"

Thu Ba chậm rãi như đang trả lời cho câu hỏi của chính mình:

"Em... nghĩ rằng không?"

Rồi Thu Ba kể tiếp:

"Cuộc tình của em với Karl đã chết từ tối tân hôn. Có lẽ một phần vì em không có một đám cưới bình thường mà người con gái nào cũng mong ước, cái đám cưới trong sự hoan hỷ vui mừng của cả hai bên cha mẹ... Mà có lẽ em như đã kiệt sức sau bao nhiêu mắng nhiếc của gia đình... Tối tân hôn em bỗng nhận thấy Karl hoàn toàn xa lạ, và em khám phá ra em không biết gì đáng kể về con người này, ngoài sự chung chạ thầm lén mấy tháng trước, và những lời bình luận từ chương về Tolstoy...

"Và tối đó là lần đầu tiên em nghĩ đến lời em hẹn lấy anh một cách nghiêm chỉnh, đến đám cưới của em với anh như một chuyện không hoàn toàn con nít như em thường nghĩ, mà lẽ ra phải thực sự xảy ra. Và nếu xảy ra thực sự, thì nhân duyên em, cuộc đời em sẽ hạnh phúc bao nhiêu. Sẽ đàng hoàng trang trọng bao nhiêu...

"Lúc đó em bỗng thấy rõ tất cả cái lem nhem thầm vụng khi em ăn nằm với Karl suốt mấy tháng trời, khi thì trong thư viện, khi thì trong xe hơi của Karl... Giá là anh, thì niềm vui tân hôn của em sẽ diễn ra giữa sự chúc phúc của mọi người. Đam mê mà vẫn trong trắng... Xác thịt mà vẫn thiêng liêng...

"Và đêm tân hôn, em khóc ấm ức, em khóc cuộc đời lỡ dở của em... Karl nghĩ em khóc vì sung sướng... Và tế nhị, Karl vỗ về em, rồi ngồi bên cạnh yên lặng săn sóc cho em. Em khóc đến kiệt sức ngủ thiếp đi.

"Gần sáng vòng tay ôm của Karl đánh thức em dậy... Em nhắm mắt nghĩ đến anh, và trong cái vô lý của tâm hồn em khi đó, em nghĩ em đang sống với anh, và đang đến bù cho anh...

"Từ hôm đó em bắt đầu nghĩ đến chuyện lấy anh làm chồng như chuyện thực, và nghĩ đến anh như một người tình cũ mà số mệnh chỉ bắt em tạm thời xa cách. Em biết là mình hoàn toàn vô lý, nhưng vậy mà vẫn không chừa được. Có lúc ý nghĩ vô lý này ám ảnh em đến chỗ bệnh hoạn".

* * *

Thu Ba nằm cạnh Lang thủ thỉ kể chuyện... Lang yên lặng lắng nghe, khẽ ve vuốt bờ vai trắng mềm của người đàn bà. Lang sung sướng và ngạc nhiên với hạnh phúc mới kiếm được. Cuộc tình mở đầu phiền toái, mà hoá ra vô cùng êm ả. Thực ra Thu Ba cũng không thủ đoạn như Lang đã nghĩ...

Nhưng bỗng nhiên Lang lo sợ... Thu Ba có đầu óc hơn chàng tưởng, và trăn trở quá. Cái trăn trở của Thu Ba nếu không kịp thời khuây khỏa, sẽ đe dọa cả cuộc vui hiện tại. Lang ve vuốt Thu Ba. Lang nhắc tới những kỷ niệm vui cũ ở Huế, mà bây giờ chàng đã nhớ lại. Lát sau, Lang thành công, và Thu Ba lại cười như nắc nẻ. Lang ỡm ờ:

"Em liến khỉ như hôm bắt anh cõng em hái me..."

Lang biết mình đã lạm dụng kỷ niệm đẹp đến chỗ nhàm chán. Nhưng Thu Ba không nhàm chán. Nàng ngước mắt nhìn Lang như em bé bẩy tuổi năm xưa, ngây thơ, hồn nhiên, sung sướng... Lang biết Thu Ba đang nhớ hôm nàng ngồi công kênh trên cổ Lang để hái me... tinh nghịch. Lang nghĩ đến sự gần gũi tương tự với Thu Ba vừa xẩy ra lúc nãy, nhưng trong thân thế và mục đích hoàn toàn khác biệt của hiện tại...

Như đọc được ý nghĩ của Lang, Thu Ba đỏ mặt, nét ngây thơ vụt biến đi để nhường chỗ cho đam mê. Bàn tay Lang đặt lên lưng bạn bỗng cảm thấy dưới làn da mịn, những sóng ngầm của rạo rực khát thèm đang dồn dập trở về...

10

Khi Lang thức dậy thì trời đã tối. Mặt trời đã lặn từ lâu, và mấy ngọn đèn ngoài sân khách sạn lờ mờ chiếu vào phòng. Trăng chưa lên, và nền trời lác đác vài ba vì sao. Lang nghe lẫn trong tiếng thủy triều rào rạt, những hòn cuội bị sóng dồi dập vào nhau lốp bốp như pháo tép. Giữa hai đợt sóng, căn phòng yên lặng, chỉ có tiếng gió lất phất lá màn cửa.

Lang thấy khoan khoái thấm nhuần cơ thể. Rồi nhớ đến chuyện vừa xảy ra. Lang sung sướng nghĩ Thu Ba, người đàn bà xinh đẹp mấy giờ trước còn vô cùng khó hiểu, đã thuộc về chàng. Kiêu hãnh với chiến thắng mới trên đường tình ái, chàng đưa tay tìm Thu Ba. Chàng bắt được bàn tay nhỏ bé mềm mại của nàng. Thu Ba vẫn còn đấy, đang nằm bên Lang, yên lặng, ngoan ngoãn...

Lang thấy rất hợp với Thu Ba, từ cách thức yêu đương đến dáng nét tâm hồn. Cả lối nói chuyện của Thu Ba đầy ám ảnh với trong sạch hay trinh tiết, lúc nãy nghe như nghịch tai, bây giờ lại hóa ra ngộ nghĩnh dễ thương... Lang quay lại định rủ Thu Ba dậy sửa soạn để ra phố ăn tối.

* * *

Nhưng Lang bỗng sững lại. Thu Ba nằm bất động như một pho tượng, mắt hướng về trần nhà. Mới trông tưởng như ngủ, nhưng dưới ánh đèn cửa sổ chiếu vào, Lang thấy Thu Ba đang khóc... Lang đã thấy đàn bà khóc nhiều lần trong quá khứ... Nhưng chưa ai khóc một cách thảm thương như vậy. Thu Ba nằm ngửa bất động, khóc không thành tiếng, mắt mở to, không điều tiết, và từ khóe mắt, nước mắt ứa ra đầy tròng rồi chảy tràn thành dòng nhỏ theo mang tai xuống gối. Thu Ba khóc như một pho tượng cẩm thạch biết khóc, và tấm hình hài xinh đẹp như sắp tan thành suối lệ.

"Thu Ba...", Lang sẽ gọi.

Thu Ba chợt tỉnh, quay lại nhìn Lang. Cười gượng như xin lỗi, nàng nói:

"Em mít ướt quá. Nhưng anh đừng bận tâm. Em hay khóc điên như vậy.. "

Lang chống tay nhỏm dậy:

"Thu Ba, tại anh sao?”

"Không, không phải tại anh. Em yêu anh... Nhưng em khóc vì chuyện khác..."

Lang khẩn khoản:

“Chuyện gì? Nhất định tại anh rồi. Anh thật không được tích sự gì, chỉ làm khổ em..."

"Bậy nào. Em khóc chuyện vớ vẩn ấy mà, không can gì đến anh..."

Lang lo lắng nài nỉ. Thu Ba nhìn Lang như ái ngại. Má phấn còn ố nước mắt, nàng rán cười thật tươi để trấn an Lang:

“Chuyện tiểu thuyết vớ vẩn ấy mà. Em đọc đã lâu rồi... Lúc anh ngủ, em đói bụng, ra lấy bánh nướng ăn... Em bỗng nhớ lại... Nhưng em kể, anh không được cười nhé...”

Nàng kể cho Lang nghe một truyện dịch, hình như từ Nhật bản, về chiếc bánh nướng. Chuyện đọc đã lâu, và như phần đông truyện hay, cốt truyện không khúc mắc, nhưng nỗi trăn trở của nhân vật lại vô cùng ám ảnh.

Truyện rằng ngày xưa có người võ sĩ nghèo, vác gươm đi theo một ông hầu tước, mong lập công danh sự nghiệp.

Một hôm thua trận, hầu tước bị thương được người võ sĩ cõng vào rừng trốn. Khi chờ đợi viện binh, hầu tước hỏi ân nhân: "Tráng sĩ mơ ước điều gì nhất trên đời?"

Người võ sĩ suy nghĩ rồi thưa rằng mình thèm nhất là chiếc bánh nướng. Mơ ước tầm thường bắt nguồn đã lâu, khi y còn là một cậu bé mười tuổi. Hôm ấy, nhân dịp theo mẹ vào giúp việc một nhà giàu trong làng, cậu bé thấy gia đình chủ đang ăn bánh nướng và uống trà dưới trăng trong hoa viên... Cảnh sống nhàn hạ của chủ làm cậu bé tủi thân, và cậu hứa với mẹ là bao giờ trưởng thành, cậu sẽ cung kiếm lên đường đánh giặc lập công, mong có ngày giàu sang dọn tiệc trà dưới trăng đãi mẹ...

Hầu tước nghe nói thương tình, định tâm nếu hai người sống sót, sẽ giúp ân nhân toại nguyện. Ít hôm sau viện binh tới giải vây, và sau cùng hầu tước thắng trận. Tan giặc, hầu tước trở về kinh đô, ban thưởng ân nhân vàng lụa, lại đề bạt ân nhân lên chức tướng quân. Hầu tước cũng không quên đích thân sai dọn tiệc trà trong hoa viên với bánh nướng hảo hạng để khoản đãi ân nhân. Tất nhiên là hầu tước cho mời lão phu nhân tới.

Nhưng người mẹ già sau những năm binh biến khói lửa, thui thủi một mình trong lam lũ bần hàn, đã lâm bạo bệnh. Bà qua đời trước khi con trai thắng trận trở về. Người võ sĩ, sau cùng quyền cao chức trọng, công thành danh toại, một mình ăn bánh uống trà trong hoa viên của hầu tước...

Chiếc bánh không ngọt mà chung trà không thơm như chàng đã tưởng, và tất cả công danh phú quý khi cầm được trong tay đã trở thành nhạt nhẽo vô vị... Người võ sĩ bỗng thấy tất cả cái mỉa mai của kiếp người. Mộng ước cũ bấy lâu khao khát, khi đạt được lại hóa ra tầm thường. Còn nữa, mộng ước một khi đã đạt được rồi, tương lai trước mặt trở nên trống trải quá. Chàng chợt tiếc cái thời mà chiếc bánh chưa ăn và chung trà chưa uống vẫn còn là niềm hy vọng nguyên vẹn cho cuộc đời, như một mục tiêu vững bền để sống...

Thu Ba kết luận:

"Em không biết kể chuyện, nên chắc anh không thấy cảm động..."

Quả thật, Lang không cảm động:

"Truyện em kể rất hay. Nhưng mà ăn nhằm gì đến em?"

Thu Ba cười lúng túng:

"Tại lúc nãy ăn bánh nướng một mình khi anh ngủ say, em lạc đề lẩm cẩm, đem câu chuyện vận vào mình. Em nghĩ em giống người võ sĩ nghèo. Trong cuộc sống hàng ngày tội nghiệp, em cũng đã tạo ra một mơ ước, nghĩ rằng nếu mơ ước đó được thực hiện, cuộc sống của em sẽ hoàn toàn hạnh phúc... Như người võ sĩ với mơ ước ăn bánh uống trà dưới trăng.

"Em chọn anh làm mơ ước của em... vì em yêu anh, mà có lẽ... cũng vì cơ hội gặp lại anh xa vời, như không bao giờ có thể xảy ra. Em không muốn ngoại tình... Không phải em còn yêu chồng em, mà vì em tự trọng.

"Có lẽ, em nói anh sẽ không tin... nhưng suốt đời em yêu những gì trong trắng... Và lập tâm ngoại tình với anh trong một gặp gỡ không bao giờ xảy ra, em vừa có hy vọng để sống, mà vừa không bao giờ phải hạ mình đến chỗ thực sự ngoại tình..."

Ngọn gió đêm từ bể thổi nhẹ vào phòng, lành lạnh. Thu Ba kéo tấm chăn mỏng bên lên đắp lên mình. Rồi như say mê, nàng lại nói. Giọng nàng khi khoan nhặt, đều đều như một con thuyền đang xuôi dòng về lại những làng xóm cũ, những quãng đời cũ... Nàng bảo:

"Tối hôm qua... khi thấy anh bước vào phòng khách anh Bảo, em mừng mừng tủi tủi. Và em biết tình em với anh không còn có thể trừu tượng mãi mãi. Và ngay từ tối hôm qua, em biết chúng mình sẽ có lúc... như bây giờ. Nhưng em lại nghĩ... nếu anh yêu em say đắm... nếu anh thực tình yêu em như em yêu anh... thì dù sao đi nữa, em vẫn trong sạch. Anh không thể hiểu nổi em yêu những gì đoan trang và trong sạch đến thế nào. Em ghê sợ những chuyện tồi bại lôi thôi... như hồi em lén lút với Karl ở Huế...

"Và em quyết định không cho anh gần gũi thân mật, cho đến khi có tình yêu thực sự giữa hai đứa mình... Hôm qua, em biết anh tìm tới em vì đam mê hơn là tình yêu, và em cũng thấy ở anh cái tham lam chinh phục của đàn ông... và em trốn chạy...

“Nhưng em trốn chạy không được lâu. Sự thật là em yêu anh nhiều hơn cả khát vọng của em với những gì đoan trang trong sạch..."

Lang xót xa. Thu Ba nói tiếp:

"Vậy mà khi đã yêu anh rồi... Em muốn nói lúc nãy khi anh buông em ra... Em bỗng ghi nhận là sự gần gũi của hai đứa mình chẳng qua vẫn chỉ là một vụ ngoại tình tầm thường".

Lang yên lặng, niềm xúc động to lớn đến ngột ngạt. Thu Ba nói tiếp, giọng nàng bình thản, buông xuôi:

"Lúc nãy khi anh ngủ, em đói bụng mò ra bàn ăn bánh. Không có áo choàng, em thấy gió bể lạnh quá... Rồi em bắt gặp hình em trong tấm gương lớn trên mặt tủ, trần trụi giữa phòng khách sạn, co ro một mình ngồi bốc ăn mấy miếng bánh vụn... Em chưa bao giờ hình dung em dung tục thảm thương đến như vậy... Em tủi thân... Em nghĩ không những giấc mơ của em đã chết, mà người đàn bà trong trắng, hay cái ảo tưởng về một người đàn bà như vậy trong em cũng đã chết rồi. Em thấy em hoàn toàn bơ vơ. Giá anh thức lúc đó thì chắc em không suy nghĩ một cách đen tối như vậy..."

Lang nín thở. Chàng thấy thương Thu Ba vô cùng. Nàng nằm song đôi bên Lang, mặt đầy nước mắt, tâm hồn cũng như thể xác không chút che đậy giấu giếm. Sự phơi bày hoàn toàn và tin cẩn. Và trái với lời nhận tội Thu Ba nhắc đi nhắc lại từ nãy đến giờ về hư hỏng và trắc nết, Lang chỉ thấy cái đẹp và cái thật trong cả tâm hồn lẫn thể xác ấy...

Bây giờ Lang mới biết Thu Ba đã để cho chàng quấy hôi bôi nhọ tấm thân kiều diễm này, không phải vì chàng giỏi dụ dỗ chinh phục, mà vì Thu Ba thành thực yêu chàng. Yêu còn tha thiết hơn cái yêu gần như thiêng liêng nàng vẫn dành cho trong sạch trinh tiết. Thủ đoạn chinh phục của chàng thật ra không qua nổi mắt Thu Ba... Mà cũng không cần thiết để tới kết quả hiện tại.

Và chua xót, Lang cũng biết thủ đoạn đó đã giết một người đàn bà trong trắng, người đàn bà độc nhất trên đời đã thành thật yêu chàng. Lang quay sang ôm Thu Ba vào lòng. Lang không còn thấy cái đam mê thể xác, mà chỉ có một trời êm ấm và xót thương. Không phải chỉ một mình người đàn bà trong trắng trong Thu Ba vừa mới chết. Có gì sâu kín trong Lang cũng đã chết theo.

Rồi cay đắng, Lang ghi nhận cái con người tốt và vị tha của thủa niên thiếu trong Lang không phải hôm nay mới chết. Anh ta đã chết lâu rồi, qua những lần thất vọng, những lần bị người phản bội hay phản bội người, qua những èo sèo tích lũy từ suốt mấy thập niên qua... Nhưng mà cái con người thực tế còn lại, cái con người với mộng ước tầm thường, giai đoạn, cái con người dễ dãi khi chấp nhận những chai sạn của bản thân cũng như của người khác, cái con người vẫn giúp Lang sống với những giới hạn của cuộc sống hàng ngày, con người đó cũng vừa mới chết đêm nay.

Lang thấy vô cùng mệt mỏi, như một bệnh nhân sau những tuần mê man của trận ốm thương hàn... như một món đồ chơi dây thiều vừa đứt. Bám lấy víu lấy Thu Ba, Lang nói:

"Thu Ba. Đừng bao giờ bỏ anh. Anh cũng chết rồi..."

Tháng bảy, 88.
M.K.N
(TCSH59/01-1994)

 

Các bài đã đăng
Áo độc (11/04/2025)
Mộng hoàng kim (04/03/2025)
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)